Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Đây thôn Vĩ Dạ - Nỗi niềm của người con xa Huế

Đây thôn Vĩ Dạ - Nỗi niềm của người con xa Huế
Nguyễn Thị Xuân Yến
*Ts - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bài viết cho chúng ta một góc nhìn mới bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử: Đây là nỗi niềm của một người con xa Huế.
Có rất nhiều góc nhìn, sự cảm nhận về Đây thôn Vĩ Dạ, một bài thơ trữ tình đã trường tồn hơn nửa thế kỉ của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Có tác giả xem Đây thôn Vĩ Dạ là một tiếng thở dài đáng quý của Hàn Mặc Tử; Có người chỉ tập trung phân tích khách thể được thể hiện trong tác phẩm: thôn Vĩ Dạ, dòng sông Hương và những cô gái Huế; Có nhà nghiên cứu nhận định bài thơ là nỗi niềm âu lo cho hạnh phúc, cho khát vọng của cái Đẹp hóa giải trạng huống đau thương,… Thậm chí, những nhận định, những cảm nhận về bài thơ còn trái chiều, mâu thuẩn. Tuy nhiên, không ai có thể phủ định rằng, Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ được khởi nguồn từ xúc cảm của một người con đã rời xa xứ Huế, rời xa Vĩ Dạ, một làng quê thơ mộng nằm bên bờ Hương Giang. Bài viết này xin được bắt đầu từ sự khởi nguồn đó.
Theo Đào Quốc Toản, cảm hứng mãnh liệt của nhà thơ trào dâng từ một tấm hình của người bạn gái thôn Vĩ, cô Hoàng Cúc gửi cho tác giả khi nghe tin Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y. Tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh, ánh nhìn như trách móc của người trong ảnh khiến ý thơ thoát ra: “Sao anh không về chơi Thôn Vĩ?”. Quách Tấn và Mai Văn Hoan lại cho rằng, không phải nhà thơ nhận được tấm hình của Hoàng Cúc mà là một tấm bưu thiếp phong cảnh. Cho dù là thông tin nào, nhưng có một điều thống nhất, thôn Vĩ, xứ Huế đã sống dậy, khơi nguồn xúc cảm của trái tim dạt dào yêu thương nhưng thể xác trĩu nặng đau thương bệnh tật. Nỗi niềm với Huế nhờ thế, như một sinh lực hồi sinh khiến đất trời thiên nhiên tươi sáng, tràn đầy sức sống:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt qua xanh như ngọc
Lá trúc chen ngang mặt chữ điền”
Một vùng quê ẩn mình sau những mảnh vườn xum xuê hoa trái, tràn ngập ánh sáng mặt trời, thấp thoáng con người bình dị,… có thể bắt gặp rất nhiều trong các bài thơ khác. Hàng cau, lá trúc, cây cối xanh mướt được miêu tả ở đây có thể thấy bất kì nơi đâu trên đất nước Việt Nam thân yêu, có điều, trong trang thơ này, người đọc cảm nhận được một nét riêng rất Huế nhờ hai từ “nắng” được lặp lại liên tiếp trong một câu thơ. Ai đã từng sống ở thôn Vĩ mới cảm nhận được vẻ đẹp mê hồn của nắng buổi sớm,
trong khu vườn xanh mướt hoa lá, cỏ cây. Trong những khu vườn đó, người ta thường thấy những cây cau mạnh mẽ vươn lên để đón tia nắng đầu tiên trong ngày, chiếm lấy cái sâu thẳm của bầu trời vào mỗi buổi bình minh. Vẻ đẹp của “nắng hàng cau” đãkhắc chạm trong tâm tưởng của Hàn Mặc Tử, để rồi câu thơ bỗng vụt lên, xua đi tất cả đau thương, u uất, để lại cho đời vần thơ trong sáng, tinh khôi. Bức tranh thôn Vĩ không chỉ có chiều cao của “nắng hàng cau” mà còn có chiều rộng của khu vườn “xanh mướt như ngọc” và chiều ngang của khuôn “mặt chữ điền”.
Tác giả không dùng từ “mượt quá” mà dùng từ “mướt quá”. Nếu “mượt quá” chỉ đơn thuần gợi sự mềm mại, mịn màng thì “mướt quá”, còn mang dáng vẻ non tơ, lóng lánh. Cả khu vườn như vừa được tắm gội trong sương đêm thanh sạch, ánh lên màu ngọc bích huyền ảo nhờ những tia sáng mặt trời buổi sớm. Nếu câu thơ thứ hai trào dâng niềm vui, niềm rạo rực của người con xa Huế, nhớ về Huế khi trong tâm tưởng ngập tràn “nắng hàng cau” thì câu thơ thứ ba, với đại từ phiếm chỉ “ai”, người đọc cảm nhận vẻ đẹp mê hồn của khu vườn ấy đã không thuộc về nhà thơ nữa rồi. Cảnh sắc khu vườn thôn Vĩ chân thực, rõ ràng nhưng đã nhuốm màu hư ảo. Nỗi khát khao gắn bó với vẻ đẹp kia như một cơn gió se lạnh thổi vào niềm vui vừa mới hâm nóng, bừng lên từ cảm hứng của nhà thơ về thôn Vĩ mộng mơ. Khoảng cách giữa thân phận bệnh tật của mình với người thôn Vĩ đã chớm dậy trong lòng thi sĩ, để rồi hình bóng con người thoắt ẩn hiện, không rõ ràng: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Chưa thể thống nhất “mặt chữ điền” là khuôn mặt của đàn ông hay đàn bà, của chính Hàn Mặc Tử hay của người con gái trong tấm ảnh gửi cho nhà thơ. Tuy nhiên, điều không thể không cảm nhận là vẻ đẹp của khuôn mặt chữ điền luôn biểu hiện cho sự thủy chung, tròn trịa,
nghĩa tình. Người Huế có câu ca dao “Mặt em vuông tựa chữ điền – Da em thì trắng, áo em mặc ngoài – Lòng em có đất, có trời- Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung”. Khát vọng thiết tha về hạnh phúc, về tình nghĩa thủy chung vẫn luôn cháy bỏng trong
lòng thi nhân. Ba câu thơ trong khổ thơ đầu của bài thơ đã vẽ nên một bức tranh nhiên nhiên và con người Vĩ Dạ tuyệt diệu, đáng yêu bằng nỗi hoài niệm về người con xa Huế. Câu hỏi đầu khổ thơ không tìm kiếm câu trả lời mà đã đánh thức kỉ niệm về Thôn Vĩ của thi nhân, đánh thức “kỉ niệm một thời học trường dòng Pellerin ở Huế, đánh thức kỉ niệm về một ngày đến thăm người trong mộng, chỉ dám đứng đầu ngõ, không dám vào,…”.
Thôn Vĩ bây giờ chỉ còn là nuối tiếc, là day dứt của Hàn Mặc Tử. Niềm vui ngắn ngủi trước vẻ đẹp của tình người, trước sức sống của thiên nhiên đã vụt bay đến cõi đau thương. Chính vì thế, cảnh vật thiên nhiên từ tươi sáng đã nhuốm màu mơ hồ, xa xăm,
bâng khuâng, man mác:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Một không gian nghệ thuật có gió, mây, dòng sông, hoa bắp, ánh trăng. Giọng thơ nhẹ nhàng nhưng thoáng buồn. Gió mây đôi ngả như tình người, tình quê xa vời cách trở. Dòng Hương Giang “buồn thiu”, hoa bắp nhè nhẹ, lay trong gió thoảng. Người đọc có thể cảm nhận được nhịp điệu khoai thai Nam Ai, Nam Bình nhờ điệp ngữ luyến láy của những dòng thơ. Việc dùng từ “buồn thiu” một cách tinh tế cho thấy, Hàn Mặc Tử đã gắn bó sâu sắc với mảnh đất nên thơ, trữ tình, man mác buồn. Phải là người Huế, phải sống ở Huế lâu năm, phải gắn bó máu thịt với con người và mảnh đất Cố Đô thì mới cảm nhận hết nỗi buồn được gửi trong hai từ “buồn thiu”, cách nói của người Huế. Kết thúc khổ thơ thứ hai là con thuyền và không gian tràn ngập ánh trăng. Sông Hương đã trở thành sông trăng, dòng sông tâm tưởng. “Thuyền ai” vừa thân quen, vừa xa lạ. Tất cả đều đẹp nhưng hư ảo bởi tâm hồn thi nhân xao xuyến, bâng khuâng, khắc khoải lo âu sự muộn màng “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Người đọc cảm nhận rõ sự mâu thuẫn giữa khát vọng nắm bắt cái Đẹp, nắm bắt cuộc sống đích thực của một tâm hồn giàu xúc cảm, giàu yêu thương với nỗi cô đơn, đau thương, u uất của một thể xác bệnh tật. Và hơn hết, chúng ta cảm nhận được nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi đau vô hạn củaHàn Mặc Tử như tâm trạng của các nhà Thơ mới đương thời. Những gì họ mong chờ chỉ là ảo giác mà thôi. Do vậy, con người trong khổ thơ cuối nhạt nhòa, xa vắng, mờ ảo
trong không gian ngập tràn sương khói:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Đến đây, chúng ta cảm nhận rõ sự chơi vơi, hụt hẫng của nhà thơ trước một chút hi vọng mong manh nhưng tha thiết đang nhạt nhòa cùng sương khói. “Khói sương” trong thơ Đường thường gắn với tình cố hương. Tình yêu khắc khoải đối với người con
gái xứ Huế đã hòa quyện với tình yêu thôn Vĩ, tình yêu quê hương trong hoài niệm, hư vô,…

Gắn bó với Huế, với mỗi miền quê, để rồi rời xa trong nỗi niềm quyến luyến, yêu thương mới cảm nhận hết tâm trạng và tình cảm của thi nhân Hàn Mặc Tử gửi gắm trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Cảm ơn nhà thơ đã vượt lên số phận nghiệt ngã để cho Huế và cho đời áng thơ bất hủ.

1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...