Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Bâng khuâng chiều ba mươi

Bâng khuâng chiều ba mươi

Đi qua vùng cỏ non
Ngỡ mùa xuân đang tới
Bâng khuâng chiều ba mươi
Tóc em xanh màu trời
Đó là ca từ trong bài Đi qua vùng cỏ non của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Vì ngỡ mùa xuân đang tới nên ta hiểu ngay chiều ba mươi ở sau đó chính là ba mươi Tết. Chiều cuối năm dễ khiến người ta bâng khuâng nghĩ đến thời khắc giao thừa. Ý này càng rõ hơn khi đoạn sau đó nói đến mùa thu:
Đi qua vùng lá rơi
Ngỡ mùa thu đang tới
Đường rộng nào em đi
Đóa hồng nào trên tay
Thế nhưng những nhà quản lý văn hóa nhìn xa trông rộng của chúng ta ở thời điểm sau 1975 đã không chịu hiểu như vậy, mà tầm nhìn cao siêu của họ đã thấy rằng ba mươi ở đây không phải ba mươi Tết mà là ba mươi tháng Tư.
Thế là nhạc sĩ Trần Long Ẩn bị quở: Ba mươi tháng Tư là ngày chiến thắng, ngày toàn dân hân hoan reo mừng, tại sao chú mày lại bâng khuâng? Phản động! 

Thế là bài hát bị cấm. Cấm một thời gian dài. 

Hồi đó, thời bài hát chưa bị các nhà quản lý văn hóa thông thái phát hiện tư tưởng phản động, mình rất thích nghe bài này qua giọng ca Thanh Lan. Giờ Thanh Lan đã đi mất rồi. Mình thích lắm những câu:
Em phải đi đến nơi
Dù muộn cũng phải nói với nhau
Những dòng sông đã lâu
không ra được biển rộng
Là những dòng sông lạc loài 
muộn phiền quanh vách núi 
như gương không người soi
và nhất là đoạn này
Những giọt nước mắt ai 
lăn qua môi ưa cười
Và những được mất riêng của mình
Đời người ai cũng có 
Hãy cho nhau tình yêu
Hãy thương nhau thật nhiều!

May là sau đó bài Đi qua vùng cỏ non được lưu hành trở lại. Quang Dũng, Hồng Nhung... đã hát lại bài này thay cho Thanh Lan ngày xưa.
Bây giờ đang là chiều Ba mươi, và mình đang bâng khuâng. Vì thế mình nghe lại Thanh Lan hát Đi qua vùng cỏ non để... bâng khuâng chiều ba mươi.
Và tự nhiên mình nghĩ: Hay là Trần Long Ẩn bâng khuâng chiều ba mươi tháng Tư thiệt ta? Và nếu vậy thì bài Đi qua vùng cỏ non bị cấm cũng là... đáng đời! :-)
Phạm Hoài Nhân



1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...