Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Cảm nhận về bài thơ lục bát bốn mùa

Cảm nhận về bài thơ lục bát bốn mùa


                 
Xuân

Xuân về khẽ chạm làn môi
Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần
Mưa như bụi ngọc trong ngần
Vườn xưa Đào nở, trước sân Mai vàng.

Hạ
Tháng năm phượng cháy đỏ trời
Gió như ai quạt làm rơi than hồng
Ve ru giấc hạ say nồng
Cánh diều bay giữa mênh mông nắng ngời.

Thu
Hạ đi vắng tiếng ve sầu
Thu về trước ngõ qua cầu Heo may
Lần tìm hơi ấm bàn tay
Khép tà áo mỏng, đón ngày thu sang.

Đông
Mưa phùn, gió bấc- Mùa đông
Đêm dài giá rét, ngày không mặt trời
Cành gầy treo giọt sương rơi
                                  Hẹn ngày lộc thắm- biếc ngời sắc xuân.

Bức tranh bốn mùa vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca. Mùa Thu được biết đến là mùa của lá vàng bay, mùa Hạ với tiếng ve ngân.Mùa Đông cây trơ cành, trụi lá... Mùa Xuân đến, vạn vật thay áo mới, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa khoe sắc. Đó quy luật tất yếu của tự nhiên, mà sao cứ làm vấn vương lòng người. Vẫn theo quy luật liên hoàn của thời gian, không gian nhưng chùm thơ "Lục bát bốn mùa" của tác giả Việt An, đã để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng khó quên.
Mùa xuân thường gợi cho ta nghĩ đến tuổi trẻ, đến vẻ đẹp đầy sức sống của con người và đất trời. Cảnh mùa Xuân trong thơ Việt An đầy quyến rũ. Tác giả cảm nhận được bước đi của thời gian. Xuân về nhẹ nhàng, say đắm như  nụ hôn của thiếu nữ - "khẽ chạm làn môi". Bài thơ như một cung đàn trong trẻo, đằm thắm, thiết tha với bao cảm xúc:
         "Xuân về khẽ chạm làn môi
Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần
      Mưa như bụi ngọc trong ngần
Vườn xưa Đào nở, trước sân Mai vàng."
    Một sớm xuân lãng đãng, cảnh vật được bao phủ trong lớp sương mờ. Sương phủ trắng trên đôi vai người thiếu nữ! Từ láy "lãng đãng" có giá trị tạo hình sâu sắc, cộng hưởng với những hình ảnh gợi cảm ("Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần", "Mưa như bụi ngọc") đã khắc họa cảnh mùa xuân tràn đầy nhựa sống và không kém phần lãng mạn. Không gian xuân bừng sáng, lung linh trong sự hài hòa của sắc màu: sắc vàng của hoa mai, sắc hồng đỏ thắm, tinh khôi của những cành đào, sắc ngọc lung linh của những hạt mưa Xuân.
     Nếu sắc màu làm bừng sáng bức tranh xuân thì "sức nóng" là sự lan tỏa làm nên bức tranh mùa Hạ. Không gian Hạ được phác họa rõ nét hơn trong sắc đỏ của hoa phượng, âm thanh của tiếng ve, sự dập dìu của cánh diều... Những hình ảnh có sức gợi tả, gợi cảm, đưa người đọc về miền kí ức tuổi thơ ngọt ngào, thân thương:
"Tháng năm phượng cháy đỏ trời
Gió như ai quạt làm rơi than hồng
Ve ru giấc hạ say nồng
Cánh diều bay giữa mênh mông nắng ngời."
    Cái hay ở bài thơ này là ở những hình ảnh lôi cuốn, giàu chất gợi tả. Ve được nhân hoá "Ve ru giấc hạ say nồng". Hình ảnh "cánh diều" làm không gian thơ trở nên lãng mạn và mở rộng mênh mông, bát ngát. Cánh diều bay giữa bầu trời trong sắc nắng rực rỡ của mùa hè, gợi sự thanh bình, êm ả. Chỉ vài nét chấm phá,tác giả đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa Hạ đầy ấn tượng.
      Tác giả đã khéo léo vận dụng thành công đặc trưng tái hiện không gian vô cực của thi ca; gói trọn bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong những sắc màu hài hòa, tươi mới. Mùa Thu trong thơ Việt An có nét mềm mại, dịu dàng. Tất cả đường nét, hình ảnh, màu sắc tương giao với nhau tạo nên một mùa Thu bàng bạc trong không gian Thu, làm say đắm lòng người. Mùa Thu còn được tác giả cảm nhận bằng sự giao cảm giữa tâm hồn và thiên nhiên:
"Hạ đi vắng tiếng ve sầu
Thu về trước ngõ qua cầu Heo may
Lần tìm hơi ấm bàn tay
Khép tà áo mỏng, đón ngày thu sang."
     Cái dào dạt của trời thu, sự bâng khuâng của lòng người hòa vào nhau, tạo nên nét mềm mại của cảnh vật, gợi cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, thoáng chút buồn man mác. Thời khắc của mùa Hạ trôi qua, nhường chỗ cho mùa Thu dịu nhẹ. Có một điều đặc biệt, nhưng rất chung, đó là mùa Thu trong thơ văn thường đượm buồn. Nét buồn này vương lại trong thi ca:
                                       “Mùa Thu đi qua còn để lại
                                         Một ít vàng trong lá trong cây
 Một ít buồn trong gió trong mây”
                                                                           (Tế Hanh)
     Nhà thơ Tế Hanh trong buổi chiều thu, đã có những cảm nhận như thế về mùa Thu- mùa gợi sầu, gợi nhớ. Nỗi buồn ấy dường như cũng là tâm trạng phổ quát của mỗi chúng ta, mỗi khi gió heo may chớm lạnh, lá vàng chao nghiêng, sương thu giăng mắc... Cái se lạnh của hơi thu khiến con người như muốn xích lại gần nhau:
"Lần tìm hơi ấm bàn tay
Khép tà áo mỏng đón ngày thu sang"
        Hình ảnh thơ gợi nên một cảm giác mơ hồ, xa vắng khiến lòng ta nao nao, bâng khuâng, nhớ tiếc… Mùa thu trong thơ của Việt An không có lá vàng rơi: "Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"(Nguyễn Khuyến); hay: "Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp lên lá vàng khô”(Lưu Trọng Lư)
        Mùa thu trong thơ Việt An có cái se lạnh của gió heo may, thấp thoáng dáng vẻ kín đáo, dịu dàng của thiếu nữ trong hình ảnh "khép tà áo mỏng". Chỉ có thế thôi mà bức tranh mùa Thu hiện lên với những rung động xôn xao, cảm xúc tinh tế trước đổi thay, luân chuyển của đất trời và sự sống.
      Vạn vật vần xoay, Thu qua - Đông đến. Đông mang theo cái lạnh của mưa phùn, gió bấc. Trong bức tranh mùa Đông, cảnh vật vẫn êm đềm nhưng gợn buồn. In trên nền cảnh lạnh lẽo của mùa Đông là hình ảnh cành cây khẳng khiu, khô gầy:
       "Mưa phùn, gió bấc- Mùa đông
Đêm dài giá rét, ngày không mặt trời
         Cành gầy treo giọt sương rơi"
       Nhưng trong cảnh buốt giá ấy, một nét xuân hé nụ, tươi rói, làm ấm áp lòng người:
“Hẹn ngày lộc thắm - biếc ngời sắc xuân"
       Tác giả sử dụng động từ "hẹn" ở dòng thơ cuối trong tâm trạng háo hức, đợi chờ ngày xuân sắc thắm. Hình ảnh “lộc thắm biếc ngời sắc xuân” ngời sáng một niềm tin, một tình yêu, một sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên. Nét son của  chùm thơ "Lục bát bốn mùa" của Việt An chính là sự gắn kết giữa dòng thơ đầu trong bài thơ "Xuân" ("Xuân về khẽ chạm làn môi") với dòng thơ cuối trong bài thơ mùa "Đông" ("Hẹn ngày lộc thắm biếc ngời sắc xuân"). Đó không chỉ là quy luật của vũ trụ với sự luân chuyển bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông mà chính là tình yêu cuộc sống, là cái nhìn lạc quan của tác giả... Trong cảnh "mưa phùn gió bấc" của mùa Đông, vẫn nhìn thấy cảnh ngày "lộc thắm biếc ngời sắc xuân".
    Điểm nhấn về mặt nghệ thuật của "Lục bát bốn mùa" cũng rất ấn tượng. Với thể thơ Lục bát - thể thơ truyền thống của dân tộc- tác giả không chỉ vẽ nên bức tranh Mùa, mà còn gửi gắm tình yêu, sự giao cảm, giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Nhà thơ đã vận dụng tinh tế các thủ pháp tu từ: biện pháp so sánh: "Mưa như bụi ngọc trong ngần" hay "Gió như ai quạt làm rơi than hồng"; biện pháp nhân hoá: "Áo sương lãng đãng buông lơi vai trần", "Ve ru giấc hạ say nồng"... tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn người đọc. Cảnh vật cân xứng, hài hoà, rõ nét, gam màu nhẹ nhàng, hoà hợp… tạo cảm xúc thơ mộng, bình yên. "Lục bát bốn mùa" như một bức họa đa sắc. Điều đáng chú ý ở thơ Việt An là tác giả đã nắm bắt được cái "hồn" của cảnh vật để phác họa bức tranh thiên nhiên Mùa hữu tình, độc đáo và hấp dẫn.
      "Lục bát bốn mùa" là tiếng nói riêng của tác giả Việt An, góp vào bức tranh chung của thi ca. Thời gian tuần tự Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi mùa đi qua trong một khoảnh khắc đáng nhớ, để lại những cảm xúc khó quên. Đó là sự bắt nhịp của  thơ trong trong không gian, thời gian của thời khắc giao mùa; là tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên của con người.
 Việt An


1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...