Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Hà Nội tình yêu và nỗi nhớ

 Hà Nội tình yêu và nỗi nhớ

Thành phố  tình yêu và nỗi nhớ  - Cẩm Vân 

Những rung động tinh tế của một con người yêu nước, yêu quê hương một cách nóng bỏng, bằng những cái nhìn "lạ" qua góc nhìn của bạn bè xung quanh. Đọc những dòng viết của blogger Hoài Thương tôi như lạc về những cảm xúc trong veo khi lần đâu đến Hà Nội và nuôi lớn dần tình yêu ấy trong cảm xúc của chính mình.
Cảm nhận một Hà Nội thật đáng yêu qua góc nhìn của Blogger Hoài Thương cùng BOOKIN.vn bạn nhé!
1.
Thành phố Phương Nam của tôi giờ này đang vào giữa mùa mưa với những trận mưa trắng trời, được dân gian gọi “mưa ông tha bà không tha”. Quãng nghỉ của những cơn mưa trong ngày, bầu trời lại xanh trong kỳ lạ, hừng nắng hanh heo, gió se se, y hệt tiết trời thu Hà Nội. Và cũng như Hà Nội, cây hoa sữa góc đường Pasteur - Điện Biên Phủ đang trổ trắng hoa, từng chùm rũ xuống, tỏa hương thơm lạ bay dọc phố, mưa xuống hương như càng nồng hơn, lan xa hơn. Mấy tiệm bán mứt kẹo quanh chợ Bến Thành đã lác đác chen vào hương vị đồng quê của hạt cốm Hà Nội. Đâu đó mấy sạp trái cây đã thấy màu vàng xanh của hồng ngâm- hồng giòn, theo cách gọi của người Phương Nam…
Thu Hà Nội
Mùa thu Hà Nội đang lẩn khuất, lãng đãng mang chất men say vô hình len lỏi vào ký ức, vào tâm hồn, vào những suy tư, cho những người đã chót yêu Hà Nội như tôi, cho những người Hà Nội ở Phương Nam và người đã từng ở Hà Nội phải ngẩn ngơ, phải nhớ đến nao lòng, phải tính toán làm sao có thể ra Hà Nội vào mùa thu này, để ngắm mây, đón gió, thấm vào người hương thơm của hoa sữa, hoa hoàng lan, thưởng thức vị ngon ngọt của món ngon Hà Nội, cho thỏa nỗi niềm. Quán bar trên đường Đồng Khởi, giữa trung tâm TP.HCM, trong chiều mưa như muốn cài chặt cái khắc khỏai bằng giai điệu như xóay vào tim của Trịnh Công Sơn:” Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”
2.
Tôi có những người bạn nước ngoài, họ rất hứng thú với văn hóa Phương Đông, lần nào sang Việt Nam làm việc, khi gặp nhau, câu đầu tiên bao giờ cũng là: ”Hanoi!”. Với họ, Hà Nội có một tiềm ẩn về chiều sâu văn hóa Phương Đông, một bí ẩn phong phú nhưng rất tinh tế của phong cách Việt, văn hóa Việt, khám phá, tìm hiểu mãi cũng không thể hết được, càng đi sâu, càng thấy vẻ đẹp không chỉ ở những gì thuộc về “vật thể”, mà ở những di sản “phi vật thể” Hà Nội, là kho báu của tương lai, báu vật của thời gian…
Cũng lạ, khi các người bạn tóc vàng mắt xanh của tôi đến Hà Nội lại luôn chọn ở những khách sạn mini nhỏ xíu, nằm khuất trong ngõ nhỏ phía Hồ Tây, dù họ đến từ nhiều quốc gia nằm trong khối G7 danh tiếng, tân tiến, hiện đại, có quyền lực kinh tế hùng mạnh, là ký giả của những tập đoàn truyền thông nổi tiếng. Hỏi ra mới biết, và tự dưng thấy suy nghĩ của mình, có gì đó không theo kịp họ. Họ muốn gần với thiên nhiên, muốn tránh xa tiếng ồn xe cộ và có lẽ muốn được cảm nhận trọn vẹn hơn những gì gọi là một Hà Nội xưa còn sót lại ít nhiều ở nơi này bởi những truyền thuyết Thăng Long từ 1000 năm trước, luôn hấp dẫn quyến rũ trong hành trình khám phá đất nước, con người Việt Nam.

Sáng sớm mờ sương nơi Hồ Gươm
Không ít lần họ thức dậy từ 4 giờ sáng để ngắm cảnh mặt trời lên trong sương hồ, thu vào ống kính hình ảnh như mơ như thực của Hà Nội trong bình minh. Lắng nghe tiếng người lao xao trong cái mờ tỏ giao nhau giữa ngày và đêm ở mấy vườn hoa làng Ngọc Hà, tiếng khuấy nước khe khẽ của con thuyền nhỏ giữa đầm sen, hay tiếng chim non kêu ríu rít trong một tổ chim trên cành cây cao… rồi rón rén mang cả một lô máy móc hiện đại để thu giữ những âm thanh đó .Tôi có cảm giác, khi đến Hà Nội, các bạn tôi như muốn gượng nhẹ, trân trọng, với những gì thuộc về nơi này như món quà tặng hiếm hoi của thời mà tất cả mọi thứ đang cứ dần thay đổi, mất đi đến chóng mặt.
3.
Hà Nội được mở rộng kể từ tháng 8 mùa thu năm 2008. Vừa thấy đó là điều cần phải như thế để Hà Nội “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” trong thiên kỷ mới, vừa vẫn không thể dấu được một chút gì hoài cổ luyến tiếc như lỡ làm rơi một kỷ niệm không thể tìm lại được. Gặp nhà văn hóa Hữu Ngọc, một lão ông Hà Nội hơn 90 tuổi, vẫn ngày ngày miệt mài đi bộ tới nơi làm việc là một căn phòng nhỏ ở nhà xuất bản Thế Giới, viết và dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp những bài nghiên cứu giới thiệu văn hóa Việt Nam cho nước ngoài, xem xét và duyệt những dự án tài trợ cho việc bảo tồn, giữ gìn, phát triển vốn văn hóa nghệ thuật dân tộc thông qua quỹ SIDA/Việt Nam - Thụy Điển. Ông cười hiền lành khi nghe những cảm nhận và sự lo lắng của tôi về một Hà Nội hôm nay như thế …như thế…Tôi nhớ những gì ông đã nói.
Văn hóa như một cái cây, cây lớn lên, trưởng thành, ra hoa, đơm quả, rồi cũng phải già đi, thay lá khác, nhưng lá già thay đi, lá non mọc lên vẫn là cái cây đó, không thể khác, chỉ có khác là tươi mơi hơn, đẹp hơn, giàu sức sống hơn… Nếu cứ khư khư giữ mãi những gì đã tồn tại mà không chịu thay đổi, thì chính mình làm cho mình bị lạc hậu, bị thụt lùi… Thay đổi không phải là xóa bỏ, mà là một tư duy mới để phát triển hơn. Nếu không có sự thay đổi, liệu có ai chấp nhận một Hà Nội hôm nay thiếu nữ răng đen, đàn ông búi tóc... như những năm 40 của thế kỷ trước? Hà Nội không mất đi đâu khi trong mỗi trái tim, tâm hồn người Việt có một Thăng Long- Hà Nội, những thay đổi về quy mô cũng chỉ là thay đổi “vật thể”, còn giá trị “phi vật thể” thì mãi mãi không thể mất được.
4.
Tôi có một người bạn thân là nghệ sĩ tạo hình, anh người Hà Nộigốc tới mấy đời. Hà Nội trong anh là 2 chiều “động- tĩnh”, không chỉ nhìn ngắm hình khối vật thể chuyển động, không chuyển động mà là cảm nhận những chiều sâu bên trong của con người trước những khối vật thể đó. Anh hay nói với tôi về những phát hiện một Hà Nội xưa- nay rất lạ, trong cái đổi mới tưởng như đang theo các trào lưu tân tiến trên thế giới thì vẫn giấu đằng sau những khỏang lặng của một Hà Nội cổ kính ngàn năm trước. Có lẽ sự nhạy cảm trong tâm hồn nghệ sĩ đã cho anh cái nhìn tinh tế về vẻ đẹp của một Hà Nội vừa mang dáng dấp một Thủ đô của thời “hội nhập”, “tòan cầu hóa”, “kinh tế thị trường”, “công nghệ cao”…, đồng thời vẫn còn đó những ngôi chùa cổ kính, những căn nhà mái ngói vảy cá rêu phong, những người đàn bà đội khăn nhung đen ăn trầu…

Phố cổ Hà Nội; Một góc phố cổ
Mỗi lần tôi ra Hà Nội, dù bận đến mấy, tôi vẫn cố dành thời gian để được anh đưa đi đây đó ngó nghiêng Hà Nội, như cách nói của tôi. Lần nào anh cũng cho tôi những bất ngờ nhỏ, khi thì một con đường mới, khi thì một khu nhà cao tầng vừa khánh thành, khi thì len lỏi qua những ngôi nhà để vào mấy ngôi chùa xưa nằm sâu trong ngõ nhỏ, nhưng có khi anh đưa tôi vào các bảo tàng ở Hà Nội, ra ngòai bãi sông Hồng ngắm mênh mông nước…Và mỗi lần như thế, tôi lại khám phá bằng cảm nhận riêng của mình một Hà Nội đan xen Đông- Tây mang vẻ đẹp vừa bí ẩn vừa mời gọi, để rồi tôi nhớ như một cõi riêng trong lòng, đôi khi, cồn cào, tương tư như một tình yêu khó diễn tả.
5.
"Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu “, ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi vang lên trong quán bar sang trọng ngay trung tâm thành phố Phương Nam toàn những cửa hàng lộng lẫy, xa hoa, giữa chiều giông gió mưa bão lại như xoáy vào nỗi nhớ Hà Nội. Mùa thu này, Hà Nội kỷ niệm những ngày lễ lớn 19/8, 2/9, 10/10 trong một tâm thế và tầm thế mới của thế kỷ 21, của 1000 năm sau, kể từ khi Vua Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về. Hà Nội không còn nho nhỏ, xinh xinh mà một lần nào đó, một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Việt Nam đã ví “như cái làng nhỏ”.
Và những chuyến đi của tôi ra Hà Nội sẽ không chỉ “gói” trong những “ngõ nhỏ”, “phố nhỏ”, mà sẽ xa hơn, rộng hơn, như anh bạn “người Hà Nội” đã vui vẻ lên kế họach. Những Chùa Hương, núi Tản, thành cổ Sơn Tây, làng Đường Lâm cổ tích, làng người Mường thần thọai, dấu tích oai hùng của Hai Bà Trưng… Tầm nhìn, cảm xúc của tôi có lẽ cũng khác trước, không chỉ lãng đãng mơ mộng sương khói với nét cổ kính trầm tư của Hà Nội- Thăng Long, mà còn choáng ngợp trước sự bề thế và quy mô của Hà Nội thiên niên kỷ thứ 3, thế kỷ 21.
Khi đó tình yêu, nỗi nhớ Hà Nội trong tôi có lẽ không như một chiều mưa giữa TP. Phương Nam, nghe những ca khúc về Hà Nội, quay quắt nhớ những mảng tường rêu phong, những tán lá bàng, những hoàng hôn trên Hồ Tây, và tiếng cuộn sóng Sông Hồng mùa nước lớn…và nhớ một giọng nói nhẹ nhàng, êm mượt của “Người Hà Nội”.

 http://beat.vn/



1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...