Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Mùa xuân đi tìm tầm xuân

Mùa xuân đi tìm tầm xuân

Có rất nhiều  tên hoa, lá, cỏ, cây đã đi vào  văn thơ Việt nam: hoa sim tím, hoa vông vang, hoa tường vi, hoàng hoa, lá phong, lá diêu bông, cây liễu, cây hoàng lan.. Chúng cho ta những mơ màng thương nhớ, những tiếc nuối bâng khuâng , mơ hồ huyễn hoặc  cổ tích để rồi chính chúng lại biến thành huyền thoại: như thực, như hư… Nhiều lần bước chân đến góc vườn xanh ngát cỏ non, đứng bên hàng rào thưa với  những cành lá xanh leo chi chít  đang vươn mình trong nắng xuân dịu êm tôi chợt nhớ đến tên một loài hoa: hoa Tầm Xuân, để lòng bâng khuâng theo câu ca dao
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân“
Đã có  nhiều bài viết tìm hiểu „ nụ Tầm xuân „ là  nụ của cây gì ?
Trong thời đại của „ Google“   ta có thể tìm ra câu trả lời rất nhanh :
Đơn giản vậy sao ? Có  phải đây là nụ Tầm xuân trong câu ca dao  ?
Nếu thế thì loại hoa mình mãi vẫn vơ đi tìm đã có ngay trước mắt :dọc theo hàng rào  vườn nhà tôi  cây này mọc lên rất nhiều và tôi rất sợ chạm đến chúng do chúng có  nhiều gai nhỏ  gây  nhức buốt khi bị  gai đâm.
Loại hồng có trái này dân Đức gọi là Hagebutte,thuộc giống hồng dại :
http://de.wikipedia.org/wiki/Hagebutte
Nếu đúng „ nụ  Tầm Xuân „ là  nụ từ hoa  này thì có lẽ  đây cũng là một giống  như  „Tình hoa“ trong „Tuyệt tình cốc „  của Kim Dung  ( Thần điêu đại hiệp): Cánh hoa mong manh chỉ nở vài ngày trong nắng Xuân và sớm tàn để lại những quả khi không được người hái ,sẽ khô héo xấu xí trên cành.
Lại  lắm chông  gai ai chạm vào  cũng khó tránh khỏi bị gai đâm đau nhức.
Nhưng trở nên món trà chữa  nhiều bệnh, món mứt  (Hagebuttemarmelade) thơm ngon khi ta hiểu giá trị và  biết  trân trọng :
http://url9.de/Pot
(Bạn có  uống trà  trái Tầm xuân vào buổi sáng cùng lúc ăn điểm tâm với bánh mì phết mứt Tầm Xuân chưa ? )
Đã có nhiều tài liệu hình ảnh  rõ ràng về nụ  Tầm Xuân thế  sao tôi vẫn day dứt với kết luận này.Có phải chăng  vì câu thơ từ  bài thơ yêu thích hiện về trong tâm tưởng:
Hoa tầm xuân tím hoang bờ dậu
Lòng anh buồn chi lạ rứa tề..
Màu hoa tầm xuân ở đây là màu tím,tím buồn man mác như buổi chiều nắng tắt chậm,tím nhẹ nhàng như tiếng chim vỗ cánh trong nắng chiều ,tím như những Huế  nhớ trầu xưa ..
( Trong bài thơ ghi là “quế nhớ trầm xưa”nhưng chẳng hiểu sao từ lâu tôi vẫn thấy như là  “ Huế nhớ trầu xưa” ? )..
Và có lẽ  đó chính là hoa Đậu biếc :
Bước ra vườn cà  mà lại  đến hái hoa đậu, tâm trạng ngẫn ngơ đúng như tâm trạng kẻ thất tình trong câu ca dao.Nhưng tỉnh táo ta thấy  câu ca dao  xuất xứ ở xứ bắc,xứ của  cà ,xứ của hương bưởi .
(Nguyễn Hiến Lê có lần ghi hồi ký là mỗi khi đọc đến câu “ Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”( XuânDiệu)  lại như  đưa ông quay về khoảng trời xứ bắc).
Và ở đó.. hoa tầm Xuân hẳn phải  là  những nụ xanh  của hoa hồng dại
như nhiều người dân xứ bắc đã khẳng định.
…Tôi nghĩ có thể  “Nụ tầm xuân” chỉ là  hình tượng trong thơ văn, không hẳn là nụ hoa nào.Nụ tầm xuân xanh biếc non tơ như  khoảng xuân sớm của đời người con gái .Nụ tầm xuân tím như buổi hoàng hôn xứ Huế .   Cũng như  nụ Tầm Xuân trong thơ  Bích Khê
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,
Ô tiên nương ! nàng lại ngự nơi nầy  ?
Chắc phải  là  “ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà”  ..(Kiều) 
Và nụ Tầm Xuân  trở nên  nhiều màu  khi nó bước vào Sàigòn,thành phố hoa lệ  , xe chạy náo nhiệt bỏ mặc những mộng mơ bên lề  đường .
Cho dù  ngoài đời nụ tầm xuân   đủ màu nó vẫn mãi mang ánh xanh biếc như trong câu ca dao.Màu xanh biếc gợi nhiều nỗi bâng khuâng ,xanh biếc  tuổi dậy thì,xanh biếc ánh xuân sắc  mùa xuân  non dại.Một sắc màu đã bước qua  thi ca xanh biếc, không thay đổi cho dù thực tế ngoài đời nụ tầm xuân có màu gì đi chăng nữa.Điều này Bùi Giáng tiên sinh đã giải thích qua ví dụ với một câu thơ của Nguyễn Du :“Phong lưu rất mực hồng quần”
“Hồng quần là quần hồng.Quần hồng là biểu tượng đàn bà .
Nhưng  chổ kỳ dị là  không thể dùng tiếng “đàn bà” thay thế cho tiếng
“ hồng quần”trong câu  thơ đó.
Thử đọc:  “ Phong lưu rất mực đàn bà ?”
Và kỳ dị hơn nữa: không thể đem tiếng quần hồng thay thế tiếng hồng quần.
Thử đọc: “ Phong lưu rất mực quần hồng”
Thì mọi người đều phì cười..”
( Bùi Giáng-Ngày tháng ngao du-Thi ca là gì ?)..
Cũng như ta sẽ phì cười khi  đọc câu :
“ Nụ tầm xuân nở ra vàng rực”…
http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=7221
Với tôi nụ Tầm Xuân  gây bâng khuâng chính vì  tên của nó :
Tầm xuân có nghĩa là đi tìm mùa Xuân…
Ở Đức mùa Xuân đến muộn, lịch ghi tháng Ba lập xuân, nhưng mãi đến tháng  Năm mới có thể bảo mùa Xuân đã đến, để lòng đôi lúc bâng khuâng tự hỏi mùa xuân đã đến chưa hay là đã đi qua mà mình không hay biết.                     Có những mùa Xuân đã đi qua  gây nỗi nhớ mong quay về  mùa Xuân cũ.Có những mùa xuân  luôn là Mùa mơ ước: xuân thanh bình, xuân thịnh vượng. Khi Xuân về với nhiều lo lắng trong cảnh  đời gian nan  chật vật , cảnh hoang tàn chiến tranh ,thiên tai.
Có những mùa Xuân đến trong đời người con gái rồi qua  đi để có lúc chợt nao lòng khi nhớ đến  “Nụ  Tầm Xuân”.Nhưng có những nụ Tầm Xuân xanh mãi cho đến tận tuổi già như  những Diva với đúng nghĩa của nó :
 http://de.wikipedia.org/wiki/Diva
” Tiếng hát vượt thời gian và không gian””
“Tiếng hát nụ Tầm Xuân ” mãi mãi nguyên vẽ đẹp  xuân sắc  một mùa xuân vĩnh cửu:

Nụ Tầm Xuân Bài Ca Sao -Thái thanh / Ý lan

Dương Hoàng Dung
Nụ tầm xuân
Xuân Sách

Làm gì có hoa nở ra xanh biếc

Cái nụ tầm xuân trong ca dao

Ấy là bởi lòng người hối tiếc

Nên nhìn hoa cũng thay đổi sắc màu
Em lấy chồng rồi thì anh lấy vợ
Điều giản đơn mà nghĩ mãi ko ra
Nhưng khốn nỗi tình đời rắc rối
Và trái tim cứ mãi mù loà
Nếu trời cứ xanh và hoa kia cứ đỏ
Anh yêu em thì nên vợ nên chồng
Ko có buồn thì vui ko còn nữa
Các nhà thơ gác bút chạy lông bông
Nụ tầm xuân cứ nở ra xanh biếc
Cho chúng ta một chút ngậm ngùi
Em có chồng rồi và anh vẫn tiếc
Như biết bao luyến tiếc ở trên đời.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...