Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Vẻ đẹp trữ tình của đêm nhạc Tiền Chiến và những dòng nhạc xưa

Vẻ đẹp trữ tình của đêm nhạc Tiền Chiến và những dòng nhạc xưa

Rất đông người đến tham dự đêm nhạc Tiền Chiến
Tiền Chiến và Những Dòng Nhạc Xưa là chủ đề đêm nhạc do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ - Viện Việt Học tổ chức, tại phòng sinh hoạt Viện Việt Học vào tối Thứ Bảy, ngày 9-6-2012 vừa qua. Phần y phục và trang điểm cho các ca sĩ trong đêm nhạc này thật nền nả và sang trọng là do gia đình nhà thiết kế áo dài Cát Tường và tiệm Hair Ect. bảo trợ, và Bùi Đường cùng Kim Ngân và Nguyễn Minh làm MC chương trình.
Ngay từ lúc chương trình chưa bắt đầu, khán giả đến sớm đã ngồi kín hết các dãy ghế trong phòng, người đến sau phải đứng tựa lưng vào tường, dọc theo lối đi, ai đến trễ hơn, không thể len vào bên trong, đành ngậm ngùi đứng, ngồi ở bên ngoài phòng sinh hoạt và thưởng thức qua màn hình tivi, được ban tổ chức ghi hình phát ra trực tiếp. 
Phiêu linh cùng những cung bậc cảm xúc 

Gói gọn trong hơn hai giờ đồng hồ với 17 ca khúc và 2 bài thơ, các nghệ sĩ đã đưa người nghe vào những trải nghiệm của nhiều cung bậc xúc cảm và những khoảnh khắc của tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương...

Nguyễn Kim Yến với hai ca khúc "Con Thuyền Không Bến" 
và "Giọt Mưa Thu" của Đặng Thế Phong 
Con thuyền không bến - Thiên Trang

Sân khấu không có những chi tiết rườm rà; không màu mè, tô vẽ bằng những hiệu ứng. Những giọng hát tiếp nối nhau vang lên, được hỗ trợ âm thanh tốt, tất cả đều căng đầy cảm xúc đem lại cho khán giả một đêm thưởng thức nhạc thật tinh tế. Trong khung cảnh trữ tình, dưới ánh sáng ấm áp bởi những ngọn bạch lạp lung linh, mọi người được sống trong không gian âm nhạc với những bản tình ca bất hủ đã ra đời từ thời “bình minh của nền tân nhạc Việt Nam”, mà chúng ta quen gọi là nhạc tiền chiến. Đây là những nhạc phẩm trữ tình được các nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc viết từ giữa thập kỷ 30 đến trước năm 1945. Hơi thở của dòng nhạc này lan tỏa vào đời sống và phát triển mạnh mẽ đến năm 1954. Có một số các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý... được sáng tác vào khoảng thời gian 1945 - 1954. Hay những ca khúc của Phạm Đình Chương, Cung Tiến… sáng tác sau đó nhiều năm cũng được xếp vào dòng nhạc tiền chiến, bởi sự bay bổng, chất thơ trong các ca khúc của dòng nhạc thời kỳ đầu nền tân nhạc Việt Nam đã ảnh hưởng lớn tới các nhạc sĩ này.
Đêm nhạc “Tiền Chiến và Những Dòng Nhạc Xưa” ngoài những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Đặng Thế Phong, Lưu Trạch Lựu, Phạm Duy, Phạm Đình Chương-Nhật Bằng, còn có sáng tác của nhạc sĩ Tuấn Khanh cùng sự hiện diện của nhạc sĩ này trong đêm nhạc, và hai bài thơ Tống Biệt Hành (Thâm Tâm) do nghệ sĩ Xuân Mai ngâm, phụ họa là tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi, và ca sĩ Bùi Đường đọc bài thơ Sống-Chết của nhà thơ Phan Bội Châu.
Khán giả còn được ca sĩ kiêm MC trong chương trình - anh Bùi Đường giới thiệu đôi nét tiêu biểu về họa sĩ Cát Tường và y phục phụ nữ qua từng thời kỳ phát triển của chiếc áo dài tân thời, kèm theo là những hình ảnh minh họa và màn diễn thời trang mini do Jenny và Ngọc Trâm biểu diễn.
Làm nên sức sống của đêm nhạc Tiền Chiến và Những Dòng Nhạc Xưa, không chỉ riêng giá trị ca khúc mà còn nhờ chất giọng đẹp, lạ, giàu cảm xúc của những người ca sĩ và sự đón nhận nhiệt thành của khán giả, để thêm một lần nữa những ca khúc này được thăng hoa bởi những tâm hồn đồng điệu mến yêu nó. Chỉ cần người ca sĩ cất lên ở những nốt nhạc đầu, khán giả đã không ngừng dành cho họ những tràng vỗ tay ròn rã. Những ánh mắt của người nghe đều chăm chú hướng về sân khấu như muốn nuốt từng lời ca, tiếng hát... dường như đã là quá đủ để cho thấy sự thành công của chương trình. Cảm xúc đêm nhạc càng thêm thăng hoa bởi tiếng guitar thùng mộc mạc của nhạc sĩ Phạm Tú, tiếng đàn piano điêu luyện của nhạc sĩ Ngô Quang Minh, tiếng đàn và tiếng hát đã cùng dìu nâng nhau, mở ra một không gian nghệ thuật mê đắm.

Nữ sĩ Xuân Mai diễn ngâm "Tống Biệt Hành", thơ Thâm Tâm
Trong đêm nhạc có một Tạ Chương với chất giọng trầm ấm sâu lắng qua những ca khúc “Dư Âm” (Nguyễn Văn Tý), “Tiếng Chuông Chiều Thu” (Tô Vũ), “Tà Áo Xanh” (Đoàn Chuẩn-Từ Linh), “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” (Tô Vũ), “Chuyển Bến” (Đoàn Chuẩn-Từ Linh), “Tạ Từ” (Tô Vũ). Nguyễn Kim Yến đã truyền cảm xúc đặc biệt đến người nghe qua chút buồn thương mây, gió, trăng, hoa với “Giọt Mưa Thu” và “Con Thuyền Không Bến” của Đặng Thế Phong, “Thuyền Viễn Xứ” (Phạm Duy), “Lá Thư” (Đoàn Chuẩn-Từ Linh). Thế Khải với cách nhả chữ rất lạ và độc đáo như ru, như kể chính là điểm mạnh của ông trong “Điệu Buồn” (Đào Duy), “Đợi Chờ” (Nhật Bằng-Phạm Đình Chương). Bảo Nam thì dạt dào cảm xúc khi thể hiện ca khúc “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, “Giấc Mơ Hồi Hương”. Tiếng hát trẻ Hàn Phúc thật đắm say với nhạc phẩm “Dưới Giàn Hoa Cũ” (Tuấn Khanh), đem lại ngạc nhiên cho người nghe bởi tuổi đời của anh còn quá trẻ, lại lớn lên tại hải ngoại, mà anh vẫn gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho mình và cảm được âm nhạc Việt Nam để thể hiện thật chân tình và tinh tế.
Nơi những tâm hồn đồng điệu gặp nhau và lưu giữ dòng nhạc vang danh của một thời
Các ca sĩ khi thể hiện những ca khúc, họ đã luyến láy, ngân nga, từ cách nhả câu nhả chữ, để lời với nhạc, tình cảm và sự thăng hoa cứ hòa quyện, chạm sâu vào cảm xúc người nghe. Bằng sự nồng nàn, chân thành, bản lĩnh sân khấu của mình, những giọng hát này càng hát càng say càng nồng. Điều nay đòi hỏi khả năng cảm thụ âm nhạc của người thể hiện rất cao. Người hát không sống trong thời gian ca khúc ra đời nên phải bằng sự mẫn cảm, người nghệ sĩ mới có thể đưa cảm xúc dâng trào rồi truyền tới khán giả. Mỗi bài hát đều mang một câu chuyện riêng từ tác giả, nhưng cảm xúc khi nghe nó đẹp hơn, lãng mạn hơn hay buồn hơn, dẫu đó là tình yêu tan vỡ nhưng vẫn tươi sáng chứ không ủy mị... còn là do cách của người hát truyền đạt đến người nghe. Các ca sĩ hát những bài này bằng tình yêu cháy bỏng và sự day dứt nhẹ nhàng, khiến những tình khúc mà họ hát càng đi ngọt vào lòng người. Họ đã mang niềm đam mê, tình yêu, và bằng tiếng hát của mình như thay cho những lời tri âm tới những nhạc sĩ đã để lại những tác phẩm bất hủ cho đời, đánh dấu một chặng đường âm nhạc một thời, nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị và tồn tại mãi với thời gian, đó là nền Tân Nhạc Việt Nam với các nhạc phẩm Tiền Chiến và Những Dòng Nhạc Xưa. 

Tạ Chương với hai nhạc phẩm "Dư Âm" của Nguyễn Văn Tý và "Tiếng Chuông Chiều Thu"của Tô Vũ 
Chính những nhịp sóng âm ỉ của dòng nhạc này qua những chương trình âm nhạc do các bầu show chuyên nghiệp, do các trung tâm băng nhạc tại hải ngoại, hay như tại câu lạc bộ văn học nghệ thuật Viện Việt Học tổ chức lần này, cứ tiếp nối nhau để tạo nên dòng chảy không ngừng cho dòng nhạc tiền chiến và những dòng nhạc xưa trữ tình sâu lắng, vượt qua thử thách của thời gian. Bằng phẩm chất và những phong cách riêng, người thể hiện khẳng định được sức sống cho dòng nhạc và góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc tại hải ngoại, nơi “những người muôn năm cũ” vẫn hoài vọng nhớ về những kỷ niệm xưa, phảng phất trong từng lời ca, điệu nhạc mà họ đã trót yêu thích. Với thính giả trẻ ở hải ngoại, họ thích nghe nhạc tiền chiến vì họ tìm được một thể loại âm nhạc tuyệt đẹp, có ca từ trong sáng, giàu chất thơ, giai điệu đẹp, mà họ khó tìm thấy được ở những ca khúc nhạc trẻ sáng tác ở Việt Nam khá phổ biến, đang lan tràn như hiện nay.
Băng Huyền


1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...