Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Bằng lăng sắc tím nhớ nhung

Bằng lăng sắc tím nhớ nhung
BT- Cái màu tím ngọt ngào ấy đã ám vào tôi từ rất lâu, rất xa, rất xưa… Cái màu tím dịu dàng như giọng nói của các thiếu nữ Huế đang thì xuân sắc. Cái màu tím mềm mại như một tà áo dài Huế vấn vít mắt người. Có một thời đã qua, hè nào tôi cũng đi về một thị trấn nhỏ nằm trên quốc lộ 1 để tổ chức các lớp thi chuẩn hóa trình độ sư phạm. Khi sắp đến cầu Bằng Lăng (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc), tôi luôn có cảm giác háo hức ngóng tìm cây bằng lăng cao khoảng ba, bốn mét, tán tròn xoe như cái lộng dựng đứng bên đường. Nhìn từ xa, cái lộng màu tím ngát;  hoa ken dầy không nhìn thấy lá, đẹp rực trong nắng làm đắm đuối, mê say bao khách đường xa, trong đó có tôi. Và, con đường đẹp hẳn lên chính nhờ cây bằng lăng nở bừng hoa tím, tô điểm cho một khoảng trời thôn dã... Buổi chiều về, xe lại lướt qua cái màu tím đậm đà ấy, lướt qua cái màu tím mật ngọt dưới ánh chiều rực nắng… làm xao xuyến lòng người. Tôi lặn ngụp trong cái màu tím hút hồn, cái màu tím chờ đợi, cái màu tím hiền lành, cái màu tím thủy chung…  của những hàng bằng lăng  bên đường, của cái lộng bằng lăng tím tròn xoe tán, của ngọn đồi nở rộ bằng lăng tím dịu tím dàng.
Nhưng, mấy năm rồi, cái lộng tím bằng lăng ở cạnh cầu Bằng Lăng ngày ấy đã trở thành ký ức. Cái lộng tím thẩn thơ không đứng chờ tôi nữa, không đứng chờ hành khách thân quen trên những chuyến xe xuôi Nam ngược Bắc ngang qua. Hình như, nó đã đến ngụ cư ở một dinh thự hay một resort nào đó… Chiếc cầu Bằng Lăng vĩnh viễn vắng bóng cái lộng bằng lăng tím màu mê hoặc. Rồi cái đồi Bằng Lăng cũng thưa thớt dần những cụm bằng lăng tím hun tím hút… Và cứ mỗi khi đi qua những nơi này, tôi lại nhớ quay nhớ quắt… như mắc nợ một màu hoa. May thay, Phan Thiết ngày nay lại có những con đường ngát sắc hoa màu tím. Đường Thủ Khoa Huân, đường Phạm Ngọc Thạch, đường Mậu Thân… hai bên lề trồng toàn bằng lăng tím. Và tháng ba, tháng tư là độ ngút trời hoa nở. Buổi sáng thức dậy thật sớm. Bước chân ra ngõ, nhìn suốt con đường, mắt sẽ chạm vào những vòm hoa tim tím bằng lăng. Từ ngã tư Phú Hài xuôi về ngã tư Tuyên Quang, rồi ngã tư Tôn Đức Thắng… mênh mang sắc tím. Nhu mì tím. Ngút ngát tím. Cái màu tím lạ, tím lùng. Không buồn bã như màu phượng tím Đà Lạt. Không nhạt nhòa như màu tím hoa mai. Không thăm thẳm như hoa mua màu tím… Đó là cái màu tím ngọt ngào và tươi thắm. Cái màu tím cứ độ tháng ba, tháng tư lại nói nói, cười cười;  làm vương vấn lòng ai.
Màu tím giăng giăng. Gốc tiếp gốc. Cành tiếp cành. Hoa tiếp hoa. Tím nối sắc tím. Tím cả một con đường dài. Và cái màu tím ngọt ấy đã làm cho dịu mát mắt người trong khí trời nóng như thiêu đốt. Buổi sớm mai. Không sương. Không lạnh như trời Đà Lạt. Ngắm cả hàng cây hoa tím, lòng thật thư thái. Hít vào một hơi thật dài. Thở ra một hơi thật dài. Sảng khoái lạ thường. Qua xuân, đầu hè là hoa nở rộ. Bằng lăng kết hoa thành từng chùm dài. Là bằng lăng ổi, vì có lá màu xanh bạc và to như lá ổi, hoa màu tím phớt hồng. Có loại bằng lăng nở từng chùm, lá nhỏ thật dễ thương, hoa tím rịm hơn, chùm hoa cũng ngắn hơn nhưng nở ken dày thành những vòm hoa xinh xắn. Buổi sớm mai, khi những cơn gió vờn nhẹ trên những cánh tím mỏng manh. Hãy thức dậy thư thả bách bộ. Hãy nhẹ bước chân và trải lòng ra đón nhận cái hương sắc mộc mạc đắm say của hoa tím bằng lăng; mơ mơ hồ hồ đón nhận cái vị ngọt ngào đong đưa trong gió… Những buổi chiều tà, những đêm thanh tịnh, hãy bước dọc trên đường Mậu Thân trong êm ắng để cảm nhận hương lành từ những nhành bằng lăng đang độ trổ hoa. Tím nở trên cây, trên cành. Tím rơi đầy gốc. Và thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ… bao người đã ngập chìm trong cái màu tím mơ màng ấy mà mê, mà say, mà sinh thành tác phẩm? …Tháng ngày này, trên những con đường quen thuộc, bóng tím cứ mênh mang, mênh mang… như những bức tranh mộc mạc; mỗi sớm, mỗi chiều, điểm tô cho nhan sắc của một miền quê. Sắc tím ơi, tím ơi… tím màu bằng lăng  thương nhớ…
Ng. Thị Liên Tâm



1 nhận xét:

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...