Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Lặng nghe “Diễm xưa” trong mưa mù xứ Huế

Lặng nghe “Diễm xưa” trong mưa mù xứ Huế

                    Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
                   Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…
          Thuở ấy có một người con gái có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
          Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
          Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.
          …
          Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.”
“Diễm xưa” đã được ra đời như thế, từ những hồi ức, những kỷ niệm đáng nhớ, được chắt chiu nhưng vẫn cố phải quên. Chút dư tình xưa giờ chỉ còn lại một dáng hình mong manh trong miền ký ức. Tất cả xa dần, xa rời như cơn mưa chiều xứ Huế đi mãi, như những thành quách xưa lặng trầm u tịch trong dáng hình phế tịch. Diễm của những ngày xưa và tình cũng đã là tình xưa, trong cơn mưa xưa, dưới hàng cây ngày xưa. Tâm thế hoài cảm đằm lại thật sâu trong từng giọt mưa hoài niệm, trong những mất mát, trong những ưu tư, nhớ tiếc.
          Lặng lẽ bước chân dọc con đường Lê Lợi, ven bờ sông Hương trong chiều mưa giăng trắng trời xứ Huế, lòng ta buồn rượi một nỗi hiu hắt, cô quạnh. Cơn mưa đặc trưng của mảnh đất u huyền, mộng mê này. Mưa tuôn rơi và từng giọt nhạc cứ tự nó réo rắt lên trong lòng ta những thanh âm của mưa, của “Diễm xưa”:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.
          Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao.
          Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
          Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu.
          Những ca từ đầu tiên của “Diễm xưa” cất lên đưa ta vào thế giới của mưa Huế, của cái không gian tình tĩnh vắng, đượm sắc Liêu Trai. Hình ảnh “Mưa bay trên tầng tháp cổ” tự nó gợi ra bao ấn tượng, bao ẩn ức tình xa. Không chỉ nghe nhạc, đọc ngôn từ mà ta như được đắm mình trong mưa, trong cái dịu dàng, tình tứ, trong chút lạnh lẽo hoang vu của mưa phơi phới bay trên những rêu phong, những phế tích của cái xưa cũ. Bắt vào ca khúc là một hình ảnh xưa như thế để người nghe lắng lại trong tâm những thanh âm buồn của Diễm thuộc về ngày xưa, về một cái thời đã vĩnh viễn là quá khứ, là cái xa xăm còn lại vài dư ba, dư ảnh muộn sầu.
          Theo những giọt mưa chiều hoài niệm, em – Diễm – của ngày xưa hiện ra qua những hình ảnh rất hư hao, mong manh. Những “dài tay”, những “mắt xanh xao” của một thuở làm se lòng kẻ nhớ. Hình ảnh gợi ra vẻ đẹp mảnh mai, hao gầy, dịu dàng, tình tứ của cô gái đi dưới hàng cây long não trong chiều mưa, trong lá thu mưa, trong những bước chân âm thầm, lặng lẽ. Con đường dài hun hút càng làm cho hình ảnh của em thêm mong manh, mang một chút hư huyền trên con đường hun hút dặm dài cùng mưa. Con đường mưa mang cái âm thầm, cái lắng sâu của cảm xúc hồi tưởng và cả một dòng mênh mang tình yêu xa thẳm. Cách cảm nhận ở đây được chuyển liên tục giữa hai kênh nghe và nhìn tạo cảm giác xáo động trong tim. Nhìn mưa bay để nhớ Diễm xưa, nghe lá thu rơi để biết tiếng lòng thổn thức, để cảm nghe lại bước chân ai đi về trên lối xưa. Và từ cái nghe, nhìn ấy chuyển thành một sự cảm nhận thấu suốt về chiều sâu của con đường, chiều sâu của đôi mắt em.
          Cái chiều hun hút, cái sự thăm thẳm ấy chính là chiều sâu của một mối tình thắm thiết, của những ký ức chưa bao giờ nhòe nhạt. Để chiều nay, ta vẫn nghe mưa, nhìn mưa và cảm mưa bay trên hàng lá nhỏ:
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ.
          Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua…
          Trên bước chân em âm thầm lá đổ
          Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.
          Ca từ bài hát đến đây trở nên khắc khoải bởi nỗi chờ mong. Mưa vẫn cứ rơi trên tháp cổ, trên hàng lá nhỏ trong niềm trông đợi da diết. Dường như kẻ ngồi chờ như đếm từng cơn mưa, từng hạt mưa. Ngóng chờ những chuyến mưa qua là ngóng chờ từng bước chân quen, là đợi để được nhìn dáng hình bao ngày vẫn đi về cùng mưa, cùng con đường của năm tháng. Bước em đi mang theo nhịp của mưa, của lá rơi, của một mối tình thầm kín đứng xa ngưỡng vọng. Với kẻ chờ đợi trong tình yêu thì được nhìn thấy dáng hình người yêu, được những thanh âm nhỏ của gót ngọc trên con đường quen là một hạnh phúc quá lớn lao. Tương tư, ngóng đợi, chờ mong là điệu hồn bản thể của kẻ yêu bao đời. Dường như chủ thể trữ tình ở đây thao thức theo từng chuyến mưa, theo cái thời gian vời vợi của buổi chiều ngóng vọng.
          Cái âm thầm, lặng lẽ nhiều khi lại hằn sâu, lại khía những vết sắc và buốt trong lòng người. Cứ êm êm như mưa Huế, như những thành quách quạng hiu, lặng tờ, niềm xót xa, nỗi đau bật ra từ những lời ca và giai điệu trữ tình, đằm thắm và rất lãng mạn. Dõi theo bước chân em qua mùa nắng và mùa mưa, qua mùa xuân, mùa hạ rồi sang thu, anh thấy bao lá đổ âm thầm. Nhìn lá đổ, ta biết thời gian trôi, ta tiếc xuân thì. Hồn lên xanh biếc nhưng lòng xót xa. Phải chăng là mâu thuẫn? Cái sắc xanh biếc của tuổi trẻ, của lòng yêu, của hy vọng đã nhuốm đầy những mặc cảm phôi pha, phai tàn. Hồn xanh biếc ấy là của một thuở, của ngày xưa mà bây giờ đã chẳng còn là của ta nữa. Tất cả trôi đi, rơi lặng lẽ âm thầm trên bước chân em, trên con đường dài hun hút mưa mùa. Ở đây, những dấu hiệu thời gian bị xóa nhòa để những hình ảnh con người và không gian được đồng hiện. Tất cả những gì của quá khứ, của hiện tại ào ạt trở về thành những thanh âm, những dáng hình, những cảm xúc vô tận. Cái nhìn hoài cảm bị vùi lấp, cố giấu đi để người nghe cảm nhận từng thanh âm chậm buồn như thời gian ngưng đọng trong những cơn mưa, trong từng bước chân em qua.
          Thế nhưng, tất cả hình ảnh diễu hành qua tâm hồn ta chợt hiện rồi chợt tan như cơn mưa thu Huế vội đến, vội đi. Đọng lại trong lòng vẫn là một nỗi đau, một niềm tiếc nuối, một nỗi xót xa vô bờ của kẻ đợi chờ vô vọng:
Chiều nay còn mưa sao em không lại
          Nhớ mãi trong cơn đau vùi
          Làm sao có nhau
          Hằn lên nỗi đau,
          Bước chân em xin về mau.
          Chiều nay vẫn còn mưa nhưng em không lại. Ta đợi chờ chỉ là để chờ đợi mà thôi. Từng chuyến mưa vẫn qua nhưng không mang bước chân quen, dáng hình của Diễm đến nữa. Lòng ta chỉ gặp những cơn mưa ào ạt, gặp chính những cơn mưa lạnh lùng, sắc buốt của chia phôi. Bao niềm hy vọng mong manh giờ tan theo từng chuyến mưa qua. Lòng ta thành đồng vắng, thành cõi mênh mang trống trải, cô liêu, mênh mang của nhớ. Nhớ để biết rằng ta vĩnh viễn mất nhau, vĩnh viễn xa nhau. Nên nhớ để mà đau – dù là cơn đau vùi nhưng day dứt, đay đả không dứt. Có trơ vơ một mình, có ngập chìm trong mưa Huế, trong cái lòng không, tạnh vắng, tiêu điều của bước chân phiêu linh nơi tháp cổ hoang tàn mới thấu cái cơn đau vùi của người tình nhân ngóng chờ vô vọng.
          Bước chân em đã xin về mau trong vội vã, trong nghẹn ngào, nức nở. Còn lại ta với bao nhớ thương, bao ưu tư, bao xót đau không thể nói nên lời. Một câu hỏi lớn ta tự đặt ra và không bao giờ tìm thấy lời hồi đáp: “Làm sao có nhau?”. Thế là đã vĩnh viễn xa nhau. Con đường ngợp bóng long não đã vắng bóng người xưa. Chốn xưa vẫn thế nhưng người đã thành cố nhân. Mưa vẫn mưa bay theo cái điệp khúc muôn đời của thời gian nhưng bài tình thì lại chẳng thể có điệp khúc. Những thanh âm đã bị cắt nửa chừng và lời yêu chưa kịp nói tròn vành, rõ chữ. Và những điệp khúc mưa cứ bay bay trên tháp cổ, trên hàng lá nhỏ khơi lên điệp khúc sầu, nhớ, thương, đau. Lời ca trở nên tái tê, chết lặng trong nỗi đau, trong chờ mong vô vọng, trong tiếc nuối khôn nguôi. Nghe những ca từ này ta như gặp hồn thơ Xuân Diệu với những cảm xúc đồng vọng:
          “Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”
          Người xa thành cố nhân nay chỉ còn lại hình bóng trong trí nhớ nhỏ nhoi. Tình xa thành những kỷ niệm mơ hồ sương khói. Bây giờ, ta chỉ còn những tiếc nuối, những vấn vương của bao sợi tơ tình, bao vương vấn, bao vọng động còn ngân. Tất cả Diễm xưa và tình xưa như khúc nhạc chiều, như những dư vang còn vọng lại từ cái quá vãng mơ hồ, từ cơn mưa trắng mờ ảo đem lại cảm xúc bất chợt, mơ hồ. Hôm nay, nhớ Diễm xưa, hoài niệm tình xưa, lòng ta thêm bao ưu tư, suy ngẫm:
          Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du.
(Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
          Làm sao em biết bia đá không đau
          Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
          Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau).
          Mưa vẫn cứ mưa, vẫn hay mưa để cho “đời biển động”. Có phải chăng là mưa đem đến những xáo động, những chuyển biến của đời, của lòng? Hay mưa đánh thức lòng ta để biết rằng ta đang hiện hữu, để biết rằng ta đã đánh mất rất nhiều? Bao nhiêu tình nhân đã trở thành “Diễm xưa”? Bao điều đẹp đẽ, bao tình cảm đã vĩnh viễn thành xưa, thành “cố”, thành một thứ là kỷ niệm, là quá vãng xa mờ. Cho nên làm sao em nhớ được “những vết chim di”. Chỉ có ta nặng lòng còn nhớ. Thời gian phủ bụi lên tất cả, xóa mờ tất cả, làm băng hoại tất cả. Và cái cảm giác của ta, của em đâu có còn đồng điệu nữa. Sao em biết được “bia đá không đau”? Mỗi vật, dù ta tưởng chúng vô tri nhưng cũng có một đời sống tâm hồn của mình. Và ở đâu đó, là ta hay là vật, khi phải chịu những mất mát, những chia ly, những phôi pha thì sao lại không đau, không xót.
          Lời ca từ cuối cùng được tổ chức theo lối tương đồng, biến thể theo hai nhịp hát khác nhau. Bốn dòng ca từ ấy chia thành hai cặp có sự lặp lại và biến đổi. Cặp trước thể hiện những cảm xúc, những suy tư, những nỗi niềm của ta ở thực tại, của ta về em, về tình yêu, về cuộc sống. Cặp sau nói lên tâm tình, nguyện ước của ta trong cuộc đời. Dù buồn đau, dù tiếc nuối, dù u hoài, dù mất mát nhưng ta vẫn luôn mang một khao khát, một nguyện ước thật đẹp: “Xin hayccho mưa qua miền đất rộng” – xin cho mưa đến một chân trời rộng lớn, đến một cõi bao la, đến một cuộc đời mênh mông của chính mưa.
          Để trong cuộc đời ấy, “Người phiêu lãng quên mình lãng du”, sống trong bình yên, tự tại, sống trong sự thanh thản, vô ưu. Người phiêu lãng quên đi cuộc lãng du đời mình, quên đi những hư hao, phôi pha và mất mát để đi tiếp cuộc lãng du mà quên mình đang lãng du. Cái tôi ở đây muốn quên đi bản thể để vươn đến cõi siêu thoát, vươn đến một tình yêu lớn lao. Vì thế khép lại ca khúc là một lời hát thật sự sâu sắc và ý nghĩa:
          “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”
          Vâng! Con người hay sỏi đá cũng cần có nhau, cần sống trong sự đồng điệu, giao hòa, giao cảm, trong một tình yêu tha thiết, sâu đậm. Lời ca cuối cùng chính là điểm kết tụ ý tình, cảm xúc và tâm nguyện của Trịnh Công Sơn. Với ông, con người sống cần có một tấm lòng, sống để yêu người và yêu đời. Vượt qua tất cả những chia ly, mất mát, những đớn đau, ta sống, trải nghiệm, trả giá để yêu và được yêu, để có nhau và sống cùng nhau. Cho nên, “Diễm xưa” là lời tình xưa mà không xưa, là lời tình của quá vãng nhưng vẫn còn mãi đâu đây.
          Lời ca đã ngừng nhưng tình mãi vang vọng. Cơn mưa đã dứt nhưng những giọt nước còn chưa khô. Tình đã thành xưa nhưng lòng người còn thổn thức, nhói đau khi trong giây phút, tình lại thành gần. “Diễm xưa” là thế, một sợ tơ tình vương vấn, những dư ba u hoài, vang vọng của một thuở vẫn còn gióng giả tâm can. Một “Diễm xưa” lãng mạn, dịu êm, tình tứ mà u trầm, hiu hắt, đượm buồn, xót xa. Và mưa mù xứ Huế, nghe khúc tình ca này để thấu cái hồn Huế xưa, cái tình của Diễm ngày xưa, và cõi lòng lai láng tình yêu đời của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Mỗi lần bất chợt nghe những ca từ rất thơ này, ta như được nghe những giọt mưa rơi trên những giọt tình của một thế giới xa xưa.
Theo  Hai Ngo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hàn Mặc Tử - Tiểu luận của Huỳnh Phan Anh Có lẽ không gì mâu thuẫn bằng chú giải một nhà thơ. Người ta không thể làm công việc đó, dửng ...