Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Nguyễn Ánh 9 và những nấc thang âm nhạc trong cuộc đời

Nguyễn Ánh 9 và những nấc thang âm nhạc trong cuộc đời

Thi sĩ của làng nhạc sáng tác không nhiều (khoảng 30 bài) nhưng dường như bài nào cũng mang dáng dấp riêng biệt và đều có đời sống bền lâu trong lòng công chúng.
Nguyễn Ánh 9 - Thi nhân âm nhạc
Nguyễn Ánh 9 của hiện tại với mái tóc bạc màu thời gian, gương mặt phủ đầy những xô lệch hợp, tan, buồn, vui của cuộc đời. Chàng lãng tử ngày nào trong hình ảnh xa xưa hình như vẫn còn là một ám ảnh hiện hữu và phảng phất đâu đó trong phong cách, dáng hình của Nguyễn Aánh 9 hôm nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Là người rất kín tiếng, kiệm lời và không thích nói về bản thân, Nguyễn Ánh 9 thường chỉ muốn các ca khúc của mình chạm vào tâm can khán giả, để họ thấu hiểu, say mê và tự dành cho chúng một ngôi vị xứng đáng. Với ông, âm nhạc là thứ ngôn ngữ thiêng liêng chỉ dành để cảm chứ không phải mang ra để cân, đo, đong đếm hay trao đổi. Nhạc của ông là sự ghi tạc, chạm khắc vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của tình yêu, dẫu biết rằng tình yêu ấy dường như chỉ toàn vô vọng, buồn đến não nề.
Ông bảo: “Tôi là người lãng mạn, những tan nát bi thương trong các nhạc phẩm đều không gắn liền với tôi. Đấy chỉ là những điều tôi trông thấy, những xúc cảm được đẩy lên cao. Khi viết bài Tình khúc chiều mưa là lúc tôi ngồi bên quán cafe ven đường trú mưa, phía bên kia đường là đôi tình nhân đang đứng dưới tán cây, cô ấy đưa tay giỡn nước. Tôi tự hỏi, nếu sau này hai người kia chia tay nhau, mỗi người mỗi ngả và khi có dịp họ đi qua đây, họ sẽ nhớ rất nhiều. Thế nên mới có:Tình chết không đợi chờ, tình xa ai nào ngờ, tình đã trôi nhạt mầu, tình đau”.
Nguyễn Ánh 9 dù không sáng tác thêm nhiều sau gia tài đếm đủ con số 30 ca khúc của mình nhưng với ông, âm nhạc vẫn luôn là linh khí nuôi dưỡng cuộc sống đời mình, giúp ông hít thở, tồn tại. Khó có thể cắt nghĩa hay lý giải, Nguyễn Ánh 9 dành cho âm nhạc một tình yêu sâu đậm đến thế nào, phải chăng vì vậy mà mỗi ca khúc của ông đều như một sự thai nghén, lên men từ chính những trải nghiệm, hỉ, nộ, ái, ố của bản thân và mang chở tất cả mọi gương mặt, dư vị cuộc đời.
Đến giờ, người ta vẫn nhớ những thang âm ngân nga, lắng đọng của Nguyễn Ánh 9 trong những bộ phim">phim như: Xóm nước đen, Mênh mông tình buồn, Ráng chiều, Dòng sông thao thức (kịch). Công chúng thầm cảm ơn vì những giai điệu ấy đã níu giữ họ ở lại thêm thật lâu trước màn ảnh nhỏ. Người yêu nhạc thực sự thì luôn tìm kiếm để nghe cho đủ bộ sưu tập âm nhạc tình khúc lừng danh của ông.

Dù người thể hiện là Ánh Tuyết (Cô đơn) hay Elvis Phương (Không), Cẩm Vân (Tình khúc chiều mưa), Bằng Kiều (Buồn ơi, chào mi), Mỹ Tâm (Biệt khúc) thì giai điệu, ca từ vẫn được nâng niu như gửi gắm của người sinh ra nó. Người ta nói, thời gian có thể trôi qua, nhưng tơ vương tiếng đàn và tài hoa của Nguyễn Aánh 9 thì sẽ còn ở lại.
Có thể nói, ít có nhạc sĩ nào cùng thế hệ với Nguyễn Ánh 9 kiến tạo được một dòng nhạc riêng, hợp với gu của số đông công chúng mà vẫn sang trọng, đầy nhân văn. Nguyễn Ánh 9 tựa một thi nhân trong làng nhạc. Ngôn từ trong tình khúc của ông vừa là thơ lại vừa là nhạc, đượm hồn, nặng tình, đa nghĩa. Cho đến nay, vẫn thật khó để kiếm tìm những góc riêng đẹp mà buồn diệu vợi đến thế trong những tình khúc sống đời: “Buồn ơi, ta xin chào mi, khi người yêu đã bỏ ta đi. Buồn ơi, ta xin chào mi, khi tình yêu chắp cánh bay đi. Buồn ơi, ta đang lẻ loi, buồn ơi ta đang đơn côi ".

Lãng tử đa tình nhưng chung thủy
Ông đã bước qua tuổi 70, không còn trẻ khi chúng ta làm một phép tính thời gian. Nhưng ông vẫn vui vẻ, mở Iphone 4 ra và khoe hình vợ mình. Gương mặt ông rạng ngời hạnh phúc, có lẽ sự đối lập chói màu trong âm nhạc đau thương, bi kịch lại là sự thanh tao, nhẹ nhõm và bình yên của cuộc sống đời thường. Những khoảnh khắc thăng hoa thực sự đã khiến ông rũ bỏ một hạnh phúc bình dị, thanh tao trong chốc lát để hóa thân thành một thi sĩ điên cuồng, ngụp lặn với mọi dư vị tình yêu.
Khi bài hát Không trở thành ca khúc phổ biến, gắn liền với tên tuổi của danh ca Elvis Phương, rất nhiều người trong nghề đã tỏ ý băn khoăn về một dáng hình được Nguyễn Ánh 9 gửi gắm trong đó. Khác hẳn với nhiều đồng nghiệp thường có một thiên tình sử dài dằng dặc, người tình trong bài Không của ông cũng là tình yêu duy nhất trong đời khiến ông luôn nhớ và chôn sâu tận trong đáy lòng.
Trong làng nhạc đến giờ vẫn còn truyền tụng, nghệ danh Nguyễn Ánh 9 của ông là do người vợ đầu tiên đặt nhưng ông lại khẳng định, đó là sự nhầm lẫn. Ông thêm số 9 vào tên mình trước hết vì đó là ngày cưới của ông. Bản thân ông làm nhạc nhưng lại mê số học, nên khi đi tiếp thị - người ta sẽ bị ấn tượng liền với con số 9 đi cạnh.
Với người phụ nữ đầu tiên, Nguyễn Ánh 9 luôn băn khoăn không biết có nên gọi đó là tình đầu hay không. Hai người trẻ tuổi, chung sở thích, quấn quýt nhau suốt hồi đi học - quãng thời gian đẹp nhất của mỗi người, trước khi ra đời, thả mình vào vòng bon chen danh lợi. Sau những chia cách, người cũ theo gia đình sang Pháp, để lại ông bơ vơ. Nguyễn Ánh 9 lúc này tìm niềm vui bên người mới.
Cứ ngỡ mọi chuyện như vậy đã an bài, mấy năm sau khi gặp lại, ông mới hay, người xưa vẫn âm thầm chờ đợi mình trong im lặng. Không thể dối lòng chàng nhạc sĩ đa tình tự hỏi: Tìm về lại để làm gì? Mình vì gia đình mới mà sẽ bỏ rơi gia đình cũ sao? Thà mình dang dở nhưng giữ kỷ niệm đẹp còn hơn khi lấy nhau về, thói hư tật xấu sẽ lộ ra, như vậy cả hai sẽ mất hình tượng trong nhau. Đó là cuộc tình, vết xước trái tim đầu tiên trong đời của chàng lãng tử ôm đàn khóc trong đêm.

Vợ ông lúc đó cũng biết rõ sự việc, biết trái tim ông vẫn đau đáu nhớ về khoảnh khắc tuyệt đẹp ngày xưa nhưng không hề trách giận ông đến một lời dù là nhỏ nhất. Bà cảm động vì mình mà chồng chấp nhận chôn giấu tình yêu xưa.
Hai người đã có 46 năm chung sống, lúc nào cũng tôn trọng quá khứ, thế giớiriêng tư của nhau mà không hề cảm thấy khó chịu. Với Nguyễn Ánh 9, đó là một phụ nữ tuyệt vời, không một điều tiếng chê trách. Vừa là vợ, là mẹ, là tình nhân và hơn cả là một người đàn bà sâu sắc, nhạy cảm. Nhiều ca khúc của ông sau này cũng được viết bắt nguồn từ chính người phụ nữ đời mình. Đây cũng là người đàn bà có thể nhịn đói mua cho con cái áo đàng hoàng để chơi đàn.
Từng có thời kỳ gắn bó với Khánh Ly và người ta cũng từng mặc định họ là một cặp tiên đồng ngọc nữ nhưng ít ai biết tình cảm giữa họ còn hơn cả tình yêu, là sự tri kỷ và thường gọi nhau là tao, mày. Khánh Ly mạnh mẽ như đàn ông, hút thuốc, uống rượu, ca hát, cái gì chị cũng giỏi. Người đầu tiên đưa đẩy Nguyễn Ánh 9 đến sáng tác chính là Khánh Ly.
Năm 1970, phía Nhật mời Nguyễn Ánh, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly sang biểu diễn. Trịnh Công Sơn vì trục trặc giấy tờ quân dịch nên không thể đi, sang đó Ban tổ chức yêu cầu Nguyễn Ánh không được dùng piano mà phải dùng guitar cho đúng kiểu nhạc Trịnh. Rồi nhân lần Khánh Ly hỏi về mối quan hệ với người cũ, ông mới ôm đàn hát: Không, không tôi không còn yêu em nữa, nhờ thế mà Không đã ra đời và vang bóng đến nay.
Hương Giang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...