Phạm Duy: Văn Cao trong tôi
Đánh giá về Văn Cao,
có lẽ ít ai có thẩm quyền như Phạm Duy, người đã dành sự trọng thị ở mức độ cao
nhất mỗi khi có dịp nhắc đến bạn cũ của mình mà theo ông, là “người viết Tình
ca số một”, “người đẻ ra thể loại Hùng ca và Trường ca Việt Nam”.
Hai thập niên trước, trong “Lược sử Tân nhạc
Việt Nam”, Phạm Duy đã dành những dòng ưu ái nhất để nói về Văn Cao: “Nói tới
nhạc tình thì… Văn Cao là nhất! Văn Cao đã đưa nhạc tình tiền chiến lên tới một
cao độ vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm.”
Mười năm trước, trong cuộc
trò chuyện với các bạn trẻ Đông Âu, Phạm Duy lại khẳng định: “Nếu so sánh Văn
Cao và tôi thì phải công nhận là anh Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều lắm. Về
nhạc. Về họa. Về thơ. Đủ mọi phương diện.”
Tuy nhiên, những dòng
ấy, những lời lẽ ấy, được Phạm Duy viết và nói khi còn ở mảnh đất tạm dung,
chưa biết ngày nào mới có dịp về thăm quê, nói chi đến hồi hương? Không phải
ngẫu nhiên, những dòng viết của Phạm Duy về Văn Cao cũng đượm nỗi buồn “quê
hương khuất bóng hoàng hôn”, nhất là khi ông đặt câu hỏi: “Ai là người sẽ nhỏ
lệ lên trái tim Văn Cao?”
Với Phạm Duy, con
người hành động, hỏi cũng là trả lời. Ngay khi mới hồi hương, ông đã có bài
viết về Văn Cao, đã có mặt và phát biểu trong đêm nhạc Văn Cao do Ánh Tuyết tổ
chức nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của “chàng Văn”. Và gần đây nhất, là chuỗi
các đêm nhạc “Văn Cao trong tôi” được tổ chức theo cách “rất Phạm Duy”, do
chính ông làm MC: vinh danh người bạn thân thiết trong dịp sinh nhật của mình!
Mừng thượng thọ người
nhạc sĩ lão thành Phạm Duy, và cũng là để thắp một nén hương trước hương hồn
Văn Cao, người “sang trọng như một ông hoàng” trong những tác phẩm âm nhạc “của
thần tiên bay bổng” mà ông để lại (chữ dùng của Trịnh Công Sơn), NCTG xin trân
trọng giới thiệu một phần nội dung của ba đêm Nhạc thoại “Văn Cao trong tôi”
của Phạm Duy.
H.Linh
Trong ba đêm VĂN CAO
TRONG TÔI tại phòng trà TÌNH CA, tôi nói ra được vài điều mà tôi nghĩ là sẽ bổ
ích cho những người yêu nhạc và nhất là yêu nhạc Văn Cao.
Trước hết, tôi nói tới
sự đa dạng trong nhạc tình của VC trong thời kỳ mới thành lập của Tân Nhạc này.
Lúc đó, những chàng thanh niên mới tập tễnh soạn ca khúc Việt Nam (như Lê
Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Văn Cao…) thường dùng một âm giai “mineure”
hơi giống như âm giai của điệu Sa Mạc (re fa sol la do re). Những bài như Buồn
Tàn Thu (1), Bản Đàn Xuân, Cô Láng Giềng, Con Thuyền Không Bến đều có chung một
hơi hướng Việt Nam và một phong cách buồn bã như nhau.
Duy chỉ có Văn Cao là
muốn thay đổi phong cách, cho nên sau Buồn Tàn Thu thì ông buông cái “re
mineure” ra và dùng những âm giai “majeure” để diễn tả cái buồn (lúc đó chưa có
nhạc vui trong Tân Nhạc như hướng đạo ca hay thanh niên lịch sử ca. Ngay Nguyễn
Xuân Khoát và Đỗ Nhuận cũng còn bám vào âm giai “re mineure” để viết Hồn Xuân,
Nhớ Chiến Khu hay Côn Đảo.
Không còn là ngũ cung
“re mineure” nữa, và dù tác giả tuyên bố trong một cuốn video, đây là ca khúc
của kẻ thất tình, nhạc điệu trong Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa của Văn Cao là nhạc
chủ thể Tây Phương (musique tonale) với những áp-âm (notes sensibles) làm cho
nét nhạc có nhiều cảm tính. Nhịp điệu là thể valse đầy lưu luyến và cũng đầy
luyến tiếc.
Sau đó, trong hai bài
nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân là Suối Mơ và Bến Xuân (2), bao giờ nét nhạc
mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc
majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả
hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình
đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một
chút hạnh phúc. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến
hương vị tình yêu của chúng ta. Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa
xa và nghe tiếng chim ca như lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng mình…
Rồi tới khi vươn tới
những tác phẩm lớn như Thiên Thai và Trương Chi thì “ngữ nhạc” của Văn Cao sẽ
dắt ta tới đỉnh cao nhất của cuộc tình tiên cảnh cũng như sẽ đưa ta vào cõi sâu
thẳm nhất của tình buồn với hai câu chuyện cổ dân gian biến thành hai bản tình
ca muôn thuở.
Trong những đêm hát
này, tôi còn được hân hạnh mời mọi người nghe hai bài hướng đạo ca của Văn Cao
do các em thiếu nhi trong ban Văn Nghệ của quận Phú Nhuận hát. (Tôi thấy ở trên
NET, vài websites đăng tên bài Anh Em Khá Cầm Tay sau khi đọc HỒI KÝ PD, nhưng
không chứa tên tôi là người sưu tập và chỉnh đốn. Họ rất thiếu lương thiện…)
Anh
Em Khá Cầm Tay
(Phạm Duy sưu tập và chỉnh đốn)
Anh
em khá cầm tay
Mau đến cùng nhau hát nhé
Nơi đây chúng mình ca
Trong gió chiều thật êm êm
Bao nhiêu gió về đây
Chim chóc về đây hót nhé
A vui sướng làm sao
Ta ngó trời thật xanh êm
Mà ca hát cười nô
Không biết chi là u buồn
Ðời trần gian chắc là thắm tươi
Trời xanh ngắt tầng cao
Đang ngước nhìn chúng ta cười
Này này sao các người vui thế?
Này này sao các người vui thế?
Này này sao các người vui thế?
Này này sao… các… người… vui… thế?
Gió
Núi
Phạm Duy sưu tập và chỉnh đốn
Gió
núi qua mái lều vi vu
Vừng trăng xế lu
Phía cách xa núi mờ ánh trăng
Lời ca hát rằng:
Cùng ngồi lại đây
Ta chờ hơi gió
Là tiếng hát phất phơ từ đâu?
Từ đồi cao tới nơi rừng sâu
Rừng cây với núi vấn vương máu hồng
Ngàn đời về xưa
Ngàn đời về xưa
Muôn quân thương tiếc
Muôn quân thương tiếc
Bao nhiêu thây chết nơi đây
Ngàn đời về sau
Ngàn đời về sau
Ầm vang gió núi
Ầm vang gió núi
Ghi chú:
(1) Ca khúc được Văn
Cao viết lời đề tặng: “Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn
của tôi khắp chốn”
(2) Viết chung với
Phạm Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét