Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Vì em đã mang lời khấn nhỏ…

Vì em đã mang lời khấn nhỏ…

    Ngày 1 tháng 4. Mệt mỏi. Rã rời. Chán nản. Buồn nẫu lòng. Bao nhiêu muộn phiền, tiếc nuối đổ ập lên ngày hôm nay. Ta có cảm giác như kiệt quệ sức lực. Thân thể như sắp tan biến, vỡ vụn trong bao nhiêu áp lực. Nằm nghe nhạc trong miên man sầu nhớ, thảng thốt, ta nhận ra đời đang xanh rêu. Ta cảm nghiệm thấy tình bay như gió thoảng hư vô. Mọi thứ cứ trượt trôi, chảy hoài, ào ào đổ xuống như thác lũ. Giấc mơ đêm chập chờn mơ tình đưa ta trải nghiệm cảm giác đời đổ thác, cuốn phăng mọi thứ theo lẽ vô thường. Những giai điệu của bài ca “Đêm thấy ta là thác đổ” vọng về, ngân nga diết dóng như một niềm mơ khắc khoải cùng bao ám ảnh đời, ám ảnh tình day dứt:
 Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia

Đêm thấy ta là thác đổ - Quang Dũng

          Những lời ca huyền hoặc, đầy chất thơ dẫn dụ người nghe nhạc vào một thế giới nghệ thuật mang sắc điệu riêng của “Đêm thấy ta là thác đổ”. Đó là thế giới của những liên tưởng, những ấn tượng, cảm xúc mong manh theo dòng ý thức chập chờn, bất định. Ta như nghe thấy bước chân của kẻ phiêu lãng trở về căn gác nhỏ thân quen, về lại mái nhà xưa yêu dấu. Nỗi lòng kẻ giang hồ kia lắng lại trong những cảm xúc chợt hiện, trong nỗi nhớ trào sôi. Bao hình ảnh thân thuộc lại đi về trong trí nhớ nhỏ nhoi của kẻ tung bước chân phiêu bồng:
“Một đêm bước chân về gác nhỏ,
Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa”.
          Đêm sâu. Bước chân phiêu dạt với bao hoang hoải trở về căn gác đìu hiu. Lòng đầy hoang vắng để chạnh nhớ đóa tường vi năm nào. Đóa tường vi vẫn nở trong đêm, phai tàn theo tháng năm nhưng không phai tàn trong tâm tưởng người tha hương. Quá khứ và hiện tại đồng hiện khi “bàn tay ngắt hoa từ phố nọ”. Đóa tường vi đã xa và vườn xưa cũng đã trôi vào quên lãng trong trí nhớ nhỏ nhoi. Những lời ca thấm đẫm tình buồn, tình nhớ của một kẻ đã xa lìa bến bờ vãng chãi của tình cảm neo đậu. Đóa hoa tường vi kia như một điểm tựa để cái tôi kia bám víu, tìm về cõi bình yên muôn thuở xa xưa. Ta như gặp cái tâm trạng của kẻ mang bi kịch “lỡ dở” muôn đời. Bàn chân ra đi nhưng vẫn khôn nguôi thương nhớ cái xa xưa, nhưng chẳng thể còn lưu lại mấy dấu vết. Bởi tất cả ký ức cũng như đóa tường vi kia quá mong manh, hư hao. Bàn tay ngắt hoa như chạm vào nỗi lòng đầy se sót, khắc khoải trong lắng sâu, trong rung động về cái đẹp, về cuộc đời hư ảo.
Nhớ và quên, đi và về, bước chân kia vẫn qua bao dặm trường, qua bao phố phường. Để rồi một hôm, bước chân lãng tử nhận ra:
Một hôm bước qua thành phố lạ,
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do,
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về
    Thành phố đã ngủ trưa. Bước chân lang thang trong được tĩnh lòng, được đắm mình trong phút cô tịch hiếm hoi của chốn xô bồ, náo nhiệt. Trong cái giây phút ấy, lòng kẻ giang hồ chợt đốn ngộ với nhiều thức nhận về mình. Đối diện với cõi vắng hư không của thành phố đi ngủ trưa, cái tôi phiêu du chợt thấy đời mình như lá cỏ mang cái khí chất tự do, lãng tử, phiêu bồng. Song, cái tự do, phiêu du và lãng tử ấy lại như chất chứa một cái gì chênh vênh, một chút hoang vắng của lòng. Để rồi, cái con người – khách hồ hải tự nhận thấy mình mang tâm thế trẻ nhớ nhà. Phố phường đông vui, náo nhiệt nhưng không làm lòng người bớt vắng. Cái khoảnh khắc của trưa buồn vắng, quạnh hiu phố càng khiến lòng người tái tê. Có một cái tôi mang bi kịch lỡ làng của kẻ tha hương hiện hữu trên mỗi ca từ. Nỗi nhớ nhà cuộn trào quay quắt, khắc khoải, chà xát thành một vết thương, một vế cứa hằn in tâm can. Mỗi con phố, mỗi bước chân trên con đường xa lại nhiều lại nhắc nhớ quê hương. Do đó, hình ảnh “nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà” thật sâu lắng, bâng khuâng nhưng cũng rất ảm ảnh lòng người bở cái bi kịch kiếp sống “con chim lìa đàn” muôn thuở của cái tôi phiêu linh, giang hồ. Ta cũng gặp cái tâm thế, cảm xúc này trong nhiều ca khúc khác của Trịnh, đặc biệt là trong ca khúc “Phôi pha”:
                                                Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về
                                                Nhớ chân giang hồ
                                                Ôi phù du, từng tuổi xanh đã già
                                                Một ngày kia đến bờ
                                                Đời người như gió qua…
      Đó chính là những cảm nhận, những thức nhận sâu sắc về bị kịch lỡ dở muôn đời của cái tôi trước không gian, thời gian. Bước đường phiêu linh đơn độc khiến cái tôi dậy lên nỗi nhớ và khao khát sự trở về. Nhưng con đường về cũng thực là xa xôi. Đặc biệt nữa, “trong khi ta về lại nhớ ta đi” nên tâm bất an, lòng bất tĩnh. Để rồi, cái tôi biết bi kịch, biết lòng xót đau nhưng vẫn cứ khăn gói ra đi để quên, để không thương nhớ nơi quê nhà. Và cứ vậy, cái tôi dấn thân trên hành trình đi về một cõi, một hành trình vô tận của kiếp sống hằng thường trong cái vô thường của cuộc đời, để nếm trải, để se sót cho cuộc đời, cho thân phận, cho kiếp phù du là ta, là một đời sống – người. Cho nên, ngay giữa mùa xuân mà bước chân vẫn ngại ngùng trong bao nhiêu suy tư, sầu nhớ:
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ,
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe
          Mỗi bước chân qua là một bước thời gian đồng hành trôi. Cái tôi xê dịch nhận ra được cái sự chảy trôi vô định, không ngừng, nghiệt ngã của thời gian. Bước chân rón rén, nhẹ nhàng sợ động chạm, sợ nàng xuân đau nhưng xuân vẫn qua. Có khi bước chân ấy chưa chạm vào xuân thì xuân đã qua mất rồi. Câu hát “Mùa xuân đã qua bao giờ” vang lên nhẹ nhàng, bay bổng nhưng lại chứa bao nhiêu thảng thốt, âu lo, bất an. Bởi cái tôi kia đã biết được, đã nhận ra tất cả những mất mát, những tang thương trong dòng chảy của thời gian nghiệt ngã. Nghe những ca từ này, lòng ta lại nao nao liên tưởng đến những câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu trong nỗi ám ảnh về thời gian trôi chảy:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn nòn, nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
                                      (Vội vàng)
     Đi giữa sự trôi chảy của thời gian vô lượng ấy, cái tôi  kia chợt nhận ra “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ/ Tỉnh ra có khi còn nghe”. Ta là con thác đổ băng băng. Đời là một con thác đổ cuốn trôi tất cả. Những chuyển biến vô thường của thời gian, của đời sống làm bào mòn mọi thứ. Mùa xuân, tuổi trẻ, cái đẹp, niềm vui, tình yêu, hạnh phúc… đều bị cuốn phăng đi theo dòng chảy ầm ầm, cuộn xoáy của dòng thác cuộc đời. Bản thân ta cũng là một dòng thác đổ trôi theo cái miên viễn của thời gian vô cùng, vô thủy, vô chung. Để từ đó, những thanh âm thác đổ cứ còn vang vọng mãi làm ta bừng tỉnh những mất mát, phai tàn trong đời. Đời sống vô thường và cái tôi quá bé nhỏ. Tất cả sẽ chìm trôi, tất cả sẽ mãi mãi ra đi không còn dấu tích. Chỉ còn lại dòng thác đổ vẫn đêm đêm vang vọng những thanh âm tiếc nuối, buồn vương, những dư ba buồn man mác, sâu lắng của dòng ý thức sực tỉnh. Và cái tôi kia từ biệt thành phố lạ để trở về không gian quen thuộc quê nhà, để ngược dòng thác đổ tìm về những thanh âm gần gũi của ngày xưa:
Một hôm bước chân về giữa chợ,
Chợt thấy vui như trẻ thơ
     Tìm về nơi đông vui, về cái chợ quen thuộc, cái tôi vui như trẻ thơ. Nỗi nhớ nhà đã được khỏa lấp và tâm hồn ngập tràn niềm hạnh phúc hoa niên. Có một cái gì trong veo, thuần khiết, trinh nguyên đang hồi sinh trong lòng cái tôi ấy. Được sống vui như trẻ thơ là một hạnh phúc lớn lao, bất tuyệt trong cuộc đời này. Niềm vui dâng trào để cái tôi đi tìm lại, khơi lại mạch sống, tình yêu, hy vọng. Và cái tôi ấy đã nhìn cuộc đời mình thật đẹp với bao nhiệt huyết, đam mê, trong tính chất nhỏ bé, hằng thường và hữu hạn của bản thể nó:
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya.
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời tôi có ai vừa qua.
   Nhìn đời là đốm lửa là một cái nhìn rất tinh và sắc. Những trải nghiệm, những niềm hoang hoải và mệt nhoài của hành trình vô tận trong dòng thác đổ đã tước đi những đam mê chất ngất, những trong trắng vô ngần của lòng ngây thơ, hồn nhiên. Nhưng còn đó là nhiệt huyết, là hy vọng. Hình ảnh đốm lửa nhóm trong vườn khuya có gì nhỏ nhoi, leo lét, tội nghiệp, mong manh, hư hao nhưng lại cháy sáng mãnh liệt. Nó mang sức sống bất diệt, mang nguồn sáng vĩnh hằng thắp lửa đêm đen. Ánh sáng ấy không xua tan bóng đêm mịt mù nhưng nó đã khẳng định sự tồn tại của nó – sự tồn tại của đời sống một đốm lửa. Và quan trọng hơn, đốm lửa kia soi sáng, làm bừng lên vẻ đẹp của đóa hoa mới nở. Phải chăng đó là đóa hoa tường vi của vườn xưa yêu dấu? Và cả đốm lửa, cả đóa hoa kia chỉ là những dư ảnh đầy u hoài của mộng tưởng lúc xa xăm. Nó là đốm lửa lòng khơi mở đóa hoa lòng bừng nở. Để rồi cái tôi ấy biết có người vừa qua đời mình. Một cuộc tình đã xa để tạo nên một cuộc “tình nhớ”. Đời qua như thác lũ và người xa như những dòng trôi. Bởi “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Dường như dòng ý thức đã đưa cái tôi tự soi mình, hiểu bản thể của mình để biết rằng một cái tôi của mình đã vĩnh viễn chuồi đi, vĩnh viễn mất mát.
     Tỉnh và mơ, mơ để thức nhận, hoài nhớ quá khứ để thấm thía hiện tại và thấu tỏ tương lai. Cái nhìn tâm tưởng vời vợi vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian để:
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
    Trăm nghìn nấm mộ gợi ra nghĩa địa quạnh hiu. Đó là đích đến của “một cõi đi về”, là kết quả của dòng thác cuộc đời cuồn cuộn chảy. Thân cát bụi lại về với cát bụi. Bao năm ta đi và về, bao năm bước chân giang hồ kiếm tìm, nếm trải khi phố khi vùng đèo thì cũng dẫn đến một nơi với trăm nghìn nấm mộ. Hơn một lần Trịnh Công Sơn nhìn thấy cái chết, nói về cái chết ngay khi đời sống vẫn xanh ngời:
-      Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
   Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời
                                           (Bên đời hiu quạnh)
-   Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay
                                           (Chiếc lá thu phai)
      Nhưng đó không chỉ là một viễn cảnh tương lai, một kết thúc hành trình đi về một cõi đời mà nó còn là hiện tại – hiện tại lòng ta. Nỗi lòng của cái tôi mang nhiều hoang hoải, mệt mỏi, rã rời, bất an trong cái hành trình vô tận của nhớ quên, của xa lìa, tiếc nuối, xót lòng. Tâm hồn, cảm xúc như chai sạn, mất mát, hoang vu, lạnh lẽo như trăm nghìn nấm mộ kia. Bởi cái tôi ấy thấy lòng mình, thấy đời mình hết mang điều mới lạ, hết phần sinh động của một sự sống người. Nó có khác gì một nghĩa địa hoang vu hay một cái chết của đời sống tinh thần đâu. Chính cái tâm hồn ấy khiến ta “sống rất ơ hờ”. Phải chăng cái tôi kia đã nhận ra sự vô nghĩa, phù du của quãng đời vừa qua? Đến bây giờ, cái tôi ấy thấy se sót, thấy nhói đau khi thời gian đã chẳng còn đợi chờ nữa, khi thấy “chập chờn lau trắng ở trong tay”. Một cuộc sống mòn mỏi, buồn não, vô nghĩa đã cuốn phăng, đã lấy mất của ta nhiều thứ. Để hôm nay, ta bước chân về gác nhỏ, ta bước chân trong thành phố lạ nhớ một đóa tường vi, nhớ một khu vườn xưa, mộng tưởng được về giữa chợ quen thuở trước. Để hôm nay, ta ngộ ra đời ta là thác đổ, hồn ta chỉ còn là trăm nghìn nấm mộ. Cái tôi mang một tâm trạng đầy hoài vọng, nghẹn ngào trong nỗi đau tức tưởi nhớ một cái tôi tươi đẹp xuân sắc mình đã đánh mất một cách vô lý trong chuỗi ngày sống rất ơ hờ.
      Như những con sóng cứ xô đuổi nhau, nỗi đau chồng lên nỗi đau, mất mát gọi mất mát để lòng tôi rỉ máu từ những vết thưởng. Cái tôi lúc này đã vượt thoát khỏi cõi mơ để biết rằng:
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
  Cõi lòng của cái tôi kia mang bao vết thương sâu hoẳm. Nó khía thành những tỳ vết để khép cửa lòng lại. Tôi quỳ bên vết thương để xót xa khi thấu nỗi mất mát lớn nhất của đời: “Vì em đã mang lời khấn nhỏ/ Bỏ tôi đứng bên đời kia”. Em mang lời khấn nhỏ ra đi trong sự tuệ giác, tìm đến cõi siêu thoát. Còn ta trơ vơ một mình, mang nỗi lòng hoang vắng, trống trải vô cùng. Ta hoàn toàn trơ trọi, cô liêu trong nỗi đau, trong mất mát, trong sự hư vô của đời sống hằng thường. Bởi kết cục, ta vẫn chưa ngộ ra lẽ vô thường, cái sắc sắc không không của cuộc sống, vùi lấp mình trong sự vô minh, tham ái. Hai câu hát kết thúc bài giản dị nhưng cũng thật trừu tượng, khó lý giải. Nó để lại bao ảm ảnh, bao dư tình vương vấn của một nỗi lòng đầy khắc khoải, u buồn, nhớ tiếc. Một cái gì đơn đọc, hư ảo, mong manh của tình yêu, hạnh phúc, của kiếp đời sống bao trùm lấy cảm giác ta khi nghe hai lời hát cuối cùng này. Kết cục của một kiếp người vẫn là nỗi khổ trầm luân bao trùm trong sự tồn tại của một cái tôi nhỏ bé, mang nhiều mất mát, đau thương, mang nặng nỗi sầu ly biệt, mang cái hư vô muôn đời của hạt bụi hằng thường giữa kiếp sống vô thường.
    Con thác mãi mãi đổ. Đời ta mãi mãi trôi. Thời gian chẳng dứng đợi ai. Bao vẻ đẹp, tình yêu, xuân thì, xuân sắc cũng bị dòng thác đổ cuộc đời cuốn đi băng băng. Nghe “Đêm thấy ta là thác đổ”, ta thấm thía một nỗi buồn trong sáng, một sự giác ngộ chân lý đời sống nhẹ nhàng. Tất cả cứ man mác, lan tỏa vào hồn ta những cảm xúc lắng sâu, những dư tình vương vấn, những nhận thức sâu sắc. Ca từ và giai điệu như một sợi tơ vương quấn hồn ta từ cái chất thơ bay bổng, từ những hình ảnh đẹp trong cái mong manh, khắc khoải mà đầy ấn tượng đến mức ám ảnh kia. Giai điệu, ca từ, hình ảnh, cảm xúc hòa vào làm một để tạo nên một thế giới hư – thực, nhớ - quên, một dòng ý thức, tâm tưởng cũng là một dòng nhận thức riêng của “Đêm thấy ta là thác đổ”.
 http://haitrinh1084.blogspot.com/
Đêm thấy ta là thác đổ - Khánh Ly
Guitar Phạm Ngọc Lân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian Với câu chuyện thời gian, tôi và nhiều người khác thường nghĩ ngay tới nhà văn Pháp vĩ đại Ma...