Hoàng Nguyên (Trần Anh Kiệt)
Anh như một thiên thần đang bỡ ngỡ
Nương vào Em… bay đến cõi trăng sao
(Cõi vĩnh hằng).
Hoàng
Nguyên (Trần Anh Kiệt) vĩnh biệt chúng ta, đi vào “Cõi vĩnh hằng” đầu giờ Mẹo ngày mồng 9 tháng 5, Bính
Thân (13/6/2016). Hai câu thơ này trong bài thơ “Cõi vĩnh hằng” anh đề ngày
12/6. Như vậy, chỉ đúng chưa đầy một ngày trước khi anh rũ “xác phàm” làm
“thiên thần” bay đến “cõi trăng sao” - nơi người vợ hiền anh đang đợi sẵn.
Sinh năm
1937 nơi quê nghèo Mộ Đức, anh theo cha tập kết ra Bắc, học hành rồi lại về Nam
tham gia kháng chiến. Hòa bình, đoàn tụ lại trở về với quê thực hiện vai trò
“kẻ sĩ” và vĩnh viễn ra đi trong thanh thản, nhẹ nhàng. Nghĩa là, cuộc đời
Hoàng Nguyên (Trần Anh Kiệt) là chứng nhân đủ mọi phân tán, chia ly, đoàn tụ…
của cả một thời kỳ lịch sử, và… trọn vẹn thủy chung với mảnh đất quê nghèo.
Nhưng
thôi! Cái cuộc hành trình đời người ấy, anh đã thể hiện trong bài thơ “Tiếc
thay” tự điếu mình trước khi rời khỏi phàm trần (mà sẽ được in ở trang thơ
này). Giờ đây, nhân tuần 49 ngày của anh, tôi chỉ muốn trở về với “tâm nguyện”
của anh (mà cũng là cảm nhận của tôi về anh) để nói về một
con người thơ đích thực: Hoàng Nguyên.
Và cũng
xin nói thực điều này, ngày anh mất, tôi không viếng anh được, chỉ nhận tin khi
đang còn ở nơi xa. Và ngay lúc ấy, tôi thật sự bàng hoàng vì cách đó không lâu,
qua cháu ngoại của anh (học trò tôi, con của Anh Thư - bạn đồng môn đại học của
tôi), tôi còn nhận được những tâm tư, tình cảm của anh qua những tâm sự và
những bài thơ anh gửi ngay trong những ngày bạo bệnh. Giờ, viết về anh, dễ có
người nghĩ rằng, sẽ có những lẫn lộn giữa một Trần Anh Kiệt - Chủ tịch tỉnh với
một Hoàng Nguyên - thơ. Nhưng không sao, chuyện anh là một kẻ sĩ chính hiệu
trong đoạn quan trường (mà tôi ít quan hệ), với tôi, anh là một người thơ.
Dựa theo
phân loại giới nhà Nho (kẻ sĩ) của văn học trung đại, vận vào thời hiện đại,
tôi không xếp anh vào “kẻ sĩ ẩn dật” mà chỉ là sự đan xen, chồng khít lên nhau
giữa “kẻ sĩ hành đạo” và “kẻ sĩ tài tử” mà thôi. Trong đó, “kẻ sĩ tài tử” vẫn
chiếm mạch tâm tư chính trong thể hiện của thơ anh. Tâm tình thời cuộc trong
chặng đường “hành đạo” được anh sẻ chia ngay trong tâm sự riêng tư của tâm hồn
“tài tử” khi “Gửi về em”:
Thù chất
chồng bọn đế quốc thực dân
Nước mắt
trào, răng anh cắn chặt răng
Và
Ôi quê
hương! Nơi muôn đời bất khuất
Con muốn
bùng sôi giông bão hôm nay
(Gửi về em).
Năm 1968,
khi về Nam chiến đấu, tâm tình chung ấy, anh vẫn quyện vào trong “nhật ký chiến
trường” của “Một tháng xa em”:
Bên đường
tạm dừng bước
Anh hái
một đóa hoa
Nhờ gió
nồm chuyển hộ
Gửi tặng
em làm quà
(Một tháng xa em).
Hòa bình, lại trở về Nam
xây dựng quê hương, bước đi trên con đường chính sự, anh vẫn nhìn nhận chính
trường bằng những mảng suy tư lắng đọng bằng những lời thơ rút ra từ tâm huyết:
Ta tìm về
với hạnh phúc nào đây
Như chiếc
lá giữa vần xoay trời đất
Cảm biết
mấy những mảnh đời lưu lạc
Thương
quê nghèo da diết gió heo may
Khi quyết định giã từ Hà
Nội để về góp phần xây dựng quê hương sau hòa bình thì chính tấm lòng đau đáu
nhớ quê của con người thơ cứ như là một hối thúc:
Mỗi chiều
về lại nhớ khói lam bay
Chỉ mấy
sải tay là lòng biển rộng
Mà đất cứ
nẻ khô da diết từng tiếng sóng
Sao khuôn
thiêng vô tình dằn vặt thử thách ai
(Hạn quê)
Cho dù, anh thừa biết, trước mắt mình
sẽ còn lắm nỗi gian truân “giật gấu vá vai” cùng bao nhiêu “bồi lở”:
Mấy dạt
dào cho tình nguyên trọn
Bến Tam
Thương đôi bận buồn vui
Tự dỗ
dành: Nín đi đừng khóc
Giọt rơi
bên lở đắp bên bồi
(Về với bến).
Con người
“tài tử” luôn ẩn sau, làm chỗ tựa cho con người “hành đạo”, chính vì thế, thơ
anh đầy tâm trạng trong cả những phút lo gánh vác chuyện đời. Đọc lên cứ nghe
đăng đắng, ý vị một chút buồn triết lý:
Đừng để
khô đi nguồn nước nhỏ
Hãy nghe
tiếng gọi của ngàn cây
Hãy khơi
mạch sống từ sông biển
Chăm chút
tươi xanh mỗi dáng gầy
(Trăn trở 3).
Đó cũng
là nguyên nhân giải thích vì sao anh luôn cống hiến trọn cuộc đời mình cho công
việc, luôn tin tưởng mình sẽ “sút trúng khung thành” để đạt đến thành công ngay
cả ở những phút cuối cùng:
Ôi thời
gian, còn vài phút nữa thôi
Chấp nhận
hòa ư? Không, anh phải thắng
Và đẹp
thay, vào phút đời tám chín
Từ chân
anh, tung lưới, bóng tròn bay
(Một phút đời).
Anh đã sút trúng đích mà
mục tiêu “hành đạo” mình đã đặt ra, đồng thời cũng đã “sút đúng vào khung thành
thơ” của một tâm hồn “tài tử”.
Lắng lòng lại sau những
chính sự quan trường, anh thổ lộ cùng mẹ cha những lời thơ da diết. “Công cha
mẹ như trời như biển” ta đã từng nghe, nhưng xưa nay, khi cặp biểu tượng
“thuyền - biển” xuất hiện, hầu hết các nghệ sĩ đều nói chuyện tình yêu đôi lứa.
Riêng anh, đặt “thuyền” (người con) trong mối quan hệ với “trời và biển” (cha
và mẹ) đã tạo nên một tứ thơ khá độc đáo về mối thâm tình cao rộng này:
Biển trời
như cha mẹ
Con là
chiếc thuyền trôi
Lời ru
của trời biển
Đưa
thuyền con trôi xuôi
(Trời và biển).
Đặc biệt, anh đã có những
câu thơ thật sự “quặn lòng” khi nghĩ về đức hi sinh của mẹ:
Chúng con
đã vay phút quặn lòng trở dạ
Ngày Mẹ
sinh, tinh huyết của yêu thương
Chúng con
đã vay bao mòn hao của Mẹ
Để một
đời chưa trọn nợ quê hương…
Đó là cảm nghĩa mẹ trong
đoạn mới sinh thành. Đến khi đã vượt qua tuổi 50 (năm 1989) “Ngũ thập nhi bất
hoặc”, anh lại cảm nghĩa tình của mẹ một cách sâu sắc hơn. Đây là đoạn đời anh
lăn thân chốn qua trường, mà cảm nhận tình mẹ đến “mênh mông” dường này thì
cũng khiến nhiều nhà thơ phải đi từ ngạc nhiên đến gật gù tâm phục:
Con lại
được mẹ gội đầu
Như những
ngày còn thơ trẻ
Nỗi đau
thoáng mất trong con
Hơi ấm
lần theo tay mẹ
Được mẹ
vuốt từng sợi tóc
Đầu con
sạch bớt dại khờ
Hương lá
quê mình thơm mát
Vun hồn
con xanh ước mơ
(Mênh mông…)
Rồi khi
xem phim “Mộng đoạn Tử
Cấm Thành”, tựa vào mẹ, anh
lại thổn thức bật lên hai câu thơ uẩn súc cả một nỗi niềm triết lý:
Mẹ tắm
rửa cho ta bao nhiêu năm mà ta vẫn bẩn
Càng lên
cao gió càng lạnh ghê người (Lên cao).
\Bên cạnh mẹ, cha, con,
cháu, trong đời thơ của “kẻ sĩ tài tử” Hoàng Nguyên, người yêu - người vợ hiền
dường như được anh tỏ bày nhiều hơn hết, tình yêu xuyên suốt cả một đời người:
\Nụ yêu từ buổi ban đầu
Tình già
thêm thắm một màu thanh xuân
(Về với em).
Mỗi đoạn
chia ly, xa cách người tình là mỗi lần anh “mất bớt” rất nhiều trong trạng thái
choáng váng cả linh hồn:
Bao nắng
mưa chưa gặt lấy mùa vui
Muôn
trang sách được mấy dòng tri kỷ
Gạn trong
tim chắt chiu từng giọt quý
Em ra đi…
như mất bớt hồn anh
(Tiễn em)…
Điều này
lý giải vì sao, đọc kỹ 5 tập thơ anh (Những
khúc tâm tình - 2001, Một chút xanh - 2002, Ai xuôi Trà Khúc - 2004, Sương
chiều - 2006 và Anh xin lỗi em - 2007)ta
dễ phát hiện ra rằng: bài thơ đầu tiên (Gửi về em) anh làm năm 1959 và bài thơ
cuối cùng (Cõi vĩnh hằng), anh vẫn chỉ riêng dành tặng người yêu, người vợ mà
anh đắm yêu suốt cả một đời người.
Sự hòa quyện, đan xen giữa
con người “hành đạo” và con người “tài tử” khiến những lúc trên bước đường
“hành đạo” gập ghềnh, anh lại có nơi chốn để quay về an vui cùng cái gốc “tài
tử” mà mình vốn có:
Ngỡ thành
lãng tử cùng hoa
Thoảng
heo may giọt sương sa chính trường
Vó câu
mấy chặng gập ghềnh
Phù vân
mấy nấc đượm tình gần xa
Vui về
nương gốc mai già
Kẻo héo
hon thiếu mặn mà với xuân
(Với xuân).
Đọc thơ Hoàng Nguyên, ta
có cảm giác chính tình yêu của con người tài tử, luôn “lở tay tôi rót giọt buồn
mắt em” đã trở thành tâm nguyện, nguồn cội của đời anh. Anh luôn biết tự mình
tìm “Một chút xanh” trong những “chiều thu muộn” của cái “bước đời” mãi mãi
xanh tươi để yên ủi, động viên mình mỗi khi “lạc bước”. Và chính vì lẽ đó,
Hoàng Nguyên đã sống rất “lạc quan” trong suốt cuộc đời mình, ngay trong những
tháng ngày lâm bạo bệnh. Điều này cũng lý giải vì sao trong thơ Hoàng Nguyên,
cái màu xanh đã trở thành gam màu chính xuyên suốt cả một đời thơ để anh đi
trọn lòng mình trên con đường thơ tươi xanh và những gập ghềnh hoạn lộ:
Chút xanh
man mác chiều thu muộn
Lạc bước
đường quan, nặng bước đời
(Lạc quan).
Giờ thì anh đã vĩnh viễn
về với xa xanh, nhưng những bài thơ anh vẫn luôn mãi còn góp “Một chút xanh”
trong cây lá cuộc đời:
Trải bao
mưa nắng, bao sương gió
Góp với
đất trời một chút xanh…
(Một chút
xanh).
Giờ thì anh đã vĩnh viễn
về với xa xanh, nhưng những bài thơ anh vẫn luôn mãi còn góp “Một chút xanh”
trong cây lá cuộc đời. Xin được tâm sự đôi điều và giới thiệu trang thơ anh như
một nén nhang lòng tưởng niệm.
TIẾC
THAY
(Tự điếu mình)
Dù khoảnh
khắc vèo như gió thoảng
Cũng từng
được sống giữa nhân gian
Nhớ linh
xưa:
Sinh tại
gia đình phong kiến
Tầng tầng
khoán xuyến khắp vùng
Khởi thủy
nguyên cụ Trần Cẩm
Góp phần
mở đất phương Nam
Đời Cha
vào thời Tây học
Cũng Tú…
cũng Cử… như ai
Bản tính
không ham quyền lực
Theo nghề
Bưu chính đó đây
Mẹ cũng
một thời Tây học
Kiếp
người nặng nợ chồng con
Vắt đời
đến từng giọt cuối
Hương nhà
giữ nếp ngàn xưa
Nghỉ hưu
từ thời Bưu chính
Cha về
chẳng bận ưu phiền
Tiếng xưa
vẫn “Ông Tú Đính”
Về trời…
xứng “Vãng phần, yên”.
Khá
thương thay:
Năm tư
(1954) theo Cha tập kết
Tầm dăm
ba chữ mai sau
Học theo
quy luồng quy tuyến
Ngành
kinh tế học “cầu âu”
Đại học
kinh tế công nghiệp
Thời
“trâu đi trước cái cày”
Học xong
về Ban Thống nhất
Mơ màng
lo chuyện Miền Nam
Rồi vượt
Trường Sơn mấy bận
Rồi làm
thư ký mấy phen
Rồi ngồi
ghế Chủ tịch tỉnh
Rồi lại
điều về Trung ương
Lại đi từ
đất Quảng Ngãi
Một tỉnh
Miền Trung đói nghèo
Đi từ một
vùng quít trắng
Mở cơ đồ…
dựng tương lai...
Chập
chững làm Cảng Dung Quất
Manh nha
Nhà máy Lọc dầu
Tiến lên
thành Khu kinh tế
“Thành
phố công nghiệp” mai sau
Ý tưởng
dần thành sự thật…
Nhà huyên
hạnh phúc chan hòa
Con cái
làm ăn sum nẫm
Chăm lo
luôn giữ nếp nhà
Đoái Sông
Trà - Núi Ấn dấu chân còn vướng bụi đường
Nghĩ cái
quê hương nghèo khó
Chẳng
nhọc quản công “mài sừng…”
Đôi giọt
xanh từng góp sức…
Gọi là…
chào buổi hoàng hôn…
Sức già
cõi còm trông thấy
Bệnh tật
hoành hành đêm ngày
Từng mấy
lần vào Chợ Rẫy
Điểm
cuối… chập chờn… đâu đây
Thà thác
mà đặng câu khảm khái, về theo Tổ phụ cũng vinh
Hơn còn
mà chịu cảnh héo hon, đơn độc thân côi rất khổ
Ngang qua
Thi Phổ, cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Một dãi
Lương Nông, Vườn Xanh thấm bao lệ nhỏ (*)
Ôi!
Một nén
hương tàn… ngàn năm còn đó
Thác mà
xong… Quê cũ vượt lên, thoát khỏi tỉnh nghèo, tỉnh khổ.
Sống nhờ
dân, chết cũng vì dân, góp chút mồ hôi còn đó
Kính
Trời, kính Đất…
Kính vọng
Tổ tiên
Kính bà
con gần, kính bà con xa hai bên Nội Ngoại
Hãy vui
vẻ mà sống tròn đầy
Đất trời
hiểu lòng chăng tá
Tiếc thay…
(*) Dựa
theo “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu
TÂM
NGUYỆN
Nguyện
với lòng giữ trọn vẹn hương quê
Mà sóng
gió xôn xao chiều lận đận
Cha mẹ
già buồn thương trong thiếu vắng
Em băn
khoăn đơn lẻ một thân gầy
Ta tìm về
với hạnh phúc nào đây
Như chiếc
lá giữa vần xoay trời đất
Cảm biết
mấy những mảnh đời lưu lạc
Thương
quê nghèo da diết gió heo may
Đoạn
đường nào rong ruổi bước chân ai
Mà mỏng
mảnh theo sương chiều vời vợi
Nắng chợt
tắt như tiếng cười tắt vội
Để hoàng
hôn chìm lặng ở sau lưng
Mỗi bước
ta đi mỗi bước ngập ngừng
Hướng quê
mẹ xa dần, lòng quặng thắt
Đường
thiên lý dẫu mai này mải miết
Cũng
không đi trọn lời mẹ ru…
Hà Nội
gió mùa cứ ngỡ vào thu
Trước đây
ta về, nay ta đến
Sóng vẫn
mênh mông bao bờ, bao bến…
Nào biết
ai… ai biết… có hay không
Mặt trời
vẫn mọc đằng đông
Thiên
lương vẫn sống mãi trong lòng người
TRỜI VÀ
BIỂN
Bầu trời
và mặt biển
Cách nhau
bao dặm xa
Nhìn vào
lòng biển rộng
Trời
trong xanh bao la
Biển trời
như cha mẹ
Con là
chiếc thuyền trôi
Lời ru
của trời biển
Đưa
thuyền con trôi xuôi
Nếu trời
mây vần vũ
Biển nổi
sóng bạc đầu
Thuyền
dập dềnh chao đảo
Nương níu
bến bờ đâu
Mong sao
biển và trời
Luôn
trong xanh êm ái
Để thuyền
con mãi mãi
Ấm áp
những lời ru…
… Và hiền
hòa trời biển
Xanh đẹp
đến thiên thu.
CÕI VĨNH
HẰNG
Anh như
một thiên thần đang bỡ ngỡ
Nương vào
Em... bay đến tận trăng sao
Tìm lại
bản tình ca bao năm cũ
Anh và Em
chăm chút dệt cùng nhau...
Anh cố
nhặt những giọt chiều hôi hổi
Giữ tươi
xanh cho từng chút thương yêu
Đôi con
tim luôn giao hòa chung nhịp
Để “Hoàng
Nguyên” tình luôn mãi vĩnh hằng.
12/6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét