Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Căn nhà của những gã lang thang

Căn nhà của những gã lang thang
Theo tôi, người ta không nên dính líu quá nhiều đến quá khứ nhưng người ta cũng khó lòng đoạn tuyệt với quá khứ. Bởi vì, chẳng phải sao, quá khứ là những gì thân thuộc nhất của tâm hồn và quá khứ là" khu vườn bí mật" của tâm hồn; có thể nói quá khứ là tài sản quý báu còn lại sau cùng của đời người, mãi mãi không thay đổi. Đó là lý do tại sao tôi cứ khăng khăng ở lại ngôi nhà này khi Sơn đã cùng gia đình dọn vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh và giao căn nhà ở Huế lại cho tôi.
Hình như trong mỗi góc đầy bóng tối của căn nhà này, trên chiếc bàn bằng gỗ mộc của Sơn để lại, và trong chiếc ghế làm bằng sợi mây heo to mà Cường thường ngày vẫn ngồi vẽ, đều dậy lên mùi hương lặng lẽ của tuổi trẻ chúng tôi. Hồi ấy gia đình Sơn sống ở ngôi nhà này, còn tôi và
Đinh Cường thì sống chung ở một căn nhà thuê ở hẻm Bến Ngự bên kia sông. Tôi quên sao được hình ảnh của Cường thường treo một cánh tay lên cổ, bông băng và thuốc đỏ băng kín, giả vờ làm bị thương để vẽ về chiến tranh. Tôi ngồi chấm bài trước bàn làm việc, trong căn phòng im lặng, trong khi bên ngoài hàng rào chè tàu xình xịch một đoàn tàu dài xuôi Nam chở theo những gương mặt quen thuộc ở lớp học, cố nhoi ra bên ngoài cửa sổ như để nói lời vĩnh biệt với tôi. Vâng, chúng tôi lớn lên bằng tuổi chiến tranh; và đó là nền tảng hội họa sơn dầu của Đinh Cường, của nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn; và của tuổi trẻ bi thảm của chúng tôi đang loanh quanh ở thành phố này.
Buổi tối, Cường và tôi thường thả bộ qua nhà Sơn ở phía bên kia chiếc cầu nhỏ để cùng Sơn đi lang thang dọc sông Hương. Phía ngoài căn nhà Sơn đang sống là một hành lang dài, và ở dưới đường, quãng trước mặt nhà có những cây long não đại thụ chừng thuộc thế hệ những cây đầu tiên của thành phố còn lại sau những cơn bão. Ở đầu kia đường, có một cây xà cừ to lớn, về mùa thu lá vàng chói nguyên cả cây, giống y như mỗi chiếc lá đều được thợ kim hoàn đúc bằng vàng. Phía cuối hành lang là một dòng sông nhỏ mà chúng tôi thường đứng ngắm qua mỗi cơn mưa. Dưới cơn mưa, dòng sông phẳng lặng và hình như rộng hơn; trên mặt nước trong xanh này, thánh thót hàng ngàn giọt mưa sáng chói, và reo ca như những phím dương cầm "Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa “, như trong bài hát của Sơn.
Tấm kính nơi chiếc cửa lớn nhìn ra mặt tiền nhà Sơn đã vỡ từ lâu, Sơn cũng lười không gắn lại; gió heo may bên ngoài cứ thổi thẳng vào nhà, nghe văng vẳng như tiếng người. Sau này về sống trong căn nhà của Sơn, tôi ngồi viết ở phòng sau, cứ nghe tiếng người ta gọi tên mình ở trước cửa. Giờ này hai đứa bé đều đi học, căn nhà trở nên quạnh hiu lạ lùng, tôi thường mong có bạn đến chơi. Nghe tiếng gọi ngoài cửa tôi mừng quá, đặt bút chạy ra mở cửa. Hóa ra chỉ là tiếng gió thổi, mấy chiếc lá khô theo cơn gió chạy dài dọc hành lang.
Căn phòng sau, do Sơn tự thiết kế, bày biện làm phòng học; tôi thường đến vào giờ nghỉ, để dạy thêm cho các em Sơn. Phải thành thực nói rằng vào hồi đó ở Huế, hội họa trừu tượng đang xa lạ với công chúng, nên trong bạn bè, Cường vẫn được tôn sùng như một người thuộc "Thế kỷ ánh sáng".
Thỉnh thoảng Cường vào Sài Gòn tổ chức triển lãm. Có lần, tôi đang bận dạy học thì được văn phòng nhà trường chuyển cho một tấm vé máy bay. Đó là tấm vé của Cường gửi để rủ tôi lên dự cuộc triển lãm của Cường mở ở Đà Lạt. Tôi còn nhớ đó là một ngày lễ Noel, và bức tranh Thiếu nữ trong màu hoa anh đào của Cường được nhiều người hỏi mua, trong đó Cường vẽ một khuôn mặt thiếu nữ từ khung cửa sổ của một biệt thự đang đăm đắm cúi nhìn xuống một nụ hoa anh đào đầu mùa. Ở Huế, Cường có vẽ tặng tôi bức Cầu say trong đó, những nét vẻ nguệch ngoạc, chiếc cầu Trường Tiền nổi bật trên nền màu gạch và một chấm đèn màu vàng le lói trên cao, như một dấu hiệu của ý thức. Có lẽ đó là cơn say của chúng tôi trong những đêm lang thang ở Huế.
Ở Huế đi lang thang cũng là một sinh hoạt văn hoá. Cường luôn luôn ăn vận đàng hoàng, lúc nào cũng như mới, và thường sang phòng tôi gọi tôi đi chơi. Tôi mặc một chiếc vét cũ của anh Đỗ cho, áo khoác vào dài quá nửa vế, dệt bằng sợi len thô, có lẽ là áo anh Đỗ thường mặc vào ban đêm, lúc đứng chờ chị Quỳ ở ga tàu điện ngầm ở Paris. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn có Ngô Kha nhập bọn; Ngô Kha, vốn là thi sĩ khá nổi tiếng bị động viên làm sĩ quan quân đoàn I đóng ở Đà Nẵng. Thỉnh thoảng Ngô Kha ra Huế nghỉ phép và cùng đi lang thang với chúng tôi.
Chúng tôi thường ra khỏi nhà vào lúc đêm đã khuya, đường phố vắng không có xe cộ, cũng không có người. Chúng tối thường ghé vào cư xá đại học rủ anh Đỗ đi chơi; vào giờ ấy chị Quỳ đã đi ngủ, và anh Đỗ còn ngồi một mình, nhấm nháp ly cà phê pha loãng và đọc truyện chưởng Kim Dung. Chúng tôi coi cuộc đi chơi bắt đầu từ nhà Sơn, lúc ấy, mọi người đã đông đủ. Chúng tôi đi theo đường phố dọc sông Hương, kéo sang cầu Trường Tiền và ngồi ở một quán cà phê nổi tiếng thời đó. Đường vắng, hai hàng cây muối bên đường như chụm đầu vào nhau thành một cái vòm trên đầu, và con đường Lê Lợi như dài thêm ra dưới ánh đèn đường. Thỉnh thoảng trên đường phố vắng chúng tôi có gặp những người phu quét đường chở lá rụng trong những xe ba gác và đẩy đi cành cạch trên mặt đường. Đi bên Sơn, tôi hát thầm những câu hát của Sơn: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”.
Còn Ngô Kha thì dọc cho chúng tôi nghe bài thơ mới làm; Kha thích ngâm thơ dưới những hàng cây ban đêm, còn tôi thì thích nghe hết mọi cái ngoài giờ dạy học. Hình như những lúc đó chúng tôi mới nhận thức được rằng con người là một tự do.
Tôi nhớ câu thơ của Ngô Kha làm trong những cuộc lang thang ấy:
Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng
Chung quanh anh phù sa cát đỏ
Anh hỏi thầm về đời mình
Gỗ đá có buồn không?
Trong những cuộc lang thang này, chúng tôi thường gặp Bích. Bích thường mặc quần áo Jean, đầu cạo trọc, vừa lang thang vừa huýt sáo, một điệu nhạc nào đó đang thời thượng trong giới trẻ thành phố. Bích huýt sáo rất hay, thường từ xa nghe tiếng huýt sáo người ta đã biết Bích đang đi lên. Có lần, tôi thấy Bích đi bộ ngang trước nhà Sơn; khi Bích bắt đầu huýt sáo thì người ta đổ ra xem, đứng kín hết cả ban công của ngôi chung cư đầu cầu.
Người ta chết một mình nên cũng sống một mình. Từ đó, chúng tôi xem nhà ở chỉ là một nơi tạm trú, một nơi tạm dừng chân ở cõi đời. Chúng tôi, cả ba người giống nhau, đều quan niệm rằng nghệ thuật chỉ là một cách thế đối diện với cái chết. Từ ấy về sau, người ta không còn nghe tiếng huýt sáo khuya khoắt của Bích nữa. Có lẽ vì cả thành phố không ai có thể huýt sáo hay giống như Bích, mà Bích thì đã bị điều đi quân dịch không biết sống chết ở chiến trường nào. Khắp nơi đều khói lửa mịt mù . . .
Trong những cuộc đi chơi đêm hôm như vậy, Cường rất thích dừng lại đọc một mỹ cảm nào không biết trên những bức tường rêu phong, dưới ánh đèn vàng. Theo ngón tay của Cường, tôi thấy hiện ra nhiều thứ hình trên nền gạch cổ, khi thì một mặt người nhìn nghiêng, khi thì con chim đang bay, thảng hoặc một vài ngôi nhà thờ hoang phế trên đồi.
Đó chính là nguồn cảm hứng đích thực của Cường, và thỉnh thoảng, tất cả lại hiện ra trên khung vải của Cường, dưới một màu rêu xám ảm đạm và sang trọng, rất được quần chúng hâm mộ trong các phòng triển lãm, từ đó bạn bè gọi đùa là tranh sơn dầu của Đinh Cường thuộc trường phái “rêu phong".
Còn Sơn... Sau những ngày đông vui giữa bạn bè, giữa đám con gái bay lượn trong bộ cánh rất mốt ở Sài Gòn, Sơn lại quay về với sự tĩnh mịch của mùa thu ở Huế. Và tất cả khối lượng âm nhạc phản chiến đồ sộ ký tên Trịnh Công Sơn đều được viết ra từ căn phòng này. Nhạc phản chiến là rất mới đối với quần chúng các đô thị miền Nam thời bấy giờ, trong đó, đối diện với cuộc chiến tranh dữ dằn, người ta thấy một khuôn mặt trẻ mệt mỏi, hờ hừng, không biết hy vọng gì ở tương lai . . .
Chúng tôi đi lang thang trong những đêm mùa hạ, thơm ngát mùi hương ngọc lan, trong những khu vườn tối, và trên trời nhiều mây trắng bay. Tôi ước mơ tập luận văn triết học của tôi sẽ đầy ắp hình ảnh của bạn bè, và cái tự do phù phiếm của tôi sẽ được viết trên nền trời xanh trong nét bút của mây trắng. Qua những cuộc rong chơi trên thành phố mến yêu, giống như những người thợ thủy tinh, chúng tôi thổi hơi thở của mình vào chất nhựa chai của tư duy, để làm hình thành ở đó một thế giới lấp lánh muôn màu dưới ánh sáng nghệ thuật, một thế giới từ không thành có, từ khoảng khắc thành vĩnh cửu, hoặc như bài hát của Sơn "Ta nghe đời rất mênh mông. Trong chân người bước chầm chậm”.
Đêm ấy, chúng tôi lại tiễn đưa anh Đỗ đi quân dịch. Cả anh Đỗ và Sơn đều bị gọi lính vào một trại quân nào đó ở Đà Nẵng vì tham gia một phong trào đòi hoà bình ở Sài Gòn. Sơn đã uống thuốc xổ, để cơ thể mất quá nhiều nước và do đó được hoãn quân dịch. Sau khi ngồi ở quán cà phê, chúng tôi về lang thang dọc sông Bến Ngự. Anh Đỗ xé nát tấm giấy gọi lính, và nằm lăn ra ngủ dưới gốc cây bên đường. Đây là một con đường ven sông có thảm cỏ dày, và hương cỏ đêm khuya thơm lạ lùng làm người ta nghĩ đến một nỗi bình yên nào đó không có ở đời. Khi anh Đỗ ngủ say, Ngô Kha đi nhặt đâu đó những cánh hoa phượng vĩ hồng đem rải quanh người anh, để khi anh ngủ dậy, còn lại dấu vết một hình người trên mặt cỏ. Chiều hôm sau, chúng tôi đưa Sơn và anh Đỗ vào trại Cây Điệp ở Đà Nẵng. Khác với tình trạng nhẹ cân của Sơn, anh Đỗ bị chất độc trong thuốc xổ ảnh hưởng đến tâm thần. Người ta phải thả để anh về, vì anh đã mất hết trí nhớ, không dùng được vào việc binh. Trước ngày lên đường, tôi có việc cần phải lên Đà Lạt, có ý tìm thăm anh Đỗ, định nói với anh một điều. Tôi gặp anh đi thơ thẩn một mình trong rừng thông, mặt ngơ ngác như một người đã quên hết mọi sự ở đời.
Tôi đành quay về Huế một mình và cũng không tiện từ giã anh lúc ra đi.
Đêm ấy. . .
Con sông Hương trôi trong đêm tối, êm đềm như một dải lụa huyền. Ngay trong thành phố, thỉnh thoảng người ta vẫn gặp một vài đám lau sậy um tùm, tưởng như chỗ buộc thuyền của người kỹ nữ bến Tầm Dương xưa và chàng Tư Mã khóc đời bằng dòng nước mắt màu xanh, nên bây giờ dòng nước sông Hương xanh thẳm đến lạ lùng. Sau này, trong những năm đi xa chợt nhớ về anh Đỗ, không hiểu tại sao trong tâm trí tôi vẫn hiện ra một hình người vẽ bằng nét hoa nằm im trên cỏ.
Một chiều, tôi gặp một người giao liên hợp pháp thông báo với tôi ý kiến của Thành ủy nói rằng Toà lãnh sự Mỹ ở Huế đã bị thiêu hủy, thế hợp pháp của tôi và em trai tôi đã hết; và chúng tôi cần rút "lên xanh" để được an toàn, tránh sự nguy hiểm từ phía địch. Đi hay không là tuỳ bọn tôi, nhưng phải trả lời ngay bây giờ để tổ chức tiện bố trí đường dây. Tôi đồng ý là phải đi, trời đất rộng bao la mà ở đây không có một chỗ dung thân cho anh em tôi. Đã hết rồi những cuộc lang thang với bạn bè...
Từ chỗ trú ẩn bên kia sông Bến Ngự, tôi sang ăn bữa cơm chiều cuối cùng với nhà Sơn. Tôi vẫn duy trì những buổi dạy kèm với em Sơn giữa những đợt đấu tranh của thành phố. Vào giờ học, Thủy, em của Sơn, nói với tôi rằng theo lời dặn của Ngô Kha, thì quân đội của tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ kéo đại quân ra Huế để đàn áp cuộc nổi dậy. Kha dặn tôi hãy tìm một nơi khác, lên Trường Sơn cũng được, tạm tránh lúc tranh tối tranh sáng của cuộc tiến công. Theo tin tức quân báo của Kha nhận từ đoạn Đà Nẵng, thì lực lượng thủy quân lục chiến của Kỳ sẽ chĩa mũi nhọn vào những người của phong trào mà họ cho là nguy hiểm, ngay từ lúc họ đặt chân đến Huế để tránh hậu hoạ. Ngô Kha cùng với chiến đoàn ly khai của anh sẽ kéo dài cuộc cầm cự trên đèo Hải Vân, để tạo điều kiện cho tôi đi thoát. Sau đó, đơn vị của Kha sẽ về bám Lăng Cô đánh "du kích". Kha hy vọng ít lâu sau, Kha và tôi sẽ tái ngộ ở một hang đá nào đó của Trường Sơn.
Ôi? Ngô Kha, thằng bạn khẳng khái của tôi! Ngày tôi về Huế, được tin Kha đã bị địch thủ tiêu sau Hiệp định Paris lòng tôi dấy lên một nỗi đau đớn chưa từng thấy. Làm như thể chiến tranh vẫn chưa đủ ác liệt đối với tôi? Làm như nhiều năm khổ vẫn chưa đủ cho tôi đáng với tư cách thay mặt những bạn bè tại ngôi nhà này để đứng về phía những người kháng chiến.
Trong bữa ăn, tôi ngỏ lời tạm biệt gia đình Sơn và nhờ Sơn chuyển lời tạm biệt đến cha mẹ tôi; tôi cầu mong song thân cố gắng bảo trọng, mai mốt đất nước hoà bình, anh em tôi lại về.
Tạm biệt nhé, những nẻo đường lang thang tôi đi suốt đời không hết; tạm biệt dòng sông đẹp và buồn và uể oải như một thiếu nữ đài trang; tạm biệt con chuồn chuồn đậu lay lắt trên ngọn cỏ may ven sông; tạm biệt thành phố với những ngôi chùa yên tĩnh như ở một cõi đời nào khác. Tạm biệt ngôi nhà với tuổi trẻ và những cuộc lang thang trĩu nặng phiền muộn của chúng tôi; hết chiến tranh tôi sẽ về ngồi đây, thật lâu...
 Thanh niên, Xuân 2001
Huế. 29/1O/2000
Sưu tầm và biên soạn:
Nguyễn Trọng Tạo - Nguyễn Thụy Kha - Đoàn Tử Hiến
Theo http://vnthuquan.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...