Chữ Quốc ngữ
chữ nước ta
con cái nhà
đều phải học
miệng thì đọc
tai thì nghe
đừng ngủ nhè
chớ láu táu
Những chữ dùng để viết bài thơ ba chữ dạy trẻ con lớp mẫu giáo ở
trên của thi sĩ Tản Đà, hoặc chữ viết dạy cách đánh vần i tờ của học giả Hoàng
Xuân Hãn trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ là quốc tự của Việt Nam hiện nay:
I tờ có móc cả hai
I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang
O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ già thêm râu
Huyền ngang, Sắc dọc, Nặng tròn
Hỏi lom khom đứng
Ngã buồn nằm ngang
Chữ Hán được dùng ở Việt Nam trên một ngàn năm, đến đầu thế kỷ
thứ 20 Chữ Quốc Ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt. Chữ
Quốc Ngữ dùng diễn tả tiếng nói chúng ta ngày nay là do các mẫu tự La Mã ghép
thành [01], đã xuất phát từ nhu cầu truyền đạo Thiên Chúa của các giáo
sĩ người Châu Âu. Việc sáng chế ra Chữ Quốc Ngữ do các cố đạo sang Việt Nam từ
cuối thế kỷ thứ 16 nhưng có công nhiều nhất là các linh mục Francisco de Pina,
Gasparo d’Amiral, Antanio de Barbosa (người Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes
(người Pháp).
Người Châu Âu đến Việt Nam
Lịch sử sự giao tiếp giữa Âu và Á bắt đầu từ thời đế quốc La Mã
(27 TTL - 476 STL). Người Châu Âu đã sang Trung Hoa trong thời kỳ này nhưng
không có sách nào nói rõ về sự giao thiệp. Mãi đến đời Nguyên Thế Tổ Hốt Tất
Liệt (thế kỷ thứ 13), một người Ý tên Marco Polo sang Trung Hoa và ở lại đây 17
năm, khi về nước bằng đường Ấn Độ Dương, ông đã kể lại chuyến du hành trong
cuốn Những Kỳ Quan Thế Giới (Les Merveilles du Monde).
Đến thế kỷ thứ 15 nhờ kỹ thuật hàng hải được cải tiến, người Âu
Châu tìm ra các trục giao thông mới bằng đường biển nên sự tiếp xúc giữa Châu
Âu và các Châu khác đã gia tăng. Năm 1492 Christophe Colomb (Kha Luân Bố) nhờ
địa bàn chỉ đường vượt Đại Tây Dương tìm ra Châu Mỹ. Năm 1497, Vasco de Gama,
người Bồ Đào Nha, sang Ấn Độ bằng cách đi vòng phía nam Phi Châu qua Cap de
Bomne Espérance (Hảo Vọng Giác) sang Ấn Độ Dương. Năm 1521, Megellan, người Bồ
Đào Nha, dùng đường Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương đến Phi Luật Tân.
Dân tộc Bồ Đào Nha vốn có trong dòng máu phiêu lưu mạo hiểm, từ
ngàn xưa họ thường viễn du bằng đường biển từ Lisboa là hải cảng của bán đảo
Iberia, nằm ngay cửa biển Đại Tây Dương. Kể từ thế kỷ thứ 15, khi kinh nghiệm
hải hành của người Bồ lên đến đỉnh cao, quốc gia này trở thành cường quốc số
một Châu Âu có các thuộc địa ở Brazil, Châu Phi, Ả Rập, Ấn Độ và Trung Hoa. Năm
1511 Bồ Đào Nha bắt đầu để ý đến các nước Đông Nam Á. Các thuyền buôn theo
đường Ấn Độ Dương sang biển Nam Hải đi ngang Việt Nam để lên đảo Macau (Áo
Môn). Hội An của ta là trạm nghỉ chân để họ buôn bán và tiếp tế lương thực (tấm
bia đá dựng năm 1524 ở cù lao Chàm của người Bồ là một chứng tích).
Người Bồ đến nước ta buôn bán trước tiên, mở tiệm buôn ở Hội An
(Faifo) Quảng Nam. Năm 1614, đời Chúa Sãi, Jean de la Croix lập lò đúc súng ở
Thuận Hoá (ngày nay là Phường Đúc ở Huế). Năm 1637, đời vua Lê Thần Tông, Thanh
Đô Vương Trịnh Tráng cho người Hoà Lan mở tiệm ở Phố Hiến (gần tỉnh lỵ Hưng Yên
ngày nay). Năm 1672 đời vua Lê Hi Tông, chúa Trịnh cho phép tàu Zant của Anh
vào Phố Hiến buôn bán. Năm 1680 Pháp bắt đầu gia nhập Phố Hiến. Các thương gia
Nhật Bản, Trung Hoa và Thái Lan cũng tham gia tấp nập biến Phố Hiến thành một
trung tâm thương mại phồn thịnh với gần 2000 nóc gia, do đó có câu "Thứ
nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" [02].
Các nước Âu Châu lợi dụng phương tiện hàng hải đem quân xâm
chiếm các nước khác làm thuộc địa nhằm khai thác tài nguyên, tìm thị trường
mới. Từ giữa thế kỷ 16 người Bồ Đào Nha đã sang Trung Hoa buôn bán ở bán đảo
Schangch'nan thuộc Quảng Châu. Khoảng 1557 bọn cướp biển trú ẩn ở Áo Môn thường
hay khuấy phá Quảng Châu, người Trung Hoa nhờ các thương gia Bồ dẹp bọn ấy. Khi
dẹp xong bọp cướp, người Bồ xin phép nhà cầm quyền Trung Hoa cho họ trú ngụ ở
bán đảo Schangch'nan và Áo Môn từ 1563. Hàng năm họ đóng thuế cho chánh quyền
Trung Hoa, đến thế kỷ 20 Áo Môn vẫn còn thuộc Bồ Đào Nha. Năm 1568 Tây Ban Nha
chiếm Phi Luật Tân. Năm 1596 Hoà Lan chiếm Nam Dương. Đến thế kỷ 17 Pháp và Anh
chiếm Ấn Độ.
Giáo sĩ đạo Thiên Chúa dùng thuyền đến các làng quê truyền đạo
Tuy mãi đến giữa thế kỷ thứ 19 Pháp mới chiếm Việt Nam, nhưng
người Châu Âu gồm các thương gia và giáo sĩ đạo Thiên Chúa đã đến Việt Nam từ
thế kỷ thứ 16. Các nhà truyền giáo Tây phương muốn sang Viễn Đông đều đi theo
các thương thuyền Bồ Đào Nha nên họ chọn Áo Môn làm trung tâm truyền giáo để
hoạt động ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, tại đây có viện thần học Mẹ Đức
Chúa Trời (Madre de Dieux). Do đó các giáo sĩ người Âu thường từ Áo Môn vào
Đàng Ngoài hay Đàng Trong và ngược lại. Họ thường dùng ngôn ngữ Bồ Đào Nha để
giao dịch với nhau, những phúc trình truyền giáo hay thư từ gửi về La Mã viết
bằng chữ Bồ hoặc La Tinh.
Trong những năm hậu bán thế kỷ 16 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha
của hai dòng Thánh Francisco và Agustino đã đến nước ta, nhưng họ đến rồi đi.
Năm 1553, đời vua Lê Trang Tôn, giáo sĩ Irigo đi đường biển đến giảng đạo ở các
làng Ninh Cường và Quần Anh huyện Nam Chân (nay là Nam Trực, Nam Định), và làng
Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (nay là Xuân Trường, Nam Định) [03]. Năm 1596, đời Chúa
Nguyễn Hoàng, giáo sĩ Diego Aduarte (hay Advarte) người Tây Ban Nha đến truyền
đạo ở Trung Kỳ được ít lâu thì bỏ đi [04]. Sang thế kỷ thứ 17, dưới thời Trịnh
Nguyễn phân tranh phương tiện giao thông bằng hàng hải đã phát triển mạnh, lúc
đó các giáo sĩ người Châu Âu đi theo các thương thuyền mới ở lại hẳn Việt Nam
để truyền đạo.
Sự ra đời của chữ Quốc Ngữ
Đầu thế kỷ thứ 17 các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha lại đến Việt
Nam và lần này họ thành công. Giáo Đoàn Dòng Tên (Ordes des Jésuites), có trung
tâm truyền giáo ở Áo Môn, chính thức thành lập giáo đoàn ở nước ta. Năm 1615 cố
Francesco Buzomi lập ra Giáo Đoàn Đàng Trong (Mission de la Cochinchine). Năm
1627 cố Alexandre de Rhodes lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài (Mission du Tonkin). Trong
giới giáo sĩ DòngTên có một linh mục xuất sắc, đóng vai trò lịch sử trong việc
tạo dựng Chữ Quốc Ngữ, đó là cố Francisco de Pina.
Chữ La Mã khắc trên đá trước cửa đền Chữ Quốc Ngữ
thời gian sau tự điển
Alexandre de Rhodes (1651)
Sự Hình Thành Chữ Quốc Ngữ
Chữ Quốc ngữ được hình thành nằm theo chiều hướng chung đối với
những nước nằm trong địa bàn truyền giáo của các giáo sĩ Tây Phương ở Đông Á.
Tại Tàu, Hoa ngữ được các nhà truyền giáo dùng mẫu tự La Mã phiên âm trước
nhất. Khoảng 1584-1588 hai giáo sĩ Dòng Tên Micac Ruggieri và Matteo Ricci soạn
quyển Tự Vựng Bồ-Hoa (bản viết tay lưu trữ tại văn khố Dòng
Tên ở La Mã), mỗi trang chia làm 3 cột chữ Bồ, chữ Hán, phiên âm Hoa ngữ. Năm
1598, giáo sĩ Ricca và Cateneo dùng ký hiệu để ghi các thanh của tiếng Tàu. Tại
Nhật Bản từ 1592 đến 1596 khoảng 10 sách loại này được in trong đó có 2 hai
quyển quan trọng:
- Dotrina Jesus no Compania no Collegio Amacusa ni voite
superiores no vou xi no comuni core no fan to nasu mono nari, Nengi,
1592 (Giáo lý ghi bằng tiếng Nhật theo mẫu tự La Mã).
- Dictionarium latino lusitanicum ac Japonium (In
Amacusa in Collegia Japonico Societa Jesus, Anno 1595) Tự Điển La-Bồ-Nhật.
Ngoài ra còn có sách ngữ pháp Nhật được in theo mẫu tự La Mã vào
năm 1603-1604.
Tại Việt Nam, thời kỳ sáng tạo Chữ Quốc ngữ có thể chia ra làm 2
giai đoạn: phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái La Mã (chữ Việt Không Dấu) và phiên
âm tiếng Việt bằng Chữ Quốc Ngữ có dấu.
Giai đoạn phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái La
mã (chữ Việt Không Dấu)
Francisco de Pina sinh năm 1585 tại Guarda, Bồ Đào Nha, vào tu
Dòng Tên năm 1605, từ 1611-1617 theo học Đại Học Thánh Phao Lồ, Macau. Tại đây
ông gặp giáo sĩ João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong, tác giả
quyển văn phạm tiếng Nhật chuyển tự sang chữ cái La Mã dựa vào cách phát âm
tiếng Bồ, nay gọi là Romaji. Quyển văn phạm này in trong khoảng
1604-1608. Có thể Pina đã theo phép chuyển tự này để ghi chép âm tiếng Việt
[05].
Năm 1617 ông đến Đàng Trong truyền đạo, địa bàn mục vụ của ông
trải dài từ Hội An (Faifo) vào đến Quy Nhơn (Pulucambi). Ông là người đầu
tiêngiảng đạo trực tiếp bằngtiếng Việt. Ôngcho rằng các giáo sĩ đương thời
không nắm vững được ngôn ngữ địa phương để đạt được mục tiêu rao giảng Phúc Âm
[06].Ông bắt đầu dịch một số văn bản của đạo Thiên Chúa ra tiếng Nôm (chữ Hán
được Việt hóa). Pina nhận thấy các nhà truyền giáo bạn gặp phải khó khăn vì họ
không học được chữ Nôm. Ý thức chữ Nôm không thể là phương tiện giao tiếp với
người bản xứ nên ông tìm một phương pháp đơn giản. Lắng nghe người Việt phát âm
rồi dùng mẫu tự La Mã để diễn tả âm điệu theo cách mà tiếng Bồ thường sử dụng.
Kể từ năm 1622, Pena dùng những công trình của các giáo sĩ đi trước gồm các chữ
Việt La Mã không dấu xây dựng cho hợp với thanh điệu và lối phát âm tiếng nói
người Việt.
Năm 1624 Pina mở trường dạy tiếng Việt cho các nhà truyền giáo
khác. Trong số người theo học có hai vị quan trọng, một người đã lớn tuổi là
Antonio de Fontes (1569 -?), người Bồ, sinh tại Lisboa, vị kia là Alexandre de
Rhodes (1591-1660), người Pháp. De Fontes là cột trụ của Giáo Đoàn Đàng Trong,
còn De Rhodes sẽ ra Bắc thành lập Giáo Đoàn Đàng Ngoài.
Ngày 15/12/1625, Pina lên một chiếc tàu Bồ Đào Nha neo ở vịnh Đà
Nẵng để dùng thuyền nhỏ mang hàng hóa vào bờ, nhưng chẳng may thuyền chìm. Pina
chết trong khi đang cố cứu một người khác trên chiếc thuyền bị đắm, năm đó ông
mới 40 tuổi [07]. Sau cái chết của Pina, các nhà truyền giáo vẫn tiếp tục xây
dựng Chữ Quốc Ngữ, các giáo sĩ có công lớn là Gasparo d’Amiral (1592-1646),
Antonio de Barbosa (1594-1647) và Alexandre de Rhodes (1591-1660).
Antonio de Fontes - Francesco Buzomi -
Christoforo Borris - Gaspar Luis
Ngày 01/01/1626 Antonio de Fontes viết tại Hội An bản tường
trình bằng chữ Bồ gửi Linh mục Mutio Vitelleschi là Bề Trên Cả Dòng Tên ở La
Mã. Qua tài liệu này Giáo Đoàn Đàng Trong có 3 cơ sở là Hội An, Kẻ Chàm ở Quảng
Nam và Nước Mặn ở Qui Nhơn. Bản tường trình có phiên âm một số tiếng Việt.
Ngày 13/07/1626, Linh mục Francesco Buzomi viết một lá thư chữ Ý
gửi Linh mục Mutio Vitelleschi trong đó cách phiên âm có tiến triển phần nào vì
các danh từ ghi theo đơn âm như ngày nay.
Năm 1631 linh mục Christoforo Borris xuất bản sách tại La Mã
viết bằng chữ Ý, trong sách có một câu văn Việt (chưa có dấu) đầu tiên xuất
hiện làCon gno muon bau tlom laom Hoalaom chian (Con nhỏ muốn vào
trong lòng Hoa Lang chăng?). Câu này các giáo sĩ Đàng Trong dùng để hỏi người
Việt có muốn vào đạo không (Hoa Lang là danh từ người Việt thời bấy
giờ dùng chỉ người Bồ Đào Nha, và sau đó được dùng gọi chung các giáo sĩ Tây
Phương). Vì câu này diễn tả không rõ ý nên Linh mục Buzomi sửa lại là Muon
bau dau Christiam chiam? (Muốn vào đạo Christian chăng?). Những chữ
phiên âm trong sách được Francesco Buzomi dùng trong khoảng từ 1618 đến 1621 là
thời gian ông sống ở Đàng Trong.
Đến 1631 có thêm hai tài liệu của Đắc Lộ. Ngày 16/01/1631 ông
viết một bức thư gửi Linh Mục Nuno Mascarenhas ở La Mã trong đó tìm thấy có một
chữ phiên âm Thinhũa (Thanh Hóa). Một bản văn khác thuật lại
từ lúc ông cùng Linh Mục Pedro Marques tới cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày 19/03/1627
cho đến lúc Linh Mục Antonio F. Cardin đến Thăng Long ngày 15/03/1631 (trong
chuyến đi ấy, có các Linh Mục Gasparo d’Amiral, André Palmeiro, Antonio de
Fontes). Tài liệu 2 trang rưỡi này viết trên giấy khổ 16 cm x 23 cm, có phiên
âm mấy chữ Sinoa (Xứ Hóa -Thuận Hóa), Anná (An
Nam], Sai (Sãi), Mía (Mía - nhà tạm trú).
Những tài liệu phiên âm trên cho thấy sự manh nha hình thành Chữ
Quốc Ngữ từ 1621 đến năm 1631. Trong mười năm đó, việc phiên âm không mấy tiến
triển, chưa được thống nhất, chẳng hạn như danh từ Xứ Hóa được phiên âm khác
nhau: Sinoa (Jão Roig 20/11/1621), Sinua, Sinuâ, Sinoá (Antonio
de Fontes 01/01/1626), Sinoa (Đắc Lộ 1631), danh từ Ông Nghè: Omgne (Christoforo
Borri 1618-1621), Ungne (Jão Roig 20/11/1621), Ongne,
Ungué (Gaspar Luis 12/12/1621), Unghe (Gaspar Luis
01/01/1626), Onghe (Antonio de Fontes 01/01/1626)
Giai Đoạn Phiên âm Chữ Việt bằng Chữ Quốc Ngữ
Có Dấu
Gasparo d’Amiral (1592-1645)
Giai đoạn kế tiếp bắt đầu từ năm 1632 với những phiên âm có
phương pháp của Gasparo d’Amiral.
Ông sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, giáo sư dạy La Văn, Triết Học,
Thần Học tại các học viện và đại học Evora, Braga, Coinbra ở Bồ Đào Nha, gia
nhập Dòng Tên ngày 01/07/1608. 1623 đến Áo Môn. Tháng 10/1626 cùng Thầy Paulus
Saito người Nhật (1577-1633) đến Đàng Ngoài. Tháng 5/1630 cả hai cùng với Linh
mục Đắc Lộ và Pedro Marques về Áo Môn. Ngày 18/02/1631 Gasparo cùng 3 Linh mục
khác là André Palmeiro, Antonio de Fontes và Antonio F. Cardim từ Áo Môn đáp
tàu Bồ Đào Nha đến cửa Bạng (Thanh Hóa) cập bến ngày 15/03/1631, rồi ra Bắc đến
Kẻ Chợ (Thăng Long). Sau đó Linh mục Palmeiro và Fontes trở về Áo Môn còn
Amiral và Cardim ở lại tiếp tục công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài. Năm 1638,
Linh mục Amiral được gọi về giữ chức Viện Trưởng Viện Thần Học tại Áo Môn, thời
gian ông ở Đàng Ngoài được 7 năm. 1641 được cử làm Phó Giám Tỉnh Dòng Tên hai tỉnh
Nhật Bản và Trung Hoa (gồm các nước Nhật, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan,
Trung Hoa gồm Áo Môn, Quảng Đông, Quảng Tây). 1645 ông đáp tàu từ Áo Môn trở
lại Đàng Ngoài, khi đến gần đảo Hải Nam tàu bị đắm, ông chết đuối ngày
23/12/1645.
Trong 7 năm ở Đàng Ngoài, Gasparo d’Amiral để lại 2 tài liệu
liên quan đến chữ Quốc Ngữ. Tài liệu 1 viết bằng chữ Bồ tại Thăng Long ngày
31/12/1632 nhan đề Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe
André Palmeiro de Compa de Jesu, Visitator das Provincias de Japan, e China (Bản
tường trình hàng năm về nước An Nam năm 1632, gửi cha André Palmeiro, Dòng Tên,
giám sát các tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa). Tài liệu thứ hai viết 5 năm sau cũng
soạn bằng chữ Bồ tại Thăng Long ngày 25/03/1637 có nhan đề Relacam dos
Catequista da Christamdade de Tumk e seu modo de proceder pera o Pe Manoel
Dias, Vissitador de Jappão e China (Tường thuật về các Thầy Giảng của
Giáo Đoàn Đàng Ngoài và về cách thức tiến hành của họ, gửi cha Manoel Dias,
giám sát Nhật Bản và Trung Hoa). Tài liệu 1 còn lưu trữ tại văn khố Dòng Tên La
Mã, tài liệu 2 hiện nay thuộc Văn Khố Hàn Lâm Viện Sử Học Hoàng Gia Madrid Bồ
Đào Nha. Trong cả 2 tài liệu có một số chữ viết giống y như chữ Việt bây giờ: đức,
Chúa Thanh Đô, thầy, Nghệ An, lạy, định…
Từ tài liệu của Gaspar Luis năm 1621 đến tài liệu 1 của Gasparo
d'Amiral năm 1932 chỉ cách nhau 11 năm nhưng cách ghi âm đã tiến bộ vựt bực từ
chữ không dấu sang chữ có dấu. Đóng góp của Gasparo rất quan trọng cho việc
hình thành Chữ Quốc Ngữ. Đắc Lộ đã nhờ phương pháp phiên âm và dựa vào quyển Tự
Điển Bồ Đào Nha - An Nam của Gasparo để soạn quyển Tự Điển An
Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh.
Antonio sanh năm 1594 tại Ville de Arrifana de Sonza Bồ Đào Nha,
gia nhập Dòng Tên ngày 13/03/1624. Năm 1629 được cử đến truyền giáo ở Đàng
Trong. Tháng 4/1636 ra Đàng Ngoài truyền giáo. Cho đến tháng 5/1642, vì lý do
sức khỏe, ông phải trở về Áo Môn nghỉ ngơi. Do tình trạng không được tốt hơn
sau một thời gian tĩnh dưỡng, ông rời Áo Môn đi Goa, Ấn Độ và từ trần trên
đường đi năm 1647.
Mặc dù quyển tự điển chép tay của Antonio không được tìm thấy và
ông không để lại tài liệu nào về Quốc Ngữ, nhưng Đắc Lộ đã cho biết: “Tôi
lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là của
Gasparo d'Amiral và Antonio de Barbosa. Cả hai ông nầy, mỗi ông đều làm một
cuốn tự điển. Ông Gasparo d'Amiral làm cuốn Annamiticum – Lusitanium, ông
Antonia de Barbosa làm cuốn Lusitanum - Annamiticum. Nhưng tiếc rằng cả hai ông
đều chết sớm. Tôi lợi dụng công trình của cả hai ông viết ra cuốn tự điển mới,
có chua thêm tiếng La tinh, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng La Tinh
theo lệnh của các Đức Hồng Y”
Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ)là một nhà bác học có thiên khiếu về
khoa ngôn ngữ, sinh ngày 15/03/1591 tại Comtat Venaissin, tỉnh Avignon, miền
Nam nước Pháp, gốc Do Thái, tổ phụ di cư từ Tây Ban Nha sang Pháp vào giữa thế
kỷ 16, thân phụ là Benadin II de Rhodes một thân hào nhân sĩ trong vùng. Ông
gia nhập Dòng Tên (Ordes des Jésuites) ngày 14/04/1612, học về thần học và toán
ở học viện Saint André du Quirinal, thụ phong Linh Mục tại La Mã năm 1618, cùng
năm được gửi đi truyền giáo ở Đông Nam Á. Ông đến Lisbonne thủ đô Bồ Đào Nha
rồi đáp tàu đi Áo Môn ngày 04/04/1619. Vì ghé qua Goa (Ấn Độ) nên ngày
29/05/1623 mới đến Áo Môn. Ông sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm
(1624 -1630), trong thời gian này ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng và hiểu rõ lịch
sử, phong tục, tập quán của người Việt. Tháng 12/1624 ông được sung vào Giáo
Đoàn Đàng Trong, đặt chân lên Việt Nam tại Đà Nẵng cùng với các Linh Mục
Gabriel de Mattos và một giáo sĩ Nhật. Đắc Lộ đến cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm
thuộc Quảng Nam, hiện có Linh Mục Francisco de Pina và Antonio de Fontes (đến
Đàng Trong tháng 12/1624). Tại đây giáo sĩ Francisco de Pina dạy ông tiếng
Việt. Trong vòng 4 tháng ông thông hiểu và sau 6 tháng, giảng đạo mạch lạc bằng
tiếng Việt, nhờ vậy ông được cử ra Đàng Ngoài giúp Cố Julien Baldinotti (chưa
nói được tiếng Việt) lập giáo đoàn mới. Tháng 7/1626 ông rời Đàng Trong về Áo
Môn một thời gian rồi trở lại Việt Nam. Ngày 19/03/1627 cùng Linh Mục Pierre
Marquez đến cửa Bạng (Thanh Hóa) yết kiến Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng
(1623-1657), sau đó ra Bắc giúp lập giáo đoàn Đàng Ngoài. Sau 3 năm ông tạo
được nhiều giáo đồ, cũng vì vậy bị chúa Trịnh trục xuất vào tháng 5, 1630 phải
trở về Áo Môn.
1630-1640: Đắc Lộ dạy thần học ở học viện thần học Áo Môn. 1640:
được cử đến Đàng Trong làm Bề Trên thay thế Linh Mục Buzomi vừa từ trần tại
Quảng Nam. Ngày 03/07/1645 bị bắt buộc phải rời cơ sở truyền giáo Thanh Chiêm
theo lệnh của quan Cai Bộ thi hành án lệnh trục xuất các giáo sĩ của chúa
Nguyễn. Kể từ đó, ông rời hẳn Việt Nam trở lại Áo Môn dạy tiếng Việt ở Học viện
Thần Học. Ngày 20/12/1645 đáp tàu từ Áo Môn đi Âu Châu nhằm mục đích vận động
thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Ngày 16/11/1654 Toà Thánh La Mã cử Đắc Lộ làm
Bề Trên của phái đoàn truyền giáo Ba Tư, ông đáp tàu từ Marseille đến Ispahan
thủ đô Ba Tư vào đầu tháng 11/1655. Ông từ trần tại đây vào ngày 05/11/1660.
Đắc Lộ để lại hai tài liệu về chữ Quốc Ngữ vào năm 1625 và 1631
như đã đề cập ở phần trên. Những năm sau ông để lại ba tài liệu khác viết vào
các năm 1636, 1644, 1647. Tài liệu năm 1636 viết tay có nhan đề: "Tunchinenois
Historiae libri duo quorum altero status temporalis hujus Regni, altero
mirabiles evangelicae praedications progressus refuruntur. Coeptae per Patres
Societatis Jesu, ab Anno 1627 ad Annum 1636 "(Lịch sử Đàng Ngoài và
những bước tiến triển lớn lao mà phúc âm rao giảng đã làm ở nước này để cải hóa
lương dân, từ năm 1627 đến năm 1636). Bản này ghi bằng La Tinh gồm 2 quyển, lưu
trử tại Văn khố Dòng Tên ở La Mã.
Tài liệu năm 1644, Đắc Lộ viết bằng chữ Bồ tại Thanh Chiêm, nhan
đề: "Relacão do glorioso Martirio de Andre Cathequista Protomartir
de Cochinchiana alanceado, e degolado em Cachão no 26 de Julho de 1644 Tendo de
Idade dezanove annos" (Tường thuật cuộc tử đạo vinh hiển của Thầy
Giảng An-Drê, vị tử đạo đầu tiên ở Đàng Trong, bị đâm chém tại Kẻ Chàm ngày
26/07/1644 lúc 19 tuổi), tài liệu này có những câu phiên âm tiếng Việt với vài
dấu thí dụ như: Giũ nghĩa cũ d chúa Jesu cho den het hoy, cho den blon
doy (Giữ nghĩ cùng Đức Chúa Jesu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời).
Tài liệu năm 1647, Đắc Lộ viết bằng La Tinh tại Macassar ngày
04/06/1647 có nhan đề: "Alexandre Rhodes è Societate jesu terra
marique decẽ annorũ Itinerarium" (Cuộc hành trình mười năm trên
bộ, dưới biển của Đắc Lộ thuộc Dòng Tên).
Bìa tự điển Việt-Bồ-La in ở La Mã & trang đầu (1651)
Bìa
sách Bài Giảng Giáo Lý Tám Ngày (1651)
Có người cho Alexandre de Rhodes sáng tạo ra Chữ Quốc Ngữ nhưng
thực ra đó là công của nhiều nhà truyền giáo sang Việt Nam trước ông. Tuy
nhiên, ông là người có công rất lớn trong việc xây dựng chữ Việt, kế tục công
trình của các tu sĩ Dòng Tên Francisco de Pina, Gasparo d’Amiral và Antonio de
Barbosa.
Alexandre de Rhodes đã cho xuất bản Lịch Sử Xứ Bắc Kỳ (bằng
tiếng La Tinh, bản dịch bằng Pháp văn), Tự Điển An Nam-Bồ Đào Nha-La
Tinh(Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) soạn trong khoảng
1645-1649 được Linh mục F. Piccolomineus Bề Trên Cả Dòng Tên cho phép xuất bản
ngày 05/02/1651. Sau đó, Bài Giảng Giáo Lý Tám Ngày (Cathechismus) bằng
Quốc Ngữ La Tinh đối chiếu, được soạn trong khoảng 1649-1651, cuốn này được
Linh Mục Gosswinus Nickel quyền Bề Trên Cả cho phép xuất bản ngày 08/07/1651.
Vì vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo nên phiên họp các Hồng Y và
Giáo Hoàng ngày 02/10/1651 đã quyết định ra lệnh cho nhà in Bộ Truyền Giáo
ngưng các ấn phẩm khác để in gấp quyển Cathéchismus kịp phổ biến trong giới
tông đồ.
Tự Điển An Nam-Bồ Đào Nha -La Tinh cùng với quyển Bài Giảng Giáo Lý
Tám Ngày là hai quyển sách bằng Chữ Quốc Ngữ đầu tiên in ở La Mã năm
1651 do Hội Truyền Giáo La Mã (Đức Giáo Hoàng Urbain XIII thành lập năm 1627)
đúc Chữ Quốc Ngữ lần đầu tiên và ấn hành năm 1651. Riêng về quyển tự điển ta có
thể coi như là giấy khai sinh chính thức của Chữ Quốc Ngữ. Alexandre de Rhodes
đã ấn định hình dạng và liệt kê các Chữ Quốc Ngữ, mẹo luật về chữ cái, âm,
thanh, tự loại, nguyên tắc cú pháp. Ông đã sử dụng những kiến thức về tiếng
Việt thu nhận được từ người thày mình là giáo sĩ Francisco de Pina và dùng
quyển Tự Điển Bồ Đào Nha - An Nam của giáo sĩ Antonio de
Barbosa và quyển Tự Điển An Nam – Bồ Đào Nha của Gasparo
d’Amiral làm tài liệu tham khảo căn bản trong việc soạn thảo (hai quyển này
chép tay, chưa được in thành sách)
Pierre-Joseph-Georges Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), sinh năm
1741 ở Origny en Thiérache, Pháp Quốc, giám mục d’Adran, tốt nghiệp Trường Thầy
Dòng của Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc (Société des Missions Étrangères, được
thành lập ở Ba Lê vào năm 1663). Năm 1765 thụ phong Linh Mục và được xung vào
Giáo Đoàn Đàng Trong. Học viện của Hội Thừa Sai lúc này đã rời từ Miến Điện đến
Cần Cai (Hòn Đất), phía tây Hà Tiên, ông được cử làm Quản Đốc và giảng dạy ở
Trường Thày Dòng này từ năm 1767 đến cuối năm 1769. Trong năm 1768 ông cùng với
Linh Mục Artaud và một Linh Mục Trung Hoa bị cáo buộc đã tiếp rước và giúp một
ông hoàng Xiêm có tội trốn thoát về lối Nam Vang. Ông bị bắt bỏ tù và mang gông
rất cực khổ trong hai tháng, sau mới được thả. Cuối năm 1769 dân Miên ở Hà Tiên
nổi loạn cướp phá học viện ông phải đi lánh nạn tại chủng viện Virampatnam gần
Pondichéry thuộc Ấn Độ, nhân chưa được khỏe nên ở lại đây dưỡng bệnh. Trong
thời gian này ông nghiên cứu về Khổng Giáo và soạn được ba tác phẩm mà quyển có
giá trị nhất là Tự Điển Việt-La Tinh (Dictionarium
Annamiticum-Latinum), nhưng tiếc thay chưa kịp in thành sách thì bản chính
bị tiêu hủy trong vụ hỏa hoạn tại nhà Chung ở Cà Mau năm 1778. Còn hai quyển
kia thì một là Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (Catéchisme
Cochinchinois)viết bằng chữ Nôm, bài tựa bằng chữ Hán (in tại Quảng Đông
năm 1774), và một quyển nữa là Tự Điển Hoa - Việt - La (Dictionaire
Chinois-Annamite-Latin). Năm 1771 Giám Mục Piguel mất, ông được cử thay
thế.
Tháng 10/1777, ông gặp Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) trên đường
trốn chạy sự lùng bắt của quân Tây Sơn. Nguyên là vào năm 1777, Nguyễn Huệ và
Nguyễn Lữ đem quân thủy bộ vào đánh lấy thành Gia Định, đuổi bắt được cả Thái
Thượng Vương và Tân Chính Vương đem giết đi, thế là nghiệp chúa ở Đàng Trong bị
nhà Tây Sơn dứt từ đây. Nguyễn Ánh là cháu Thái Thượng Vương lúc đó mới 17
tuổi, chạy thoát được. Trên đường bôn đào tháng 10/1777 Nguyễn Ánh gặp Giám Mục
Bá Đa Lộc và được đưa đi tạm lánh ở cù lao Poulo Panjang, một đảo nhỏ nằm trong
vịnh Thái Lan. Ít lâu sau, Nguyễn Ánh trở về Long Xuyên chiêu mộ binh mã lo
việc khôi phục, khởi binh tiến chiếm Sa Đéc rồi lấy lại được đất Gia Định vào
tháng 11/1777. Bá Đa Lộc đến cư ngụ ở Tân Triều (gần Biên Hoà) và thường đi lại
giao thiệp với Nguyễn Vương. Năm 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem hơn 100
chiến thuyền vào cửa Cần Giờ đánh tan quân Nguyễn Vương ở Thất Kỳ (nay là Ngã
Bảy), Nguyễn Ánh phải bỏ Sài Gòn chạy về Ba Giồng rồi ra đảo Phú Quốc tạm lánh.
Quân Tây Sơn rút về Qui Nhơn để hàng tướng Đỗ Nhàn Trập ở lại giữ thành Gia
Định. Nghe tin, Châu Văn Tiếp đem quân từ Phú Yên hợp với các đạo quân khác
đánh đuổi Đỗ Nhàn Trập rồi cho người ra Phú Quốc đón Nguyễn Vương. Năm sau
Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại đem quân vào đánh, tháng 3/1783 Nguyễn Vương phải
đem cả mẹ và cung quyến chạy ra Phú Quốc. Nguyễn Huệ đem quân đuổi theo ra tận
Phú Quốc, Nguyễn Vương bôn tẩu về đảo Côn Nôn, quân Tây Sơn lại đến vây Côn
Nôn. May sao lúc đó một trận bão thổi đến đánh đắm nhiều chiến thuyền Tây Sơn
nên Nguyễn Vương thoát khỏi vòng vây chạy sang đảo Cổ Cốt, rồi về lại đảo Phú
Quốc ẩn náu. Lúc bấy giờ Nguyễn Vương thế cùng lực kiệt, binh sĩ phải hái rau,
đào củ chuối mà ăn.
Cuối năm 1784, Nguyễn Vương gặp lại Bá Đa Lộc ở cù lao Poulo
Panjang, sau khi bàn tính, nhờ đem Hoàng Tử Cảnh cùng quốc ấn, lá thư riêng gửi
vua Louis XVI, và một lá quốc thư sang Pháp cầu viện. Bá Đa Lộc thay mặt Nguyễn
Vương ký với Pháp hiệp ước Versailles ngày 28/10/1788 nhưng sau vì nhiều lý do
hiệp ước đã không được thi hành. Sau đó, Bá Đa Lộc tự xuất tiền mộ lính, mua
khí giới, tàu chiến rồi trở về Gia Định ngày 21/7/1789 giúp Nguyễn Vương đánh
Tây Sơn. Từ đây Bá Đa Lộc bày mưu tính kế, giữ văn thư và thường theo đi đánh
trận. Năm 1799 theo Nguyễn Vương ra đánh thành Qui Nhơn, nhưng trong lúc đang
vây thành ông bị bạo bệnh mất, hưởng dương 58 tuổi.
Nhờ sự giao thiệp mật thiết giữa giám mục Bá Đa Lộc và Nguyễn
Ánh mà việc truyền đạo của Giáo Đoàn Đàng Trong được dễ dàng, nếu không muốn
nói là được biệt đãi, nhất là trong thời kỳ Nguyễn Vương còn ở Gia Định. Các
thừa sai đã biết lợi dụng hoàn cảnh thuận tiện này để củng cố và phát triển đạo
Thiên Chúa ở Đàng Trong. Chủng viện được dựng lên ở Cà Mâu và Hà Tiên, Giáo
Đoàn Đàng Trong được khuếch trương mạnh mẽ, nhờ số tín đồ mỗi ngày một đông nên
số người biết đọc biết viết Chữ Quốc Ngữ càng nhiều, tất nhiên Chữ Quốc Ngữ nhờ
đó được dịp sử dụng và phát triển. Bá Đa Lộc cũng là người đầu tiên nhuận lại
quyển tự điển của Alexandre de Rhodes, sửa những chữ phiên âm sai và thêm nhiều
chữ mới. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn tại Chủng Viện Cà Mâu năm 1778 đã thiêu huỷ
một phần lớn công trình này [08].
J.L. Taberd, giáo sĩ Dòng Sai, sinh năm 1791 tại Saint Etienne
Pháp Quốc, mất năm 1840 tại Calcutta, Ấn Độ. Thụ phong Linh Mục năm 1817, đến
năm 1820, đời vua Minh Mạng, ông sang Việt Nam trên cùng một chuyến tàu với
J.B. Chaigneau. Khi Bá Đa Lộc mất, Labartetti (1799-1823) thay thế. Đến khi
Labartetti chết, Taberd được cử giữ chức giám mục Giáo Đoàn Đàng Trong vào năm
1827, lúc đó nhà Chung ở Lái Thiêu.
Năm 1833 khi Lê Văn Khôi, con nuôi Tả Quân Lê Văn Duyệt làm
loạn, ông phải tạm lánh nạn qua Xiêm. Tại đây vua Xiêm nhờ ông kêu gọi giáo dân
người Việt chống đối vua Minh Mạng để làm hậu thuẫn cho quân Xiêm sang đánh
Việt Nam. Ông từ chối, về trú ngụ tại Chủng Viện Penang. Quân Xiêm bị quân ta
đánh bại tại Hà Tiên và Châu Đốc nên phải rút về do đó vua Xiêm không ưa ông,
còn vua Minh Mạng thì lại nghi ông sang Xiêm viện quân để giúp Lê Văn Khôi. Tuy
ông có gửi một lá thư minh oan đề ngày 16/07/1834 đăng trên tờ Singapore
Chronicle, nhưng vì thấy không thể nào trở lại Sài Gòn được nữa nên bàn giao
chức vụ cho Cuénot ở Singapore năm 1835.
Sau đó ông sang Bengale, Ấn Độ trú ngụ tại Chủng Viện Sérampore.
Tại đây ông dùng những tài liệu đã thu thập được trong thời gian làm giám mục
Giáo Đoàn Đàng Trong để xây dựng lại quyển tự điển của Bá Đa Lộc đã bị hỏa tai,
rồi vận động với Hội Société Asiatique du Bengale nhờ xuất bản Tự Điển
An Nam-La Tinh (Dictionarium Annamitico-Latinum) thường được gọi là Nam
Việt Dương Hiệp Tự Vựng, và quyển tự điển La Tinh-An Nam
(Dictionarium Latino-Annamiticum). Hội này không đủ tiền in nên khuyên ông
nhờ chính quyền Bengale giúp.
Sau hai năm Taberd vận động tích cực, kết quả Lord Aukland chịu
ứng tiền đặt mua 100 bộ nhưng đòi ông phải thêm phần tiếng Anh để thương gia và
thủy thủ có thể dùng được và nhà cầm quyền Bengale sẽ mua hết phần phụ lục
tiếng Anh đó. Vì vậy trong quyển Tự Điển La Tinh-Việt ông thêm
phần phụ lục dày 135 trang bằng bốn thứ tiếng Anh, Pháp, La Tinh, Việt (Appendix
ad Dictionarium Latino-Annamiticum). Sách in xong năm 1838, bản vỗ do
chính Taberd sửa chữa, trong đó mỗi chữ Việt đều có cho thêm chữ Nôm. Tự điển
này của Taberd gồm 46 trang văn phạm, 620 trang tự điển, 52 trang về hoa quả
của Nam Việt (Hortus floridus Cocincinoe) với bản kê các chữ
Nôm trong tự điển sắp xếp theo các “bộ” và “số nét”.
Bìa Nam Việt Dương Hiệp Tự Vựng của Taberd
in
tại Bengale, Ấn Độ năm 1838
Về sau hai quyển tự điển của Taberd lại được hai giáo sĩ Théreul
và Leserteur, sau khi thêm một số chữ được dùng ở Bắc Kỳ, đã cho tái bản lần
thứ nhất ở trong nước (in tại Ninh Phú năm 1877). Nam Việt Dương Hiệp
Tự Vựng của Taberd không những hoàn hảo hơn quyển tự điển của
Alexandre de Rhodes mà còn được sử dụng làm gốc cho các quyển tự điển in sau
này như Dictionaire Élémentaire Annamite Francais của Legrand
de la Liraye in năm 1868, Dictionarium Latino-Amamiticum của
Cố Ravier in năm 1880, Petit Dictionaire Francais-Annamite của
Trương Vĩnh Ký xuất bản vào năm 1884 (bản in nhà Chung Sài Gòn, sách dày 1192
trang).
Nguyễn Văn Vĩnh và sự phổ cập chữ Quốc Ngữ
Nguyễn Văn Vĩnh, sinh ngày 15/06/1882 (năm Pháp chiếm thành Hà
Nội, PhanThanh Giản tuẫn tiết theo thành) tại làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín,
tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Tỉnh Hà Tây). Ông là con đầu lòng của ông
bà Nguyễn Văn Trực, một gia đình nông dân rất nghèo. Hồi đó chưa có công trình
thủy nông cống Đồng Quan cả vùng quanh năm ngập nước, cánh đồng chiêm chỉ cấy
lúa được mỗi năm một vụ, nên nhiều dân làng phải bỏ lên tỉnh sinh sống. Gia
đình ông Trực cũng phải rời quê ra ở nhờ nhà người bà con bên ngoại tại số 46
phố Hàng Giấy Hà Nội, lại thêm đông con (7 người, 2 trai, 5 gái) nên không thể
lo chu đáo sự học của các con được. Thời gian này Nguyễn Văn Vĩnh được theo học
chút ít chữ Nho.
Năm 8 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được cha xin cho chân kéo quạt ở lớp
đào tạo thông ngôn Pháp mở ở đình làng Yên Phụ, Hà Nội do D’Argence là Hiệu
Trưởng kiêm giảng viên. Ngồi cuối lớp vừa kéo 2 hàng quạt liền nhau, vừa tò mò
nghe lỏm bài giảng, Nguyễn Văn Vĩnh ghi nhớ lời dạy và trả lời được các câu hỏi
của thày trong khi các học trò trong lớp còn lúng túng. Thầy D’Argence thấy vậy
bèn cho thi thử khi mãn niên học năm 1893, không ngờ Nguyễn Văn Vĩnh đỗ hạng 12
trên sĩ số 40 học sinh. Thầy D’Argence thương tình đặc cách xin học bổng và cho
chính thức vào khóa đào tạo Thông Ngôn Tòa Sứ. 1896: 14 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đỗ
Thủ Khoa, được bổ về Tòa Sứ Lào Cai làm Thông Ngôn cho đoàn chuyên gia Pháp
nghiên cứu chuẩn bị thiết lập đường xe hỏa Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Vân Nam.
Khi đoàn dời về Hải Phòng để chuẩn bị vật liệu xây dựng đường sắt, ông cũng
được chuyển về Kiến An, Hải Phòng theo họ (1897-1901). Lúc này cảng Hải Phòng
đang được Pháp mở mang, Nguyễn Văn Vĩnh phải giúp tiếp nhận vật liệu, hướng dẫn
việc bốc rỡ hàng hóa vào kho nên hàng ngày tiếp xúc với thủy thủy ngoại quốc.
Nhân đó ông học và thông thạo thêm tiếng Anh và tiếng Tàu. 1902: trợ lý cho
Công Sứ Pháp tỉnh Bắc Ninh, nhiệm sở sau cùng của ông là Thông Ngôn tòa Đốc Lý
Hà Nội.
Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được cử vào phái bộ sang Pháp dự hội
chợ đấu xảo (Foire d’Exposition) ở Marseille. Tại đây, ông có dịp giao tiếp với
nghề in và báo chí. Gian hàng của Bắc Kỳ ngay cạnh gian hàng của báo Petit
Marseillais. Ông chủ báo này muốn quảng cáo cho báo mình nên đã mang nguyên
xưởng máy, tòa soạn, trị sự vào trường đấu xảo. Hàng ngày máy in chạy ầm ầm,
phóng viên mang tin ra vào tới tấp. Ông đâm mê nghề báo nên hàng ngày sang hỏi
chuyện ông chủ báo, chú tâm nghiên cứu, học hỏi [09]. Cũng trong thời gian này
ông gia nhập hội Nhân Quyền Pháp và là hội viên người Việt Nam
đầu tiên.
Trở về nước, ông từ bỏ cuộc đời công chức, ra làm báo, mở nhà
in, kinh doanh và hoạt động chính trị. 1907: chủ bút Đồng Văn Nhật Báo,
cũng năm này cùng Đỗ Thận lập tờ Đăng Cổ Tùng Báo (số đầu tiên
ra ngày 28 tháng 03, 1907), tờ báo đầu tiên bằng Chữ Quốc Ngữ ở Bắc Kỳ.
1908: chủ trương tờ Notre Journal (1908-1909). 1910: ra tờ Notre
Revue (được 12 số), cùng năm làm chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn ở
Sài Gòn (do Schneider lập ra). 1913: chủ bút Đông Dương Tạp Chí (tuần
báo, số đầu ra ngày 15 tháng 05, 1913). 1915: trông nom bài vở cho tờ Trung
Bắc Tân Văn (do Schneider thành lập). 1919: chủ nhiệm Học Báo
(Đông Dương Tạp Chí đổi tên), cùng năm, Schneider già yếu rút lui ông mua
lại và đổi thành nhật báo. 1927: cùng Vayrac lập tủ sách Đông Tây Tư
Tưởng (La Pensée de l’Occident) in các sách ông dịch thuật. 1931-1934:
chủ nhiệm kiêm chủ bút Annam Nouveau.
Ông là người đầu tiên dịch ra Chữ Quốc Ngữ tác
phẩm của các văn hào Pháp như Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La
Fontaine, Molière, v.v. và là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang
tiếng Pháp. Bản dịch của ông rất đặc sắc vì còn thêm phần dịch nghĩa từng chữ
và các điển tích liên hệ, một điều chỉ người am hiểu sâu xa văn chương Việt,
Tàu và Pháp mới có thể làm được. Ông giảng dạy và là hội viên hoạt động tích
cực của hai học hội lớn Trí Tri và Khai Trí Tiến Đức [10]. Về
hoạt động chính trị, làm hội viên nhiều khóa liên tiếp của Hội Đồng
Thành Phố Hà Nội, từ 1913 là hội viên Tư Vấn Bắc Kỳ (tương
tự Viện Dân Biểu), có chân trong Đại Hội Nghị Kinh Tài Đông Dương (cơ
quan tư vấn tối cao của chính phủ Đông Pháp). Ngoài ra, ông còn là người của Hội
Nhân Quyền Quốc Tế tại Việt nam (Ligne des Droits de l’Homme), Hội
Tam Điểm Quốc Tế (Franc Maconnerie).
Vì ông dịch ra Pháp văn bài “Đầu Pháp Chính Phủ Thư” của
Phan Châu Trinh và cho đăng tải trên Đăng Cổ Tùng Báo nên Phan
Chu Trinh bị bắt. Ông nhân danh thành viên Hội Nhân Quyền cùng
4 người Pháp ký đơn xin ân xá. Ông luôn luôn lên tiếng phản đối chính sách hà
khắc của Pháp đối với thuộc địa, người Việt Nam đầu tiên và duy nhất hai lần từ
chối huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của chính phủ Pháp ban tặng.
Khoảng 1934-1935, sau hồi kinh tế khủng hoảng, công việc kinh
doanh ấn quán bị lỗ lã nên thiếu tài chánh hoạt động, cộng thêm nợ nần chồng
chất, báo của ông vỡ nợ, gia sản bị tịch biên. Ông cùng một người Pháp tên
Clémenti sang Lào tìm khai mỏ vàng.
Sách viết về Nguyễn Văn Vĩnh và
bìa bản dịch Kim Vân Kiều của
ông.
Hành trình gian khổ, lần đầu ông chịu được nhưng đến lần sau bị
bệnh kiết lị, từ trần ngày 02 tháng 05, 1936, hưởng dương 54 tuổi. Người ta tìm
thấy xác ông nằm trong chiếc thuyền độc mộc trên một giòng sông ở Tchépone,
trong tay vẫn còn nắm chặt cây bút và quyển sổ ghi chép thiên ký sự viết dở
dang bằng tiếng Pháp “Một Tháng Với Những Người Đi Tìm Vàng”. Linh
cữu ông được đưa về Hà Nội mai táng. Khi chuyến xe hỏa chở quan tài mang thi
hài ông về đến ga Hàng Cỏ hàng ngàn người dân đứng chờ đón trong sự yên lặng
trang nghiêm và luyến tiếc. Đám tang ông có cả làng báo đông đảo Bắc Kỳ đi sau
linh cữu và tặng ông danh hiệu “Thủy tổ nhà báo nước ta”. Sau khi
ông mất, Phan Khôi trong một bài viết đã cho rằng ông xứng đáng là một trang
hào kiệt mang danh hiệu “kẻ sĩ hào kiệt”[11].
Trong 20 năm làm báo Nguyễn Văn Vĩnh vừa viết bài, vừa trông nom
quản trị. Ông không chỉ làm báo mà còn đi rộng vào nghề in và xuất bản. Lúc đầu
ông được 2 người Pháp giúp kinh nghiệm là Dufour và Schneider. Ngay khi làm tờ Đăng
Cổ Tùng Báo ông cùng Dufour lập nhà in, ấn hành bộ Tam Quốc
Chí do Phan Kế Bính dịch. Đây là nhà in thứ nhất của người mình ở Hà
Nội. Năm 1919 mua lại cơ sở ấn loát của Schneider in truyện dịch, thơ ngụ ngôn
của ông và các tác phẩm của Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục. Những sách này cũng là
những ấn phẩm đầu tiên của ta ở Bắc Kỳ lúc đó. Như thế, Nguyễn Văn Vĩnh là
người mở đường cho ngành ấn loát và xuất bản.
Từ năm 1885 Pháp đặt quyền bảo hộ ở Bắc Kỳ cho đến đầu thế kỷ 20
báo chí còn rất xa lạ với người dân. Ngoài Bắc chỉ có 2 tạp chí bằng tiếng Pháp
của chính quyền bảo hộ, tờ Avenir du Tonkin và Courier
de Haiphong. Đến 1890 Nha Kinh Lược với sự chấp thuận của Toàn Quyền De
Lanessan mới cho xuất bản tờ Đại Nam Đồng Văn bằng chữ Nho
chuyên đăng tải công văn và chỉ dụ của Chính phủ. Năm 1905, Babut, người Pháp,
ra Việt Tân Báo ở Hà Nội, Đào Nguyên Phổ làm chủ bút, nhưng
cũng chỉ chú trọng vào phần chữ Hán.
Trước 1913 chỉ là giai đoạn học Chữ Quốc Ngữ, từ khi Đông
Dương Tạp Chí ra đời mới là giai đoạn dùng chữ Việt để viết câu văn.
Trước đó báo chí ngoài Bắc chỉ nhằm mục đích thông tin, từ Đông Dương
Tạp Chí mới thiên về văn hóa và tạo ra nhiều nhà văn sau này. Ông qui
tụ được những cây bút có tiếng, gây được phong trào yêu mến quốc văn trong đám
thanh niên trí thức đương thời. Theo ông, việc học Quốc Ngữ là một sự “bất
đắc bất nhiên”, là việc sống chết của nước ta [12]. Sống chết vì đó là cây
cầu bắc sang văn minh Tây Phương đưa tới duy tân tiến bộ, sinh lộ thoát khỏi
lao lung Hán học phong kiến tối tăm. Ông nói như một lời tiên tri, một niềm
tin, một lời nguyền “Nước Nam ta mai sau hay dở cũng ở như Chữ Quốc
Ngữ” [13].
Nguyễn Văn Vĩnh là người rất có công với Quốc văn, không phải
những dịch phẩm của ông, nhưng nhờ tạo nên phong trào quốc văn, đứng chủ trương
các cơ quan ngôn luận hô hào, cổ động mọi người học và sử dụng Chữ Quốc
Ngữ vào buổi mà chữ Việt chưa được phổ cập trong quần chúng. Không
những ông tranh đấu việc truyền bá và thắng thế cho Chữ Quốc Ngữ mà
còn đề ra chương trình kiến thiết nền văn học mới bằng chữ Việt mà sau đó Phạm
Quỳnh và nhóm Nam Phong Tạp Chí là những người thực hiện con
đường mà Nguyễn Văn Vĩnh đã vạch ra.
Nguyễn Văn Vĩnh - Ứng Hòe - Phạm Duy Tốn
Phạm Quỳnh Đám tang Nguyễn
Văn Vĩnh ở Hà Nội (1936)
Danh
từ "Chữ Quốc Ngữ" Đúng hay Sai
Cho đến bây giờ, chúng ta chưa tìm biết được ai là tác giả đã
đặt tên cho thứ chữ ghi âm theo mẫu tự La Mã là "Chữ Quốc
Ngữ". Tuy nhiên, trong lá thư của Giám Mục Puginier ngày 4/5/1887 viết
cho Tổng Trưởng Thuộc Địa đã gọi là "Chữ Quốc Ngữ" và
các nghị định của Pháp trong thời kỳ đầu cũng dùng từ "Chữ Quốc
Ngữ”. Thực ra đây là một trường hợp sử dụng từ sai lầm. Quốc: Nước, Ngữ:
Tiếng,
Quốc Ngữ là tiếng nói của một nước. Khi dùng danh từ "Chữ
Quốc Ngữ"để chỉ chữ viết của nước ta là đã lầm lộn giữa chữ viết (văn
tự) và tiếng nói (ngôn ngữ). Dương Quảng Hàm nêu lên vấn đề này, nhưng theo
ông,"từ ngữ này mọi người đã quen dùng rồi không thể đổi được nữa" [14].
Vấn đề chữ Quốc Ngữ bị thực dân Pháp lợi
dụng
Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này là Lê Ngọc Trụ. Trong bài
diễn văn đọc tại Giảng đường Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn ngày
28/11/1961 có đoạn như sau: "Như vậy, Chữ Quốc Ngữ trước tiên được
sáng chế để phụng sự chánh nghĩa, truyền bá tinh thần giáo lý bác ái nhân đạo
của Chúa Giê-Su, nay lại bị người ta đem dùng vào việc cai trị, để thay bỏ lần
hồi chữ Hán và chữ Nôm, dẹp lần ảnh hưởng của Nam Triều và của văn hoá Đông
Phương. Nhưng trong cái rủi có cái may, Chữ Quốc Ngữ nhờ đó được phổ biến sâu
rộng và sự truyền bá tư tưởng tân tiến, mở mang dân trí về sau được xúc tiến
mau lẹ"[15].
Phạm Thế Ngũ trong chương III, Bước Đầu Tiên của Văn
Quốc Ngữ, nhìn vấn đề một cách tương tự: "Người Pháp đến Nam
Kỳ trước, đến để dựng cuộc đô hộ nhưng cũng để bảo vệ giáo dân, để đưa đạo Gia
Tô lên một địa vị chính thức. Và cũng đến để đưa thứ Việt Tự La Tinh, sáng chế
riêng của mấy ông giáo sĩ người Âu lên địa vị văn tự quốc gia Việt Nam sau này.
Chủ tâm của người Pháp ngay sau khi bước chân vào xứ này là cắt đứt liên lạc
văn hoá giữa người Việt với người Tàu, với quá khứ Việt Nam nặng nề Hán Học.
Đối với họ, chữ Hán chữ Nôm cũng vậy mà thôi, là chữ Tàu hết. Họ thấy muốn kéo
dân chúng về với người Tây, cần phải triệt bỏ thứ văn tự "kỳ khôi" ấy
và dạy cho dân chúng chữ Pháp, hoặc nếu cần một văn tự cho tiếng nói bản xứ thì
là Chữ Quốc Ngữ đã sẵn sàng đó và cùng một họ mẫu tự La Tinh. Trong chủ trương
ấy việc đầu tiên của họ là dựng những cơ sở văn hoá để truyền bá chữ Pháp và
chữ Việt La Tinh. Ngay năm 1861 Đô Đốc Charner đã ký nghị định ngày 8/5/1861
lập trường Collège d'Adran để đào luyện người Việt Nam làm Thông Ngôn và cả
người Pháp muốn học tiếng Việt. Năm 1865 Chính phủ Sài Gòn lại cho ra đời tờ
công báo Việt Nam đầu tiên viết bằng tiếng Việt quốc ngữ là tờ Gia Định Báo.
Văn quốc ngữ từ đây chính thức ra đời. Chữ Quốc Ngữ được tuyên truyền và ca
tụng" [16].
Nguyễn Văn Trung đồng quan điểm với Phạm Thế Ngũ, Chữ
Quốc Ngữbắt đầu bị chính trị lợi dụng sau khi thực dân Pháp chiếm Nam Bộ
và thiết lập guồng máy cai trị: "Trước khi người Pháp xâm chiếm
nước ta, các nhà truyền giáo thuộc nhiều quốc tịch Âu Châu đã theo đường lối
thích nghi văn hoá, phong tục những nước bị truyền giáo (nhất là các nhà truyền
giáo thuộc dòng Tên). Chính trong tinh thần đó mà họ tìm cách sáng chế ra Chữ
Quốc Ngữ. Đến thời kỳ Pháp xâm lược, các nhà truyền giáo thuộc dòng Tên phải
nhường chỗ cho Hội Thừa Sai Paris, và những người này đều là người Pháp, theo
một lối truyền giáo cứng rắn chủ trương xoá bỏ, tiêu diệt tất cả những gì là
phong tục, văn hoá, tư tưởng của các nước bị truyền giáo không hợp với giáo lý
Thiên Chúa. Hơn nữa, họ còn đồng hoá quyền lợi nước Pháp với quyền lợi của đạo,
vừa phục vụ tổ quốc vừa phục vụ quyền lợi của đạo bằng cách phục vụ quyền lợi
tổ quốc của nước Pháp, nên họ đã tích cực góp phần vào việc thiết lập chế độ
thực dân (xâm chiếm, chinh phục) và vào việc duy trì củng cố chế độ đó. Những
Linh Mục, Giám Mục thừa sai đua nhau viết những báo cáo, dự án, kế hoạch chinh
phục, bình định gởi về Pháp. Theo Toàn Quyền Đông Dương Lanessan, chính những
thừa sai đã đề ra những đường lối về chính trị, văn hoá mà các quan cai trị
Pháp đã tuân theo và áp dụng. Về mục đích việc sử dụng Chữ Quốc Ngữ vào mục
tiêu chính trị có lợi cho thực dân là do các thừa sai khuyến cáo khi bàn về vai
trò của các hội truyền giáo trong chế độ bảo hộ (Les missions et le
Protectorat)... Dụng ý thâm hiểm dùng Chữ Quốc Ngữ như một lợi khí tuyên truyền
những chính sách lừa bịp, đầu độc văn hoá, chính trị và sau cùng, cực kỳ thâm
hiểm, mưu đồ dùng Chữ Quốc Ngữ như một phương thức làm mất gốc những người chỉ
biết Chữ Quốc Ngữ bằng cách cô lập họ với văn hoá dân tộc lúc đó chủ yếu dựa
vào Nho học và dùng chữ Nho như phương tiện diễn tả."[17].
Kết luận
Đi tìm vết tích Chữ Quốc Ngữ trước Alexandre de
Rhodes, các nhà khảo cứu không tìm được nhiều tài liệu. Tài liệu sớm nhất trong
giai đoạn "Chữ Quốc Ngữ Không Dấu" có lẽ là các
chữ phiên âm như tài liệu ngày 20/11/1621 của Jão Roig (phiên âm chữ
Xứ Hóa là Sinoa), và tài liệu ngày 12/12/1621 của Gaspar Luis
(phiên âm chữ ông nghè là Ongne, Ungué) cho thấy lúc đó Chữ Quốc
Ngữ chưa có dấu. Bản Điều Trần về Xứ Đàng Trong (viết bằng chữ
Ý, in ở La Mã năm 1631) của Giáo sĩ Cristoforo Borri, người Ý, các câu phiên
âm tiếng Việt đầu tiên xuất hiện bằng chữ cái La Mã nhưng những chữ này cũng
chưa có dấu.
Giai đoạn "Chữ Quốc Ngữ Có Dấu" bắt
đầu xuất hiện từ 1632 với các bài văn về Thánh Lễ đã có các dấu hỏi, huyền và
ngã. Trong bài tường trình hàng năm về nước An Nam của Gasparo d’Amiral viết
bằng chữ Bồ tại Thăng Long ngày 31/12/1632 gửi cha André Palmeiro, giám sát các
tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa có những chữ giống như chữ Việt ngày nay.
Tóm lại, Chữ Quốc Ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ người Âu
sang truyền đạo ở nước ta bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 16 mà các giáo sĩ Bồ Đào
Nha chắc chắn đã đóng góp rất nhiều trong việc chế tác chữ Việt bằng mẫu tự La
Mã, đặc biệt là các linh mục Francisco de Pina, Gasparo d’Amiral, Antanio de
Barbosa. Tuy nhiên, người có công nhiều nhất là Alexandre de Rhodes vì ông đã
hệ thống hoá cách thức ghi âm, đưa ra những nguyên tắc căn bản đầu tiên về văn
phạm Việt Nam, cùng ấn định hình dạng và liệt kê các chữ cái và các dấu. Quyển Tự
Điển An Nam-Bồ Đào Nha-La Tinh và sách Bài Giảng Giáo Lý Tám
Ngày của ông là hai tài liệu bằng chữ Quốc Ngữ có dấu đầu tiên được ấn
hành.
Chữ Quốc Ngữ có đủ mọi giọng trong tiếng Việt là nhờ khi sáng
tạo các giáo sĩ người Âu đã căn cứ vào giọng Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ. Tiếng
Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ có nhiều chỗ sai, nhiều nhà ngữ học nhận xét là càng
xuống miền Nam Trung Kỳ sự sai càng gia tăng. Lý do vì người miền Nam Trung Kỳ
phát âm tiếng Việt không đủ giọng bằng người Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Do đó khi
đặt ra Chữ Quốc Ngữ chỉ dùng giọng Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ
là đủ. Chữ Quốc Ngữ tuy căn cứ vào giọng miền Bắc nhưng bắt
đầu được thông dụng, được học tập, được in thành sách lại là công của người
miền Nam. Người trong Nam là những người sử dụng Chữ Quốc Ngữ trước
nhất [18].
Một tình cờ của lịch sử đã đưa các vị Giáo sĩ sang truyền đạo ở
Việt Nam phát minh ra loại chữ viết cho dân tộc ta, trong đó họ dùng mẫu tự La
Mã với âm tiết của ngôn ngữ Bồ Đào Nha để diễn tả tiếng nói của người Việt với
ngũ cung trầm bổng như tiếng chim hót. Mục đích ban đầu của Chữ Quốc
Ngữ là để giúp các Giáo sĩ giao tiếp với người nước ta bằng chữ viết.
Về sau, khi các nhà cai trị Pháp đến Việt Nam, họ chủ trương cắt đứt liên lạc
văn hoá nặng về Hán học của người Việt với Tàu, nên cần một thứ chữ thay thế
chữ Hán và chữ Nôm. Giải pháp thuận tiện cho họ không gì bằng Chữ Quốc
Ngữ, điều này giải thích được phần nào lý do tại sao người Pháp cho làm nổi
bật vai trò của Alexandre de Rhodes.
Tuy Pháp có lợi dụng Chữ Quốc Ngữ để củng cố
chế độ bảo hộ ở Việt Nam như phần nhận xét của Lê Ngọc Trụ, Phạm Thế Ngũ và
Nguyễn Văn Trung, nhưng nhờ các nhà báo, văn gia, các nhà ái quốc, Chữ
Quốc Ngữ rút cục lại trở thành lợi khí khơi dậy tinh thần quốc gia,
dân tộc chống lại sự đô hộ của Pháp.
Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi Hương ở Bắc
Kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi ở Trung Kỳ. Năm 1919
là khoa thi Hội cuối cùng ở Huế, các trường dạy chữ Nho bị bãi bỏ hoàn toàn,
thay thế bằng hệ thống trường Pháp-Việt. Ngày 18/09/1924, Toàn Quyền Đông Dương
Merlin ký quyết định cho dạy Chữ Quốc Ngữba năm đầu cấp Tiểu Học.
Sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn Từ Điển Việt-La-Bồ của
Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết
của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng Chữ Quốc Ngữ.
Từ lúc phôi thai đến khi trưởng thành, thời điểm mà chữ viết của
ta tiến tới trình độ cao đạt là những mốc thời gian quan trọng đáng ghi nhớ. Nỗ
lực của Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương Tạp Chí đã tạo cho Chữ
Quốc Ngữ trở nên phổ quát. Phạm Quỳnh với Nam Phong Tạp Chí đặt
nền tảng vững chắc cho văn chữ viết nước ta. Nhất Linh và nhóm Tự Lực
Văn Đoàn bằng hai tờ Phong Hoá và Ngày Nay "tập
đại thành" chữ Việt, hoàn tất giấc mộng của tiền nhân có được thứ
chữ viết riêng cho dân tộc mà Hồ Quí Ly, Quang Trung Nguyễn Huệ là những người
ấp ủ và khởi xướng.
Tài liệu tham khảo:
- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Hà Nội, 1941; Bộ Giáo Dục tái bản, Sài Gòn, 1968.
- Dror, Olga ed. Views of Seventeenth-century Vietnam,Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin. Ithaca,Cornell Southeast Asia Program, NY, 2006.
- Đỗ Quang Chính. Lịch sử chữ Quốc ngữ. Ra Khơi, Sài Gòn, 1972.
- Jacques, Roland. Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics. Bangkok: Orchid Press, 2002.
- Lê Ngọc Trụ, Chữ Quốc Ngữ Từ Thế Kỷ XVIII Đến Cuối Thế Kỷ XIX, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Bộ QGGD, Sài Gòn 1961. Đăng lại trong Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự VN, Dòng Việt, Hoa Kỳ, 1993.
- Nguyễn Thị Mỹ Huyền, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ và Phương Pháp Đánh Vần I Tờ, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, Dòng Việt, Hoa Kỳ, 1993.
- Nguyễn Văn Trung, Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, Nam Sơn, Sài Gòn, 1975.
- Phạm Quỳnh, Khảo Về Chữ Quốc Ngữ, Nam Phong Tạp Chí số 122, trang 327.
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1962-1965.
- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Vĩnh và Thành, Hà Nội, 1928; BGD tái bản, Sài Gòn, 1971.
- Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Tân Dân, Hà Nội, 1942; Thăng Long tái bản, Sài Gòn, 1960.
- Zwartjes, Otto. Portugese Misionary Grammars in Asia, Africa and Brazil, 1550-1800. John Benjamins Publishing Co, Amsterdam, 2011.
- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Hà Nội, 1941; Bộ Giáo Dục tái bản, Sài Gòn, 1968.
- Dror, Olga ed. Views of Seventeenth-century Vietnam,Christoforo Borri on Cochinchina and Samuel Baron on Tonkin. Ithaca,Cornell Southeast Asia Program, NY, 2006.
- Đỗ Quang Chính. Lịch sử chữ Quốc ngữ. Ra Khơi, Sài Gòn, 1972.
- Jacques, Roland. Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics. Bangkok: Orchid Press, 2002.
- Lê Ngọc Trụ, Chữ Quốc Ngữ Từ Thế Kỷ XVIII Đến Cuối Thế Kỷ XIX, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Bộ QGGD, Sài Gòn 1961. Đăng lại trong Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự VN, Dòng Việt, Hoa Kỳ, 1993.
- Nguyễn Thị Mỹ Huyền, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ và Phương Pháp Đánh Vần I Tờ, Tuyển Tập Ngôn Ngữ Văn Tự Việt Nam, Dòng Việt, Hoa Kỳ, 1993.
- Nguyễn Văn Trung, Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, Nam Sơn, Sài Gòn, 1975.
- Phạm Quỳnh, Khảo Về Chữ Quốc Ngữ, Nam Phong Tạp Chí số 122, trang 327.
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1962-1965.
- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Vĩnh và Thành, Hà Nội, 1928; BGD tái bản, Sài Gòn, 1971.
- Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Tân Dân, Hà Nội, 1942; Thăng Long tái bản, Sài Gòn, 1960.
- Zwartjes, Otto. Portugese Misionary Grammars in Asia, Africa and Brazil, 1550-1800. John Benjamins Publishing Co, Amsterdam, 2011.
Chú thích:
[01] Chữ La Mã là thứ chữ được biến cải từ chữ Hy Lạp. Khoảng năm 1000 TTL người Etruscans từ miền đông Địa Trung Hải dời về trung thổ nước Ý mang theo chữ cái Hy Lạp (the Greek alphabet). Người La Mã học các chữ cái từ người Etruscans rồi sửa đổi hình dạng, thêm và bỏ bớt vài chữ. Khởi thủy chữ La Mã có khoảng 20 chữ cái, sau dần dà thêm 3 chữ, và cuối cùng thành bộ 24 chữ cái. Có thể nói hầu hết các học giả của ta đều gọi nhầm là chữ La Tinh nhưng thực ra mẫu tự tiếng Việt hiện nay xuất phát từ bộ chữ cái La Mã (Roman alphabet).
[02] Kinh Kỳ chỉ thành phố Hà Nội.
[03] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển 33, tờ 6b.
[04] Trương Vĩnh Ký, Cours d'Histoire Annamite, bản in nhà nước, 1875 & 1877.
[05] Jacques, Roland,Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics, trang 61-64.
[06]Dror, Olga ed. Views of Seventeenth-century Vietnam, trang 36.
[07]Jacques, Roland, Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics, trang 27.
[08] Théreul viết Tựa trong tự điển của Taberd được tái bản tại nhà in Ninh Phú năm 1877.
[09] Bài phỏng vấn Nguyễn Văn Vĩnh của báo Tin Văn số 1 ra ngày 28 tháng 07, 1935.
[10] Nguyễn Văn Vĩnh làm trưởng ban giảng huấn Pháp văn cho Đông Kinh Nghĩa Thục, đề xướng môn thể thao, lập sân thể dục, mời chủ trường Lương Văn Can cùng ra lập Hội Dịch Thuật Bắc Kỳ (1907).
[11] Mạnh Tử nói: Đến như kẻ sĩ hào kiệt thì dù không có Văn Vương cũng dấy lên.
[12] Nguyễn Văn Vĩnh: Ai muốn khai hóa cho nước Nam tôi tưởng nên lo cho mấy đứa trẻ đó trước. Và nghĩ đến thế thì lại càng nên quý cái chữ quý hóa là chữ quốc ngữ, nay mai ta khéo cổ động thì chuyển được tới chốn lưng trâu mà lên cho đến chiếu cạp đình, cho đến nơi thư phòng người đi học, cho đến công đường ông quan, từ gốc mà lên cho đến ngọn, mới thực là cái duy tân chính sách. (Xét Tật Mình, Đông Dương Tạp Chí số 7).
[13] Nguyễn Văn Vĩnh viết trong bài Tựa của bộ Tam Quốc Chí do Phan Kế Bính dịch (1907).
[14] Dương Quảng Hán, Việt Nam Văn Sử Học Yếu, trang 191.
[15] Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Bộ QGGD, 1961, trang 113-141.
[16] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, trang 66-67.
[17] Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, trang 13-15.
[18] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn Hiện Đại, quyển 1, trang 36.
[01] Chữ La Mã là thứ chữ được biến cải từ chữ Hy Lạp. Khoảng năm 1000 TTL người Etruscans từ miền đông Địa Trung Hải dời về trung thổ nước Ý mang theo chữ cái Hy Lạp (the Greek alphabet). Người La Mã học các chữ cái từ người Etruscans rồi sửa đổi hình dạng, thêm và bỏ bớt vài chữ. Khởi thủy chữ La Mã có khoảng 20 chữ cái, sau dần dà thêm 3 chữ, và cuối cùng thành bộ 24 chữ cái. Có thể nói hầu hết các học giả của ta đều gọi nhầm là chữ La Tinh nhưng thực ra mẫu tự tiếng Việt hiện nay xuất phát từ bộ chữ cái La Mã (Roman alphabet).
[02] Kinh Kỳ chỉ thành phố Hà Nội.
[03] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển 33, tờ 6b.
[04] Trương Vĩnh Ký, Cours d'Histoire Annamite, bản in nhà nước, 1875 & 1877.
[05] Jacques, Roland,Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics, trang 61-64.
[06]Dror, Olga ed. Views of Seventeenth-century Vietnam, trang 36.
[07]Jacques, Roland, Portugese Pioneers of Vietnamese Linguistics, trang 27.
[08] Théreul viết Tựa trong tự điển của Taberd được tái bản tại nhà in Ninh Phú năm 1877.
[09] Bài phỏng vấn Nguyễn Văn Vĩnh của báo Tin Văn số 1 ra ngày 28 tháng 07, 1935.
[10] Nguyễn Văn Vĩnh làm trưởng ban giảng huấn Pháp văn cho Đông Kinh Nghĩa Thục, đề xướng môn thể thao, lập sân thể dục, mời chủ trường Lương Văn Can cùng ra lập Hội Dịch Thuật Bắc Kỳ (1907).
[11] Mạnh Tử nói: Đến như kẻ sĩ hào kiệt thì dù không có Văn Vương cũng dấy lên.
[12] Nguyễn Văn Vĩnh: Ai muốn khai hóa cho nước Nam tôi tưởng nên lo cho mấy đứa trẻ đó trước. Và nghĩ đến thế thì lại càng nên quý cái chữ quý hóa là chữ quốc ngữ, nay mai ta khéo cổ động thì chuyển được tới chốn lưng trâu mà lên cho đến chiếu cạp đình, cho đến nơi thư phòng người đi học, cho đến công đường ông quan, từ gốc mà lên cho đến ngọn, mới thực là cái duy tân chính sách. (Xét Tật Mình, Đông Dương Tạp Chí số 7).
[13] Nguyễn Văn Vĩnh viết trong bài Tựa của bộ Tam Quốc Chí do Phan Kế Bính dịch (1907).
[14] Dương Quảng Hán, Việt Nam Văn Sử Học Yếu, trang 191.
[15] Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Bộ QGGD, 1961, trang 113-141.
[16] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, trang 66-67.
[17] Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, trang 13-15.
[18] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn Hiện Đại, quyển 1, trang 36.
Trần Bích San
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét