Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Ngọt ngào dòng dân ca

Ngọt ngào dòng dân ca
Với quan niệm, giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê là giữ được cốt cách, tâm hồn của mỗi con người. Vì thế, những câu hát dân ca của ông sáng tác đẫm tính nhân văn và chan chứa hơi thở cuộc sống, khiến cho những ai đi xa thì nhớ và người ở lại thì thêm yêu, thêm quý mảnh đất quê mình…
Ông Cao Xuân Thưởng sinh ra và lớn lên ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa (Diễn Châu), nơi có dòng sông Bùng êm đềm đã từng đi vào nhạc, vào thơ, là cái nôi những câu hát phường vải mặn mà, sâu lắng. Bởi vậy, Cao Xuân Thưởng biết đến và  đam mê dân ca từ khi còn là cậu bé theo cha nghe hát phường vải tại đình làng Phượng Lịch. 
Ông Cao Xuân Thưởng tập dân ca cho 
các thành viên CLB Diễn Hoa tại đình Phượng Lịch.
Sáng tác dân ca không phải là thú giải trí tao nhã của người về hưu, mà đó là cả một quá trình lao động vất vả, nghiêm túc của Cao Xuân Thưởng. Ông dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm, nghiên cứu mảng văn hóa dân gian. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy ngoài những làn điệu cổ cần được giữ gìn, cần có những tác phẩm mới gần gũi hơn với cuộc sống hiện tại, để tạo nên sức sống mãnh liệt cho dân ca. Ông tâm sự: “Tôi viết không phụ thuộc theo bài cổ, nhưng không làm giảm chất dân ca mà cố gắng làm cho chất dân ca trong các làn điệu gần gũi hơn với đời sống hiện tại, tạo nên tính trào phúng, trào lộng để gây tiếng cười làm cho cuộc sống này vui tươi, đậm đà tình nghĩa, thông cảm với nhau hơn. Chính vì lẽ đó mà tôi viết các tác phẩm: Khúc ca đồng ruộng, Trên bến sông quê, Trẩy hội Đền Cuông… được nhiều người đón nhận.
Những bài dân ca, những hoạt cảnh vui do ông sáng tác đã đến tay những “nghệ sỹ” nông dân ở xã Diễn Hoa; ai cũng thích, cũng thuộc và những dịp hội làng đều mang ra biểu diễn. Những bài dân ca của Cao Xuân Thưởng thường là những mảnh đời trong cuộc sống của cộng đồng dân cư làng, xã, gần gũi, dễ đi vào lòng người. Lời ca giản dị, thuần khiết, đằm thắm, thường kể về công việc đồng áng, chuyện tình yêu lứa đôi, chuyện ăn ở cho phải đạo làm người, chuyện sống sao cho nên tình, nên nghĩa... hay những vui, buồn của người nông dân chân lấm, tay bùn,... mang đậm chất dân gian.
Người ta thích các sáng tác của Cao Xuân Thưởng bởi những câu hò ví von, hóm hỉnh, lối chơi chữ thâm thúy, vui tươi, hay sự tếu táo, trêu đùa đầy ẩn ý mà đậm nghĩa, đậm tình. Chị Cao Thị  Bích Lâm - người đã biểu diễn nhiều lần tác phẩm của Cao Xuân Thưởng chia sẻ: “Các tác phẩm của bác Thưởng để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc, hầu như chúng tôi thuộc lòng các làn điệu bác viết”. Các tác phẩm của Cao Xuân Thưởng được những người có chuyên môn đáng giá “là một sự tươi mới, độc đáo, làm cho dân ca hấp dẫn hơn và đến gần hơn với đời sống người dân”. Bà Trịnh Thị  Hồng Lựu – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn dân ca xứ Nghệ cho biết: “Qua các cuộc liên hoan dân ca xứ Nghệ cấp cụm và tỉnh, rất vui mừng thấy bác Thưởng có những tác phẩm rất chất lượng, có thể nói là chất lượng cao, có thể nâng lên tầm chuyên nghiệp. Từ những câu dân ca cổ và vốn văn học dân gian, bác đã cho ra đời các câu hát thấm đẫm hơi thở cuộc sống”. 
Tại Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ 2013, các tiết mục mà đoàn Diễn Châu tham gia đều là các tác phẩm do ông Cao Xuân Thưởng sáng tác. Đó là hoạt cảnh “O hàng bán rượu”, “Chuyện ngày Hè”, hát đối “Trên bến sông quê”, gây được “tiếng vang” tại liên hoan, được trao giải nhất toàn đoàn, được ban tổ chức liên hoan đưa đi lưu diễn. Riêng ông Cao Xuân Thưởng được trao giải tác giả xuất sắc. Hiện ông đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Sáng tác và tập luyện cho CLB dân ca xã, các trường học dường như chiếm hết thời gian của ông. Ông tâm sự: “Nếu vì đãi ngộ thì chắc không làm, bởi nhuận bút tác giả không đáng là bao”. Nhiều người gọi vui ông Thưởng là “nhạc sỹ dân ca”, ông trân trọng điều đó, bởi nó là thành quả của sự lao động miệt mài, sự ấp ủ của cả cuộc đời ông. Ông tham mưu cho Trung tâm Văn hóa huyện thành lập các CLB đàn hát dân ca ở cơ sở. Và ông là người trực tiếp hướng dẫn cách thức hoạt động, tổ chức các buổi tập, sáng tác những bài dân ca mới mang đặc trưng của địa phương cho các CLB. Nhờ đó, đến nay Diễn Châu đã thành lập được 8 CLB dân ca ví, dặm.
Đình làng Phượng Lịch – nơi ông từng đi nghe cha hát phường vải thì hôm nay cũng chính nơi này, ông đang miệt mài cho những buổi tập hát dân ca. Một sự kế thừa mà qua bao năm ấp ủ đến nay ông mới làm được. Những câu hát đưa ta về với hình ảnh mềm mại của dòng sông Bùng quê vào đêm trăng sáng, hình ảnh những cô thôn nữ làng Phượng Lịch (nói riêng) và các làng quê xứ Nghệ (nói chung) đang rộn ràng trong tiếng thoi đưa. Thấp thoáng trong đó còn có cả bóng dáng của những cô gái quê thời hiện đại – tươi mới, hồn nhiên mà đằm thắm ân tình. Ông tâm sự: “Tôi mong muốn, hát dân ca không chỉ là phong trào, mà đó phải là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân lao động. Hãy bắt đầu cho trẻ yêu dân ca, thì lớn lên các cháu mới có cái hồn của dân tộc. Tôi đề xuất với Phòng Giáo dục tạo điều kiện để tôi tham nói chuyện về dân ca, về ca trù và văn học địa phương tại các trường học. Truyền đam mê dân ca cho thế hệ trẻ, đó là cơ sở để dân ca tồn tại, phát triển lâu dài”.
Đã gần với cái tuổi “xưa nay hiếm” chắc hẳn ông Thưởng cũng phần nào yên tâm vì mình đã góp phần khơi được mạch nguồn dân ca xứ Nghệ cuộn chảy trong tâm hồn mỗi người dân...
Bài, ảnh: Mai Giang 
Nguồn Đài Diễn Châu
Theo http://www.baonghean.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...