Ẩn chứa đằng sau những câu hát
ví, dặm đằm sâu, tha thiết là một “cá tính Nghệ” đặc trưng. Trong đó, hình ảnh
người phụ nữ xứ Nghệ dịu dàng, đằm thắm, chân thật, nặng nghĩa tình được khắc
sâu, tạo nên nét riêng hiếm thấy. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với
Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu xung quanh vấn đề này...
- Trong kho tàng Dân ca xứ Nghệ, có rất nhiều
câu ca, ví như: “Đã thương thì thương cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho
luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui giỡn bóng khi buồn bỏ đi”... phải
chăng đó là tính cách của người con gái xứ Nghệ, thưa bà?
- Quả đúng như vậy! Những câu ca chân thật ấy
đã thể hiện một phần tính cách của người con gái xứ Nghệ, nó có một chút mộc mạc,
chất phác, cứng cỏi của vùng đất đầy nắng và gió, nhưng cũng rất đỗi đằm thắm,
thiết tha. Từ xa xưa, trong xã hội phong kiến, người phụ nữ xứ Nghệ dẫu không
được dùi mài kinh sử, nhưng rất tinh thông chữ nghĩa, dí dỏm và trọng nghĩa
khí. Thường trong những đêm trăng gió mát, khi việc đồng áng đã vãn, khung cửi
được dựng lên, đó cũng là lúc phường hát ví (ví phường vải), phường đan… xuất
hiện. Người phụ nữ suốt ngày lặn lội trên đồng, ngoài bãi, vất vả là thế nhưng
khi đến với cuộc hát, họ thực sự là những nghệ sỹ, nghệ nhân tài hoa, thông
minh và sắc sảo.
Cuộc hát không còn đơn thuần là giao duyên,
giải trí mà còn là cuộc đọ sức, khoe tài, đấu trí đầy kịch tính giữa bên nam và
bên nữ. Và bao giờ cũng vậy, người phụ nữ luôn là người chủ động ra câu đối trước,
kể cả những câu đối để tìm ý trung nhân cho mình.Ví như “Cây tam thất trồng ba
bảy chậu/ Pháo cửu trùng đốt nổ chín ngàn phong/ Chàng mà đối được thiếp theo
không chàng về”. Rồi đến khi họ lấy chồng, họ lại hát ru con bằng những câu ca
mộc mạc nhưng ẩn chứa những dặn dò, nhắn nhủ: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo
đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non
phải đền”… Với nghĩa vợ chồng, người con gái xứ Nghệ có thể vượt mọi chông gai:
“Nghe tin anh đau đầu chưa khá/ Em băng ngàn bẻ lá về xông/ Ước mần răng cho trọn
đạo vợ chồng/ Đổ mồ hôi em quạt, trộ gió lồng em che”...
NSND Hồng Lựu.
|
- Chính những hình ảnh đẹp này đã trở thành
chất liệu để Nhà hát dân ca xây dựng nên nhiều vở diễn thành công. Và bà là một
trong những nghệ sỹ được đánh giá là thể hiện thành công nhất các vai diễn về
hình ảnh người phụ nữ xứ Nghệ nổi tiếng như Bà Hoàng Thị Loan, đồng chí Nguyễn
Thị Minh Khai, cô Nghệ, bà Thanh…?
- Đúng là tôi luôn được các đạo diễn tin tưởng
giao đảm nhận những vai chính về người phụ nữ xứ Nghệ. Tôi coi đó là một niềm
vinh dự lớn lao. Từ bà mẹ nghèo áo nâu, cô gái sông Lam cất giọng chèo đò, hay
Nguyễn Thị Minh Khai khí tiết, bà Hoàng Thị Loan nhân hậu, giàu đức hy sinh,… tất
cả đều mang đậm chiều sâu tính cách. Khi hoá thân vào những vai diễn, tôi như sống
trọn với nhân vật. Và để lột tả được tính cách nhân vật, tôi phải nghiên cứu rất
nhiều, từ dáng đi, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, đến lời nói… Nhưng, theo tôi, điều
làm nên thành công cho những vai diễn, đó là tôi là người Nghệ, uống nước sông
Lam, mang trong mình tính cách, tâm hồn người phụ nữ xứ Nghệ: ẩn chứa trong cái
vẻ ngoài tưởng như khô khan ấy - là nội lực, là tình yêu thiết tha, sâu lắng,
là sự hy sinh thầm lặng...
- Bà đánh giá như thế nào về vai trò của người
phụ nữ xứ Nghệ trong truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ?
- Người phụ nữ là người đầu tiên cất lên tiếng
hát ru con bằng dân ca, và dân ca đã thấm đẫm tâm hồn, ảnh hưởng đến nhân cách
của đứa trẻ ngay từ thưở lọt lòng. Không nơi nào trên mảnh đất này có những lời
ru con bằng tiếng hát mộc mạc, đằm thắm như tâm sự, như nhắc nhở của những bà mẹ
xứ Nghệ. Nhiều danh nhân của xứ Nghệ cũng đã lớn lên từ câu ví ấy như Bác Hồ,
Phan Bội Châu, Đặng Thúc Hứa… Tiếp nối truyền thống ấy, ở các làng quê xứ Nghệ
hôm nay, nhiều nghệ nhân dân ca tuổi cao, sức yếu vẫn ngày đêm trăn trở, truyền
dạy cho con cháu, đó là cụ bà Nguyễn Thị Hai (năm nay 90 tuổi) ở Xuân Hòa- Nam
Đàn, cụ Trần Thị Hoa (73 tuổi) thành viên CLB dân ca Thị trấn Đô Lương… cho đến
những lớp trẻ như cô giáo Bích Thủy (ở Kim Liên, Nam Đàn) không chỉ mình cô yêu
dân ca mà tình yêu dân ca ấy còn truyền sang cả hai cậu con trai - cũng
là thành viên CLB dân ca của trường. Riêng tôi, tôi yêu dân ca bởi mỗi lời
trong đó ẩn chứa bao điều sâu sắc, là trí tuệ, tình cảm con người. Vì thế,
ngoài truyền dạy những câu hát dân ca, tôi còn muốn truyền lửa tình yêu dân ca
của mình đến với tất cả mọi người, với mong muốn là làm sao để cho mỗi người
dân xứ Nghệ đều hát được và hát hay những làn điệu dân ca quê mình. Để lớp trẻ
sẽ yêu, say và mê dân ca nhiều hơn nữa.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Video clip cuộc trao đổi giữa phóng viên
Báo
Nghệ An và NSND Hồng Lựu
Thanh Thủy (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét