Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Nhớ người trong cõi

Nhớ người trong cõi
(Trích các bài viết về Trịnh Công Sơn)

Thế Bảo: Sơn là một người rất nghệ sĩ, một nghệ sĩ lớn, ngoài khuôn khổ thông thường. Có cảm giác anh là một người thiên về thiền. Coi cuộc đời như một cõi tạm, nhưng ngay trong cõi tạm này, anh vẫn để lại một gia tài vô cùng lớn. Sống hết mình và tận tâm - đó là Sơn.
NAM DAO: Với ca khúc, Sơn đi từ hình thức lãng mạn sang siêu thực, mang mang chất Thiền để rồi cuối đời anh trở về với nỗi lòng anh một cách trực tiếp giản đơn, không chút phù phiếm chữ nghĩa. Sơn là người đầu tiên nói với tôi rằng cách phân chia động từ, tính từ, danh từ đều phần nào giả tạo. Anh cố ý đảo, chẳng hạn như “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh". Bình minh không còn là danh từ mà thành tính từ. Anh thường sử dụng tính mơ hồ của ngôn ngữ. Sơn cũng là người có những cách ghép ngôn từ hết sức bất ngờ.
Phạm Tiến Duật: Gần nửa thế kỷ sáng tác ca khúc, hành trình của Trịnh Công Sơn là hành trình của một trái tim yêu người, yêu giống nòi, luôn luôn tìm cách trả lời những câu hỏi không phải của khối óc mà là câu hỏi của chính trái tim anh đặt ra, trong đó, sự trăn trở giữa cái bản ngã và phi bản ngã là sự trăn trở thường trực... các nhà thơ từ Nam đến Bắc đều coi anh là thi sĩ.
Nguyên Duy: tôi lắng nghe, âm nhạc trịnh công sơn linh thiêng như tiếng gọi hồn, như sóng âm, như địa chấn, làm loạn nhịp tim tôi và làm loạn nhịp tim biết bao triệu người hâm mộ... cái âm nhạc dồi dào ma lực từng lay động tâm hồn nhiều thế hệ bất kể quốc gia và chủng tộc.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã nâng cao, nối dài, và vô hạn hóa cuộc đời hữu hạn của tác giả.
Phạm Kỳ Đăng: Trịnh Công Sơn đã tạo nên một chỉnh thể nhất phiến gắn quyện. Qua cách xử lý chất liệu thơ và âm, những bài hát Trịnh Công Sơn thành những hạt sống, lóng lánh bay đi không tàn sắc, không có các đốm chân hương, để người ăn theo so nùn rơm thổi lửa. Tức không tiền khoáng hậu . . . Nghệ thuật Trịnh Công Sơn ăm ắp (chứ không thuần túy phản ánh) thần thái thời đại, thế hệ, trong những giờ hân hoan bi thiết của dân tộc ông cả hai bên bờ vĩ tuyến...
Phan Hạng: Thật khó mà tưởng tượng rằng trong khu vườn âm nhạc Việt Nam muôn hình muôn sắc lại thiếu vắng một khoảng trưng bày âm nhạc Trịnh Công Sơn, vì rằng đã có quá nhiều Ca khúc - Thơ của Trịnh Công Sơn bén rễ trong hàng triệu trái tim mất rồi!
Người nghệ sĩ tài hoa rất mực ấy đã tạo được cho mình một quyền năng tối thượng: "Quyền năng sáng tạo" và anh đã trang trải nó cho khắp cùng nhân thế bằng sự hiến dâng, tự nguyện, hết mình. Một khối lượng tác phẩm âm nhạc đồ sộ được rút ra từ gan ruột như cảnh tình bi tráng của Tô Đông Pha? Nhưng vượt lên trên nghiệp dĩ đa đoan của nòi phong vận, ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân và sự minh triết đầy nội lực đã giúp Sơn biến những nốt trầm của số phận thành những nốt thăng đắt giá trong sự nghiệp âm nhạc đời mình.
VŨ THƯ HIÊN: Xét cho cùng Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta.
PHạM THị HOàI: Thế kỷ vừa rồi hiếm khi cho chúng ta một nghệ sĩ đặc biệt như thế.
Ông không phải là một trong những nhạc sĩ lỗi lạc nhất, song hầu như không ai khác từ lúc sinh thời đã để lại một ảnh hưởng rộng rãi như vậy với người làm nhạc và người nghe nhạc Việt Nam.
Ông không phải là mốt ca sĩ trứ danh, song ông đã được so với Bob Dylan, và đem lại cho danh hiệu kẻ du ca một ý nghĩa hiện đại. 
Ông không phải là một trong những nhà thơ sáng giá nhất, song cách ông đặt lời bài hát đã thành một trường phái và dựng nên một phong cách ngôn ngữ xứng đáng được ghi nhận trong lịch sử văn học Việt Nam.
Ông không phải là một trong những chiến sĩ của hòa bình, tự do và nhân phẩm kiên cường nhất, song với đông đảo bạn hữu và quần chúng, ông đã tượng trưng cho những giá trị ấy, hoặc là một hy vọng cho những giá trị ấy.
Ông không phải là một trong những nhân cách nghệ sĩ được nhất trí cho rằng lý tưởng nhất, song không chỉ một thế hệ đã tìm thấy, hoặc tưởng tìm thấy ở ông một lý tưởng nghệ thuật.
Và có lẽ ông cũng không phải là một người cùng thời dễ chịu nhất, song với hầu hết người thân thật, kẻ thân sơ cũng như ai không hề quen biết, ông được miêu tả là hiện thân của sự đáng yêu.
Ông là một hiện tượng, một biểu tượng, một thần tượng. Ông là một huyền thoại với tất cả may mắn và bi kịch mà xã hội Việt Nam thế kỉ vừa qua có thể đem lại cho những huyền thoại của mình.
Ông đơn giản là Trịnh Công Sơn.
NGUYỄN XUÂN HOÀNG: Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vượt qua "phản chiến" . Nó nhìn thấu suốt được kiếp nhân sinh. Nó không ngừng ở chỗ những lời tình tự giữa hai người nam và nữ. Âm nhạc Trịnh Công Sơn phát lên tín hiệu của những người cùng thế hệ với anh, thế hệ lớn lên trong một cuộc chiến nhưng đồng thời âm nhạc của anh không có tuổi. Nó vượt qua không gian và tôi nghĩ nó còn sống lâu với chúng ta, khi nào người ta còn tình yêu. Những ca từ như thơ trong âm nhạc anh trở thành tiếng kêu của kiếp người. Thượng đế của nó, nếu muốn gọi như thế, đó là con người.
Người ta không ngạc nhiên khi nghiệm ra ca từ trong các khúc tình ca của anh đẹp đẽ mà rời rạc, chữ này không dính chữ kia, câu này không dính câu nọ, ý trên rất xa ý dưới, mông lung và mơ hồ. Xin đừng đi tìm sợi xích thuận lý trong ca từ của anh. Hãy thưởng thức âm nhạc Trịnh Công Sơn trong một tổng thể. Ở mỗi ca khúc của anh, người ta cảm nhận một tuyên ngôn. Ở mỗi ca từ là một tiếng kêu ngạc nhiên bất ngờ trên mặt đất.
Trịnh Công Sơn là một thi sĩ.
NGUYỄN TRỌNG HUẤN: Sơn là một số phận đặc biệt như là một sự lựa chọn của tiền định. Sơn hiểu đến cùng thân phận của một kiếp người, bằng tài năng của mình diễn đạt cái đó một cách thông suốt, thấu đáo. Chính vì thế mà Sơn làm cho mọi người gần nhau hơn. Ca khúc của
Sơn giống như một thứ kinh, giải toả cho con người, để con người hiểu chính mình, để vượt qua số phận và sống một cách nhẹ nhàng hơn.
TUẤN HUY: Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn, là một triết gia đáng kể, là một thiên tài không thể chối cãi. Mỗi bài ca của Trịnh Công Sơn đều như một thông điệp rất súc tích, rất tốt đẹp gửi đến cuộc đời, gửi đến con người những điều chói lòa nhân bản về tình yêu, về cuộc sống, về tình người, về lòng nhân ái rạng ngời cao cả. Và trọn cả một đời, Trịnh Công Sơn đã nói thay cho chúng ta những âu lo, những vò xé, những thao thức, những băn khoăn, những đớn đau, những tiếc nuối, những tủi hận, những ngỡ ngàng và cả những chán chường, và cả những hoài nghi, và cả những mê đắm... về thân phận con người, về chiến tranh nhân loại, về tình yêu thương gắn bó, về sự tan nát chia xa... Trịnh Công Sơn trọn vẹn là một tấm lòng, một trái tim, một tâm hồn rực rỡ Việt Nam.
TỪ HUY: Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến một tấm lòng, một thiên tài, một con người cao cả và nhân bản. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến một kho tàng ca khúc, ca khúc của tư tưởng, thân phận con người, tình yêu và nhân ái. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến rượu và bạn bè. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến quê hương đời đời bất diệt. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến tất cả những gì gần gũi nhất của mọi con người biết yêu âm nhạc. Bởi vì trong ca khúc của Trịnh Công Sơn có sự hiện diện của bất cứ con người hân hoan và bất hạnh nào.
Nói đến Trịnh Công Sơn cũng là nói đến cái vô hạn và hữu hạn trong cuộc đời vô thường này. Tôi quý trọng anh Sơn - tôi chiêm ngưỡng anh Sơn bằng tất cả tấm lòng có trong con người nghệ sĩ của tôi.
KIKUMI KAKAMURA: Nhạc của anh Sơn đôi khi tôi không hiểu hết lời, nhưng thấy quyến rũ và nhẹ nhõm. Khi nào giận trong người nghe nhạc Trịnh Công Sơn thấy mình hiền hoà trở lại. Anh Sơn là một người nổi tiếng, nhưng lại rất bình dân. Ở Nhật, khó gặp được một người nổi tiếng như vậy lắm.
KHÁNH LY: Từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân. Tôi đã sống cùng tên tuổi của ông gần 40 năm, với những lời ông dặn bảo: Phải luôn luôn sống giữa đời với một tấm lòng và sống với người bằng sự tử tế. Ông Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi.
PHÓ ĐỨC PHƯƠNG: Trong thế kỷ đầy biến động gian truân của lịch sử nước ta, ở một miền giông bão nào đó xuất hiện một gương mặt và đã trở thành gương mặt của thế kỷ. Đó là Trịnh Công Sơn. Sơn là một nghệ sĩ đã để lại cho đất nước, cho công chúng những tác phẩm chứa chan tình yêu thương con người, đồng loại. Âm nhạc của anh ấn tượng và siêu thực. Tình yêu của anh rộng lớn đến độ đôi khi, nó thoát khỏi những cái cụ thể, mang đôi chút ảo giác. Có lẽ, phải lựa chọn phương thức ấy, Sơn mới biểu đạt hết nỗi niềm riêng của mình. Nhạc của Sơn rất gần, giản dị nhưng lại xa vời vợi. Nhiều người ngưỡng vọng, yêu mến tài năng này luôn cố gắng làm điều gì đó để được như anh nhưng họ không thể bắt chước được cái “thần” của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Lữ QUỳNH: Trịnh Công Sơn trầm mình trong suy tư về các cõi tạm của đời người. Ai cũng phải một lần chào vĩnh viễn nhân gian. Nhưng giã từ cách nào đây. Quỹ thời gian còn ít, nên phải liệu mà chi tiêu hợp lý. Từ đó những bài hát của anh là lời tỏ tình với cuộc sống, lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một nỗi niềm nuối tiếc khôn nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà anh đã một thời sẻ chia những buồn vui cùng mọi người... Ca khúc của anh gắn liền với cảm xúc và máu thịt. Bằng tâm hồn rất nhạy cảm, anh ghi nhận từng rung động để rồi dùng thứ ngôn từ phù thủy của mình viết ra."
CHU SƠN: Trịnh Công Sơn đã chiếm lấy nỗi đau làm báu vật và đồng thời làm vũ khí của riêng mình. Lập tức Trịnh Công Sơn hóa thân làm nỗi đau. Và nước mắt chuyển hóa thành năng lượng, thành sức mạnh khiến người nghệ sĩ thể hiện một cách bi thiết và mỹ lệ trong thế giới bát nháo tà bay này.
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Ở Việt Nam thế kỷ XX, có hàng vạn người sáng tác ca khúc, nhưng có 3 người không ai là không biết, đấy là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Trong 3 người đó, Trịnh Công Sơn là người ít tuổi nhất và nhạc phẩm của anh xuất hiện sau đến vài chục năm, nhưng hơn 500 bài hát của anh được người đời say đắm đến cuồng nhiệt đã tạo ra một hiện tượng lạ lùng trong âm nhạc Việt thế kỷ XX. Anh thực sự là ông
Hoàng của tình ca Việt Nam, nhưng cũng là một nhạc sĩ “phản chiến", một nhạc sĩ của khát vọng hòa bình với cả trăm bài hát trong các tập Kinh Việt Nam  Ca khúc da vàng.
Ca từ của anh không chỉ giàu chất thơ như người ta thường nói, mà đấy là những bài thơ thật sự, những bài thơ thấm đẫm triết lý về cuộc sống, về tình yêu, về sự sinh ra và trở về Cát Bụi của phận người ngắn ngủi.
THANH THẢO: Ma lực của nhạc Trịnh Công Sơn, không hẳn ở lời cũng không hẳn ở nhạc. Đó là hình thức hát thơ rất gần gũi với cảm nhận của người Việt... người nghe chỉ biết nghe, và cảm và bị hút, và..: bị nghiện.
HOÀNG BÌNH THI: Nỗi đam mê tình yêu lứa đôi không thay thế được những điều lớn lao ở nhạc Trịnh Công Sơn, đó là nỗi đam mê nhận thức đời sống, đeo đuổi cho đến cùng câu hỏi nghiệt ngã nhất "ta là ai?". Như một đời sống thứ hai đầy cám dỗ, âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã khải thị những giá trị thực của đời người. Nó chống lại sự sáo mòn, băng hoại. Không dồn đuổi con người ta tới một nhịp sống gấp gáp, cũng không làm con người buông xuôi trước số phận mà là nhìn nhận một cách chân xác chỗ đứng đúng nghĩa của con người.
Có lẽ tình yêu và nỗi đau phận người là những giá trị lớn nhất mà Trịnh Công Sơn để lại. Đó là một gia tài đồ sộ đến mức thử giả định nếu không có Trịnh Công Sơn, nếu không có âm nhạc của ông, đời sống của chúng ta sẽ nghèo nàn và thảm hại đến nhường nào.
NGUYỄN VĂN THỌ: Nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không đúng với thứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe. Nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn hòa bình, đạo lý.
ĐẶNG TIẾN: Đi vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, Trịnh Công Sơn đã dần dần xây dựng một nhạc ngữ mới phá vỡ những khuôn sáo của nền âm nhạc cải cách, thành hình chỉ hai mươi năm về trước. Trịnh Công Sơn có tài đặt nhạc, soạn lời, lại biết bắt mạch thời đại sống đúng thế hệ của mình, trong lòng đất nước, trong nhạc cảnh thế giới. Ngần ấy cái tài dồn lại gọi là thiên tài, cũng không quá đáng.
PHẠM TUYÊN: Trong lĩnh vực ca khúc, lời ca có một vị trí hết sức quan trọng và về mặt này Trịnh Công Sơn thực sự là một nhà thơ. Lời ca anh không dễ dãi tùy tiện, mà luôn luôn ẩn sâu một triết lý về cuộc đời và điều đáng nói là anh đã tìm được những giai điệu phù hợp, dung dị, không cầu kỳ, kiểu cách để thể hiện nội dung đó. Đối với người sáng tác, có được một phong cách riêng là một điều phải phấn đấu. Trịnh Công Sơn không chủ tâm tạo cho mình một sự khác biệt lập dị, nhưng bằng tình cảm chân thành của mình, anh đã có được một phong cách rất riêng được sự mến mộ của đông đảo công chúng.
Sẽ còn có nhiều công trình nghiên cứu về hàng trăm ca khúc của anh với những sự đánh giá có thể khác nhau, nhưng phải khẳng định rằng sự nghiệp sáng tác của anh đã góp phần xứng đáng vào nền ca khúc Việt Nam hiện đại.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: Tình ca Trịnh Công Sơn là bài kinh cầu bên vực thẳm, lay động ý thức về thân phận ở bất cứ ai mê muội định tìm một chỗ ẩn trốn an toàn giữa cõi đời
Và như thế, tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là một bông hồng dâng tặng - nó chứa đựng tất cả tâm trạng lo âu của con người nhạy cảm nhìn ra thế giới hiện đại.
Nhưng khỏi phải e ngại rằng Trịnh Công Sơn định làm triết lý thay vì âm nhạc. Điều khiến cho tình ca Trịnh Công Sơn sống mãi trong lòng người chính là ở đây. Dù những trầm tư của tác giả đi xa đến đâu, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn là một cõi riêng dành cho tình yêu: nó làm tươi lại bông hoa đầu tiên mà con người đã hái, mang theo từ vườn địa đàng, đánh thức cả trời mộng mơ tưởng chừng đã quá xa trong đời người, để đưa những người tình đến ở một lâu đài cổ xưa trong rừng, êm đềm, giản dị mà cao sang lạ thường.
Sưu tầm và biên soạn:
Nguyễn Trọng Tạo - Nguyễn Thụy Kha - Đoàn Tử Hiến
Theo http://vnthuquan.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...