Thế giới như tôi thấy
Tiểu luận này được Einstein viết tại Berlin năm 1930 khi ông 51 tuổi.
Năm 1931, nó được dịch ra tiếng Anh và in trong tập thứ 13 của bộ sách Living
Philosophiers, NXB New York, Mỹ...
Lạ thường biết bao loài hữu tử chúng ta! Mỗi chúng ta đã ghé
thăm nơi đây trong một kiếp ngắn ngủi; cho một mục đích ta không hay biết, dù
đôi khi ta nghĩ là ta cảm nhận được nó. Nhưng khi nhìn từ cuộc sống đời thường,
mà không đi sâu hơn, lẽ tồn tại của chúng ta nằm ở những người anh em – trước
hết là những người mà ta đặt niềm vui của mình vào nụ cười và hạnh phúc của kẻ
đó, kế đến là những người không quen nhưng vận mệnh của họ đã nối với ta bằng
mối dây đồng cảm. Hàng trăm lần mỗi ngày tôi tự nhắc mình rằng cuộc sống bên
trong và bên ngoài của tôi đều nhờ vào công sức lao động của những người khác,
dù họ còn sống hay đã chết, và tôi phải tận hiến chính mình để trao đi đúng mức
tôi đã nhận và đang nhận. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và có những lúc thấy
dằn vặt bởi cảm giác mình đang chiếm giữ một lượng dư thừa công sức lao động
của những người anh em. Với tôi, sự khác biệt đẳng cấp là bất công và luôn phải
dựa trên cường quyền. Đồng thời tôi cũng cho rằng một lối sống giản dị là tốt
cho tất cả mọi người, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tôi không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mọi
người hành xử không chỉ dưới sức ép ngoại lực mà còn phải thuận theo những nhu
cầu nội tại. Câu nói của Schopenhauer, “một người có thể làm như anh ta muốn,
nhưng không thể cứ muốn “muốn” là được” (a man can do as he will, but not will
as he will) đã luôn là nguồn cảm hứng của tôi từ thời trẻ, nó cũng là sự an ủi
vô hạn và dòng suối bất tận của lòng kiên nhẫn, để từ đó đối mặt với những thử
thách của cuộc đời, của tôi, và của những người khác. Cảm xúc này đã nhân từ
xoa dịu đi ý thức trách nhiệm, vốn rất dễ khiến ta tê liệt; nó giúp ta không
quá khắt khe với chính mình và người khác; nó đưa ta đến một góc nhìn cuộc sống
mà tại đó, trên tất cả, sự hài hước có vị trí xứng đáng của nó.
Từ góc nhìn khách quan, việc truy nguyên ý nghĩa hay mục tiêu
tồn tại của ai đó cụ thể hay của sự sáng tạo nói chung khá vô nghĩa đối với
tôi. Thế nhưng mỗi người đều có những lý tưởng riêng để định hướng những nỗ lực
và phán xét của mình. Và như thế, tôi chưa bao giờ tìm kiếm sự thỏa mãn và êm
ấm như là điểm đến cuối cùng – một nền tảng luân lý mà tôi cho rằng hợp với một
đàn lợn hơn. Những lý tưởng đã thắp sáng lối đi của tôi, và ngày qua ngày trao
cho tôi can đảm để đối mặt với cuộc sống một cách hân hoan, chính là Chân,
Thiện, Mỹ. Nếu không có cảm thức về sự đồng điệu với những người cùng chí
hướng, không có sự đau đáu về cái khách quan, cái mãi mãi cao vời trong nghệ
thuật và khoa học, cuộc sống với tôi sẽ trở nên trống rỗng. Với tôi, những mục
đích tầm thường mà người đời theo đuổi – của cải, sự thành đạt, sự xa hoa –
luôn là những điều đáng khinh bỉ.
Ý thức nhiệt thành của tôi dành cho lẽ công bằng và trách nhiệm
xã hội luôn đối nghịch một cách cố hữu với việc tôi không có nhu cầu kết nối
trực tiếp với các cá nhân hay cộng đồng người. Với trọn trái tim, tôi đích thực
là một kẻ sống thu mình, kẻ chưa bao giờ thuộc về đất nước, mái nhà, bạn bè,
hay thậm chí gia đình tôi. Trong sự ràng buộc với những mối quan hệ này, tôi
chưa bao giờ đánh mất cảm giác cố hữu về sự tách biệt và nhu cầu cần được cô
độc – cảm giác này tăng dần theo tuổi tác. Ta có thể ý thức một cách sâu sắc,
mà không hề hối tiếc, về những giới hạn trong tương giao và đồng cảm với người
khác. Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên vô tư, nhưng
bù lại, anh ta luôn độc lập trước các quan điểm, thói quen, và sự phán xét của
người khác, và không để mình bị chao đảo trên cái nền không lấy gì làm vững
chắc đó.
Lí tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Hãy để mỗi người
được tôn trọng như một cá nhân và không ai được thần tượng hóa. Số phận quả là
trớ trêu khi chính tôi lại là đối tượng nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và
trọng thị từ những người anh em, dù tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm chi nên
tội. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự khát khao bất thành của nhiều người trong
việc thấu hiểu vài ba ý tưởng mà tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng
chút sức mọn của mình qua nỗ lực không ngừng nghỉ. Thực ra tôi cũng biết rằng,
để đạt được một mục đích tập thể nào đó, nhất thiết phải có ai đó đứng ra nghĩ,
tổ chức và chịu trách nhiệm chung. Nhưng sự lãnh đạo không thể là bắt buộc,
người ta phải có quyền chọn cho mình người cầm lái. Một hệ thống chuyên quyền
bằng áp bức, theo tôi, sẽ sớm thoái hóa. Vì bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp
kém về đạo đức, và tôi tin vào một quy luật bất biến rằng những gã bạo chúa
thiên tài rồi sẽ được nối ngôi bởi những tên vô lại. Đó là lí do vì sao tôi
quyết liệt chống lại những hệ thống như ta đang thấy ở Ý hay Nga hiện nay. Cái
làm cho hình thức dân chủ hiện hành của Châu Âu mất tín nhiệm không nằm ở bản
thân lý tưởng dân chủ, mà ở sự thiếu ổn định của bộ phận lãnh đạo cao cấp và
tính phi nhân của hệ thống bầu cử. Về mặt này tôi cho rằng Hợp chủng quốc Hoa
Kỳ đã tìm ra lối đi đúng đắn: họ có một tổng thống có trách nhiệm, được bầu cho
một thời gian đủ dài và có đủ quyền lực đủ để thực sự đảm nhận được trọng
trách. Mặt khác, điều tôi đánh giá cao trong hệ thống chính trị của chúng ta là
phúc lợi rộng rãi dành cho các cá nhân trong trường hợp đau ốm hay khó khăn.
Giá trị thật sự trong hoạt động sống của loài người với tôi chẳng phải ở các
nhà nước hay quốc gia, mà nằm ở các cá thể sáng tạo, hữu tri, là các nhân cách;
chỉ cá nhân mới có thể tạo ra những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy
đàn tự nó vẫn mãi tù đọng trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.
Nhân đây tôi muốn đề cập đến quái thai kinh tởm nhất của bản
tính bầy đàn: hệ thống quân sự. Chỉ cần kẻ nào cảm thấy thích thú khi đứng vào
đoàn duyệt binh theo tiếng quân nhạc là đủ để tôi coi khinh hắn rồi. Anh ta
được trời phú nhầm cho bộ não lớn, bởi với anh ta, chỉ cần cột xương sống thôi
là đã quá đủ. Bệnh dịch này của nền văn minh cần bị loại trừ càng sớm càng tốt.
Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, và những tấn trò hề
vô nghĩa lý nhân danh lòng ái quốc: tôi kinh tởm chúng làm sao! Chiến tranh với
tôi là một thứ xấu xa đáng khinh bỉ: tôi thà bị băm vằm ra muôn mảnh còn hơn dự
phần vào tấn trò khốn nạn đó. Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại, và tôi
tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của
dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường
học và báo chí, làm cho bại hoại. Điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải
nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật
và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng tự vấn hay
kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, chết như một cây nến tàn. Trải nghiệm
cái bí ẩn - dù có pha trộn cảm giác sợ hãi – đã sinh ra tôn giáo. Biết về sự
hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện của lý trí sâu
thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, tức về những cái chỉ có thể đến với tâm trí
chúng ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biếtvà cái cảm này làm
nên tính tín ngưỡng đích thực; theo nghĩa đó và chỉ theo nghĩa đó, tôi thuộc về
những người có tín ngưỡng sâu xa. Còn một thượng đế theo nghĩa là kẻ ban phát
phần thưởng và trừng phạt những tạo vật do chính mình tạo ra, kẻ gần như có một
ý chí như người trần thế chúng ta, thì tôi không thể nào hình dung ra được. Tôi
không muốn và cũng không thể tưởng tượng ra những cá nhân sống lâu hơn cái chết
thể xác; mặc cho những tâm hồn yếu đuối, vì sợ hãi hay vị kỉ lố bịch, tìm đến
những suy nghĩ như vậy. Với tôi, sự huyền nhiệm trong tính vĩnh cửu của sự
sống, cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như
nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng
trong cõi tạo hóa này, đã là đủ rồi.
Albert Einstein
Nguồn: Bản dịch từ Zagvillage.org
Theo: http://chungta.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét