Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Tiếng hát và người dưng

Tiếng hát và người dưng 
Ở cái xóm vắng cuối làng, Thu Trà như một đoá hoa rực rỡ trong khóm lá. Nhiều chàng trai khao khát cô gái có lúm đồng tiền quyến rũ, đôi mắt lúng liếng như hai giọt sương và giọng hát mê mệt lòng người. Có chàng thốt ra miệng: Nếu được Thu Trà, anh sẽ nâng niu suốt đời! 
Đoàn nghệ thuật dân ca Nhà Văn hoá tỉnh về xã phục vụ. Sân đình rạo rực tiếng trống, tiếng đàn sáo ngân nga. Thu Trà tranh thủ tạt qua nhà. Vừa thắp xong nén hương cho dượng Tân thì đột ngột Vận xông vào, khoá chặt cửa. Giờ này không có ai ở nhà để kêu cứu. Bên ngoài, chiều đã tắt nắng. Đôi cánh tay gã rắn đanh như hai cái gọng cua bể nghiến lấy thân Trà. Trà thét lên:
- Không! Anh buông tôi ra! Không được làm nhỡ buổi biểu diễn!
- Chẳng biểu diễn nào bằng biểu diễn này! Cô là của tôi, phải làm tròn bổn phận. Bao năm nay, tôi khổ vì cô, khổ vì tiếng hát ma quái. Cô hát tôi nghe tại căn nhà này đã. Hát đi. Chiều tôi đi! Nằm xuống. Tôi sẽ thả!... Trà cào cấu chống cự. Mồ hôi vã nhợt nhạt son phấn. Đét, đét. Gã thẳng tay tát tới tấp. Trà hoa mắt, lảo đảo. Gã lột Trà loã thể. Như một tảng đá, gã đổ xuống, đè lên, đay đi đay lại như vò nhúm lá chuối. Chao ôi! Trên người Trà là tấm chồng thân yêu thuở nào ư? Vậy mà giờ đây lại xa lạ và ghê tởm! Bao năm nay Trà đã quá tê dại nỗi đau đớn đến tuyệt vọng này. Lúc tỉnh dậy, nghe tiếng gà xao xác gáy đâu đây. Đời nghệ sĩ của mình tan nát đến thế này sao?
Ở cái xóm vắng cuối làng, Thu Trà như một đoá hoa rực rỡ trong khóm lá. Nhiều chàng trai khao khát cô gái có lúm đồng tiền quyến rũ, đôi mắt lúng liếng như hai giọt sương và giọng hát mê mệt lòng người. Có chàng thốt ra miệng: Nếu được Thu Trà, anh sẽ nâng niu suốt đời! Một hôm trên công trường đắp đê, Thu Trà đang hát say sưa. Bỗng một thanh niên quần áo, chân tay dính bết đất, nhưng gương mặt khá điển trai, đến gần. Anh dúi vào túi xách của Trà một đùm cơm nắm: -Cô hát hay lắm! Nghe hát đã đủ no, quên cả mệt nhọc. Suất của tôi đấy. Không đói. Cô ăn đi để lấy sức! 
Ngày ấy thời chống Mỹ, hợp tác xã làm công tính điểm, đời sống rất khó khăn. Đi hát ròng rã hàng tháng trời, đến cuối vụ Trà được chia hơn tạ thóc. Cũng là “ưu tiên cánh văn nghệ” lắm rồi. Có kỳ giáp hạt phải nấu cháo, luộc rổ rau muống cầm hơi. Vậy mà vẫn hát. Hát để “át tiếng bom”, để quên cái đói. Thanh niên nam nữ đi dân công được phát mỗi người một đùm “cơm thật” bọc trong lá ráy. Cơm nắm xắt ra chấm muối vừng, xong tu bát nước chè vối, dẻo dai vác đất cả ngày. Chàng trai vẫn ngấm ngầm để phần cho Trà nắm cơm của mình. Một miếng khi đói bằng một gói khi no! Trà quay miệng loa về phía chàng đang hăng hái dưới hố đất như tặng tiếng hát cho riêng chàng. Cứ thế ngày này qua ngày khác, nắm cơm và tiếng hát giao thoa tiếp nguồn cảm hứng cho nhau. Những ý tứ chớm nở trong ánh mắt. Và một chiều về muộn, Vận xách hộ Trà chiếc loa. Chàng nói huyên thuyên nhiều chuyện trên trời dưới đất. Hình như chàng cố ý lần khân cho độ đường dài ra. Đến chỗ khuất sau vườn bạch đàn thì màn đêm sập xuống. Chờ có vậy, Vận luống cuống ngỏ lời: -Anh yêu em! Lòng anh chết vì tiếng hát của em! Trà nhận lời đi! Anh sẽ yêu em suốt đời!... Bất ngờ quá! Chưa kịp định tâm, nghĩ ngợi. Trà run rẩy trong vòng tay chàng. Rõ cả nhịp tim hai người cùng đập. Mùa hạ này Trà mười tám. Nhiều chàng trai chỉ khen Trà thoảng qua. Đã có ai nói lời hệ trọng với Trà như thế đâu? Anh yêu em! Cuộc đời bỗng mới quá, tươi đẹp quá! Hồi hộp quá! Trà lâng lâng trong cõi mộng, nhẹ nhàng như cánh diều gặp gió. Trà nằm gọn trong vòng tay Vận. Ghì riết và cháy bỏng, muốn vỡ con tim. Ra sao thì ra. Trên vạt cỏ, trời đất bỗng mê man. Có tiếng chim gáy gù bổi hổi mé bờ ruộng. Uống từng lời nói, từng tiếng chim như uống từng giọt mật vào lòng, Trà nhìn Vận đắm đuối:
- Anh có cho em đi hát tự do như con chim mùa gặt kia không?
- Nhà anh có thuyền chã ván. Anh ra biển làm nhiều tiền cho em đi hát đến đầu bạc răng long!...
- Thật hở anh?...
Ở vùng quê biển này, vợ chồng trẻ có con thuyền chã ván là yên tâm lập nghiệp. Chồng ra khơi, đổi mồ hôi cho biển. Biển lại nuôi vỗ sức vóc dẻo dai, tráng kiện. Vợ ở nhà chỉ việc sinh đẻ, cầm cữ, nuôi con. Kỳ nước kém, nàng thiếu phụ bồng con ra ngõ đón chàng ngư phủ đem bọc tiền bán cá tôm về. Cuộc sống thật ấm êm. Trà sẽ có điều kiện để hát. Không phải vướng bận, sấp ngửa vào đồng tiền bát gạo...
Con gái nhớn nhao có người hỏi cưới xin, bà mẹ đỡ mối lo về bông hoa nở trong vườn trước mùa mưa gió. Nhưng bà lại buồn về nỗi mình quạnh vắng. Số bà vất vả. Thuở xuân sắc đã rơi vào đơn chiếc. Đó là cái thời làng quê còn bóng tối kiểm toả của địch. Người đàn ông và người đàn bà cùng hoạt động trong một tổ Việt Minh. Một hôm, họ nằm trong một căn hầm bí mật chật hẹp như chiếc hòm cái đựng thóc dưới lòng đất. Làn tóc rối ngai ngái, mùi mồ hôi chua nồng toát từ cơ thể nóng rực của cô liên lạc làm người đàn ông ngây ngất. Chợt anh ta ôm chầm lấy cô, vật ra nền hầm ẩm ướt mà hổn hển: “Kháng chiến thành công, tôi sẽ cưới Nhanh. Nhanh tin tôi đi...” Tiếng giày đinh lạo xạo trên đầu. Hai người nín thở, ép chặt vào nhau, nghe rõ từng mạch máu di chuyển bừng bừng...

Nhanh thấy trong người nôn nao khác lạ. Vòm ngực bắt đầu thở dồn dập. Đôi mắt trong mảnh gương con chuyển màu trắng dã. Bát cơm gạo chiêm đỏ độn khoai khô mọi bữa vốc ăn ngọt như chuối mà tự dưng bữa nay nhìn phát sợ. Lúc có chửa thói ăn dở của đàn bà thật kỳ lạ. Một hôm đi chợ, Nhanh gặp một bà cụ bê chiếc thúng có quả mít bổ tư đi qua. Mùi mít chín thơm nức khiến Nhanh quay ngoắt lại. Cô xoàng tay cướp luôn một miếng, ngồi thụp xuống, móc lấy móc để những múi vàng sọng va vào mồm, nghiến ngấu. Cứ thế nuốt. Nuốt đến đâu biết đến đấy, thấm ngay vào máu ruột. Bà cụ bê thúng giằng lại miếng mít, chỉ còn xơ:
- Đồ quỉ háu ăn? Tiền đâu mà cướp sống cướp sít của người ta?... Nhanh rướn cổ nuốt bằng hết cái mùi thơm ngọt, đến nỗi trợn cả mắt lên, mãi lâu mới ấp úng:
- Cháu... cháu sẽ... trả... tiền bà!...
Nửa đêm. Tan cuộc họp, gặp nhau ở sau miếu Bà Chúa, Nhanh bảo Cảnh:
- Bắt đền đấy! Có mang rồi!
- Thật không? Trán Cảnh lấm tấm mồ hôi. Nhanh cầm tay Cảnh ấn vào ổ bụng nóng hổi:
- Đây! Nhìn, cũng biết người ta chứ? 
Cảnh lại xiết chặt Nhanh, ngã xuống vạt cỏ... Dạo này, bọn tề nguỵ càn rất ráo riết. Chúng lùng sục khắp nơi trong các xóm. Nhiều hầm bí mật bị khui lên. Thỉnh thoảng dưới những bờ tre lại bùng tiếng lựu đạn nổ ùng ục, tiếng súng liên thanh quét chát chúa. Mấy ngày liền Nhanh không thấy mặt Cảnh đâu. Có tin Cảnh bị bắt, không chịu nổi đòn, đã quay lưng làm chỉ điểm cho giặc! Hầm ông Chỉnh hôm qua bị phá. Do chính Cảnh dẫn đường. Giặc bắt được một nữ đảng viên, tra tấn rất dã man. Chúng khoét bầu vú chị rồi đóng hòm trôi sông... Bụng Nhanh đau thót tưởng chính mình bị cắt. Mắt tối sầm. Người chơi vơi trong màn đêm đặc quánh. Nhục nhã quá! Cảnh hèn hạ đến thế ư? Đã mấy lần chạm mặt Cảnh, Nhanh đuổi theo định hỏi cho ra nhẽ. Thoáng cái, Cảnh đã lủi vào hẻm ngõ nhanh hơn con cuốc lủi vào bờ tre. Tránh gặp Nhanh, nhưng Cảnh cũng không dám chỉ điểm Nhanh là liên lạc. Hình như anh ta cũng sợ một điều gì đó về giọt máu của mình? 
Thế rồi sau đêm đưa cán bộ vượt sông về cơ sở, vừa leo qua vạ đê đến chỗ cây na dại um tùm thì bất ngờ Nhanh trở dạ. Không có ai đỡ hộ. Nhanh rùng mình. Chỉ nghe phía dưới cảm giác tụt nhót một cục nút trút khỏi miệng chai. Con gái! Vừa ra, con bé đã cất tiếng khóc khác lạ. Trong veo, ngân và khoẻ như tiếng gió đánh qua vỉa đá mỏng trên dãy núi đá ngoài cửa sông. Mặt nó dính lem luốc bụi đất. Chị cắt rốn và bọc nó vào chiếc áo cũ. Gió bỗng nổi đưa cơn giông đằng xa lại. Sấm chớp đùng đùng, loé sáng. Nhanh dứt vội búi cỏ năn gói dúm rau chôn cạnh gốc cây, rồi ôm con rảo một mạch về làng. Nhanh cắn răng chịu tiếng chửa hoang. Thất thường, bữa đói bữa no. Lắm đêm đi làm nhiệm vụ, phải nhờ người ẵm trông con. Bầu vú đầy căng, nhức nhối muốn vỡ. Nhớ con quá, đứng trên bờ sông, Nhanh vắt những giọt sữa trắng đục xuống dòng, khẽ gọi: “Sông ơi! Hãy chảy những giọt sữa này về làng cho đứa con gái yêu quí của ta. Nó không có bố. Nó phải xa mẹ! Sữa đầy mà con phải khát!” Những giọt thơm ứa long tong trên mặt nước. Như linh cảm với mẹ với sông, ở nhà, con bé thật hiền, chỉ ọ ẹ, không khóc ngằn ngặt như những đứa trẻ khác. Nó bú rình. Nó ăn cơm nhai. Nụ cười toe toét, xinh xắn. Nước da trắng mịn và thơm như múi mít vừa bóc. Nghe chuyện Nhanh ăn dở, láng giềng liền gọi nó là cái Mít, dễ nhớ dễ thương...
Cải cách ruộng đất, Cảnh bị đưa ra sân đình đấu tố và bị kết tội Việt gian ác bá, tù chung thân. Nhanh bế cái Mít đứng đối diện. Cảnh cúi gằm, không dám nhìn đứa con gái mũm mĩm đang bi bô trên tay người đàn bà. Nhanh buông cái nhìn khinh miệt: Rõ đồ hèn nhát! Đang đường quang lại đâm quàng bụi rậm!...
Mỗi lần Mít hỏi bố, mẹ bảo bố đi làm xa lắm, tận rừng xanh núi đỏ, không biết lối về! Ngày Mít lên bẩy, có một người đàn ông cao lớn khoác chiếc ba lô cũ thủng lỗ chỗ đứng ngoài sân. Mẹ ra đón. Mít thấy nét mặt mẹ nở ngời, rạng rỡ. Mẹ âu yếm bảo Mít: -Bố đã về! Con chào bố đi! Ông khách tươi cười cầm tay Mít kéo vào lòng: -Chào con! Bác là ba của con đây! Ba ở bộ đội về!... Lớn lên Mít mới hiểu hai người biết nhau trong những ngày mẹ đi họp cốt cán trên huyện. Quê ông ở rất xa tận vùng đồng bằng sông nước Nam Bộ. Ông là chiến sĩ Điện Biên trở về, công tác ở cơ quan Quản lý đường sông. Ông coi Mít như con đẻ, chắt chiu từng đồng lương nuôi Mít ăn học. Mít tự hào với bọn trẻ: Bố tớ làm cán bộ huyện hẳn hoi nhé! Thằng Hải con nhà Giang Hằng lại lếu láo bảo: Bố mày là lão Ký Cảnh phản động đi tù, đằng xóm Ba Động kia kìa! Mít tức lắm, chửi nhau với nó một hơi. Mẹ ôm Mít an ủi: - Chúng nó nói bậy. Chớ nghe bọn phải gió. Con chỉ có ba Tân thôi! Ba Tân mới là bố tốt trên đời của con!

Từ khi làm bạn với dượng, mẹ không sinh được bận nào. Mít là niềm vui của hai người. Những ngày học ở trường làng, Mít đã sớm hát hay múa dẻo. Mẹ thường dắt Mít đi nghe hát các giá đồng ở các cửa đền, cửa phủ; xem hát đúm hát chèo ở các hội làng; rồi đi nghe hò đối đáp trên sông nước. Hễ có tiếng trống chèo từ sân đình vọng lên là cô bé líu ríu bắt mẹ dẫn đi. Mít hát theo, nhớ từng lời từng khúc. Mít tự khâu một quyển sổ bằng bàn tay để chép bài hát. Mẹ mừng, nhưng mẹ lại lo: Con gái hát hay sau này dễ đào hoa bạc phận. Hoa thơm thường lắm hờn ghen! Đời sẽ khổ! Nhưng tiếng hát thơ ngây của Mít vẫn vô tư ngân nga trong căn nhà nhỏ, dưới tán cây vườn. Bất biết ngày mai ra sao. Con chim có phận phải hót tiếng của nó. Mít sinh ra để hát cho mẹ vợi nỗi cô đơn, nhọc nhằn, cho xóm quê hẻo lánh đỡ buồn tẻ. Mẹ cũng thấy đêm nào con bé không hát, cái xóm này như chìm đắm dưới đồng sâu!
Phổng phao, háo hức tuổi trăng tròn, Mít càng xinh đẹp, càng hát hay. Dượng Tân tạo điều kiện cho Mít vào đội văn nghệ xã. Ông đặt một cái tên mới cho Mít là Thu Trà: “Nay mai ba cho con đi học vào văn công, kẻo uổng hoài tiếng hót sơn ca!” Từ đó, Thu Trà theo các liền anh liền chị đi hát trên các công trường thuỷ lợi đào sông, đắp đê, đi biểu diễn trong các kỳ hội thi văn nghệ của huyện. Trong làng chỗ nào có tiếng hát là người ta lắng nghe: - Ai như tiếng cái Mít con bà Nhanh ông Tân? - Không phải! Vừa nghe giới thiệu bài hát do Thu Trà trình bày. Hay cô ca sĩ Thu Trà nào đó trên huyện, trên tỉnh mới về? - Đấy, lại ngâm thơ nữa. Trăm phần trăm tiếng cái Mít!...
Ngày Trà lấy chồng, đám cưới tổ chức thật vui. Bạn văn nghệ hát thâu đêm chúc mừng hạnh phúc vợ chồng trẻ bằng những bài tình ca, những làn điệu chèo, quan họ và cả những câu hò biển quê hương. Vầng trăng tròn đã la đà ngọn tre, Trà cùng chồng tiễn bạn ra ngõ: - Yên tâm! Tớ vẫn hát như ngày nào!
Tuần trăng mật chảy nhanh. Tiếng hát ai đó ngân nga ngoài đầu xóm. Cái Ngân, cái Hoà... giọng cứng quá! Sai bét cả phách nhịp! Rạo rực và thèm khát, Trà hát một mình trong bếp cho bõ nhớ. Hôm đại hội Đảng bộ xã, đội văn nghệ phục vụ, nhưng thiếu diễn viên. Cái Ngân, cái Hoà rủ anh Bài đánh liều đến xin Vận cho Trà tham gia: - Trà ơi! Ai cũng nhắc không biết dạo này mày thế nào, liệu còn nhớ lời ca câu hát?... Vận cau mặt, lưỡng lự, cuối cùng cũng gật đầu cho Trà đi. Vận ra tận nơi đứng ở cửa sau chờ vợ. Nửa nở mày nở mặt với chúng bạn vì có vợ đẹp hát hay. Nửa lại lo lắng kẻ khác bờm xơm, tán tỉnh. Nhiều lần sau đó, Vận tìm cách chối vái: - Thông cảm! Cô ấy đang bụng mang dạ chửa...
Thu Trà vẫn tìm cách đi hát. Cô liên tục được huyện chọn đi các Liên hoan, Hội diễn văn nghệ của tỉnh. Lần nào cũng được huy chương vàng. Tiếng hát dân ca độc đáo của cô ngân vang khắp nơi. Ông đạo diễn ở đoàn chèo Trung ương về làm giám khảo nhận xét: Diễn viên Thu Trà có chất giọng dân ca rất riêng, không lẫn với ai. Nó trong trẻo như suối reo, nhưng lại pha chất đằm thắm, da diết cồn cào vào nỗi nhớ. Nó như tiếng chim ca lúc trầm đục trên đồng nội, lúc cao vút lên vòm trời... Ông ngỏ ý: - Bác muốn tuyển cháu về đoàn học thành diễn viên chuyên nghiệp? Trà mừng lắm. Nhưng khi làm lý lịch, có người trong uỷ ban xã tố giác: - Con bé này là con đẻ của Ký Cảnh trước đây phản bội cách mạng. Vào văn công phải là gia đình trong sạch! Dân mình không thể nghe con thằng phản động nó hát!... Một buổi tối, Vận đem dăm cặp cá nướng đến nhà ông phó chủ tịch xã: - Xin các chú đừng ký lý lịch cho vợ cháu. Hạnh phúc gia đình cháu tuỳ thuộc vào ngòi bút các chú!... Vận nghĩ: “Rồi, cứ cho ra biển kéo chã là đứt đuôi nòng nọc!”
Trời sang thu. Nắng vàng hoe. Tiếng chim gáy gù xa xa trên cánh đồng. Trà ngồi à ơi ru con ngủ. Khúc hát lan nhẹ vào không gian thanh vắng. Bèo dạt mây trôi... Anh ơi em vẫn đợi... vẫn chờ...
- Chết đói rã họng đến nơi. Ngồi đấy mà chờ! Trà giật mình quay lại. Vận đi biển về đã đứng ngoài hiên từ cơ nào.
- Bài hát nó thế, chứ còn đợi ai, chờ ai ngoài anh!
- Chả biết thật không? Hay vắng trăng thì đã có sao. Tôi còn lạ gì văn nghệ văn nghẽo các cô! Làng nước họ kháo đầy ra là cô đi đàn đúm, lăng nhăng!
- Sao lại có ai nỡ gắp lửa bỏ tay người?...
-Không có lửa sao có khói?
Một hôm Vận dấm dẳn:
- Thầy u giao cho con thuyền chã. Người ở dạo này lại khó thuê. Làm ăn có vợ có chồng mới nổi cơ đồ. Con ăn cơm hột được rồi, gửi ông bà ngoại. Cô đi thử một chuyến biển xem sao!
- Thân gái liễu yếu đào tơ còn nuôi con mọn. Em kéo sao nổi dây chã?
- Bụng đói đầu gối phải bò. Rồi sẽ quen tất! Cô chả thường hát Ngày đầu chưa quen đường cày đâu thẳng ngay là gì?

Thời gian này, ruộng đồng khô nẻ, cấy đứng gặt ngồi. Chợ cũng không bói ra gạo mà đong. Trà đành lẽo đẽo xách tay nải quần áo đi sau Vận vác đồ lưới chài ra bến. Neo nhổ. Buồm căng. Con thuyền chòng chành. Trà chòng chành. Bước chân thập thõm. Ông bố chồng đã ngồi sẵn cuối thuyền cầm lái nói chậm rãi: -Đầu non con nước, thầy đi để kèm chúng bay đang cơ ăn cơ ngủ! Vận giật dây lèo. Nét mặt hơn hớn. Miệng cười khó hiểu: “Vậy là lùa được con chim sáo vào lồng!” Trà ngồi khép nép trong khoang. Khoé mắt ướt nhoè. Đầu óc mang máng như bát cháo loãng, sóng sánh muốn đổ. Đời sông nước bắt đầu từ đây ư?
Những chuyến kéo lưới thâu đêm trên biển Cô Tô, lênh đênh ra tận đèn Long Châu... Sóng chồm như mái đình. Con thuyền vặn vẹo, nghiêng ngả trồi lên, hẫng xuống. Trà nôn thốc nôn tháo, tưởng lôi cả ruột gan ra ngoài. Biển chuyển mùa. Nắng đổ vênh vao sạp gỗ. Gió thốc phừng phừng xé vạt áo. Những cơn giông ào tới muốn nuốt chửng con thuyền. Mưa táp từng lằn roi vào mặt. Chiếc chã nặng trịch. Hai cái bóng nối nhau, lầm lụi. Bốn cánh tay xúm vào vừa kéo vừa giũ như con sâu đo từng đoạn dây, đoạn lưới. Nước mắt Trà nhoà lẫn nước mưa.
- Cầm chắc. Sải tay cho rộng. Lôi dứt khoát nhịp một thật nhanh, thế này này! Vận quát vào tai Trà: -Kéo mà ăn cũng rỏ cả nước đái. Chỉ ưa nằm ngửa với hát thôi à?
- Thì anh cũng phải để tôi từ từ chứ!
- Lại còn cãi! Từ từ cho mà hốc lưới!...
Trà tưởng hụt hơi. Bàn tay trắng mềm nhơm nhớp muối, hằn rộp vết dây xoắn, đỏ tấy, rát bỏng. Quệt nước mắt, chợt hiểu ra đây là thế giới của Vận, cô đành cắn chặt môi... Nghề biển, đời người tồn tại trên mặt sóng. Mọi hoạt động đều diễn ra trên mấy mét vuông. Nước ngọt phải dè xẻn từng ngụm. Khốn nạn nhất là khoản vệ sinh. Buồn trút “nỗi buồn”... Trà phải nói thầm vào tai chồng. Vận vô tư: -Cứ tụt ra, xệp vào be thuyền tống xuống biển là xong béng! Có gì đâu mà xấu hổ! Lột truồng ra ai mà không thế? Trà đưa mắt về phía ông bố đằng cuối lái. Ông đang rít thuốc lào, lơ mơ nhả những sợi khói mỏng vào không gian. Trà đành cố nhịn chờ đến tối có bóng đêm hộ giúp. Tay vịn chắc dây chằng cột buồm, Trà cố ngót, xón từng ít một khỏi gây tiếng động. Mỗi tiếng “tõm” là một cái giật mình. Nhiều lúc ban ngày, bụng dưới tức muốn vỡ, Trà phải bảo Vận lấy chiếu quây lại để làm xong cái phận sự không nhường được cho ai! Có nỗi khổ nào hơn? Chả lẽ lại nhịn ăn nhịn uống để ép xác? Cơm sốt cá tươi. Vận vâm vấp như con cá mập. Đêm nào Vận cũng luồn áo Trà sờ nắn, lúc vật nhẹ, lúc đè nghiến trong khoang. Tấm ván xô nghiêng cót két. Chiếc màn ám mùi cá lùng nhùng, vướng víu. Bụi muối đọng lam láp khắp da thịt. Cảm giác hưng phấn của tuổi xuân chín, tươi đẫm đầy ắp thế bỗng như nhạt nhoà, tan loãng. Như con cá ươn, Trà xuôi tay để mặc Vận vần vò, làm gì thì làm. Bữa ăn, mặt Trà đỏ tửng, vu vơ nhìn ra xa. Lên chợ bán cá, Trà bịt khăn kín mít chỉ hở hai con mắt. Sợ bất ngờ gặp phải bạn bè. Những tối trăng lên, trời biển giao hoà đẹp như bức phông sân khấu. Thèm hát quá. Trà ra đầu thuyền ngồi hát một điệu chèo cho đỡ nhớ. Duyên phận nay phải chiều... này ai ơi... Đôi chúng ta thời duyên phận nay phải chiều... Tiếng hát như dải lụa mềm thấm nước trôi mênh mang trên mặt sóng xẫm màu. Vận bâng quơ:
- Thuyền theo lái, gái theo chồng. Có chiều thì mới có con... Vẽ chuyện. Chẳng cần ca xướng, cụ kỵ, ông bà, bố mẹ tôi vẫn con đàn cháu đống!... Hát hò cho lắm, một mống không thành...
- Buồn thì hát mà anh cũng cấm ư?
- Đàn bà con gái chớ ngồi lên mũi. Đừng hát léo nhéo con ơi! Ma biển nó theo xúi lắm! Khó làm ăn! Về nhà tha hồ í a... Ông bố đằng lái gằn từng tiếng, không gắt, nhưng nghe lạnh gáy tóc.
Trà đếm từng tuần trăng, mong mỏi từng kỳ nước kém. Kỳ này qua kỳ khác. Con thuyền cứ neo vào màu biển biếc vô tư.
- Nhớ con, nhớ nhà lắm! Anh cho tôi về mấy hôm! Trà bùi ngùi xin chồng.
- Thế mới biết thằng đàn ông khoẻ chịu, chọi đầu, chọi sức với sóng gió. Chẳng nhớ chi hết. Cô tìm thuyền mà tự về!
- Quá thể! Sao anh nỡ xử tệ với tôi? Chưa cưới, anh bảo tôi thế nào?
- Yêu thì thằng chó nào chẳng nói hươu nói vượn. Chả riêng thằng này!
Trà khóc rấm rức. Ông bố gằn giọng đằng sau lái:
- Thôi! Anh cho chị ấy về! Tại anh chứ tại ai! Chã phang cơm ngang trèo vạng bụng. Thích đẹp thích hay vào. Mài cái đẹp ra mà ăn!...
Trà nuốt nước mắt mặn chát rớt đầu môi:
- Sao thầy lại nói con thế?
- Chả dám! Tôi chỉ dạy con tôi!...
Sau chuyến đó, gặp dịp hợp tác xã chia ruộng khoán, Trà ở nhà nhận ruộng cấy lúa, trồng rau. ép vợ ra biển không được, Vận bỏ thuyền mặc ông bố phải mướn người ở. Ông kêu giời: “Bè vó trôi sông rồi con ơi!”... Sợ mất Trà, Vận sắm xe ôm chạy khách. Ba bảy hai mốt, không cạnh tranh nổi, lại bán xe, xuống tàu vận tải. Xuống tàu chán, lại nhảy lên bờ đạp xích lô chở hàng. Miễn sao hàng ngày nhìn thấy nàng, kìm giữ được chân nàng! Giận Trà đến cực độ, nhưng vắng bóng Trà là Vận lại cuống cuồng. Không hiểu vì sao càng hát hay nó lại càng đẹp ra? Kiếp sau, thà cứ lấy “Thị Nở” cho yên bụng!...
Trà vẫn khôn nguôi nhớ bạn, nhớ tiếng hát, nhớ cái sân khấu ngoài sân kho gió thổi phần phật dải cánh gà. Tiếng trống sôi bung bung. Dàn nhạc tấu lên. Làn dân ca mượt mà quấn quyện, xao xuyến xóm quê. Tiếng vỗ tay rầm rập toả lan như sóng bên tai... Trà trở lại đội văn nghệ. Tiếng hát quen thuộc lại cất lên. Tiếng hát như chảy ra từ trái tim, phảng phất hờn tủi và trách móc. Mềm mỏng, nhẫn nhịn thuyết phục Vận nhiều lần không được, Trà bất chấp mọi ngăn cản, kìm giữ để đi theo tiếng hát. Nhiều đêm Vận bí mật đằng sau, lúc rình bụi rậm, lúc đứng đầu đường ngó nghiêng, dò xét nghe Trà hát. Tiếng hát như tiếng chuông ngân, lại như tiếng rú rít của phù thuỷ âm âm trong đầu Vận. Trò văn nghệ làm sao tránh khỏi những cái cầm tay, những ánh mắt cười, những lời tán róc và cả những cái ôm hôn của kẻ hâm mộ lên tặng hoa? Máu ghen sùng sục, Vận lôi Trà xềnh xệch về nhà: -Thằng Hải nó cầm tay mà để nguyên à? Đàn bà chồng con bề bề, không đi đâu hết! Phải nghĩ đến tề gia nội trợ vì chồng vì con chứ!...
- Cầm tay chứ có ăn thịt đâu mà anh sợ? Không nghĩ mà em lại thu xếp mọi việc gọn gàng, mới đi đấy thôi!...
- Khuya khoắt, ai biết ma ăn cỗ! Lại còn nhiều lần đi xa biền biệt mấy đêm liền. Thân gái hớ hênh. Tối đến... ở nhà nằm trơ... ai chịu được? Vận túm áo Trà kéo vào buồng. Trà nhắm mắt, lấy áo che mặt. Mặc Vận giày vò. Chiều chồng cho qua chuyện, Trà lẳng lặng búi tóc bước ra ngoài. Tiếng hát lại tiếp tục như không có gì xảy ra... Hạnh phúc như chiếc sân gạch lát vội, mỗi ngày rạn vỡ thêm một mảng. Từ nhỏ nhẻ, hờn mát, cố nén đến xẵng giọng, rồi to tiếng, vợ chồng xô xát, ném bát, quăng mâm. Trà chạy về nhà. Thương con gái, bà mẹ can: “Thôi, vuốt giận làm lành. Bỏ hát đi con ạ! Cốt phục dịch chồng con đã!”
- Không! Con không thể bỏ dở. Tiếng hát không có tội tình gì. Xin mẹ đừng phiền lòng. Đây là việc riêng của chúng con...
Đêm ấy, Trà đi biểu diễn về. Đến một đoạn đường vắng. Bỗng hai bóng người đen trũi xông ra cản lối, dằn Trà xuống. Đứa bịt miệng, đứa bịt mắt Trà. Cô hoảng hốt hét lên. May có tốp dân quân đi tuần nghe tiếng người kêu cứu, ập tới. Bọn côn đồ bỏ chạy. Người Trà không còn một mảnh vải. Không biết thanh minh thế nào, chui vào đâu cho hết ê chề... Mãi sau này, Trà mới biết đấy là mưu mô của Vận. Anh ta mượn tay bọn thanh niên càn quấy định làm nhục để ngăn cản và làm mất danh dự của Trà, khiến Trà không còn đường đi hát. Đến thế là cùng! Nỗi chán chường càng khoét sâu. Trà càng ghê tởm cái bộ mặt điển trai, trẻ măng đã một thời bỏ bùa mê. Ra ngoài nhập vào bạn bè, nhập vào lời ca điệu múa, Trà khuây đi những nỗi niềm. Về nhà, buồn tủi ở đâu lại ngự trị dằn vặt và day dứt. Trà ngủ riêng, nằm ôm chặt lấy con. Vận lén vào mang theo mùi chua lợm nồng nặc. Trà không chịu nổi: -Chẳng còn mặt mũi nào nữa đâu! Khi chưa được thì nâng bằng rá, lúc được rồi nỡ đá bằng chân! Vận lùi ra hậm hực. Trà cố hồi lại cảm xúc buổi ban đầu mà sao khó quá. Những gì đằm thắm, cuồng nhiệt lặn đâu mất. Chỉ còn sự ơ hờ lạnh nhạt xâm chiếm tâm hồn. Trà hối hận về những ngày lửa rơm, về mối tình sét đánh. Chao ôi! Giá dạo ấy mình đi học được theo ý tưởng của ba Tân và ông đạo diễn! 
Trong một hội nghị của huyện, ông chủ tịch tỉnh đến dự. Nghe tiếng hát và biết tài năng, hoàn cảnh của Trà, ông đã giúp đỡ đưa Trà về công tác tại Nhà văn hoá tỉnh. Làng Trà ở vùng ven ngoại vi, nên hàng ngày Trà vào thành phố làm việc khá thuận lợi. Cô có điều kiện học thêm để nâng cao nghiệp vụ và trau chuốt tiếng hát. Còn Vận thì nói mát với bọn trẻ: - Từ nay mẹ chúng bay là “người nhà nước”, đừng có trêu vào! - Người nào thì cũng phải tay làm hàm nhai. Anh cũng tìm việc hoặc ra sông tiếp tục bám nghề đi chứ! -Gớm thật, cô đuổi tôi à? Đi khỏi để cho cô...
Từ đó, Vận lỳ lợm xoay ra rượu chè, cờ bạc tối ngày. Đêm nào cũng gần sáng Vận mới về vét cơm, lè nhè đá thúng đụng nia. Có đêm, Vận còn mang gái về nhà dưới ngủ, dụng ý trêu ngươi. Một cuộc sống ly thân hình thành giữa hai người. Một cuộc chiến thầm lặng giữa ghen tuông, hằn học với tiếng hát và lòng tự ái, tự trọng bị tổn thương! Hai cách sống đối lập: Một người nước lọ cơm niêu, xách mé, đa nghi và bất cần. Một người lo toan, sắp đặt, đam mê hết mình đuổi theo sự nghiệp trót đa mang. Giữa họ là một khoảng trống khó lấp. Nhưng, chính cuộc chiến ấy đẩy sự đeo bám của Vận chắc hơn, thì cũng đẩy tài năng của Trà phát tiết, nở rộ hơn. Thu Trà được nhận danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”.
- Con Nụ lấy chồng, anh tính sao? Một lần Trà hỏi. Vận vênh vểnh mỉa mai:
- Hự... Giết ai ra tiền? Đi hát, bán trôn lấy bạc. Tưởng cô giỏi giang thì tự lo lấy? Đã lâu, tới hơn chục năm đấy nhẩy? Thằng này không có ai gọi bằng chồng! Bây giờ cần tiền mới được trả ngôi đây!...
- Không ngờ anh ngày càng quá quắt! Nói vậy mà được ư? ừ thì bán trôn để nuôi con anh đấy! Nhưng ít ra anh cũng phải thực hiện trách nhiệm của người bố đối với những đứa con! Anh chỉ biết đẻ mà không biết nuôi, không biết chúng sống bằng gì? Chỉ vì ghen ghét tiếng hát, anh tìm cách giết danh dự tôi chưa đủ, còn định bỏ những đứa con chết mòn trong đói khát, thất học sao? Hai chục năm nay anh đã đưa mẹ con tôi xu nào? Đã mua cho các con anh mấy đồng quà? Đến nước này, tôi nói trắng phớ cho anh hiểu: Vợ chồng gì cũng phải hiểu luật đời có đi có lại. Ông mất của kia bà chìa của nọ. Tình, tiền đi đôi. Hũ mẻ cũng phải thả cơm nguội nó mới cho men chua! Trà trút một hơi cho hả nỗi u uất nén chặt bấy lâu...
- Cô cứ bỏ tiếng hát là mọi sự sẽ đâu vào đấy! Vận văng cụt.
- Không bao giờ!
Chỉ còn một khoảng chiều muộn nữa thôi! Trà đành nén chịu, đành ngậm ngùi cảnh tồn tại hai cái bóng “có như không”. Lối ngõ vẫn đơn côi. Họ như hai kẻ quay lại vạch xuất phát ban đầu: hai “người dưng” đúng nghĩa! Hai người dưng đi qua cuộc đời nhau và bây giờ hàng ngày đi qua mặt nhau. Đến hôm nay, Trà đã đánh đổi nửa cuộc đời, phải mất nhiều thứ quá. Đau khổ sẽ còn nữa. Nhưng, Trà có thể mất đi những thứ đó, chứ không thể mất tiếng hát. Tiếng hát không thể tắt trong lòng! Có lẽ trời bắt tội Trà sinh ra trên cõi đời phải mắc vào nghiệp chướng này? Dẫu kiếp đàn bà mười hai bến nước. Dẫu tiếng hát năm chìm bảy nổi chín lênh đênh. Chẳng ai bảo cả. Nhưng Trà cứ lội ngược dòng sông đời người để vớt tiếng hát, để giữ cho được cái vốn dân ca tưởng trôi đắm theo đáy sâu. Tiếng hát sẽ mãi còn như tiếng chim về trên cánh đồng mùa gặt hái.
Ngôi nhà cũ, Trà dỡ ra xây lại. Thỉnh thoảng, Trà nhận được một bức thư chuyển tiền qua bưu điện. Lần một triệu, lần hai triệu... Người gửi tên rất lạ: Nguyễn Văn Hối, xã... huyện... Đây là huyện miền núi của một tỉnh phía bắc! Kèm vài dòng ngắn ngủi: Ta vẫn nghe tiếng hát của con trên truyền hình. Giỏi lắm! Ta cho con chút quà nhỏ. Mong đừng để mẹ biết... Trà vô cùng ngạc nhiên.
Thật trớ trêu, hôm Trà đang sắm vai nàng Thị Kính trong trích đoạn chèo Quan Âm Thị Kính thì... Trong phòng hoá trang sau sân khấu, Vận say ngà ngật ở đâu đi tới, mặt đỏ gay, nhăn nhở:
- Này! Bà nghệ sĩ! Chúng nó gọi điện lắm quá, tôi điên tiết đập chiếc điện thoại đi rồi. Tôi đến báo tin mới nhất đây! Bố đẻ cô, ông Ký Cảnh... chết rồi! Người ta cho người về tìm, chờ cô đến nhìn mặt lần cuối rồi mới liệm! Ai biết được mẹ cô vạ vật, ăn hầm ở bụi để... giờ lắm bố lắm cha?...
- Trời ơi! Sao anh nhẫn tâm làm vậy? Sao số kiếp lại hành hạ tôi đến thế này? Trà choáng váng, bủn rủn. Định mệnh “kép Tư Bền” lại vận đúng vào mình ư? Vừa đau đớn, căm tức Vận vừa bất ngờ, khó xử, ruột gan Trà rối như tơ vò. Dù sao ông ấy cũng là... Nếu không có cái thời khắc dưới căn hầm bí mật hồi đó thì làm sao có tiếng hát của cái Mít, của nghệ sĩ Thu Trà hôm nay? Chẳng qua cũng chỉ vì thời thế mà ông phải bỏ đứa con. Hồi bấy giờ mênh mông bể khổ, đâu dễ ai cũng sáng láng, phân định rạch ròi.
Lại nói về ông Ký Cảnh. Sau khi mãn hạn tù do quá trình cải tạo tốt, ông ta lên một huyện miền núi làm một trang trại trồng vải và chăn nuôi gia cầm gia súc. Thấy chiều hướng khá giả, ông chuyển luôn vợ con lên đó lập nghiệp. Cuối đời, con người ta thường ân hận, nuối tiếc, muốn vớt vát những gì đã qua. Ông từng nhắn tin bà Nhanh xin nhận lại đứa con gái. Nhưng bà Nhanh sắt đá bảo Trà: “Tình nghĩa gì nữa? Ông ấy chỉ là người dưng nước lã! Coi như mẹ kiếm được con giữa trời giữa bể”...
Trà để cả trang phục chạy ra ngoài gọi xe ôm. Vượt chặng đường rừng gập ghềnh, tưởng đứt hơi, chị đã đến được nhà ông Ký Cảnh. Chị hớt hải len vào đám đông. Người ta vội mở tờ giấy phủ mặt ông Cảnh. Lần đầu tiên trong đời, Trà biết mặt người đàn ông sinh hạ ra mình! Anh con trai trưởng của ông Cảnh xúc động cầm tay Trà:
- Thầy vẫn nghe chị hát trên ti vi. Mấy ngày nay hấp hối, thầy khóc và luôn nhắc về chị... và còn một khoản tiền nhỏ chưa kịp gửi cho chị...
- Cha ơi!... Trà chỉ kêu được có thế và sụp xuống...
Tháng 10-2008
Dương Phượng Toại 
Nguồn Trích trong NGƯỜI ĐÀN BÀ CỌP VỒ 
Tập truyện ngắn - NXB Văn Học 2008
Theo http://chieulang.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...