Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Từ khi trăng là nguyệt

Từ khi trăng là nguyệt
Có trăng là có tình thương, có tình bạn, có tuổi thơ. Trái đất vòng tròn, tròn lại còn to, to quá nên mỗi lần muốn đến thăm anh em đi lai gặp muôn trùng khó khăn.
Trăng hạ tuần đẹp và xinh không thua gì trăng trung tuần. Càng về khuya ánh trăng càng tỏ ru hồn người thành thị vào giấc ngủ sâu trong sự vắng lặng của máy móc và dòng người hối hả ngược xuôi giữa những con đường to nhỏ. Vẫn theo quy củ nếp sống thiền môn, tôi khởi sự ngày  mới vào lúc bốn giờ khuya bằng một thời kinh cầu nguyện sau đó lặng lẽ đi tản bộ một mình trên sân thượng để hít thở không khí trong  lành của buổi ban mai.
Sáng nay khác hẳn với mọi khi là tôi không làm gì cả ngoài việc nấu nước, thắp ngọn bạch lạp của Viễn Du tặng hôm trước rồi pha bình trà ngồi thưởng thức thả hồn phiêu cùng sương gió se lạnh thuở mùa đông. Bên ngoài trời trong và sáng, sao mai lung linh đang ngự giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh để ánh trăng tà cằn cỗi rọi qua ô cửa sổ mang theo luồng không khí lạnh quyện vào phòng làm lòng người lữ khách cô độc cảm thấy ấm cúng hơn bao giờ hết. Kể cũng khá lâu rồi tôi chưa có dịp tìm lại nguồn cảm hứng để ngắm trăng, cho nên thường hay hững hờ trước trăng. Trăng đẹp đó, trăng chiếu sáng hiên cửa đó cớ sao ta lại làm ngơ!? Phải chăng thói quen sống một mình và lười đi ra ngoài nên đã vô tình gieo cớ quên trăng? không, xin đừng bao giờ  quên trăng, đừng phụ rẫy trăng, vì trăng là người bạn tri kỷ từ lúc ấu thơ đến bây giờ luôn có mặt đúng hẹn với  ta. Làm sao ta có thể quên trăng kia chứ!
Ngồi đối diện với chén trà, trầm ngâm nhìn sâu vào tách nước vừa mới pha ra, làn nước vàng nhạt hổ phách, hơi khói mong manh quyện tỏa ru hồn tôi tìm về miền ký ức hoang dại chốn rừng xanh, nơi tôi và những người bạn thân đã có những tháng ngày sống êm ả, sống thật chân tình, sống hết mình thì tôi thấy ánh trăng là thông điệp cửa ngỏ để nuôi dưỡng đưa anh em xích lại gần nhau, hiểu thương và bao dung hơn.
Vẫn không thể quên được một buổi sáng làm biếng bình an cách đây chừng sáu năm giữa núi rừng nguyên sơ cô tịch xứ Bảo Lộc, lúc màn đêm còn đang ngự trị và tôi đang nằm co mình ấm áp với giấc ngủ mộng say thì có tiếng  vừa gọi vừa gõ nhẹ  vào bàn tay rất khẽ: "Dậy, dậy, dậy mau! Đi uống trà đi! Ngoài trời trăng đẹp lắm!" Tiếng nói háo hức vọng ra từ người bạn thân.
Tôi liền mở mắt với hai mí còn lờ đờ ngó lên.
- Ồ, Thầy Khiết Phong à! Trời còn sớm, tí nữa hẳn đi.
Sớm cái gì nữa mà sớm năm giờ kém rồi, tui có mang theo trà lá đây. Dậy đi, đi thưởng thức cuộc sống thôi.
- Chà, chu đáo thế! Đợi tui súc miệng rửa mặt rồi đi nhé!
Bên ngoài trời sương lạnh nên cả hai anh em tôi ngoài việc mặc áo ấm ra còn khoác thêm tấm y cho đỡ lạnh vả lại cũng rất tiện…
Đứng trên lầu ba của tăng xá nhìn xuống đồi núi xa xa hướng trăng ngả một màu trắng xóa rộng lớn lộ rõ lượn vòng quanh như dòng suối chảy thật ảo ảnh huyền diệu, đó chính là màu trắng tinh khôi hoa cà phê. Sáng nay hoa đã nở, màu nhiệm linh thiêng quá thôi! Tôi khen Khiết Phong là có con mắt thẩm mỹ biết chọn ngày giờ. Nghiễm nhiên là anh em tôi sẽ đánh trận xuống suối, đi qua Lạc Đạo kiều rồi vào nhà thủy tạ ngồi nhâm nhi tách trà ấm mà ngắm trăng lẫn thưởng thức cả rừng hoa cà phê toát hương thơm ngát vừa mới chớm nở hồi khuya.
Ngôi nhà thủy tạ nhỏ gọn được làm bằng tranh, tre, gỗ theo lối kiến trúc nữa ta, nữa tộc chung quanh lại có treo mấy bức thư pháp vừa Tàu vừa Việt do tôi viết theo lối hành thư nên trong có vẻ dân dã bình dị mà cổ kính thâm u. Trăng đẹp sáng khắp hư không soi bóng xuống mặt hồ làm hoa súng nổi bật trong không gian yên tĩnh. Sông núi đã thơ mộng cảnh vật lại quyến rũ, thấy cảnh sinh tình tôi bèn đọc hai câu đối treo ở hong cửa nhà thủy tạ cho Khiết Phong nghe để tăng thêm cảm hứng giữa người và cảnh.
“Thanh phong hữu ý năng lưu khách
Minh nguyệt vô tâm tự chiếu nhân”.
Khiết Phong hỏi tôi câu đối này dịch sao cho hay?
Tôi nói cũng chả biết nữa vì không phải là người học Hán sâu, nhưng tạm dịch là:
Gió mát có ý lưu khách lại
Trăng sáng vô tình chiếu lên người.
Khiết Phong cười khoái khẩu vỗ tay vào đùi mà nói: "Hay, tui thích câu trăng sáng vô tình chiếu lên người” khi nào chú rảnh nhớ viết cho tui hai câu đối này nghe.
Tôi gật đầu đồng ý
- Bác cứ yên tâm viết không đẹp không nhận tiền, mà ở núi rừng mỗi tháng anh em có được năm mươi nghìn đồng không đủ để ăn bánh uống trà thì lấy đâu ra mà trả.
Hai anh em ngồi cười vui và tiếp tục uống trà đàm đạo tự nhiên mặc cho trăng, cho gió sương lạnh cứ vô tình chiếu lên người rồi tan biến dần lúc nào không hay.
Với tôi, đó là một trong nhiều ký ức nuôi dưỡng mình, làm cho đời sống mình đi đâu khi nào cũng biết cách tạo ra niềm hoan lạc riêng, không bao giờ để cho tâm hồn trở thành khô khan trơ trọi cô đơn và tuyệt vọng.
Trăng muôn đời trăng vẫn là trăng, xưa nay chỉ có một. Nhưng cách ngắm trăng của tôi ngày xưa và tôi ngày nay mỗi thời là một chặng thưởng thức khác nhau. Cho nên “từ khi trăng là nguyệt”* cũng chính bởi “Nguyệt là trăng”. Tôi đã nghĩ vậy rất xuyên suốt. Ngồi ngắm trăng là ngồi ngẫm lại sự tình anh em, ôn lại những niềm vui nỗi khổ quá khứ đã đi qua, ôn lại để thấy và làm mới lại nỗi lòng thầm kín của chính mình. 
Tự nhủ rằng, mình có quyền thờ ơ trăng nhưng không bao giờ được quên trăng. Vì quên trăng là quên biểu tượng chân lý giải thoát, quên trăng là quên tất cả…
Viễn Du có làm bài tứ tuyệt để ca ngợi trăng và anh em thế này:
“ Trăng có sáng giữa khung trời hội cũ
cho tình thương gửi đủ muôn phương
bên nhau ta có tình huynh đệ
đi mãi trên đường hiểu và thương”
Có trăng là có tình thương, có tình bạn, có tuổi thơ. Trái đất vòng tròn, tròn lại còn to, to quá nên mỗi lần muốn đến thăm anh em đi lai gặp muôn trùng khó khăn. Tuy vậy, không có cách này thì ta bày cách khác. Nếu ngồi ngắm trăng mà ngắm cho thật đàng hoàng sâu sắc và hết lòng thì tình thương muôn phương anh em đã in đậm trên ánh trăng. Mọi quốc độ đều có thể nhìn thấy trăng, thấy trăng tức là thấy anh em, thấy tình thương, thấy giải thoát, giải thoát là đỉnh điểm  tột cùng của  hạnh phúc.
Như thế, thời gian…bạch lạp lụi tàn, con tim tôi cũng hết bối rối, không ngạc nhiên hay e ngại nữa! vì, một sớm mùa đông chợt giật mình tỉnh giấc trăng đã hóa nguyệt trở về chốn chân nguyên. Mặt trăng hiện nguyệt vẫn sẽ cứ long lanh khắp cõi bụi hồng, tôi yên mình nhấp chung trà lạnh còn xót lại lẳng nhìn lá vàng rơi …rơi…
* Nguyệt ca - Trịnh Công Sơn
Mùa đông 2012
 Hồng Bối
Theo http://www.daophatngaynay.com/vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...