Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Văn thơ trữ tình

Văn thơ trữ tình
Văn thơ có tình mới hay, thiếu tình văn thơ trở nên khô khan, vô vị. Ý tưởng mới mẻ, xác đáng, văn thơ bóng bấy, rực rỡ mà thiếu tình vẫn không rung cảm được người đọc. Ta chỉ yêu những cây bút, những vần thơ gợi được nỗi vui, nỗi buồn của tâm hồn ta.
Văn thơ trữ tình, trước hết nó ôm ấp nội tâm của tác giả, nào những vui buồn, chán chường, khổ đau, thất vọng... mà trong các thứ tình, tình luyến ái giữa nam nữ được chọn làm đề tài nhiều hơn cả và đề tài nầy đã làm rung động không biết bao nhiêu trái tim của nhân loại. Văn tho trữ tình là khúc ngâm từ đáy lòng đang thổn thức mãnh liệt qua những ngòi bút mang nhiều tâm hồn lãng mạn. Thật vậy, văn thi sĩ vốn là những người mang tâm hồn đa sầu, đa cảm, đa tình, lãng mạn cho nên tình cảm của họ chứa chan, dạt dào, tâm hồn họ dễ rung động như dây tơ trên phím đàn. Họ vẫy nước mắt ra mài mực để viết lên những tiếng uất nghẹn từ đáy con tim mà mỗi chữ là một tiếng thở dài, mỗi câu là một dòng lệ (Cho tôi ép nốt dòng dư lệ. Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên. T.T.KH trong “Bài Thơ Thứ Nhất”).
Trong kho tàng thi ca hiện đại của ta cũng đã chứa rất nhiều thơ trữ tình, điều nầy dễ hiểu bởi loại thơ trữ tình thường rung cảm tâm hồn người đọc. Thanh niên nam nữ đang yêu nhau, các ông, các bà với những kỷ niệm tình yêu háo hức, rạo rực của thời niên thiếu còn lắng đọng trong đáy lòng nên thích đọc loại thơ nầy vì nó phản ảnh tâm trạng vui, buồn, khổ, đau, thất vọng, chán chường của chính mình. Qua những năm tháng thần tiên của thời cắp sách, rồi từ giã ghế nhà trường để bước vào trường đời, mấy ai trong chúng ta không còn vương vấn trong lòng một chút tình yêu của tuổi học trò mà mái trường và những hàng phượng vĩ nơi sân trường đã từng là chứng nhân của những mối tình đẹp tựa bài thơ, đẹp như đêm trăng huyền ảo, đồng thời cũng là nhân chứng của những oan khổ vì tình, vì tình mà tâm hồn điên đảo, vì tình mà áo não tâm can (Người đi một nửa hồn tôi chết Một nửa hồn kia bỗng dại khờ – Hàn Mặc Tử).
Thêm vào đó, các nhà thơ tiền chiến của ta thi nhau làm thơ ca tụng tình yêu quá hay nên các thế hệ đàn em cứ thế tiếp tục đầu tư con tim vào việc ca tụng tình yêu. Tâm trạng của các thi sĩ trữ tình thời tiền chiến là tâm trạng chung của thanh niên nam nữ thời đó, họ buồn vơ vẩn, nhớ vu vơ, chẳng làm sao cả cũng than khổ, không ai đánh cũng than đau. Đây là cái thời lãng mạn nhất của thanh niên Việt Nam, họ sống trong mộng tình và chết vì tình mộng. Đó là cái thời đã đóng góp cho nền thi ca Việt Nam những bài thơ trữ tình tuyệt tác nhất. Một số bài thơ trữ tình thời tiền chiến đã được phổ nhạc, những bản nhạc nầy được gọi là “nhạc tiền chiến” và cho đến ngày nay (năm 2011) những bản nhạc tiền chiến trữ tình vẫn còn được một số lớn khán thính giả mến mộ. Đông Hồ, Tương Phố, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng...v...v... đều làm thơ khóc than, thương nhớ người yêu. Kẻ thì kín đáo như T.T.KH trong “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” hoặc lải nhải như J. Leiba trong “Năm Qua” hay nhí nhảnh như Nguyễn Xuân Huy trong “Giận Nhau”, rồi lẩn thẩn như Nguyễn Bính trong “Người Hàng Xóm”, khùng khùng như Lưu Trọng Lư trong “Tình Điên”. Ôi thôi, đủ các giọng mà đều là những giọng trữ tình gợi cảm.
Đây, xin nghe những giọng trữ tình của các nhà thơ tiền chiến:
Cách đây không lâu, có chàng thi sĩ tò mò muốn tìm hiểu tình yêu trai gái của người xưa như thế nào, có giống như tình yêu của mình ngày nay không?

Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ, 
Có phải như mình lưu luyến chăng?
 
Huyền Kiêu 
(Tương Dạ Biệt)

Khốn nỗi, Huyền Kiêu chỉ có ý định tìm hiểu tình yêu của người đời xưa để rồi tự mang nghiệp chướng của thi nhân. Nghiệp chướng của thi nhân là yêu thơ và yêu những cái đẹp. Thật vậy, ta chưa thấy một nhà thơ nào làm thơ để ca tụng một đối tượng không đẹp bao giờ. Đối tượng của nhà thơ có thể là một cô hàng xóm, một cô bạn học cùng trường, một thôn nữ làng bên, một cô lái đò, một cô hàng nước, một cô gái có duyên vừa quen trên chuyến xe lam, một thiếu phụ đài các... nhưng chắc chắn một điều là đối tượng của nhà thơ xinh đẹp, mỹ miều.
Cho nên nàng của Thẩm Thệ Hà thì mơ mộng, u hoài:

Mái tóc em buông lơi chiều gió thoảng, 
Làn môi xinh mím chặt, mắt u hoài. 
Ta cứ ngỡ em là nàng Ngọc Nữ, 
Lạc đường trần để thầm nhớ thương ai.
 
(Khóe Mắt U Hoài)

Trong các nét đẹp của đối tượng, một số thi nhân thích cặp mắt của giai nhân vì nhà thơ đòi hỏi đối tượng của mình không chỉ đẹp thôi mà còn phải có hồn nữa. Vì “đôi mắt là cửa sổ của linh hồn” nên đối với Lưu Trọng Lư thì:

Mắt em là một giòng sông, 
Thuyền ta bơi lặn trong giòng mắt em,
 
(Trăng Lên)

Còn Đinh Hùng thì mê cặp mắt của giai nhân một cách gián tiếp:

Tưởng bóng hồ như bóng mắt xanh, 
Ta bắt cầu hoa làm thủy tạ, 
Mỗi chiều ngồi ngắm mắt em trong.
 
(Sóng Tây Hồ)

Các thi sĩ lãng mạn chứa đầy trong tim những vẩn thơ trữ tình thì thử hỏi ai mà không thich cái giọng lãng mạn lả lơi đầy truyền cảm của Xuân Diệu:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, 
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. 
Để tâm hồn ràng buộc bởi muôn dây. 
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến. 
Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ, 
Mà vạn vật là muôn đá nam châm; 
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm, 
Sao lại trách người thơ tình lơi lả?
 
(Cảm Xúc)

Và còn gì thơ mộng, lãng mạn cho bằng đứng nhìn trộm cô láng giềng đang hong tóc bên cửa sổ để lòng mình rộn rã một ước mơ:

Trời đẹp như trời mới tráng gương, 
Chim ca tiếng hát rộn ven đường. 
Có ai bên cửa ngồi hong tóc, 
Cho chảy lan thành một suối hương. 
Giữa một giờ thiêng tình rất đẹp, 
Mắt buồn và rất... rất thanh thanh. 
Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ, 
Em ạ, yêu nhau chết cũng đành!
 
Hồ Dzếnh
 (Xuân Ý)

Ở trên Hồ Dzếnh nhìn trộm cô láng giềng hong tóc bên song cửa để rồi mơ ước “yêu nhau chết cũng đành” còn Nguyễn Bính thì mang mối tình lẩn thẩn với “Người Hàng Xóm”, lẩn thẩn nhung cũng rất ư là lãng mạn:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, 
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn. 
Hai người sống giữa cô đơn, 
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi. . . .
Cái gì như thể nhớ mong, 
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng. 
Vâng, từ ân ái lỡ làng. 
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa. 
Tầm tầm trời cứ đổ mưa, 
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm. 
Cô đơn buồn lại thêm buồn, 
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi? 
Đêm qua nàng đã chết rồi, 
Nghẹn ngào tôi khóc...Quả tôi yêu nàng!

Mái trường đã từng là chứng nhân của không biết bao nhiêu mối tình thơ mộng thời tuổi học trò. Đây, xin hãy nghe tình yêu tuổi học trò qua nhà thơ Kiên Giang:

Quen biết nhau qua tình lối xóm, 
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông. 
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ, 
Anh học bài ôn trước cổng trường. 
Thuở ấy anh hiền và nhát quá, 
Nép mình bên gác thánh lầu chuông. 
Để nghe khe khẽ lời em nguyện, 
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường. 
Sau mười năm lẻ, anh thôi học, 
Nức nở chuông trường buổi biệt ly. 
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo, 
Khi nàng áo tím bước vu quy.
 
(Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím)

Yêu để mà khổ hay “Yêu là chết ở trong lòng một ít. Vì mấy khi yêu mà lại được yêu.”. Khi sự khổ đau dâng trào đến cùng cực thì nhà thơ chỉ biết tâm sự với thiên nhiên, than thở cùng vạn vật nên nhà thơ van xin suối ngàn ngưng róc rách, năn nỉ chim muông thôi ca hát, cây lá rừng ngừng thì thầm để lắng nghe tiếng thổn thức của con tim mình:

Rồi chàng đi ôm nỗi buồn chan chứa, 
Mối thất tình dầu dãi với phong sương. 
Hơn một lần chim lá ở bên đường, 
Đã im lặng nghe tim chàng thổn thức.
 
Hồ Văn Hảo
 (Tiên Thề)

Và khi tình yêu dang dở, người ta cố quên tình duyên cũ, quên hình bóng người xưa nhưng lối mòn trong tim nhỏ vẫn tìm ngõ ngách để nhớ thương:

Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng, 
Gác tình duyên cũ thẳng đường dong. 
Song le hương khói yêu đương vẫn, 
Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.
 
Thế Lữ 
(Giây Phút Chạnh Lòng)

Trên thi đàn Việt Nam có hai chàng thi sĩ thất tình làm thơ kêu gào tên người yêu ồn ào náo nhiệt trong thi văn, đó là nhà thơ Hàn Mặc Tử và thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Hàn tiên sinh thì:

Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm, 
Nhớ thương còn một nắm xương thôi! 
Thân tàn ma dại đi rồi, 
Rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan. . .
Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy, 
Nhưng mà ta không lấy làm đều. 
Trăm năm vẫn một lòng yêu, 
Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi.
 
(Muôn Năm Sầu Thảm)

Trong thời gian Hàn Mặc Tử làm viẹc ở Phan Thiết có người yêu là Mộng Cầm, tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, Lầu Ông Hoàng ở đấy đã ghi đậm nét yêu đương của hai người và mối tình nầy đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhưng khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh nan y, Mộng Cầm bỏ đi lầy chồng, Hàn tiên sinh quá khổ đau làm nên bài “Muôn Năm Sầu Thảm” trên.
Còn Vũ thi sĩ cũng làm thơ nức nở kêu gào tên người yêu:

Tố của Hoàng ơi, Tố của anh! 
Tố của Hoàng nay Tố của ai?
 
Mười Hai Tháng Sáu 

(Ngày 12 tháng 6 là ngày người yêu của Vũ tiên sinh lên xe hoa)

Khi nói đến sự khổ vì yêu, những người yêu thơ đều không khỏi bùi ngùi cho mối tình ngang trái của T.T.KH, những dòng thơ của nữ sĩ là những tiếng khóc thầm, giấu diếm trong đó một khối tình dang dở. Trong thơ văn và ngoài đời cũng vậy, tình càng kín đáo, càng tế nhị thì càng đẹp, càng hay. T.T.KH chỉ làm có bốn bài thơ mà những dòng thơ nầy đã rung động không biết bao nhiêu con tim người đọc, còn tên tuổi của nữ sĩ đã đi vào văn học sử cũng nhờ thứ tình kín đáo gây nên nhiều huyền thoại đó:

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên, 
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim, 
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ, 
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.
 
(Bài Thơ Thứ Nhất)

Hay:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, 
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi. 
Mà từng thu chết, từng thu chết, 
Vẫn giấu trong tim một bóng người.
 
(Hai Sắc Hoa Ti-Gôn)

Và rồi, nữ sĩ nhỏ từng giọt lệ để viết:

Nếu biết rằng tôi đã có chồng, 
Trời ơi! Người ấy có buồn không? 
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ, 
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng!
 
(Hai Sắc Hoa Ti-Gôn)

Khi viết lên những dòng thơ nầy, nhất là hai tiếng kêu “Trời ơi!, có lẽ T.T.KH đã đứt từng đoạn ruột còn người đọc cũng thấy lòng quặn đau dùm cho nữ sĩ. Riêng những kẻ có cùng chung một tâm trạng với T.T.KH, nghĩa là đành cắn răng phụ người yêu đi lấy chồng mà “Vẫn giấu trong tim một bóng người” thì cũng thấy lòng mình thấm thía khôn tả.
Còn nữ sĩ Tương Phố thì làm bài "Giọt Lệ Thu” để khóc chồng. Bà Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm, sinh năm 1896, mất năm 1973, tốt nghiệp Trường Nữ Sư Phạm Hà Nội và lập gia đình với một vị bác sĩ tên Thái Văn Du khi bà mới 18 tuổi còn bác sĩ Du mới ngoài 20. Đôi vợ chồng trẻ sống những ngày cực đẹp, tràn đầy hạnh phúc nhưng cuộc tình đẹp nầy lại quá ngắn ngủi, kết thúc bằng tử biệt khi bác sĩ Du mất vào năm 1920, luc ấy ông mới có 30 tuổi. Nữ sĩ Tương Phố lấy đề tài “Giọt Lệ Thu” để khóc chồng vì chồng bà và bà gặp nhau, yêu nhau vào mùa thu rồi sau đó chồng bà vĩnh viễn ra đi cũng vào mùa thu. Mối tình của nữ sĩ Tương Phố chớm nở vào mùa thu lá rụng, còn cuộc tình của nữ sĩ T.T.KH cũng bắt nguồn từ mùa thu có lá vàng rơi, chất chứa cả một khối tình đầy những giọt lệ mùa thu (Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn. Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn – Hai Sắc Hoa Ti-Gôn của T,T.KH). Đọc qua những vần thơ thu trong kho tàng văn học Việt Nam, ta chợt bắt gặp nỗi sầu riêng qua những thu khúc buồn nhất, thiết tha nhất... Các văn thi sĩ ta phong phú hóa đề tài mùa thu qua lá thu, rừng thu, gió thu, mây thu, trăng thu, mưa thu, trời thu, ý thu, hồn thu, tình thu, thu cảm, thu tâm, thu hận..., giờ đây ta lại bắt gặp “Giọt Lệ Thu” sầu thảm, buồn man mác. Thu ơi! Trời thu bảng lảng, mây thu lang thang, trăng thu mơ màng, gió thu nhẹ nhàng, sao nỡ để duyên nàng dở dang, bẽ bàng?
Tương Phố sáng tác “Giọt Lệ Thu” vào năm 1923, là tác phẩm trữ tình kết hợp thơ với văn xuôi, một thứ văn xuôi có vần điệu giàu chất thơ, được viết lên từ đáy con tim của một nhà thơ nữ trẻ tuổi đa cảm mà trong đó chất chứa tiếng khóc, lời than và nước mắt của tác giả. “Giọt Lệ Thu” được đăng trên Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh vào năm 1928 và đã có một thời khiến cho hàng triệu con tim thổn thức vì cùng hòa nhịp với thu cảm, thu tâm và thu hận...:

“Anh ơi, chung cảnh thu này, đông tây nam bắc biết bao người cảm thu. Nhưng lòng thu hẳn có như em, mà mây chiều vẩn dạ, gió mai lạnh lùng. Như em mỗi hạt sương gieo là một giọt lệ thảm, mỗi lần lá rụng là một mảnh tình sầu. Thu càng thâm, sầu càng nặng. Anh ơi, giọt lệ khóc thu, em chỉ vì anh mà năm năm lai láng...Than ôi, thu sang thu não lòng người biết bao:

Sầu thu nặng, lệ thu đầy, 
Vi lau san sát, hơi may lạnh lùng. 
Ngổn ngang trăm mối bên lòng, 
Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm...”

Tương Phố là người tình chung thủy, cho tới mười năm sau vết thương lòng vẫn chưa hàn gắn, khi viết khúc “Thu Hận”:

Chàng đi buổi thu sơ năm ấy, 
Thu lại về, chẳng thấy chàng về. 
Chàng ơi, đi chẳng trở về, 
Thu về, thiếp những tê mê dạ sầu. 
Làn mây nước biết đâu nhắn gửi, 
Khoảng đất trời để mãi nhớ thương. 
Vì chàng chín khúc đoạn trường, 
Vì chàng trăm mối sầu vương tháng ngày. 
Thu xưa khóc, thu nay lại khóc, 
Năm năm thu mảng khóc mà già. 
Người xưa khuất, cảnh cũ qua, 
Non buồn, nước lạnh cỏ hoa tiêu điều. 
Nỗi ly hận mây chiều, gió sớm, 
Tình tương tư khoảng vắng đêm trường. 
Gió mưa tâm sự thê lương, 
Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây!...

Lời thơ tuyệt vọng, giọng nghẹn ngào triền miên đã đúc kết thành những tiếng ca sầu thảm mà khi đọc lên ai cũng cảm thấy lòng minh lâng lâng một nỗi buồn man mác...
Để kết luận, khi mà trái tim nhân loại còn rung lên những nhịp đập của tình yêu thì luôn luôn còn loại văn thơ trữ tinh và luôn luôn người ta thích loại văn thơ tình cảm ướt át nầy.
Lê Thương
Theo http://newvietart.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết bên Nga của nhà văn Việt

Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết q...