Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đờn: Mãi mãi một tình yêu

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đờn: Mãi mãi một tình yêu
Từ một sinh viên khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Văn Đờn trở thành chiến sĩ, nhà báo quân đội, làm công tác văn hóa... nhưng ông để lại dấu ấn âm nhạc với những ca khúc lay động lòng người như:  “Đêm hội Thẳm Bua”, “Đất mẹ Trường Sa, Hoàng Sa”...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đờn
Hẹn gặp ông trong một chiều mùa Đông, trong căn phòng làm việc treo đầy các loại đàn ghi ta, vi-ô-lông, măng-đô-lin, đàn bầu và một chiếc khèn Mông duyên dáng. Những thanh âm, giai điệu rộn ràng đem đến sự ấm áp, xua tan cái lạnh giá của tiết trời, gió bấc, mưa phùn. Mái tóc đã bạc trắng nhưng cặp mắt ông vẫn toát lên niềm tha thiết yêu đời, tràn niềm đam mê những thanh âm của cuộc sống. Tạm dừng những ngón tay lướt trên phím đàn, ông chia sẻ: “Có lẽ, cái tên Nguyễn Văn Đờn bố mẹ đặt đã vận vào cuộc đời tôi, nên khi mới 7-8 tuổi tôi đã mê đàn hát, có thể ngồi bên chiếc đàn bầu suốt ngày không chán. Sau này, cho dù cầm bút hay cầm súng tôi vẫn không rời bỏ được cây đàn. Cũng từ đó tôi mạnh dạn viết nhạc, ghi lại những cảm xúc, những xao động của tâm hồn...”.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Đờn sinh năm 1949 tại xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc (nay thuộc Thành phố Vinh), bố là liệt sỹ chống Pháp. Tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Văn Đờn trở thành sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, Nhà nước có lệnh tổng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Chàng sinh viên Nguyễn Văn Đờn tạm gác bút nghiên, bước vào quân ngũ, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Vào quân đội, Nguyễn Văn Đờn tham gia chiến đấu ở miền Tây Nam bộ với vai trò là cán bộ tuyên truyền, phóng viên Báo Quân khu 9. Sau đó, ông được chuyển công tác về Báo Quân khu 4, rồi được cử làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân khu cho đến lúc nghỉ hưu (2005) với quân hàm Trung tá. Từ đó đến nay, ông là cán bộ Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh, công việc chính là phụ trách bản tin của hội. Năm 2001, ông được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam. 
Say mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng vì công việc luôn bận rộn, phải chờ đến lúc làm công tác tại Nhà văn hóa Quân khu 4, Nguyễn Văn Đờn mới có điều kiện chuyên tâm sáng tác. Bởi đây vừa là công tác chuyên môn, vừa là nhiệm vụ, cũng vừa là “mệnh lệnh” của trái tim người nghệ sỹ. Đến thời điểm này, ông mới có thời gian để tìm tòi, nghiên cứu và chắt lọc những điều đã được tích lũy, để tâm hồn mình rung lên những tiếng nói cảm xúc, kết đọng thành những nốt nhạc du dương, trầm bổng giữa cuộc sống đời thường. Tác phẩm đầu tay của ông là ca khúc “Mây trắng xuống đồng”, phổ thơ của Triệu Thị Mai, một cô gái người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Bài hát có những thành công nhất định, được các nhạc sỹ đi trước và bạn bè động viên, khuyến khích, Nguyễn Văn Đờn thêm mạnh dạn và tự tin trên con đường sáng tác âm nhạc. 
Là người trưởng thành trong quân ngũ, gần trọn cuộc đời khoác trên mình bộ quân phục nên trong sáng tác của mình, Nguyễn Văn Đờn thường tập trung ngợi ca người lính, ngợi ca nghĩa tình đồng đội. Về mảng đề tài này, có thể kể ra những tác phẩm tiêu biểu: “Cồn Cỏ chiến hạm xanh” (giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 2005), “Lính cũ gặp nhau” và “Hồi ức cựu chiến binh”. Những lời ca ấm áp, giai điệu rộn ràng và hào sảng trong bài “Lính cũ gặp nhau”, phỏng thơ Việt Long, một nhạc phẩm được xếp vào Bài ca đi cùng năm tháng: “Lính cũ gặp lại nhau, chuyện không đầu không cuối/ Bạc đầu vẫn mày tao như ngày qua/ Tâm tình vui buồn cũng thoảng qua/ Đời thường bao nhức nhối/ Kỷ niệm bao năm tháng/ Giờ đây biến đâu rồi/ Đời lính chiến quên mình/... Nắm chặt tay nguyện giữ kỷ niệm xưa/ Ấm nghĩa tình đồng đội”. 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đờn trao đổi với ca sĩ 
về bài hát “Đất mẹ Trường Sa, Hoàng Sa”.
Cùng với đề tài người lính, ngợi ca tình đồng chí, đồng đội, nhạc sỹ Nguyễn Văn Đờn còn có những sáng tác ca ngợi quê hương bao nhọc nhằn, gian khó nhưng sâu nặng ân tình. Nguyễn Văn Đờn có ca khúc “Đất Mẹ miền Trung” để lại dấu ấn cho những người yêu âm nhạc: “Miền Trung mẹ đi chợ về nắng cong hai đầu đòn gánh i a/ Dấu chân vùi trong cát, hoa xương rồng đắng nở ven đồi/... Đất mẹ miền Trung/ Mẹ nuôi con hai đầu đòn gánh mà mẹ mong con chân cứng đá mềm...”. Cảm xúc ấy là cảm nhận đắm say, thướt tha về phẩm chất, khí phách và bản lĩnh của con người miền Trung: anh dũng, kiên cường và giàu sức sống. Bài hát mỗi khi vang lên với giai điệu tự hào, là làm lay động những con tim sinh ra và lớn lên từ miền gió Lào cát trắng. Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng từng nói đại ý rằng, những dòng ca từ của “Đất Mẹ miền Trung” có thể “chụp được, cầm nắm được”, nghĩa là ca từ giàu hình ảnh, sinh động và giàu suy tưởng. Với vốn sống và sự trải nghiệm của riêng mình, Nguyễn Văn Đờn có thêm một tiếng nói ngợi ca đất mẹ, và để lại dấu ấn riêng đáng trân trọng. 

Lời bài hát “Đêm hội thẳm Bua” của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đờn.
Nguyễn Văn Đờn còn có những bài hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương và sự đổi thay của cuộc sống được ghi nhận như: “Ân
tình Pác Bó - làng Sen”, “Đêm hội Thẳm Bua” (được in trong cuốn “30 năm ca khúc Việt Nam” do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tuyển chọn), “Phong Nha huyền thoại” và “Tiếng cồng gọi bạn”. Đây là những ca khúc thấm đẫm chất trữ tình, là những tiếng reo vui của một tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu quê hương tha thiết. Bên cạnh đó, ông cũng có không ít suy tư, trăn trở về thời cuộc, về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hôm qua và hôm nay. Những suy tư, trăn trở ấy được ông gửi gắm qua những nốt nhạc, lời ca để tìm đến sự sẻ chia, đồng cảm. Đến thăm đền Cuông, Nguyễn Văn Đờn có ca khúc “Cánh buồm lông ngỗng”, bài hát được tặng thưởng tại Liên hoan âm nhạc năm 2013 do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức. Những câu hát như được chắt ra từ sâu thẳm đáy lòng, đem đến bao niềm rưng rưng xúc động: “Những cánh cò đổ nắng xuống biển Đông/ Xao xác rừng thông gió chiều Mộ Dạ/ Mộ Dạ ngày xưa trắng màu lông ngỗng/ Lông ngỗng trắng trời, trắng núi người ơi/... Gió cuốn đi, nước cuốn đi, lông ngỗng đâu rồi đau xót lòng ta/  Biển chưa yên nay sóng vẫn cồn cào/ Lông ngỗng dựng thành cánh buồm no gió/ Du khách xa cùng cánh buồm lông ngỗng/ Đến với cội nguồn đất Việt ngày xưa/ Đến nơi này xin nhớ chuyện tình xưa”. 
Cũng như bao người con nước Việt, trái tim Nguyễn Văn Đờn đau đáu hướng về phía khơi xa, nơi biển đảo thiêng liêng đang dậy sóng. Rồi ông bắt gặp những vần thơ của Đặng Phi Khanh, tìm được sự đồng điệu, và quyết định đưa chất nhạc vào thơ, chắp cánh cho vần thơ bay xa hơn muôn triệu trái tim đang thổn thức trước cơn sóng gió biển khơi. Lời thơ và ca từ đều sáng mãi một niềm tin bất diệt: “Những cánh chim hải âu, những đàn cá hướng đầu về đất Việt/ Đất mẹ ở Hoàng Sa òa nhịp sóng vỗ bờ thao thiết/ Việt Nam ơi nhân nghĩa mấy ngàn năm/... Biển đảo này vang tiếng gọi non sông/ Nắm tay nhau chung dòng máu Lạc Hồng/ Không khoan nhượng trước chiêu bài xâm lấn/ Mặc áo cờ lòng ta thêm sức mạnh/ Việt Nam ơi! Đời hiến với Trường Sa/ Việt Nam ơi! Đời hiến với Hoàng Sa” (Đất mẹ Trường Sa, Hoàng Sa). 
Đã sắp qua tuổi 65, Nguyễn Văn Đờn vẫn tận tụy với công tác tuyên truyền, hàng ngày nhận tin bài, biên tập và lo việc in ấn, phát hành bản tin của Hội Cựu chiến binh. Ông còn dành thời gian tập hợp, gom góp tư liệu để xuất bản những tư liệu truyền thống, sáng tác những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước… 
Công Kiên
Theo http://www.baonghean.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết...