Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Viếng thăm Yên Tử - Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Viếng thăm Yên Tử - Từng người tình 
bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
  Thiền Sư Việt Nam - HoPhap.net
KHÁM PHÁ KHO BÁU BỊ BỎ QUÊN

CỦA DANH SƠN YÊN TỬ
Kỳ vĩ, bí ẩn ở sườn Tây
(VieTimes) - Sườn Tây của núi Yên Tử hùng vĩ, nằm trùm lên địa giới hành chính của hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Từ nguồn tin của lâm... tặc, thợ săn người địa phương, một nhóm cán bộ có khả năng leo rừng như… khỉ của Bảo tàng Bắc Giang đã khám phá ra hệ thống chùa, am, tháp, mộ, tượng, bia đá và cây cổ thụ được trồng trong di tích… vô cùng quý giá trên dãy Yên Tử hùng vĩ và bí ẩn.
Nằm giữa mây mù và rừng nguyên sinh hoang rậm, cả hệ thống những thiền viện, am, chùa cổ hiện ra - với toà ngang dãy dọc, với ngôi tháp đá tảng xanh 7 tầng nguyên vẹn, với di tích am Ngoạ Vân, nơi mà sử cũ chép rõ, vua Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, một pháp chủ người Việt đã tu hành, giảng đạo rồi viên tịch vào năm 1308. Cả rừng mộ tháp bị nhồi bộc phá, bị khoét hang khoét hầm hòng bới tìm cổ vật (họ nghĩ rằng vua tu ở đấy thì nhất định là đủ vàng thoi bạc nén); cả hệ thống các cây vải, quýt, bưởi, nhãn, đại, thông (được các vị tu hành trồng từ gần bảy trăm năm trước) bị đánh gốc xẻ thịt dần dà…
Những phát hiện trên đã gây sửng sốt trong giới khoa học. Sau hàng thế kỷ cơ bản bị lãng quên, giữa rừng già, con đường của các bậc chân tu đắc đạo đã được chính thức ghi nhận. Trước đó, người am tường cổ sử và phật tử mộ đạo thiền Trúc Lâm chỉ nghe nói về con đường và hệ thống di tích kể trên. Nhóm Phóng viên mê leo núi chúng tôi đã có 4 ngày đi bộ ròng rã và 3 đêm ngủ giữa rừng để khám sự thiêng liêng - vẻ đẹp quyến rũ độc nhất vô nhị và cả nỗi đau bị tàn sát của hệ thống di sản này, VieTimes xin giới thiệu cùng độc giả:
Khám phá Hồ Thiên và Ngọa Vân

Chúng tôi tính toán kỹ: con đường chinh phục sườn Tây Yên Tử đi từ tỉnh Bắc Giang, lên đỉnh cao nhất, sang đến tỉnh Quảng Ninh, phải mất 3 đêm 4 ngày. Đúng là Trúc lâm Yên Tử, đỉnh núi thiền với những rừng trúc mênh mông đã đi vào… tên gọi từ bảy trăm năm trước, chúng tôi đi ngày nọ qua ngày kia, vượt những rừng trúc ken dày như so đũa. Đôi lúc không nhìn thấy ánh mặt trời.
Có lẽ độc giả phải mất thời gian một tý với kỳ hoa dị đá của sườn Tây Yên Tử. Một cây nấm vàng rực, kỳ khu như toà lâu đài của một lãnh chúa tây phương.
Phiến đá này thì được tạo hoá đẽo tạc đẹp hơn cả hình rồng chầu ở sân vua thuở cũ. 
Bạn có thể đi cả ngày trời qua rừng cỏ mượt và những bãi đá kỳ lạ như thế này.     
Khu nhà tổ chùa (am) chùa Ngọa Vân tuy đã hoang phế, nhưng hoang phế giữa rừng già ai bảo là nó không có vẻ quyến rũ riêng có của nó.   
Trong rừng, và trong điệp trùng am, tháp, ta bắt gặp những tấm bia ghi rõ “tháp Phật hoàng”, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Trúc lâm Thiền phái đã viên tịch, cả tấm bia ghi rõ việc chúa Trịnh đưa các bậc vương tôn công tử lên thăm nơi Phật hoàng đã hóa.       
Con đường dốc dác mà 700 năm trước vua Trần đã tu, đã vui cõi đạo, giờ có vài Phật tử đi lại trong mưa, giữa xanh rì rêu cũ khiến khách lãng du cũng dậy lên cái mộng Phật, Thiền.   
Bạn hãy nhớ rằng, cả Đại Việt sử ký toàn thư, cả các Giáo sư uy tín nhất của chúng ta, sau quá trình nghiên cứu, đều khẳng định: vua Trần Nhân Tông, sau khi rũ long bào đi tu, đã hoá ở đây, một phần xá lỵ trong mộ tháp có “nóc” hình cái hồ lô đắc đạo này. 
Trong mộ tháp này có xá lỵ của một vị tỳ kheo nổi tiếng, cái “thế” tháp - cây cổ thụ - và đá thật đẹp.       
Một trong những cái am mà tương truyền 700 năm trước vua Trần đã ngồi thiền vẫn còn tương đối nguyên vẹn hình hài, sau quá trình bị đào khoét cả nền, tường, móng, nóc nhằm tìm vàng bạc - cổ vật. Tiền cảnh là tấm bia quý bị đập nát tìm vàng, nhà tu và các chuyên gia đã ghép và dựng lại.
Đáng buồn hơn, ở chùa Hồ Thiên, cách đó một ngày đi bộ leo núi, chẳng còn gì nguyên vẹn.
 
Tháp đá tảng xanh 7 tầng vào loại báu vật của Việt Nam, năm 2004 vẫn còn nguyên vẹn khiến các nhà nghiên cứu phải trầm trồ   
Thì đến nay đã bị kẻ xấu dùng bộc phá đánh sập để bới… vàng bạc mà chúng tin là sẽ tìm ra     
Bên trên toà sen bằng đá tảng xanh là một ngọn tháp gạch đỏ. Trong “cửa sổ” tháp có những pho tượng Phật hoàng bằng đá trắng. Nhiều pho đã mất, nhiều pho bị chặt cụt đầu đã được nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông khênh về đặt ở cạnh tấm bia Trung Tu 
Tấm bia được coi là đẹp nhất tỉnh Quảng Ninh này cũng vừa mới được dựng lại, sau khi nó bị đánh bộc phá thành hang hốc để bới cổ vật và vàng bạc. Cả nhà bia toàn bằng đá khổng lồ cũng bị đổ sụp. Bức ảnh này chụp năm 1988, khi các nhà nghiên cứu có mặt, bia đã bị đào bới, phá huỷ giữa rừng hoang, sau khoảng 200 năm Hồ Thiên tự vắng bóng nhà tu hành.     
Sử cũ và cả tấm bia kể trên đã ghi rõ: Hồ Thiên từng là một Thiền viện cấp quốc gia với hàng trăm gian nhà lớn nhỏ. Và bạn phải sửng sốt khi gặp giữa hoang vu hệ thống cây ăn quả (cây nhà) được trồng từ hàng mấy trăm năm trước, cùng dấu tích của những “đền cũ lâu đài” tráng lệ.       
Bạn sững sờ trước một cây vải không thể cổ thụ hơn, tương truyền có từ 700 năm trước, do vua Trần Nhân Tông trồng, nó vẫn đơm hoa kết trái.
Cạnh đó là một cây đại khổng lồ
Những nhà sư khổ hạnh trên mái đá non thiêng! 
Quá tiếc nuối trước những rừng mộ tháp bị tàn phá không còn dấu tích, “nhà tu hành” tên là Cường đã kỳ công dựng một mái lá để quyến luyến non thiêng. Ông san nền dưới gốc thông tuyệt đẹp, dựng lều bằng thân trúc, đóng ghế bàn bằng gỗ rừng và đêm ngày thiền nhưng rồi (có lẽ) không chịu nổi sự cuộc sống như Robinson, ông đã bỏ “lều lán” ra đi 
Tuy nhiên, ở Am Ngọa Vân, sư Tiến vẫn trụ lại 8 năm với rừng hoang, lợp lều cỏ, ăn quả vả thay cơm để lấy sức ngồi thiền. “Cây vả” (như cây sung) này đã được các nhà sư tri ân đến mức, khi chúng tôi có mặt, chú tiểu Hà phải đi hái vả đãi khách ngay   
Và cặp huynh đệ (hai nhà sư) này vẫn kiên trì ngồi thiền trong mái đá hoang vu. Nhà sư Q. đã sống trong mái đá như người nguyên thủy với một niềm tin sắt son vào Đạo pháp     
Họ ăn một món ăn rất ám ảnh: đó là chuối rừng xanh ngâm muối, ngâm dấm. Chuối rừng toàn hạt chát xít, họ ăn trong nhiều năm qua. Những ngày ở rừng, chúng tôi cũng được “chiêu đãi” món ăn kinh điển này
Nhà sư này không thích đăng ảnh lên báo, tuy nhiên, nụ cười của thầy khi tiễn chúng tôi xuống núi khiến ai nấy đều day dứt thấy áy náy cho cái tham sân si không gợn chút lòng thiền của mình vô cùng. Trong mái đá, sự “diệt dục” của thầy là khả kính. Không có cớ gì chúng tôi giấu độc giả niềm tin khả kính vào Đạo pháp của thầy.
Source: ThuVienHoaSen.Org

CHIÊM BÁI PHẬT HOÀNG BẢO THÁP 
Quang Hồng
Ngày 23 tháng giêng hằng năm là ngày “kỵ” tổ đời thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - đại thiền sư Huyền Quang. Vị sư là đệ tử đời thứ ba của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
 Xưa nay, phật tử và dân du lịch vãn cảnh vẫn đến Yên Tử, lên chùa Đồng hành lễ. Nhưng ít ai biết còn có một di tích khác, về độ cao thì thấp hơn đỉnh núi có chùa Đồng và nằm ở sườn tây của dãy Yên Tử (Quảng Ninh). Khoảng 3 năm trở lại đây, những người theo học Phật pháp tìm đến đây nhiều hơn để được quỳ lạy trước Phật hoàng Bảo tháp bằng đá xanh cao 7 tầng giữa đại ngàn nguyên sinh và được chiêm bái di tích đã có 700 năm tuổi.

Tháp cổ 7 tầng bằng đá xanh đã 700 năm tuổi.
Khi nói tây Yên Tử, nhiều người không để ý đến chữ “tây” nên thường vẫn lầm tưởng là “Yên Tử” với chùa Hoa Yên, chùa Đồng giờ đã có cáp treo lên tận nơi, nên cũng ít người biết thế nào là “đường tùng”. Tây Yên Tử đơn giản là sườn tây của dãy Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viên tịch và tổ đời thứ hai của Trúc Lâm thiền phái đã dựng tháp đá xanh 7 tầng. Chỉ cách Hà Nội gần 100km, tới ngã ba Đông Triều, rẽ vào Bình Khê rồi thêm 10km vào làng Phù Ninh, đến bến đò Hồ Thiên hay còn gọi là hồ Bình Khê.
Gia đình chị San làm nghề lái đò ở đây đã nhiều năm, nhận trông xe máy cho cả đoàn rồi đưa chúng tôi vượt hồ để leo núi. Nước hồ xanh ngắt vô cùng tuyệt đẹp khi những quả đồi nổi lên thành những hòn đảo soi bóng làn nước phẳng lặng xanh ngắt bởi đáy mọc đầy tóc tiên, rong đuôi chó. Đi men theo đường mòn ven suối, gặp một ngôi miếu nhỏ. Từ đoạn này, đường liên tục dốc, càng lên cao càng dốc, có chỗ gần như dựng đứng và trơn trượt.
Rừng không còn cây nào to, cùng lắm cũng chỉ nửa vòng tay ôm. Nhưng trúc thì mọc bạt ngàn. Hơi ẩm lạnh của những ngày đầu xuân phủ một lớp sương mỏng trên mũ, trên áo của những tay “du lịch bụi” như chúng tôi. Balô nặng trĩu vì phải mang gạo và đồ ăn cho 2 ngày. Vừa leo núi vừa ngẫm nghĩ về hơn 700 năm trước, vị vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng tìm lên núi cao, khoác áo cà sa để tu hành. Chợt nghĩ, triều đại rồi cũng có lúc bị diệt vong, nhưng thiền phái Trúc Lâm thì tồn tại qua hết triều đại này đến triều đại khác.
               
Du khách chụp ảnh cùng nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông trên nền chùa cổ.
Chùa Hồ Thiên hiện ra giữa đại ngàn tây Yên Tử, có một bàn thờ Phật và 6 bức tượng. Nhà khách thì rộng, lát gạch đỏ, có đủ chăn chiếu cho khách nghỉ đêm. Giờ lên đến chùa thường là cuối buổi chiều, sắp đến giờ làm lễ. Buổi lễ chiều thứ bảy lại có thêm gần hai chục học sinh THCS là dân địa phương lên nghe sư thầy giảng về Phật pháp và được cùng làm lễ trong “chùa”. Ngôi chùa bằng tôn ở vị trí cao gần 1.000 mét so với mặt nước biển. Chùa Hồ Thiên giờ đây chỉ còn là vậy. Những dấu tích còn lại gần như nguyên vẹn chỉ còn lại tòa tháp bằng đá xanh cao 7 tầng đang lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tòa tháp được tổ đời thứ hai, thiền sư Pháp Loa cho dựng sau khi Trần Nhân Tông viên tịch năm 1308. Tòa tháp vẫn sừng sững giữa đại ngàn cho dù đã bị đào bới săn tìm báu vật và bức tượng đá đen do Phật hoàng Trần Nhân Tông tạc cũng thất lạc. “Chứng nhân”  còn lại ở đây từ thời Trần Nhân Tông đang tu hành đó chính là cây vải và cây đại. Cách đây vài năm, lâm tặc còn về đây chặt nguyên cả cành đường kính tới 60cm của cây vải này.
Một tháp gạch khác cũng còn, nhưng trong tình trạng bị mất đỉnh với bức tượng bị cụt đầu đã được thay bằng đầu bằng ximăng và thêm 2 tòa sen vốn là chân của 2 tòa tháp khác cũng được gắn lại bằng ximăng. Những tảng đá được người xưa đục đẽo tinh tế và vận chuyển chắc chắn là vô cùng khó mới lên đến được tận đây. Có thời gian, những khối đá đó bị vứt chỏng chơ, được nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông gắn lại bằng ximăng. Rồi nhà sư này bê từng viên gạch, từng cân ximăng xây lại vài công trình nhỏ cho du khách có chỗ nghỉ chân.
Theo chân nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông ra vị trí nơi trước kia là chùa Hồ Thiên của 700 năm trước, một vị trí mà bất cứ nhà phong thủy nào cũng phải thốt lên là thật đẹp. Nằm lưng chừng núi, trên một bãi đất bằng phẳng giữa hai sườn núi chạy về 2 phía, phía trước mặt xa xa là cả một quần thể núi non và Hồ Thiên phía dưới chân núi. 700 năm sau, chỉ còn lại những chân cột đá hoa sen mà nhìn về kích thước và ngẫm lại quãng đường leo núi thì thật khâm phục tại sao người xưa có thể đưa được lên đây.
Chiều sương Yên Tử hôm ấy, bữa cơm chay với mùi hương của lá cỏ nếp không hiểu sao lại rất nhiều ở đó, rồi tối ấy được sư thầy nói chuyện về Phật pháp, về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Khi ngả lưng chợp mắt vẫn nghe thấy tiếng mõ tụng kinh thoảng xa.
Source LĐ
Góp ý: 
THẾ GIỚI NÀY CÓ HAI VỊ PHẬT RA ĐỜI? 

* Vị thứ 1: Là Thái Tử Sĩ Đạt Ta từ bỏ ngôi vị Thái Tử, xuất gia đi tìm đường giải thoát. 
* Vị thứ 2: là Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vị cao nhất là vua Đại việt, xuất gia đi tim đường giải thoát. 

Ấn độ là Thánh Địa thứ 1, của Phật Bổn Sư Thích Ca, kỉ nguyên trước. 
Việt Nam là Thánh Địa thứ 2, của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trong kỉ nguyên hiện tại. 
Phật chỉ là Một, nhưng nhân duyên và sứ mệnh có trước, có sau. 
Ai ngộ và nhận ra đươc được sự kiện này? 
Với đức tin ấy, đến và đảnh lễ Ngài! phước báu vô tận. 
Tu tập được giải thoát. 
Đây là sự thật, là chân lý. 
Việt Nam là Thánh Địa thứ hai! 
Đây cũng là trung tâm trái tím của nhân loại. 
Tôi nguyện luôn nhắc nhở và tin tưởng điều này . 
Xin mọi người quan tâm và lưu ý! 
Đồng hướng về Việt Nam, nhận lấy ân huệ quý giá nhất của Tổ Tiên và Trời Đất. 
NAM MÔ ĐIỀU NGỰ GIÁC HOÀNG HỘ TRÌ TẤT CẢ CHÚNG SANH THÁI BÌNH HẠNH PHÚC.

Những dòng sông nhỏ
Tác giả: Hoàng Tá Thích
Hồi ức của Hoàng Tá Thích
Lời giới thiệu: Hoàng Tá Thích là em rễ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hiện gia đình ông định cư ở Canada. Nhân ngày giỗ thứ 6 của nhạc sĩ, ông viết cuốn hồi ức: Như những dòng sông, NXB Văn nghệ và Công ty Văn hóa Phương Nam vừa phát hành. Tác giả viết về người mẹ, những người em, những người tình và những người bạn của nhạc sĩ; đồng thời cho biết hoàn cảnh ra đời của một số ca khúc, những ca từ của nhạc sĩ thường bị hát sai... Quen biết nhạc sĩ từ thời thanh niên và sau này là “người trong nhà”, nên tác giả có điều kiện để hiểu và viết đúng về đời thường của nhạc sĩ. Chúng tôi xin trích một đoạn trong cuốn sách viết về “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” của nhạc sĩ.- Đ.T.B
Người con gái đầu tiên bước vào đời Trịnh Công Sơn là một cô gái đẹp của thành phố Huế thời bấy giờ. Chỉ là một cuộc tình lãng mạn thời niên thiếu, khi anh mới 18 và cô gái xinh tươi như một vùng cỏ non liên thiên bích ấy vừa tròn 17. Thuở đó, tình yêu của lứa tuổi này được viết bằng chữ A lớn (Amour), mà một cái nắm tay đủ làm cho nhau ngây ngất, một nụ hôn vụng về tưởng suốt đời không thể nào quên. Hơn nữa, trong cái thành phố nhỏ bé đầy những thành kiến bảo thủ ấy, anh chỉ có thể để lòng mơ mộng đến một cuộc tình nhẹ nhàng đầy tính lãng mạn.
Cho đến một hôm nghe tin người mình yêu sắp từ giã con đường Huyền Trân Công Chúa, anh bỗng thấy lòng vấn vương một nỗi buồn man mác. Con đường đó anh vẫn thường đi qua. Ngôi nhà của nàng nằm cao cao bên bờ sông Bến Ngự, đối với anh quen thuộc biết bao. Những buổi chiều tà, cùng ngồi với nhau trong phòng đọc sách, anh có thể nhìn thấy, một chút nắng vàng vẩn vơ đọng trước hiên nhà phía trước. Cuộc tình trôi qua như thoáng mây bay, chẳng có một gắn bó hứa hẹn nào, nhưng lại sống mãi trong tác phẩm nổi tiếng Nhìn những mùa thu đi (1960): “Anh nghe buồn mình “trên ấy”, chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng nhiều thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai”. Anh thường gọi cái buồn man mác đó là la melancolie, nỗi buồn nhẹ nhàng như đang ngồi trong một khu vườn nhìn buổi chiều tà tắt nắng.
Ướt mi được viết từ những giọt lệ trên khóe mắt ca sĩ Thanh Thúy lúc được chính anh yêu cầu cô hát bản Giọt mưa thu ở phòng trà Vân Cảnh (Sài Gòn) năm 1958. “Buồn dâng lên đôi môi, buồn đau hoen ướt mi ai rồi”. Hồi đó Thanh Thúy còn rất trẻ, chưa đủ tuổi để ký hợp đồng khi đi vào nghề ca hát mà đã sớm mất mẹ. Anh cũng chưa quen biết nhiều cô ca sĩ này, nhưng nhìn những giọt nước long lanh trên đôi mắt to tròn ấy, anh đã xúc động không cùng. Sau khi trở về Huế, anh ghi lại cảm xúc của mình và bài hát được gửi vào Sài Gòn cho Thanh Thúy. Ca khúc Ướt mi, có thể gọi là tác phẩm đầu tay của anh trong những năm 1959-1960, qua tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy tại khắp các phòng trà, vũ trường Sài Gòn, đã làm cho cái tên Trịnh Công Sơn trở thành một dấu hỏi, vì thật ra ít ai biết tác giả là người như thế nào.
Một bài nhạc khác cũng được anh viết cho Thanh Thúy, như là một kỷ niệm của người nhạc sĩ một hôm bất chợt thấy thương cho người ca sĩ lặng lẽ trở về ngõ tối sau một đêm tràn ngập ánh đèn màu: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương ai về xóm vắng, đêm nay thiếu ánh trăng (Thương một người-1959).
Đầu năm 1962, gia đình dời nhà từ đường Phan Bội Châu qua Nguyễn Trường Tộ. Đối diện nhà là khuôn viên của tòa Tổng giám mục Huế. Đứng trên ban-công, có thể nhìn thấy một đoạn đường phía bên kia cầu Phú Cam. Con đường đó, ngày ngày người con gái mang tên Diễm trong chiếc áo lụa trắng của trường Đồng Khánh, vẫn thường đi ngang, băng qua cầu, rẽ tay mặt về nhà. Hình ảnh người con gái thùy mị mang nét kín cổng cao tường rất cổ điển đó đã làm cho anh không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi:
Lụa áo em qua phủ mặt đường Gót nhỏ xanh xao tựa khói sương Diễm mang đến cho anh một mối tình nhẹ nhàng và lãng mạn như hai chữ Diễm xưa. Có hôm thức dậy muộn, nhìn thấy bên cửa sổ có cài một nhành dạ lý hương, anh biết người đẹp đã đi qua nhà mình. Và mỗi lần thức dậy anh đều mong nhìn thấy cành hoa cài trên cửa: “Chiều nay còn mưa, sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau”.

Diễm xưa ra đời, nhanh chóng nổi tiếng khắp miền Nam, đến độ mọi người đều cho đó là một mối tình lớn của Trịnh Công Sơn. Nhưng không phải thế, vì chưa đầy một năm sau thì đôi mắt nai ngây tròn của người em mới thực sự làm anh ngây ngất. Cuối năm 1962, lúc anh bắt đầu cuộc sống xa nhà ở Quy Nhơn rồi Bảo Lộc, thì những cánh thư tình đã bắt đầu qua lại với Dao Ánh. Từ đôi mắt trong như nắng thủy tinh của nàng, rất nhiều ca khúc viết tiếp theo đều dành cho người con gái này. “Còn tuổi nào cho em” đây? “Thuở đó, tình đẹp như cơn “Mưa hồng” ươm nắng. Anh thổ lộ “em đã cho tôi quên đi muộn phiền”. Đến độ anh đã tưởng rằng “áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”.
Nhưng trước sau Trịnh Công Sơn vẫn là một nghệ sĩ lãng du, chưa có ý định dừng chân ở bến đỗ nào. Còn cô gái khuê các Dao Ánh lại không thể sống mãi với mối tình lãng mạn chẳng một lời một hứa hẹn. Và cuối cùng cuộc tình đã kết thúc sau nhiều năm gắn bó:
Em đi bóng đổ đường dài Để tôi ở lại miệt mài nỗi đau Đầu năm 1970, trong những ngày tháng lang thang trên vùng đồi núi Đà Lạt, anh gặp một cô gái xinh đẹp đã liều lĩnh leo rào nội trú Trường Yersin để hẹn hò với anh – P.T.L môi đỏ má hồng, mắt long lanh như nước hồ Đà Lạt, đã đem đến cho anh nguồn vui mới. Trên những con đường của thành phố ngàn thông mơ mộng, anh cùng người đẹp lang thang khi xuống phố khi leo đồi. Nhưng rồi cuộc tình lại cũng như thoáng mây bay, chưa kéo dài bao lâu đã phải chia tay vội vàng. Khoảng cuối năm 1970, anh đang ở Huế bỗng nhận được điện tín nhắn vào Sài Gòn gấp. Vài hôm nữa đã là ngày giỗ thân phụ nhưng anh vẫn vội vã lên máy bay để chỉ kịp đến phi trường tiễn đưa người tình rời quê hương đến một phương trời xa xôi biền biệt:
Em đi pháo đỏ nhuộm đường Tôi ngồi với nỗi tiếc thương bạc lòng.
Biết không bao giờ có thể gặp lại, làm sao giây phút tiễn đưa chẳng khỏi chạnh lòng: “Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng... ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh (Như cánh vạc bay - 1970)”.
(Hơn 20 năm sau, nhân qua Canada thăm các em vào năm 1992, anh lại trùng phùng với người cũ ở Ottawa, được gia đình nàng đón tiếp như một người khách quý).
Năm 1981, anh gặp Hoàng Lan. Cô gái lúc nào cũng sống động vui tươi này gợi lên hình ảnh một đôi hài ba lê duyên dáng gõ trên phím dương cầm thánh thót. Tóc mây buông xõa, môi cười họa mi, đóa hoa vàng đã nhập vào hồn làm anh ngây ngất. Nhân ngày sinh của người đẹp, anh mang đến tặng nàng 21 cánh hoa hồng màu vàng: “Yêu em một đóa hoa vàng, yêu em một phút hoàng lan tình cờ”.
Bài hát anh viết cho Hoàng Lan năm 1981 mang tên Một thuở hoa vàng, sau được đổi thành Hoa vàng mấy độ lúc xuất bản: “Em đến bên đời, hoa vàng một đóa, một thoáng hương bay, bên trời phố lạ, nào có ai hay, ta gặp tình cờ”.
Hồi đó, Trịnh Công Sơn vừa đến ngưỡng 40. Nếu quả thật anh đã mệt mỏi đôi chân muốn tìm một nơi ngơi nghỉ, biết đâu người con gái này có thể là người bạn đời của anh. Nhưng rồi cuộc tình cũng trôi qua. Không do phụ rẫy, không bởi nhạt phai, mà chỉ vì anh muôn thuở là chàng lãng tử.
(Những ngày ở Canada, hơn 10 năm sau, anh cũng đã gặp lại Hoàng Lan. Đóa hoa vàng giờ đây đã được cắm vào một mái ấm gia đình ở Toronto).
Khoảng năm 1990, V.A đến với anh bằng những nồng nàn của người con gái tuổi đôi mươi có nhan sắc tuyệt vời và thân hình chuẩn mực của một á hậu. V.A thường xuyên đến thăm anh ở nhà Duy Tân. Tiếc thay, cuộc tình chỉ kéo dài chưa đầy năm. Có lần, anh nhờ một người bạn trẻ đưa V.A về. Đến khi biết ra thì quá muộn màng, chàng trai ấy đã mang nàng tiên ra đi không trở lại. Chẳng biết, anh có đau khổ vì mất người yêu hay không, chỉ biết V.A có lần nhắn tin cho anh Sơn khi cô nằm trên giường bệnh, nhưng anh đã không đến thăm. Cuộc tình này chấm dứt để lại cho chúng ta ca khúc. Còn hai con mắt (1990): “Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người, con mắt còn lại nhìn một thành hai, nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ”. Không hiểu anh nghĩ gì khi viết nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ, chỉ biết rằng mỗi lần nhắc đến tên V.A hình như anh có chút chi băn khoăn trong lòng.
Năm 1992, sau khi đi Canada về anh thường lui tới với Hồng Nhung. Cô ca sĩ nhạc pop người Hà Nội với thân hình bé như hạt tiêu dường như làm cho anh trẻ lại. Hồng Nhung chỉ bằng nửa tuổi của anh Sơn, nhưng ngay từ đầu cô vẫn hồn nhiên xưng hô với anh một cách thân mật như người bằng vai phải lứa. Mặc dù đôi khi anh trách yêu cô là “hỗn”, nhưng lại tỏ vẻ rất thú vị.
Khi bắt đầu chuyển sang hát nhạc Việt, Hồng Nhung trình bày ca khúc Hạ trắng với thể điệu rock. Một số khán giả yêu nhạc Trịnh Công Sơn đã bày tỏ sự không bằng lòng vì cho rằng không phù hợp phong cách nhạc Trịnh. Nhưng anh Sơn lại cười hiền hòa: “Chẳng sao, bởi vì Hồng Nhung hát bình thường sẽ không thể nào tranh được với Khánh Ly”. Dù biết là anh chỉ nói đùa, nhưng điều đó chứng tỏ anh rất thương cô gái bé bỏng này. Và có lẽ Hồng Nhung là người ca sĩ duy nhất được Trịnh Công Sơn viết riêng cho đến ba bài hát (Thuở Bống là người, Bống không là bống, Bống bồng ơi).
Tuy rất được yêu, nhưng cũng có lúc Bống làm anh buồn. Hay có lúc Bống đã muốn nhảy lên bờ, bỏ mặc anh đợi chờ dưới suối. Như anh đã viết: “Có một con đường em không đi tới, vui buồn hội ngộ trong kiếp người”. Phải chăng đó là một lời trách móc người bạn bé nhỏ đã không chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời với anh?
Cuối năm 1992, một người tình cũ từ Hoa Kỳ trở về thăm anh: “Người ngỡ đã đi xa, nhưng người bỗng lại về” (Tình nhớ). Dao Ánh vẫn trong tà áo lụa ngày nào, vẫn đôi mắt của nắng thủy tinh, vẫn là đóa hướng dương vô thường, đã làm anh như sống lại với những kỷ niệm xa xưa. Không khác gì ngày xưa, vẫn chọn một chỗ hẹn hò dưới phố. Buổi chiều, anh nhờ các em gái chọn giúp một chiếc sơ mi để mặc đi đến chỗ hẹn. Năm ấy là mùa pháo Tết cuối cùng ở Việt Nam, anh bồi hồi nhìn người yêu trở lại: “Hai mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một đời em đã phụ tôi, bao nhiêu năm em nợ bạc đầu, trả nợ một đời không hết tình đâu.” (Xin trả nợ người - 1993).
Rồi lại bồi hồi nhìn người yêu ra đi về nơi ngút ngàn xa cách. Những cánh thư đi về nối lại chuyện tình hai mươi năm về trước. Lại tiếp tục những cuộc hẹn hò, kéo dài cho đến ngày anh nằm bệnh. Trong số các khuôn mặt người tình, có lẽ Dao Ánh là người anh yêu thương sâu đậm nhất. Phần đông những người cũ khi gặp lại đều đã thuộc về người khác, anh luôn giữ mối tương kính bạn bè. Riêng Dao Ánh đã làm cho tình cảm trong anh sống lại, hai mươi năm vơi cạn lại đầy...
Khánh Ly không có một cuộc tình với Trịnh Công Sơn, nhưng định mệnh như đã gắn liền cái tên cô với tên anh. Cô ca sĩ này đã chân đất giã từ thành phố Đà Lạt để theo Trịnh Công Sơn hát cho sinh viên lúc chỉ hơn 20 tuổi. Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Cô yêu thương anh như một người bạn, một người anh, một người thầy, và cả một người tình. Đôi khi trước mặt những người khác, anh đã la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ cười buồn.
Suốt mười năm bên cạnh anh, Khánh Ly đã trở thành một cái gì không thể tách rời với cái tên Trịnh Công Sơn. Khánh Ly thường nói: “Tuy không một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết tất cả những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Có lẽ vì vậy mà có thể nói cô là một trong những người hiểu rõ nhất từng ca từ cũng như những tâm ý trong một số lớn ca khúc của anh. Sau nam 1975, Khánh Ly rời Việt Nam lang thang khắp thế giới với nghiệp cầm ca, nhưng không lúc nào cô rời bỏ cái tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời mình. Khánh Ly từng nói rằng, cô đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn sau ngày anh nằm xuống.
Đối với Trịnh Công Sơn, anh chỉ thấy Khánh Ly là một gắn bó định mệnh. Hơn mười lăm năm sau mới hội ngộ nhau ở Canada, đối diện với anh Sơn vẫn là Khánh Ly nhỏ bé ngày xưa, luôn luôn yêu thương và kính trọng người anh, người thầy của mình...
Một điều chắc chắn là bất cứ người con gái nào tới với anh, đem đến cho anh dù chỉ một chút tình, anh vẫn nâng niu đón nhận. Ngay cả khi anh đã qua độ tuổi bồng bột mà, như anh thường nói, đôi khi ngồi bên một người đẹp chưa chắc anh đã thú vị bằng ngồi ngắm ánh nắng buổi chiều tà hay cơn mưa phùn buổi sáng, thì vẫn có rất nhiều phụ nữ vì yêu tài mà tìm đến anh.
Anh biết ơn tất cả, bởi bản chất anh là luôn trân trọng hết thảy mọi phụ nữ mình từng quen biết trong đời.
1. 'Năm năm vàng son 1955-60' của VNCH (NT Hưng) 2. Lễ giỗ 53 năm cố TT NĐ Diệm (GNsP) 3.Trở về,đi tới(TK)
1. Nhà văn Nguyễn Đạt-Kỳ 3 (DTL) 2.Bob Dylan, giải Nobel văn chương-Bài I+II (Thụy Mi/RFI) 3."Mưa cực đoan" (Văn Quang)
1.Nhà văn Nguyễn Đạt-Kỳ 2 (DTL) 2.Hà Thành thanh lịch (ĐN)
1.Tác giả Huy Trâm--tiếp theo (DTL) 2.Khoe! (Huy Phương) 3.Nếu trở thành khu tự trị của TQ,VN sẽ ra sao? 4.Tùy bút...
1.‘Những Hàng Châu Ngọc' của Huy Trâm (DTL) 2."Tiếng hát quay tơ" Mai Hương,..(RFA) 3.Hai câu chuyện ..
1.'Những Giọt Mực', một tác phẩm độc đáo (DTL) 2.Hồn Việt nào cho em (NV) 3.Xế chiều rồi ..
1."Đêm dài một đời"...(DTL)2. Hưng khí vương thi, thơ phong thủy (NV) 3.Ông "khói sóng" (DTL)
1."Hành biên cương"..--Kỳ 3 (DTL) 2.Kiếp nạn chiến tranh..qua thơ PN Lư (DTL) 3.Vũ Khanh, tiếng hát của tình yêu và niềm tin (RFA)
1. Biên Cương Hành-P.N. Lư (DTL) 2.Elizabeth Phù-Nữ cố vấn gốc Việt của TT Hoa Kỳ (RFA) 3.Thơ DTL-4.
1. Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang-Bài 1 (DTL)*- 2.Lúa ơi (VOA) 3.Tôi thấy hoang tàn..(RFA)4.
Theo http://www.saungon.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5” Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học...