Đặng Thế Phong:
Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Đặng Thế Phong là một trường
hợp đặc biệt. Ông là một trong rất ít nhạc sĩ tiên phong của thời kỳ tân nhạc
còn phôi thai, chết rất trẻ nhưng kịp để lại cho đời 3 ca khúc bất hủ.
Người viết có may mắn được gặp gỡ hai người biết khá rõ về cuộc
đời Đặng Thế Phong. Đó là nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả ca khúc Gợi giấc mơ
xưa (hiện sống tại TP.HCM) và nhà văn Phạm Cao Củng (gặp cách đây khoảng 10
năm, khi ông từ Mỹ về thăm quê hương, qua sự giới thiệu của họa sĩ Mạc Chánh
Hòa). Theo nhà văn Phạm Cao Củng thì Đặng Thế Phong là một chàng trai rất đẹp,
đàn hay hát giỏi, thích hóa trang thành thiếu nữ trong những vở kịch ngắn. Anh
diễn rất đạt nên ai cũng yêu thích, nhất là phái nữ.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì khẳng định người yêu của Đặng Thế
Phong tên Tuyết. Tuyết không đẹp nhưng có duyên. Cô là con gái một chủ tiệm
buôn bán “gối màn chăn drap” ở chợ Sắt (Nam Định). Vốn tính nhút nhát, Đặng Thế
Phong nghĩ mãi cũng không biết làm cách nào để “tiếp cận” người đẹp. Cuối cùng,
anh vờ làm khách hàng vô hỏi giá rồi… nhét vội vào tay nàng một lá thư. Chẳng
biết nội dung bức thư đầu tiên này mùi mẫn như thế nào mà sau đó cô Tuyết đã cự
tuyệt một anh thông phán trẻ làm việc ở Tòa Đốc lý Nam Định, khi anh này dạm hỏi.
Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng
Trước khi quen và yêu Tuyết, Đặng Thế Phong đã sáng tác ca
khúc đầu tay Đêm thu trong một đêm cắm trại của Hướng đạo sinh (1940). Ca từ của
bản nhạc rất trong trẻo, lạc quan… Còn bản Con thuyền không bến thì
được sáng tác ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) khi tình yêu giữa nhạc sĩ và cô Tuyết
đang độ chín mùi.
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong - Ảnh: Tư Liệu
Một hôm, ông cùng một nhóm bạn văn nghệ sĩ lên Bắc Giang
chơi, nhân đó họ tổ chức một đêm đi thuyền trên sông Thương. Cùng lúc đó, chàng
nhận được tin Tuyết ngã bệnh nơi quê nhà. Lòng dạ bồn chồn, xót xa, Đặng Thế
Phong ôm đàn bước vào khoang thuyền, bỏ mặc các bạn đang đùa vui. Khi đêm sắp
tàn thì bản nhạc hoàn tất với những lời ai oán não nùng gửi về… chân mây: “Đêm
nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây… như nhớ thương ai
chùng tơ lòng…”, rồi “… Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng. Biết bao
buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng…”.
Sớm hôm sau, Đặng Thế Phong tức tốc trở về Hà Nội, người đầu
tiên được nghe chính tác giả hát ca khúc này là người yêu của ông. Cô Tuyết hết
sức cảm động. Chưa hết, chỉ ít lâu sau, Con thuyền không bến ra mắt khán giả thủ
đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển. Từ Nam Định,
cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong, ngay ở
hàng ghế đầu để nghe bài hát “người ấy làm riêng cho mình”. Hạnh phúc còn nhân
đôi bởi chỉ khoảng một tuần sau, tại rạp Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội), cô Tuyết
còn được chứng kiến người mình yêu tự đệm đàn, tự hát ca khúc này mà ánh mắt
luôn trìu mến hướng về chỗ cô ngồi, trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của khán giả.
Trời thu gieo buồn lây
Sau khi từ Bắc Giang về, Đặng Thế Phong đã nhuốm bệnh. Thời
đó, bệnh lao là một bệnh nan y và luôn bị những người chung quanh xa lánh.
Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ở tỉnh không đủ điều kiện chữa
trị, Đặng Thế Phong phải chuyển lên Hà Nội, sống chung với ông chú họ Nguyễn
Trường Thọ trong một căn gác ở làng hoa Ngọc Hà (ngoại ô Hà Nội). Tuy vậy, tình
trạng vẫn không khá hơn chút nào. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay mượn để
chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho tình cảnh của nhạc sĩ càng thêm nghiệt
ngã… Cô Tuyết vì phải phụ giúp gia đình chuyện buôn bán ở thành Nam nên vài hôm
mới lên Hà Nội chăm sóc người yêu rồi lại tất tả quay về.
Tháng 7 mưa ngâu. Cảnh buồn tê tái. Đặng Thế Phong nhớ Tuyết
quay quắt… Nhạc hứng tuôn trào, chàng gượng ngồi dậy, ôm đàn và viết nên khúc
nhạc buồn da diết: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u
buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai
than hờ… Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che
gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu…”. Bản nhạc
được chàng đặt tên là Vạn cổ sầu. Bạn bè góp ý nhạc thì hay nhưng cái tựa bi thảm
quá. Cuối cùng, tên bản nhạc được đổi thành Giọt mưa thu.
Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ ông
Thọ đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc Đặng Thế Phong lìa đời, cô Tuyết lúc
nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm sóc ông, khiến những người quen biết
đều xót xa thương cảm cho một mối tình vô vọng lẫn nể phục tính cách cao thượng
chung thủy của Tuyết.
Tang lễ của chàng nhạc sĩ 24 tuổi ấy được rất nhiều thanh
niên nam nữ của thành Nam tham dự. Ngoài việc đưa tiễn một người con tài hoa nổi
tiếng của quê hương, họ còn muốn chia sẻ và tỏ lòng trân trọng đến với cô thiếu
nữ mặc áo đại tang đi sau linh cữu của chàng (việc này được phép của cả hai gia
đình).
Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại TP.Nam Định. Cha là Đặng Hiển Thế - thông phán Sở Trước bạ Nam Định. Thân phụ Đặng Thế Phong mất sớm, hoàn cảnh gia đình quá túng thiếu, Đặng Thế Phong phải bỏ dở việc học (đang học năm thứ hai bậc thành chung - tương đương lớp 7 bây giờ) để lên Hà Nội tìm kế sinh nhai.
Với chất nghệ sĩ thiên phú và tư chất cực kỳ thông minh, Đặng Thế Phong đã “len” vào được Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (học dự thính). Ở Hà Nội, Đặng Thế Phong vừa học vẽ vừa thực hành để nuôi thân. Ông chuyên vẽ minh họa cho tờ báo Học sinh do nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Phạm Cao Củng làm chủ nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét