Tục ca Phạm Duy kế thừa
Những người yêu nhạc Việt, ai cũng đều quen thuộc với những
dòng nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bản nhạc tiền chiến, nhạc
vàng, tình ca, hùng ca, bé ca, nữ ca, bình ca, qua những bản trường ca đến những
bản Thiền Ca, Đạo Ca… Nhưng nếu chưa một lần nghe qua những bản “Tục Ca” của Phạm
Duy thì đó là một sứ thiếu sót. Trong bài này nêu lên những quan điểm về các lời
hát bị đánh giá là thô tục, phi nghệ thuật. Tuy nhiên thực tế thì Tục Ca lại xuất
phát từ văn hóa dân gian.
Thời kỳ đầu thế kỷ 20, các nhạc sĩ Việt Nam đều lấy nguyên lý
nhạc châu Âu nói chung, nhạc Pháp nói riêng làm cơ sở. Trong bối cảnh đó, có thể
khẳng định Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ tiên phong khởi nguồn phương thức
sáng tác tân nhạc dựa trên âm hưởng dân ca Việt Nam. Điều này có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng, bởi nó đặt nền móng cho một sắc thái dân tộc thực thụ trong khuôn
diện tân nhạc dân tộc. Những tác phẩm của ông hiện vẫn còn nguyên giá trị, sống
mãi cùng với lịch sử âm nhạc Việt Nam. Đáng chú ý, bên cạnh vai trò một nhạc sĩ
sáng tác, Phạm Duy còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc thực thụ. Ông viết nhạc
không chỉ bằng cảm hứng sáng tạo nói chung mà hẳn còn bằng cả sự tính toán, tư
duy lý tính của một nhà nghiên cứu. Có thể vì thế mà chất liệu dân gian trong
các tác phẩm của ông được đánh giá là nhuần nhuyễn hòa quyện với những tinh chất
chắt lọc, chứ không “thuổng” nguyên vẹn từng chuỗi giai điệu cổ nhạc như nhiều
nhạc sĩ khác.
Ở Phạm Duy, có thể tìm thấy những sáng tạo đa diện, từ những
tác phẩm đồ sộ kinh điển thể hiện những vẻ đẹp hào sảng, to lớn, trữ tình đậm
chất thi ca cho đến những tác phẩm thật dung dị, đời thường, điển hình như Tục
ca. Cần thấy rằng ở nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam, yếu tố tục được coi như một
phần của bản sắc dân tộc, có thể tìm thấy trong nhiều loại hình, từ tín ngưỡng
tôn giáo cho đến thơ ca hò vè…
Tục là khi con người bộc lộ những khát vọng mang tính bản
năng, luôn song hành đối trọng cùng mọi lề thói cấm kỵ của xã hội – đặc biệt một
xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo nhiều như Việt Nam. Bàn về các yếu tố tục, ca ngợi,
sáng tạo các giá trị nghệ thuật xoay quanh nó vốn được xem là “chuyện thường”
trong nền âm nhạc cổ truyền. Bởi vậy, các bài Tục ca của Phạm Duy cần được đánh
giá như một sự kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, điều mà ít nhạc sĩ thời
nay dám làm.
Trong bài phỏng vấn ca sĩ Ánh Tuyết dưới đây, cô cho rằng Tục
ca Phạm Duy đi ra từ văn hóa dân gian. Có rất nhiều câu tục ngữ dân gian, truyền
cười dân gian mang yêu tố tục. Hoặc ngay cả trong âm nhạc dân gian, có nhiều
câu chữ cũng tục không thua gì Tục Ca của Phạm Duy. Ánh Tuyết cho rằng dân ca
xưa vốn có nhiều bài trần trụi nhưng rất thâm thúy chứ đâu chỉ có mỗi Phạm Duy
viết Tục ca.
Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy, mảng Tục ca dường
như ít được phổ biến hơn cả dù những gì ông đề cập đến trong mảng này đều gắn
liền với hiện thực xã hội một thời.
Theo nữ danh ca, Phạm Duy viết nhạc muôn màu muôn vẻ, lối nào
ông cũng đi đến nơi. Trong mảng Tục ca, ông đi đến tận cùng cái hỉ nộ ái ố và đến
tận đáy nỗi sâu cay của sự đời. Ông đã khéo léo dùng âm nhạc làm phương tiện phản
ánh quá thật thực trạng của đời sống, của xã hội bằng phong cách trào lộng, lối
châm biếm riêng có. Ai hiểu thì mới cảm thấu, còn không sẽ khó lòng chấp nhận.
Ông viết từ rất lâu nhưng vì ông lột tả quá trần trụi nên người ta khó chấp nhận,
chứ đời thật con người ta ăn nói và làm tục hơn thế.
Những chuyện ông nói trong Tục ca rất người, chính vì thế mà
không ai dám nói. “Tôi cho là ông sống rất thật, rất hồn nhiên, rất hiên
ngang như chính con người ông, ông không sợ ai để phải nói dối hay giấu diếm.
Tôi không đủ sức để nhận xét về ông. Tôi chỉ nói một phần những gì tôi hiểu được
mà thôi”, Ánh Tuyết bộc bạch.
– Chị nghe Tục ca Phạm Duy từ khi nào?
– Từ ngày nhỏ, khi các anh lớn hát, tôi đã nghe. Những bài đó
chỉ để truyền tai nhau thôi. Người Việt mình đến giờ cũng còn ngại lắm. Ở nước
ngoài họ sẵn sàng hát đúng thực trạng, hát càng rõ sự thật thì họ thích. Gần
đây tôi mới nghe trên mạng. Đúng là có bài tôi mới nghe thì giật mình vì chưa
quen (cười), bình tĩnh nghe kỹ thì mới ngấm nỗi ý sâu xa. Tôi phải thừa nhận
ông giỏi, như thế cũng viết được, cũng đưa vào âm nhạc được, và ông hát một
cách rất rõ ràng, thật tự nhiên, không ngần ngại. Đúng là, cái tục mà ông đưa
vào âm nhạc để ca nó thành thoát tục, thành lẽ thường như mọi thứ trong đời
thôi. Nếu trong đầu ta có tạp ý sẽ không ca được như ông.
– Nhận xét chung của chị về loại nhạc này là gì?
– Nhiều bài cũng giống những câu hát dân gian, theo kiểu xẩm
và rất đời thường, không có gì lạ tai cả.
– Nếu hát Tục ca của Phạm Duy, chị sẽ chọn bài nào?
– Không! (cười) Tôi chưa có ý nghĩ đó. Vì người Việt Nam mình
chưa chấp nhận được cái cách dám nói của Phạm Duy dù sự thật trong đời thường
còn hơn thế, đa phần con người ta không quen nghe nói thẳng việc họ làm…
Thực ra trong dân gian Việt Nam từ thời xa xưa đã có. Ví dụ:
Con Đương trong hô bài chòi ở Quảng Nam có chuyện con cu (con chim cu) của ông
nọ qua nhà bà hàng xóm ăn vụng bị bắt, bị đè đầu định nhổ lông, nên có câu hát:
Con cu tui hắn ăn đậu ăn mè/ Chớ ăn chi của chị/ Mà chị đè con cu tui. Hay bài
Con Hương: Lấy chồng từ thuở 13, chồng chê em bé không nằm với em/ Đến năm mười
tám, đôi mươi, em có nằm dưới đất chồng cũng lôi em lên giường/ Lên giường chồng
nói chồng thương. 1 anh thương, 2 anh thương, 3 anh thương, 4 anh thương/ Chớ
anh thương chi hung rứa cho bốn cái cẳng giường hắn rung rinh/ Ớ bạn mình ơi…
Dân ca Việt Nam từ xưa vốn đã có những bài rất trần trụi
nhưng lại rất thâm thúy. Chứ đâu chỉ có mỗi Phạm Duy viết Tục ca.
– Mảng Tục ca của Phạm Duy không phổ biến công khai nhưng lại
có sức lan tỏa riêng. Nhiều người cho rằng nó còn phổ biến hơn Thiền ca, Đạo ca
của ông, chị nghĩ sao?
– Thực ra Thiền ca, Đạo ca của ông nhiều người đã nghe đã hát
nhiều rồi. Kể cả những người bên Công giáo hay Phật giáo cũng đã nghe và hát
nhiều rồi. Tôi cho là dù Tục ca hay Đạo ca, nhạc sĩ Phạm Duy đã tu tới cảnh giới
mà mình khó tới được. Mọi hình ảnh ông đều “tu” tới nơi tới chốn. Quá giỏi!.
Mời bạn nghe qua 10 bài Tục Ca (cấm trẻ em dưới 16 tuổi)
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét