Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Xuân Quỳnh, đã yên ngày thác lũ

Xuân Quỳnh, đã yên ngày thác lũ
Trong thơ tình, tình yêu là kẻ chiến thắng sau cùng. Chứ không phải lý trí, đạo đức, chính trị hay lịch sử. Bao giờ và ở đâu cũng thế.
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại
Mặt khác, thơ trữ tình là đời sống riêng tư. Là tiếng nói thầm của bạn. Ngay cả khi có người thứ hai đối diện, thì người ấy cũng im lặng. Xuân Quỳnh có nhiều phút riêng tư như thế. Bài thơ của chị mong đợi người đọc nghĩ đến các hình ảnh cụ thể hơn, ngay cả khi nó dùng một ngôn ngữ có tính khái quát và trừu tượng. Chúng ta đọc tác phẩm văn học, sản phẩm của trí tưởng tượng, là để hiểu biết nhiều hơn về thế giới hiện thực, thỏa mãn sự khao khát tri thức và nhu cầu biểu hiện của các xúc động. Điểm đặc sắc là trong khi thơ trữ tình là tiếng nói riêng của nhà thơ, đó cũng là tiếng nói của người đọc, tâm tình kín đáo của họ. Một số thể loại văn học như nhật ký, hồi ký, tùy bút chia sẻ phần nào tính chất này, tuy nhiên chỉ có thơ trữ tình là tối ưu hóa khả năng giao thoa, tương tác ấy.
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Một bài thơ hay thường có điểm sáng, như từ một khung cửa sổ, một kinh nghiệm hoặc một ý nghĩa chiếu rọi lên cả bài thơ, trang sách. Ở điểm sáng ấy, có sự mất cân bằng giữa một hoàn cảnh khó khăn, tối tăm và tình yêu lãng mạn, giữa hiện thực chiến tranh hỗn loạn và cảnh sắc tâm hồn, hay tâm cảnh. Vào những khúc quanh ấy, hay điểm sáng ấy, giọng thơ thay đổi, tiến độ của bài thơ gấp lên hoặc trầm hẳn lại, chuyển đổi một tình huống khách quan thành một kinh nghiệm cá nhân. Quá trình nội tâm hóa ở Xuân Quỳnh là mạnh mẽ.
Mấy năm rồi, thơ em buồn hơn
Áo em rộng, lòng em tan nát
Những bài hát ngày xưa em vẫn hát
Thơ trữ tình không khẳng định một chuyện gì, không mang lại tin tức nào, không thuyết phục, chỉ trình bày, nhưng chính điều ấy làm thay đổi người đọc.
Emily Dickinson: bạn hãy nói sự thật, nhưng nói thấp thoáng thôi.
Tell the truth, but tell it slant.
Nhiều người làm thơ hiện nay không biết đến nguyên tắc giản dị ấy. Sao áo em lại rộng?
Sao em vẫn hát bài hát ngày xưa khi lòng tan nát?
Chị nói thế để làm gì?
Trong một số tình huống, nhu cầu được sống trong môi trường trật tự, mặc dù có thể mất tự do, lớn hơn nhu cầu được sống tự do. Trong một xã hội như thế, người nghệ sĩ là tiếng nói đầu tiên của hai khát vọng tự nhiên, khát vọng bình an và khát vọng tự do. Đó là hai nhu cầu xung khắc nhau.
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc
Xuân Quỳnh đồng hóa mình với những tình cảm thân mật và thiêng liêng như tình nam nữ, tình gia đình. Chị ở giữa độc giả, tương tác với họ trong khoảng cách gần, vì vậy những thế hệ sau vẫn còn có khả năng đọc lại chị như người đương thời. Tuy thành thực và bình dân, nhà thơ thường ý thức về lời nói của mình, ấn tượng của nó mang lại cho người đọc, sự cam kết của chị đối với xúc cảm. Thơ dung chứa những giấc mơ, ảo giác và những ẩn dụ xuất hiện như ảo giác. Xuân Quỳnh nhấn mạnh đến ấn tượng ban đầu và những suy nghĩ day dứt về sau, nhờ thế thơ chị có một vẻ quyến luyến lạ.
Thôi đừng buồn nữa anh
Tấm rèm cửa màu xanh
Trang thơ còn viết dở
Tách nước nóng trên bàn
Và lòng em thương nhớ
Ngôn ngữ giản dị, gần như dân gian, mà trầm tư, sâu sắc. Quyền năng của một nhà thơ là ở lòng tin của người đọc, tức sự thành thật của người viết. Thơ chị không chỉ nói về hạnh phúc mà còn về thách thức và lầm lỗi, được nói lên một cách dịu dàng nhưng mạnh mẽ. Đó là khuynh hướng mô tả pha lẫn suy tưởng, khuynh hướng thường gặp ở các nhà thơ sau lãng mạn. Bài thơ là hình ảnh xoay quanh một suy tưởng chủ đề, tuy vậy đôi khi cũng có những hình ảnh không thể giải thích: tự chúng xuất hiện.
Và bỗng nhiên em lại bơ vơ
Tay vẫn vụng, trán dô ra như trước
Đối với nhiều người như tôi, thơ Xuân Quỳnh ở quá xa trong thời gian và không gian, thuộc về một lịch sử khác, một văn hóa khác (1). Nhưng càng đọc bạn càng thấy gần lại. Chị nói về thời gian:
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ em là đã khác với em xưa
Thời gian là thước đo, là chiều kích của mối quan hệ giữa người làm thơ và người đọc. Người làm thơ sống dưới vùng trời khác, sinh ra trong gia đình khác. Người đọc thơ đi lại, nói năng trên mảnh đất khác, giữa bạn bè riêng, lịch sử khác. Những kiến thức và suy luận không mấy khi giúp họ đến gần nhau, nhưng sự xúc động, nỗi hồi hộp vui sướng, cảm giác bất an mơ hồ: chúng làm được điều ấy.

Em ở đây không sớm không chiều
Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng
Trái tim buồn sau lần áo mỏng
Từng đập vì anh vì những trang thơ
Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho mình em đau đớn
Nhận thức về người khác và tự nhận thức là điều đáng ngạc nhiên trong thơ Xuân Quỳnh, với lối nói nửa trau chuốt nửa không. Từ trong vòng vây ràng buộc của không gian và cái chết, nhà thơ truyền cho người khác kinh nghiệm của đời sống riêng. Nếu thời gian là sự chiêm nghiệm giữa một người và một người thì không gian là tương tác giữa một người và người đương thời, bạn bè, đất nước. Không gian ấy có thể nhỏ bé, nhưng tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử, những mất mát được ghi lại lặng lẽ, kín đáo, khiêm tốn: sự khôn ngoan của các chi tiết, trong thơ ngày nay chúng ta ít thấy.
Tuổi thơ con có những gì
Có con cười với mắt tre trong hầm
Không gian ấy bất tận, vì chính là thiên nhiên mà từ đó chị lớn lên. Thiên nhiên không phải là đối tượng của Xuân Quỳnh: muốn nói về thiên nhiên thì phải tách rời ra khỏi nó, nhìn ngắm nó như một thực tại tương đối biệt lập.
Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
(Anh Thơ)
Chị cũng không tìm cách trở về thiên nhiên như các nhà thơ lãng mạn thời trước ở thành thị. Có hai khuynh hướng trong thơ trong mối quan hệ giữa nhà thơ và thiên nhiên, một, khuynh hướng tự đồng hóa với thiên nhiên, và hai, khuynh hướng xem thiên nhiên là môi trường của những mối quan hệ, là nơi ký gởi thông điệp. Đọc Xuân Quỳnh, chúng ta nhận ra cách đây nhiều thập niên, mặc dù trong chiến tranh, xã hội mà chị sống khá trật tự, an bình. Trong ký ức của tôi, xã hội nơi tôi lớn lên cũng an bình như thế, ngay giữa lửa đạn; và tôi cũng ngạc nhiên về nhận xét này.
Ngọn gió đông làm má ửng hồng
Giữa đường cày con sáo đứng bâng khuâng
Hình ảnh con sáo đứng đó lâu dài, in bóng lên nền trời là một cảm thức hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, và trên hậu cảnh ấy sự xa cách như những nhát cắt lúc nào cũng mới, đau đớn.
Ngờ ngợ bóng ai xa
A! đúng rồi bóng cha
Tôi ôm người nức nở
Thơ như thế chưa phải là thơ hay, nhưng có thể làm người ta xúc động. Đó là giọng thương cảm mà các nhà phê bình đương đại phương Tây chê trách, nếu không muốn nói là chế nhạo. Nhưng tôi tin rằng có thể có quy luật tình cảm riêng biệt. Bởi vì lúc khác, chị biết nén lại, khiến cho tâm sự có sức tỏa xa, trong câu thơ giản dị:
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vệt chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền rau dệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc cho mình
Rồi úp mặt trên bàn tay khóc mẹ (1)
Câu chuyện cuộc đời riêng của chị thật xúc động.
Sự không thỏa mãn đối với nhu cầu tinh thần phát sinh cô đơn. Xuân Quỳnh là người cô đơn, mặc dù có thể trong đời thực, chị sống yêu thương, chan hòa với người khác. Cô đơn đến nỗi khi muốn vui, muốn đến bên nhau, chị đâm ra cuống quít vụng về:
Tay ta nắm lấy tay người
Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua
Tình yêu là động lực lớn chi phối cảm hứng thơ ca của Xuân Quỳnh. Tình yêu ấy đi qua một đất nước như thế này:
Những đường ray chìm trong cỏ dại
Những nhà ga lau sậy um tùm
Ngôn ngữ thơ là tập hợp một cách có tổ chức các chữ và các yếu tố âm nhạc. Tính chất âm nhạc trong thơ Xuân Quỳnh tạo ra mật độ liên kết cao giữa chữ và nghĩa, giữa bài hát và câu chuyện kể. Có một trái tim thiết tha đến tội nghiệp đập dưới những câu thơ đầy nhạc điệu của chị. Có một cân bằng được cố g ắng thiết lập giữa điều chị biết và điều tiên đoán, mong manh. Nhờ sử dụng thể thơ có vần trong nhiều bài, có lẽ tác giả không phải phân vân nhiều giữa các chọn lựa nhạc điệu. Tuy vậy trong một số bài, vẫn có một âm nhạc riêng.
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang.

Câu thơ trên trang giấy là một tồn tại trong không gian nhưng cũng là một tồn tại trong thời gian. Người đọc có một khoảng cách và thời gian để đi đến với nó. Trong những câu thơ đều đặn, có vần, không gian và thời gian ấy có thể tiên đoán. Một nhà thơ làm thơ tự do có nhiều khả năng hơn một nhà thơ làm thơ có vần trong việc nới rộng không gian và thời gian của mình, ngược lại một người như Xuân Quỳnh, cần phải đào sâu hơn vào ngôn ngữ trong giới hạn cho phép: họ cần một nghệ thuật dùng chữ cao cường. Dưới áp lực ấy, các nhà thơ làm thơ có vần thường tạo ra những câu thơ đặc sắc.
Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:

"Thuyền Và Biển" là một một bài thơ tình có yếu tố tự sự. Trong thơ Việt Nam, trước bài này chúng ta có Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Hai sắc hoa ti gôn của TTKH, Màu tím hoa sim của Hữu Loan vân vân, đều là những câu chuyện tình được kể lại bằng thơ. Tuy nhiên, Thuyền và Biển còn là một đối thoại, và ẩn dụ của nó có thể lớn hơn tình yêu, không chỉ dừng lại ở mối quan hệ nam nữ. Vẻ đẹp của bài thơ về mặt ngôn ngữ là cổ điển, về mặt nội dung là táo bạo. Sức mạnh của người đàn bà, của em, trong bài thơ được nhắc đến rõ ràng. Bài thơ là sự nối kết của ký ức và hiện tại. Trừ một vài đoạn đầu hơi dài dòng, chị đã làm cho bài thơ trở thành mẩu đối thoại sôi nổi, chuyện tình dào dạt mà nghiêm trang, có trước có sau mà buông thả, dũng mãnh.
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.

Do chiến tranh, chia cắt và hoàn cảnh xã hội, hai mươi năm văn học miền Nam và hai mươi năm văn học miền Bắc, có lẽ ngoại trừ Nhân văn Giai phẩm, là hai thực thể khác nhau. Ít có điểm chung. Ngoại trừ thơ tình. Trong thơ tình, người Việt tìm thấy nhau, soi chiếu vào nhau. Xuân Quỳnh là một trường hợp như vậy. Sức viết mạnh mẽ, nhiều tâm trạng thay đổi, đề tài giàu có, Xuân Quỳnh cần thêm thời gian để làm phong phú các từ vựng, biến đổi các giọng điệu, đưa nhiều câu chuyện của người khác hơn nữa vào trong thơ mình. Làm cho trữ tình cá nhân trở thành trữ tình xã hội. Một số bài thơ của chị gây cảm giác kêu gọi, căng thẳng, tạo ra không khí sôi động. Ngoại cảnh và nội tâm gặp nhau, nhìn nhau, nghĩ về nhau.
Ở các cô, các cô âm thầm chịu đựng
Cho đến ngày tình yêu ấy tắt đi.
Còn ở tôi, tôi mang nó nặng nề
Muốn nguôi quên, nó lại ngày càng lớn

Nghệ thuật chống lại thời gian. Khi một cá nhân thỏa mãn với hiện tại, đời sống của người ấy không thể tiếp diễn. Sự quan sát của nhà thơ đối với hiện thực không bao giờ là cái nhìn của người hài lòng. Sự bất công, các tai nạn, sự bất cẩn, sự không may mắn, tính chất tạm thời của hạnh phúc, hủy hoại và làm mới lại. Đối với tác phẩm nghệ thuật, mục đích của đời sống có khi không quan trọng bằng hành trình của đời sống ấy. Điều hôm nay ta nói, ngày mai
Người khác lại nói lời yêu thuở trước
Đời sống chẳng vô cùng, em biết
Câu thơ đâu còn mãi ngày sau

Thơ chị, một cách can đảm, đến gần việc mô tả các rối loạn, những chấn thương bắt đầu được nhận ra sớm. Sự buông thả ở Xuân Quỳnh là có giới hạn, dù sao chị cũng thuộc về thế hệ cũ. Ngay cả trong xã hội miền Bắc thời chiến tranh, nơi người phụ nữ phần nào đã được giải phóng khỏi các ước chế ngàn năm, gánh nặng của quá khứ hãy còn nặng; và quan hệ giữa người nam và người nữ vẫn là quan hệ không bình đẳng:
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày

Xuân Quỳnh không phải là nhà thơ nữ quyền, còn lâu chị mới chạm tới điều ấy, nhưng chị biết tạo lập những cân bằng tạm thời giữa một bên là vai trò truyền thống của người phụ nữ một bên là những đòi hỏi tự do, mặc dù chỉ là tự do trong tình yêu, và ít khi vượt ra ngoài giới hạn ấy. Thơ tình là giây lát ngắn ngủi trong cuộc đời, ở đó hạnh phúc và khổ đau ở vị thế cân bằng, nhà thơ đứng ở cánh cửa mở ra hai thế giới, một bên là tình trạng hỗn độn, một bên là bình an, và ở đó ngôn ngữ của chị trở nên trong sáng, trong sạch lạ lùng.

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Có niềm an ủi ở con người nhận ra mình không phải là kẻ đơn độc, chia sẻ với đồng loại những kinh nghiệm cá nhân, tình yêu và sợ hãi, dự cảm về tương lai. Cảm giác bất an, không những chỉ về khía cạnh thực tiễn của đời sống như cơm ăn áo mặc, bệnh tật và cái chết, mà còn là ám ảnh của các giấc mơ, mục đích, sự hài lòng. Sự lo âu có thể là một nỗi sợ hãi đến bất thường hay những ám ảnh lặp đi lặp lại.
Dường như đây, tôi có nỗi buồn
Có hạnh phúc, có một thời thơ bé
Có khát vọng những năm còn rất trẻ
Tôi thuộc từ ngọn cỏ đến nhành cây

Nhạc điệu reo vui, mừng rỡ. Người đọc thơ hôm nay khác, bớt xúc cảm, nhiều trí tuệ, nhưng thơ Xuân Quỳnh vẫn đọng lại vì mỗi câu của chị truyền đi một ý nghĩa. Đừng quên rằng trong một số bài thơ, nhân vật chính không phải là tác giả, người nói không phải là nhân vật. Các phương tiện tu từ, nhân cách hóa, ẩn dụ, tượng trưng được chị sử dựng nhiều, một cách ý thức hay vô thức. Sự tiếp nhận đối với thơ Xuân Quỳnh là dễ dàng hơn so với nhiều nhà thơ khác, cùng thời hoặc hiện nay, một phần vì sự tương họp giữa thông minh dí dỏm và chất nhân hậu, giữa tình yêu cuồng nhiệt và trí tuệ sắc sảo.
Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.
Tên mình ai gọi sau vòm lá,
Lối cũ em về nay đã thu.
Mây trắng bay đi cùng với gió,
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,
Thơ viết đôi dòng theo gió xa.
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,
Ai biết lòng anh có đổi thay?
Thơ không mới, nhưng ngôn ngữ đẹp, tình cảm chân thật, hoài niệm về hạnh phúc, và cố gắng của chị tìm cách vượt qua quá khứ. Như vậy sự khó hiểu nếu có trong việc đọc thơ Xuân Quỳnh không phải ở sự mô tả hiện thực mà ở sự vượt qua. Có hai giọng nói trong bài thơ, giọng của người nữ trẻ và giọng của người lớn tuổi, lập lại. Câu chuyện dẫn chúng ta đi qua hai thế giới cùng lúc: thế giới của xúc cảm và của ngoái nhìn. Bài thơ hay nào cũng mời gọi sự đọc nhiều lần, mỗi lần đọc mang cho người đọc kiến giải riêng. Điều này thoạt nhìn cũng tựa như khái niệm đa nghĩa, nhưng thực ra chúng có khác nhau. Không phải bao giờ tình yêu cũng chiến thắng số phận. Sự hoang mang, lo sợ, bồn chồn ám ảnh thường trực. Cảm giác thua cuộc của tình yêu trước bão tố. Nhưng trong thơ chị, không có niềm bi quan đắng chát, không có thua cuộc vĩnh viễn. Nỗi đau buồn nếu có bao giờ cũng ngắn hơn cảm giác hồi phục. Một trong những thành công lớn nhất của Xuân Quỳnh là trong khi vẫn thuộc về hệ thẩm mỹ của những năm sáu mươi và bảy mươi, ở miền Bắc thời chiến tranh, và trong khi nặng về giọng xúc cảm, mà sự hồn nhiên rõ ràng là một trong những gốc rễ, trong nhiều bài chị vẫn tránh được tính cảm xúc quá đáng, tránh véo von khóc lóc. Thơ chị không ngại dùng tính từ và trạng từ, nhưng cách dùng của chúng gọn gàng, chính xác.
Chẳng có gì để em nói về em
Em chỉ thấy em là người có lỗi
Đôi khi chị có một bài thơ rất buồn, và chị giữ cho giọng điệu buồn bã ấy đến gần cuối, nhưng sự đau khổ vẫn không làm nó sụp đổ.
Lại bắt đầu từ những trang giấy trắng
Lại ngọn đèn, màu mực những câu thơ
Lại nhịp đập bắt đầu, tim rạo rực
Trước biết bao nao nức với mong chờ

Xuân Quỳnh hình như không có bất kỳ ý định nào trong việc làm mới thẩm mỹ và phương pháp nghệ thuật. Chị hoàn toàn thuộc về dòng văn học hiện thực thời ấy, nối dài sau năm 1975, với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của nó, nhưng trong một không gian không rộng lớn lắm, vừa đủ, cánh chim thơ ca vẫn bay lượn. Tiếng hót của nó đủ sức mê hoặc người đọc nhiều năm sau, vì tính chân thực. Chân thực không phải bao giờ cũng là đức tính của thơ ca, nhưng ở Xuân Quỳnh, điều ấy là yếu tố chủ đạo làm nên xúc động. Thật khó khăn để tách rời ngôn ngữ và xuất thân của một tác giả, để tách rời khuôn mặt dịu dàng khả ái và bàn tay thô ráp của chị, như được tả, để tách rời giá trị thơ ca và cái chết đau thương huyền thoại. Những giây phút tỉnh thức chiếu sáng trong thơ nhắc chúng ta nhớ về sự tồn tại của điều kiện khác, những người khác, như đối với thơ trữ tình là hoàn cảnh khách quan. Một tác phẩm văn chương bao giờ cũng có điểm nhìn rõ ràng, nhưng đó là điểm nhìn thay đổi, không cố định; chính sự thay đổi này làm nên tính chất cần đọc lại của tác phẩm. Tôi thiết nghĩ, thơ Xuân Quỳnh cần nhiều hơn nữa những khoảng im lặng. Những khoảng dừng.

Anh có nghe hoa rơi
Quanh chỗ mình đứng đó
Hai câu thơ giản dị, đẹp như haiku, mà vẫn đúng chất Xuân Quỳnh. Tuy nhiên chị đã quên dừng lại, và vì vậy:
Hoa ơi sao chẳng nói
Anh ơi sao lặng thinh
Đốt lòng em câu hỏi:
"Yêu em nhiều không anh?"
Chị trở nên nhiều lời và cũ.
Xuân Quỳnh không đặt ra những câu hỏi siêu hình, không để lộ băn khoăn về vai trò của thơ ca đối với cuộc đời. Như một người tự đối thoại, không cần biết ai lắng nghe, chị nói bằng giọng tự đáy lòng. Nói cách khác, chị đi tìm giọng nói của mình không mấy khó khăn. Đối với nhiều nhà thơ, phải mất nhiều năm trời, mới có thể nhận ra chất giọng thực trong sáng tạo. Sự dễ dàng ở chị cũng có cái giá: chất giọng quý, tự nhiên, thì khó thay đổi. Trong thơ trữ tình, giọng nói là của tác giả. Nhờ thế, nhà thơ có thể dùng một ngôn ngữ tinh khiết của thơ ca. Tuy nhiên ngay cả như thế, thì chất giọng tinh khiết ấy vẫn chỉ là giọng thơ ca chứ không phải giọng cá nhân. Mặt khác, giọng thơ ca không phải chỉ của một người, nó phức tạp hơn và là kết quả của tương tác giữa tâm hồn nhà thơ và nhiều yếu tố như truyền thống, văn hóa, xã hội, điểm nhìn. Nó liên quan đến từ vựng và ngôn ngữ, và kinh nghiệm sống. Ngoài ra, giữa kỹ thuật và tay nghề cũng có khác biệt. Càng viết về sau tay nghề của nhà thơ càng lên cao, nhưng kỹ thuật mà Xuân Quỳnh áp dụng cho từng bài không có nhiều thay đổi. Thơ tình dĩ nhiên là nói về quan hệ nam nữ, nhưng tôi ít thấy nhà thơ nào hay xác lập các quan hệ song đôi nhiều như Xuân Quỳnh.
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ 
Ám ảnh về quan hệ đôi khiến chị không thể không lập lại. Vẫn hay, nhưng có hơi dễ dãi:
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ 
Vì vậy nhiều bài thơ của chị tựa như bài hát: trong ca khúc, ngôn ngữ không cần chặt chẽ lắm. Tính thơ và tính nhạc không phải khi nào cũng đi với nhau. Có hai mô thức của thơ tình, một về hạnh phúc, một về khổ đau. Trong mỗi bài thơ có thể thấy được cả hai, thể hiện bằng sự thương thân. Nhờ khuynh hướng tự thương thân, chị nhận ra chi tiết nhỏ trong đời sống hàng ngày, nhặt chúng lên trong tay, hoa lá, cỏ cây, giọt mưa, hạt lúa. Trong thơ chị, không gian là người đàn ông, thời gian là người đàn bà. Nam giới là huyền thoại, là xã hội công nghiệp, nữ giới là hồi tưởng, là bền vững, kế tục. Bằng hồi tưởng, người nữ tự ý thức về mình. Khả năng này rất mạnh ở Xuân Quỳnh, biểu hiện trong thơ của chị dưới dạng thức trầm tư (meditative). Con người vừa sống vừa suy nghĩ, có khi sống nhiều hơn, có khi suy nghĩ nhiều hơn. Dạng thức trầm tư trong thơ Xuân Quỳnh làm thời gian của chị trôi chậm lại, làm cho người nữ trong thơ trữ tình tiến gần về phía người đàn ông, giúp nhà thơ dự vào quá khứ và tương lai. Cần chú ý rằng trong khi thơ trữ tình hiện thực hướng nhiều vào tương lai thì phong cách trầm tư của Xuân Quỳnh giữ chị lại phía bên này quá khứ và nữ tính cổ điển. Thời gian trong thơ chị chưa phải là thời gian hiện tại và hiện đại, chị chưa tự đánh mất chính mình, vì thế bao giờ cũng trở lại được với các biên giới hiện hữu. Và vì thế, người đọc cảm nhận một điều gì mong manh, đáng thương mà nhân từ. Dễ hiểu là chị có khả năng làm thơ cho trẻ con. Nhưng nhiều khi nhà thơ cũng không tránh khỏi thuyết giảng:
Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:
Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng
Lòng tốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự Người hơn
Triết lý không phải là sở trường của Xuân Quỳnh.
Và sáo cũ, nhất là khi chị viết về chiến tranh, có lẽ vì không phải từ kinh nghiệm cá nhân trực tiếp:
Bạn bè tôi vừa qua
Ai còn và ai mất
Thương tấm áo bà ba
Tấm khăn rằn phơ phất
Thậm chí hơi vụng:
Đừng có đợi - hỡi cô gái Mỹ
Hắn chết rồi - tháng tám mồng năm
Người yêu cô - thằng giặc phi công
Chúng tôi bắn rơi, hắn không về nữa

Có một nỗi khao khát mong chờ mãnh liệt trong thơ Xuân Quỳnh, đôi khi được đè nén xuống và trở thành nỗi ao ước của thiên nhiên, vẻ đẹp của mùa màng. Chúng ta nhận cuộc đời như một món quà và đến lúc phải trả lại. Tiếng nói trong thơ chị thực ra không phải dành cho công chúng. Đó là tiếng nói thầm, nhắn nhủ cho chính mình, nhắc nhở về nguyên vẹn. Có một nhịp điệu dồn dập như thể giữa các câu thơ là hơi thở ấm áp của người đàn bà yêu đời. Tuy thế, chị không hoàn toàn thu kín lại. Thơ là căn phòng cửa hé mở, hiếu khách. Tự do mà chị dành được là thứ tự do gần như siêu thực.
Dù cùng một thời gian, cùng một không gian
Ngoài cánh cửa với em là quá khứ
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu.
Hình như đây là bài thơ cuối cùng của Xuân Quỳnh, được viết vào tháng 6 năm 1988, trước tai nạn thảm khốc của chị và Lưu Quang Vũ. Niềm ao ước được sống hạnh phúc, được cứu rỗi, sự lo lắng trước những trắc trở của đời, lời cầu nguyện, khúc bi ca trước linh tính về kết thúc. Trong một bài thơ có cả giọng điệu ca tụng và lời kêu gọi cảnh giác, có giọng bổng và trầm.
Người mới đến những nơi tôi từng đến
Lại con đường vạt cỏ tuổi mười lăm
Lại hàng cây nghe tiếng thì thầm
Lời thành thật, dối lừa trên ghế đá
Nào hạnh phúc, nào là đổ vỡ
Tôi thấy lòng lo sợ không đâu

Hình tượng thơ gồm nhiều loại, nhưng quan trọng hơn cả là hiển dụ (simile) và ẩn dụ (metaphor), cả hai đều thuộc nhóm so sánh. Xuân Quỳnh sử dụng tài tình các ẩn dụ: 
Chỉ có thuyền mới biết
Biển mênh mông dường nào
Chị cũng dùng nhiều các so sánh hiển nhiên:
Tình ta như dòng sông
Chị có thể dùng cả hai phương pháp một lúc, và trong trường hợp này, sự hỗn hợp đôi khi làm hình ảnh yếu đi:
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ 
Khối lượng từ vựng (diction) của Xuân Quỳnh giới hạn. Tôi không chắc lắm chị chịu ảnh hưởng của ai, nhưng dấu ấn của thơ tiền chiến và các nhà thơ hàng đầu đương thời không rõ. Có vài câu như thơ của học trò: 
Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng
Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu
Cái ấy cũng bình thường, nhiều nhà thơ mới viết cũng bắt đầu thế. Có điều lạ đối với tôi là chị thường trở đi trở lại với chúng, ngay cả khi đã viết những câu giản dị mà diễm tuyệt.
Sao mẹ chẳng sinh con ở dưới những cơn mưa
Lại sinh con nơi đảo khô cằn thế 
Giản dị là gì? Là phức tạp nhân đôi. Nếu được sống và viết lâu hơn, nếu được tiếp xúc nhiều hơn với các nền thơ khác, cách tân hơn, bay bổng hơn, thơ chị sẽ còn nhiều khám phá thú vị. Khi nào chị từ bỏ trường hiện thực cổ điển và bước sang giao tiếp thẩm mỹ có tính tượng trưng, thơ chị vượt lên: 
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Thực ra bất an và sợ hãi cũng là nguyên nhân của sáng tạo. Một bài thơ tình không nhằm giải quyết những tiến thoái lưỡng nan của đời sống, không mang lại câu trả lời cho những vấn đề trước mắt, nhưng trong thời kỳ đặc biệt, chiến tranh, tan vỡ, ngục tù, đàn áp, đó là chiến thắng của con người chống lại sự tán loạn. Thái độ cởi mở, tính hồn nhiên giải phóng con người khỏi mặc cảm và sự vâng lệnh tầm thường vốn phổ biến trong xã hội của Xuân Quỳnh.
Có thể là ngọn gió
Lá rào rào nước rơi
Hay một cánh chim bay
Thủy triều lớn đang ngập tràn khắp bãi

Tính trực tiếp của ngôn ngữ cho phép người đọc thu nhận về phía mình nhiều hơn một văn bản, bởi vì một ngôn ngữ trong sáng vừa chứa đựng sự xác định và sự bất định. Sự gặp gỡ những cái chưa biết, những điều huyền bí tuy hãy còn ít trong thơ Xuân Quỳnh, nhưng chúng ngày một trở thành.
Tiếng thì thầm lan mãi đến xa xôi
Có lẽ nào cây đã nhận ra tôi?

Xuân Quỳnh chưa ở vào thời kỳ mà nhiều giá trị tan rã như hiện nay. Những dấu hiệu của nó, sự tan rã ấy, có lẽ mới chỉ bắt đầu được nhận ra bởi vài người sắc sảo nhất vào thời ấy. Tuy nhiên, nhờ linh cảm riêng của phụ nữ, chị nhìn thấy tác động của đời sống mới làm biến dạng tình yêu và quan hệ xã hội. Bài thơ của chị biết suy nghĩ.
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em 
Truyền thống, mà mới. Ngay cả mới như Minh Đức Hoài Trinh ở miền Nam cũng dùng phải đến nghệ thuật ám chỉ:
Người ấy đi về xứ
Chim kia bay về xứ
Đại dương trôi về xứ
Gió cuốn lá về xứ

Bốn câu thơ mềm mại nhưng ác liệt. Còn phong cách Xuân Quỳnh: thùy mị, thu mình, nghĩ về anh trước, nghĩ đến em sau. Thật ra, theo kinh nghiệm của tôi, sự khiêm tốn ở người nữ chưa hẳn là khiêm tốn: nó cao hơn. Có khi chị chạm vào kho tàng văn xuôi:
Đêm đầu tiên tôi trở về quê cũ
Chưa thấy mặt người thân, chưa gặp được xóm làng
Đọc một số nhà thơ nữ cùng hoàn cảnh với chị hoặc sau đó một thế hệ, như Lý Phương Liên, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi có ấn tượng về truyền thống nhẫn nại, ít bộc lộ tính cách cá nhân góc cạnh, mạnh mẽ, như: 
Chúng ta là những người nữ xinh đẹp
Xinh đẹp hơn mọi loài trên trái đất

(Nhã Ca)
Ngược lại, họ trong trẻo, bồi hồi. 
Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.
Tên mình ai gọi sau vòm lá,
Lối cũ em về nay đã thu

Có phần nào giống với lãng mạn Thơ Mới.
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?
Câu trước toàn hảo, câu sau thông thường; và ngoài câu cuối đó ra, bài Hoa Cỏ May gần như tuyệt bích, là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Quỳnh. Trong thơ, thông tin nén chặt so với ngôn ngữ thường ngày, nhưng chính toàn bộ bài thơ, chứ không phải chỉ thông tin, làm nên năng lượng của nó. Đó là thứ năng lượng tràn ra khỏi biên giới của ngôn ngữ, xét về phương diện ý nghĩa.
Có chăng ảnh hưởng của thơ Lưu Quang Vũ lên Xuân Quỳnh và ngược lại? Họ giống nhau ở lối đi vào chi tiết một cách thi vị, ở tình cảm lắng sâu, mô tả lược giản. Lưu Quang Vũ, trong bài Em Vắng: 
Tình yêu của anh ở sau cửa kính
Tình yêu của anh đi với mùa hè
Còn chị?
Quá khứ của em ngoài cánh cửa
Gương mặt anh, gương mặt các con yêu
Nhưng họ khác nhau, nhờ vậy mà thơ họ có tính hô ứng. Trong cùng bài thơ nói trên, anh nhớ người đi vắng:
Tấm gương soi vào khoảng trống
Ngọn đèn soi gian phòng vắng
Tấm áo em trên thành ghế im lìm
Từ xa, chị trả lời:
Em có đem gì theo đâu
Em gửi lại cho anh tất cả
Có chứ, chị mang theo những buồn vui, thanh thản và bí mật của kiếp người. Nào đâu lý tưởng nhất thời, ảo tưởng lâu dài, chúng chẳng còn nghĩa gì. Chỉ tình yêu ở lại. Nhà thơ Auden có một ý nổi tiếng rằng: các nhà thơ chết đi khi sự nghiệp của họ đã hoàn thành. Nhưng chị thì khác, việc hãy còn dang dở. Thời đại ngày nay cũng khác. Thơ Xuân Quỳnh không trả lời được hết mọi câu hỏi, vả lại cũng không một nhà thơ nào làm được thế, nên những người yêu nhau có thể đi tìm câu trả lời ở nơi khác. 
Cuốn sách nói về tuổi trẻ chúng tôi Nằm khiêm tốn giữa muôn nghìn cuốn khác

Tuy vậy, khi chúng ta trở về, cái bóng của thơ Xuân Quỳnh vẫn còn đổ dài trên trang sách để mở: thơ tình của chị là một phần của tuổi trẻ Việt Nam. Là người bạn của nhiều người, cái bắt tay thật chặt, ánh mắt ấm áp. Trong mắt chị còn có nỗi buồn không khó nhận ra nhưng bị che lấp bởi lòng yêu đời nồng nhiệt, và bạn nhìn thấy ở đó sự tương phản, xô lệch giữa những cảm giác lẫn lộn. Thơ chị không phải là cố gắng táo bạo về ngôn ngữ; nhiều nhà thơ thế hệ ấy chưa quen với khái niệm đổi mới ngôn ngữ. Họ có những bận tâm dường như lớn hơn đối với họ vào lúc ấy: đất nước, nhiệm vụ công dân, sự nghiệp mà họ nghĩ là chính đáng, và lòng tin vào cái tốt đẹp sẽ tới. Nhưng tình yêu mạnh mẽ đến nỗi nhu cầu biểu hiện của chúng không ngớt buộc Xuân Quỳnh phải đi tìm cách nói mới. Chị nói về ao ước. Ao ước là khuôn mặt khác của tình yêu, kẻ đồng hành của nỗi lo âu, sự tiên đoán. Nỗi buồn và lo âu trong thơ chị không phải là hiện tượng nhất thời, phản ứng đối với một vài tình huống, mà bàng bạc ngấm ngầm. Lo âu là đặc trưng của thời đại chúng ta. Sự lo âu dẫn đến trầm cảm hoặc đôi khi dẫn đến sáng tạo, trong giai đoạn nhiều năng lực, với khuynh hướng siêu hình. Đó là lý do tại sao trong một số bài thơ, Xuân Quỳnh có khuynh hướng vượt qua chủ nghĩa hiện thực, trở nên lãng mạn và tượng trưng. Khi yêu, ai mà muốn điều gì khác, ngoài niềm vui, muốn được hét lên? Nhưng tôi không mấy khi tìm thấy điều ấy trong thơ Xuân Quỳnh cũng như nhiều nhà thơ nữ khác cùng thời. Chị lặng lẽ khiêm tốn: 
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Cảm thức về thời gian là về tan vỡ, mọi thứ qua đi, con người không giữ lại được gì quý giá. Thời gian không phải chỉ là quá khứ mà còn là tương lai. Tương lai bất trắc, và trong chiến tranh, nơi cái chết rình rập, tương lai bất trắc hơn. Cảm giác lo âu ấy kéo dài cho đến sau khi hòa bình, nhiều năm sau đó, ở nhiều người và chưa hề nguôi ngoai ở Xuân Quỳnh. Con người đi qua thời gian với xáo trộn liên miên có nhu cầu sở hữu một ngày có thể tiên đoán được. Sự hồn nhiên và trật tự của sự vật là điều họ cần tới: thơ trữ tình lãng mạn làm được việc ấy. Một xã hội dường như yên tĩnh, ngay cả trong chiến tranh trước đây, dễ tạo ra cảm giác mọi thứ đã được xếp đặt với trật tự cao, thực ra vẫn, như tất cả mọi nơi trên trái đất, chứa đầy bất an. Cũng như thời tiết nắng mưa, bão tố, ngày vui ngày buồn. Những người nhạy cảm nhận ra sớm hơn đổi thay thời tiết, dự báo về xúc cảm và luân lý, những biến động không những trong tương lai mà cả trong ký ức, sự đánh giá lại kinh nghiệm cá nhân, đau khổ hay hạnh phúc. Càng xúc động, càng mất mát, càng có nhiều mong ước trở lại bến bình an.
Thơ ca trở thành nhu cầu vì nó giúp con người sống kinh nghiệm của một thế giới đầy rối loạn; và một tình yêu lớn lao, trong khi tìm cách giải thích chúng, những rối loạn ấy, cố gắng đặt chúng vào trật tự tâm hồn.
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ
Thơ trữ tình là cố gắng nhằm cân bằng hai trạng thái, khổ đau tăm tối một bên và trật tự, sáng sủa một bên. Mặc dù chúng ta quên đi rất nhiều điều hơn là nhớ lại, chính sự quên lãng ấy là chọn lựa, vì chúng ta chỉ nhớ lại điều chúng ta muốn nhớ, có thể vô thức. Ký ức gồm ký ức trừu tượng và ký ức cụ thể. Ký ức trừu tượng mau bị quên lãng, ký ức cụ thể tồn tại lâu dài. Bạn không nhớ tình yêu đầu đời chung chung, mà nhớ ly kem foremost cùng nhau ăn trong thảo cầm viên Sài Gòn, nhớ vạt cỏ trên đê sông Hồng với chiếc xe đạp sơn xanh có ghi đông gỉ sét, phải không. Xuân Quỳnh không những giàu tình cảm mà còn giàu giác quan, ký ức của chị là ký ức giác quan, nhiều hình ảnh và mùi vị. Có những hiện thực với nhiều khuôn mặt khác nhau, hiện thực lãng mạn, hiện thực tả chân, hiện thực được nhìn qua lăng kính của chủ nghĩa hiện đại.
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay
Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.
Nhà thơ nói về nỗi buồn, nhưng văn học đích thực không bi lụy. Thơ Xuân Quỳnh là ngôn ngữ trữ tình hiện đại, lắng nghe ngoại vật và lắng nghe chính nó, say mê nhưng tỉnh thức. Với tỉnh thức, tôi muốn nói đến khả năng tập trung, mở rộng, tái kết hợp. Sự tập trung trong thơ ca có thể được hiểu là hướng tới một trọng tâm, sự làm dày đặc các tình cảm cốt lõi, nhưng trước sau điều ấy cũng gợi nên trải nghiệm trong đời thật. Bởi vậy, thơ ca và cuộc đời gần như bao giờ cũng là một, trong hình ảnh, trong nhạc điệu, trong sự ngắt dòng và xuống câu, trong câu chuyện được kể lại. Mỗi bài thơ là một sự  vật có động lực, mang chứa trong nó sự mất cân bằng tạm thời, vì sự mất cân bằng là nguyên nhân của chuyển động. Nhờ thế một bài thơ hay có thể gây hứng khởi nơi người đọc trong việc tham dự vào đời sống, dấn thân, chống tình trạng vô nghĩa của tồn tại. Khi sự đau khổ không còn đơn độc mà được chia sẻ, gánh nặng của nó trở nên chịu đựng được trên vai mỗi người lữ hành.
Đắng cay gởi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa
Thơ mang lại niềm vui thú ngôn ngữ, nhưng bao giờ cũng khởi đầu từ các sự kiện trong đời. Đó là sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Ngôn ngữ thơ ngắn, tiết kiệm, như trong trường hợp Xuân Quỳnh, để hở ra, để dành lại những khoảng trống, gợi ý nhiều hơn là mô tả kỹ càng; chính người đọc lấp vào các khoảng trống ấy không những bằng tình yêu ngôn ngữ của mình mà còn bằng chính cuộc đời trải nghiệm, với khúc quanh hạnh phúc hay giây phút đau buồn của họ, và như thế, thơ trữ tình sẽ được một người hay một thế hệ hay nhiều thế hệ đọc đi đọc lại nhiều lần, loại bỏ các định kiến sai lầm, liên tiếp bổ sung vào ý nghĩa của bài thơ, nhận xét và chuyển hóa chúng, làm cho ý nghĩa của một bài thơ trữ tình trở nên phong nhiêu, bất tận.
Như thế, thơ ca cũng là sự phê bình đối với cuộc đời.
(1) "Xuân Quỳnh (1942-1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, vốn là diễn viên múa từ năm 13 tuổi, có thơ đăng báo năm 19 tuổi, trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi qua lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam (1962-1964).", https://www.thivien.net/
(2) dẫn theo Lại Nguyên Ân, "Nghĩ về Xuân Quỳnh, con người và nhà thơ", https://phebinhvanhoc.com.vn/

Nguyễn Đức Tùng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...