Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Hoa mai vẫn nở trong buổi xuân tàn

Hoa mai vẫn nở trong buổi xuân tàn

Những ai có duyên nợ với văn chương chắc hẳn không thể không biết đến, đọc đến chỉ một lần bài thơ của Mãn Giác thiền sư đời Lý.
Về bài thơ - bài kệ này, trước đây ít nhiều đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến trong các bộ lịch sử văn học, trên các tiểu luận đăng ở tạp chí Văn Học ([1]), và ở nhiều tờ báo, tạp chí khác. Đặc biệt, có lần bài kệ - thơ này đã được GS.Nguyễn Huệ Chi khai thác trên góc độ triết lý Thiền và trên góc độ của cảm xúc thực tiễn ([2]). Đây là bài kệ có tính “di chúc”, là lời dặn dò đệ tử trước khi mất, mà qua thời gian, người đọc đã có những cảm xúc khác nhau, và cũng có những ý kiến chưa phải là đã thống nhất. Để góp thêm tiếng nói về một hướng tiếp nhận bài kệ - thơ, xin mời quý vị cùng chúng tôi nghe lại âm điệu vọng về từ hơn chín trăm năm trước.
CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai,
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch thơ:
CÓ BỆNH BẢO ĐỒ ĐỆ
Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa tươi
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi,
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai ([3]).
Mãn Giác (1052-1096) một Thiền sư danh tiếng đời Lý, tên thật là Lý Trường, con của Trung thư Ngoại lang Lý Hoài Tố, thuộc dòng dõi vương triều đương thời. Thuở nhỏ, ông vào hầu Thái tử Kiền Đức, được Thái tử quý trọng. Khi Kiền Đức lên ngôi vua (tức Lý Nhân Tông), ông được ban tên Hoài Tín Trưởng lão ([4]) và được mời vào trụ trì chùa Giao Nguyên trong cung, gần điện Cảnh Hưng. Mãn Giác là pháp hiệu của ông ([5]). Cả cuộc đời tu hành, Thiền sư chỉ để lại một bài kệ - bài thơ duy nhất nêu trên, có ghi lại trong sách Thiền uyển tập anh.
Ai ai cũng đều thừa nhận: Từ xưa đến nay, thiên nhiên và sự sống luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng chủ yếu của các nhà thơ. Do quan niệm khác nhau về vũ trụ, về cuộc đời nên mỗi nhà thơ chiêm nghiệm và phản ánh thiên nhiên mỗi khác. Hình ảnh thiên nhiên trong thơ đầu đời Lý (thế kỷ XI) thường chỉ là phương tiện nói lên nội dung triết lý. Từ cuối đời Lý (giữa thế kỷ XII) sang đời Trần (thế kỷ XIII, XIV), thiên nhiên mới trở thành đối tượng miêu tả. Nhưng nhìn chung, những bài thơ tả cảnh thiên nhiên trong thơ đời Lý đều nói lên lòng yêu cuộc sống tràn trề qua một nội dung trữ tình tinh tế, hàm ngụ triết lý sâu sắc. Triết lý ở đây chính là tư tưởng uyên nguyên của Phật giáo Thiền tông, vì hầu hết thơ đời Lý là thơ của các thiền sư. Bài kệ - thơ của Mãn Giác cũng không ngoài đặc tính chung này.
Có thể nói đa số các thiền gia Việt Nam nói chung, đời Lý nói riêng, không bàn suông nói góp về cuộc đời, mà chính là các vị đã hành đạo trọn đời rồi mới nói lên sự chứng nghiệm, thụ đắc chân lý. Do đó, các Thiền sư không nhắc lại giáo lý đạo Phật một cách khô khan, máy móc. Chân lý vi diệu trước khi được diễn tả ra lời thơ, câu văn là đã được các vị chắt lọc kỹ càng sau những năm tháng dằng dặc “quán bích tọa thiền”, hay sau những chuỗi ngày khắc khoải tư duy, đến lúc tai đã mệt nghe vạn âm, mắt đã chán nhìn muôn sắc, lưỡi đã tê mùi tục lụy và lúc này các vị chỉ còn thấy có con đường trở về với chân tâm, tự tính, bản thể.
Hình ảnh hoa nở lúc xuân tới, hoa tàn khi xuân qua là hình ảnh mang tính thông báo, thể hiện quy luật của tự nhiên. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, hình ảnh này tượng trưng cho sự sinh hóa của chư pháp, của vạn vật, thế giới khách quan. Còn hình ảnh cành mai kỳ diệu vẫn nở hoa trước sân đêm qua trong buổi xuân tàn hoa rụng là hình ảnh biểu tượng để tượng trưng cho bản thể trường tồn. Đây là một hình ảnh rất sinh động được cấu tạo bằng sự kết hợp hài hòa giáo lý đã nhận lãnh cùng với sự chứng nghiệm thụ đắc chân lý của bản thân Thiền sư, vừa thể hiện thiền vị sâu lắng, lại vừa bộc lộ vẻ đẹp của thi ca. Đó cũng là bài học về chân lý mà Thiền sư đã đúc kết được rồi truyền lại cho môn đệ sau những năm tháng quan sát vạn vật và nghiền ngẫm trong nội tâm, đến khi tóc đã đổi màu và giai đoạn “bệnh, tử” đã tới, mới chứng ngộ và phú chúc cho đệ tử.
Trước đây, các nhà văn học sử thường cho rằng bài kệ - thơ trên “đối lập với triết lý Thiền tông Phật giáo” và “vượt ra ngoài khuôn khổ đạo Thiền” (Sơ thảo Lịch sử Văn học Việt Nam, NXB Văn Sử Địa, HN, 1958 và Lịch sử Văn học Việt Nam, Tủ sách ĐHSP,NXB Giáo Dục, HN, 1962). Có phải như vậy không? Đức Phật Thích Ca khi giảng thuyết cho đệ tử đã từng nói rằng: “Tất cả các pháp tướng hiện hữu đều như chiêm bao; bóng nổi trên nước, như hạt sương mai đọng lại trên ngọn cỏ, như bóng chớp mà thôi” (6) và “Phàm vật gì có sắc tướng đều là hư ảo cả (6)”.
Trên cơ sở đó, theo tôi, bài kệ - thơ này không có gì trái với giáo lý nhà Phật và cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo Thiền. Bởi yếu lĩnh của tư tưởng Thiền là phủ nhận thực tại hiện hữu, cho rằng tất cả các pháp hữu vi đều là hư ảo, tạm bợ. Nhưng đây không phải là sự phủ nhận sạch trơn mà là sự thể hiện tinh thần ‘vô trụ’, ‘siêu việt hữu - vô’ của kinh văn hệ Bát nhã của Phật giáo Đại thừa.
Thiền tông với tư tưởng mạnh bạo phóng khoáng cởi mở, đã cho phép Thiền sư có cái tinh thần không sợ (Nhậm vận thịnh suy vô bố úy - Vạn Hạnh). Cái tinh thần rất mực phóng khoáng, yêu đời, yêu cuộc sống, mà tinh thần này không phải của Nho gia hay Đạo gia. Vì lẽ đó, các thiền sư thi sĩ Việt Nam mới có một tâm hồn rung động tràn trề trước cảnh vật thiên nhiên. Bởi, theo các cụ ngày xưa thì ‘Trong lòng có điều gì, tất thể hiện ra lời nói. Cho nên, thơ là để nói cái chí vậy’ (Tâm hữu sở chi, tất hình ư ngôn. Cố, thi dĩ ngôn chí dã - Phan Phu Tiên, lời tựa sách Việt âm thi tập). Mà ‘chí’ ở đây còn là ‘tâm’, là tấm lòng. Không riêng gì bài kệ - thơ của Mãn Giác mà rất nhiều bài kệ - thơ khác của các thiền sư thi sĩ đời Lý, đời Trần cũng mang cái chất này.
Bốn câu thơ:     
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mãn Giác đã nêu lên một chân lý hiển nhiên của cuộc sống, một quy luật tuần hoàn của tự nhiên. Thế giới khách quan luôn luôn biến động, chuyển dời và phát triển không ngừng. Đó là cái lẽ sinh sinh, hóa hóa vô thường của cuộc đời.
Hai câu cuối:      
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Hoa mai vẫn được coi là “bách hoa khôi” (hoa đứng đầu trăm hoa). Nói đến hoa mai, người ta nghĩ ngay đến mùa xuân - mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, vươn lên dồi dào sức sống, mùa của dương sinh, tam dương khai thái.
Thiền sư một khi đã chứng ngộ chân lý thì có thể vượt khỏi cái vòng luẩn quẩn luân hồi, thoát ra được cái quy luật sinh hóa của thế giới khách quan nêu trên, chẳng khác nào cành mai kỳ diệu kia vẫn cứ nở hoa trong buổi “xuân tàn hoa rụng hết”. Tư tưởng triết lý đạo Thiền kết tinh ở chỗ này. Bài học mà Mãn Giác muốn trối trăng lại với đồ đệ là đừng nghĩ rằng nhà sư mất đi rồi thì dòng Thiền sẽ bị tiêu diệt. Thiền sư có thể mất là một quy luật tất yếu của xác thân con người, nhưng nhờ sự giác ngộ chân lý mà chân thân của nhà sư đã vượt khỏi cái vòng sinh tử luân hồi để đến chỗ tự tại, rốt ráo, đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia), Chân như, thấy được ‘bản lai diện mục’. Đó là ý chủ đạo của bài kệ - thơ. Về mặt chủ quan, dù Mãn Giác muốn phát biểu một quan niệm triết lý đi chăng nữa, thì về mặt khách quan, bài kệ - thơ vẫn tỏa ra và ánh lên đến rạng ngời một sức sống mãnh liệt, một sự nhạy cảm tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên tươi mát sinh động đang vươn lên, biểu hiện một tinh thần yêu đời, yêu cuộc sống, một tư tưởng lạc quan và tích cực của dân tộc trong thời đại khai phóng và rộng mở của buổi Lý - Trần. Và đây cũng là một biểu hiện của văn hóa Thăng Long. Ở đây, trong cái tàn lụi vẫn nảy sinh cái mầm của sự sống, của tương lai, của mùa xuân bất tận. Hai ý nghĩa trên là sự thống nhất trong mâu thuẫn, một tư tưởng triết lý khá sâu sắc của Thiền tông Việt Nam. Quan niệm “Vạn vật nhất thể” này của Mãn Giác đã tạo nên một sự hài hòa tuyệt diệu của bài kệ - thơ, sự hài hòa giữa thiền sư - nhà thơ và thiên nhiên một cách sâu sắc, rung động với sự gắn bó chân thành.
Ngày nay, mỗi lần đọc lại bài thơ, bài kệ của Mãn Giác; bài thơ xuân xưa nhất còn lại, có lẽ bài thơ xuân đầu tiên trong văn học Việt Nam, chúng tôi vẫn cảm thấy cái tư tưởng lạc quan yêu đời kỳ lạ ấy như là một âm hưởng thôi thúc mình tiến bước, vượt qua mọi thử thách để hướng tới ngày mai tươi sáng.
Cần trân trọng tư tưởng khách quan của bài kệ - bài thơ. Đó cũng là cách “Học xưa vì nay”, “Học cũ biết mới”. Dù chín thế kỷ đã trôi qua, bài kệ - thơ của Mãn Giác Thiền sư vẫn còn sống mãi trong lòng bao thế hệ người đọc, sống mãi trong dòng chảy văn học dân tộc và tin chắc nó sẽ sống mãi đến ngàn sau.
25/2/2010
Nguyễn Công Lý
Theo https://giacngo.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ghi chép của Nguyễn Bình Phương: Palestine - Khi biển bị rào… Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa cùng đo...