Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Nguyễn Trãi - Một bậc anh hùng toàn tài của dân tộc

Nguyễn Trãi - Một bậc anh hùng 
toàn tài của dân tộc

“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”
Đó là lời ca tụng nổi tiếng của Lê Thánh Tông dành cho Nguyễn Trãi sau hơn hai mươi năm bị hàm oan tầy trời. Tâm hồn, nhân cách và tài năng của Ức Trai vẫn luôn tỏa sáng giữa một cuộc đời đầy bi kịch ngang trái, như một bông hoa sen vẫn luôn giữ được thanh cao của mình giữa những biến động của thời đại, là một viên ngọc sáng trong từng con chữ, in dấu đậm nét trong mỗi tác phẩm văn học. Như chúng ta đều biết, Nguyễn Trãi là một nhà thơ nhà văn kiệt xuất của dân tộc, một bậc anh hùng toàn tài hiếm có nhưng đã phải chịu những oan khiên thảm khốc nhất dưới thời phong kiến.
Cuộc đời Nguyễn Trãi gắn liền với từng bước đi của lịch sử, trải qua ba triều đại. Thời nhà Trần là lúc Nguyễn Trãi còn nhỏ nhưng đã phải chịu nhiều mất mát đau thương: tang mẹ lúc 5 tuổi, ông phải về Côn Sơn ở với ông ngoại. Năm 1390, quan Tư đồ cũng mất nên Nguyễn Trãi theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê. Tuổi thơ Nguyễn Trãi là một thời kỳ thanh bần nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập, nổi tiếng là một người học rộng, có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực và được thừa hưởng truyền thống yêu nước thương dân từ gia đình. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan dưới triều nhà Hồ. Khi giặc Minh đến cướp nước ta, Hồ Quý Ly thất bại, Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đưa sang Trung Quốc. “Nợ nước, thù nhà”, Nguyễn Trãi khắc sâu lời cha dặn: “Con trở về lập chí, rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Bị giam lỏng ở thành Đông Quan, ông đã bỏ trốn và tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dâng cho Lê Lợi tác phẩm Bình Ngô sách. Từ đó, Nguyễn Trãi trở thành quân sư đắc lực của Lê Lợi, được Lê Lợi tin dùng, đối đãi vào hàng quân sư và cùng bàn bạc việc quân cơ. Nhờ tài thao lược, chiến lược “tâm công” cùng tài ngoại giao, tài viết thư thảo hịch mà Nguyễn Trãi đã dùng tấc lưỡi, ngòi bút của mình để dụ hàng quân giặc. Ông đã góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh giành thắng lợi. Mùa xuân năm 1428, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo - một áng Thiên cổ hùng văn tuyên cáo độc lập dân tộc. Được phong chức vị cao trong triều đình và trở thành đầu tàu gương mẫu trong công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, tài năng và đức độ của ông cũng bắt đầu bị bọn quyền thần ganh ghét. Ðặc biệt, sau vụ Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị bức tử, Nguyễn Trãi bị bắt giam một thời gian ngắn. Thời kỳ này, ông bắt đầu cay đắng nhận ra sự độc ác của miệng đời:
“Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn
Lòng người quanh nữa nước non quanh”
(Bảo kính cảnh giới 9)
Khi Nguyễn Trãi xin cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn, Vua Lê Thái Tông lên ngôi lại mời ông ra giúp nước, bi kịch bắt đầu từ đây. Một thảm họa có một không hai trong lịch sử đã xảy ra: Vụ án Lệ Chi Viên bỗng đổ ập xuống gia đình, dòng họ của ông, bọn gian thần trong triều vu cho ông âm mưu giết vua Lê Thái Tông, khiến Nguyễn Trãi bị “tru di tam tộc”.
Nguyễn Trãi là người thanh khiết bậc nhất trong những người thanh khiết. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước, một niềm tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi là một tài năng lỗi lạc, văn võ song toàn. Ông đã để lại cho đời sau một di sản to lớn về quân, văn hóa, lịch sử, địa lý, ngoại giao… đặc biệt là sự nghiệp văn học. Nguyễn Trãi được đánh giá là một nhà văn chính luận kiệt xuất. Ông đã để lại khối lượng khá lớn văn chính luận: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, chiếu biểu viết dưới triều Lê,… Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các áng văn chính luận của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân. Quân trung từ mệnh tập có những trang văn mang đầy chất thép, giàu tính chiến đấu và có sức công phá mãnh liệt hàng ngũ của kẻ thù trên cơ sở lập trường nhân nghĩa, nó có “sức mạnh của mười vạn quân” (Phan Huy Chú). Nếu so sánh Nguyễn Trãi với Khổng Minh quả thật cũng không hề uổng công chút nào. Vì Lê Lợi đã từng bỏ qua cái tự ái của bề trên, trân trọng nhân tài Nguyễn Trãi đã tìm đến với mình mà chân thực nói: “Khi xưa Lưu Bị ba lần đến thảo lư tìm Khổng Minh mà còn chưa được việc, huống chi nay, ta chẳng tốn công mà được “Khổng Minh” tìm đến với mình. Một xá chứ mười xá Lê Lợi này cũng sẵn sàng”. Bình Ngô Đại Cáo là áng thiên cổ hung văn, là bản tuyên ngôn về chủ quyền độc lập dân tộc, bản cáo trạng tội ác của kẻ thù, bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vượt lên khỏi tư tưởng trung hiếu hẹp hòi, Nguyễn Trãi đã đặt lòng yêu nước, thương dân lên hàng đầu:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Có lẽ Nguyễn Trãi là người đầu tiên trong lịch sử tư tưởng phong kiến chú ý tới tầng lớp “lê dân” (dân đen). Theo Nguyễn Trãi, dân có sức mạnh vô địch và vô tận. Dân mạnh thì nước còn, nước phát triển; dân yếu thì nước yếu, có khi nước mất; không có dân thì không có nước.
“Có lật thuyền thì mới biết sức dân như nước” (Quan Hải)
Vẻ đẹp nhân cách sáng ngời của Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước thương dân mà còn ở lòng yêu thiên nhiên tha thiết trong những vần thơ trữ tình.
“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu”
(Bảo kính cảnh giới - bài 26)
Thiên nhiên trong thơ Nôm có những bức tranh lụa xinh xắn, phảng phất phong vị thơ Đường, tạo nên những rung động thẩm mỹ. Thiên nhiên trong thơ Ức Trai trở thành môi trường sống thanh tao, nhà thơ cố gắng giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ, không làm tổn thương đến cảnh vật. Có thể nói, ở Nguyễn Trãi “lòng yêu thiên nhiên vạn vật là một kích thước để đo tâm hồn” (Xuân Diệu). Đó còn là một con người với lý tưởng anh hùng, là sự hòa quyện giữa nhân nghĩa với yêu nước, thương dân:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”
(Thuật hứng - bài 2)
Thơ Nguyễn Trãi còn là tiếng nói đầy nghĩa khí của một tâm hồn thanh cao trong sạch đấu tranh để bảo vệ chính nghĩa chống gian tà, bạo ngược:
“Vườn quỳnh dầu chim kêu hót
Cõi trần có trúc đứng ngăn”
(Tự thán - bài 40)
Nguyễn Trãi đã gửi gắm trong thơ văn của mình những tư tưởng triết lý sâu sắc mà giản dị. Đó là kết quả của một đời trải nghiệm, một nhân cách cứng cỏi. thanh khiết: “Công danh deo khổ nhục”, “dại dột có phong lưu”, “có học” mới “nên thợ, nên thầy”’, “hay làm” mới “no ăn no mặc”… Nguyễn Trãi đã tự rút ra được một điều rất quan trọng: Nhà thơ khác mọi người nói chung. Và cái làm cho nhà thơ khác mọi người ấy chính là sự giàu có, phong phú của tâm hồn để có thể phát hiện ra những vẻ đẹp mà người đời nhiều khi chưa nhận thấy. Đọc thơ Nguyễn Trãi, chúng ta thấy được nét độc đáo trong vẻ đẹp tâm hồn ông. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa con người trần thế và con người anh hùng dân tộc.
Nguyễn Trãi, con người lỗi lạc bậc nhất và cũng là con người có số phận oan khiên bậc nhất trong lịch sử ấy, công danh và toàn bộ những sáng tác của ông sẽ vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian để rồi sẽ luôn sáng mãi trong lòng người đọc.
Nguyễn Phạm Thanh Hương
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...