Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

Vẻ đẹp bình dị của người lao động trong thi ca

Vẻ đẹp bình dị 
của người lao động trong thi ca

Trong nền văn học hiện đại, từ lâu đã xuất hiện một mảng đề tài thu hút độc giả, đó là viết về công nhân, người lao động. Những con người cần lao, sớm khuya bên những công trường, xưởng máy... đi vào thơ ca xứ Tuyên một cách tự nhiên, gần gũi.
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, bút danh là Lê Vũ Hạnh Phúc từng có thời gian dài sống và công tác tại Tuyên Quang. Thơ ông đi sâu vào khai thác đề tài công nhân và công nghiệp với giọng điệu chân thực và tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời. Những bài thơ như: “Ca ba thợ mỏ”, “Đi trên đường ống”, “Nhớ mỏ”, “Biển nghiêng”... được ông viết từ thời kỳ đầu làm thơ bộc lộ một cách thật gần gũi, nồng ấm và nhiều suy tưởng: “Em chưa làm ca ba/ Chưa biết những cơn mưa gần sáng/ Mây đùn lên chớp nhoáng xanh lè/... Quặng vẫn về lấp lánh/ Những nụ cười vẫn rạng trên môi” (Ca ba thợ mỏ).
Hình ảnh công nhân là nguồn cảm hứng 
sáng tác của các nhà thơ. Ảnh Minh Họa
Những người công nhân ở đâu cũng vậy, ồn ào, tếu táo, dễ thích nghi và lạc quan yêu đời. Họ gần gũi, yêu thương và sẵn lòng chia sẻ với nhau: “Người thiếc gặp người than/ Cười ran như pháo nổ/ Mặc kệ đời gian khổ/ Ngang mày trăm phần trăm...” (Thợ mỏ gặp nhau). Lê Tuấn Lộc ghi lại đôi nét như là sự chấm phá vào bức phác họa nghề thợ mỏ tươi rói cảm xúc và thấm đẫm tình người.
Dự một đám cưới của đôi vợ chồng công nhân mỏ, ông có những quan sát thật tinh tế: Nếu nhìn cô dâu chú rể thì khó biết họ làm nghề gì, ở đâu nhưng nhìn thực khách đến dự, biết đây là đám cưới của làng mỏ, ở thung lũng xa: “Anh đi làm ca ba/ Diện cả ủng đi vào đám cưới/ Không ai chê rách rưới/ Rượu tràn/ Cười nói vọng thung xa...” (Đám cưới trong làng mỏ). “Diện cả ủng đi vào đám cưới” là chi tiết của văn xuôi được nhà thơ ghi lại làm cho giọng kể có hồn hơn, không gian thơ vì thế mà lắng đọng hơn về tâm trạng và cảm xúc. Lê Tuấn Lộc vốn là “dân Mỏ” đã hòa mình vào đời sống của công nhân, ông luôn nhìn ra vẻ đẹp trong tâm hồn người thợ và đã khắc họa lại bằng những vần thơ lãng mạn mà lạc quan, yêu đời.
Hình ảnh cô công nhân vườn chè được khắc họa thật đẹp trong bài thơ “Hương của vùng đồi” của Ngọc Hiệp. Từ vùng đất khô cằn sỏi đá, hoang sơ: “Rừng gai chắn lối, cỏ gianh lút đầu/ Khô cằn đất có gì đâu/ Ngẩn ngơ đồi núi bạc màu hoa lau”. Thế nhưng từ đôi bàn tay mềm mại của những cô gái, đất đồi hoang hóa trở thành đồi chè bát ngát xanh tươi. Hình tượng công nhân nông trường say sưa lao động được Ngọc Hiệp miêu tả thật nên thơ: “Tay em mở xá cày sâu/ Đồi như nón úp thi nhau ken vành/ Bàn tay ươm hạt dâm cành/ Bàn tay gieo cả màu xanh trập trùng”.
Cũng với ý tứ ấy, bài thơ “Đi giữa vùng đồi” ca ngợi sức lao động hăng say cần cù của những cô công nhân mía đường. Ngọc Hiệp ghi nhận: “Công em chín nắng mười mưa/ Từ trong cằn cỗi bây giờ lên xanh”. Cuộc sống ngày một đổi mới, quê hương ngày càng giàu đẹp là nhờ đôi bàn tay bé nhỏ ấy. Câu hỏi tu từ cuối bài thơ như một lời giới thiệu, miêu tả khung cảnh sôi động, nhộn nhịp khi vào vụ mía: “Em có nghe đồi núi chuyển rung/ Tiếng máy reo mùa xuân vẫy gọi?/ Những cánh chim gọi đàn chấp chới/ Rủ nhau về đất mới hồi sinh”.
Tập thơ “Tiếng Lá Rừng” của nhà thơ Ngọc Hiệp.
Sau những giờ làm việc hăng say, trở về bên mái ấm gia đình, cuộc sống vất vả thiếu thốn của những người công nhân được tác giả Nguyễn Quốc Trí tái hiện lại qua bài thơ: “Nhà lâm trường Hàm Yên”. Đó là câu chuyện của những cô gái lâm trường xa rời cuộc sống phố phường để gắn bó tuổi xuân với “những lô rừng khép kín”. Chấp nhận những khó khăn thiếu thốn họ vẫn vui vẻ bên chồng con và làng bản. Cuộc sống đầm ấm, yên vui. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh thật đẹp: “Và kia/ Mùi cơm thơm/ Từ than củi đồng rừng tí tách/ Từ bếp lửa lâm trường/ Xao xác/ Ùa lên...”.
Với cái nhìn lạc quan tin yêu, bài thơ “Chuyện rừng” được Nguyễn Siêu Việt viết tặng Đội 933 Lâm trường Sơn Dương khắc họa hình ảnh người công nhân ở “làng lâm nghiệp”. Họ biết vượt lên hy sinh, gian khổ, vượt qua nỗi nhớ nhung, cô đơn hòa mình vào cuộc sống rừng núi. Những tiếng hát, lời ca được cất lên trong không khí hăng say lao động sản xuất. Tác giả khẳng định: “Những màu xanh đã vây lên/ Tuổi trẻ em đã gắn tên với rừng/... Đỉnh cao đây cũng chiến trường chứ đâu”. Khí thế làm việc ở lâm trường Chiêm Hóa cũng được tác giả Xuân Tùng miêu tả bằng những câu thơ giàu hình ảnh: “Bè xuôi rộn ràng bến đợi/ Râm ran trâu gỗ kéo đi về/... Tiếng rìu vang mấy dặm rừng...”.                                       
Hình ảnh người công nhân vệ sinh môi trường được nhà thơ Nguyễn Bình đưa vào thơ một cách tự nhiên. Bài thơ “Giấc mơ người gom rác” có cách ngắt nhịp xuống dòng tạo cho người đọc sự mới lạ: “Chị công nhân/ Đẩy xe gom rác/ Đài vừa vang tiếng nhạc/ Xe rác lộc cộc/ leng keng”. Cách miêu tả chân thực, bóng dáng lặng lẽ cần mẫn của chị công nhân được hiện ra bằng chi tiết giản đơn, đời thực. Những con người suốt đời gắn bó với công việc bình dị ấy lại chất chứa nhiều xúc cảm. Họ cảm nhận được khoảng cách giàu nghèo qua “rác của nhà này”, “rác của nhà kia”. Chị thốt lên: “Sự giàu nghèo/ cũng vương vào rác”. Ngày lại ngày trong tâm tưởng của con người bình dị ấy lại chất chứa mong mỏi lớn lao. Chị reo vui khi nhận ra không còn rác của vỏ khoai, vỏ sắn, nghĩa là không còn những người nghèo khổ, đói rách. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đẹp, ngời sáng tương lai: “Chị reo mừng/ Bừng tỉnh/ Giữa bình minh”.
Tuy hình tượng người công nhân được khắc họa trong thi ca đương đại không nhiều, nhưng ở mỗi bài thơ viết về họ đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn, sức lao động khỏe khoắn, dẻo dai. Qua đó, tạo cho người đọc nhiều ấn tượng, cảm xúc mới mẻ.
2-5-2020
Giang Lam
Theo https://baotuyenquang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...