Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Hoài niệm - Một thi phẩm thơ bình dị mà hàm chứa tính nhân văn sâu sắc

Hoài niệm - Một thi phẩm thơ bình dị 
mà hàm chứa tính nhân văn sâu sắc

Đến với tập thơ HOÀI NIỆM của tác giả Huỳnh Kim Lân (Nhà xuất bản Thuận Hóa tháng 8 năm 2019) là đi vào thế giới nội tâm của một bác sĩ làm thơ. 
Đó là những dòng cảm xúc gửi gắm vào câu chữ bằng những vần thơ rất đỗi chân thành. Ngôn từ dung dị, không mấy trau chuốt. Người ta nói “văn là người‘’ quả không sai. Thơ anh mộc mạc, thật thà như chính con người anh vậy. Nhưng để lại ấn tượng đậm nét, những rung động khó phai trong lòng người đọc. Điều đáng nói là thơ anh đã được công chúng đón nhận. Chẳng phải anh mới ra tập thơ đầu tay không lâu đã tái bản rồi đó sao! Rất được bạn đọc nhiệt tình ủng hộ. Tiền bán thơ cũng đã theo anh với những chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Vâng! Bình dị thôi đủ để người đọc hiểu, đồng cảm, tìm được tiếng nói tri âm, đôi khi thoáng chút bâng khuâng, nao lòng… chỉ thế thôi để thêm yêu đời, yêu cuộc sống! Như vậy sứ mệnh thi ca đã hoàn thành. 
Phần 1. Thơ Huỳnh Kim Lân - ký thác nỗi niềm tâm sự.
Với 34 bài thơ chủ yếu theo cảm hứng trữ tình xen lẫn cảm hứng tự sự một cách hài hòa đã chạm đến trái tim người đọc. Cảm xúc trữ tình đậm đà, chân thành và sâu lắng! Đó là tình cảm sâu nặng với song thân, với người thân, bệnh nhân, bạn bè và đồng nghiệp. Giọng thơ vừa tha thiết ân cần đầy nhân ái sẻ chia, lúc trầm lắng suy tư gửi gắm những triết luận nhẹ nhàng, trải nghiệm cuộc đời với những thăng trầm dâu bể. Vì thế chứa chan cảm xúc chân thành của một bác sĩ làm thơ nhiệt huyết và nhân hậu. Tính nhạc trong thơ lúc sôi nổi hồn nhiên đầy sức sống, lúc tiết tấu khắc khoải u hoài. Người đọc cũng ngậm ngùi với tác giả khi đề cập đến những cảnh đời bất hạnh. Bao trùm toàn bộ tác phẩm là tính nhân văn đáng trân trọng.
Phần 2: Phần phụ lục là những bức ảnh lưu lại những kỷ niệm của anh với gia đình, người thân và hoạt động xã hội với bạn bè, đồng nghiệp.    
Mở đầu tập thơ là bài thơ anh viết về má anh, khi má không còn nữa!  Với cảm xúc chân thành và tha thiết như lời thủ thỉ tâm tình với má. Trong tập thơ, viết cho má còn có các bài: “Nhớ má tôi”, “Rằm này vắng má tôi” với những câu chữ thân thương để trải lòng với bạn đọc một hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó, chăm lo gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Tác giả nhờ vậy, lớn lên trong tình thương của gia đình, anh chị em đoàn kết yêu thương, biết bảo ban nhau học hành:
“Bao ước nguyện lúc sinh thành của má
Là anh em đùm bọc, yêu thương
Là cháu con chăm ngoan cố học
Dù chưa tròn cũng tạm má ơi!”
(Mười tháng qua)
Anh đã viết những gì rất thật nên dễ chạm đến trái tim người đọc. Khi anh lồng vào những suy tư chiêm nghiệm cũng có tính triết luận nhẹ nhàng thể hiện bằng thể thơ thất ngôn: Anh kể chuyện nhà mình mà cũng như nói hộ lòng người, khiến cho ai không còn mẹ trên đời cũng ngậm ngùi rơi lệ:
“Xuân hạ thu đông rồi tiếp diễn
Lẽ vô thường cứ mãi thiên thu
Ở bên má con còn chỗ dựa 
Mất má rồi muôn thuở đơn côi”
(Mười tháng qua) 
Anh là bác sĩ, làm thơ theo như cách giải bày của anh qua bài “Bác sĩ tập làm thơ” lời lẽ khiêm cung: 
“Bác sĩ tập làm thơ
Tứ vần còn lơ mơ”
Nhưng đối với một người làm thơ nghiệp dư, chúng ta phải công nhận anh đã thành công nhất định. khi anh ghi lại cảm xúc để cho tác phẩm thơ gói ghém những cột mốc quan trọng trong đời như một quyển nhật ký. Về nghệ thuật diễn đạt, Huỳnh Kim Lân sử dụng thành công các thể thơ như thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn và thơ tự do.
Về thơ lục bát anh tỏ ra rất thành thạo  trong việc lập tứ, gieo vần, tinh tế trong chắt lọc cảm xúc, lựa chọn hình ảnh và đảm bảo tính nhạc.  
“Ơi sứ trắng, trắng tinh khôi
Cánh vàng như thể mây trôi giữa trời 
Hương thơm thoang thoảng cho đời
Thân cây bình dị như lời mẹ ru”
(Bông sứ trắng)
Những hình ảnh, bông sứ trắng, mây trôi, lời mẹ ru… là những hình ảnh không phải là mới. Nó đã  xuất hiện trong thi ca của nhiều thế kỷ trước. Nhưng khi anh lựa chọn đưa vào thơ, kết hợp các từ chỉ màu sắc, với các biện pháp nghệ thuật tu từ: so sánh ví von, dùng điệp từ làm cho câu thơ trở nên duyên dáng và gợi cảm. Thơ lục bát của anh cũng mang âm hưởng ca dao, êm đềm sâu lắng. Có lẽ những lời ru của mẹ góp phần bồi đắp nên hồn thơ của anh tự bao giờ. Vì thế thơ anh vẫn có nét rất riêng, mộc mạc chân chất, thật thà như nhành lúa, bờ tre miền Cao Lãnh quê anh nhưng vẫn không kém phần gợi cảm.
Qua hình tượng bông sứ trắng, ngoài miêu tả vẻ đẹp tinh khiết, ngát hương của loài hoa này, anh cũng đã ý tứ gửi gắm những trải nghiệm đúc kết với triết luận nhẹ nhàng:       
“Thế gian nhân quả vẫn còn
Cây lành trái ngọt, vuông trong tình thân”
(Bông sứ trắng)
Chúng ta hãy đọc tiếp những bài thơ của anh với cảm xúc trữ tình đan xen tự sự rất hài hòa để rút ra một điều gì đó cho mình qua trải nghiệm được đúc kết thành thơ:
“Lo lắng cho con ta nhớ lại
Mình một thời báo hại mẹ cha
Nay mới hiểu trên trời mưa xuống
Có nuôi con mới thấu lẽ đời”
(Cảm nhận con về trễ)
Nhờ góc nhìn nhạy cảm và tinh tế với tâm hồn yêu đời, yêu nghề, yêu cuộc sống mến thương anh đã có những câu thơ tả cảnh thật  hay khi trời đất giao mùa bằng thể thơ ngũ ngôn có giá trị biểu đạt bằng nghệ thuật nhân hóa:
“Trời đất như trở mình
Tiễn mùa thu mơ mộng
Đón đông bằng áo mới
Tràn ngập mỗi sáng mai”
(Cảm nhận mùa Noel)
Trên mạch cảm xúc đó, tác giả trở lại với những chiêm nghiệm, suy tư với bao nỗi vui buồn trong cuộc đời dâu bể. Để rồi hướng người đọc đến những điều tốt đẹp, hết mình với công việc, nhân ái và sẻ chia.
“Ai đến đỉnh đời người 
An lành hay khó nhọc
Bên kia bờ dốc núi
Ai biết trước đoạn đường          
Thôi hãy cứ vui lên
Sống tử tế chân thành
Tận tâm với người bệnh”
(Cảm nhận mùa Noel)
Bạn đọc sẽ yêu mến thơ anh vì sẽ thấy một bác sĩ bước ra từ trang thơ, yêu ruộng đồng quê anh, đầy lòng nhân hậu và  tận tụy với nghề. Cảm thông, gần gũi, tận tâm với người bệnh.  
“Ai tốt phước cháu con chăm kỹ
Kẻ bạc phần cô độc tủi thân” 
(Cảm nhận ngày mưa bão)
Thơ Huỳnh Kim Lân không trau chuốt, không dùng những mỹ từ để tô hồng sự việc. Thơ anh phản ánh những sinh hoạt hàng ngày  của cuộc sống tinh thần và hoạt động xã hội bằng những lời thơ dung dị gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, ai đọc cũng có thể hiểu được, có thể tìm thấy tiếng nói đồng điệu, tri âm khi có cùng cảnh ngộ.
Hãy nghe anh kể bằng thơ thật thà như đếm:
“Ngày hai buổi sáng chiều bệnh viện
Đến bệnh phòng thăm hỏi bệnh nhân
Mang niềm tin hi vọng và san sẻ
Chỉ dẫn ân cần cặn kẻ hơn’’ 
(Cảm nhận ngày mưa bão)
Trong cảm hứng tự sự anh lồng vào cảm hứng trữ tình. Gửi vào đó những chiêm nghiệm sâu xa bằng chất giọng nhã đạm, khiến lẽ sinh tử được nhắc đến nhẹ như bóng hình hư ảnh, như nước chảy mây trôi: 
“Đoạn cuối đường trần ai sướng khổ
Chông chênh bờ dốc lường được không?
Rồi đây tất cả thành mây khói
Luân hồi một kiếp cứ dần trôi”
(Cảm nhận ngày mưa bão)
Huỳnh Kim Lân cũng tỏ ra rất thành công ở thể thơ bảy chữ. Anh lựa chọn thi liệu, thi ảnh rất ấn tượng với biện pháp nghệ thuật nhân hóa giàu biểu cảm:
“Ai về Cao lãnh mùa sen nở 
Gió mát hương thơm phủ xóm làng
Xa xa, sóng lúa reo hò hát  
Chân trời cò vạc múa cùng mây”
Dãy lụa Sông Tiền ôm đất mẹ         
Đôi bờ vườn tược ngút ngàn xanh
Vươn cao ngạo nghễ cầu Cao Lãnh
Nối nhịp tình quê không bến bờ”
(Cao Lãnh quê tôi)
Khung cảnh hiện ra thật đẹp, thật êm đềm với những hình ảnh thân thuộc: Mùa sen nở, sóng lúa, cánh cò… tô điểm thêm vẻ đẹp đồng quê. Tác giả dùng phép tu từ nhân hóa và ẩn dụ ngầm giới thiệu khí phách của người Cao Lãnh hào sảng, nghĩa hiệp và hiếu khách: 
“Mời bạn về thăm xứ sở tôi
Đồng nước trời xanh mây trắng bay 
Xa xa sóng gợn đàn chim vỗ
Điên điển, vàng bồng, soi dáng ai”
(Mời bạn về chơi”
Bạn đọc hẳn muốn “xách ba lô lên và đi” để tới miệt vườn Cao Lãnh thả hồn vào với ngút ngàn cây trái, ngắm đất trời khoáng đạt, hít thở hương sen thơm ngát, tâm hồn hẳn thư thái, dễ chịu biết bao! 
Trở lại với tập thơ “Hoài niệm”, tác giả đưa chúng ta về với tuổi thơ đầy kỷ niệm.
“Thời thơ ấu làm sao quên được
Cứ mãi về trong mỗi chiêm bao”                
(Thời thơ ấu) 
Bên cạnh những câu thơ bình dị, cũng có những câu thơ có giá trị biểu đạt cao khi tác giả lựa chọn thi ảnh, thi liệu ấn tượng kết hợp câu hỏi tu từ rất gợi cảm:
“Rồi thơ thẩn thương từng con sóng
Dạt dào chi để vỡ vụn bờ?” 
Thi phẩm “Hoài niệm” cho chúng ta hình dung một con người hiếu thảo, một bác sĩ tận tâm:“ Sống tử tế chân tình/ hết lòng vì người bệnh” (Cảm nhận mùa Noel). Một người chồng chung thủy sắt son:
“Nước có ròng có lớn có triều dâng
Anh vẫn vậy, vẫn yêu em muôn thuở”
(Tình yêu của tôi).
Một người cha rất mực thương con: "Vắng con một buổi lại nhớ rồi”
(Ngày đầu con vào lớp một)
Viết về tình yêu với cảm xúc nhẹ nhàng, lãng mạn:  
“Anh mãi miết tìm hoài trong gió
Hương thơm nào, còn đọng xa đưa
Của hương bưởi và hương bồ kết
Làm ngất ngây một kẻ dại khờ”          
Đọc thơ Huỳnh Kim Lân người đọc cũng thấy được một giai đoạn lịch sử của đất nước đi qua thơ anh. Bài “Ký ức Y 82”, người đọc không khỏi ngậm ngùi một thời khốn khó - thời bao cấp. Ký ức gọi về với bao kỷ niệm cùng bạn bè vui buồn một thuở:      
“Cây me già có còn không bạn?
In dấu ai chia gạo một thời
Khẩu phần ăn của thuở sinh viên   
Là gạo mốc vẫn là của quý”
Nhưng vượt lên hoàn cảnh đó chàng sinh viên trường Y Huỳnh Kim Lân và bạn đồng môn vẫn học hành chăm chỉ:
“Mùa thi tới quay vòng tất bật  
Đèn trong phòng chung sáng thâu canh
Núi kiến thức chất chồng nặng trĩu
Bụng trống không cố nuốt hết bài”
(Ký ức Y 82)
Lòng người đọc chùng xuống, ngậm ngùi trước những khó khăn, thiếu thốn của đời sống sinh viên. Bỗng có những câu thơ thật lãng mạn làm cho người đọc như đang đứng giữa trưa hè oi ả chợt có làn gió mát ùa về bởi thấp thoáng hình bóng giai nhân đồng môn xuất hiện trong thơ.
“Ôi đẹp quá! Kiều thơm của lớp”
(Ký ức Y 82)
Để rồi tác giả phải thốt lên rằng: 
“Xin cho tôi một phút yếu lòng
Để trộm nhớ bóng  hồng của lớp”
(Ký ức Y 82)
Tác giả yên tâm đi, không chỉ tác giả đâu mà mà tâm lý này xuất hiện ở nhiều chàng trai đa tình mà nhút nhát trên trái đất này! 
Thế rồi những năm tháng sinh viên đã qua. Anh rời giảng đường trở về với công việc của một bác sĩ, đem hết sức mình phụng sự quê hương.
Anh cũng trăn trở trước sự biến đổi của của môi trường. Khi mà cùng với sự phát triển đến chóng mặt của đô thị hóa nông thôn, cây xanh thu hẹp dần môi trường sống theo đó bị ảnh hưởng không ít. Anh diễn đạt bằng sự tương phản của ngôn ngữ và hình ảnh “xưa” và “nay” “sắc thắm” với “bùn nhơ”. Dòng sông xưa trong xanh, gợn sóng lăn tăn với “hoa tím lục bình” Nay dòng sông không xanh nữa bởi vì: 
“Bao ni lon rác bẩn dập dềnh”
(Dòng sông xưa và nay)
Anh nuối tiếc, tần ngần xót xa: 
“Bâng khuâng thương cảm loài hoa tím
Khoe chi sắc thắm cạnh bùn nhơ”  
Thơ Huỳnh Kim Lân hướng người đọc đến những điều tốt đẹp của một tấm lòng nhân hậu, cảm thông.
“Nếu hằng ngày các con có gặp 
Nhiều cảnh đời túng quẫn khó khăn
Chớ quay lưng dè bỉu coi thường
Hãy tôn trọng nhún nhường giúp đỡ
Nhớ nhen con, lẽ đời dâu bể 
Giàu với nghèo quá dễ đổi thay
Lúc sung túc chớ quá vung tay
Sống chừng mực tình người san sẻ”
(Ngày xưa của ba mẹ)
Đó là những lời dạy con giản dị mà lay động lòng người.
Nhìn chung tập thơ “Hoài niệm” tác giả đã đạt được những thành công nhất định. Bác sĩ làm thơ để ký thác tâm tư. Tập thơ đầy ắp tình người, tình đời. 
Xuyên suốt tập thơ là một tinh thần nhân văn đáng trân trọng.
Bên cạnh những bài thơ hay, câu thơ hay vẫn có những câu thơ còn mộc mạc gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Ngôn ngữ thơ anh phần lớn là bình dị không mấy trau chuốt nhưng vẫn đi vào lòng người nhờ cảm xúc chân thành tự đáy lòng. Người đọc vẫn mong anh vận dụng tốt luật đổi thanh hơn nữa để câu nào, bài nào cũng đảm bảo tính nhạc. Bởi vì thơ là sự kết hợp giữa ngôn từ và nhạc điệu. Trừ thơ lục bát ra là bắt buộc phải trúng vần, anh đã làm rất tốt. Còn đối với các thể thơ khác có vần cũng tốt, không vần cũng chẳng sao nhưng nhất định phải đảm bảo tính nhạc thì câu thơ đọc lên sẽ xuôi tai hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Còn một điều rất nhỏ nữa, tôi cũng xin mạo muội đề xuất: tựa đề bốn bài ở trang 11. Trang 13, trang 15 và trang 58 gọt bớt 2 từ không cần thiết để tựa đề hàm súc hơn mà vẫn đủ ý. Nhưng như thế tôi vẫn áy náy rằng chúng ta đòi hỏi khắt khe quá đối với bác sĩ làm thơ không? Nhưng với nhiệm vụ của người yêu thơ cầm bút là phát hiện những cái hay, cái đẹp và cả những điều chưa tới của tác phẩm. Với tấm lòng chân thành, tôi xin gửi anh những điều tâm huyết nhất!.
Kính chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe, giỏi về chuyên môn và quản lý, cũng không quên ghi lại cảm xúc của mình với cuộc đời. Bạn đọc vẫn mong chờ những tâm tình của tác giả ở những tập thơ sau!.
Sài Gòn ngày 25/5/2020
Hoàng Thị Bích Hà
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...