Nghe
CD "Giọt lệ cho ngàn sau"
với 10 tình khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng
Sau một thời gian lan man nghe dòng nhạc Pháp và nhạc hòa tấu Raymond Lefèvre,
tôi tìm về lại nhạc Việt, nói rõ hơn là nghe lại CD "Giọt Lệ Cho Ngàn Sau"
với 10 tình khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Từ Công Phụng - Tuấn Ngọc
Có lẽ đến cả chục năm rồi tôi chưa nghe lại CD này. Lúc trước, khi tôi nghe thì
nghiêng về cảm nhận nhạc hơn là phần lời. Lần này nghe kỹ cả chục lần, nhất là
lời ca, thì cảm giác là buồn, man mác buồn. Tôi xem kỹ lại thì hết 8, 9 bài là
có hoặc là chữ khóc, lệ, mắt, hay là nước mắt. Tôi bèn vào một trang
web chuyên về "word cloud" rồi cắt dán cả mười bài vào, thì nó ra
hình sau. Quả thật các chữ như buồn, lệ, mắt đều có tần số hiện diện
nhiều hơn các chữ khác. Còn chữ vui thì nằm nhỏ híu, khiêm nhường dưới góc phải
bức hình.
Tôi cũng thấy giai điệu của mười bài đều khác nhau, mặc dù nếu nói tựa bài lên
có lẽ tôi cũng không nhớ ra ngay "air" nhạc của từng bài. Đây có lẽ
là điểm son của CD, vì đã chọn được 10 bài như là mười dung nhan khác nhau,
xoáy quanh cái sự "buồn" trong nhạc Từ Công Phụng. Ngay chính tựa CD
“Giọt Lệ Cho Ngàn Sau” cũng nhấn mạnh điều đó, bằng cách “rào đón” với bạn là bạn
mua CD này thì sẽ được nghe nhắc đến nhiều giọt lệ đấy nhé! Đây cũng là cách
làm khởi sự từ hai đĩa Pet Sounds của nhóm The Beach Boys và Sgt. Pepper's
Lonely Hearts Club Band của nhóm The Beatles giữa thập niên 60, khi các bài
trong một đĩa nhạc xoay chung quanh một chủ để mà thôi (concept album).
Ngay cả cách xắp xếp thứ tự các bài nhạc cũng đã cho thấy sự cân nhắc, tính
toán. Này nhé, sau ba bài buồn là Mắt Lệ Cho Người, Trên Tháng Ngày Đã Qua, và
Như Ngọn Buồn Rơi, ta thầy bài Tình Tự Mùa Xuân được chen vào để không khí bớt
buồn. Sau đó là Đêm Không Cùng và Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, rồi tới bài vui
là Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên để rồi kết với Mùa Thu Mây Ngàn và Lời Cuối.
Có lẽ cũng như nhiều người khác, tôi đến với nhạc Từ Công Phụng là vì giai điệu
trong nhạc của ông rất ngọt ngào, nhuyễn, rất tự nhiên, như ta hít thở không
khí. Thí dụ như bài đầu tiên của CD với tựa là Mắt Lệ Cho Người:
Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi mang niềm đau.
Đời em đã khép... đi vội vàng
Tình ta cũng lấp lối thiên đàng
Như cánh chim khuất ngàn, như cánh chim khuất ngàn
Còn mong còn ngóng chi ngày yêu dấu.
Ta có thể không hiểu nhiều về ý nghĩa rõ rệt của câu, thí dụ như mưa thì làm
sao mà soi dấu chân được, nhưng ta thấy lời ca của bài nhạc rất ăn khớp với
giai điệu, vì hát lên rất trơn tru, không khiên cưỡng. Nhạc sĩ cũng rất hay lặp
lại lời nhạc, chẳng hạn như trong câu: Như cánh chim khuất ngàn, như cánh
chim khuất ngàn, nhấn mạnh ý tưởng chia lìa giữa hai nhân vật chính của bài nhạc.
Bản tiếp theo, Trên Tháng Ngày Đã Qua, cũng vậy. Sau vài câu đầu chậm rãi,
nhạc chuyển sang chơi điệu rhumba, với một giai điệu thật duyên dáng.
Rung một cánh nhạc buồn
Biết có hay người khóc trên cung đàn lẻ loi
Rơi một ngấn lệ sầu
Có ai hay người khóc cho duyên tình bẽ bàng
Rung một cánh nhạc buồn, rơi một ngấn lệ sầu
Có ai hay người khóc trong tinh cầu lẻ loi
Nhưng không phải nhạc Từ Công Phụng lúc nào cũng dễ đoán, dễ theo. Điệp khúc
bài này là một thí dụ. Nhạc sĩ đã dùng thuật chuyển cung và cách ngắt câu không
cân xứng làm đoạn nhạc trở nên hơi phức tạp, nhưng giai điệu vẫn rất nhuyễn.
Ngoài kia mưa là những dòng lệ rơi
Theo cuộc tình khi cơn bão đi qua đời mình
Người ơi, người ơi, tìm đâu thấy nửa đời Xuân thắm
Với tình yêu chúng ta, như giọt sương sớm mai
Như giọt sương sớm mai,
long lanh,
trên cánh hoa vàng
Bản thứ ba, Như Ngọn Buồn Rơi, là một kết hợp khắng khít giữa giai điệu và
lời ca (âm tiết - prosody). Như tựa bài đã báo trước, trong bản này sẽ có buồn
và sẽ có rơi. Ngay từ câu đầu tiên, ta đã thấy mùa thu trút lá vàng, rồi hình ảnh
càng chập chùng, xa vời hơn với một thung lũng buồn, với em lệ nhòa trên tóc.
Như mùa thu trút lá vàng
ngậm ngùi em khóc cho tuổi thơ qua mau
hồn nhiên cũng rơi khỏi tầm tay với xa
trên từng thung lũng buồn
em lệ nhòa trên tóc
Nhưng đoạn điệp khúc kế tiếp mới thật tuyệt diệu. Nhạc sĩ vẽ lên một thung lũng
buồn trong nhạc, bằng cách viết ba nốt đi lên Mi (5) rồi một nốt xuống Sol (4),
cứ thế thả dốc xuống một bát độ đến nốt Sol (3), rồi thong thả đi lên nốt Mi
(4).
Trên từng thung lũng buồn
từng thung lũng buồn
mùa thu đã trở mình trên gót nhỏ
dìu em đến người
bằng vòng tay nâng niu hạnh phúc.
Khi ta nghe lần điệp khúc thứ hai, khoảng 3:40, lời ca được nâng niu bảo bọc bởi
tiếng vĩ cầm hòa điệu, tạo cho ta một cảm giác ấm cúng, an toàn dù đang thả dốc
theo cơn lốc mềm, theo cơn lũ tình yêu...
Trên từng cơn lốc mềm
hồn em đã ngủ vùi trong tiếng thở
tình tôi cũng mù theo cơn lũ nào
là lần em đã khóc cho tình yêu
Mười bài hát trong CD đều như vậy, với những giai điệu rất đẹp, hòa hợp giữa lời
và nhạc, đi cùng với những biến thể của nỗi buồn, của lệ rơi, của trái tim buồn,
của đôi mắt em rất buồn. Ngay cả trong hạnh phúc mà giọt lệ vẫn cứ rơi:
Em, chút giọt lệ ấm, khóc mừng một ngày hạnh phúc miên man.
Nhưng, cái sự "buồn" trong nhạc Từ Công Phụng không phải là một nỗi
buồn quỵ lụy, tiêu cực, yếm thế. Đó là một nỗi buồn sáng suốt. Ông chấp nhận thực
tại và nhiều khi còn khuyên bảo người yêu:
Thôi đừng tìm đến nhau làm gì
Thôi đừng nhìn nhau nữa mà chi
Đường vào ngày mai sỏi đá
Thôi em về, quên hết đi ngày xưa!
Nhạc sĩ như đứng hẳn ra khỏi cái tôi hiện hữu, từ ngoài nhìn vào để ráng mô tả
tâm trạng của chính mình và đôi khi nói hộ tâm trạng của người nữ:
Đường về nhà em xa lắm
xin tình người đừng dối gian thêm buồn
Hay:
Đêm nay bên thềm cầm tay, em khẽ nói
"Ngày mai anh đi rồi,
Anh có buồn gì không?"
Ơ kìa, lạ nhỉ, em hỏi chi mà lạ vậy? Buồn lắm chứ! Cả mười bài hát chỉ toàn là
mắt lệ, giọt buồn, thì dẫu xa em, tôi vẫn sẽ luôn nhớ và thương mắt em hay buồn:
"Buồn không hỡi người đã đi rồi?"
Tìm đâu những ngày vui êm ấm
Người đi theo năm tháng không cùng
Thương mắt em hay buồn
Nhìn mùa thu chết bên song
Ngay cả khi bài nhạc là vui, thì chúng cũng chỉ vui trong chừng mực, không thái
quá:
Tay này tay nắm tay
nhìn nhau đắm say
như chưa bao giờ
nghe chừng trong mắt nâu
hồn anh đã tan
thành mùa xuân ngọt ngào phủ ấm thiên đường đôi ta...
Hay là:
Rồi mai, có một lần tôi đưa em,
về trên đỉnh yên bình, hiền hòa
Một mùa xuân lên cao,
hôn lên làn tóc xõa, theo mây trôi, bềnh bồng.
Rồi mai, có một lần tôi đưa em,
đưa em về miền nắng ấm.
Những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh căm.
Hát lên gọi mùa xuân rạng rỡ,
Đem mặt trời tô mắt dại tuổi mơ
Đĩa nhạc chào đời năm 1994 bởi Tuấn Ngọc Productions, với phần hòa âm do nhạc
sĩ Duy Cường phụ trách. Tôi nghĩ có lẽ đĩa nhạc này là một trong những đĩa nhạc
thành công nhất của làng nhạc Hải ngoại. Đĩa hát được tạo ra với đầy đủ thiên
thời, địa lợi, nhân hòa. Mười tình khúc có thể coi như tiêu biểu nhất của nhạc
sĩ đã thành danh Từ Công Phụng, được hát bởi một giọng ca nam tên tuổi nhất nhì
hải ngoại và đang trong thời kỷ sung mãn nhất của sự nghiệp ca hát, cộng với một
hòa âm sang cả, chừng mực, già dặn cùa Duy Cường. Anh cũng đang ở giai đoạn
sung sức nhất của sự nghiệp khi ấy, với những đĩa nhạc anh hòa âm cho trung tâm
Diễm Xưa và Phạm Duy Cường Productions.
Thời điểm đầu thập niên 90 cũng vậy, là một sự hội nhập vào xã hội mới với lớp
trẻ HO,ODP mới định cư, chưa quên quê nhà và rành rẽ tiếng Việt. Họ háo hức
tìm về những tác giả, những ca khúc đã sáng chói một thời trên quê hương, nhưng
bị vùi dập tơi tả rồi biến mất sau cơn lũ đổi đời. Có lẽ khi ở quê nhà họ có
nghe đây đó vài bài nhạc xưa qua đài VOA,BBC, hay các tape nhạc Viễn Dương
thâu lại qua ba bốn lần sang băng lậu, nhưng khi qua đây thì mới biết Tân Nhạc
còn nhiều các bài nhạc đặc sắc mà họ chưa hề nghe biết. Tôi còn nhớ ôi chao là
nhiều những quán băng nhạc bày bán CD trong khu Phước Lộc Thọ ở Little Saigon,
Nam Cali với các trung tâm sản xuất như Diễm Xưa, Làng Văn, Paris By Night,
Tình Productions, Khánh Hà Productions, v.v... và v.v... Hệt như những họa sĩ thời
Lãng Mạn tụ về Paris cuối thế kỷ 19, những tinh hoa của lớp ca nhạc sĩ trước và
sau 1975 như những cánh chim lưu vong tụ về Little Saigon. Một bầu không khí âm
nhạc thật sung mãn, một tranh đua tài năng lành mạnh đã nảy sinh và phát triển.
Tôi xin thú nhận có hay đi shopping để tìm mua những CD nhạc Việt đã ra đời trước
và trong khoảng thời gian mười lăm năm từ 1990 tới 2005. Xin cám ơn rất nhiều
những ca nhạc sĩ ấy trong đó có Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Vũ Khanh, Thái Hiền,
Ngọc Minh, Quỳnh Giao, Julie, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Đăng Khánh, Ngô Thụy
Miên, Đức Huy, Duy Cường, Vũ Tuấn Đức, Lê Văn Thiện, v.v... và v.v..., vì họ quả đã
làm giàu đời sống tinh thần của vô số những kẻ tha hương, trong đó có tôi.
Trở lại với đĩa nhạc “Giọt Lệ Cho Ngàn Sau”, tôi còn muốn viết nhiều nữa về
cách hát đơn sơ, lối nhả chữ đặc trưng của giọng nam trầm ấm Tuấn Ngọc, hay lối
đệm đàn jazzy trong bài Trên Tháng Ngày Đã Qua, cũng như cách để hợp âm thật điệu
nghệ hay những câu comping thật đúng lúc đúng chỗ, để phụ họa thêm hay điền đầy
giai điệu, rất đặc trưng của anh Duy Cường. Nhưng rồi tôi lại thôi. Cảm nhận âm
nhạc là một cái gì đó rất chủ quan, không thể thuyết phục được, chỉ có thể biết
là mình thích hay không thích CD đó thôi. Vậy mong rằng bạn sẽ có dịp nghe hay
nghe lại toàn bộ CD này, từ bài Mắt Lệ Cho Người liền tù tì tới Lời Cuối, để cảm
nhận chúng, để thấy những bài này là những nốt lặng cần thiết của một weekend,
tạm thời xa rời những bon chen của weekdays để đi vào một thế giới âm
nhạc tuy buồn nhưng không ủy mị, tiêu cực. Đó là một thứ buồn lãng đãng, cần
thiết để so sánh với những niềm vui trong đời, nhất là những ai không phải yêu
nhau một thời xa nhau một đời, mà là yêu nhau một thời bên nhau trọn đời.
Chúc bạn một ngày thật vui và xin hẹn bạn ở một lần tản mạn âm nhạc khác.
10/2/2018Hiệp Dương
Từ Công Phụng - Tuấn Ngọc |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét