Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Tính nguyên hợp và tính đa chức năng của văn học dân gian

Tính nguyên hợp và tính đa chức năng 
của văn học dân gian

Nguyên hợp chỉ trạng thái khởi đầu, nhất nguyên, chưa phân tách của mọi hiện tượng tự nhiên, xã hội. Trong sáng tạo nghệ thuật, “nguyên hợp chỉ sự hòa lẫn làm một ở thời kỳ đầu của các loại hình sáng tạo văn hóa”
Sở dĩ văn học dân gian có tính nguyên hợp là do văn học dân gian ra đời từ rất sớm (có thể vào đầu thời kỳ công xã nguyên thủy) nên nó tất yếu mang đặc điểm của trạng thái khởi đầu. Hơn nữa, văn học dân gian là những sáng tạo tinh thần phản chiếu kiểu tư duy nguyên hợp của con người thời nguyên thủy. Vì vậy có thể xem đặc trưng nguyên hợp như là bản chất của văn học dân gian.
Nếu hiểu “nguyên hợp là sự hòa lẫn làm một” của những trạng thái khởi nguyên thì đặc trưng này của văn học dân gian được biểu hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất, tính nguyên hợp thể hiện ở môi trường tồn tại của văn học dân gian. Hoạt động diễn xướng văn học dân gian trong suốt quá trình ra đời và tồn tại chưa từng tách rời các hoạt động của đời sống, từ hoạt động nhận thức đến hoạt động tâm linh, từ lao động sản xuất đến sinh hoạt nghi lễ…
Thứ hai, tính nguyên hợp thể hiện ở sự chưa tách rời các loại hình nghệ thuật. Văn học dân gian, tức thành phần ngôn từ trong các sáng tác dân gian có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, vũ đạo, tạo hình, trong đó, ngôn từ là chất liệu, là phương tiện chủ yếu. Sự dung hợp vốn có, tự nhiên, nhịp nhàng này đã tạo nên hiệu quả biểu đạt thẩm mĩ cho tác phẩm văn học dân gian.
Thứ ba, tính nguyên hợp thể hiện ở sự nhất nguyên các dạng thức văn hóa tinh thần như tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán… Đây chính là khởi nguồn của hiện tượng nhập nhằng, giao thoa giữa các thể loại văn học dân gian. Chẳng hạn trường hợp “Con rồng cháu tiên” hay “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.
Tính nguyên hợp là đặc trưng phổ quát, có thể xem là bản chất của văn học dân gian. Nó làm nảy sinh và chi phối mạnh mẽ đến các đặc điểm, đặc trưng khác của văn học dân gian.
Trong đó, tính đa chức năng là một hệ quả.
+ Đứng trong hệ quy chiếu văn học, văn học dân gian cũng như văn học viết, có các chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Tuy nhiên, do đặc thù, văn học dân gian còn có thêm chức năng sinh hoạt. “Trong văn học dân gian, chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ và chức năng sinh hoạt hợp thành một thể thống nhất”
+ Về chức năng nhận thức, văn học dân gian được xem như “bộ bách khoa toàn thư về kiến thức (…), tôn giáo, triết học” của nhân dân (2). Văn học dân gian gìn giữ và lưu truyền hệ thống tri thức tự nhiên; xã hội; tâm linh; kinh nghiệm sinh sống, ứng xử… Văn học dân gian là người thầy lớn đem lại cho nhân loại những bài học sinh động, gần gũi và sâu sắc về mọi phương diện của đời sống.
+ Về chức năng giáo dục, văn học dân gian có khả năng định hướng đạo đức, luân lý cho con người trong đời sống xã hội. Chức năng này gần gũi và có sự giao thoa với phương diện xã hội của chức năng nhận thức. Tuy nhiên, nếu chức năng nhận thức là sự phản ánh các hiện tượng xã hội một cách khách quan thì chức năng giáo dục lại là sự tác động, ảnh hưởng, chi phối cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến cộng đồng. Có những tác phẩm, nhiều nhất thuộc thể loại hát nói, mang nghĩa giáo dục trực tiếp, tức ý nghĩa giáo dục được thể hiện một cách tường minh. Song, phần lớn các sáng tác dân gian chứa đựng ý nghĩa giáo dục hàm ẩn, tức mang nghĩa giáo dục gián tiếp.
+ Về chức năng thẩm mĩ, văn học dân gian là nghệ thuật, là quan niệm thẩm mĩ của cộng đồng, nó mang chứa vẻ đẹp hồn hậu, giản mộc và sâu sắc của nhân dân. Mang bản chất nguyên hợp, văn học dân gian chỉ thực sự phô diễn vẻ đẹp của mình khi sống trong môi trường nảy sinh và tồn tại, tức thành phần nghệ thuật ngôn từ phải được kết nối với thành phần nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo… trong môi trường diễn xướng.
+ Về chức năng sinh hoạt, khác biệt với văn học viết, văn học dân gian ra đời và trở thành một bộ phận hữu cơ trong môi trường sinh hoạt và lao động của nhân dân. Văn học dân gian gắn bó mật thiết với cuộc đời mỗi người xuyên suốt “từ chiếc nôi ra tới nấm mồ”. Môi trường và thói quen sinh hoạt của nhân dân là điều kiện quan trọng cho văn học dân gian hình thành và phát triển.
Như vậy, tính đa chức năng của văn học dân gian luôn được thể hiện trong sự phối hợp thống nhất giữa các chức năng, một hệ quả trực tiếp của đặc trưng nguyên hợp. Giá trị thẩm mỹ của hệ thống sáng tác dân gian văn học sẽ được minh định sáng rõ hơn khi kết hợp điểm nhìn nguyên hợp với tính đa chức năng cùng các đặc trưng khác.
Đàm Nghĩa Hiếu 
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Tô Hoài: Sức sáng tạo đáng nể trọng Một Tô Hoài không lẫn với ai, hết mình, hóm hỉnh và thông minh, nhẹ nhõm mà có sức nặng. Nhũ...