Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Văn Chiêu Hồn - Một tiếng đàn nhân đạo của Nguyễn Du

 Văn Chiêu Hồn - Một tiếng đàn nhân đạo 
của Nguyễn Du

“Sinh, lão, bệnh, tử” là một quy luật muôn đời của tạo hóa mà không một ai có thể tránh được. Nhiều người cho rằng: Chết là hết. Nhưng đã có ai thử nghĩ xem phần linh hồn của chúng ta sau khi chết sẽ đi về đâu không, nơi Hoàng Tuyền, cầu Nại Hà có thực sự tồn tại hay đơn giản chỉ là cõi hư không. Và cũng là nhờ vào Chiêu hồn thơ của Nguyễn Du - một đại thi hào dân tộc với trái tim nhân đạo rất lớn, mà khiến tôi tin rằng vẫn tồn tại hai thế giới song song giữa người sống và người chết. Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh hay còn gọi là Văn Chiêu Hồn là một áng thơ Nôm gồm 1840 câu theo thể song thất lục bát, hay chính xác hơn thì đó là một bài văn tế đề cập đến cái chết và những vong hồn đang “sống” trong cõi chết, cúng tế những người chết bằng cả tấm lòng của một người nghệ sĩ. Không ai biết chính xác Nguyễn Du viết bài thơ này trong khoảng thời gian nào, chỉ biết rằng đó là vào một mùa dịch bệnh khủng khiếp, làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, một không khí tan thương bao trùm lên cả dương thế.
Văn Chiêu Hồn như một tiếng đàn cầu siêu, như một thánh ca cứu khổ, tiễn biệt những cô hồn vất vưởng, những linh hồn đang “tìm đường hóa sinh” trong cõi âm huyền mờ mịt. Có thể nói rằng nếu Nguyễn Du không viết bài văn tế này, sẽ có biết bao nhiêu cô hồn lạc loài phiêu bạt giữa thời gian vô tận ở cõi u minh lạnh lẽo sẽ thiếu mất một niềm thương bát ngát một niềm an ủi vô biên, một cung đàn từ bi mầu nhiệm gửi về “thế giới bên kia”. Trên đường thiên cổ, những vong hồn không nơi nương tựa sẽ bơ vơ biết bao nhiêu! Và thế giới của người chết, nếu vắng cung đàn chiêu niệm của Tố Như sẽ còn thê lương tĩnh mịch đến chừng nào?
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng”.
Một buổi chiều ảm đạm, không khí thê lương tê lạnh đến não người, dù là không gian hay những sinh vật cây cối thì cũng đều héo úa, tàn lụi, nó khiến cho con người ta tưởng rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết đã bị xóa nhòa. Khung cảnh trần gian lúc bấy giờ dường như đã mất hết sinh khí, cõi dương ở đây đã phảng phất cái hơi hám của cõi âm “Cõi dương còn thế nữa là cõi âm”. Đó là bức tranh của sự chết chóc, cái không gian lãng mạn phảng phất chất thơ đáng ra nên có của một buổi chiều thu tháng bảy thì giờ đây lại là cái không khí lạnh lẽo u ám của “Một đêm trường dạ tối tăm trời đất”. Nhưng giữa cái màn tối tăm ấy, chúng ta vẫn có thể nhận ra ánh sáng duy nhất không hề bị dập tắt, đó chính là tình thương người với một trái tim luôn hướng về nhân thế của Nguyễn Du, một giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
Nếu như tình thương nhân thế của Tố Như ở Truyện Kiều là chỉ dành cho những kiếp người mệnh bạc, những người phụ nữ tài hoa nhưng phận mỏng, hay đơn giản chỉ là khóc thương cho phận mình nên mới thương chung nhân loại. Nhưng tình thương của thi sĩ ở Văn Chiêu Hồn là một tấm lòng xót thương sâu sắc mênh mang vô bờ bến. Nguyễn Du viết văn tế cho mọi loại người lúc bấy giờ, thuộc mọi tầng lớp mọi giai cấp, từ anh hùng tướng soái đến những kẻ tiểu nhi tấm bé, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Đó là một tấm lòng yêu thương thanh tịnh bao trùm lên trên tất cả mọi nghiệp chướng của kiếp phù sinh, một tình thương rộng lớn như tâm hồn thanh khiết của bậc chân tu, như tấm lòng từ bi độ lượng của đức Phật.
Tố Như khóc thương cho hơn mười loại người bất hạnh:
“Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người!
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngủ”
Trong số hơn mười kiếp người bất hạnh đó bao gồm có những đứa trẻ hài nhi xấu số “lỗi giờ sinh, lìa mẹ lìa cha”, những kẻ bị bắt đi lính, những người hành khất “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”, những kẻ mắc vòng tù ngục oan khiên bởi sự cẩu thả tắc trách của đám quan lộng quyền lộng hành, những kẻ sa cơ thất thế rơi vào “buôn nguyệt bán hoa”, những người phụ nữ bất hạnh phải rơi vào kiếp kỹ nữ, những kẻ thương buôn đường xa, cho đến những người bị chết vì những tai họa thiên nhiên… Cùng với đó là những lời than oán trách gắt gao của nhà thơ về những đau khổ vô tận của con người xưa nay: đói rét, bệnh tật, chiến tranh phong kiến, giành giật đất đai, mưu ma chước quỷ của bọn quan lớn, thân phận người phụ nữ, số phận người bình dân lao khổ…
Đọc Văn chiêu hồn ta không chỉ cảm nhận sâu sắc tấm lòng của nhà thơ dành cho nhân thế, thương xót cho những người đã khuất, những oan hồn không chốn nương thân mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho những con người đang sống. Đó là những con người sống mê muội của trần gian, những con người sống mà như đã chết, những kẻ “tính đường kiêu hãnh” theo đuổi tiền bạc hư danh mà quên đi mạng sống của chính mình, những kẻ giàu sang sống trong “màn loan trướng huệ” tự kiêu, tự mãn về nhan sắc; những kẻ làm quan to “mũ cao áo rộng” nắm quyền sinh sát trong tay; những tướng sĩ “bài binh bố trận” “đem mình vào cướp ấn nguyên nhung” phơi thây trăm họ để dành công cho bản thân mình… Đó là một đám người sống vì vật chất, hay nói cách khác, những kẻ đó chỉ có thân xác hư danh vinh ảo chứ không có được phần tinh túy đẹp đẽ trong linh hồn. Bên cạnh đó Nguyễn Du còn nhắc nhở cho mọi người thấy rằng:
“Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi”
Tôi thường nghe mọi người bảo rằng: lúc sống tiền bạc của cải có nhiều đến mấy, đến khi xuống mồ cũng đều như nhau cả thôi. Một triết lý nhân sinh sâu sắc đã được Nguyễn Du đúc kết: tiền bạc, phú quý, danh lợi sau cùng cũng chỉ là phù du, một tâm hồn cao đẹp và sống như thế nào mới thực sự là ý nghĩa cốt lõi.
Và phần cuối của tác phẩm là lời thỉnh cầu phép Phật nhiệm mầu giúp cho những linh hồn được siêu thoát. Hay nói cách khác, tiếng đàn kết đọng từ nỗi lòng dâu biển của kiếp nhân sinh từ thiên cổ và cả tình người bao la của Nguyễn Du đã thực sự giải thoát những kiếp người mệnh bạc và đọng lại trong lòng người đọc đến ngàn đời sau.
Nhà sư Thích Nguyên Hiền đã từng viết về Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh rằng :“Nguyễn Du đã đem từng khúc ruột quặn đau của mình làm bút, trích từng giọt lệ rớm máu của mình làm mực, viết nên một tình tự nồng nàn da diết, nỗi lòng Tố Như hay tiếng ngậm hờn thiên cổ kiếp sống phù du?”. Ai đó trong cõi mang mang trường dạ hẳn đã nghe ra niềm cảm thông buốt lạnh tồn sinh, rưng rưng kiếp số và thổn thức nhân tình. Chưa bao giờ trong thi ca Việt Nam lại ngậm ngùi đến thế.
Nguyễn Phạm Thanh Hương
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: M...