Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Tôi hiểu thơ như thế nào và câu chuyện chữ nghĩa với nghĩa chữ

Tôi hiểu thơ như thế nào và
câu chuyện chữ nghĩa với nghĩa chữ

Chữ nghĩa là một trò chơi, múa may tùy thích, nhưng nghĩa chữ cần chính xác. Nghĩa chữ đôi khi dành cho chúng ta vài ngạc nhiên… Sẵn dịp bàn sang cách hiểu thơ, và bố cục một bài Đường Luật.
(Nhân đọc bài “Tán Tự” của Sa Vi ( *)
“Mỹ Tửu” là “rượu đẹp”?
Sự dằn vặt của Sa Vi vì chữ Mỹ Tửu đã khiến tôi chú ý. Nếu “Mỹ tửu” là rượu ngon, thì “Mỹ” ắt phải có nghĩa là “ngon” (vì “tửu” là “rượu” thì gần như chắc chắn rồi). Nhưng, chữ “Mỹ” lại không có nghĩa nào là “ngon” cả. Như vậy, nói theo nghĩa chữ, thì Mỹ Tửu không thể là rượu ngon. Mỹ là đẹp, nên Mỹ Tửu, nghĩa chữ, là “rượu đẹp”. Bây giờ ta có thể từ cái nghĩa chữ ấy mà giải ra thành “rượu ngon”, điều ấy tùy ý. Đó là chuyện chữ nghĩa. Chữ nghĩa cứ tùy hỷ, miễn vừa ý là được. Nghĩa chữ thì phải chính xác, vì là một khoa học.
CHỮ NGHĨA VÀ NGHĨA CHỮ:
Nhiều người đi thẳng vào chữ nghĩa mà quên nghĩa chữ. Tùy hỷ! Nhưng có chút bất tiện là phá đi cái nền tảng trên ấy mình xây dựng chữ nghĩa. Hiểu mỹ tửu là rượu ngon, mỹ vị là đồ ăn ngon, là lãng phí mất cái ý nghĩa vì sao người Tàu họ dùng chữ Mỹ trong những trường hợp ấy. Nếu quả thực họ muốn nói “ngon” thì tại sao không bảo “ngon” cho nó gọn mà lại nói “đẹp”? Nói “đẹp” chính là vì thấy đẹp mà tưởng tượng rằng ngon. Cái đẹp là cảm giác đầu tiên, khiến cho thèm ăn, thèm uống. Còn ngon thì chỉ là tưởng tượng. Anh chàng thích rượu trong Lương Châu Từ mới chỉ “dục ẩm” (muốn uống), chứ đã uống đâu mà bảo rằng rượu ngon? Quả quyết anh ta lên ngựa rồi, tiếng đàn “tâm lý chiến” của em gái hậu phương vẫn còn trổi lên để “dục” anh uống nữa là hiểu chữ “dục” theo kiểu Đại Nam ta (dục dã), trong khi chữ ấy ở đây có nghĩa là “muốn”. Mà mới chỉ “muốn uống” chứ chưa uống thì có say rượu nằm ngoài “sa trường” được không? Giả sử Sa Vi trả lời là “được”, cũng chẳng sao. Tùy hỷ! Chữ nghĩa là chuyện đùa chơi cho vui mà! “Hỷ” chẳng phải là “vui” đấy sao?
CHUYỆN GÌ XẢY RA SAU KHI CHẾT?
Vậy, để cầu vui, xin kể vài câu chuyện “nghĩa chữ”, gọi là đùa chơi chút đỉnh:
Có anh bệnh nhân của tôi nghĩ rằng mình sắp chết, và dõng dạc tuyên bố: “Chết là hết, sau khi chết không có gì cả!” Nói theo ngôn ngữ của thổ dân ở đây là: “il ny a RIEN après la mort”. Tôi bảo ông ta: “coi chừng cái chữ RIEN mà ông sử dụng đó, nó đến từ chữ Latin RES, tức là CÁI GÌ đấy! Nói như ông, il ny a rien après la mort, tức là CÓ CÁI GÌ SAU KHI CHẾT”. Thật vậy, RES là “chose”, như Res Publica (cho ra chữ république) có nghĩa là “la chose publique”. Chữ Réel (thực tại) cũng đến từ căn RES. Ông bệnh nhân dùng chữ nghĩa, loại phổ thông, bị vặn lại bằng nghĩa chữ, ngược hẳn lại với cái chữ nghĩa mà ông hiểu! Kết quả là ông ta phật ý vì cái viễn tượng “có gì sau khi chết”, nên mấy năm qua rồi mà vẫn … sống nhăn!
NGƯỜI CÔNG GIÁO NÊN THỜ ALLAH HAY THỜ DIEU?
Có anh nhà quê bảo “Allah” là Chúa giả, “Dieu” mới là Chúa thật. Lại chuyện chữ nghĩa. Tùy hỷ (biết rồi khổ lắm…)!. Nhưng gặp lúc không có gì chơi, tôi bèn lôi nghĩa chữ ra vặn anh ta cho vui, và hỏi: “Dieu từ đâu ra?” Sau nhiều ngày tìm tòi khảo cứu: “thì từ Deus, tiếng Latin, mà ra chứ gì!” Hỏi tiếp: “Deus từ đâu ra?” Lại nhiều tháng tìm tòi, rốt cuộc… chịu thua! Trả lời: “Deus đến từ Zeus”. “Zeus là ký gì?” Là ông thần mạnh nhất (chứ không phải ông thần đầu tiên đâu đấy nhé) trong các vị thần của Thần Thoại Hy Lạp, tức một vị Thần tà ma ngoại đạo, theo tiêu chuẩn Thiên Chúa Giáo (1).
Còn Allah? Allah đến từ Elie (và Elohim, số nhiều), là chữ chỉ Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Phù hợp hơn với giáo lý Ky Tô. Tuy nhiên, đa số các cậu Ky Tô hữu vẫn thờ Dieu vì hiểu Dieu theo kiểu chữ nghĩa thông thường. Giả sử chịu khó đào sâu nghĩa chữ một tí thì sẽ nhận thấy là phải thờ Allah mới đúng sách vở! Hay là cứ di tản sang nước của những “người ngon” (Mỹ nhân), rồi thờ “God” đi cho tiện đường dư luận? Mà God từ đâu ra nhỉ?
BÂY GIỜ THÁNG MẤY RỒI HỠI EM?
Con tôi mấy năm trước đi học, cô giáo dạy: “Septembre có nghĩa là tháng chín”. Lạ! Trong chữ Septembre rõ ràng là có chữ Sept là “bảy” mà làm sao lại là tháng chín? Tương tự như thế, Octobre phải là tháng tám vì Octo là tám, Novembre là tháng chín vì Novem là chín, và Decembre là tháng mười, vì Decem là mười… Thầy cô cho các trò mượn chữ nghĩa (ra trường trả lại), chẳng cần bàn tới nghĩa chữ làm chi cho thêm mệt. Mỹ tửu, thầy cô đương nhiên giảng là “rượu ngon”, mỹ vị là “đồ ăn ngon”, Mỹ nhân là “người ngon”, cần gì phải rắc rối?
CÁC ÔNG NGOẠI TÌNH NÊN BIẾT NGHĨA CHỮ NÀY!
Một câu chuyện nghe kể lại chứ không thuộc về “đại khối” (chữ “đại rởm” nhưng càng ngày càng “đại” thông dụng) kinh nghiệm cá nhân của người viết (t. s. c. c. đ. r. t. b. đứa nào xuyên tạc, tuyên truyền láo khoét!):
Có anh học giả đẹp giai hào hoa phong nhã nọ đang “mở cuộc cờ người” với một nường dễ thương, bỗng dưng chị vợ (vâng, học giả đẹp giai hào hoa phong nhã nào cũng có vợ: con người không ai hoàn hảo!) xông vào, tuyên bố: “Je suis surpris!”. Anh học giả (học giả ăn vụng vẫn là học giả), vội vàng cải chính: “Không đâu em ơi, anh mới bị surpris, còn em, thì phải nói là étonnée mới đúng!”. Tôi rất tiếc không biết đoạn tiếp (đã bảo đây không phải là kinh nghiệm cá nhân mà, t.s. c. c. đ. r. t. b. đứa nào…) để kể hầu bạn đọc.
ĐÀN BÀ ĐẺ? ĐI TÌM ANH ĐỨNG TRƯỚC!
Giả sử nường dễ thương nọ, hết “gió thoảng ngoài” xong lại đến “sầm sập như trời đổ mưa”, thành ra nhiễm cảm, ngoại tà nhập nội, kết thành một khối “học giả con” nơi hạ đơn điền, càng ngày càng chướng ra, mới vội vã đi tìm thày hay trị liệu. Thầy bảo: đến “cái thằng đứng trước” nó lo cho! Kỳ dzậy? Thì căn “ob” là “trước”, “sta” là “đứng” (căn Ấn Âu), cho nên obstétricien nghĩa chữ là “người đứng phía trước” (để đỡ em bé ra đó mà! Còn muốn biết đứng trước cái gì thì chữ nghĩa của bài này chưa diễn đạt được đến!).
Thế Medecin (Y sĩ) là gì? Thưa: là anh ba phải. Medecin đến từ căn Ấn Âu “Med-”, nghĩa là “chừng mực”, nhưng lại gần với “Medhyo”, “Madhya”, là “ở giữa” (kinh Phật Madhyamira là Trung Quán Luận). Có thể giảng là người truyền bá sự chừng mực, vừa phải, hay cũng có thể là anh chàng ba phải, đứng giữa, tự gọi là Trung Dung cho sang trọng…
BON APPETIT?
Sa Vi khôi hài rằng bon appétit phải dịch rằng “ăn ngoan”, “ăn tốt”. Appétit chắc chắn không phải là “ăn”. Appetere, appetitus, tiếng Latin là thèm muốn, đến từ căn Ấn Âu “pete-” là vồ lấy, hay xông tới. Appétit là khả năng thèm ăn. Khi nào khả năng ấy hoạt động “tốt”, thì bọn thổ dân ở xứ Phú Lang Sa này nó bảo là “bon appétit”.
TÁN LÀ GÌ?
Sa Vi “tán” rằng “tán là nghiền nhỏ ra, đập cho dẹp lép”, hàm ý trách tôi lôi bài Lương Châu Từ ra nghiền nát, rồi nhào nặn lại chẳng còn hình thù gì nữa, tức là “nói hưu, nói vượn, tán dóc”. Thật ra chữ “tán” trong Hán tự chẳng bao giờ có nghĩa là “nghiền nhỏ ra” cả! Tán là giúp, cổ xúy, phụ họa, khen ngợi, và chỉ dẫn (tán lễ). Sa Vi lấy hai chữ Tán Tự làm tựa, mà lại hiểu sai chữ “tán”, thật đáng tiếc. Tuy nhiên, điều ông trách tôi có thể đúng, xin phân giải ở phần kế tiếp:
TÔI HIỂU THƠ NHƯ THẾ NÀO?
Đối với tôi, khi đọc thơ thì vấn đề “hiểu đúng” hay “hiểu sai” không quan trọng. Điều quan trọng là bài thơ gợi lên được những cảm tưởng gì trong tâm hồn mình? Nếu người làm thơ thật sự muốn nói lên những điều chính xác, muốn người đọc phải hiểu “cho đúng”, thì ông ta đã sử dụng thể văn xuôi, khai triển vấn đề một cách rõ ràng minh bạch, giải thích đâu vào đó, rằng thì mà “nà” hẳn hoi. Chức năng của thơ không phải vậy. Thơ, đặc biệt là loại thơ súc tích như thơ Tứ Tuyệt, nhằm gợi lên những cảm xúc chủ quan nơi người đọc. Nói cách khác, những bài thơ loại này khơi động những “thảo trình” cài sẵn trong tâm hồn bạn, có khi đã bị bạn quên mất từ lâu, bao gồm những âm thanh, hình ảnh, và tư tưởng triền miên… Khi viết về một bài thơ, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc những gì bài thơ ấy gợi lên nơi tôi, một cách thành thật. Nay, nếu lại vì sợ oai “cụ” này hay “cụ” khác mà tôi phải nói khác đi với những gì tôi tâm tưởng qua bài thơ ấy, thì hóa ra là tôi nói láo với bạn đọc của tôi hay sao? Vả lại, nếu các “cụ” đã giảng giải về thơ đâu vào đó hết rồi, thì hậu thế còn ai bình thơ mà làm gì nữa? Ai muốn biết “phải” hiểu một bài thơ ra sao thì cứ đọc “các cụ” là xong! Và nếu thật như thế thì tại sao, riêng tại hải ngoại này, hàng tuần trong báo chí Việt Ngữ, vẫn luôn có cả hàng chục tác giả cặm cụi dịch những bài thơ Đường ra tiếng Việt? Nếu “các cụ” đã cho biết tất cả ý nghĩa của các bài thơ ấy rồi thì các ngài “mắc” dịch kia còn xô những cánh cửa đã mở làm chi nữa? Phải chăng chỉ để đua nhau đổi qua đổi lại chữ này vào với chữ khác, vận này sang vận kia, để rồi cũng vẫn đi đến cùng một ý nghĩa? Hoài công quá chăng? Hay nghĩ rằng còn có những khía cạnh các cụ “lột” chưa hết, mình phải xông vào lột phụ một chuyến nữa xem sao? Ôi! Nếu quả thật thế thì với cái nền văn chương “mắc” dịch từ thời “các cụ” đến nay, nàng thơ còn gì để cho quý ngài lột nữa, quý ngài ơi! (xin lưu ý “mắc” là muốn một cách mãnh liệt, nói theo tiếng Nam Bộ, có khi được người hùng phương Bắc mượn tí, kiểu như: các anh phải khẩn chương học tập tốt, cải tạo tốt, nên nếu có MẮC các anh cũng vẫn phải khắc phục, đó chính nà nập chường của đảng và nhân rân…).
TÔI LÀ MỘT KẺ LÀM THƠ… THẨN
Mặt khác, khi ta tìm đến một bài thơ, thì điều ta muốn tìm trong bài thơ ấy nhất định không phải là điều mà tác giả muốn nói trong hoàn cảnh của ông, mà bao giờ cũng là điều mà ta muốn tác giả nói hộ ta trong hoàn cảnh của chính ta. Thí dụ: Đang trực trong bệnh viện, tôi nhận một chú nhóc tì mới 12 tuổi đầu mà đã biết nhậu nhẹt say mèm nằm ngay đơ cán quốc. Tôi sổ: “aux âmes bien nées, la valeur n’attend point le nombre des années” (Corneille) (2). Khi đọc lên câu thơ ấy, tôi chỉ nghĩ đến bối cảnh hiện tại mà tôi đang sống, chứ có nghĩ chút nào đến bối cảnh trong đó Corneille đặt câu thơ của ông ta đâu? Và tôi đã dùng một câu thơ đằng đằng sát khí, không khôi hài chút nào của Corneille, để nói lên một ý tưởng khôi hài trước một sự việc xảy ra trong cuộc đời của tôi. Tương tự như vậy, khi rầu rĩ ngâm: “Tôi là một kẻ làm thơ thẩn, đi hỏi tình yêu giữa chợ đời…” (nhớ đại khái, không chắc đúng), thì tôi chẳng cần biết cái tâm tình của anh thi sĩ tiền chiến kia khi làm câu thơ ấy nó ra làm sao, mà chỉ biết (rất rõ) cái tình cảm lâm ly thống thiết của riêng tôi, và mượn câu thơ này để diễn đạt nó. Tức là tôi bảo tác giả dùng thơ của ông để nói lên tình cảm của tôi, trong bối cảnh đời sống của tôi.
BỐ CỤC THƠ ĐƯỜNG LUẬT:
Sẵn bàn về cách hiểu thơ, xin điều chỉnh một ngộ nhận quan trọng, nhưng không phải là hiếm. Sa Vi cho rằng bố cục thơ Tứ Tuyệt gồm bốn câu: đề, thực, luận, kết. Không gì sai hơn. Hai lần sai.
Thứ nhất, tứ tuyệt là ngắt bốn câu trong tám câu của bài Đường Luật: hoặc ngắt bốn câu đầu, bốn câu cuối, bốn câu giữa, hay hai câu đầu hai câu cuối. Bố cục: đề, thực, luận, kết, là bố cục của bài Đường Luật (tám câu) chứ đâu phải là bố cục của bài Tứ Tuyệt, một dạng “cắt dán” của bài Đường Luật?
Thứ nhì, phân chia bài Đường Luật thành: đề, thực, luận, kết, là một phương pháp rất “đồng ấu” (lỗi của “các cụ” đấy!). Kim Thánh Thán nêu lên lối chia bài thơ ở thời ông, như sau: Hai câu khai, hai câu thừa, hai câu chuyển và hai câu hợp, hay thâu. Không có “thực” mà chỉ có “thừa”, chẳng có “luận” liếc chi cả, mà là “chuyển”, và để chấm dứt, thì “thâu” lại chứ chẳng bảo “kết” mà làm chi cho thêm ngớ ngẩn (ai chẳng biết hết bài thì phải “kết”, nhưng kết thế nào cơ chứ?). Thật ra Thánh Thán cũng không vừa ý với lối phân chia này. Ông ngắt bài Đường Luật thành hai đoạn: tiền giải, và hậu giải, bề ngoài có thể chẳng liên hệ gì với nhau (như một lô thơ mà ông đã “tán” trong đó có những bài nhiều người biết như Thu Hứng, Hoàng Hạc Lâu v.v...) nhưng có liên hệ về suy tưởng ẩn hàm bên trong. Tất cả phương pháp bình thơ của Thánh Thán đều dựa trên cách nhìn tiền giải - hậu giải ấy.
THẮC MẮC
Sa Vi thắc mắc làm sao tôi biết được nhân vật trong bài Lương Châu Từ là một chiến binh, trong khi ba câu đầu chẳng có gì nói đến chinh chiến cả? Xin thưa: là nhờ câu thứ bốn. Bài tứ tuyệt có bốn câu…
Nếu Sa Vi hay bạn đọc nào khác còn có điều chi thắc mắc về những bài tôi viết, đặc biệt là những bài bình luận văn chương, thì tôi dù bận cũng xin sẽ cố gắng giải đáp, trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của tôi.
Chú thích:
(*) Chưa tìm được bài của Sa Vi - chú thích của VV.
(1) Thật ra Zeus cũng có nghĩa là “bầu trời sáng”: mấy cậu Hy Lạp cũng bắt chước An Nam ta gọi Thượng Đế là Trời đấy!.
(2) Đối với những tâm hồn sanh vào nơi cao thượng, tài ba không đợi năm tháng - Kịch Le Cid, khi Don Rodrigue thách đấu Bá Tước Gormas.
14/6/1996
Nguyễn Hoài Vân
Nguồn: http://nguyenhoaivan.com/
Theo http://vanviet.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...