Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Nguyễn Cừ đã "Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam" như thế nào

Nguyễn Cừ đã "Giải nghĩa 
tục ngữ Việt Nam" như thế nào?

Chúng tôi có trong tay cuốn “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Cừ khi đang viết dở loạt bài thứ nhất “Dĩ hư truyền hư - Những sai lầm mang tính hệ thống trong từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân” (cuối năm 2013). Lần đầu tiên thấy một cuốn sách có cái tên tự tin, hấp dẫn như vậy nên tôi xem ngay. Tuy nhiên, chỉ 15-20 phút lật giở đã thấy sách có quá nhiều “vấn đề”. Mà những “vấn đề” ấy lại khá giống với GS Nguyễn Lân! 
Ví dụ “Chuyên gia tiếng Việt tại Liên Xô, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học” - tác giả “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” không phân biệt được thế nào là thành ngữ, thế nào là tục ngữ; thế nào là ngữ danh từ, quán ngữ; giảng sai, hiểu sai thành ngữ, tục ngữ; chép sai văn bản, viết sai chính tả tràn lan, v.v... trong cuốn sách có độ dày gần 500 trang (1).
Xin được trao đổi cùng tác giả và độc giả:
Phần I
KHÔNG PHẢI TỤC NGỮ
Nguyễn Cừ làm sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” nhưng lại chưa hiểu tục ngữ là gì. Đó là chuyện khó tin nhưng có thật. Xin dẫn chứng:
Ngay phần “Lời giới thiệu”, tác giả “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” viết:
 -“… nhìn hình thức bề ngoài thì tục ngữ chỉ là những tập hợp từ có cấu trúc ngôn ngữ bền vững, chặt chẽ, được dùng như lời ăn tiếng nói giao tiếp hàng ngày, rất ngắn gọn, xúc tích, (HTC nhấn mạnh) có vần điệu và nhịp điệu…” (đoạn 1).
“Tục ngữ là biểu hiện cao nhất của lời ăn tiếng nói của dân tộc Việt Nam, biểu hiện sự sử dụng ngôn từ, vốn từ vựng phong phú của tiếng Việt. Thông qua tục ngữ, tiếng Việt đã phát triển ở một trình độ cao, xứng đáng là ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam” (đoạn 2).
Ở đây (đoạn 1) Nguyễn Cừ đã nhận lầm thành ngữ ra tục ngữ. Bởi “những tập hợp từ có cấu trúc ngôn ngữ bền vững, chặt chẽ…” là đặc điểm hình thức của thành ngữ chứ không phải tục ngữ. Về (đoạn 2) khi Nguyễn Cừ nói đến “biểu hiện sự sử dụng ngôn từ, vốn từ vựng phong phú của tiếng Việt”, rồi “tiếng Việt đã phát triển ở một trình độ cao, xứng đáng là ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam” chính là nói đến “hiện tượng ngôn ngữ” của thành ngữ mà các nhà nghiên cứu đã thống nhất, chứ không phải là “hiện tượng ý thức xã hội” của tục ngữ. Xin được nói rõ hơn:
Về hình thức: tục ngữ là một câu, dù ngắn đến đâu cũng diễn tả một ý trọn vẹn; thành ngữ chưa phải là một câu mà chỉ là một phần câu, một tập hợp từ bền vững. Về nội dung: tục ngữ là kinh nghiệm, tri thức được diễn đạt theo lối khẳng định, tổng kết quy luật, chân lý của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội; còn thành ngữ mới chỉ dừng ở mức độ so sánhví von, nhận xét, diễn đạt một cách hình ảnh về sự vật, hiện tượng nào đó mà thôi (2).
Bởi vậy, trong tục ngữ có thành ngữ, nhưng trong thành ngữ không có tục ngữ. Nói cách khác, thành ngữ là một tập hợp từ gợi tả, giàu hình ảnh (thường dùng phép so sánh) mà (đôi khi) tục ngữ, ca dao lấy làm chất liệu để cấu thành chứ không phải chính là tục ngữ. Nếu thành ngữ giống như cái túi áo trên ngực áo, thì tục ngữ là cả cái áo. Cái túi áo chỉ làm phong phú thêm chức năng và góp phần tô điểm cho cái áo chứ không phải là chính cái áo. Ví dụ, trong câu tục ngữ: “Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó”, thì “như thài lài gặp cứt chó” là thành ngữ nằm trong tục ngữ. Hoặc “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”“như kiến thấy mỡ” là thành ngữ; “Rẻ như bèo nhiều heo cũng hết”, “rẻ như bèo” là thành ngữ; “Đẹp như tiên, lo phiền cũng xấu”, “đẹp như tiên” là thành ngữ, được tục ngữ dùng làm văn liệu, trở thành một phần trong câu tục ngữ. Hoặc câu ca dao: “Chẳng tham ruộng cả ảo liền, Tham vì cái bút, cái nghiên ông đồ” thì “Ruộng cả, ao liền” là thành ngữ được ca dao lấy làm văn liệu.
Về cách dùng: khi vận dụng tục ngữ vào lời ăn tiếng nói, người ta muốn tăng thêm sức thuyết phục cho lời nói của mình, qua đó chứng minh, khẳng định một kinh nghiệm, một quy luật nào đó đã được tổng kết, đúc rút một cách chắc chắn. Ví dụ, khi nói: “Quá trưa sang chiều trời sẽ tạnh cho mà xem” sẽ không thuyết phục bằng cách nói vận dụng thêm câu tục ngữ: “Quá trưa sang chiều trời sẽ tạnh, vì Mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi mà!”. Trong đó, Mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi là một đúc kết, một kinh nghiệm, sự khẳng định dựa trên quy luật thời tiết của nhân dân. Còn khi vận dụng thành ngữ, người ta chỉ có thể làm cho lời nói của mình hay hơn, giàu hình ảnh, hấp dẫn hơn mà thôi. Ví dụ, thay vì nói: “Buổi sáng trời mưa tầm tã”, người ta nói: “Buổi sáng trời mưa như trút nước”. Câu nói thứ hai hay hơn, giàu hình ảnh hơn vì đã vận dụng thành ngữ “Mưa như trút nước”. Tuy nhiên, “Mưa như trút nước” hoàn toàn không phải là tri thức, là kinh nghiệm hay quy luật của tự nhiên. Hoặc thay vì nói: “Người anh hôi lắm”, ta nói: “Người anh hôi như cú ấy”; Thay vì nói: “Anh đi chậm quá” ta nói: “Anh đi chậm như rùa ấy”. Thì “Hôi như cú” (hoặc Hôi như tổ cú), “Chậm như rùa” là những thành ngữ mà khi ta vận dụng sẽ khiến lời nói, câu viết giàu hình ảnh hơn cách nói thông thường. Bản thân “hôi như cú”, “chậm như rùa” không phải là một đúc kết, kinh nghiệm (đặc trưng của nội dung tục ngữ), mà chỉ là nhận xét, so sánh, phán đoán (đặc trưng nội dung thành ngữ). Bởi vì rùa không phải là chậm nhất (thế nên còn nói Chậm như sên), cú không phải là hôi nhất (mà chắc gì cú đã hôi? Chẳng qua cú ăn thịt những con vật bẩn thỉu như chuột bọ, côn trùng, hình thức lại xấu xí nên người ta cảm tưởng như vậy. Người viết bài này từng tiếp xúc với cú muỗi, cú vọ, thấy chúng không hề hôi tí nào. Ngược lại chúng sạch sẽ như rất nhiều loài chim khác). Hay câu thành ngữ “Xấu như ma”, có ai trông thấy ma bao giờ đâu mà biết nó xấu hay đẹp? Rõ ràng, sự bóng bẩy trong diễn đạt, tính phán đoán, tính tương đối trong nội dung của thành ngữ rất khác so với sự chuẩn mực, khoa học, tri thức qua lối diễn đạt mang tính khẳng định của tục ngữ.
Do nhận lầm thành ngữ ra tục ngữ nên trong “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” chủ yếu Nguyễn Cừ tập hợp các đơn vị thành ngữ là chính. Chúng tôi không thể nhặt hết số thành ngữ này mà chỉ nêu ra làm ví dụ:
Cả nhà, cả ổ; Bạc tình, bạc nghĩa; Công chúa phải gai mồng tơi; Tai to, mặt lớn; Tan xương, nát thịt; Sưu cao, thuế nặng; Tác oai, tác quái; Quyền sinh, quyền sát; Quan cao lộc hậu; Quân sư quạt mo; Đứng núi này trông núi nọ; Kén cá, chọn canh; Liễu chán hoa chê; Kiểu ép, nài hoa. Nam thanh nữ tú; Phận bạc như vôi; Tài tử giai nhân; Trâm gãy bình rơi; Bán sấp, bán ngửa; Hòa cả làng; Hoa trôi, bèo dạt; Rồng đến nhà tôm; Rừng thiêng, nước độc; Ruộng cả ao liền; Trêu hoa, ghẹo nguyệt; Trên bến, dưới thuyền; Trên đe, dưới búa; Trơn lông, đỏ da; Ăn bớt, ăn xén; Ăn chẳng bõ dính răng; Ăn chẳng bõ nói; Ăn đậu ở nhở; Ăn hương ăn hoa; Anh hùng lỡ vận; Anh hùng mạt lộ; Bé xé ra to; Chán đến mang tai; Chán ngắt, chán ngơ; Châu chấu đá voi; Chết cay, chết đắng; Chưa ăn đã lo đói; Chung lưng, đấu cật; Cổ cày vai bừa; Có nếp, có tẻ; Của chìm của nổi; Đa sầu đa cảm…
Thậm chí, dạng thành ngữ rất dễ nhận biết, với cấu trúc có liên từ “như” vẫn được Nguyễn Cừ “tuyển” vào sách “giải thích tục ngữ” rất nhiều. Ví dụ:
Da như trứng gà bóc; Da trắng như ngà voi; Mê như điếu đổ; Tóc mây, mày nguyệt; Trơ như đá, vững như đồng; Xấu như ma; Xấu như dạ xoa; Xấu như cú; Xấu như ma lem; Xấu như quỷ; Xấu như ma mút. Câm như thóc trầm ba mùa. Chậm như rùa; Chậm như sên; Yếu như sên. Dại như vích; Dày như mo cau; Gắt như mắm tôm; Giấu như mèo giấu cứt; Chắc như cua gạch; Chán như cơm nếp nát; Dai như đỉa đói; Nợ như chúa Chổm; Oai oái như phủ Khoái xin cơm; Chắc như đinh đóng cột; Chạy như đèn cù; Chạy như cờ lông công; Chạy như chạy loạn; Chết đuối vớ được cọc (nói gọn từ: Như chết đuối vớ được cọc - HTCChết mê, chết mệt; Chở củi về rừng (nói tắt của: Như chở củi về rừng - HTC) Dễ như trở bàn tay, v.v...
Như vậy, trên đây chúng ta thấy Nguyễn Cừ đã sai lầm khi đem khái niệm thành ngữ để định nghĩa cho tục ngữ, và đem tiêu chí thành ngữ để lựa chọn “tục ngữ”. Làm thế khác nào muốn đi chọn mua một đàn cừu nhưng lại căn cứ vào mô tả về con dê để mua? Cách làm trái khoáy này của Nguyễn Cừ khiến sách giới hạn “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” nhưng thực tế nội dung lại có cả thành ngữ lẫn tục ngữ. Thậm chí số lượng thành ngữ nhiều hơn tục ngữ. (Với GS Nguyễn Lân, chúng ta không biết Nhà biên soạn từ điển có phân biệt được thành ngữ với tục ngữ hay không. Vì sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” sưu tầm và trộn lẫn cả hai loại này theo vần ABC).
Tuy nhiên, “vấn đề” không chỉ dừng ở đó. Xác định sách chỉ “giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” và trong lời giới thiệu, Nguyễn Cừ cũng đưa ra định nghĩa để làm tiêu chí tuyển chọn “tục ngữ”. Tuy nhiên, phần cuối lời giới thiệu, tác giả lại bất ngờ tuyên bố: “Một điều dễ nhận thấy trong cuốn sách này là có nhiều câu thành ngữ, thậm chí cả ca dao cũng được đưa vào, mong bạn đọc thông cảm và hiểu cho rằng, tục ngữ và thành ngữ có nhiều nét giống nhau ở cả hình thức cấu tạo và nội dung. Nếu tục ngữ là những câu ngắn gọn, có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống về tự nhiên, xã hội thì thành ngữ cũng là tập hợp từ cố định dùng quen hàng ngày có vần, có ngắt nhịp cũng mang nội dung xã hội, đạo lý, đạo đức.” (HTC nhấn mạnh).
Phải chăng, Nguyễn Cừ không chắc chắc những đơn vị tục ngữ được tuyển vào “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” là thuần tục ngữ nên đã “gài” vào những câu như vậy? Qua đó, xóa nhòa đi ranh giới giữa thành ngữ và tục ngữ, giữa tục ngữ và ca dao?
Như vậy, đọc những gì Nguyễn Cừ viết, chúng ta thấy rõ: tác giả lẫn lộn lung tung khái niệm thành ngữ, tục ngữ, cuối cùng đánh đồng tục ngữ với thành ngữ là một. (Đó là cách hiểu thành ngữ, tục ngữ theo lối sơ khai của một vài người các đây ngót trăm năm!) (3)
Với độc giả, việc lẫn lộn hoặc không phân biệt được thành ngữ với tục ngữ là chuyện thường. Thế nhưng, với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hoặc người đã có thể vững tin cầm bút viết nên sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” lại là điều đáng ngạc nhiên.
Xem “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”, chúng ta từ ngạc nhiên chuyển sang kinh ngạc. Bởi Nguyễn Cừ đã “tuyển” rất nhiều những đơn vị không phải thành ngữ, cũng chẳng phải tục ngữ. Những ví dụ sau đây chỉ là cụm từ đơn thuần, ngữ danh từ, câu đố hoặc từ láy:
Uốn a uốn éo; Õng à õng ẹo; Đú đa đú đởn; Lép ba, lép bép; Lệt bà lệt bệt; Núng na núng nính; Thưa thưa bẩm bẩm; Bỏ vật, bỏ vạ; Chán ngấm, chán ngẩm; Ngẩn ngẩn ngơ ngơ; Chán chê, mê mỏi; Da trắng, tóc dài; La lối om sòm; Làm tình làm tội; Anh em đường ai nấy đi; Cao tằng tổ khảo; Thờ chồng, nuôi con; Con dì, con già; La làng la xóm; Khai quốc công thần, Sách gối, đầu giường; Làm duyên, làm dáng; Nạp thái vu quy; Làm nũng, làm nịu; Lòng xuân phơi phới; Chó huyền đề; Cổ cao ba ngấn; Tam tòng, tứ đức; Má lúm đồng tiền; Thắt đáy lưng ong; Tuần trăng mật; Chín tháng mười ngày; Trong quan; ngoài quách; Nơi chôn nhau, cắt rốn; Nói chuyện đường dài; Núi Tản, sông Đà; Nói chuyện tầm phào; Mưa bóng mây; Con đóng khố, bố cởi truồng (đây là câu đố về cây măng, cây tre - HTC) Long, ly, quy, phượng; Rét nàng Bân; Tăng gia sản xuất; Ái nam, ái nữ; Cạo đầu đi tu; Ăn canh rau má; Ăn cho sướng miệng; Ăn được, ngủ được; Bưng cơm, rót nước; Bớt mồm, bớt miệng; Chán ngắt, chán ngơ; Cấu xé lẫn nhau; Có chừng, có mực; Cạy răng không nói; …
Sai lầm trên đây của Nguyễn Cừ chính là sai lầm mà GS Nguyễn Lân từng mắc trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam… (Chúng tôi từng nêu trong loạt bài Những sai lầm mang tính hệ thống trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân). Nguyên nhân của sai lầm này không gì khác ngoài việc tác giả không nhận diện được thành ngữ, tục ngữ, không biết đích xác thành ngữ tục ngữ là gì. Với Nguyễn Cừ, điều này càng được khẳng định bởi có những câu chỉ là cách nói vui thời hiện đại, gán ghép kiểu đầu Ngô mình Sở, hoặc cùng lắm là câu hát đồng dao, ca dao cười: Làm trai cho đáng nên trai, Pari cũng tới, Ha-Oai cũng từng; Tình yêu chớp bể mưa nguồn, Em châu chấu đá anh chuồn chuồn bay; Yểu điệu thục nữ, quân tử mê ly, Băm bầu, băm bí, băm chị thằng Ngô, băm cô bán dầu, cô bán cho tao, mấy tiền một lít… cũng được Nguyễn Cừ “tuyển” vào làm “tục ngữ Việt Nam”!
“Tục ngữ Việt Nam” là như vậy sao?
Mặt khác, chuyện phân loại “tục ngữ” của Nguyễn Cừ cũng thuộc diện “vô tiền khoáng hậu”. Đó là chia thành ngữ, tục ngữ thành loại có 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ… rồi cứ thế phân tách cấu trúc bằng dấu phẩy một cách máy móc, tạo ra những hình thức thành ngữ, tục ngữ “chẳng giống ai”. Bởi vậy, đọc những câu “thành ngữ, tục ngữ” kiểu này của Nguyễn Cừ, người ta có cảm tưởng như mình đang hăm hở bước tới, bỗng đâu có kẻ chơi xỏ, bất ngờ ngáng chân lại. Ví dụ:
Đường ở, cửa miệng; Con gái, là cái bòn; Lụt thì lút, cả làng; Có bột mới, gột nên hồ; Dốt đặc, cán mai; Của đi, thay người; Của bền, tại người. Dạy bà lang, bốc thuốc; Mắc bẫy, cò ke; Mạnh ai, nấy được; Nuôi ong, tay áo; Trông gà, hóa cuốc; Trứng khôn, hơn vịt; Vua thua, thằng liều; Cá nằm, trên thớt; Châu chấu, đá xe; Coi trời, bằng vung; Phú quý, giật lùi; Đò nát, đụng nhau; Chó ngáp; phải ruồi; Chở củi; về rừng; Gửi trứng, cho ác; Giơ đầu, chịu báng; Nối dáo, cho giặc; Sách gối, đầu giường; Thay ngựa, giữa dòng; Con gà, tức nhau tiếng gáy; Cú kêu, ra ma; Tầm gửi, lấn cành; Bán hàng, chiều khách; Đàn gảy, tai trâu; Nước chảy, chỗ trũng; Cầm dao, đằng lưỡi; Cầm gậy, chọc trời; Câu chuyện, làm quà; Cố đấm, ăn xôi; Của đi, thay người, Áo gấm, đi đêm; Áo gấm, về làng; Ngựa quen, đường cũ; Sắc nanh chuột, cắn được cổ mèo, Dạy bà lang, bốc thuốc; Gái đĩ, già mồm; Hai tay nuôi, một lỗ miệng; Mắc bẫy, cò ke; Mặt nặng, như đá đeo; Vua thua, thằng liều, Chọc gậy, xuống nước, v.v...
Những câu chúng tôi vừa liệt kê trên đây cũng phần lớn là thành ngữ chứ không phải tục ngữ (câu có gạch chân là tục ngữ). Thực tế cho thấy, Nguyễn Cừ không phân biệt được loại thành ngữ, tục ngữ 4 chữ, chia làm hai vế, có quan hệ đối sánh kiểu: Trên bến, dưới thuyền; Lên voi, xuống chó; Vịt già, gà tơ… hoàn toàn khác với loại 4 chữ chỉ là cụm từ diễn xuôi theo trật tự của câu kể đơn thuần: Cầm dao đằng lưỡi; Câu chuyện làm quà? Thế nên các câu thành ngữ này qua tay Nguyễn Cừ mới biến thành: Cầm dao, đằng lưỡi; Câu chuyện, làm quà…Hoặc đối với câu 5 chữ Lụt thì lút cả làng” lại được viết thành: “Lụt thì lút, cả làng”!.
Vậy, những sai lầm của Nguyễn Cừ mà chúng tôi kể trên nói lên điều gì? Có ảnh hưởng gì đến cách hiểu tục ngữ, thành ngữ hay không? Thưa rằng có. Từ chỗ nhận lầm tục ngữ ra thành ngữ, không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ với ngữ danh từ; từ láy; quán ngữ; cụm từ đơn thuần; không xác định được cấu trúc câu thành ngữ, tục ngữ, Nguyễn Cừ đã đi đến thất bại trong “giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”. Đó cũng chính là nội dung cơ bản, đáng kể nhất chúng tôi sẽ nói đến trong phần II “Nguyễn Cừ đã “giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” như thế nào?” (3)
Chú thích:
(1) Sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” Nguyễn Cừ - NXB Văn học 2012 . Bìa trong cuốn sách, tác giả cho biết thêm: “Nguyễn Cừ (Nguyễn Văn Cừ) Bộ đội, Khoa Văn - Đại học Tồng hợp khóa 17, chuyên gia tiếng Việt tại Liên Xô, đã công tác tại NXB Khoa học xã hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học”. Bìa 3, Nguyễn Cừ cũng cho biết, ông là tác giả và đồng tác giả của 11 cuốn sách khảo cứu, sưu tầm, biên soạn, tuyển chọn khác. Như “Tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Cừ - NXB Văn học 2008). “Tuyển tập tục ngữ ca dao Việt Nam” (Nguyễn Cừ - NXB Văn học) “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam” (Nguyễn Cừ - in chung NXB Giáo dục), “Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam” (Nguyễn Cừ - NXB Văn học) “Truyện cười Việt Nam hiện đại” (Nguyễn Cừ - NXB Văn học) v.v…
(2) Đã từ lâu, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã thống nhất về cơ bản trong việc phân biệt thành ngữ, tục ngữ. Về hình thức, tục ngữ là:
“Một câu tự nó đã diễn tả trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm…”, còn “thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn tả được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải là một câu hoàn chỉnh; còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng đã là một câu hoàn chỉnh…” (theo Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam - Vũ Ngọc Phan 1977).
- “Có thể nói, nội dung của thành ngữ manh tính hiện tượng, còn nội dung của tục ngữ nói chung là mang tính chất quy luật. Từ sự khác nhau cơ bản về nội dung dẫn đến sự khác nhau về hình thức ngữ pháp, về năng lực hoạt động trong chuỗi lời nói…Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một cụm từ, chưa phải là một câu hoàn chỉnh. Tục ngữ thì khác hẳn. Mỗi tục ngữ tối thiểu là một câu” (Nguyễn Văn Mệnh - Tạp chí Ngôn ngữ số 3 năm 1972 - dẫn theo Tục ngữ Việt Nam - Chu Xuân Diên - Lương Văn Đang -Phương Tri - NXB Khoa học xã hội 1975)
- Thành ngữ là: “tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích một cách đơn giản bằng nghĩa của từ tạo nên” (theo Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê).
(2) Tiêu biểu cho quan niệm này là Nguyễn Văn Tố, trong bài “Tục ngữ ta đối với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây”, đã đồng nghĩa về mặt thuật ngữ khi nói về thành ngữ, tục ngữ. Ông viết: “Tục ngữ là câu thành ngữ nói đã quen, trong thế tục, nhiều câu nghĩa lý thâm thúy, ý tứ cao xa, câu nào từ đời xưa truyền lại gọi là ngạn ngữ, cũng có khi gọi là tục ngạn. Nhưng dù là ngạn ngữ, tục ngữ hay tục ngạn, thì nghĩa cũng gần giống nhau…” (Dẫn theo Tục ngữ Việt Nam - Nhóm Chu Xuân Diên).
- Sách “Từ điển tục ngữ Việt” của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương làm khá tốt việc nhận diện tục ngữ. Theo Nguyễn Đức Dương, tác giả đã vận dụng phương pháp nhận diện tục ngữ của Cao Xuân Hạo. Tuy nhiên việc nhận diện đúng tục ngữ chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đảm bảo việc giải thích sẽ chính xác. Bạn đọc có thể tham khảo bài phê bình cuốn “Từ điển tục ngữ Việt” tại đường link: AI LÀM HỎNG "DI SẢN TỤC NGỮ”?
(3) Sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” do anh Lê Thanh Thảo -Công ty thuốc BVTV Trung ương I tại Thanh Hóa đem đến giới thiệu và cho chúng tôi mượn đọc trong nửa năm qua. Nhân đây xin được cảm ơn Anh và mong Anh thông cảm việc mượn sách lâu đến vậy.
“Giải nghĩa” hay đoán nghĩa?
Trong phần I chúng tôi đã chỉ ra một số sai lầm của Nguyễn Cừ trong “Giải nghĩa tục ngữ Việt nam” như: nhận lầm thành ngữ ra tục ngữ, không phân biệt được ngữ danh từ, cụm từ đơn thuần, quán ngữ với thành ngữ, tục ngữ, v.v... Một khi chưa hiểu tục ngữ Việt Nam là gì, việc Nguyễn Cừ thất bại trong “giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” giống như một bước tất yếu.
Dưới đây là trao đổi của chúng tôi. Đối với những câu, nếu thấy sách khác có cách giải thích hợp lý, chúng tôi sẽ trích dẫn, xem như thay lời trao đổi của mình.
Nói định nghĩa tục ngữ Việt Nam là nói đến kho tàng kinh nghiệm về sản xuất và các mối quan hệ ứng xử trong gia đình, xã hội. Tuy nhiên, Nguyễn Cừ thiếu kiến thức, hiểu biết cơ bản về cả hai lĩnh vực này:
Về kinh nghiệm lao động, sản xuất:
Nắng đan đó, mưa gió đan gàu: Kinh nghiệm của nông dân, nắng đan đó đi đặt bắt cá, còn mưa gió đan gàu tát nước.
Giải thích vậy không rõ nghĩa. Thậm chí sai nghĩa, bởi trời nắng đơm đó ở đâu được? Còn đã có mưa việc gì phải tát nước nữa? 
Tục ngữ có câu: “Nắng lắm mưa nhiều”. Bởi vậy lúc nắng, nên chuẩn bị đan đó để khi đổ mưa lớn có thể đem đơm cá ngay. Còn lúc mưa gió, phải nghĩ ngay đến thời kỳ hạn hán diễn ra sau đó, nên cần đan gàu chuẩn bị chống hạn. Nghĩa bóng: đây là kinh nghiệm dự đoán thời tiết để bố trí lao động sản xuất, lợi dụng yếu tố thuận lợi, khắc phục điều kiện thiên tai bất lợi của nhân dân.
Nhất ruộng, nhì mạ, thứ ba chuyên cần: Kinh nghiệm nhà nông làm ruộng, trồng lúa.
Ai cũng biết đó là “kinh nghiệm nhà nông làm ruộng, trồng lúa”, (không ai nhầm với kinh nghiệm buôn bán hay chăn nuôi lợn gà). Nhưng kinh nghiệm ấy như thế nào, cần phải giải thích rõ.
Ở đây, nông dân muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chân đất: trong canh tác (đặc biệt lúa nước), quan trọng nhất là chân ruộng: chủ động tưới tiêu, chất đất màu mỡ, không chua mặn. Có được chân ruộng tốt này, không cần đầu tư nhiều, thậm chí phân tro có kém tí chút lúa vẫn cho năng suất khá. Ngược lại, vớ phải chân đất xấu, “chiêm khê, mùa thối”, chua mặn, dẫu có bỏ công sức, đầu tư nhiều phân bón, cũng rất khó đẩy năng suất lên cao. (Kinh nghiệm này đến bây giờ vẫn đúng). Ngoài ra, tục ngữ còn nhấn mạnh yếu tố giống (mạ và thâm canh mạ: “Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”) và cuối cùng là phải “cần”: thường xuyên chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ dịch hại…
Thưa mạ tốt lúa: Cấy thưa thì tốt lúa.
Giải thích như vậy là Nguyễn Cừ không phân biệt được mạ với lúa khác nhau thế nào. Càng không hiểu gì về kinh nghiệm sản xuất của nhân dân. Vì mạ là mạ, lúa là lúa. Đang là cây mạ, (nằm trong bó mạ, hoặc tảng mạ xúc), ngắt ra vài ba dảnh, cấy xuống đã được gọi ngay là khóm lúa, không ai gọi là mạ nữa. Bởi vậy, “thưa mạ” không thể hiểu là “cấy thưa” được.
“Thưa mạ” ở đây là mạ được gieo thưa, có đủ ánh sáng và chất dinh dưỡng, đanh dảnh, cứng cây; khi đem cấy, lúa sẽ nhanh bén rễ hồi xanh, đủ điều kiện chống chọi với thời tiết bất thuận (giá rét vụ xuân và nắng nóng ở vụ mùa) sinh trưởng nhanh, kháng sâu bệnh (Đúng như câu tục ngữ chúng tôi đã dẫn ở trên: Tốt giống, tốt má; tốt mạ, tốt lúa). Ngược lại, nếu mạ gieo quá dày, thiếu ánh sáng, dinh dưỡng, dảnh mạ bị lướt, ốm yếu; khi đem cấy dễ bị chết rét, chết do nắng nóng hoặc còi cọc, sâu bệnh dễ xâm nhập gây hại. “Thưa mạ tốt lúa” là vậy.
Chiêm khô mùa thối: Ý nói, vụ chiêm mà hạn hán, vụ mùa sẽ lụt lội thì năm đó sẽ mất mùa.
Vụ chiêm đã hạn hán, vụ mùa lại lụt lội thì đúng mất mùa “là cái chắc”!. Tuy nhiên, câu tục ngữ không nói như vậy. Tiến sĩ Ngữ học Nguyễn Đức Dương trong “Từ điển tục ngữ Việt” cũng hiểu sai câu tục ngữ này. Chúng tôi xin dẫn lại nội dung trao đổi với Nguyễn Đức Dương trong bài “Ai làm hỏng di sản tục ngữ?” (Từng đăng trên “Quê Choa” và Tạp chí Văn hóa dân gian -Viện nghiên cứu văn hóa-Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, số 4-2013) để bạn đọc tham khảo, cũng là để giải thích và trao đổi với Nguyễn Cừ: 
“Chiêm khê; mùa thối
(Tình trạng hay gặp ở vùng chiêm trũng là đất gieo trồng) trong vụ chiêm hay bị khê; trong vụ mùa hay bị thối.
Từ “khê” được Nguyễn Đức Dương giải thích “Khê (Đất phơi ải) chẳng tài nào khô nỏ và tơi xốp nổi (do ít được dãi dầu cùng nắng gió)”. Và chữ “Thối (Đất làm dầm) chẳng tài nào nhuyễn ra nổi (do nước mất hết khả năng ngấm sâu vào đất).
Loại đất cày ải không đủ thời gian hoặc điều kiện thời tiết làm cho khô nỏ, người ta gọi là ải thâm, không ai gọi đất “khê” (Ải thâm không bằng dầm ngấu). Nếu đất “không tài nào nhuyễn ra nổi” nguyên do “nước mất hết khả năng ngấm sâu vào đất” thì sao gọi là “thối” được?
Thực ra câu tục ngữ “Chiêm khê, mùa thối” nói về khó khăn của vùng đất không chủ động được tưới tiêu. Vụ chiêm (gắn với mùa khô) chỉ trông chờ vào nước trời, nên đất đai, cây trồng thường bị “khê” - khô cháy (“khê” - trong từ cơm khê - cơm bị cháy khét). Vụ mùa (gắn với mùa mưa lũ) hệ thống tiêu nước kém nên đất đai và cây trồng bị ngâm đến thối trong nước lũ. Bởi thế đối tượng mà tục ngữ nói đến ở đây không chỉ là đất gieo trồng (như NĐD giải thích) mà bao gồm cả cây trồng trên đất ấy (cụ thể là cây lúa nước).
Câu tục ngữ “Chiêm khê, mùa thối” chỉ là cách nói hình tượng hơn câu “Chiêm khô; mùa úng” mà nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương dẫn ra ngay sau đó. Tuy nhiên, soạn giả lại tìm ra một cách giải thích khác, kèm thêm một cái sai khác: “Chiêm khô; mùa úng (Tiết trời hay gặp) khi làm chiêm là hanh khô (vì ít mưa); khi làm mùa là úng ngập (vì mưa nhiều)”. Theo cách giải thích này, soạn giả đã biến câu tục ngữ nói về nỗi khổ cực của người trồng lúa trên vùng đất canh tác khó khăn thành câu tục ngữ có nội dung nhận xét về đặc điểm “thời tiết hay gặp” của vụ chiêm và vụ mùa” (Trích Ai làm hỏng di sản tục ngữ)
Gà lấm lưng: Khi chọi nhau, gà ngã ngửa lưng chấm đất là không còn chọi được nữa.
Gà mái “lấm lưng”
Nguyễn Cừ lại “cù” độc giả rồi! Chọi gà mà cũng có luật “lấm lưng trắng bụng” như môn vật của người sao? Thực ra câu tục ngữ của Nguyễn Cừ vốn có hình thức đầy đủ là: “Gà lấm lưng, chó sưng đồ”. “Gà lấm lưng” là con gà mái đã đến thời kỳ chịu trống bắt đầu đẻ trứng (nên còn gọi gà nhảy ổ đẻ). Vì con gà trống nhảy lên lưng “đạp mái” nên gà mái mới bị lấm lưng. “Chó sưng đồ” là con chó cái có biểu hiện động dục (“đồ” là bộ phận sinh dục của nó - thời kỳ này còn gọi chó tơ, cầy tơ). “Gà lấm lưng, chó sưng đồ” đều béo, thịt ngon, bởi con vật đã trưởng thành, nhưng không quá già, không quá non.
Gắt như mắm tôm: mắm tôm để quá kỹ nên có mùi gắt khó chịu, ám chỉ người hay cáu gắt, quát mắng người khác.
Thực ra, mắm tôm “để quá kỹ” hay không quá kỹ đều rất gắt, bởi đặc tính của mắm tôm là vừa mặn vừa nồng, ngon mồm nhưng ghét mũi.
Cây sát lá, cá tróc vảy: Kinh nghiệm cây cảnh sát lá mới ra hoa, cá tróc vảy mới sạch.
Câu này Nguyễn Cừ đã đoán sai hoàn toàn so với ý dân gian muốn nói. “Cây sát lá, cá tróc vảy” (Dị bản: Cây chạm lá, cá chạm vảy) là hai điều bất lợi đối với cây trồng, vật nuôi. Bởi cây quang hợp bằng lá, và hút dinh dưỡng bằng bộ rễ. Nếu cây luôn bị động chạm đến lá, dập gẫy lá sẽ ốm yếu, còi cọc, không sinh trưởng được. Vảy cá giống như bộ da, tấm áo giáp giúp cá chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm bệnh trong môi trường nước. Cá bị tróc vảy chậm lớn, dễ sinh bệnh tật. Bởi vậy, còn có dị bản: “Cây chọn mất lá, cá chọn mất vảy”, cây giống lựa chọn, nâng lên đặt xuống nhiều lá sẽ bị dập gẫy, không tốt; cá giống lựa chọn, bắt lên, bỏ xuống nhiều sẽ bị tróc vảy, dễ ốm hoặc chết sau khi thả xuống ao.
Một tiền gà, ba tiền thóc: Bỏ ra ba đồng mới thu về được một đồng. Ví dụ như thu hoạch được một bồ lúa thì phải bỏ ra bao nhiêu công sức như cày cấy giống, má, phân bón và công sức lao động.
Nghĩa đen nằm ngay trong bản thân câu tục ngữ, không hiểu sao Nguyễn Cừ lại đi lấy chuyện cày cấy, chăm bón để ví với chuyện nuôi gà? Mà so sánh rất khập khiễng.
Nghĩa đen: Nuôi gà không có lãi, vì gà ăn phạm vào lương thực. Tiền gà bán đi chỉ một đồng, vì nhìn thấy được nên tưởng là lãi, tuy nhiên thực tế chi phí thóc để nuôi chúng mỗi ngày một ít, nếu quy ra tiền lại tới những ba đồng. “Một” và “ba” là con số tượng trưng cho số ít và số nhiều, tạo sự đối lập. Nghĩa bóng: có thể áp dụng câu tục ngữ cho nhiều trường hợp sản xuất kinh doanh lãi giả, lỗ thật khác.
Tục ngữ, thành ngữ thường lấy các sự vật, hiện tượng xung quanh để làm “giáo cụ trực quan” cho nghĩa đen, qua đó đúc rút kinh nghiệm về quan hệ ứng xử trong gia đình, xã hội. Bởi vậy, người “giải nghĩa tục ngữ” không những cần phải hiểu biết về những “giáo cụ” (đồ vật) đó mà còn phải có hiểu biết về phong tục, tập quán, tâm lý, các mối quan hệ truyền thống trong gia đình, xã hội. Xem ra, về mặt này, Nguyễn Cừ cũng chưa đủ điều kiện để làm sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam”:
Nêu cao nhưng bóng chẳng ngayCây nêu ngày Tết cao nhưng bóng của nó ngả xuống cong, suy ra con người có quyền cao chức trọng nhưng phẩm cách cũng chẳng ra gì.
Cây nêu ngày Tết
Vì sao “Cây nêu ngày Tết cao nhưng bóng của nó ngả xuống cong”? Dân gian có câu “Y phục xứng kỳ đức”, đã dám đặt tên sách là “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” thì phải “giải” cho bạn đọc hiểu rõ “nghĩa” của nó chứ?
Cây nêu ngày Tết sở dĩ nó cao nhưng “bóng chẳng ngay” (bóng không thẳng) là vì bản thân cây nêu không bao giờ thẳng. Cây nêu không thẳng vì nó được làm bằng cả một cây tre tươi, phần ngọn cong cong, rủ xuống như cái cần câu. Vậy, cây nêu tuy cao nhưng thân không thẳng, thân không thẳng thì bóng chẳng ngay. Ở đây dân gian còn chơi chữ ở hai từ “nêu cao”: ai đó ở vị trí bề trên, ra điều muốn “nêu cao” phẩm giá làm gương cho người khác, nhưng bản thân mình lại chẳng ra gì!
Mồng ba ăn rốn, mồng bốn ngồi trơ: Tháng tư là tháng giáp hạt, nếu tháng ba không ăn dè sẻn thì tháng tư sẽ bị đói.
Tục ngữ đang nói chuyện “mồng”, sao Nguyễn Cừ lại đổi sang “tháng”? Dân ta có câu cửa miệng: “Ba ngày Tết” hoặc “Đói giỗ cha, no ba ngày tết”… Làm lụng vất vả quanh năm, Tết đến, nhà ai cũng cố gắng no đủ. Nhưng, con cháu hay ông bà tổ tiên, người sống cũng như người đã khuất cũng chỉ đủ đầy, hương khói trong ba ngày Tết. Ngày mồng ba là ngày cuối cùng của ba ngày Tết, nên gọi “ăn rốn”, bánh chưng, giò chả gì đó cũng “tổng vét”. Sang mồng bốn, “ngồi trơ”, coi như trở lại ngày thường, hết Tết. Không chỉ “ngồi trơ” vì không có cái gì ăn, mà còn “ngồi trơ” vì công việc đồng áng đã làm xong trước Tết cả. Câu tục ngữ phản ánh phong tục tập quán, cũng là điều kiện kinh tế, vật chất thời kỳ bấy giờ. (Dị bản: Mồng ba ăn rốn, mồng bốn ngồi không)
Đi đâu chẳng lấy học trò, thấy người ta đỗ thập thò mà trông: Cảnh học trò xem kết quả thi.
Nguyễn Cừ cho rằng “cảnh học trò xem kết quả thi” là cách giải thích vừa qua loa, đại khái vừa không đúng.
Thực ra đây là câu ca chế giễu cô con gái nào đó, trước kia không để ý gì đến anh học trò nghèo (có khi chê học trò “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”), nay thấy người ta đỗ đạt, được “Vinh quy bái tổ” về làng thì “tiếc của” thập thò đứng trông. “Thập thò” ở đây thể hiện tâm trạng vừa tò mò, nuối tiếc, vừa xấu hổ, vì nhớ đến chuyện xưa. Nghĩa bóng có thể áp dụng cho nhiều trường hợp: chê trách hoặc chế giễu ai đó vì thờ ơ mà bỏ lỡ mất cơ hội tốt, đến khi nhận ra, nuối tiếc thì đã muộn.
Vắng trẻ quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp: Không có trẻ con nhà hiu quạnh, không có đàn bà bếp lạnh tanh. Ý nói tình cảm gia đình phải có đông đủ già trẻ, trai, gái mới vui.
Nghĩa bóng câu này nhằm đề cao vai trò người phụ nữ trong gia đình. Họ không chỉ là người giữ lửa trong căn bếp mà còn giữ cho không khí gia đình luôn nồng ấm. Giải thích “phải có đông đủ già trẻ, trai, gái mới vui”, e rằng chung chung quá.
Xưa kia ai cấm duyên bà, bây giờ bà già bà cấm duyên tôi: Lời oán thán của người con gái muốn lấy chồng nhưng không được người trong gia đình ủng hộ mà ngược lại chê bai, thậm chí cấm đoán.
Trước đây chỉ có chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, làm gì có chuyện “người con gái muốn lấy chồng” lại bị gia đình “chê bai, thậm chí cấm đoán”. Mà nhân vật trong câu tục ngữ xưng “tôi”, gọi “bà” kia mà? Thực ra, nghĩa đen tục ngữ nói đến một trường hợp rất cụ thể: Cô con dâu (tôi) là góa phụ, muốn “đi bước nữa” (tái giá), nhưng bị (bà) mẹ chồng ngăn cấm. Tuy nhiên, xưa kia khi còn trẻ, gặp chuyện “nửa đường đứt gánh”, chính bà mẹ chồng cũng từng tái giá. Ấy thế nên cô con dâu góa chồng mới “vặn” lại mẹ chồng: Xưa kia, chính bà đã từng muốn tái giá như tôi (và thực tế bà đã tái giá), không bị ai ngăn cấm, sao bây giờ tôi muốn “đi bước nữa” như bà từng đi, lại bị bà ngăn cấm? Cái hay của câu tục ngữ ở cụm từ “bây giờ bà già”. Vì bà đã già, bà không còn lửa lòng, khát vọng của tuổi trẻ nữa nên bà mới ngăn cấm người khác một cách ích kỷ. Nghĩa bóng và cách dùng rộng hơn: Bản thân mình từng mong muốn hoặc làm việc gì đó không bị ai cấm đoán, bởi vậy, nếu người khác cũng có mong muốn giống mình thì không nên ích kỷ cấm đoán.
Chùa nát nhưng có Bụt vàng, tuy rằng miếu đổ thành hoàng còn thiêng: Quan hệ trong gia đình dòng tộc, mất người này còn người khác, mất cha còn mẹ, mất anh còn em. Khẳng định dòng tộc gia đình mãi mãi tồn tại.
Câu này, Nguyễn Cừ đã lạc đề. Xin tham khảo một số dị bản và cách giải thích của “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”-Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào - NXB Văn hóa - 2000 (sau đây gọi Vũ Dung): “Đất sỏi có chạch vàng [Cá khô có trứng; Chùa đổ có Phật vàng; Chùa rách có Bụt vàng; Chùa rách Phật vàng; Chùa đất Phật vàng]. Nơi nghèo nàn, khó khăn lại nảy sinh người tốt, của quý”.
Đánh bẫy còn chê đực cái: ý nói về anh em đâu được lựa chọn cũng như: Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèodẫu thế nào cũng là anh em.
Không hiểu sao Nguyễn Cừ lại có thể liên tưởng đến chuyện lựa chọn anh em ở đây được? Bởi vì, nghĩa đen của câu tục ngữ là: một người nào đó đặt bẫy bắt muông thú, mong muốn sẽ được con đực (hoặc con cái). Tuy nhiên, khi bẫy sập, con thú nằm trong bẫy lại không như hy vọng. Thế là chê ỏng chê eo! Nghĩa bóng: trong hoàn cảnh có được điều gì đó do may mắn thì không nên kén cá chọn canh.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An: Ca tụng các cô gái Hà thành kinh đô thanh tao, lịch sự.
Thực ra, câu này ca ngợi, khẳng định “chất” thanh lịch của người Tràng An (Kinh đô) chứ không chỉ riêng các “cô gái Hà thành”.
Cổ cao ba ngấn: Nét đẹp của con gái đài các, giàu có.
Câu này chỉ được xem là ngữ danh từ, chưa đủ tiêu chuẩn để gọi là tục ngữ hay thành ngữ. Hơn nữa, đây cũng không phải “Nét đẹp của con gái đài các, giàu có” mà là quan niệm về cái đẹp của con gái từ ngày xưa: cổ cao, thanh tú, ba ngấn khỏe mạnh (cũng là phúc tướng).
Cá chậu chim lồng: Cá, chim nuôi làm cảnh, trái với môi trường tự nhiên.
Câu thành ngữ này phải được giải thêm nghĩa bóng: cuộc đời bị giam hãm, tù túng, có khi đủ đầy, nhàn hạ nhưng không có tự do.
Cá gặp nước, rồng gặp mây: Sinh vật cũng rất cần môi trường tự nhiên đúng như thiên nhiên mà nó sinh sống.
Câu này Nguyễn Cừ mới hiểu nôm na theo nghĩa đen. Nghĩa bóng phải được hiểu: gặp được cơ hội, môi trường thuận lợi, phù hợp để phát triển năng lực.
Cá không ăn muối cá ươn: Thực tế tự nhiên khi cá bị ươn (chết đã lâu) ướp muối không ngấm vào thịt cá được, cũng như con người can bảo khuyên nhủ mãi không nghe sao cũng có ngày tai họa.
Xin lưu ý, tục ngữ nói “Cá không ăn muối cá ươn”, diễn giải: Cá không ăn (không được ướp muối) thì cá sẽ bị ươn, chứ không phải “Cá ươn cá không ăn muối” diễn giải: cá ươn là cá không ăn (ướp muối) được. Nguyên câu tục ngữ là: “Con không nghe lời mẹ cha, cá không ăn muối cá ươn”. Nghĩa đen: ướp muối là cách bảo quản cá rất tốt. Khi được ướp muối, cá tươi lâu hơn, sau đó cá phân hủy thành mắm thơm ngon, chứ không bị thối, bị ươn, bỏ đi. Nghĩa bóng: Con cái không nghe lời dạy bảo của mẹ cha cũng giống như con cá không được ướp muối, sẽ bị ươn, thối rữa, thành đồ bỏ đi chứ không có ích gì, đến lúc ấy thì đã muộn.
Cá mạnh về vây: Cá dùng vây vừa làm bánh lái, vừa tạo sức mạnh bơi nhanh. Cá có bộ vây tốt chính là cá khỏe. Nhiều loại cá có vây rất quý, ví dụ như con cá mập to vậy cũng chỉ quý nhất là bộ vây ăn ngon và chữa được nhiều bệnh tật.
Nguyễn Cừ đã giải nghĩa đúng về sức mạnh của vây con cá theo nghĩa đen. Tuy nhiên, có lẽ tác giả quá thạo về văn hóa ẩm thực nên mới đưa cả món vây cá mập cao cấp ở các nhà hàng vào đây để “giải thích”. Theo đó, nên chữa câu tục ngữ Việt Nam thành: “Cá mập giá trị ở bộ vây” mới hợp chăng? Các dị bản: Cá mạnh về vây hay Chim có cánh, cá có vây; Chim mạnh về cánh, cá mạnh về vây, đều ý nói: mỗi người có thế mạnh riêng, sở trường riêng của mình để hoạt động, tồn tại.
Vợ dại không hại bằng đũa vênh: Đôi đũa cái ngắn cái dài là tối kỵ, suy ra vợ chồng cũng vậy, phải bằng nhau, ngang nhau mới hạnh phúc.
Câu này, Nguyễn Cừ đã hiểu sai nghĩa của từ “vênh”. “Vênh” đây là cong vênh của chiếc đũa chứ không phải sự dài ngắn của đôi đũa. Vì cong, vênh nên đũa mới khó gắp. Nếu cái dài cái ngắn vẫn gắp được như thường. Vũ Dung đưa thêm một dị bản “Vợ dại không hại bằng đũa cong” và giải nghĩa: “Đũa cong vênh khó gắp”.
Tham khảo thêm nghĩa đen: Chuyện đũa vênh bây giờ thật khó tưởng tượng. Tuy nhiên, trước đây, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, cái bát ăn cũng không có đủ (phải dùng cả bát sứt, bát làm bằng gáo dừa). Đến như đôi đũa (dù có thể tự làm được) cũng chẳng ra đôi đũa. Bởi ngày thường cái ăn còn chưa có, chưa đủ, mấy ai để ý, chăm chút cái bát, đôi đũa cho thật đẹp, thật tốt? Đến khi có đình đám, thôi thì trăm kiểu đũa, kiểu bát. Chẳng may vớ phải đôi đũa vênh (cong do vót bằng tre non, tre cụt ngọn, có mắt) thì rất khó gắp (tựa người bị cứng tay, hay mới tập ăn bằng đũa hoặc gắp bằng tay trái vậy). Mà ăn đông người, cỗ bàn có hạn, gắp mãi chẳng được một miếng thì chỉ có nước chịu đói, chịu thiệt. Lấy phải vợ dại (vụng về, không khôn ngoan, tháo vát) đã là thiệt thòi vất vả, khổ sở rồi, thế nhưng cũng không hại bằng đũa vênh. Đây là cách nói thậm xưng thường thấy của dân gian, nhằm nhấn mạnh sự thiệt thòi khi ăn bằng đôi đũa vênh.
Chuồn chuồn đạp nước: Chuồn chuồn bị rơi xuống nước đạp mãi cũng không bay lên được, cũng như con người yếu đuối làm mãi việc gì cũng chẳng xong, dân gian có câu: “làm như chuồn chuồn đạp nước bao giờ mới xong”.
Chuồn chuồn đẻ trứng vào 
một chiếc lá trên mặt nước.
Dân gian gọi “Chuồn chuồn đạp nước” để chỉ hành động việc làm lớt phớt, qua loa, đại khái của ai đó. Tuy nhiên, nghĩa đen không phải như Nguyễn Cừ giải thích. Gọi là chuồn chuồn đạp nước nhưng thực chất là nó chấm cái đuôi vào cánh bèo, hoặc chiếc lá trên mặt nước (nên còn có dị bản: Chuồn chuồn chấm nước; Chuồn chuồn lẹo nước) mục đích để đẻ trứng trên đó, chứ không phải “chuồn chuồn bị rơi xuống nước”. Ấu trùng chuồn chuồn sống trong bèo, rong rêu, trưởng thành sẽ lột xác hóa thành chuồn chuồn.
Dạ cá, lòng chim: Đó là hai thứ không có giá trị, thường làm cá, chim đều bỏ cả bụng, ruột đi, chỉ lấy lại tý gan; ý chê những người lòng dạ nhỏ nhen, như dạ cá lòng chim vậy.
Lại thêm một câu Nguyễn Cừ suy diễn nghĩa đen. Thành ngữ có câu: “Bóng chim, tăm cá” ý nói rất khó dò tìm hai đối tượng này, bởi cá lặn dưới nước, chim bay trên trời. Hình ảnh của cá, của chim còn khó xác định, huống gì là tâm địa của nó. Bởi vậy, “Dạ cá, lòng chim” ý nói tâm địa sâu kín, phản trắc khó lường chứ không phải “hai thứ không có giá trị” vì “làm cá, chim đều bỏ cả bụng, ruột đi, chỉ lấy lại tý gan” và “ý chê những người lòng dạ nhỏ nhen, như dạ cá lòng chim” mà Nguyễn Cừ võ đoán.
Con mắt là mặt đồng cân: Con mắt là quan trọng trong khuôn mặt, mắt thể hiện tính người, mắt làm khuynh gia bại sản nhiều kẻ đa tình, mắt là mặt đồng cân là vậy.
Cách giải thích của Nguyễn Cừ phiến diện, đi quá xa ý nghĩa câu tục ngữ. Bạn đọc có thể tham khảo cách giải nghĩa của Vũ Dung: “Con mắt người ta chỉ nhìn cũng ước lượng được giá trị của vật, người có con mắt tinh đời thoáng qua cũng phân biệt được cái hay, cái dở; Nhìn mắt cũng biết người khôn ngoan hay khờ dại”.
Mặt lầm lầm như tát nước đầm: Khuôn mặt bực tức, lầm lì như nước đầm đục đen lúc tát nước bắt cá.
Xin lưu ý thành ngữ nói “như tát nước đầm” chứ không phải như nước đầm.
Đầm Vân Long - Ninh Bình
Muốn hiểu đúng câu thành ngữ phải xem “đầm” là cái gì đã. Đầm thường được hiểu là một vùng trũng, rộng lớn, nước sâu, luôn có nguồn cấp nước, dùng để giữ nước, nuôi cá, thả sen (đầm sen) hoặc bỏ hoang (đầm Dạ Trạch - Hưng Yên). Đầm nước lợ có khi cực rộng, được cấp nước bởi các nhánh sông nhỏ, thông ra biển (như đầm Ô Loan - Phú Yên). Nói chung, đầm thường lớn và không có bờ kín như ao hồ. Bởi vậy, việc tát nước đầm là công việc rất khó nhọc, tưởng như vô vọng. Tát nước trong tình trạng không biết bao giờ cho nó cạn; vơi tí nào, nguồn nước từ mương máng, kênh rạch lại chảy vào thì vui vẻ thế nào được? Thế nên còn có dị bản: “Mặt lầm lầm tát nước đầm không cạn” (Việt Nam tự điển - Hội Khai trí Tiến Đức)
Thành ngữ tục ngữ Việt Nam có nhiều câu gốc Hán. Mà thành ngữ, tục ngữ gốc Hán lại hay xuất phát từ một tích truyện nào đó. Bởi vậy, người “giải thích tục ngữ Việt Nam” cần phải có kiến thức sâu rộng, đọc nhiều, tham khảo nhiều và ít nhất cũng phải có chút ít kiến thức về Hán Nôm. Tuy nhiên, dường như Nguyễn Cừ không chỉ “yếu” về mảng tục ngữ thuần Việt mà còn thiếu hụt khá trầm trọng kiến thức, hiểu biết về tục ngữ, thành ngữ gốc Hán. Bởi vậy, có những câu Nguyễn Cừ “mù tịt”, giải thích theo kiểu “võ đoán”, trong khi điều đó lại đã được bạn đọc phổ thông hiểu rõ, hoặc được giải thích cặn kẽ trong rất nhiều cuốn sách xuất bản cách nay hàng chục năm rồi. Ví dụ:
Cá chép, hóa rồng: Loại cá chép to, sống lâu năm có vẩy to vàng như vẩy rồng, lúc mắc lưới kêu ộp ộp như động vật trên cạn, khi bắt được những con này ngư dân thường thả trở lại để hy vọng nó hóa thành rồng.
Phù điêu Cá chép hóa rồng
Đây là thành ngữ, Nguyễn Cừ nhận lầm tục ngữ và hiểu sai về cấu trúc (không có dấu phẩy chia làm hai vế). Mặt khác, trí tưởng tượng phong phú của Nguyễn Cừ đã đem đến cho thành ngữ một nghĩa đen khó chấp nhận. Sự tích “Lý ngư hóa long” (Cá chép hóa rồng) được truyền tụng khá phổ biến trong dân gian. Đại khái: Trời sai rồng làm mưa chống hạn, nhưng số lượng rồng trên trời không đủ. Trời mở cuộc thi cho các loài tôm cá vượt Vũ Môn, truyền rằng: nếu con nào vượt được ba bậc thác Vũ Môn sẽ hóa thành rồng. Rất nhiều loài cá đã tham gia. (Ví như họ nhà tôm tràn trề hy vọng vào tài búng nhảy trên mặt nước, đã vượt đến bậc thứ 3 của thác, nhưng không qua nổi, ngược lại bị ngã đau tới mức ruột gan lộn cả lên đầu, suýt chết). Duy chỉ có cá chép vượt được ba bậc và hóa thành rồng, bay vút lên mây.
Tham khảo: “Cá vượt Vũ môn [Cá chép hóa rồng; Cá gáy hóa rồng; Cá hóa rồng, Cá lý hóa long] Người học trò thi đỗ đạt vinh hiển; Người được thỏa chí, toại nguyện, thành đạt.
Theo truyền thuyết, ở đất Tứ Xuyên, Trung Quốc, chỗ sông Trường Giang đổ vào chân núi có vực nước sâu do vua Vũ đào để trị thủy nên cũng gọi là ba tầng cửa Vũ hoặc Vũ môn, hay Long môn, nếu loài cá nào vượt qua được ba vực này thì hóa rồng. Hàng năm vào ngày 1, 11, 21 tháng 7 âm lịch mưa to gió lớn, các loài cá về đây để cùng nhau thi vượt Vũ môn. Trong các loài cá, chỉ có cá chép lớn ở Nam sông Thanh Lãnh vượt được cửa Vũ ra biển hóa thành rồng, gọi là Xích long. Phận gái lấy được chồng khôn, Xem bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng (ca dao)” (theo Vũ Dung - sách đã dẫn).
Có lẽ nhìn bề ngoài, cá chép là loài cá đẹp, lại có hai đặc điểm rất giống với hình tượng rồng: râu rồng, vảy rồng nên dân gian đặt ra câu chuyện này chăng?
Hà Đông sư tử: Vùng đất nhiều phụ nữ hay ghen.
Lại thêm một câu Nguyễn Cừ “giải nghĩa” qua loa cho xong chuyện. Không biết vùng đất “nhiều phụ nữ hay ghen” Hà Đông nằm ở đâu? Có phải chính là Hà Đông-vùng đất thuộc Hà Tây cũ?
Đây là câu thành ngữ được dùng rất phổ biến với ý chỉ người đàn bà hay ghen tuông lồng lộn, ầm ĩ. Tích “Hà Đông sư tử” được rất nhiều sách dẫn. Ở đây xin dẫn “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” (Như Ý - Nguyễn Văn Khang - Phan Xuân Thành - Viện ngôn ngữ - NXB Văn hóa - 1994): Trần Tạo, tự Lý Thường, tự xưng Long Khâu tiên sinh, rất hiếu khách, có vợ là Liễu thị rất hay ghen. Bởi vậy khi thấy các vũ nữ cùng bạn bè đến chơi thăm chồng thì nổi cơn tam bành, đập phá, làm ầm ĩ. Tô Đông Pha, bạn của Trần Tạo, biết chuyện này đã làm thơ tặng bạn: “Long Khâu cư sĩ diệc khả liên, Đàm không thuyết hữu, dạ bất miên, Hốt văn Hà Đông sư tử hống, Trụ thượng lạc thú, tâm mang nhiên” (chữ “lạc thú” có lẽ chính phải là “lạc thủ”, vì “lạc thủ” mới có nghĩa là rơi, tuột gậy khỏi tay, có lẽ do sách này in sai? - HTC chú thích) Nghĩa là: Cư sĩ Long Khâu thật đáng thương, Đọc kinh suốt canh thâu không ngủ, Bỗng nghe tiếng sư tử Hà Đông rống, Chiếc gậy rơi khỏi tay, lòng hoang mang kinh sợ. Hà Đông là tên quận thời cổ, nơi ở của họ Liễu, một gia tộc nổi tiếng của quận này từ thời Ngụy Tấn đến Tùy Đường, ở đây chỉ Liễu thị, Sư tử hống (sư tử gầm) nhà Phật thường lấy hình ảnh này biểu thị uy nghiêm. Mà Trần Tạo lại hay tụng kinh niệm Phật, nhà thơ mượn hình ảnh này với ý trêu cợt”.
Về sau “Hà Đông sư tử” trở thành thành ngữ chỉ người phụ nữ hay ghen dữ, nhưng không ám chỉ vùng đất cụ thể nào.
 Cáo giả oai hùm: Nhiều con cáo già to không kém gì con hổ con, lúc bị tấn công cũng nhe răng xù lông co mình lại, nhiều thợ săn tưởng nhầm là hổ, sợ bỏ chạy. Câu này xuất phát từ hiện tượng tự nhiên để nói ai đó hay dùng tiếng tăm của người khác, mượn danh người có chức quyền để dọa dẫm người khác.
Minh họa “Hồ giả hổ uy” trên một 
con tem thời Trung Hoa dân quốc
Một lần nữa, chúng ta lại phải ngả mũ trước tài suy đoán, trí tưởng tượng phong phú của Nguyễn Cừ. Trong suy nghĩ của dân gian, sức mạnh của con cáo (đặc biệt là cáo già) là sự tinh khôn, ranh mãnh chứ không ở phải nanh vuốt, sự dữ tợn của nó. Câu thành ngữ “Cáo giả oai hùm” gốc Hán là “Hồ giả hổ uy”. Theo Từ điển thành ngữ Việt Nam - Viện ngôn ngữ học: “trong Chiến quốc sách: “Sở Tuyên vương hỏi quần thần: Dân ở phương Bắc sợ Chiêu Hề Tuất là vì lẽ gì? Giang Ất tâu: Khi con cáo đi sau con hổ, các muông thú đều bỏ chạy. Hổ lại tưởng muông thú sợ cáo nhưng thực ra là sợ hổ. Cũng vậy, dân phương Bắc đâu có sợ Chiêu Hề Tuất mà chính là sợ binh giáp của bệ hạ mà thôi.” (Nguyên trong sách của Viện ngôn ngữ nói là “con chồn” HTC sửa lại là con cáo). Lời tâu của Giang Ất lại vận dụng câu chuyện ngụ ngôn: Hổ đói bắt được một con cáo, định xé xác ăn ngay cho bõ cơn thèm. Dưới nanh vuốt hổ, cáo già run rẩy thầm nghĩ, phen này chắc chết. Nhưng vốn là kẻ nổi tiếng tinh quái, cáo cố trấn tĩnh nói cứng: “Dĩ nhiên là ngươi không dám ăn thịt ta rồi. Bởi thượng đế vừa phái ta xuống hạ giới để làm đầu lĩnh muôn loài”. Con hổ lớn xác, bụng đang rất đói, lại nghe nói vậy thì rất tức giận. Tuy nhiên hổ cũng dừng tay, nửa tin nửa ngờ. Cáo không bỏ lỡ cơ hội: “Nếu ngươi vẫn chưa tin, bây giờ ta sẽ đi trước, ngươi theo sau, bách thú nhìn thấy ta sẽ hoảng sợ bỏ chạy hết cho mà xem.” Quả nhiên, cáo đi đến đâu, muông thú đều hoảng hốt, cúp đuôi chạy trốn. Hổ đành phóng thích cáo già, trong lòng thắc mắc không nguôi. Hổ không hề biết rằng: các loài thú bỏ chạy là do sợ hổ chứ không phải sợ cáo (HTC kể)
Như vậy, do không nắm được nguồn gốc câu thành ngữ nên Nguyễn Cừ đã cố tìm ra nghĩa đen không hề ăn nhập gì với “Cáo giả oai hùm”. Nhưng, dù sao bạn đọc cũng cảm ơn câu chuyện “Cáo già và người thợ săn” thật hài hước của Nguyễn Cừ!
Gái tơ, ngứa nghề: Chê cười gái mới lớn mà đã lăng nhăng, lẳng lơ.
Câu này vốn trong “Truyện Kiều”, đoạn Tú bà đay nghiến Kiều: “Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao”. Dẫu sau này được dân gian dùng như một thành ngữ, cũng không thể hiểu như Nguyễn Cừ, nhằm chỉ chung “gái mới lớn mà đã lăng nhăng, lẳng lơ” được. Bởi ở đây có chữ “nghề”. “Nghề” ở đây không gì khác là đĩ điếm, kỹ nữ - một nghề kiếm tiền.
Phụ phu song toàn: Được cả cha lẫn mẹ đều là người tốt, trường thọ. Ngày xưa khi đi chọn vợ chồng cho con cái thường hay nói: Nhà này bố mẹ song toàn là vậy.
“Phụ” là vợ, “phu” là chồng. Nếu quả đúng Việt Nam có câu “tục ngữ”: “Phu phụ song toàn” như Nguyễn Cừ viết thì nghĩa của nó là: được cả vợ lẫn chồng, sao bỗng dưng lại thành “được cả cha lẫn mẹ”? Nếu “được cả cha lẫn mẹ” phải là “Phụ mẫu song toàn” mới đúng! Tuy nhiên “Phụ mẫu song toàn” lại thường được dùng với nghĩa là niềm vui sướng, hạnh phúc của ai đó khi cha mẹ già đều song thọ, song toàn chứ không phải là bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng đều “được cả”.
Phụ trái tử hoàn, tử trái phụ bất can: Câu này lấy từ nguồn Hán học, dịch tạm là: cha mẹ làm sai con cái trả, con cái làm sai cha mẹ không phải trả.
Câu này tác giả đã nói rõ là “dịch tạm” chứ không phải “tạm dịch”. Tuy nhiên, dù có “dịch tạm” đến đâu chăng nữa cũng không nên hiểu chữ “trái” nghĩa là nợ thành “trái” là sai trái.
Tri túc bất nhục: Biết hiểu nhiều không ai bắt nạt được.
Lại một kiểu giải thích nôm na, võ đoán.
“Trị túc” đây không phải là “biết hiểu nhiều” mà là biết thế nào là đủ. Câu tục ngữ gốc Hán này vốn là câu nói của Lão tử: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” nghĩa là: Biết thế nào là đủ thì không phải chịu khổ nhục, biết dừng đúng lúc thì không bị nguy khốn. Trong thực tế, nhiều người do tham lam (của cải, tiền tài, danh vọng, địa vị) không biết thế nào là đủ, rốt cuộc phải chịu nhận lấy khổ nhục. 
Ta có thể lấy ví dụ: ông Hồ Xuân Mãn - Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã lên tới tột đỉnh danh vọng, phú quý một phương. Nhưng do ông Mãn không biết thế nào là “mãn”, không “tri túc”, “tri chỉ” nên đã khai man hồ sơ để có thêm danh hiệu “Anh hùng”. Rốt cuộc, thay vì tột đỉnh vinh quang, ông Mãn đã phải chịu tột cùng khổ nhục! Hoặc có những đại quan đáng ra danh vọng, tiền tài có cả, vẫn được tiếng thanh liêm, nhưng bỗng chốc trở thành tham quan, vướng vòng lao lý. Nguyên nhân không gì khác ngoài chuyện “bất tri túc”!
Ngay như trong chuyện làm sách cũng vậy, phải biết “tri túc, tri chỉ”, không nên vì chút danh tiếng “Nhà” này, “Chuyên gia” nọ, muốn ghi danh với đời mà đem cái không biết để dạy cho người biết… Ví như nếu cụ Nguyễn Lân “tri túc”, hãy cứ là Nhà giáo nhân dân, đừng cố thêm cái “
GS” hoặc “Nhà biên soạn từ điển vô địch”, 90 tuổi còn cặm cụi làm “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” để đời; giá như Lê Xuân Đức “tri túc”, làm một Giáo viên dạy văn cấp III hoặc ông Đại biểu Quốc hội cho tốt, đừng tham cái danh “Chuyên gia số 1 về thơ Bác” hẳn sẽ chẳng phải khổ sở đạo văn, “chữ tác đánh chữ tộ”, 40 năm nghiên cứu thơ Bác, để cuối cùng chịu điều tiếng mà Lão tử đã cảnh báo hàng ngàn năm trước!.
Ta có thể lấy ví dụ: ông Hồ Xuân Mãn - Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã lên tới tột đỉnh danh vọng, phú quý một phương. Nhưng do ông Mãn không biết thế nào là “mãn”, không “tri túc”, “tri chỉ” nên đã khai man hồ sơ để có thêm danh hiệu “Anh hùng”. Rốt cuộc, thay vì tột đỉnh vinh quang, ông Mãn đã phải chịu tột cùng khổ nhục! Hoặc có những đại quan đáng ra danh vọng, tiền tài có cả, vẫn được tiếng thanh liêm, nhưng bỗng chốc trở thành tham quan, vướng vòng lao lý. Nguyên nhân không gì khác ngoài chuyện “bất tri túc”!.
 Ngay như trong chuyện làm sách cũng vậy, phải biết “tri túc, tri chỉ”, không nên vì chút danh tiếng “Nhà” này, “Chuyên gia” nọ, muốn ghi danh với đời mà đem cái không biết để dạy cho người biết… Ví như nếu cụ Nguyễn Lân “tri túc”, hãy cứ là Nhà giáo nhân dân, đừng cố thêm cái “GS” hoặc “Nhà biên soạn từ điển vô địch”, 90 tuổi còn cặm cụi làm “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” để đời; giá như Lê Xuân Đức “tri túc”, làm một Giáo viên dạy văn cấp III hoặc ông Đại biểu Quốc hội cho tốt, đừng tham cái danh “Chuyên gia số 1 về thơ Bác” hẳn sẽ chẳng phải khổ sở đạo văn, “chữ tác đánh chữ tộ”, 40 năm nghiên cứu thơ Bác, để cuối cùng chịu điều tiếng mà Lão tử đã cảnh báo hàng ngàn năm trước!
Trong đời con người, hàng ngày, hàng giờ, chuyện “tri túc, tri chỉ” rất cần được cân nhắc trong từng cử chỉ, hành động. Ấy chính là lời cổ nhân muốn nhắn gửi trong lời dạy: “Tri túc bất nhục”, không phải “Biết hiểu nhiều không ai bắt nạt được” như Nguyễn Cừ hiểu lầm!.
25/7/2014
Hoàng Tuấn Công
Nguồn: http://tuancongthuphong.blogspot.com/
Theo http://vanviet.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...