Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Nhạc Trịnh không biên giới

Nhạc Trịnh không biên giới

Và không phải ngẫu nhiên, con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành chiếc cầu nối yêu thương cho bao tâm hồn.
* Frank Gerke - một người Đức mang họ Trịnh
Frank Gerke là người Đức chính cống, nhưng anh luôn tự giới thiệu với những người Việt Nam rằng anh tên là Trịnh Công Long. Cái tên này nghe có vẻ na ná, họ hàng gì đó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Thì... đúng rồi! Chính nhạc sĩ họ Trịnh đã lấy họ và chữ lót của mình đặt tên cho Frank Gerke...
Tôi gặp Trịnh Công Long ở quán cà phê Dòng Thời Gian trên đường Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh) vào tối ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, khi anh và một nhóm thân hữu (trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Từ Huy) đến chơi ở đây.
Cái dáng vẻ bên ngoài của một "ông Tây" đã gây chú ý cho nhiều người và bất ngờ hơn khi anh lên sân khấu tham gia "hát với nhau" bằng cách ôm đàn ghi ta thùng hát nhạc Trịnh: Người con gái Việt Nam da vàng, Một cõi đi về... cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Giọng hát chưa thật hay lắm nhưng khán giả vỗ tay rần rần...
Tôi hỏi Frank Gerke về gốc gác cái tên Việt của anh. Frank kể: Tôi sinh năm Giáp Thìn (1964), cầm tinh con rồng nên tôi lấy tên Long. Tôi đã học tiếng Việt tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (1993-1994) đồng thời làm luận án tiến sĩ So sánh văn học Việt Nam và Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới. Sau đó về nước làm cộng tác viên tự do về các lĩnh vực dịch thuật, tư vấn về hợp tác giữa EU với Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 1996, tôi trở lại Việt Nam làm tư vấn triển lãm sách của Đức tại Việt Nam... Thời học  sinh trung học tại thành phố Bremen (CHLB Đức) tôi có một vài người bạn người Việt và một người trong số họ đã tặng tôi một cuốn băng cassette ca khúc Trịnh Công Sơn: Sơn ca 7. Tôi rất thích, cứ nghe đi nghe lại dù không hiểu... Sau này học và hiểu tiếng Việt tôi lại càng thích âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Ba ngày trước khi khai mạc triển lãm sách tại TP Hồ Chí Minh, tôi bảo với người bạn Việt Nam tên Hùng: "Hôm trước triển lãm ở Hà Nội rất tốt, có nhiều văn nghệ sĩ đến dự nhưng ở Sài Gòn chỉ mới mời được nhà văn Nguyễn Quang Sáng". Hùng hỏi: "Mày muốn mời ai nữa?". Tôi đáp: "Trịnh Công Sơn!". Hùng lắc đầu: "Thế thì không được vì tao không quen ông ấy". Tôi bảo: "Thôi mình đừng ngồi uống bia hơi nữa mà hãy đi tìm, làm quen với ông ấy đi!".
Chúng tôi đến Hội Âm nhạc, người ta chỉ đến số 47C Phạm Ngọc Thạch. Tại đây, người giúp việc bảo với chúng tôi "cậu Sơn đang ngủ". Tôi viết vào một mảnh giấy nhờ trao lại cho nhạc sĩ: "Thưa bác, cháu là Frank Gerke, tên Việt là Long, xin được gặp bác vào sáng ngày mai để trao đổi, học hỏi về âm nhạc và văn học Việt Nam".
Hôm sau, tôi chỉnh trang lại quần áo rồi mới gõ cửa phòng ông. Cửa mở, tôi vòng tay kính cẩn: "Chào bác!". Đột nhiên tôi thấy nhạc sĩ họ Trịnh rũ người ra cười, những người có ở trong phòng cũng cười lăn. Tôi thật bối rối, không hiểu mình đã phạm lỗi lầm gì nhưng liền đó nhạc sĩ kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, vỗ vỗ vai tôi và nói: "Long gọi tôi bằng anh là được rồi, gọi bằng bác tôi thấy mình già lắm!". Sau đó dĩ nhiên nhạc sĩ nhận lời đến dự triển lãm sách còn tôi thì thường xuyên đến thăm ông tại tư gia.
Ông coi tôi như đứa em trai và hơn thế nữa, như một người bạn thân thiết, dù ông cũng cùng sinh năm 1939 với bố ruột của tôi. Nhân một bữa chúng tôi uống rượu kết nghĩa với nhau vào khoảng tháng 7-1997, ông bảo tôi: "Em đã có tên Việt là Long nhưng chưa có họ, thôi thì em lấy luôn họ và chữ lót của anh nhé!". Tôi thật xúc động và sung sướng được mang cái tên Trịnh Công Long.
Từ năm 1996 đến năm 1998 tôi làm việc cho một dự án phát triển cây cà phê ở Ban Mê Thuột, mỗi chiều thứ sáu tôi đều đáp chuyến bay lúc 17 giờ để về Sài Gòn vui chơi, la cà với bạn bè: Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Từ Huy, Nguyễn Duy, Bảo Phúc, Thanh Tùng, Cẩm Vân, Hồng Nhung... rồi sáng sớm ngày thứ hai lại đi chuyến bay lúc 6 giờ 30 trở lên Ban Mê Thuột và đi thẳng tới văn phòng làm việc...
Năm 1999, tôi về Đức làm giáo sư Đại học Bonn đồng thời bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trong giai đoạn này tôi dịch thơ Nguyễn Duy, "thơ" Trịnh Công Sơn (vì tôi nghĩ ca từ của Trịnh Công Sơn luôn mang đầy chất thơ), truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Đức và được đăng trên tạp chí chuyên môn về văn hóa châu Á Orientierungen. Tôi cũng có viết rất nhiều bài nghiên cứu văn hóa, văn học Việt Nam đăng trên nhiều tạp chí khác nhau...
* Anh cảm nhận thế nào về nhạc Trịnh Công Sơn?
- Âm nhạc của anh Sơn rất lạ và độc đáo bởi anh Sơn thường sử dụng những từ "bất thường". Thí dụ "Trời ươm nắng cho mây hồng..." - trời làm sao mà "ươm" được nắng ? hoặc: "Đôi khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím.." - "nắng khuya" là thứ nắng gì? Rồi "Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình..." - trong tiếng Việt, người ta chỉ nói "phơi áo quần", "phơi nắng", chỉ riêng Trịnh Công Sơn là đem cuộc tình đi "phơi"...
Để tôi kể cho anh nghe giai thoại này: lúc anh Sơn còn học Trường sư phạm Quy Nhơn, anh có một người bạn gái gốc Huế cũng là sinh viên. Rồi cô ấy bị gia đình bắt về quê lấy chồng không cho học nữa. Những ngày sắp chia tay, hai người thường đi dạo ven bờ biển và Trịnh Công Sơn đã sáng tác bài Biển nhớ, trong ca khúc này có một câu mà tôi dám chắc nhiều người Việt Nam... không hiểu nổi, đó là "... trời cao níu bước sơn khê" (Trịnh Công Long quay sang hỏi những người xung quanh có ai hiểu câu này không. Không thấy ai trả lời, lúc đó Long mới giải thích): trời cao vẫn còn muốn níu bước chân của Sơn và của Khê ở lại bên nhau - người con gái ấy có tên là Khê.
* Công việc hiện nay của anh?
- Tôi hiện sống và làm việc tại Áo. Vừa rồi (đầu tháng 3.2006) tôi mới đi công tác tại Hà Nội trong một đoàn đại biểu chính thức của Chính phủ Áo thăm Việt Nam. Khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 tôi sẽ về và ở hẳn tại Việt Nam. Tôi "về Việt Nam" chứ không phải "sang Việt Nam" đâu nhé! Tôi rất mong muốn được làm đám cưới ở Việt Nam, với một phụ nữ Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam!
Có một người Mỹ yêu nhạc Trịnh
Khoảng hai năm trở lại đây, trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn (Trịnh Công Sơn) tổ chức ở Hội quán Hội ngộ (khu du lịch Bình Quới) hoặc ở khu du lịch Văn Thánh luôn xuất hiện một người nước ngoài ôm đàn thùng, hát nhạc Trịnh trên sân khấu. Cứ tưởng đó là một "fan" mới, không ngờ anh lại là một trong những người bạn ngoại quốc cố cựu của Trịnh Công Sơn...
Tôi gặp anh lần đầu tại nhà riêng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong dịp giỗ mãn tang ba năm của ông (1-4-2004). Lúc tôi đang tò mò quan sát cô gái người Nhật Michiko (người từng làm luận án tiến sĩ về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn) tíu tít nói chuyện với những người thân của nhạc sĩ thì một "ông Tây" đi... xe ôm đến.
Anh ta mượn một chiếc đĩa và bày biện lên đó nhiều loại trái cây (có lẽ trước đó anh vừa ghé chợ) đựng trong hai túi xốp trĩu nặng. Mâm quả cúng người đã khuất và cách hành xử "rất Việt" này mới thật gây ấn tượng với những người có mặt ở đó. Anh tay bắt mặt mừng với Michiko bởi vì "nghe tiếng đã lâu, giờ mới biết mặt" và tự giới thiệu: "Mình tên là Rich Fuller, người Mỹ. Tên Việt là Phú...".
Thật lạ lùng, hai người ngoại quốc một Nhật, một Mỹ nói chuyện với nhau bằng tiếng... Việt qua chiếc cầu nối là con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn!
* Anh thuộc bao nhiêu bài hát Trịnh? Lời tiếng Anh có phải do anh đặt?
- Thuộc hết nhạc Trịnh là một điều bất khả, bởi anh Sơn có đến khoảng 800 bài. Tôi chỉ biết khoảng 7-8 chục bài, thuộc khoảng mười mấy bài. Ngoài Diễm xưa tôi còn thích hát Biển nhớ, Gọi tên bốn mùa, Hạ trắng... có những bài không nhớ tên nhưng nếu có lời thì tôi có thể hát được. Những bài hát tủ tôi tự đặt lời Anh, hát xen kẽ song ngữ. Tuy nhiên, phải nhìn nhận tôi đã rất dở trong việc phổ biến nhạc Trịnh với ca từ Anh ngữ.
Đã 30 năm, mà người hát nhạc Trịnh bằng tiếng Anh chỉ mới có một số người là các học trò của tôi (Rich đang dạy ở Trung tâm Anh ngữ Cleverlearn, số 186 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.Hồ Chí Minh). Năm rồi, kênh truyền hình VTV1 có phát sóng chương trình gặp gỡ - giao lưu Có một người Mỹ yêu nhạc Trịnh Công Sơn (4-2005). Tôi cũng đã hát chung với Trịnh Vĩnh Trinh (em ruột Trịnh Công Sơn) trong một CD lưu niệm mang tên Ca dao mẹ.
Nhạc của anh Sơn rất hay. Nếu không hay sao tôi lại mê mẩn đến thế này. Tôi sẽ cố gắng tìm ra bờ biển Quy Nhơn, nơi Trịnh Công Sơn viết Biển nhớ để coi nơi nào là đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ...?
* Thế còn cái tên "Phú" của anh? Anh có họ Việt không?
- Tên Phú là do anh em đồng sự gọi trại từ tên Fuller từ hồi tôi còn ở Nha Trang. Còn họ thì... một hôm tôi trở về nhiệm sở sau một chuyến đi xa bằng xe mô tô. Áo quần, tóc tai đều nhuộm đỏ bụi đường, nhìn rất ư là "gió bụi", các đồng sự thốt lên: "Nhìn kìa Phú Phong Trần!". Thế nhưng sau khi tôi tắm rửa, trang phục chỉnh tề thì họ lại nói: "Bây giờ thì Phú Phong Trần trở thành Trần Phong Phú mất rồi! Vâng, tên của tôi Phú Phong Trần khi đi... bụi và là Trần Phong Phú khi đi dạy học!
Vagne Christian: "Với nhạc Trịnh, tôi càng yêu Việt Nam hơn!"
Tôi gặp Vagne Christian ở Hội quán Hội ngộ (khu du lịch Bình Quới - TP Hồ Chí Minh) vào năm 2001 - chỉ ít lâu sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời. Lúc đó Christian là người thiết kế mỹ thuật cho bìa đĩa CD Về nơi cuối trời do nhóm ca, nhạc sĩ không chuyên của Hội quán Hội ngộ thực hiện nhằm tưởng niệm cố nhạc sĩ. Christian thuận tay trái nhưng sử dụng đôi đũa tre rất thành thạo, hút thuốc Đà Lạt và nói tiếng Việt như... dân Sài Gòn!
Christian kể, bà nội của anh là người Việt Nam chính cống, ông nội là một thầy giáo người Pháp dạy học ở Sài Gòn, mãi đến năm 1972 ông bà mới qua Pháp. Christian sinh năm 1965 ở ngoại ô Paris, mẹ là người Đức và hiện đang sống với bố dượng là người Việt. Chính ông bố dượng này đã tặng Christian cuộn băng cassette Ca khúc Da vàng, anh mê đến nỗi đi đâu cũng mang theo.
Christian đến Việt Nam lần đầu vào năm 1996 và anh đã tự tìm đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ rất bất ngờ và ngạc nhiên khi "ông Tây mũi lõ" này thuộc khá nhiều bài hát của mình. Từ đó mỗi lần sang Việt Nam, ngôi nhà của nhạc sĩ họ Trịnh là một trong những địa chỉ Christian tìm đến trong tâm trạng háo hức. Nhưng đã có một lần thay vì háo hức là tâm trạng hụt hẫng, sụp đổ khi anh tìm đến ngôi nhà quen thuộc trên đường Phạm Ngọc Thạch thì lễ tiễn linh cữu thần tượng của anh cũng vừa hoàn tất. Con hẻm nhỏ vắng lạnh, những vòng hoa vương vãi...
Christian hồi tưởng: "Tôi ngồi đốt thuốc một mình giữa buổi trưa rực nắng. Buồn nhiều, nhiều lắm! Nhất là thấm thía câu hát của anh Sơn "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi...". Với nhạc Trịnh, tôi càng yêu Việt Nam hơn...".
Chuyển "kênh" nhạc Trịnh: Nối vòng tay lớn
Chuyển "kênh" là một cách gọi vui của công việc chuyển ngữ ca từ nhạc Trịnh Công Sơn từ tiếng Việt ra với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật... Từ lâu, nhạc Trịnh đã có những fan ham mộ trên thế giới và rất nhiều ca khúc nổi tiếng của ông như Ướt mi (Misty eyes), Một cõi đi về (A realm of return), Hoa vàng mấy độ (Bright yellow flower)… được nhiều người biết đến. Vậy tác giả những "lời hai ngoại ngữ" ấy là ai? Chất lượng ra sao?
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đã có khoảng 200 ca khúc của Trịnh được dịch lời sang tiếng Anh, Pháp. Một con số bất ngờ. Bởi điều này cho thấy nhạc Trịnh khá phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Rất khó thống kê cụ thể bao nhiêu dịch giả đã "chuyển kênh" nhạc Trịnh, vì ở vai trò người hâm mộ, họ đều muốn vô danh. Bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu một số gương mặt với những bản quen biết, lưu truyền rộng rãi.
Đáng chú ý trước nhất là nguồn ngoại quốc. Bởi chứng minh hiển nhiên nhạc Trịnh đã xuyên biên giới chinh phục khán giả Tây như thế nào. Các bản tiếng Anh quen thuộc hơn cả là của Rich Fuller, Patrick Gallagher và Donny Trương. Bản tiếng Pháp của Jean-Pierre Raveneau và tiếng Nhật của Michiko.
Nguồn Việt phong phú hơn với các bản tiếng Pháp của dịch giả Bửu Ý, Nguyễn Duy Bình, tiếng Anh của Tôn Thất Lan, Vân Mai, Phạm Văn Đỉnh, Trần Tiễn Cao Đăng.
Ông Rich Fuller cho biết: "Tôi bắt đầu dịch nhạc Trịnh từ những năm 1970. Những ca khúc phản chiến của Trịnh tạo làn sóng chú ý. Làm sao để người Mỹ hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam và kết thúc nó. Tôi dịch nhiều ca khúc Da vàng của Trịnh là vậy!".
Rich Fuller tiết lộ thêm, ông đã cùng nhạc sĩ Hà Nguyên thực hiện sắp xong một CD gồm những bài hát Trịnh do ông dịch lời kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ. Các ca khúc Như cánh vạc bay (Like a flying crane), Tôi đang lắng nghe (Dear I don't despair), Cát bụi (Sand and dust) do Rich Fuller chuyển ngữ và hát, Hà Nguyên đệm guitar cho thấy một phong thái riêng.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Hà Vũ Trọng (Canada) cho biết có thể tìm thấy rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh trên trang web www.Trịnh Công Sơn-home.org. Trang này hiện vẫn đang tiếp tục cập nhật những bài hát mới dịch từ ca khúc Trịnh Công Sơn.
Chủ trương của trang web độc đáo này là "nơi hội tụ bạn bè yêu Trịnh Công Sơn từ khắp nơi trên thế giới"; "nghiên cứu và triển khai toàn bộ công trình nghệ thuật Trịnh"; "Thắt chặt mối dây hữu nghị giữa các dân tộc qua những cuộc trao đổi và trưng diễn văn học nghệ thuật liên quan với tác phẩm Trịnh". Điều đó cho thấy hoàn thành một đội ngũ hệ thống, thẩm định, dịch ca từ Trịnh Công Sơn giao lưu văn hóa trong tương lai là cần thiết.
Với bản tiếng Pháp Les chemins de ma vie bản dịch của ca khúc Một cõi đi về thì càng kỳ thú. Bản dịch này nổi tiếng đến nỗi các sinh viên học Pháp ngữ hay du học sinh Paris, châu Âu đều thuộc nhưng ít ai biết "thâm cung bí sử" của nó thế nào.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, dịch giả ca khúc này là ông Jean-Pierre Raveneau, vốn là tùy viên hợp tác, Giám đốc Trung tâm tiếng Pháp với sự kết hợp của dịch giả Nguyễn Duy Bình, hiện là giảng viên Đại học Vinh.
Anh Bình kể: "Là người mê âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc Trịnh nên Jean-Pierre Raveneau đã sưu tầm tất cả những đĩa nhạc Trịnh có mặt trên thị trường. Ông đã đề nghị tôi, lúc đó là nhân viên biên phiên dịch tại Trung tâm tiếng Pháp ở Huế dịch một số bài hát Trịnh sang tiếng Pháp và dựa vào bản đó, ông đã biên dịch lại làm sao cho đúng nhạc Trịnh".
Kết quả sự phối hợp của họ là bản tiếng Pháp khá chuẩn cho các bài Phôi pha, Một cõi đi về, Biển nhớ được hát vào các buổi dạ hội Pháp ngữ, và sau đó phổ biến rộng rãi tại một số trường đại học có dạy tiếng Pháp tại Hà Nội.
Cũng tiếng Pháp, người yêu nhạc Trịnh còn biết các bản Ru ta ngậm ngùi (Je me berce de souvenirs), Đêm thấy ta là thác đổ (Je me rêve chute d'eau)… của dịch giả Bửu Ý.
Hơn ai hết, Bửu Ý vốn là một người bạn thân của nhạc sĩ họ Trịnh từ những ngày các ông còn trẻ ở Huế. Dịch giả nhận định: "Từ lâu, Trịnh đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận. Nhưng nhạc Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương của truyện dài không có kết thúc".
Từ đồng cảm đó, các bản dịch Bửu Ý được đánh giá là có chiều sâu, tinh tế, chuyển tải được tinh thần Triết lý phương Đông như nhạc Trịnh đã chưng cất. Còn rất nhiều bản dịch khác từ những người yêu mến nhạc Trịnh không thể kể hết như Rồi như đá ngây ngô (Not gone at all), Tôi ơi, đừng tuyệt vọng (I'm listening), Cỏ xót xa đưa (Troubled grass swaying), Cuối cùng cho một tình yêu (thơ Trịnh Cung - Sure, stay away), Tiến thoái lưỡng nan (All ways closed off)…
Và nói như dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, khi anh tự dịch những ca khúc Trịnh chỉ để "cho riêng mình, tự mình làm cuộc tìm về chính mình trong một bản ngã để sống yêu thương và minh triết".
1-4-2006
Theo https://nhandan.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...