Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

"Mây" trong thơ Quang Dũng

"Mây" trong thơ Quang Dũng

Mây là biểu tượng cưu mang cái vô hạn của không gian và thời gian. Mây nổi nên nhẹ nhàng đối lập với kiếp nhân sinh hệ lụy, đối lập với sự ngắn ngủi của đời người. Mây là hơi nước bốc lên trời đọng lại thành từng đám. Bản chất của mây là di chuyển và biến hình. Nó đối lập với trạng thái đứng yên, tĩnh tại, hằng định. Không gian tồn tại của nó có thể là khoảng trống bao la của vũ trụ vô biên được thấy ở bầu trời, hay là những chu kỳ lịch sử - xã hội hữu hạn thể hiện ở đất nước. Nhưng khi đi vào cõi thơ ca, mây còn mang thêm biết bao tầng ý nghĩa. Quang Dũng là một trong những nhà thơ góp phần tạo nghĩa cho hình ảnh mây. 
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm...
Trong văn học Trung Hoa, ‘áng mây’ đã xuất hiện từ rất sớm trong ‘Lương Châu từ’ của Vương Chi Hoán:
Hoàng Hà viễn thượng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận sơn.
Đến cả Thi tiên Lý Bạch cũng có áng mây sà vào trong ‘Độc tọa kính đình sơn’:
Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn.
Hay như Thi thánh Đỗ Phủ dằng dặc nỗi đau đời trong ‘Thu hứng’:
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Mây trắng, mây Hàng được hiểu là cha mẹ, quê nhà. Ðịch Nhân Kiệt làm quan ở Tinh Châu, một hôm lên núi Thái Hàng du ngoạn, ngắm nhìn làn mây trắng ở xa, nói với người đi theo rằng, Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó!
Trong văn học Việt Nam, hình ảnh ‘mây’ cũng xuất hiện với nhiều trạng thái, sắc màu khác nhau… Từ lâu, ông bà ta đã gửi gắm tín hiệu tình yêu:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng…
Đến thời Lý - Trần, đọc thơ Trần Nhân Tông ta sẽ gặp một “chòm mây nhàn tản” trong bài ‘Lượng châu vãn cảnh’:
Thủy minh, sơn tĩnh, bạch âu quá
Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ.
Như vậy, có thể kết luận rằng: viết về mây trong văn học cổ điển phương Đông không thiếu và Quang Dũng là người đã kế thừa, nâng hình tượng “áng mây” lên một tầm cao mới: áng mây của cuộc đời mình
Quang Dũng đã có một thái độ sống thật phóng khoáng. Ông cứ làm một áng mây trắng xứ Đoài hồn nhiên lang thang từ làng ra phố, hết phố lên rừng rồi lại từ rừng về phố. Sau này, ông hóa thân thành đám ‘mây đầu ô’, luôn cảm thấy: Ôi! Chật làm sao góc phố phường và ông luôn khát đi - như lời bà vợ: “Cứ sểnh ra là ông ấy đi!”. Nói cách khác, mây, hay chính là hồn thơ Quang Dũng trong dáng hình của mây, đã lang thang, lãng đãng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Quang Dũng nói nhiều đến mây, đặc biệt là mây trời Sơn Tây. Mây là biểu tượng của tự do, của lãng du. Mây trắng là xứ sở của tiêu dao trường cửu. Chất mây lãng tử ở Quang Dũng, một phần do thổ ngơi xứ Đoài. Đó là áng mây trắng tình yêu che mát cho hai tâm hồn cách trở. Trong đời, mấy ai có được mối tình thơ như Quang Dũng… Đọc thơ Quang Dũng, ta thấy ngồn ngộn trước mắt những áng mây cứ vương vấn, quanh quẩn bên đời một con người. Áng mây ấy trĩu nặng tình yêu với quê hương xứ Đoài… Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm (Đôi mắt người Sơn Tây). Ba Vì - một vùng quê hẳn là chất chứa không ít kỷ niệm thời thơ trẻ của Quang Dũng, đã được tái hiện sau một “làn sương chiều xa buông”. Làn sương của thời tiết mà cũng là áng sương xanh của kỷ niệm - bao giờ cũng mang tâm sự như một “cánh chim bâng khuâng” rõi về một ‘miền mây’ nào xa vời vợi… Quang Dũng là con người của chủ nghĩa ‘xê dịch’, phảng phất hình ảnh của một Tản Đà buổi giao thời đầu thế kỷ, bởi vậy khi ông đi tới đâu thì lập tức ‘áng mây’ ở nơi ấy lại ùa vào, tràn ngập trang thơ… Đến đèo Pha Đin với đường mây chất ngất, ớn ngợp:
Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Giang sơn gấm vóc một miền Tây
Mới thấy yêu sao là Đất Nước
Pha Đin ngàn chóp nổi hồ mây”
Hồn thơ Quang Dũng tập trung thể hiện hình ảnh ‘mây’ với ý nghĩa biểu tượng cho quê hương đất nước và cá nhân nhà thơ với những tâm sự về đời. Và khi Quang Dũng ví phận mình như mây trắng đầu ô với nhiều khao khát được lang thang thì ông đã bứt ra khỏi từ trường hấp dẫn của truyền thống để trở thành một sáng tạo độc đáo. Áng mây đồng thời là sự hóa thân của khát vọng vươn cao, vươn xa của Quang Dũng. Và trong 44 bài thơ thì hình ảnh ‘mây’ đã xuất hiện trong 17 bài đủ cho ta thấy áng mây thực sự đã quyện chặt vào con người Quang Dũng.
Đọc những trang thơ viết về người phụ nữ của Quang Dũng mới thấy ông có tài làm sống lại cả một thời bình yên xưa cũ, ghi lại vang bóng một kiểu thiếu nữ Việt Nam đã lùi vào quá vãng. Mắt người Sơn Tây chưa một lần nguôi vơi nỗi nhớ, nhất là vào khoảnh khắc “chiều xanh không thấy bóng Ba Vì”. Đây là cái long lanh của hạt sương trên đầu ngọn cỏ của buổi sáng đẹp trời, tiếng tu hú mỗi mùa vải chín. Nhà thơ không khỏi bâng khuâng, nhớ ai và ai nhớ:
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
Ở Quang Dũng, điều ấy thể hiện thật sống động qua những sáng tác của ông. Có thể là một mảnh tình câm, một sự cảm thông không bình thường trên đường gió bụi thể hiện qua khổ kết bài ‘Quán bên đường’:
Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt
Đường xa xa mờ mờ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay.
Bên cạnh đó Quang Dũng còn góp thêm một bài thơ về tình bạn cố giao cho nền thơ Việt Nam:
Hai mươi năm đi rồi
Trông về mây Quốc Oai
Núi Thầy nhắc bạn cũ
Mà xa những xa hoài.
Đối với Quang Dũng, khi viết về bản thân, tự nhiên ‘mây’ cũng quẩn vào, trĩu nặng tâm tình:
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua.
Còn trong bài ‘Mây đầu ô’ tuy không nổi bật về giá trị nhưng về mặt tâm thế thì cái tên đó thật tiêu biểu cho Quang Dũng. Đây là tập thơ riêng duy nhất của ông ra đời, lại đúng vào lúc nhà thơ ngã bệnh (1986). Quang Dũng cứ làm một áng mây trắng xứ Ðoài, hồn nhiên lang thang từ làng ra phố, để một hôm, mới ngộ ra, phận mình y như một áng mây lang thang. Ông bị hoàn cảnh bó buộc đành phải ‘giang hồ vặt’, thơ thẩn ở công viên, dạo bộ trên đường ngang ngõ hẻm:
Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi! Chật làm sao góc phố phường.
Đã thế, ông không chỉ kêu chật chội một lần:
Mây trắng lang thang
Gió đuổi bời bời phố chật.
Nhưng khi Quang Dũng ví phận mình như mây trắng đầu ô với nhiều khao khát được lang thang, ông đã bứt ra để trở thành một sáng tạo độc đáo. Và nhờ thế, hình ảnh mây khi bay vào chân trời biểu tượng: mây, hay chính là hồn thơ Quang Dũng trong hình dáng của mây, đã lang thang phiêu du một chặng đường dài.
Khi phác họa về áng mây, ngòi bút của Quang Dũng đã vẽ nên những hình ảnh thơ thật đa dạng, biến hóa. Đầu tiên, đó là sự kết hợp tài tình giữa yếu tố cổ điển, truyền thống với yếu tố mới mẻ, hiện đại. Trong bài ‘Thu’ đặc điểm đó được thể hiện rõ nét, bên cạnh những hình ảnh mang ý vị cổ điển:
Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu.
Hay:
Vào thu khói biếc đã xây thành.
Là những nét vẽ vừa dân dã quen thuộc, vừa rất thời sự:
Cữ này bưởi đào đang chín cây (…)
Quạnh quẽ sắn nương rờn nắng a.
Không chỉ có thế, thơ Quang Dũng còn có những hình ảnh gân guốc, gồ ghề như vách núi dựng đứng trong ‘Tây Tiến’:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
Ðó là những con người yêu nước lứa tuổi mười tám đôi mươi nhuốm chất Kinh Kha sang Tần thích khách thuở nào. Trong cái nhìn của nhà thơ, họ là những đám mây mang hình tráng sĩ phiêu bồng vào trận mạc. Áng mây Quang Dũng hòa lẫn trong đội hình ấy. Thơ của Quang Dũng có sự đan xen, hòa lẫn của nhiều nhịp thơ. Ở ‘Gửi Sơn Tây’ và ‘Tây Tiến’, ta bắt gặp một nhịp thơ đứt gãy, gấp khúc với nhiều câu thơ bị ngắt gọn, bẻ gập, kiểu như: Cao vút Trường Sơn/Mây trắng/Mưa rừng/Chớp lửa. Một trong những bài thơ đầu tiên, được coi thành công nhất là bài “Tây Tiến”, viết năm 1948, đã thấy có một cồn mây sừng sững hướng lên trời.
Quang Dũng vẫn còn có những câu thơ với nhịp điệu chậm rãi, buông thả, dềnh dàng như một cung gam thứ, quyện mãi trong lòng người đọc, ví như:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
Và rồi: Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua. Cùng với núi là mây, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm. Cũng có thể xứ Đoài mây trắng thật: Ba Vì tảng trán xanh/ Thức với mây Đoài trắng xóa (Bất Bạt đêm giao quân). Mây với Quang Dũng tự do, là lãng du, là lang thang (Mây ở đầu ô, mây lang thang); trắng là màu của vĩnh cửu. Thế Lữ ngày xưa giữ thái độ không thể nhập thế: Tôi bước đi bên cạnh cuộc đời, Trăm năm theo dõi đám mây trôi. Quang Dũng ngày nay nhập cuộc, lang thang khắp cuộc kháng chiến cùng với những đám mây để nhớ về một cõi mây trắng: xứ Đoài.
Ai rồi cũng đến lúc phiêu du như mây trời mà phải lìa cõi sống. Ðám mây trắng xứ Ðoài nằm trong bệnh viện, nhưng hồn thi nhân đã thành áng mây trắng lan tỏa bàng bạc giữa hư không. Có thể nói, trong nền thi ca Việt Nam hiện đại, ít có người nghệ sĩ viết về mây hay đến thế. Giờ này, áng mây trắng xứ Ðoài Quang Dũng vẫn lãng đãng ngang trời, phủ một bóng mát lớn xuống nền thơ Việt Nam hiện đại.
7/1/2015
Quang Anh
Theo http://www.tongphuochiep.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...