Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Đọc Nguyễn Xuân Dương bình thơ

Đọc Nguyễn Xuân Dương bình thơ

Thi thoảng vào trang facebook của nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương, tôi gặp khá nhiều statuts và những dòng comment ngắn, ghi lại cảm xúc của ông về thơ của bạn thơ và những dòng “chia sẻ” đó thường nghiêng về “gợi mở” hơn là “bình”. Có lẽ ông chủ ý chỉ đứng ở vị trí là người “phát hiện” ra thơ hay còn cảm nhận thơ hay thế nào là việc của bạn đọc nên ngay cả những lời “gợi mở” ông cũng khá kiệm lời, ví như khi viết về “Lời Yêu” của Đồng Thị Chúc:
“Chập chờn như thể lời yêu
Lúc tha thiết lúc như điều không đâu
Em về mang áo ra khâu
Cây kim sợi chỉ để xâu chập chờn.
Chỉ bốn câu thơ mà ngổn ngang rối bời tâm trạng. Phải chăng cõi người đã thêm một định nghĩa hay khác đi thêm một phạm trù nữa của tình yêu. Tôi tin tất cả những người mới bắt đầu nếm trải cái vị ngọt, đắng của tình yêu đều có tâm trạng chập chờn như Đồng Thị Chúc. Trong cái lâng lâng dịu ngọt ban đầu ấy đã xuất hiện một nỗi lo âu. Bởi khi người ta quá hạnh phúc người ta lại lo âu đó là điều không có thực điều dễ mất đi nên cứ chập chờn khi có khi không.
Rồi để tự trấn tĩnh mình nên “Em về mang áo ra khâu”. Tức là muốn được va chạm được nắm cầm những điều hiện hữu đó là tấm áo, sợi chỉ cây kim để như muốn chứng minh hay nói đúng hơn là để nhận biết mình đang tồn tại. Thế nhưng rồi em không thể khâu áo mà lại khâu cái chập chờn của lời yêu. Khâu nó vào đâu và sao lại phải khâu? Phải chăng em muốn giữ chặt nó mãi trong em không bao giờ nó còn chập chờn được nữa để rồi nó mãi là của em vì em đã xâu chặt nó vào tim em... vào đời em...
Thơ có cần gì nhiều đâu. Tôi nghĩ chỉ cần thế thôi cũng đủ để lưu danh trong cõi người...”
Chả cần bình! Chỉ khoảng hơn mười dòng chia sẻ như thế cũng đã đủ để gợi mở tâm trạng rối bời với ngổn ngang những thấp thỏm nỗi niềm của kẻ đang yêu, khát yêu... cũng đủ để bạn đọc tự cảm nhận được sự dịu dàng, nữ tính và những đăm đắm yêu thương, những nhớ nhung bời bời trong thơ hay của Đồng Thị Chúc. Vâng, cái khéo của cây viết dạn dày Nguyễn Xuân Dương là thế. Người đọc cảm thấy thoải mái khi đi theo sự gợi mở của người viết vì người viết rất khéo cất đi cái tôi của mình. Hình như, đấy là cách viết được coi là chủ lực của nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương?!
Hay những dòng status rất ngắn về “Vô Đề”, một bài thơ cũng rất ngắn (19 chữ) của Trịnh Loan:
“Em chẳng cách nào buộc chặt đôi cánh gió.
Chỉ có thể dịu dàng...
Quàng khăn ấm cho anh!
Chỉ cần thế thôi đã là tất cả tình yêu em dành cho anh suốt cả cuộc đời. Đã mấy ai khi gió rét mưa dầm không thể buộc gió che mưa lại biết dịu dàng quàng khăn ấm cho anh trước mỗi sáng đi làm. Hình tượng người vợ tuyệt vời chỉ bằng mấy dòng thơ ngắn ngủi. Trên đời này biết bao người khát thèm mơ ước hành động thật giản đơn như thế từ tấm lòng từ tay người vợ. Bởi không phải ai cũng nghĩ và làm được điều đơn giản đó...
Thơ Trịnh Loan bao giờ cũng đầy ắp yêu thương”
Ngắn, rất ngắn, ngắn đến kiệm lời nhưng chỉ vài dòng cảm nhận ngắn ngủi thế thôi đã đủ để đẩy bài thơ đến trái tim bạn đọc và nhanh lan tỏa. Thơ đã nén chặt, bình lại kiệm lời, bạn đọc thêm nhiều “đất” để thỏa sức phiêu bồng cảm xúc cùng thơ. Cách bình thơ này, nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương đã gặp nhà nghiên cứu Văn hóa Bùi Đồng ở điểm: xúc tích, ngắn gọn, không “áp đặt”, không “suy diễn”, chủ ý chừa lại “đất” để bạn đọc cảm nhận theo những cách riêng của bạn đọc. Cái tôi của tác giả bình thơ được chủ ý đặt khiêm nhường phía sau tác giả thơ để đẩy bài thơ thăng hoa cảm xúc cùng bạn đọc!
Đôi khi, gặp những bài thơ mà do rào cản của ngôn từ, khiến người đọc khó cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp trong thơ thì ông vận dụng sự hiểu và biết của mình để "dẫn dụ” bạn đọc khám phá cái hay, cái đẹp ẩn sâu trong câu chữ của bài thơ. Ví như khi bình bài thơ “Đêm Trắng” (1) của Trần Đăng Khoa: “Đêm trắng lạnh, có một người không ngủ/ Nhớ quê hương mà chẳng thể trở về/ Ngoài cửa sổ cây bạch dương biết thế/ Trổ lên trời lặng lẽ đóa trăng quê...”, ông đã dùng câu chuyện về sự tích hai từ Thôi Xao để bật lên “tài năng và sự kì khu nghiêm cẩn về sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ Trần Đăng Khoa”. Cách bình thơ này đòi hỏi người bình phải có vốn sống, vốn kiến thức sâu rộng và làm chủ được cảm xúc để bài bình không sa vào “tán dương kiến thức”, để dẫn dắt được cảm xúc của người đọc thăng hoa cùng thơ.
Yêu cầu của việc bình thơ là phải đáp ứng được yếu tố phát hiện. Bài bình thơ chỉ ấn tượng với bạn đọc khi người bình phát hiện ra những câu thơ hay, những tứ thơ độc đáo hoặc nghệ thuật sử dụng câu chữ “đắc địa”, tài hoa... của nhà thơ. Khá nhiều bài bình thơ của tác giả Nguyễn Xuân Dương đã đáp ứng được yêu cầu đó. Tuy nhiên, đọc các bài ông bình thơ, rất ít gặp ông bình sâu về nghệ thuật tu từ hay cách dựng tứ ở bài thơ mà thường là chia sẻ những cảm xúc, những phát hiện của ông về những câu thơ hay, những tứ thơ độc đáo, những cách dùng chữ “đắc địa”... với bạn đọc, ví như đoạn trích dẫn dưới đây trong bài “Trao đổi với nhà thơ Nguyễn Vượng về ngôn ngữ trong thi ca” (2):
"Rõ ràng cụm từ: BÊN ĐÂY BỜ VĨNH TẬN là một cụm từ sáng tạo của nhà thơ Dung Thị Vân. Hiểu thế nào về cụm từ đó chỉ có nhà thơ mới lý giải một cách cặn kẽ. Nhưng đôi khi sự lý giải ấy chắc gì đã được người đọc chấp nhận. Với tôi, tôi nghĩ đây thuộc về một giới hạn vô cùng của không gian và không chỉ là không gian mà còn là giới hạn của của cảm xúc. Qua đó hình như nhà thơ đã muốn bày tỏ về sự tận cùng vĩnh cửu của những tàn phai. Ta cứ phải mặc nhiên công nhận nó và ta cảm nhận sự mông mênh của thi ca. Ta thấy những câu thơ như thế chiếm đoạt được cảm xúc của con tim mà không hiểu được vì sao lại như thế. Nó rất hay, nhưng hay ở chỗ nào thì ta cũng không thể lý giải".
để bạn đọc thăng hoa cảm xúc cùng thơ theo cách cảm nhận riêng của bạn đọc. Có lẽ vì thế mà những bài bình thơ của ông dễ đồng cảm với người yêu thơ.
Khi đọc Nguyễn Xuân Dương giới thiệu “Chị Bỏ Mùa Hoa Gạo” (3) của Nguyễn Đăng Thanh, tôi xuýt xoa, nghẹn ứ ngay ở những câu thơ đầu:
“Em đứng trên bờ, tiễn chị về phía bên sông/ Quay mặt bỏ đi, rẽ lối nào cũng gió/ chị ơi, tháng ba…/ đường làng mình nở đầy hoa Gạo đỏ/ có lẽ, thấy em buồn/ hoa khóc… rụng ở triền sông.”
Hay quá! Nhiều cảm xúc quá! Nhưng những câu thơ tiếp theo bị cái bóng sừng sững của “Lá Diêu Bông” chặn mất cảm xúc khiến tôi nản định thôi đọc, rồi tò mò đọc lời bình, tôi bị cuốn theo cảm xúc của Nguyễn Xuân Dương, ông đã xóa nhòa bức tường vô hình của “Lá Diêu Bông” để tôi cứ cùng Nguyễn Đăng Thanh mà day dứt nhớ thương, mà trách cứ tủi buồn, mà rưng rưng lệ với “Chị Bỏ Mùa Hoa Gạo”. Tôi comment cám ơn người bình: “Thơ hay nhưng người đọc không khoái lắm vì bị "Lá Diêu Bông" chặn mất nguồn cảm hứng. Khổ thế đấy. "Lá Diêu Bông" sừng sững như thế cơ mà! May thay, đọc lời bình của tác giả Nguyễn Xuân Dương, mạch cảm hứng với “Chị Bỏ Mùa Hoa Gạo” lại dâng trào. Cám ơn nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương đã giới thiệu một bài thơ hay!”
Mặc dù luôn nâng niu cảm xúc khi bình thơ và chỉ viết lời bình khi cảm xúc dâng trào trước bài thơ hay, trước tứ thơ độc đáo, đẹp, lạ nhưng có lần nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương cũng để chữ tình vướng víu ngòi bút, ví như bài “Vô Đề” của Đỗ Cao Nhân:
“Trưa Sa Pa hửng nắng
Tối mưa lạnh Lai Châu
Hỏi người vùng sơn cước
Sáng mai đi về đâu.”
Khi đọc những lời cảm thơ vì tình bạn của ông: “Bài thơ thật giản dị hai câu đầu nói về chuyện mưa nắng của vũ trụ và chen vào đó là hai địa danh. Sự đột biến và cao trào thơ lại chính là hai câu dưới. Nhân vật trữ tình thứ hai chỉ là Người sơn cước và cái hay của thơ ở đây là chính chữ NGƯỜI không có giới tính”, dù ông khéo léo rào dậu che chắn sự “nâng đỡ” “Vô Đề” ở mấy dòng kết bài: “Tôi rất trân trọng bài thơ này vì nó chẳng nói gì mà thực ra lại đã nói rất nhiều nếu ta biết chìm sâu vào phía sau con chữ và có lẽ cần thêm một chút lương duyên cùng nghề nghiệp...”, tôi tin vẫn không ít bạn đọc sẽ hiểu sai ông viết vì “nhuận bút” do bạn đọc không biết chữ tình ông trân quý dành cho bạn bè, nhất là bạn cùng nghề Địa chất - nghề đã để lại không ít ký ức trong ông như một “nghiệp quả” của số phận.
Tôi đã comment dưới bài viết của ông thế này: - “Thực sự là người bình vì chữ TÌNH BẠN mà đẩy bài này lên quá xa, quá nhiều. Cháu rất xin lỗi hai chú khi nói thật lòng! Cũng vì rất quý yêu những trang viết của chú Nguyễn Xuân Dương nên cháu mới thật lòng đấy ạ.”. Ông đã tế nhị gửi tin nhắn tới tôi: - “Cái khó của người cầm bút là chữ TÌNH anh ạ, nhất là khi chữ TÌNH đã trải qua những sóng gió, thăng trầm của cuộc đời. Chú nghĩ, nếu vì chữ tình mà người viết thiệt thòi cái TÔI một chút để đem lại niềm vui nho nhỏ rất đáng cho bạn bè thì cũng nên, anh Đặng Xuân Xuyến nhỉ?!”.
Nhưng không phải trường hợp nào ông cũng xuề xòa vì hai chữ tình bạn. Chẳng hạn, có lần ông đã thật chu đáo viết lời bình một bài thơ của nhà thơ ông rất yêu quý nhưng khi trao đổi về câu thơ (tên bài thơ) nhà thơ trích dẫn sai, ông quyết định xóa bỏ bài viết vì “sai sót thuộc về trích dẫn mà với câu thơ (thực ra là tên bài thơ) trích dẫn thì đã là người yêu thơ ai cũng thuộc, “người ta” sẽ đánh giá người bình luận kém hiểu biết hoặc người bình luận không nghiêm túc”. Hay lần khác, một nhà thơ mến mộ tài bình thơ của ông, gửi tặng ông tập thơ qua bưu điện với lời đề nghị “xin bác cho cháu vài lời cảm nhận”, ông thật lòng hồi đáp: - “Tôi thích cách sử dụng câu chữ sáng tạo của anh nhưng tôi không bình luận được dù đã đọc kỹ tập thơ anh gửi tặng. Câu chữ của anh đẹp lắm nhưng những chữ đó như cái xác đẹp mã mà thiếu hồn nên đọc xong cứ trôi tuột, chả đọng lại gì thì bình luận làm sao!”
Vì yêu thơ, vì nâng niu những cảm xúc do thơ đem lại nên ông hào phóng khen tặng những câu thơ hay, những thi tứ đẹp, ví như ông khen câu “Ríu chiều hiu hắt mưa” trong bài “Đọc “Rét Cằn” của Đặng Xuân Xuyến” (4):
“Ôi! Yêu quá câu thơ: “RÍU CHIỀU HIU HẮT MƯA”. Giá có bình luận một câu thơ này thì như cổ nhân đã dạy: "Thuyết thi nhất thủ thị hàn tuyền", có nghĩa: Bàn về một bài thơ hay một suối sách vẫn không đủ. Với câu thơ này thì cứ cho là một khe sách vẫn chưa đủ.
Có những lúc xuất thần chỉ cần một câu thơ như thế bài thơ sẽ bừng sáng lên. Và như có lần Hoài Thanh đã nói về một bài thơ của ai đó rằng: ”Cả đời chỉ cần một bài thơ như thế đã lưu danh”. Tôi nghĩ với câu thơ độc nhất vô nhị ấy, Đặng Xuân Xuyến cũng đã lưu danh trong đời. Bỏi vì chẳng ai có được câu thơ tài hoa như thế nữa.”.
Hay như lời khen ông ưu ái dành cho “Em có về lối cũ của Đinh Tiến Hải” (5): “Sóng Tây Hồ/ Xôn xao trên mắt nắng/ Hồn lang thang/ Mây dạt phía chân trời/ Em có về?/ Ngang qua mùa xưa cũ/ Ngắm me vàng/ Rụng mải miết lối đi”. Phải tinh tế và tài hoa lắm mới lưu giữ được những thi ảnh hư ảo này vào thi ca để gửi gắm cho người đọc cùng mê say và càng thêm tiếc nuối vì mấy ai trong chúng ta giờ có thể trở về ngồi bên bờ hồ Tây nơi Phủ Tây Hồ mà nhìn ngắm những mắt nắng xôn xao trên sóng nước hồ Tây hay sóng nước xôn xao trên mắt nắng?”
Những bài thơ trên tất nhiên không dở nhưng đạt được như những lời ông đã phóng bút khen ngợi thì vẫn còn nhiều khoảng cách. Có lẽ vì quý các tác giả thơ, vì yêu những cảm xúc bài thơ đem lại mà ông hào phóng lời khen. Giá như ông tiết chế bớt một chút lời khen thì thật hay cho người đọc, hay cho người bình và hay cho cả tác giả thơ! Phải chăng ông quan niệm: Khen để khích lệ những tìm tòi, sáng tạo, những thành công của tác giả thơ thì khen quá một chút cũng chẳng sao?!
Vâng! Ông bình thơ nhiều lắm. Tôi không biết chính xác bao nhiêu bài nhưng với hai tập Phê bình Văn học ông đã xuất bản và rất nhiều bài giới thiệu thơ, bình thơ trên trang facebook cá nhân thì có lẽ ông đã đồng hành cảm xúc, đã tiếp thêm “sinh khí” cho khoảng trên bốn trăm bài thơ để những bài thơ đấy trở nên hay hơn, đẹp hơn và nhanh lan tỏa.
1/6/2020
 Đặng Xuân Xuyến
Theo http://trannhuong.top/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...