Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học 1

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học 1

Tặng Phạm Trung Cang, Phạm Thế Hùng, Phạm Hoàng Dũng, Phạm Quốc Khanh, Phạm Ngọc Hoa, Phạm Ngọc Thanh, Phạm Ngọc Bích 
GỬI MỘT NGƯỜI ĐỌC KHÔNG QUEN 
CÙNG CHÁY MỘT THỨ LỬA THIÊNG NHƯ TÔI 
CÙNG ĐƯỢC NUÔI BẰNG MỘT THỨ NƯỚC ĐIÊN NÀO ĐÓ CHẢY TRÔI NHƯ TÔI 
CÙNG SỐNG NHƯ TÔI ĐANG SỐNG 
CHÁY 
VÀ CHẢY 
CHÁY VÀ CHẢY KHÔNG NGỪNG…
Sài Gòn ngày 25 tháng 4 năm 1970 
Bức thư này được viết ra để đóng lại mười năm và mở ra mười năm khác. Nhân dịp quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học được tái bản lần thứ tư; ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm có ý muốn tôi viết đôi lời gọi là “sau mười năm lang bạt nhìn lại ý thức mới…” 
Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy! 
Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đọa đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đọa đầy làm thiên tài. 
Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời. 
Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi. 
Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa. 
Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất. 
Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000. 
Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn. 
Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới. 
Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa. 
Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới. 
Tôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu. 
Ngôn ngữ của người điên không khác ngôn ngữ của thi sĩ lắm, chỉ có khác một điều: xã hội loài người có dựng lên bao nhiêu nhà thương điên mà không chịu dựng lên nhà thương thi sĩ. 
Khi muốn phản đối người nào thì người ta nhốt hắn vào nhà thương điên; từ ngày bệnh điên trở thành một cái thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài thì phân tâm học ra đời tự nhận là phi thiên tài. Cái hạng người gọi là “bình thường” đầy dẫy ở mặt đất: trước khi nói một lời thì họ uốn lưỡi bảy lần, và vì uốn lưỡi nhiều quá cho nên lưỡi họ trở thành cong cong như lưỡi câu cá. Tội nghiệp cho những con cá mắc câu! 
Nhưng nếu trường hợp chính tôi lại bị mắc câu thì cứ cho mắc câu! Vì mắc câu cũng thơ mộng! Tôi sống không cần đề phòng gì cả, tất cả cửa đều mở sẵn: ai muốn len vào để “thích khách” thì cứ len vào; tôi không phòng thủ, không tự vệ, không giữ gìn. Tôi không chịu đựng nổi những hạng người hay nói đến những “phương cách đối trị”… Chỉ có một phương cách đối trị duy nhất là buông bỏ. 
Cơn bịnh trầm trọng của thời đại là tiếng ồn ào, tiếng ồn này kéo tới tiếng ồn khác, tiếng ồn của cơ khí, của súng đạn, của động cơ, tiếng bom nổ là tượng trưng phát biểu cho tiếng nổ vỡ của ý thức con người. Sứ mạng của chúng ta, những thi sĩ của trái đất, là phải giúp cho ý thức con người bùng vỡ lên như một cái nấm đỏ khổng lồ, cho ý thức nổ lên như một trái bom một triệu tấn. Chúng ta có chịu đựng nổi tiếng nổ kinh thiên động địa ấy không? 
Nếu ý thức của con người không thể bùng nổ được như trái bom khinh khí thì trái bom khinh khí sẽ bùng nổ thay thế ý thức con người. Hoặc là tôi hoặc là cái khác thay thế tôi. Con người chỉ chạy đuổi theo những cái thay thế cho con người. Ý thức luôn luôn chạy tìm cái thay thế cho ý thức: không bao giờ là thế mà luôn luôn thay thế. 
LÀ THẾ, chữ Phạn gọi là yathàbhùtam. 
Chỉ có một chỗ ở độc nhất là ở chỗ là thế yathàbhùtasvalakshanàvasthànàyasthitam. 
Kinh Lankàvatàra Sutra dạy tôi rằng phải có “âm hưởng nhẫn” (Ghoshànugakshànti) mới nhận ra được tiếng nổ động trời của “chuyên thức” (Paràvritti) trong cái - là - thế, trong cái- nhìn - thấy- như- là- thế: yathàtathyadarsana. 
Tôi vẫn thích viết chữ Phạn, thích nói chữ Phạn, mặc dù tôi vẫn chưa thuộc hết bảng mẫu tự chữ Phạn! 
Hãy giải thoát ra khỏi bảng mẫu tự chữ Phạn! 
Giải thoát không có nghĩa là chạy. 
Giải thoát là CHÁY 
VÀ CHẢY 
Cháy như thế, chảy như thế. 
Chảy như thế thì từ tu du này đến tu du khác, từ giây phút này đến giây phút khác, từ mười năm này đến mười năm khác, từ cuộc đời này đến cuộc đời khác, từ vĩnh cửu này đến vĩnh cửu khác, từ thiên thai này đến thiên thai khác, từ tên tuổi này đến tên tuổi khác, “từ lâu đài này đến lâu đài khác” (Céline), từ “giác ngộ” đến “một mùa ở hoả ngục” (Rimbaud), từ Tropic of Cancer cho đến Tropic of Capricorn (Henry Miller), từ chiếc taxi cho đến tiếng cười và cuộc đời vô hạn (William Saroyan) 
Xin trích dẫn Saroyan: “Một chàng trai trẻ kêu gọi một chiếc taxi và đi đến bờ đại dương, cởi áo ra, cởi cà vạt ra và bước xuống biển rộng bao la và la rống lên như người mới được cứu sống dậy: Ô, trời ơi, tôi đã chết. Ô trời, tôi đã chết, rồi anh chàng nhìn ra đằng xa mặt biển bao la và cười ầm lên như đứa con nít lên ba và chửi thề và khóc và nhảy và nhìn và bỗng nhiên nhìn thấy và bỗng nhiên nhìn thấy và Ồ Ồ BỖNG NHIÊN NHÌN THẤY và vội bước đi nhanh huýt gió một điệu nhạc của cuộc sống thiên thu và bắt đầu la hét vào mặt ông trời ồ ồ tôi đã chết và tôi biết rằng mi điên vì phải điên để cho cái chết là cuộc đời và để cho người sống phải chết và tôi biết rằng ngài chết và bây giờ ngài sống và bước đi trên mặt nước và nó la hét lên như một đứa trẻ nít một đứa trẻ đáng thương lạc lõng trong sự vô biên của thời gian ồ hỡi Trời đời sống của tôi ở đâu rồi và té ngã xuống cát ướt và ôm chặt sự ướt át ôm chặt cuộc đời mất mát của nó như ôm cát vô hạn cuộc đời của nó chôn mất trong lòng biển và la hét rằng nó sẽ không chết như con người sống mà sẽ chết như cuộc đời chết nó yêu cái chết nó cười ầm lên như một đứa bé chết như một con người chết và lúc những đợt sống đến và đi không ngừng nghỉ nó cười ầm không dứt khi mà thời gian chảy trôi không ngừng và chết không ngừng và sẽ là thế không ngừng và CHẢY KHÔNG NGỪNG...” 
Và Henry Miller chú giải: “BỖNG NHIÊN NHÌN THẤY... Cái đó là thế, là thế. Khi một người nhìn thấy như thế thì thế giới bắt đầu rung động lay chuyển và những cơn đại hồng thủy đổ ào vang dội náo động mọi sự”. Trong ngôn ngữ nhân loại, không có dân tộc nào có được tiếng nói có âm hưởng kỳ lạ như mấy tiếng Việt sau đây: 
1. CHAY (có nghĩa: trong sạch. Theo Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức) 
2. CHÁY (có nghĩa: bén hay bốc lửa lên. Theo VNTĐHKTTĐ) 
3. CHÀY (có nghĩa bóng: liều lĩnh không có lý sự. Theo VNTĐHKTTĐ) 4. CHẢY (có nghĩa: trôi đi, tuôn ra. Theo VNTĐHKTTĐ) 
5. CHẠY (có nghĩa: đi nhanh, gót chân không bén xuống đất… nói về cái gì thoát, không vấp, không tắc. Theo VNTĐHKTTĐ) 
Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần túy, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đâù đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY) vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY). 
Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHÁY, CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn. 
“Bios: tên của cái cung (bios) là đời sống (bios), tác nghiệp của nó là cái chết.” 
Ý nghĩa của những tiếng CHÁY, CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY cũng giống như ý nghĩa của hai tiếng BIÓS - BÍOS của Héraclite: chỉ một thoáng đổi nhẹ âm thanh thì cái sống biến thành cái chết và cái chết biến thành cái sống. 
Đọc nhấn mạnh chữ Hy lạp bios ở nơi vần trước cuối (paroxyton) thì bíos có nghĩa sống mà có đọc nhấn mạnh ở vần cuối (oxyton) thì biós có nghĩa là cây cung và tác động của cây cung là cái chết. 
Cây cung (biós) mang tên là đời sống (bíos) mà lại gây ra cái chết. Tất cả mọi sự mâu thuẫn đối nghịch giao hợp trên một đầu âm thanh run rẩy. 
Cây cung là trò chơi của cái chết và sự chơi chữ giữa hai âm thanh run rẩy biós và bíos cũng là trò chơi của cái chết. 
Sự hôn phối giữa đời sống và cái chết chính là sự giao hợp của lửa và nước: lửa và nước đã giao nhau trong một âm thanh Việt Nam duy nhất CHAY và sự ba động của âm thanh này toả ra tác động của lửa trong ý nghĩa tích cực (CHÁY) và ý nghĩa tiêu cực (CHÀY), đồng thời toả ra tác động của nước trong ý nghĩa tích cực (CHẢY) và ý nghĩa tiêu cực (CHẠY). 
Định phận của Việt Nam bốc lên như lửa cháy (chiến tranh) và nuôi sống những đồng ruộng xanh như nước chảy (sông Cái và sông Cửu Long). 
Triết lý của Nước Việt Nam phải là Triết lý Việt Nam về Nước. Hai ý nghĩa nằm gọn trong một âm thanh: Nước. 
Và đây là lời cuối cùng của một nhân vật Dostoievski: 
“TÔI SỢ PHẢI TỎ RA CÓ TÂM HỒN CAO THƯỢNG.” 
Và lời nói chuyện giữa Kirilov và Stavroguine mà Henry Miller trích lại trong một bức thư gửi cho Fraenkel ngày 7 tháng 9 năm 1937. 
- “Một chiếc lá, một chiếc lá thôi. Chiếc lá đẹp, tất cả đều tốt đẹp’’. 
“Tất cả à?" 
“Tất cả. Con người không hạnh phúc vì hắn không biết rằng hắn hạnh phúc. Chỉ vì lý do ấy mà thôi’’. 
“Tất cả mọi sự nằm ở đó! Tất cả mọi sự LÀ THẾ! Kẻ nào biết được như thế sẽ được hạnh phúc ngay lập tức. Nàng sẽ chết, đứa con sẽ còn lại. Tất cả đều tốt đẹp. Tôi vừa khám phá ra đột ngột như thế.’’ 
“Và nếu có một người nào chết đói, nếu có người nào làm bậy đối với một đứa con gái bé nhỏ, lăng nhục vấy bẩn nó, thế thì điều ấy có tốt không?’’ 
“Vâng, cũng tốt. Và nếu người ta chẻ sọ kẻ ấy vì hắn đã làm bậy đứa bé thì điều này cũng tốt nữa. Và nếu không có ai làm như thế thì cũng tốt nữa, tốt, tốt. Tất cả đều tốt hết, tất cả. Chỉ có những kẻ biết rằng tất cả đều tốt đẹp thì mới là những kẻ hạnh phúc. Nếu họ biết rằng họ hạnh phúc thì họ sẽ thấy hạnh phúc ngay. Nhưng khi vừa lúc họ không biết rằng họ hạnh phúc thì họ sẽ không hạnh phúc ngay. Đó, ý tưởng đó, tất cả trọn vẹn ý tưởng ở đó. Ngoài ý tưởng này, chẳng có ý tưởng nào khác nữa’’. 
(Les Posssédé, bản dịch của Jean Chuzeville, trang 220 - 221) 
Tôi đang hạnh phúc, vì tôi biết rằng tôi đang hạnh phúc. Tôi xin chúc cho mọi người đều biết rằng họ đang hạnh phúc. 
Tôi không còn muốn tự tử như mười năm trước, vì tôi không muốn tỏ ra mình có tâm hồn cao thượng! Càng lớn lên tôi càng hạnh phúc rõ rệt thêm lên. Cái tôi nhỏ bé, ích kỷ, hạn hẹp cũng đã chảy phăng ra biển cả. Thần đồng và thiên tài chỉ còn là trò chơi của trẻ thơ. 
Không còn tôi hạnh phúc mà chỉ là cơn hạnh phúc đang chảy liên miên bất tận, bằng một ý thức lan rộng ra mãi mãi, bằng cách CHÁY sáng ngời hơn mãi, cho mãi đến ngay cả trí nhớ cũng phải tự chìm mất đi, không còn nữa. 
“... by an ever-expanding consciousness, by BURNING more and more brightly, until even memory itself vanishes” 
HENRY MILLER PHẠM CÔNG THIỆN 
(The Wisdom of the Heart) 
Heartville ngày 25 tháng 4 năm, 1970 
Mười năm sau khi bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. 
Chú ý: 
Trong những chương kế tiếp đây, phần in chữ đứng là phần nội dung của Ý thức mới trong văn nghệ và triết học giống như lần xuất bản thứ nhất, thứ hai và thứ ba. 
Riêng lần tái bản thứ tư này, tác giả có viết thêm những ghi chú của mình, những cái nhìn hiện tại chiếu ngược lại quá khứ. Tất cả những ghi chú này được in bằng chữ nghiêng. Con người ba mươi tuổi đối mặt với con người hai mươi tuổi: hai bên giao tranh nhau trong một cuộc tương tranh thân ái mà sự thất bại hiển nhiên là nằm ở những dòng chữ nghiêng. 
Nhưng phải chăng chỉ biết được rằng mình hạnh phúc là sau khi đã thất bại vì không chịu chảy ngược lại đằng sau? 
P.C.T. 
Một số chương trong quyển này đã đăng rải rác trong những tạp chí ở Saigon vào những năm 1960–1962; mỗi bài đều phản ảnh tâm trạng người viết vào những năm ấy. Tâm trạng ấy là tâm trạng của một người bị giam hãm trong đời sống. 
Quyển sách này gợi lại một ý thức nào đó trong đời người viết, ghi lại một chặng đường gió loạn đã đi qua, một quãng đời đã trôi ra biển. Tháng 7 năm 1964
Nha Trang, tháng 6 năm 1963 [1] 
Huy, 
Suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được đôi mắt ước lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Saigon. 
Viết những dòng chữ này vào năm đúng 22 tuổi bây giờ có lẽ tôi lạnh lùng hơn, không còn ai khóc khả dĩ làm tôi rung động như thuở 22 tuổi. Thương xót, đau khổ với, Mitleiden, tôi phải tiêu diệt tất cả mọi đau khổ với. Sự cám dỗ cuối cùng của Zarathustra là “đau khổ với” hay nói khác đi, “lòng thương hại, thương xót, trắc ẩn”. Chữ Pháp “pitié” không thể diễn tả được ý nghĩa của chữ Đức “Mitleid”. 
Hình ảnh đau buồn lặng lẽ ấy đã ám ảnh tôi suốt những đêm dài âm u ở vùng biển xanh. 
Tôi vẫn không quên được một tối cùng ngồi với Huy nơi một quán rượu bên bờ sông Saigon. Đêm ấy, trời làm mưa, trời làm gió… Mưa phủ kín hết những chiếc tàu. Mưa phủ kín hết những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ. Tôi nhìn những chiếc lá ướt mưa, tôi nhìn lên đôi mắt của Huy và tôi thấy đôi mắt đó thật xa xăm, thật y buồn… Trong đêm tối, tôi chợt nghe rõ âm vang đâu đó, giọng hát ru khuya của những nàng ca sĩ yếu gầy. Rồi tôi thấy những con đường Sài Gòn phủ đầy lá vàng. Rồi tôi thấy tuổi trẻ chạy trốn, và những con sông chảy âm thầm về biển… 
Tôi đã từ bỏ sông Sài Gòn để trở về biển, tôi về đây, sống biệt lập trên một đồi cao. Những đêm khuya nằm nghe gió đìu hiu và tiếng sóng vỗ xa, tôi bỗng nhớ lại những ngày vui của chúng mình ở Sài Gòn.
Ôi! Những ngày vui ấy qua mau quá. Qua mau như khói thuốc. Qua mau như nắng quái chiều hôm. Qua mau như tuổi trẻ chúng mình. Và tất cả chỉ còn là kỷ niệm sẽ làm ta đau khổ. Nước mắt sẽ tuôn chảy và tuổi trẻ gục mặt buồn… 
Tuổi trẻ gục mặt buồn như bức tượng gục đầu của Rodin. Kiên nhẫn, kiên nhẫn âm u. Tuổi trẻ Rilke gặp Rodin và hỏi: “Phải sống như thế nào?”. Rodin trả lời: “Làm việc”. Không phải làm việc như tên nô lệ, mà phải làm việc với tiếng hát của con chim họa mi. 
Có thể người ta sẽ bảo chúng mình là những kẻ sướt mướt. Những kẻ chạy trốn, những kẻ thua cuộc và đầu hàng trước cuộc đời. Và chúng ta chỉ biết trả lời bằng nụ cười câm lặng, hay một tia nhìn chứa chan. Rồi chúng ta lạy trời cho mưa rơi thật nhiều. Ừ, mưa rơi đi, rơi nữa đi! Mưa hãy rơi thật nhiều vì trần gian này khô cạn quá rồi. Đất đã cằn, và lòng người đã biến thành sỏi đá… 
Thực ra tiếng hát đã ngừng lại trong tim chúng ta, phải không Huy? Đôi mắt bất động. Tuổi trẻ đã quên hát. Tuổi trẻ đã câm. Bởi vì chúng ta đã già trước tuổi… Tôi tưởng tượng những người phu ca hát trên một bến tàu. Tôi hình dung những trẻ nhỏ nô đùa bên xóm vắng. Tôi mường tượng tiếng chim hót ban mai. Và thấy đó là những hình ảnh tốt đẹp cuối cùng của cuộc đời… 
Những tối sống thê lê ở Sài Gòn, chúng mình đã đi lang thang trên những phố buồn, để rồi cuối cùng, tụ về những hộp đêm, gục đầu nghe tiếng hát bên ngoài gục đầu đón tiếng hát bên ngoài, vì chúng mình đã mất hết tiếng hát bên trong, và chim non đã thôi hót trong lòng tuổi trẻ. 
Một tối, giữa tiếng hát não nùng của một nàng ca sĩ bơ vơ, Huy đã than thở cùng tôi: “Rồi đây, đời mình sẽ đi đến đâu?” 
“Ai đến đâu? Đi về đâu?”. Hình như Napoléon đã nói một câu đại loại: “Kẻ đi xa nhất là kẻ không biết mình đi đâu.” 
“Một ngày kia sẽ chết tàn lụi trong một xó xỉnh nào đó, không ai hay biết…” Tôi ngậm ngùi trước lời than thở của Huy và chỉ biết nắm tay Huy mỉm cười; bởi vì, đối với tôi, lúc nào tôi cũng chỉ mong mình sẽ không đi đến đâu cả, và suốt đời, tôi chỉ mong được chết trong một xó xỉnh nào đó, và chẳng cần ai hay biết hết. Cả đời tôi, tôi chỉ mong được như vậy. 
Người ta sống, đều cần phải đi về một nơi nhất định. Riêng tôi, thì chẳng cần về đâu cả. Và tôi mong Huy sẽ có ý muốn như tôi. 
Lúc nào tôi chết, tôi chỉ muốn được người ta vùi thây tôi xuống bùn, và tôi muốn mọi người sẽ quên tôi đi, như quên một con chó lạc đường. Chí có thế thôi… Huy ạ… 
“Con chó lạc đường, con chó lạc chủ” 
Khổng Tử tự nói rằng mình giống “con chó mất chủ”. Năm 22 tuổi, kẻ thù không đội trời chung của tôi là Khổng Tử. Bây giờ gần ba mươi tuổi, tôi mới thấy thấm thía rằng Khổng Tử đáng là ông cố ngoại của tôi. 
Nhớ Huy, tôi nhớ đến đôi mắt xa xôi của Huy. Tôi nhớ đến những viên thuốc ngủ của Huy và tôi nhớ đến những đêm Huy ngồi nhìn mông lung xuống dòng sông. Lần sau gặp lại Huy, tôi cũng nghe Huy than thở như những lần trước. 
Trước kia, tôi thường nghĩ như Huy. Nhưng bây giờ tôi không còn nghĩ thế nữa. Tôi không còn than thở. Tôi không còn đau khổ. Bây giờ tôi là kẻ sung sướng nhất trần gian. Tôi cười cả khi tôi đang ngủ. Tôi không còn tiếc thương dĩ vãng. Con người hạnh phúc nhất là con người tuyệt vọng. 
Tuyệt vọng và hy vọng như hai quả cân, đi lên và đi xuống. Tất cả sự đi lên đều là “anh hùng rơm”. Dám đi xuống, xuống, xuống tận đáy. Hố thẳm. 
Tôi là con người ấy. Bởi vì Huy còn hy vọng, nên Huy còn đau khổ. Trái lại, tôi hết hy vọng, nên tôi mới sung sướng. Còn hy vọng, nghĩa là còn nghĩ đến ngày mai, nghĩa là đã quên ngày hôm nay. Huy đau khổ vì Huy đã quên ngày hôm nay, vì Huy đã trông chờ ngày mai. Mà ngày mai sẽ không bao giờ đến, vì ngày mai cũng sẽ chỉ là ngày hôm nay... “Ôi những ngày vui qua mau!’’, Huy thường nói với bạn bè như vậy. Huy đã buồn khổ vì những ngày vui trôi đi nhanh quá. Tôi lại khác Huy, tôi hoàn toàn sung sướng khi thấy những ngày vui bỏ đi quá mau. Tôi ngược hẳn Huy. Đối với tôi, những ngày vui qua càng mau thì tôi càng sung sướng. Tôi rất yêu những đóa hoa chóng tàn. Hoa càng mau tàn thì lại càng đẹp. Tôi rất ghét những bông hoa nở lâu. Lạy trời cho những ngày vui qua thật mau. Cho tuổi trẻ chóng tàn và cho những người con gái chết lúc hãy còn xuân đẹp... 
Hiện nay, mỗi ngày, tôi đều sống với sự chết trên đôi mắt tôi. Tôi yêu sự chết. Tôi đã “làm ái tình’’ với cái chết. Chính sự chết đã làm cuộc đời trở nên đẹp. Đẹp như một đóa phù dung chóng tàn. 
Vì tôi yêu sự chết, nên tôi yêu cuộc đời đến độ ngây ngất. Tình yêu ấy chính là Ý thức mới thoát hiện lên từ cơn tuyệt vọng cùng cực của con người. Tôi đã từng nói với Huy rằng chính Charlot là một thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại, vĩ đại hơn Shakespeare, vĩ đại hơn tất cả những văn hào, triết gia cao siêu ở thế giới. Đối với tôi, Charlot vĩ đại nhất, vì Charlot đã làm tôi cười tất mọi sự bi đát ở đời! 
Khỉ có cười không? Nếu tất cả mọi người đều cười hết thì thế giới trở thành chuồng khỉ lớn rộng. 
Ừ, tôi đang cười. Và tôi muốn mọi người cùng cười với tôi. 
Người được tôi viết bức thư này bây giờ không còn là bạn tôi nữa. Hắn đối đãi với tôi rất tốt, rất cao thượng, rất độ lượng và bao dung. Nhưng vẫn có cái gì trong hắn đã khiến tôi cảm thấy hoàn toàn xa lạ với hắn. Cách đây vài tháng, tôi và hắn được dịp gặp nhau lần cuối cùng để chia tay nhau vĩnh viễn. Hắn mong rằng tôi hiểu lòng hắn, một tấm lòng cao thượng. Nhưng tôi không chịu hiểu và không đủ khả năng để hiểu. Có thể đối với hắn, tôi là thằng mọi rợ, bạc tình, ích kỷ. Nhưng tôi có thể là gì nữa, khi chỉ còn sự lạnh lùng là ngôn ngữ cuối cùng của con đường ngược lối? Tôi chúc hắn hạnh phúc và xin bắt tay lại trong hình ảnh xưa. Vĩnh biệt. 
Ừ, những ngày vui qua mau! Hãy cười đi, Huy! Hãy vui lên đi, Huy! vì những ngày vui qua mau! Cuộc đời qua mau! Và rồi đây, chúng mình sẽ chết âm thầm không cần ai hay biết... 
PHẠM CÔNG THIỆN
Nha Trang, tháng 6 năm 1963 
Hồng, 
Quyển này tôi muốn viết riêng cho anh, nghĩa là tôi muốn viết riêng cho thế hệ trẻ, từ 15 đến 25 tuổi mà anh là hình ảnh tượng trưng. 
Tại sao giới hạn từ 15 đến 25 tuổi? Giới hạn này chỉ có tính cách tượng trưng. Bây giờ, 29 tuổi, tôi còn nổi loạn hơn lúc 9 tuổi. Nổi loạn, ai cũng có thể nổi loạn được. Nổi loạn một cách im lặng, một cách tự nhiên, một cách vô hình mới khó. Những kẻ nổi loạn hùng hổ lúc trẻ lại là những kẻ phản động nhất lúc trưởng thành. Nổi loạn một cách vô danh, đó là bổn phận của tôi. 
Tôi viết riêng cho các anh, nhưng thực ra tôi cũng viết riêng cho tôi để nhắc nhở tôi, để gây lại ý thức trong tôi; bởi vì tôi cũng đang nằm trong tuổi các anh, tôi cũng đau đớn nỗi đau đớn của các anh, chúng ta cùng nằm chung trong nỗi khủng hoảng, niềm khắc khoải quằn quại vô biên của tuổi trẻ. 
Ngoài kia đang mưa, tại sao tôi không chạy ra ngoài mưa, tại sao tôi vẫn còn đây để viết lên những dòng cay đắng nầy? Khói lửa đang vây bủa đầy trời Việt Nam. Cũng như Alan Paton, tôi muốn kêu lên: “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu…” 
Chúng ta đều cùng một thế hệ; sở dĩ tôi muốn xác định giới hạn từ 15 tuổi đến 25 tuổi vì dưới 15 tuổi chúng ta hãy còn hơi ngây thơ và quá 25 tuổi thì người ta bắt đầu hơi cằn cỗi và bắt đầu đi vào thế giới người lớn, nghĩa là đầu hàng cuộc đời. 
Thế giới người lớn là thế giới nghĩa địa, thế giới chết, thế giới ma quái ngu dại. 
Thế giới trẻ bây giờ lại còn là nghĩa địa, chết, ma quái ngu dại, hơn là thế giới người lớn. 
Chỉ có một thế giới, thế giới đã chết. 
Đi sâu vào thế giới chết, và chết trọn vẹn trong tin thần trước khi cái chết cơ thể vồ chụp lấy mình. 
Quyển Bardo Thodol của Tây Tạng là quyển sách đầu giường của tôi hiện nay. Tất cả đều là tưởng tượng. 
Các ông tự cho là các ông khôn ngoan, chín chắn kinh nghiệm. Chúng tôi không cần những thứ ấy và chúng tôi cũng không đụng chạm gì những thứ ấy; vì thế chúng tôi lễ phép xin các ông hãy trả thế giới hồn nhiên cho chúng tôi; đừng làm điếc tai chúng tôi với những tiếng thối nát như “khôn ngoan”, “chín chắn”, “kinh nghiệm”. 
Chúng tôi không cần kinh nghiệm. 
Kinh nghiệm là gì, nếu không phải là những thói quen mà các ông đã bám vào đó để bảo đảm cái thân người hèn mọn nô lệ của các ông? Tôi đã vô lễ hằn học với các ông. 
Nhưng sự hằn học ấy cần thiết. 
Chúng tôi, thế hệ thanh niên Việt Nam từ 15 đến 25 tuổi, muốn nói lên một sự thực đau buồn nhứt trong đời chúng tôi, sự thật bi đát ấy là: CHÚNG TÔI KHÔNG CÒN TIN TƯỞNG NƠI CÁC ÔNG NỮA. 
Hơn thế nữa, sự thực bị đát trên trở thành bi tráng: Chúng tôi không cần các ông nữa. 
Đối với chúng tôi, các ông đã chết, và bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải sống, phải đứng thẳng nhìn đời với nỗi niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ đi và chỉ đi một mình. Quê hương Việt Nam đang đổ vỡ; chúng tôi sẽ gánh lấy sự đổ vỡ ấy trên hai vai yếu đuối, nhưng vẫn mang niềm kiêu hãnh vô biên; chúng tôi sẽ tự tạo ra trách nhiệm cho mình; các ông đã chết; 
chỉ có một trách nhiệm duy nhất là trách nhiệm trước hố thẳm 
tôi phải cần lặp lại một lần nữa rằng các ông đã chết, vì thế các ông không có trách nhiệm và các ông cũng không thể bắt chúng tôi nhận trách nhiệm nào cả. Trách nhiệm là trách nhiệm riêng của mỗi anh em trong chúng tôi. 
Đau buồn không phải là mái nhà đang đổ vỡ; đau buồn là chúng tôi đã ngu dại để chờ những người chết xây dựng lại; những người chết là đã chết hẳn; chỉ có chúng tôi là xây dựng lại thôi, chỉ có những người sống là thổi sức sống vào thế giới điêu tàn này. 
Người sống không thể làm gì được. Chỉ có người thức dậy, bừng dậy mới có thể là. Không phải làm gì mà là. Chỉ có là mới khó đạt, “vô sở đắc”. 
Các ông thường phàn nàn rằng chúng tôi là một thế hệ thối hóa, sống không biết ngày mai, không lý tưởng, trụy lạc, la cà rượu chè, hút thuốc, tục tằn, du côn, mất dạy, lấc xấc, ngang tàng, chỉ biết ăn chơi, non nớt, không làm gì ra hồn, đàng điếm, nhảy đầm, trác táng, hoang đàng, và một triệu hình dung từ khác. 
Vâng, chúng tôi hãnh diện chấp nhận hết tất cả những hình dung từ trên. Và chúng tôi chỉ xin nở một nụ cười lễ độ và cúi đầu không biện hộ. 
Cười lễ độ hay cười ngạo mạn? 
Cúi đầu hay ngước đầu? 
Các bạn bè thân yêu của chúng tôi đang gục chết trên cánh đồng biên giới, bên bờ sông hay giữa rừng rú hoang vu; khói lửa ngút trời, máu đỏ của tuổi trẻ đang tưới trên những giải đất khô cằn quê hương, những mái tóc xanh trở thành những bãi cỏ xanh trên những nấm mồ trận địa. 
Hỡi ơi, hãy khóc đi hỡi quê hương yêu dấu… 
Nước mắt không làm gì được, không là gì được? Chỉ có quê hương duy nhất đó là sự im lặng. Tôi đã hiểu vì sao Novalis định nghĩa triết lý là lòng nhớ quê hương. 
Các ông trách rằng chúng tôi sống không lý tưởng. Lý tưởng là gì? Lý tưởng là gì? Lý tưởng có phải là tranh đấu giữ gìn để cho các ông sống nốt cuộc đời tầm thường an phận của các ông? Mục đích của cuộc đời là Sống - Sống gì? Sống cuộc đời thực sự của mình. Cuộc đời thực sự không phải là cuộc đời của đám đông, của xã hội, của khuôn mòn lối cũ, của công thức tù hãm. Cuộc đời thực sự không phải là những phép tắc luân lý đạo đức. Cuộc đời thực sự không phải là những ông công an, những ông cảnh sát, những ông giáo sư trung học và đại học. Cuộc đời thực sự là chúng tôi là tuổi trẻ. 
CHỈ CÓ CHÚNG TÔI LÀ ĐẶT RA NHỮNG LỀ LUẬT. 
Lề luật, tôi thù ghét hai chữ này. Kể từ Socrate cho đến thế kỷ XX, văn hóa Tây phương chỉ là một cuộc tranh tụng kéo dài. 
“Chỉ có chúng tôi là đặt ra những lề luật”, hồn ma của Kant ám ảnh đâu đó? 
Chúng tôi không cần lý tưởng, vì lý tưởng là lý tưởng của các ông. 
Lý tưởng (dù lý tưởng nào) đều là nhà tù để nhốt lại sức sống vỡ bờ của tuổi xuân; lý tưởng là ảo tưởng; sống không lý tưởng là sống trọn vẹn, là lao mình vào cuộc đời với trọn sự hồn nhiên bỡ ngỡ của mình. Con người hồn nhiên là không có lý tưởng. 
Chỉ khi nào người ta mất mát thì người ta mới tạo ra lý tưởng để tự đánh lừa mình bằng sự phiêu lưu vô định trong thế giới tư tưởng. 
Lý tưởng là sản phẩm của lý trí; lý trí là ký ức; ký ức là quá khứ là kinh nghiệm; kinh nghiệm đánh mất hồn nhiên. 
Sống có lý tưởng là sống có quá khứ, lấy quá khứ mà nhìn dòng đời, dòng đời luôn luôn trôi chảy mới lạ từng giây phút; lấy quá khứ nhìn dòng đời là chận đứng dòng đời lại, là bắt dòng đời phải chảy ngược lại chỗ cũ mà nó đã chảy qua từ lâu rồi, như thế là đã giết chết sức sống phong phú. 
Hồn ma của Krishnamurti ám ảnh đâu đây? 
Vấn đề không phải là lý luận theo kiểu Krishnamurti. Giết Krishnamurti đi thì không còn vấn đề gì nữa. Vấn đề không phải là sống không có lý tưởng mà phải hiểu lý tường thực sự có nghĩa là gì, trả lại ý nghĩa nguyên thủy cho hai chữ lý tưởng. Lý là gì? Logos là gì? Idéa trong nghĩa nguyên bản Hy lạp là gì? Lý trong ý nghĩa nguyên bản của Đông phương là gì? Rita trong nghĩa nguyên bản chữ Phạn là gì? 
Sống có lý tưởng là sống không còn ngạc nhiên nữa; người ta không thể biết ngạc nhiên trước cuộc đời khi người ta sống có lý tưởng. 
Sống không lý tưởng là lao mình vào đời với trọn vẹn hồn nhiên, ngạc nhiên, thao thức, bỡ ngỡ, mới la trong từng giây phút một. 
Ngoài kia, trời đang vẫn còn mưa, tôi lại đứng đây để lý luận với những người chết sao? 
Tiếng súng nổ bên kia núi; chắc có người đang giẫy giụa chết trong mưa. 
Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu... 
Hồng thân mến, 
Trong bức thư Hồng gởi cho tôi, Hồng nhờ tôi xin cho Hồng đi tu, một ý định quan trọng mà Hồng đã nuôi dưỡng gần hai tháng nay, Hồng bảo rằng Hồng đã bỏ đi, và bỏ học trường văn khoa, và từ đây trở đi bỏ thi luôn. 
Thư ấy có những dòng như sau: “Cái hố lại đào sâu thêm ra, Hồng đang chới với giữa những dữ kiện…” 
Quyết định của Hồng không phải là xuất phát trong một lúc bốc đồng, vì chán đời. Tôi nghĩ rằng tâm hồn Hồng tiềm ẩn một nỗi bi đát thâm trầm sâu sắc xuất phát từ ý thức quằn quại, niềm cô đơn vô hạn của tuổi trẻ. 
Tuổi trẻ không cô đơn gì cả. Tuổi trẻ là nạn nhân của sự cô đơn của người lớn. Giết người lớn đi thì tuổi trẻ cũng ngu dại như người lớn. Chỉ có tuổi trẻ đúng nghĩa là “trốn học trước nhà ga và nhìn những chuyến xe lửa sắp lên đường” như Blaise Cendrars. 
Năm giải pháp thực ra chỉ là một: làm một cái gì đó. Thực ra, không phải làm một cái gì đó mà không làm gì hết và đứng ngó thẳng vào bất cứ cái gì, dù là vách tường. Ngó thẳng vào vách tường và quen thuộc với mọi dấu vết trên vách tường (như Paul Valéry chẳng hạn). 
Đối với tuổi trẻ, đối với sự khủng hoảng hiện nay, chỉ có những lối thoát sau đây: 
1. Lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm; 
2. Tự tử; 
3. Lao vào truy lạc trác táng; 
4. Điên; 
5. Đi tu. 
Hồng đã chọn giải pháp cuối cùng. 
Có thể người ta cho Hồng là chạy trốn. 
Không sợ chạy trốn, cứ chạy trốn như nước chạy trốn suối nguồn và chạy trốn phăng ra biển. 
Chọn lựa, tất cả chọn lựa đều do ảo tưởng. Đi tu không giải quyết gì cả. Làm chủ nhà điếm, như ý nguyện của Faulkner, cũng là một cách tu. 
Sống bi tráng hay sống “anh hùng rơm”? Sư điên loạn cũng đã trở thành “thời trang”. Sáng suốt, bình tĩnh điềm đạm cũng chỉ là những cách “làm dáng”. 
Nhưng khi nói thế thì họ không hiểu rằng sự chọn lựa đi tu cùng là một thái độ sống trước hư vô. Đi tu đâu phải là chuyện dễ; có lẽ có thể nói rằng phải có can đảm lắm và nhiều sức mạnh lắm mới đi vào con đường cô đơn ấy; nhưng dù sao, hành động không quan trọng; quan trọng chỉ là ý hướng thúc đẩy hành động ấy, ý hướng ấy lá ý hướng gì? 
Ý tưởng đến một lý tưởng? Hay là ý hướng đến sự tiêu diệt tất cả mọi lý tưởng? 
Đối với Hồng thế nào, tôi không biết; nhưng đối với riêng tôi, suốt đời tôi vẫn sống trên con đường tiêu diệt tất cả mọi lý tưởng. 
Sống như thế có nghĩa là sống bi tráng. 
Sống bi tráng là bóp sự chết trong mười ngón tay và cắn vào sự chết như ăn trái đào tươi; sống bi tráng là tỏ tình yêu với cái chết, là lao mình trần truồng vào trong mưa và nhảy múa trong mưa một cách hồn nhiên như lên cơn điên. 
Trong quyền này, Hồng sẽ thấy tôi viết về tư tưởng của những tác giả ở thế giới; nhưng viết về họ là viết về tôi; nói đến tư tưởng người khác là nói đến tư tưởng của mình, và tư tưởng ấy cũng là tư tưởng 
“Viết về tôi”, nhưng tôi là ai? Không có giải đất mới. Tất cả đều là vòng tròn, bổn phận của con người là xoáy, tự xoáy vào đường trôn ốc của vòng tròn”. 
thực sự của thế hệ trẻ ngày nay; tư tưởng thực sự của thế hệ trẻ ngày nay là gì nếu không phải là lên đường đi tìm một giải đất mới cho mình? 
Người được tôi viết bức thư này cũng không còn là người em của tôi như khi xưa nữa. Gặp lại hắn thì tôi chỉ muốn tự tử. Tại sao bao nhiêu khí phách say sưa của tuổi nhỏ của hắn bây giờ chỉ còn là khói và chỉ là khói? 
Hắn hiện nay đã thành người lớn, đã cưới vợ, đã sinh con đẻ cái, đã đi làm nghề đứng đắn. Lần cuối cùng, tôi tìm đến thăm hắn tại một biệt thự sang trọng ở đường Phan thanh Giản. Hắn có vẻ bận rộn với bao nhiêu chuyện chính trị thời sự: 
“Tại sao anh không tuyên bố về hòa bình ở Việt Nam để tuổi trẻ ngưỡng mộ anh hơn?” 
Hắn hỏi tôi như thế và tôi chỉ trả lời: 
“Anh cũng thích tôi tuyên bố cái này hay cái kia như mọi người thiên hạ à?” 
Buổi chiều hôm ấy, sau khi từ giã, đúng hơn vĩnh biệt hắn, tôi muốn tự tử cho xong đời, vì quá buồn cho tuổi trẻ Việt Nam, vì dường như tuổi trẻ Việt Nam bây giờ chỉ sống với những tuyên bố, tuyên ngôn, khẩu hiệu. Đám đông đã đem chiến tranh đến Việt Nam và cũng lại đám đông đứng lên tuyên bố về hòa bình ở Việt Nam. 
Con người đám đông đang thống trị ở Việt Nam và cả thế giới. 
Phần thứ nhất: Đi vào ý thức mới 
1. Định nghĩa: Ý thứ tự vấn 
2. Khai triển những hình thái của ý thức mới 
Ý thức bất nhị 
Ý thức giải phóng 
Ý thứ siêu thoát 
Ý thức bất diệt 
Ý thức sinh tồn 
Ý thức thể hiện 
Ý thức siêu thực 
Ý thức chấp nhận 
Ý thức siêu thể 
Mở đầu 
Ý thức tự vấn - Thế nào là ý thức mới? 
Kinh nghiệm của bảy nỗi niềm cô đơn. Thinh quan mới để nghe điệu nhạc mới. Thị quan mới để tìm thấy những gì xa xôi nhất, và Ý THỨC MỚI để trực nhận những sự thực mà từ lâu vẫn còn câm lặng. (Nietzsche, Lời tựa quyển Der Antichrist, 1885) 
Ý thức mới là một danh từ rất hàm hồ và không có một định nghĩa rõ ràng dứt khoát. 
Chính ý thức là danh từ rồi. Có thể dùng danh từ để định nghĩa danh từ? 
Hàm hồ và không thể định nghĩa được, đó cũng là những đặc tính của chính ý thức. 
Làm sao định nghĩa được ý thức? 
Tất nhiên, chỉ có ý thức là mới định nghĩa được ý thức. nhưng nếu ý thức muốn định nghĩa ý thức thì ý thức phải đi ra ngoài ý thức thì mới có thể định nghĩa ý thức được. 
Bóng ma của Hegel ám ảnh đâu đây? Dù lúc viết trang này tôi coi Hegel là tử thù! 
Tương quan, chữ của Husserl? 
Nói đến định nghĩa là nói đến xác định ý nghĩa này giữa những ý nghĩa khác, là nói đến tương quan giữa những thực thể này với những thực thể khác. Nói đến định nghĩa là nói đến tương quan và thực ra chính ý thức cũng là sự tương quan; một câu đã thành sáo là: ý thức là ý thức về cái gì. 
Husserl là người xáo trộn mọi sự với một trật tự chẻ hai để rồi rơi vào sự xáo trộn nguyên thủy, vô phương cứu chữa. 
Trong sáo ngữ ấy chứa đựng một sự thật khó phủ nhận: không có ý thức nào là ý thức cô độc tuyệt đối vì ý thức cô độc tuyệt đối cũng vẫn là ý thức về sự cô độc tuyệt đối. 
Ý thức là tương quan; nói đến tương quan là nói đến sự chuyển động từ vị trí này đến vị trí khác; sự thực thì không có vị trí vì sự chuyển động ấy liên tục, thay đổi hướng đi luôn chứ không ngừng; chỉ có vị trí là khi nào có sự bất động hay sự ngừng lại. Định nghĩa là chặn đứng, là tìm một vị trí cố định, chặn đứng sự chuyển động thì định nghĩa ấy chỉ xây trên ảo tưởng, không có giá trị, vì định nghĩa ấy đã xoay vào sự bất động, một thực thể chết cứng; định nghĩa ấy không còn là định nghĩa ý thức nữa mà chỉ là định nghĩa hình ảnh của ý thức. Tất nhiên ai cũng hiểu hình ảnh một sự vật không phải là chính sự vật ấy. 
Hình ảnh chính là sự vật. Biểu tượng là thực tại. Không có biểu tượng thì sự vật cùng tiêu mà đi. Nhưng sự khó khăn là biết thế như là thế trong chân trời yathabhutam của Phật giáo. 
Hình ảnh giữ vai trò của một biểu tượng. Mà biểu tượng không phải là thực tại. Người ta thường đồng hóa biểu tượng với thực tại, đó là tất cả bi kịch của triết học và đời sống. 
Lộ trình của ý thức lướt qua ba giai đoạn: vô thức, ý thức, và ý thức mới. 
Ba giai đoạn thực ra chỉ là giả tưởng. Ý thức mới chỉ là vô thức được đánh tráo qua một ảo giác nào đó, ảo giác đeo đuổi cái mới của trí óc con người. 
Từ vô thức đến ý thức là một phép lạ, là một chặng đường đầy gió loạn, nhưng từ ý thức đến ý thức mới là một sự thay đổi mãnh liệt và huyền bí hơn nữa. 
Ý thức bị giam trong vô thức; ý thức kháng cự vùng vẫy nổi loạn; từ sự vùng vẫy giằng co giữa ý thức và vô thức thoát ra một ý thức mới. 
Vô thức, ý thức và ý thức mới nằm trong ba giai đoạn của biện chứng pháp. 
Biện chứng pháp là cái thùng rác mà mọi người vứt tất cả sự ngu xuẩn của họ vào đó. Phá hủy biện chứng pháp vì biện chứng pháp là con đẻ của nền văn minh đồi trụy của Tây phương. 
Ý thức mới chính là ý thức về sự tuyệt vọng của chính ý thức trong vọng giam hãm của vô thức. 
Ý thức mới không phải là ý thức nữa: vì nếu là ý thức thì không thể nào ý thức được chính thực chất của mình, thực chất ấy là sự mơ hồ, sự quờ quạng, vùng vẫy tuyệt vọng trong vô thức. 
Ý thức mới là ý thức về hư vô tính của ý thức. 
Bóng ma của Sartre ám ảnh đâu đây. Sartre tên ngu xuẩn cuối cùng của nền văn minh Tây phương. Sartre đã lên tiếng can thiệp cho Việt Nam nhưng chính tư tưởng của Sartre là đứa con trung thành của thế lực gây chiến tranh Việt Nam. Ai thấy được mâu thuẫn ấy? 
Nói một cách rõ ràng hơn, ý thức mới là ý thức rằng không có ý thức. Không có ý thức thì lấy gì để ý thức rằng không có ý thức? Chính câu hỏi này cũng do ý thức đặt ra. Ý thức đặt ra câu hỏi rồi ý thức trả lời, ý thức trả lời rồi ý thức lại không bằng lòng; ý thức lại đặt ra câu hỏi; cứ thể quay cuồng trong vòng luẩn quẩn, liên miên không bao giờ dứt, ad infinitum.
Chính vòng luẩn quẩn này là hố thẳm mà tất cả triết gia đều thụt lùi sợ hãi. Một nền triết lý lớn mạnh phải đối mặt với cái ad infinitum này. Jorge Luis Borges đã thấy được ý nghĩa trầm trọng của cái ad infinitum này. Trái lại Saroyan thì sợ hãi và né tránh lý luận ad infinitum trong l’ Être et Néant. 
Đó chính là sự tuyệt vọng của ý thức. 
Khi ý thức tuyệt vọng thì ý thức sẽ làm một cuộc tự tử theo hai nghĩa đen và bóng. Theo nghĩa đen thì ý thức tự tử thực sự như trường hợp Marilyn Monroe, Hemingway, Hedayat... vân vân. Theo nghĩa bóng thì ý thức lột xác để hoá thân, chết đi để sống lại, đóng đinh trên cây thập giá để ba ngày sau sống lại và thăng thiên như vậy sự tự tử ấy không phải là sự tự tử nữa, mà chính là một sự giải phóng hay giải thoát, ý thức đã tự giải thoát khỏi vùng tối tăm của vô thức, ý thức tự giết ý thức để biến thành ý thức mới: ý thức không còn là ý thức nữa mà là tự do. Đó là trường hợp của Henry Miller, William Saroyan và Nietzsche. Đó cũng là tư tưởng Thiền tông và Lão tử. 
Không có sự giải thoát, sống với cái-không-có-giải-thoát mà không rơi vào nihilisme hoặc nói theo chữ Phạn nhà Phật, không rơi vào “abhàva”. Đó mới là điều khó. 
Khi ý thức trở nên tuyệt vọng mà ý thức không tự tử (hoặc theo nghĩa đen hay nghĩa bóng) thì ý thức chạy trốn, nếu chạy trốn mà không lường gạt mình thì một thời gian sau trở nên điên loạn hoặc mang bệnh lao tâm mà chết như Kafka và Wolfe. 
Kafka và Wolfe là những người kẹt vào “nihilisme”. 
Kafka, một người không tận dụng hết sức mình và chết vì hối hận, tiếc nuối vô cớ. 
Còn Wolfe thì lại tận dụng hết sức mình và chết vì kiệt lực. Chỉ có một sức mạnh duy nhất là sự yếu đuối rất khôi hài của con người. Đâm vỡ bức tường chắn ngang, chặt đứt cái gút thắt chặt đó là sức mạnh của Gordion, sức mạnh ấy của Tây phương có thể thống trị Á châu nhưng chính sức mạnh ấy cũng sẽ quay ngược lại giết chết Tây phương. Á đông vẫn sống với cái gút mà không cần phải tìm cách mở, vì cái gút ấy chính là Á châu. Sống với vấn đề bế tắc, sống với sự khủng hoảng mà không cần giải quyết. Đó chính là quẻ Bỉ trong Kinh Dịch. 
Còn nếu chạy trốn mà lường gạt mình rằng mình không chạy trốn hoặc tự lường gạt mà không biết rằng mình tự lường gạt thì ý thức ấy trở nên chìm vào trong đời sống tầm thường đầy công thức; và ý thức ấy không còn là ý thức nữa mà là vô thức; sống mà sống một cách vô thức; như thế không khác gì chết giữa cuộc sống. Đó là tình cảnh của hầu hết mọi người trong chúng ta hiện nay. Tình cảnh mà Heidegger gọi là “Enftremdung”( sự xa lạ ly cách đối với chính mình) hay cũng gọi là (Absturz: sự sa ngã) mà đặc tính chuyển động là “Wirbel” (sự xoay vòng) nghĩa là xoay xuống tình cảnh tầm thường của thiên hạ, sự xoay chuyển ấy vén mở tình cảnh “Geworfenheit” (sự bỏ rơi, bị quăng ném vào đời ) con người bị giam hãm trong đời sống thường nhật tầm thường (“Alltäglichkeit”) đó chính là tình cảnh thất sủng sa đoạ (“Verfallen”) của hiện sinh con người (“Dasein”). 
Con người bị giam hãm trong đời sống tầm thường thường nhật vì chính con người là tầm thường. Nếu tôi thành Phật thì cả vũ trụ này cũng đều thành Phật, không ngoại trừ ai, không ngoại trừ cái gì cả. Tóm lại, ý thức mới là ý thức về sự tuyệt vọng của ý thức. Sự tuyệt vọng ấy rất là đau đớn hãi hùng. Nhưng nếu ý thức không chạy trốn sự tuyệt vọng ấy thì con đường giải thoát sẽ mở cửa. 
Vô môn Quan. 
Sự tuyệt vọng cùng cực đưa đến hy vọng cùng cực; giữa sự điên loạn và sự giác ngộ chỉ cách nhau có một sợi tơ rất mong manh. 
Giác ngộ là điên loạn, một thứ điên vượt ra ý nghĩa thông thường của tất cả bệnh lý. 
Bởi thế, đi tìm đường giải thoát cũng có nghĩa là đi tìm tuyệt vọng. Không thể đi tìm tuyệt vọng vì tuyệt vọng là tuyệt vọng. 
Đi đến đường cùng, ý thức và vô thức chỉ là một. 
Đi đến đường cùng? Người Pháp hay nói “jusqu’au bout”. Thực sự đường cùng chỉ là “ Grund” mà “ Grund” chính là cái tác hại nhiều nhất đến nhân loại hiện nay. Vì lẽ đó mới có phương trình bí mật của Heidegger: “Grund: Abgrund”. Phương trình này của Heidegger còn quan trọng gấp triệu lần hơn phương trình nổi tiếng của Einstein. 
Và đi sâu hơn nữa thì sự đồng nhất này cũng không có thực. Sau cùng lại chỉ còn sự im lặng mênh mông, thăm thẳm và vô biên. 
“Tất cả mọi sự còn lại chỉ là im lặng” (Shakespeare?) 
Chương nhất 
Ý thức bất nhị - Nghệ thuật phi nghệ thuật của Saroyan. Tinh thần bất nhị của Phật giáo Thiền tông và Jean-Paul Sartre. 
1. 
Sống vào thời đại đổ nát, một xã hội đồi trụy và chứng kiến bao nhiêu biến chuyển điêu đứng bên ngoài cũng như bên trong tâm hồn, 
Tình trạng này có khác nào ở Việt Nam hiện nay mặc dù Việt Nam hiện nay lại còn đen tối gấp trăm ngàn lần hơn nước Mỹ ở giữa hai trận chiến. Thế mà ở Việt Nam có mấy người tài lớn như O’ Neill, T. S. Eliot, Dos Passos, vân vân? Việt Nam bây giờ chỉ toàn là một lũ bồi bút, một lũ nhái con văn nghệ và làm dáng cô đơn tuyệt vọng. 
Chỉ có Bùi Giáng là người duy nhất có tài lớn, lớn bằng (hay lớn hơn) O’ Neill, T. S.Eliot, Dos Passos, vân vân. 
nhà văn Mỹ ở giữa hai trận chiến tranh đều ít nhiều mang chung một tâm trạng và một thái độ trước cuộc đời. Nhìn chung, nền văn học Mỹ giữa hai trận thế chiến bị sơn qua một lớp màu quá đen tối phũ phàng: con người hoàn toàn cảm thấy bất lực trước cuộc đời, bàng hoàng, khắc khoải, lạc lõng, bơ vơ, mất gốc, cô đơn, xao xuyến, chán chường, phẫn nộ, điêu đứng, đau khổ, hoang mang, thất vọng hay tuyệt vọng (như Eugene O’Neill, T. S. Eliot, John Dos Passos, Hemingway, Robinson, Jeffers, A. MacLeish, Joseph Wood Krutch…) Giữa bầu trời ảm đạm đen tối mù mịt như vậy, sức sống mãnh liệt và giấc mộng huy hoàng Saroyan đến sau Wolfe, nhưng Saroyan chỉ yêu đời một cách “đánh lận con đen”. Sự giản dị chất phác của Saroyan là một mặt nạ khó hiểu. Có lẽ Saroyan là người chán đời nhất mà vẫn gắng gượng cười ầm lên để “pha trò” cho một tấn kịch u ẩn? 
của nhân dân Mỹ vẫn còn sống nồng nàn trong Thomas Wolfe, Robert Frost, Glasgow, Cather.. nhưng phong phú nhất vẫn là Wiliam Saroyan. Trong một số tác phẩm quá nhiều (chẳng hạn như truyện ngắn , tiểu thuyết và kịch) Wiliam Saroyan đã nói lên hơi thở nhịp nhàng của con người. Mặc dù bị đắm chìm trong bao thực tại cay đắng, Saroyan vẫn sung sướng ca ngợi ngày hôm nay tuyệt vời và rực rỡ. Saroyan nói lên đức tin mãnh liệt nơi con người, nơi lòng tốt tự nhiên của con người, nơi hạnh phúc (trong đau khổ) của con người trên mặt đất tươi đẹp này; cùng chung một giọng nói như Anne Frank: “ánh mặt trời này, bầu trời xanh lơ này, khi tôi còn có sống để nhìn thì tôi không thể nào mà không hạnh phúc”, dù tất cả những gì không tốt đẹp đã xảy ra, tôi vẫn còn tin rằng con người thực sự vẫn tốt. 
Sartre. Tôi hổ thẹn vì đã nhắc Sartre ở đây vai trò “angoisse”. Ngược lại, Saroyan. Sartre là người yêu đời mà “giả đò” chán đời, xao xuyến đầy “ angoisse”! Merde!. 
Sartre chỉ là con khỉ của Céline. Ồ, Céline! 
Céline mới đúng là cái “angoisse” được nhập thể bằng xương bằng thịt. Tôi muốn quỳ lạy Céline như quỳ lạy sự thất bại của chính đời mình. 
Đúng Céline mới là kẻ bị “sali, outragé, persecuté, braqué, broyé, depuis tant d’années et de mille manières…” 
Sartre chỉ là một thứ nôn mửa sa lòng!… 
Tất cả các tác phẩm của W. Saroyan đều trở về một chủ đề duy nhứt: “tôi đang sống”(I am alive). Nói theo Sartre, “con người là xao xuyến” (l’homme est angoisse) hay “con người là tự do” (l’homme est liberté); trái lại đối với Saroyan, thì “con người là sống” (Man is to be alive). Mà sống thì có nghĩa là chiến thắng sự xao xuyến và đó mới là tự do thực sự. 
2. 
Năm 1940 Wiliam Saroyan được giải thưởng văn chương giá trị nhất nước Mỹ, giải Pulitzer. 
Tại sao không nhận, lại làm dáng anh hùng, thái độ của Paul Valéry khi nhận mặc áo hàn lâm viện Pháp mới đúng là vĩ đại. Valéry bỏ viết im lặng trong mười, mười lăm năm, sống với hư vô bàng bạc để rồi trở về “làm chuyện tầm thường” với thiên hạ trong tinh thần “diệu hữu”. 
Tính cách “diệu dụng” của Valéry lại còn phi thường cao siêu hơn là bọn siêu thực làm trò nhát gừng. 
Chàng thản nhiên từ chối không thèm nhận. Saroyan đã nổi tiếng từ năm 1934, năm ông cho xuất bản tác phẩm đầu tiên The Daring Young Man in the Flying Trapeze (Người trẻ tuổi gan dạ trên cái đu bay). Từ năm ấy cho đến nay, Saroyan con người trẻ tuổi gan dạ, vẫn tiếp tục hiên ngang thoăn thoắt trên cái đu bay, khơi vơi lướt trên những lời hoan hô tán thưởng khiếp sợ của người đời, từ lớp này đến lớp người khác; đến nay thế hệ trẻ lô nhô sung sướng trố mắt ngó nhìn người nghệ sĩ tài ba của họ đang vẫn còn đung đưa nhẹ nhàng trên cái đu bay như độ nào; và họ đón nhận Saroyan như người bạn gần gũi nhất của thế hệ họ: một người bạn vẫn luôn luôn tươi trẻ và gan dạ (The daring young man…). 
Trước khi tìm hiểu thế giới nghệ thuật của Saroyan, ta cũng nên ghi nhớ những điều quan trọng sau đây về con người của Saroyan: 
Cuộc đời riêng tư của một con người 
không có gì đáng nhớ. 
Những chi tiết tiểu sử chỉ cần 
cho những tên công an mật vụ! 
Xin kê khai lý lịch (năm bản)? 
• điều thứ nhứt: Saroyan sinh ngày 31 tháng 8 năm 1908 tại Fresno thuộc California; 
• điều thứ hai: lúc ở tiểu học, Saroyan thường trốn học và thường bị hiệu trưởng phạt; 
• điều thứ ba: vì chán chường sự học vấn công thức của trường học; năm mười lăm tuổi Saroyan bỏ học luôn; 
• điều thứ tư: lúc bỏ học, Saroyan đã đọc hết những cuốn sách của ở thư viện Fresno; 
• điều thứ năm: Saroyan vừa đi vừa làm cả chục nghề; vừa viết vô số tác phẩm( trong những năm đầu viết văn, Saroyan đã viết trên bốn trăm truyện ngắn và cảo luận, đang lúc ông làm mười hai nghề khác nhau). 
Về cuộc đời Saroyan ta thấy còn nhiều điều đáng để ý, nhưng đáng để ý nhất vẫn là năm điều trên; đó là cửa rừng trong khu rừng mênh mông thăm thẳm của tâm hồn Saroyan. Muốn gặp con 
Sống trong tác phẩm! 
Tôi muốn chữa lại cho đúng: mơ màng qua tác phẩm. 
Đọc một quyển sách là mơ màng qua quyển sách. Sách chỉ là cái cớ để tha hồ mơ mộng mà không bị gọi “đãng trí”. 
người của Saroyan ta cứ đi thẳng vào tác phẩm và hãy sống trong tác phẩm. 

3. 
Nghệ thuật của Wiliam Saroyan là nghệ thuật phi nghệ thuật (the art of artlessness). Nghệ thuật 
Viết gì thì viết, với điều kiện là phải trải qua cái kỷ luật triệt để. 
Điều quan trọng là kỷ luật, kỷ luật sắt. Thức dậy lúc 4 giờ sáng là mỗi ngày phải làm đúng như vậy, ngồi im lặng trong 1 giờ đồng hồ, rồi mới bắt đầu viết, muốn viết gì thì viết. 
Cái “hostinato rigore” (obstinée rigueur) là cái điều quan thiết nhất (Leonard de Vinci?) 
chỉ là biểu tượng về cuộc đời bởi thế, đối với Saroyan, vấn đề nghệ thuật không bao giờ được đặt ra một cách nghiêm trọng như các nhà văn khác. Saroyan cũng không bao giờ có một quan niệm lý luận phân minh đàng hoàng về nghệ thuật; ông muốn nói gì thì ông nói, ông muốn viết gì thì ông viết; có lúc ta thấy ông viết một truyện ngắn có bố cục chặt chẽ đàng hoàng, một truyện ngắn hoàn toàn mẫu mực cho nghệ thuật, nhưng có lúc khác ta lại thấy ông viết chuyện ngắn chả ra chuyện ngắn và cũng không hiểu ông muốn nói gì. Tôi đã nói nghệ thuật của Saroyan là nghệ thuật phi nghệ thuật. Sự thực thì cũng chưa đúng hẳn. Hiện nay, ta thấy có hai thứ quan niệm nghệ thuật: nghệ thuật có nghệ thuật và nghệ thuật không có nghệ thuật. 
Trong quá trình và tiến trình diễn biến của văn nghệ, mỗi phản ứng chỉ gây ra một phản ứng khác: văn nghệ hay tư tưởng chỉ là phản ứng liên tục. Nghệ thuật không có nghệ thuật chỉ là phản ứng của 
Lý luận như thế này dễ rơi vào thảm trạng của D.T. Suzuki. 
Thảm trạng của Schelling mà Hegel đã nhạo báng: “Đêm tối mà các con bò đều đen”. 
Phải phân ly một cách hoàn toàn triệt để rồi mới bắt đầu nói đến hòa đồng. 
Phải bỏ Đồng Tính mà đạt Như Tính. 
Sự khác nhau giữa “le Même” và L’ Identique” mà Heidegger đã khai thác một cách sâu sắc. 
nghệ thuật có nghệ thuật. Có đến không, rồi không đến có, rồi có đến không, như vậy cứ triền miên mãi với nhau không bao giờ dứt; bởi thế vượt lên trên thời gian và đứng ở bình diện cao hơn, ta có thể nói nghệ thuật không có nghệ thuật là nghệ thuật có nghệ thuật và nghệ thuật có nghệ thuật là nghệ thuật không có nghệ thuật. Có là không, không là có, trắng là đen, đen là trắng, trúng là sai, sai là trúng; tốt là xấu, xấu là tốt; thành công là thất bại, thất bại là thành công; no là đói, đói là no; en-soi là pour-soi, pour-soi là en-soi...
Tôi đã chơi chữ; nhưng thực ra, chơi chữ nghĩa là không chơi chữ. Lý luận trên là lý luận Bất Nhị của Phật giáo. Mấy vị thiền sư nói: “một cái núi không phải là một cái núi và một con sông không phải là một con sông, tuy nhiên một cái núi là một cái núi và một con sông là một con sông. Sự phủ nhận là xác nhận và xác nhận là phủ nhận” [1]. “Thực là không thực và chân là không chân” (le réel est le non-réel et le vrai est le non vrai) (cf.D.T. Suzuki, l’Essence du Bouddhisme, tr. 70) 
4. 
Nền văn minh nhân loại hiện nay đang bị phá sản bởi vì con người không bao giờ thoát 
Lời nói của một kẻ giác ngộ không thể là giác ngộ. 
khỏi ra ngoài tinh thần phân hai; nghĩa là phân chia thực tại và làm hai phần đối nghịch nhau: Thượng Đế và tạo vật, linh hồn và thể xác, tinh thần và vật chất, lý và phi lý, vân vân… Sự chia đôi chỉ là sản phẩm của tri thức và tuy trí tuệ thức có ích lợi, nhưng ngày nay, không còn giữ địa vị độc tôn như xưa kia nữa. Tri thức có ích lợi trong một lãnh vực nào đó, nhưng ta đừng để nó can thiệp dính líu với dòng đời. Cuộc đời là cuộc đời, trọn vẹn, đầy đủ, phong phú, muốn nhìn được hình ảnh trọn vẹn được của cuộc đời, ta hãy vượt ra ngoài trí năng; vì chính trí năng đã phân tán mất mát đi tất cả hình ảnh trung thực và toàn diện. 
Bóng ma của D.T. Suzuki ám ảnh đâu đây, phải phân hai, nếu cần phân ba, nếu cần cứ phân ra một trăm, một ngàn lần. Sự phân hai chỉ có với óc phân hai. Giác ngộ là tự nguyện phân hai! 
Tôi có giác ngộ? Có hề gì chuyện ấy! Không bận tâm đến giác ngộ nữa. 
Khi nói đói là no, no là đói thì không có nghĩa là ta hãy nhịn đói đi: ăn vô ích vì no có nghĩa là đói; khi nói phải là sai, không có nghĩa là ta làm sai đi: làm phải vô ích, vì phải là sai, vân vân… không thể nói như vậy được vì không có sự lựa chọn. 
Sartre đã biến cái “choix” thành ra một “présupposition” trong triết lý của ông vì lý do ấy, ý nghĩa của tác động “néantiser” trong triết lý ông đã mất ý nghĩa tiêu cực xứng đáng, khiến cho triết lý ông trở thành một thứ “siêu hình học” thủ cựu nhất trong những nền siêu hình học lỗi thời của Tây phương. 
Ta không nên chọn đường tốt hoặc đường xấu, bởi vì thực ra trên đời không có cái gì tốt mà cũng chẳng có cái gì xấu. Chúng ta nghĩ như thế nào thì nó như thế đó. Sự lựa chọn “choix” là một vấn đề quan trọng trong triết học hiện sinh của Sartre; khi ta nói không có sự lựa chọn thì cũng chưa đúng hẳn, bởi vì đó cũng là lựa chọn thái độ không lựa chọn, như thế tức là cũng lựa chọn nữa rồi. Je peux toujours choisir, mais je dois savoir que si je ne choisis pas, je choisis encore(Sartre, L’existentialisme est un humanisme, 73), vì thế, tôi phải nói lại: sự lựa chọn không đặt thành vấn đề, ta không theo thái độ lựa chọn mà cũng không theo thái độ không lựa chọn, ta vượt tất cả mọi thái độ kể cả thái độ vượt hay kể cả thái độ không thái độ: nói như thế nghĩa là ta tự mình giải thoát khỏi vòng triền phược chấp trước của tri thức vọng kiến, và vượt lên tất cả mọi sự mâu thuẫn đối nghịch để mà có thể đạt đến hình ảnh trọn vẹn của cuộc đời toàn diện. 
Hình ảnh trọn vẹn của đời sống toàn diện, tư tưởng trung tính hôm nay phải phá bỏ luôn mọi hình ảnh trọn vẹn của đời sống toàn diện, bôi sạch vết tích cuối cùng của Hegel (đồng thời trên một bình diện khác của Marx). 
Tôi xin trở lại với William Saroyan. Tôi đã nói: nghệ thuật của Saroyan là nghệ thuật phi nghệ thuật (the art of artnessless) thực ra thì chỉ đúng một phần chứ không đúng hẳn. Thoạt đầu nghệ thuật của Saroyan là phi nghệ thuật, nhưng rồi sau cùng Saroyan vượt hết tất cả mọi quan niệm mọi thái độ, vượt hết, hết,… việc làm Saroyan, nếu nói theo danh từ đạo Phật thì gọi là “Achintya”. 
Giữa Saroyan và “vô niệm” của Phật giáo có một sự sai biệt trong một kẽ tơ rất vi tế. Điều cần yếu cho Saroyan là nhảy. 
Achintya nghĩa là không chia sẻ, vượt qua tác dụng của tri thức tương đối hay tất cả vọng tưởng mê chấp. Achintya cũng có cũng có nghĩa là “bất tư nghì”. 
Nói cho gọn lại: nghệ thuật ở đây là Saroyan; Saroyan là nghệ thuật, chứ không còn sự phân chia ra hai phần cách biệt như Saroyan và nghệ thuật của Saroyan. Chính chữ “ của” này làm ta có vọng tưởng là có hai thực thể đối đãi như chủ và vật. 
5. 
Hầu hết nghệ thuật hôm nay là biểu tượng về cuộc đời chứ không phải là cuộc đời. Saroyan đem nghệ thuật ra ngoài biểu tượng mà trở thành cuộc đời, chứ không phải là biểu tượng về cuộc đời; nghệ thuật hôm nay có giới hạn, Saroyan phá tung giới hạn ấy. 
Cái nhìn hay sự vật được nhìn, chính cái nhìn mới quyết định? 
Vết tích của chủ thể tính còn vướng ở đây. phải bôi sạch luôn mọi hình thức của chủ thể tính, chiến thắng “subjectivisme”. 
Nếu hỏi Saroyan có thành công hay không thì chính ta phải trả lời câu hỏi ấy khi đọc thẳng tác phẩm của ông; bởi vì chính tinh thần thưởng ngoạn nghệ thuật của ta cũng phải là tinh thần sáng tạo. Khi ta nói rằng Saroyan không thành công tức là ta nói ta không thành công, khi ta nói ông thành công tức là ta nói ta thành công chacun accomplit des actes similaires à ceux qu’il attribue aux autres; que la protection de soi - même est la destruction de soi même, etc [2]. 
Sáng tạo là mang nợ, không có sáng tạo thuần túy từ hư vô biến ra hữu thể. “Thiên tài là kẻ mang nợ nhiều nhất” (Emerson). 
Khi thưởng thức một nghệ phẩm như tác phẩm của Wiliam Saroyan, ta phải có tinh thần sáng tạo (chứ không phải là một độc giả thụ động) ta phải sáng tạo lại, ta sống tinh thần sáng tạo ấy như khi ta ngắm bức tranh trắng đen Sumiye của Thiền tông hay như khi ta đọc thơ Haiku của văn chương Nhật (chẳng hạn như mấy bức tranh đời Đường và những bức tranh của thiền sư Sesshu và mấy bài thơ của Basho hoặc Saigyo) [3]. (Xin xem quyển Zenga của Kurt Brash). 
Triết học là học về sự thất bại. Không bao giờ có một nền triết lý thành công. Triết lý “dấn thân” là triết lý ấu trĩ. 
Nói đến nghệ thuật Saroyan, gián tiếp ta đã đặt ra nhiều vấn đề triết học quan trọng; nói đến triết học là nói đến sự thất bại của lý trí con người, là nói lên sự mâu thuẫn liên tục của suy tư; người viết đến đây cảm thấy bàng hoàng vô cùng. 
6. 
Sở dĩ có câu hỏi “như thế nào” là vì con người sợ sự hỗn mang và muốn nhốt sự hỗn mang vào một dạng thức, một hình thức (forme). Con người xuống thang sa đoạ là con người đòi hỏi một pattern, một “forme” cho tất cả mọi sự. Aristote! 
William Saroyan viết truyện ngắn như thế nào? Trước khi trả lời, ta phải tự hỏi: phải đọc truyện ngắn của Saroyan như thế nào? 
Tôi thấy có hai nguyên tắc dẫn đạo để giúp ta tìm hiểu nghệ thuật viết truyện ngắn của Saroyan; đây cũng có thể gọi là Ý thức Bất Nhị. 
Ý thức Bất Nhị không phải là Bất Nhị. Nguyên tắc thứ nhứt: không có gì là hấp tấp vội vã. 
Nguyên tắc thứ hai: Không có gì để nói cả. 
Hai nguyên tắc cao nhất của tư tưởng và nghệ thuật. 
Nhưng tại sao lại gọi là “nguyên tắc”? chữ Hy lạp là “arché” đã bị xuyên tạc thành ra chữ La Tinh “principia”. Tất cả sự thất bại của truyền thống văn hoá Tây phương nằm ở sự xuyên tạc liên tục này. Newton đã đặt vòng vương miện qua nhan đề tác phẩm khoa học của ông với chữ “principia” (và Descartes!) 
Đọc truyện ngắn của Saroyan ta thường gặp Saroyan nhắc đi nhắc lại nhiều lần những câu sau đây: “tuyệt đối không hấp tấp”, There is absolutely no haste (truyện “My self upon the Earth”) “tuyệt đối không có gì để nói cả”, There was absolutely nothing to say (truyện “The Earth, Day, Night, Self”). Ta thử ngưng lại và suy nghĩ xem Saroyan muốn nói những gì, khi ông nhắc đi lập lại hai câu trên. 
Ta còn nhớ: ở đời không có gì tốt không có gì xấu, không có phải, không có sai, không có thiện, không có ác, không có không, cũng không có có. 
Nói như thế thì rất dễ vượt qua tính cách “oihilisme” này mới quan trọng. 
Nam Tuyền thiền sư đã vượt qua “đoạn-diệt”. 
Thiền sư Nam Tuyền nói: “Đại Đạo nhất thế thật vô phàm thánh. Nhược hữu danh tự giai thuộc hạn lượng. Sở dĩ Giang tây lão túc vân “Bất thị tâm bất thị Phật bất thị vật”. Tất cả đều có sự phân chia “tốt” hay “xấu”, vân vân, đều là do trí năng ta. Hãy ném trí thức đi. Hãy giết trí thức đi [4]. 
Ý nghĩa của Yatha (như thị! như thị) của Phật giáo. 
Cuộc đời là cuộc đời, là như vậy, không có cái này mà cũng không có cái kia, nên ta không thể lựa chọn được. Tất cả triết lý Sartre đều quay về sự lựa chọn (choix); thực ra, ta không nên lựa chọn gì cả (và cũng không lựa chọn và không không không không vân vân); nghĩa là sự lựa chọn không đặt ra thành vấn đề; vì cuộc đời này không cái này mà cũng không cái kia hay là cái này mà cũng là cái kia. 
“Nhậm tánh”- cưu mang thể tánh như là thể tánh, so với một bình diện khác,“cưu mang nỗi chết qua nỗi chết” (Heidegger: den Tod als Tod zu übernahmen). 
“Chi Đạo vô nan, duy hiềm giản trạch, nhậm tánh hiệp đạo, tiên diên tuyệt não hệ niệm quai chơn, vật ố lục trần, lục trần bất ố, hoàn đồng chánh giác, vân vân…” 
Ý nghĩa chữ “grundlos” của Schopenhauer. 
Cuộc đời không mục đích, không ý nghĩa, không cứu cánh; khi ta có một mục đích nào đó để đạt đến thì ta hấp tấp vội vã cho mau đến đích; ta không hiểu rồi đây ta sẽ đi về đâu; ta không hiểu cho nên ta không hấp tấp vội vã, vì nếu là hấp tấp vội vã thì gián tiếp tự cho mình có mục đích để đến. 
Ý nghĩa của chữ “Langeweile” mà Johann Georg Hamann đã dùng. Hamann người tự nhận là “tình nhân của Langeweile” nghĩa là “kẻ thích sống không làm gì cả”. 
“Vội vã hấp tấp” là cơn bệnh trầm trọng của tâm hồn (ai nói thế, Rilke? Kafka? Simone Weil?) 
Saroyan không bao giờ xem trọng nghệ thuật và cũng không bao giờ có quan niệm chặt chẽ, đàng hoàng về nghệ thuật viết văn, ông không đem một mục đích cứu cánh cho việc viết văn của mình, bởi thế, ông không vội vã hấp tấp: vội vã và hấp tấp để làm gì, để đi về đâu khi không có mục đích cứu cánh gì cả. Đọc tác phẩm của Saroyan, ta thấy ông muốn viết gì thì viết, cứ theo đà xung đột mãnh liệt của lòng ông, ông không bao giờ để ý lo lắng đến lối viết văn, hình thức, không khí nghệ thuật, vân vân. Nói đến đây, ta nhớ đến mấy lời của Whitman [5]. Cũng chưa lôi thôi và rườm ra như Faulkner, một thứ rườm rà, dài dòng, thôi thôi thần thánh của thiên tài! 
Có nhiều chuyện ngắn của Saroyan dài dòng, lôi thôi rườm rà (chẳng hạn truyện “Seventy Thousand Assyrians”, truyện “Myself Upon the Earth”...) ta nóng lòng, ta hấp tấp vội vã muốn tác giả nói thẳng đi, nói mau đi cho rồi; bởi vì ta thấy ông ra ngoài đề quá xa, ông nói đi rồi nói lại, nói bên trong rồi lại nói ra bên ngoài, loanh quanh, luẩn quẩn nhì nhằng như kẹo cao su, thay vì đi đường thẳng, ông lại bình thản từ từ đi một vòng tròn thật rộng; ta sốt ruột cả lên và ông ung dung trả lời “ khoan, sao mà hấp tấp thế, tuyệt đối không có gì vội vã” (there is absolutely no haste). 
Bùi Giáng là người duy nhất 
thể hiện mãnh liệt nhất 
lối viết đi ngoài khung khổ hạn định. 
Văn nghệ Việt Nam đến bây giờ còn lết bết đi sau Bùi Giáng đến một trăm năm. Nhưng nỗi nguy hiểm nhất của Bùi Giáng vẫn là “hubris” trong ý nghĩa Hy Lạp. Hölderlin: “Wo aber die Gefahr ist, wächst das Rettende auch”! 
Người ta viết văn thường có quan niệm nghệ thuật vững chãi, nào là bố cục phải phân minh, nhập đề, thân kết, vân vân… nghĩa là người ta có mục đích đàng hoàng, người ta phải hấp tấp không dám đứng lại nhì nhằng, nhập đề phải gọn, kết luận phải ngắn và sắc, vân vân… người ta không dám ra ngoài khung khổ hạn định; con đường đi ấy ngắn, người ta phải cố gắng vội vã đi trong vòng mấy phút, không được đi lố giờ trong trung bình mà bao nhiêu người khác đã đi; trái lại, Saroyan không giống như vậy, ta hãy tưởng tượng một con đường ngắn đáng lẽ chỉ mất mấy phút, ông lại đi hoài đi mãi mà không bao giờ tới; bởi vì Saroyan bước đi chậm chạp, khoan thai, bước chừng vài bước lại dừng chân lại, ngồi ngủ dưới gốc cây, rồi thức dậy, ngắm mây trắng bồng bềnh, nghe chim kêu, rồi lại bước đi, đi chừng vài bước lại dừng chân ngắm đóa hoa và bướm vàng bên vệ đường rồi lại bước đi, cứ như thế đi hoài đi mãi mà không bao giờ tới nơi tới chốn. Nói đến Saroyan, ta dễ nhớ đến tư tưởng mấy thiền sư: “Đi là sống; tới là chết” [6]. 
Nhưng Trung Quán Luận của Phật giáo: “Trước hết sự vận hành thành tựu rồi thì không phải là vận hành, mà sự vận hành chưa thành tựu thì cũng không phải là vận hành. Sự vận hành hiện tại ở ngoài hai sự vận hành kia (đã thành tựu và chưa thành tựu) thì không thể có nghĩa được” (nguyên bản Tây Tạng: re zig son la mi’ gro ste “ma son ba’ la’ an’ gro ba med” son dan ma son ma gtogs par “bgom pa ses pas par mi’ gyur ro”). 
Đọc tác phẩm của Saroyan, ta đừng quên nguyên tắc thứ nhất “tuyệt đối không hấp tấp vội vã”, ta cứ đọc chầm chậm, đừng nóng lòng chờ đợi kết cục thế nào, câu chuyện sẽ đưa đến đâu, vân vân… Câu chuyện sẽ không đưa đến đâu cả bởi vì: 
Nguyên tắc thứ hai: Không có gì để nói cả. 
Mỗi nhà văn khi cầm bút đều sẵn có một số quan niệm nào đó trong đầu. 
Lại Sartre nữa! Hãy đọc lại mấy bài Sartre viết về Flaubert thì thấy rõ! Họ viết để nói một cái gì, chẳng hạn như những vở kịch và tiểu thuyết của Jean-Paul Sartre đều dùng để nói lên triết lý hiện sinh của ông chẳng hạn như quyển tiểu thuyết La Nausée, đã được Sartre viết ra là vì ông đã có sẵn trước một ý niệm (qui s'est inspiré d’un concept) ý niệm về triết lý hiện sinh, ý niệm về quyển La Nausée, nghĩa là Sartre đã có sẵn một kỹ thuật trứ tác, một recette (une technique de production préalable que fait partie du concept, et qui est au fond une recette), như vậy, quyển La Nausée là một cuốn sách (một sự vật) đã được trước tác ra trong một đường lối nào đó và chứa đựng một sự ích lợi được xác định đàng hoàng: dùng để nói lên triết lý hiện sinh (un object qui se produit d’une certaine manière et qui, d’ autre part, a une utilité définie [7], khi viết La Nausée, Sartre đã muốn dùng quyển ấy để làm gì rồi, bởi thế ta có thể dùng danh từ của 
Thực ra, essentia và existentia của Sartre ở đây đã bị Heidegger vạch ra bộ mặt của Thần học công giáo Trung cổ. “Lật ngược một mệnh đề siêu hình học vẫn là siêu hình học”. 
Sartre để mà nói gọn lại rằng bản chất yếu tính (l’essence) của quyển (La Nausée) đã có trước sự hiện hữu (l'existence) của quyển ấy (l’essence - c’est-à-dire l’ensemble des recettes et des qualités permettent de le produire et de le définir-précède l'existence) [8]; sự có mặt của La Nausée đã được xác định trước rồi; bởi thế ta có thể nói rằng khi viết tiểu thuyết hay kịch, Sartre đã có một cái nhìn kỹ thuật (une vision technique du monde), nghĩa là về con người thì Sartre cho rằng sự hiện hữu có trước yếu tính (l'existence précède l’essence) nhưng về nghệ thuật văn nghệ thì Sartre gián tiếp cho rằng yếu tính có trước hiện hữu (l’essence précède 'existence). 
Nên đặt lại ý nghĩa của “existence” của Saroyan trong ý nghĩa xuất (ex-) của chữ Exsistenz của Heigeger thì mới đúng hơn vì existence của Sartre kẹt vào existentia của kinh viện Trung cổ. 
William Saroyan khác Sartre; nếu nói theo danh từ của Sartre thì đối với Saroyan, về nghệ thuật văn nghệ: hiện hữu có trước yếu tính (l'existence précède l’essence) chẳng hạn như trường hợp của Sartre viết quyển La Nausée và Saroyan viết truyện Common Prayer. Yếu tính của La Nausée có trước hiện hữu của La Nausée; còn hiện hữu của Common Prayer có trước yếu tính của Common Prayer. Trước khi viết La Nausée, Sartre đã có trước một ý niệm; trước khi viết Common Prayer, Saroyan chẳng có ý niệm nào cả. 
Sự trống rỗng của Saroyan ở đây là ý nghĩa chữ “le vide” trong nghệ thuật (xin đọc, Le Vide, expérience spirituelle en Occident et en Orient, trang 290-307, loại sách Hermès, Paris, 1969). 
Đầu óc của Saroyan trống rỗng. Saroyan cứ lại bàn ngồi rồi lấy bút ra viết (vì cảm thấy ngứa tay) và để ngòi bút chạy đi đâu thì chạy. Sartre có một cái gì để nói; còn Saroyan hoàn toàn chẳng có gì để nói hết. Thiền tông “Nhử đản vô sự ưu tâm vô tâm ư sự tắc hư nhi linh không nhi diệu”. Ta chẳng lấy làm lạ đối với Sartre, viết văn là “une entreprise” [9], Sartre nói khi viết, Saroyan sống khi viết; Sartre viết để nói, Saroyan viết để sống. Saroyan: “tôi chỉ là người trẻ tuổi, tôi viết để mà viết, vì tôi chẳng biết làm gì cả” (“Myself upon the Earth”). Việc viết lách, đối với Saroyan, là một công việc thông thường của cuộc sống, như ăn, uống, ngủ hay đi tiểu tiện, đại tiện, vân vân. Saroyan viết là viết, chứ không nghĩ gì cả; bởi thế một số lớn tác phẩm của Saroyan là cuộc đời chứ không phải nói về cuộc đời. Thực sự tuyệt đối không có gì để nói: there was absolutely nothing to say (Saroyan). 
Giới hạn của ngôn ngữ thông thường. Trả ngôn ngữ lại vị thế ban đầu của nó thì ngôn ngữ chính là cuộc đời. Thực ra chữ quan trọng không phải là “cuộc đời” mà chính là chữ “là”. Ý nghĩa của chữ Hy Lạp “eĩvai” rất quan trọng ở đây. 
Thi ca của Thiền tông cũng thế. Những bài thơ sống nhất của Thiền là những bài thơ chẳng nói gì hết, không có gì để nói hết; những bài thơ ấy là cuộc đời chứ không phải triết lý hay chú giải về cuộc đời (cf. Alan. Watts: the most expressive Zen poetry is that which “says nothing”, which, in other words, is not philosophy or commentary about life) [10] . “Con người” là gì? Phải tránh “nhân trung thuyết” ở đây. 
Một số tác phẩm của Saroyan không phải là tác phẩm, sách, truyện hay tiểu thuyết: ai rờ vào đây là rờ vào một con người. Camerado, this is no book, who touches this touches a man (Walt Whitman, so long). Henry Miller đã đi ra ngoài tất cả những hạn chế của nghệ thuật. Walt Whitman vẫn còn kẹt vào đôi hạn chế (như Restif de la Bretonne). 
Đọc Henry Miller, Restif de la Bretonne (thiên tài dị thường của Pháp ở thế kỷ XVIII), Walt Whitman hay Saroyan ta đều có cảm giác như trên. Đối với Saroyan, Henry Miller, Walt Whitman, Restif de la Bretonne viết là sống, sống là viết. 
Có thể bỏ viết mà vẫn sống được không? Chỉ có Henry Miller là làm được việc khó khăn này. 
Saroyan đã tự thú như vầy: 
“Trong vòng sáu tháng qua, tôi phải bị xa lìa việc viết lách của tôi và tôi không còn là gì nữa hay là tôi đã bước đi quanh quẩn như một cái xác không hồn, một bóng mơ hồ trong ác mộng của vũ trụ” [11]. 
Đây cũng là thảm kịch của tôi trong nhiều năm. Thảm kịch này giống như người bị bệnh cuồng thiền. Tham thiền một thời gian rồi nghiện thiền như nghiện thuốc lá. Đó là sự nguy hiểm dễ sợ nhất. 
Khi nào không viết, Saroyan có cảm giác rằng ông đã mất đi, chết đi (unalive), bởi vì Saroyan sống trong lúc viết là viết trong lúc sống, đối với Saroyan đọc, viết, sống chỉ là một. Tác phẩm của Saroyan chính là Saroyan, là một “quyển sách sống” (mượn chữ “Livre vivant” của Restif de la Bretonne). 
Đây là một cách thủ dâm bằng chữ nghĩa. Cuộc sống như một người đàn bà. Con người luôn luôn trễ tàu. Chỉ sống sau khi hoặc chỉ sống trước khi, còn đang sống là sợ hết. Tai nạn thường trực. 
Kinh nghiệm phi thường của Edmond Jabès. Đối với Jabès, chỉ thoát được ra ngoài quyển sách là trong quyển sách: quyển sách không ở trong thế giới là chính thế giới ở trong Quyển sách. Edmond Jabés: “Nếu Thượng đế hiện hữu thì sở dĩ là thế vì Thượng đế ở trong quyến sách” (Si Dieu est, c’est parce qu’il est dans le livre). Kinh nghiệm thần bí của Jabès: “Thế giới hiện hữu bởi vì cuốn sách hiện hữu” (Le monde existe parce que le livre existe). Khủng khiếp nhất là giây phút trực nhận của Jabès: “Quyển sách là tác phẩm của quyển sách” (le livre est l’oeuvre du livre). 
So sánh Edmond Jabès et la question du livre trong quyển L’ Écriture et la Différence của Jacques Derrida, trang 99 - 116 vaf 429 – 436). Viết về quyển Yael của Edmond Jabès, Gabriel Bounoure trong Critique (Juin 1968, trang 587) nói: “… Le livre de Yael n’est pas fini, qu’il se poursuivra dans un livre intérieur au livre”. 
Trái tim của con người đập nhịp nhàng ngay trong tác phẩm của Saroyan; muốn gọi gì thì gọi, muốn nói gì thì nói, tác phẩm của ông đang thở. “What difference does it make what you call it, just so it breathes” (Saroyan). Tác phẩm của Saroyan không phải là nói về trái tim: chính tác phẩm ấy là trái tim; trái tim nằm trong ấy và máy động nhịp nhàng ở trong ấy [12]. 
Nhưng chính Marquis de Sade là nạn nhân tàn nhẫn của sự ngộ nhận vĩ đại! Những tác phẩm của Restif de la Bretonne hay Saroyan (hay Henry Miller, Walt Whitman) đều cũng thế. 
Những tác phẩm của họ thường bị người đời hiểu lầm; một Marquis de Sade làm gì hiểu nổi Restif de la Bretonne; một John Brown có bao giờ hiểu được thiên tài lung linh của William Saroyan; một Bertrand Russel bao giờ hiểu được thiên tài mãnh liệt của D.H. Lawrence? (cf. Portraits from Memory, tr. 111-116). Cả dân tộc Mỹ đã bỏ quên thiên tài phi thường của Henry Miller trong mấy chục năm trời và giờ đây mới chỉ bắt đầu mở mắt ra mà nhìn tầm vóc vĩ đại của Henry Miller. 
Thực ra ở thế giới này có mấy người hiểu được Henry Miller? Ngày trước số người hiểu được thuyết Einstein có thể đếm trong đầu ngón tay, nhưng ngày nay số người hiểu được Henry Miller thì lại khó tìm thấy hơn. 
Người ta chê Saroyan (hay chê Henry Miller, Restif de la Bretonne, Marc Chagall, vân vân), người ta chê những thiên tài này là”con nít, ngây ngô…”. Saroyan lại nghĩ rằng “con nít là nòi giống duy nhất của con người thực sự; tất cả những gì còn lại đều là giả dối” [13]. Restif de la Bretonne lại trả lời: “những chi tiết trẻ con ngây ngô mới thực là cần thiết” [14]. 
Người ta chê họ là “tầm thường, nói những điều ai cũng biết rồi”. Saroyan lại hãnh diện nói: “Tôi không có ý lãnh giải Pulitzer hay giải Nobel hay bất cứ giải thưởng nào khác, tôi ngồi đây trong gian phòng nhỏ bé, viết một bức thư gửi những người tầm thường và bằng một ngôn ngữ giản dị đơn sơ, tôi kể cho họ nghe những điều họ đã biết rồi”. [15] 
Chúng ta nhớ lại khi Marquis de Sade khinh chê Restif de la Bretonne viết những điều ai cũng biết - ce que tout le monde sait. Restif de la Bretonne trả lời rằng chính những điều tầm thường ấy, những điều ai cũng biết, ce que tout le monde sait, chính những điều ấy mới chứa đựng chân lý của cuộc đời, sự huyền diệu của cuộc đời, sự bí mật phong phú, phi thường của con người. 
Người ta chỉ có viết những điều có thể biết. 
Giẫm lên giới hạn của điều có thể biết là điều khó đạt nhất và bí mật nhất. 
Ta đã đau đớn biết bao khi thấy con người sống tù hãm trong những định thức thành kiến gò bó. 
Chừng nào những Sade mới biết im lặng để cho những Restif de la Bretonne, những Saroyan, những Henry Miller được thung dung thổi gió về vi vu trong lòng ta? Người ta cười những lời ngây thơ của Saroyan, Restif de la Bretonne và Henry Miller; người ta cười lúc họ thành thật hơn bao giờ hết. Hãy cười đi - Người ta đã cười Picasso, đã cười Chagall, đã cười những kẻ “điên, ngu, dại, ngây ngô, khờ khệch”. Người ta cứ mải miết loanh quanh đi tìm cao siêu, sâu sắc, uyên bác, thâm trầm, trông thái, già giặn, vân vân… Một ngàn cụ Einstein cũng không thể nào sánh được với một người nhà quê dốt nát, nghèo khổ, ngây ngô, dại dột: và mộng của Einstein cũng chỉ muốn được như vậy mà thôi, được làm một người nhà quê dốt nát. Tolstoi có những điệu bộ nào vào lúc già mà khiến cho tâm hồn ta phải xao động lạ lùng như vậy? 
Con người cứ mải miết đi tìm Niết bàn. Niết bàn không có ở đâu cả; Niết bàn ở ngay trong vòng Luân hồi, Luân hồi là Niết bàn [16], các người có nghe rõ chưa? 
Nhưng trước khi thể hiện được như vậy, phải sống cho qua giữa một mùa hoả ngục. 
Khi ta đọc vài ba truyện ngắn nào đó của Saroyan mà ta chưa kịp hiểu hoặc ta thấy “tầm thường” quá thì ta hãy nhớ nguyên tắc thứ hai: “Không có gì để nói hết”. 
Con người bị đoạ, vì biết nói. Nhân vật vĩ đại nhất của Carson Mc Cullers là những người câm (The heart is lonely hunter). 
Thuyết Bất nhị của Thiền tông Phật giáo lại trở về phiêu diêu… Tất nhiên, con người đã sinh ra đời không thể nào im lặng, vì im lặng cũng có tiếng nói của nó, và khi ta bảo rằng: “Tuyệt đối không có gì để nói hết” thì cũng là có gì để nói rồi; không có gì để nói là có gì để nói và có gì để nói là không có gì để nói; bởi thế có khi ta thấy tác phẩm của Saroyan nhờ thế này, có lúc ông lại đổi khác đi - 
Làm sao lý luận như vầy mà không rơi vào “ba phải”? 
tựu trung, Saroyan vượt lên tất cả mọi suy tư - Khi ông muốn nói thì nói; lúc ông không muốn nói thì không nói; lúc ông muốn viết thì ông ngồi bàn mà viết; lúc không muốn viết thì thôi; lúc ông muốn suy nghĩ, ông suy nghĩ- Saroyan không tự bắt buộc phải trung thành với bất cứ cái gì, dù trung thành với những cái gì tự ông đã đặt ra. 
Thoát ra ngoài “ý tính”, vấn đề khó khăn nhất của con người. 
Saroyan muốn trước rồi nghĩ sau; Sartre nghĩ trước và muốn sau. Saroyan thấy thích viết thì viết, chứ cũng chẳng nghĩ gì hết, ngay đến chuyện nghĩ cũng thế, ông thích nghĩ thì cứ nghĩ… 
Nhưng Saroyan không phải là một thiền sư. 
Hành động của Saroyan, danh từ Phật giáo gọi là “diệu dụng”. Thiền tông: “Bất khả dĩ hữu tâm đắc; bất khả dĩ vô tâm cầu”. 
William Saroyan viết truyện ngắn thế nào? 
Ông muốn viết thế nào ông viết; ông muốn, chứ không nghĩ. Khi nào Saroyan muốn viết thì cứ ngồi xuống viết, I just sit down and write [17]. Muốn chính là nghĩ. 
Ông không nghĩ gì hết, những lúc nào ông muốn nghĩ về nghệ thuật viết truyện ngắn, ông muốn nghĩ rằng: 
• Tất cả những luật viết truyện ngắn đều sai, bởi vì những luật ấy bỏ rơi con người tôi ra ngoài. 
• Đừng bao giờ để ý đến những luật viết truyện ngắn của những kẻ khác đặt ra; họ làm ra những luật ấy để che chở họ, để bảo vệ họ. 
• Hãy quên Edgar Poe và O. Henry - hãy quên tất cả những nhà văn. 
• Cứ viết những gì mình cảm thấy THÍCH viết: cứ nhảy xuống sông và bắt đầu bơi ngay. 
Nhưng con người chính là một thể, một “form”? rồi? 
• Không có một thể thơ (poem-form), thể truyện ngắn (story-form); chỉ có CON NGƯỜI thôi (There is Man only). Tất cả cái khác đều giả dối, lường gạt. 
• Nói tóm lại, tôi không phải là một nhà văn gì hết (Briefly, I am not a writer at all) 
Không ai thoát khỏi cái nghiệp nhà văn dù là một người không viết văn gì cả thì cái óc của kẻ ấy cũng viết văn. 
Tôi định phân tích những truyện ngắn tiêu biểu cả Saroyan, nhưng không thể nào phân tích cho đàng hoàng được: tác phẩm của Saroyan là con người ông. Tôi chỉ có thể diễn tả đại khái về con người ấy như sau: yêu thương những người nghèo khổ, yêu thương nhân loại (truyện “Seventy Thousand Assyrians”) xót xa chan chứa giao cảm với con người lạc loài, bị xã hội ruồng bỏ hiếp đáp (truyện “Among the Lost”), tâm hồn bơ vơ cô độc (truyện “1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8,”) thương mến sự hồn nhiên ngây ngô của kẻ nghèo (truyện “Dear Greta Garbo”), thương xót tâm hồn lạc lõng của gái giang hồ (truyện “Love”), khóc than sự ngộ nhận hiểu lầm trên đời (truyện “And Man” và truyện “Laughter”), đau khổ lạc lõng xa lạ nơi quê hương mình (truyện “Going Home”), tình yêu rạo rực (truyện “Romance”), phẩm giá con người (truyện “The Man with the French Postcard”, khóc than vì sự xấu tồn tại ở trần gian này (truyện “War”), chống đối chiến tranh (truyện “Fight your own War”), sự kỳ lạ nhiệm màu của nòi giống của con người (truyện “The Earth, Day, Night, Self” ), sức sống miên man của con người vươn lên trên nghịch cảnh (truyện “A Cold Day”), sự va chạm phũ phàng của một thiếu niên trước cuộc đời, trước ái tình (truyện “Seventeen”), ca ngợi cuộc đời, vinh hạnh vì biết mình sống, chống văn minh, chống tiến bộ, công thức, giả tạo, chống tất cả những lề luật, những truyền thống, gò bó, khuôn khổ (truyện “Myself Upon The Earth”), bơ vơ, đói khổ nhưng vẫn thiết tha với đời (truyện The Daring Young Man on the Flying Trapeze), vân vân. 
Sống chính là nhớ. “Sứ mạng của con người trên mặt đất này là nhớ” (Henry Miller). Phải hiểu nhớ trong nghĩa Andenken của Heidegger. Con người của Saroyan không phải chỉ có thế thôi. Ta hãy tìm thẳng vào tác phẩm của Saroyan và khi đọc, nhớ sống. 

Chú thích:
[1] D.T.Suzuki. L’ Essence du Bouddhisme, tr. 104: Une montagne n’est pas une montagne et une rivière n’est pas une rivière; cependant une montagne est une montagne et une rivière est une rivière. La negation est une affirmation et l’affirmation est une negation. Ceci n’est pas simplement un jeu de mots. Si c’est ce que nous en comprenons, nous restons sur le plan de l’intellection et nous ne parvenons pas à sortir du cercle vicieux  
[2] Henry Miller, “L’obscénité et la loi de réflexion”, xem Souvenir Souvenirs, trang 237, NRF 1953. 
[3] cf. D.T. Suzuki, “Painting, Swordsmanship, Tea ceremony”, trong Zen Buddhism, edited by W. Barrett, Doubleday, New York, 1959, trang 194. cf. Alain W. Watts, “Zen in the Arts” trong The way of Zen, New American, Library N.Y.1959, trang 194 
[4] Daisetz T. Suzuki, L’Essence du Bouddhisme, trang 80 (Cercle de Livre Paris 1955). 
[5] cf. Alain Bosquet, Whitman, trang 149 (NRF). 
[6] cf. Alan W. Watts, The Way of Zen, trang 190: zen has no goal, it is a traveling without point, with nowhere to go. To travel is to be alive, but to get somewhere is to be dead for as our own proverb says: “to travel is better than arrive”. 
[7] Jean - Paul Sartre, L’ Existentialisme est un humahisme, tr. 18 (Nagel, Paris, 1958). 
[8] Jean - Paul Sartre, L’ Existentialisme est un humahisme, tr. 18 (Nagel, Paris, 1958). 
[9] Jean - Paul Sartre, L’ Existentialisme est un humahisme, tr. 18 (Nagel, Paris, 1958). 
[10] Alan W. Watts: The way of Zen, trang 177 
[11] Saroyan: And for the past six months I have been separated from my writing, and I have been nothing Or I have been walking about unalive, some indistinct shadow in a nightmare of the universe
[12] cf. Maurice Blancnot: “Un livre vivant” trong Critique, tome IV, No. 22, pp, 105 - 205, Mars, 1948). 
[13] Saroyan: Babies are the only race of the earth, the race of man all the rest is pretense (“Seventy Thousand Assyrians”). 
[14] Restif de la Bretonne: “Il est peu de vos écrivains polis et de vos jolis versificateurs qui puissent vous appendre ce que je vous apprendrai. Lisez -moi avec courage, malgré mes details enfantins car ils sont nécessaires et vous verrez, après m’avoir lu, que vous saurez des choses don’t vous ne doutez pas”. (cf Maurice Blanchot: “Un livre vivant”, trong Critique, tr. IV No 22). 
[15] Saroyan: I am not out win the Pulitzer Prize or the Nobel Prize or any other prize. I am not out here in the Far West, in San Francisco in a small room on Carl Street writing a letter to common people telling in simple language things they already know. 
[16] D. T. Suzuki: “The sense of Zen” trong Zen Buddhism, edited by William Barret, p. 15 (Doubleday, N-Y, 1956) 
[17] Saroyan: Preface to the first edition of The Daring Young Man on the Flying Trapeze. (“My self upon the Earth”). 
Chương hai 
Ý thức giải phóng - Hình ảnh thanh niên thời đại trong tác phẩm của Henry Miller 
Chúng ta đã vượt qua giai đoạn thú vật, nhưng hiển nhiên chúng ta chưa là những con người 
thực sự. 
(Henry Miller, Dimanche après da guerre, tr. 33) 
Như vậy con người chính là siêu thể. 
(Heidegger, Qu’appelle-t-on penser, tr. 54) 
1. 
Phạm Công Thiện vừa lưỡng lự, vừa ngượng ngùng đưa cho tôi tập “Hình ảnh thanh niên thời đại trong tác phẩm Henry Miller”. Tôi đón nhận với một nụ cười. Ít hôm sau tôi mới đọc. Đọc rồi tôi có cảm giác đó là một di cảo. Tôi nóng lòng hỏi thăm về anh, và được tin anh vẫn bình thường, tôi mới tạm yên lòng. 
Tôi có cảm giác đó là một di cảo, hơn thế, di cảo của một người “điên” vì mắc bệnh nan y của những tâm hồn lớn trong thời suy loạn. Thiện mắc bệnh của Miller, của con người muốn là “một con heo” để tự giải thoát, của con người ý thức sự đê tiện, nhớp nhúa của mình tự căn để mà muốn dầm mình trong đó để công phá thế giới hiện tại, hầu đem lại một “cái gì khác hơn”. 
Cùng hội cùng thuyền với Miller, Thiện thấy sảng khoái vì gặp người đồng điệu. Thiện liều lĩnh nói lên những sầu tư trong tâm khảm của mình như để trút vợi nó ra cho những kẻ đồng điệu khác, chưa hẳn là hiếm trong đám thanh niên trí thức ở thời đại này. 
Tại sao Thiện nổi giận, muốn phá, muốn đốt hết cả? Chúng ta tự hỏi: những xây dựng tạo nên bằng khi gian manh của những kẻ thờ thần Mammon, bán luôn cả đến những sự linh thiêng nhất có đáng cho những ngọn lửa sinh, lửa diêm thành Sadome và Gomorrhe thăm viếng không? 
Có kẻ bảo Thiện là bi quan, là thác loạn, là kẻ phá hoại. Tôi tưởng không phải, kẻ phá hoại thật có thể rung động trước cử chỉ trao nón dưới trời mưa phũ phàng của ông thầu khoán nọ? Kẻ phá hoại thật có thể có ý nghĩ muốn cải tổ cuộc sống bằng “giao cảm”, bằng tình ngây thơ của trẻ con như Chúa Ki Tô phán: “Nếu các người không trở nên trẻ con, các người không thể vào được Thiên đàng”. 
Có lần gần đây, Thiện bảo tôi: “Tôi chưa tự tử, vì tôi còn đang đi tìm, tôi tự tử là tôi đã lựa chọn một thái độ rồi”. Câu ấy còn văng vẳng bên tai tôi. Hôm nay tôi bỗng chợt nhớ lại câu trong Phúc âm: “Hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gọi thì sẽ mở cho…” 
Và tôi lấy câu đó để chúc cho Thiện cùng cho những thanh niên như Thiện đang lang thang, lạc lõng trên phố nhân buổi xuân về… 
HOÀNG MINH TUYNH 
(Tạp chí Mai, số 37-38, xuân 1962) 
Tôi và ông Hoàng Minh Tuynh khác nhau như Thiên đàng và Địa ngục. Ông Hoàng Minh Tuynh không có gì khả dĩ là tương hợp với tôi cả. Nhưng một điều lạ là nếu tôi không gặp ông Hoàng Minh Tuynh thì có lẽ tôi không bao giờ viết quyển này. Hình như có những người sinh ra trên đời để làm đất cho cỏ mọc lên. 
2. Mở cửa bước ra ngoài đường phố. Mở mắt nhìn thiên hạ. Nhìn kỹ nét mặt từng người. Tôi khổ. Anh khổ. Nó khổ. Chúng ta khổ. Chúng bây khổ. Chúng nó khổ. Bao nhiêu đêm trằn trọc; tôi thao thức không ngủ được. Tôi rùng mình: mặt trăng thờ ơ lạnh lẽo như thế kia. Tôi khổ lắm, tôi muốn hét to lên; tim tôi thoi thóp. Đầu tôi bừng lửa. Tôi quay cuồng. Tôi đi quờ quạng chung quanh gian phòng nhỏ bé. Tôi nhìn mặt tôi ở kính: tôi trợn mắt, tôi chóng mặt. Tôi tắt đèn, vội lên giường nằm, rồi thở hổn hển, nhìn chòng 
Tôi không ngờ lúc hai mươi tuổi tôi phải khổ đau dữ dội như vậy. Hiện tại, tôi khổ vì người khác hơn là khổ vì tôi. Hồi trước tôi khổ vì nghĩ quá nhiều về mình. Bây giờ có lẽ tôi ít nghĩ về mình. Càng lớn lên tôi càng nổi loạn, càng yêu đời, càng thừa sức để cười mọi sự. Tất cả hạnh phúc đã nằm sẵn trong tôi, ý thức của tôi chỉ cần xê dịch một tí thì mọi sự xấu xa liền trở thành tốt đẹp.
chọc vào đêm tối. Tôi nằm lăn qua lăn lại: tôi lấy hai tay đập mạnh vào gối, vào nệm; hai dòng nước từ đâu lăn dài trên má; thế rồi bỗng nhiên tôi cảm thấy đầu óc nặng trĩu vơi đi phần nào; thế rồi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa từ đâu bay về thấp thoáng ở đầu gương: những hình ảnh của tôi ngày xưa, những nét mặt khác nhau lần lượt hiện ra, những nét mặt ngây thơ non dại, rồi những nét mặt lặng buồn, rồi những nét mặt sầu héo; tất cả đều là những nét mặt của tôi ngày xưa, những nét mặt ấy bỗng nhiên bước lui dần vào bóng tối, trở nên xa xôi quá đến nỗi tôi cảm thấy dường như đó là những nét mặt của những kẻ khác, những kẻ xa lạ mà tôi không còn quen biết nữa; giữa bao nhiêu kỷ niệm hình ảnh chập chùng ấy, một nhạc điệu buồn thuở nhỏ tôi thường hát bỗng vi vu hiện về trong tâm tưởng: rồi một góc phố vàng nắng lung linh hiện lại chập chờn: tim tôi đau nhói lên nhẹ nhàng và nước làm ướt cả mặt; trong một thoáng giây, cả một bi kịch bi thương của nỗi đời bỗng hiện ra, tôi thấy thương tôi, thương những kẻ khác, thương tất cả những người trên thế gian này. Cả một bài thơ buồn của dĩ vãng sống lại trước mắt tôi: ngày xưa… còn bé… cha mẹ thường đánh chửi nhau. Tuổi trẻ hồn nhiên bỡ ngỡ: 
Bây giờ cha mẹ tôi không còn đánh chửi nhau nữa, hai người rất nhường nhịn thương yêu nhau. Nhưng tại sao trễ thế? Phải chi hai người thương yêu nhau lúc tôi còn bé nhỏ thơ dại thì cuộc đời tôi bây giờ chắc chắn đã thay đổi khác hẳn hoàn toàn, nghĩa là hạnh phúc hơn, lạc quan hơn, ngây thơ hơn… 
Thiên đàng thiếu tình thương… Tôi sống như xa lạ trong gia đình, không ai thèm để ý đến, tôi trốn đi tắm sông, tôi trốn học, tôi chạy theo những đứa trẻ rong chơi ở đầu đường xó chợ… 
Đọc lại đoạn này, tôi thấy thương yêu tôi quá… Cả cuộc đời tôi chỉ là “rong chơi ở đầu đường xó chợ…” 
Lớn lên đi vào cuộc đời với đôi mắt thơ ngây… Rồi sống già nua - Mỹ tho, Sài gòn, Nha trang, Đà lạt… Đôi mắt bơ phờ lạc lõng giữa gió đời; tôi không còn là tôi nữa, mà là một kẻ khác: khô khan, già nua, chín chắn và mỗi chiều, thường bước đi lê thê giữa những đường phố âm u, đi mà không biết đi đâu, để cho sương mù lên mờ cả mắt, rồi bước lạnh lùng về phòng trọ, mở sách ra đọc và đọc cả giờ đồng hồ chỉ có một dòng chữ mà không hiểu gì cả, ngồi dậy tắt đèn rồi nằm ngủ để mộng mị đè trĩu nặng trên quả tim bệnh hoạn… 
Càng lớn tuổi tôi càng thấy mình trẻ lại, càng lúc càng trẻ lại. Tôi đi ngược trật tự thông thường: khi người ta trẻ thì tôi già, khi người ta già thì tôi trẻ. 
Sáng thức dậy, đầu óc mệt mỏi, vội vàng thẫn thờ liếc xem đồng hồ, hấp tấp chạy thay quần áo để đến trường, bước vào lớp lạnh lùng như bước vào căn nhà hoang trống, đảo mắt nhìn học trò như liếc nhìn những bức tượng, nhìn để mà nhìn rồi cầm phấn, giảng bài như máy tự động không ý thức, không hăng nồng; đôi khi nhìn mây trắng nắng vàng ngoài khung cửa kính để mà ý thức bước đi khốc liệt của thời gian, giờ phút trôi đi, ngày đi, tháng đi và tôi vẫn đứng đây, đứng thẫn thờ không hiểu mình đang làm gì, không hiểu mình sống làm gì, mình sẽ đi đâu… 
Tôi đứng đây? Không, tôi không còn là tôi nữa, chỉ còn một cái xác không hồn đứng đây. 
Mỗi ngày tôi phải chống lại một xác chết, một con ma, một thứ bệnh ung thư đang xâm chiếm tâm trí tôi và hủy hoại tôi còn khốc liệt hơn bất cứ một cơn bịnh nào khác. 
Yet every day of my life I was fighting a corpse, a ghost, a cancer that had taken possession of my mind and that ravaged me more than any bodily affection possible coud. (Henry Miller, a Devil in Paradise, tr. 94-95) 
Biết mình đang ở đâu, từ đâu đến, rồi đi về đâu, tôi ca ngợi những kẻ như thế (J’admirais chez les autres cet air de savoir ou l’on est, d’ou l’on vient ou l’on va) (Milosz). 
Những bài thơ của O. V. de Lubicz Milosz đã ảnh hưởng nhiều đến tôi trong tuổi hai mươi. Tâm trạng tôi dạo ấy giống như câu của Milosz: “Những người chết, những người chết thực ra ít chết hơn tôi”. 
Biết bao nhiêu lần tôi đi lang thang, không biết đi đâu và về đâu; tôi đi thơ thẩn trong rừng trong bụi. Hai tay ôm đầu, tôi bắt đầu cười nức nở, tôi cười tôi, rồi cười kẻ khác, rồi cười định mạng, rồi cười những làn sóng man rợ lăn tăn; bởi đầu óc tôi tràn đầy những làn sóng man rợ lăn tăn lên xuống… 
I took myself to the forest, alone, and when I had come to the usual halting place beside the pool, I sat down on a log, put my head in my hands and began to laugh. I laughed at myself, then at him, then at fate, then at the wild waves going up and down because my head was full of nothing but wild waves going up and down. (A Devil in Paradise, tr. 93) 
Bỗng nhiên tôi kinh ngạc nghe thấy mình cười và khóc, đầu cổ lắc lư, tay chân múa máy, miệng nói thì thào, bước đi nghiêng ngửa như người say rượu. 
To my astonishment I caught myself laughing and weeping, shaking my head from side to side, gesticulating, mumbling, lurching like a drunkard. (The Intimate Henry Miller, tr. 177) 
Tôi bước lê thê nghiêng ngửa. Tôi không biết bước đi về đâu; tôi bước bơ phờ giữa đường phố Đà lạt; gió lạnh lùng, sương chập chùng. Tôi phải tìm một bến để ghé vào… 
A place to go to, that’s the point. (The Intimate Henry Miller, tr. 106) Trong túi còn vài chục đồng, tôi men vào một phòng trà; ở đây rất im lặng, ít người lui tới, chỉ có một người bồi hiền lành đứng trông coi. Bên tách cà phê, tôi ngồi mơ màng nghe nhạc du dương. Mình sung sướng mà mình không biết, tôi tự nhủ thế. 
You poor bugger. You’re happy, only you don’t know it. (The Intimate Henry Miller, tr. 15) 
Sung sướng? Ừ sung sướng lắm. I love Paris. Histoire d’un Amour. Jamaica Farewell. Paris Revilsited. Bambino. Tristesse de Chopin… Ngồi uống rồi nghe nhạc. Ở Đà lạt chỉ có một quán này là mang không khí Paris; giờ phút này, tất cả đều vắng lặng, chỉ uống và nghe nhạc. Ngồi một mình một bóng, cuối nhà hàng vắng lặng và tự mình nói chuyện lê thê với mình… 
Un personnage abandonné, au bout du bar, se fait de longs discours. (Henry Miller, Souvenir Souvenirs, tr. 14) 
Cơ hồ như mục đích chính của đời là lãng quên… Tôi tự nhủ: “Đây là một nơi xinh xắn đấy một góc khổ ải. Mình sắp quên rằng mình là kẻ hoàn toàn cô độc và đau khổ” (Souvenir Souvenirs, tr. 14). 
Trở về phòng trọ, bước lên giường và cố gắng đọc sách. Tôi tự bắn vào đầu… Tôi muốn nói tôi tắt đèn… Và nằm duỗi ra suốt đêm không ngủ…
... Et restez étendu toute la nuit, sans dormir. (Henry Miller, Souvenir Souvenirs, tr. 14) 
Miller thân mến… tôi chỉ muốn nói chuyện với anh, tôi cần sự giúp đỡ tinh thần. Tôi sợ gian phòng ngủ của tôi, tôi sợ ngủ một mình. Tôi sợ cô độc… Tôi nhìn ra cửa sổ, mưa bụi đang nói chuyện với tôi mà buổi sáng không đến, dường như đêm không bao giờ dứt… 
Dear Miller … I want to talk to you… only moral help I need. I am afraid of my room I am afraid to sleep alone… It is just raining outside and I’m looking out of the window… the rain is talking to me but morning won’t come – it seems to me that night will never end. (The Intimate Henry Miller, tr. 119) 
Dường như đêm không bao giờ dứt. Hình ảnh xưa về trong khói cao. Nhớ nhung ướt đầy chăn gối. 
Nhớ lại “con đường của những ưu tư thuở ban đầu”. “La rue des premiers chagrins” (Souvenir Souvenirs, tr. 268). Nhớ lại tuổi mười sáu đau khổ bẽ bàng tê tái; trốn vào lòng với tiếng nghẹn bi thương: 
A seize ans, j’étais lamentablement morbide: je me repliais sur moi - même… (Souvenir Souvenirs, tr. 267) 
Nhớ lại buổi trùng phùng ở quê hương. Trên nẻo đường đời xơ xác, một hôm, tôi bồi hồi trở về quê hương… Về đó, khi tới đường phố, nhìn mấy căn nhà lầu sừng sững, tôi lạnh cả người; đó là hình ảnh bi đát của Phân Tán, từ lâu tôi đã sợ bước lại trong mấy căn nhà ấy. 
For years I had dreaded the very thought of walking into that house. (The Intimate Henry Miller, tr. 180) 
Đường phố ấy nắng vàng hiu hắt, trông buồn lạ lùng; những người ở hai bên dãy phố đều có vẻ hốc hác; họ chỉ biết đuổi theo tiền… Đối với tôi, dường như họ đang hấp hối vì thiếu sự nuôi dưỡng đầy đủ cho tâm hồn. 
Bước vào nhà, tôi bàng hoàng gặp lại cha mẹ. Tôi giựt mình: hai hình ảnh tiều tụy của đau khổ, hai biểu tượng bi đát của nỗi đời; chỉ mấy năm trời xa vắng, tôi đã thấy nhiều đổi thay chua xót trên hai gương mặt xanh xao; cha mẹ già đi rất nhiều… Và trong thoáng giây tê tái, tôi vội ôm ghì lấy bi kịch hãi hùng của đời sống, hai người, của đời sống tôi và của mọi con người trên trần gian nầy. 
They had aged terribly. For the space of a moment I had the uncomfortable sensation of gazing at two mummies who had been removed from the vault and galvanized into a semblance of life. We embraced one another fleeting moment during which I comprehended in a flash the appalling tragedy of their life and of my own life and of every animate creatures on earth. (The Intimate Henry Miller, tr. 185) Câu hỏi đầu tiên trên đôi môi xanh tím của mẹ tôi là: “Con có tiền không con?” Tôi đau khổ nín lặng… Bởi suốt đời, tôi chỉ là một thằng nghèo và không có đồng xu dính túi. 
I arrived… in practically the same condition in which I had left, that is, penniless. (The Intimate Henry Miller, tr. 155) 
Không có tiền, thế là hết. Mẹ tôi nhăn mặt và không buồn hỏi rằng con mình đi xa về thế nào, sức khoẻ thế nào, mặt sao xanh thế, người sao ốm thế, bệnh có bớt chưa… Không có tiền, thế là hết. Tôi nghẹt thở và nằm úp mặt xuống giường để rồi nghe mẹ than thở nức nở rằng mấy nhà lầu sắp bị đem bán đấu giá, mấy xe Huê kỳ sắp bị phát mãi, rằng hết tiền mua gạo, rằng ông ngoại hấp hối không có tiền mua thuốc, rằng chủ nợ đòi kiện thưa, rằng mấy em nhỏ đã thôi học vì không có tiền để đóng tiền trường, rằng cậu năm dì bảy bị tù oan ức, rằng rằng… Tôi vội chạy lên lầu thăm ông ngoại; ông cháu ôm nhau, ông chỉ còn là một bộ xương với da và nằm thở thoi thóp… Tôi muốn hét to lên… Tối đêm đó, tôi lại bơ phờ chứng kiến thêm cảnh gây cãi chửi nhau giữa mẹ và dì tư. Tôi rụng rời tê tái: từ nhỏ đến lớn, biết bao nhiêu lần tôi khóc vì hình ảnh phũ phàng chua xót như vậy: cha mẹ tôi đánh chửi nhau, mẹ tôi, các dì tôi… 
Sáng hôm sau, tôi liền lên đường, trốn khỏi nhà, trốn khỏi hỏa ngục tuổi thơ… Và trên đường đi, tôi để hai dòng lệ tuôn chảy thoải mái, tôi khóc nức nở lúc lên đường… 
I embraced them in turn rapidly and fled out of the house. In the street I allowed the tear to flow freely I sobbed and wept unrestrainedly all the way to the elevated station. (The Intimate Henry Miller, tr. 174) 
Cả sự nghiệp tiêu tan đi, tôi không bao giờ buồn một chút. Nhưng đừng bao giờ để tình yêu tàn tạ trên cõi đời này. Tại sao lại là tiền? Tiền. Tiền. Tiền. Tôi đau buồn và phẫn nộ vô cùng. I felt wretched and exasperated. (The Intimate Henry Miller, tr. 173) 
Tôi thấy thương hại loài người, thương hại thế giới hấp hối này. Tôi điên, anh điên, chị điên, cả nhân loại đều điên. Đây là một thế giới điên. It is a mad world. (Henry Miller, The Colossus of Maroussi, tr. 130) 
Tôi thối nát. Gia đình thối nát. Xã hội thối nát. Từ đỉnh tới đáy, tất cả mọi người đều lo âu, bất mãn, đố kị và đau bệnh trong lòng. Tất cả đều bị bệnh ung thư và bệnh hủi trong tâm hồn. Kẻ ngu si nhất và đồi bại nhất cũng sẽ bị đòi mang súng và tranh đấu cho một nền văn minh mà chỉ đem đến cho họ toàn khổ sở và suy đồi. 
But all of them, from the top to the bottom, are restless, dissatisfied envious and sick at heart. All of them suffer from cancer and leprosy in their souls. The most ignorant and degenerate of them will be asked to shoulder a gun and fight for a civilization which has brought them nothing but misery and degradation. (The Colossus of Maroussi, tr. 130) 
Văn minh. Tiền. Tiền. Tiền. Tiến bộ, Tiến bộ để đưa con người đến bàn mổ, đến nhà tế bần, đến nhà thương điên, đến chiến hào. 
We are making constant progress, but it is a progress which leads to the operating table, to the poorhouse, to the insane asyium, to the trencher. (The Colossus of Maroussi, tr. 81) 
Máy bay gieo sự chết, máy phát thanh gieo sự chết, súng máy gieo sự chết, đồ hộp gieo sự chết, trường học gieo sự chết, những luật pháp gieo sự chết, bộ ống thông hơi gieo sự chết, hình ảnh gieo sự chết, dao nĩa gieo sự chết, chính hơi thở của ta gieo sự chết, chính ngôn ngữ của ta, chính tư tưởng của ta, tiền của ta, tình yêu ta, lòng bác ái của ta, sự vệ sinh của ta, niềm vui của ta. Có hề gì đâu nếu ta là bạn hay là thù, có hề gì đâu nếu gọi ta là Nhật, Thổ, Nga, Pháp, Anh, Đức hay Mỹ, mỗi khi ta đi đâu, nơi nào mà in bóng, nơi nào ta thở thì ta đem đến thuốc độc và sự hủy hoại… Hoan hô văn minh; hoan hô! Chúng tôi sẽ giết chết tất cả các anh, tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, ở khắp hoàn cầu. Hoan hô thần Chết! Hoan hô! 
The aeroplane brings death, the radio brings death, the machine-gun brings death, the tinned goods brings death, the tractor brings death, the priest brings death, the schools brings death, the law brings death, the electricity brings death, the phonograph brings death, the knives and forks brings death, the books brings death, our very breath brings death, our very language, our very thought, our money, our love, our charity, our sanitation, our joy. No matter whether we are friends or enemies, no matter whether we call ourselves Jap, Turk, Russian, French, English, German, or American, wherever we go, wherever we cast our shadow, wherever we breathe, wherever we poison and destroy. Hooray for civilization! Hooray! We will kill you all, everybody. Hooray for Death! Hooray! Horray! (The Colossus of Maroussi, tr. 130 - 131) 
Hằng ngày vào lớp dạy học sinh, tôi tự hào rằng tôi khôn, tôi giỏi, tôi giàu kinh nghiệm, tôi bắt buộc các em nhỏ phải làm thế này, thế kia…thật sự tôi quá hư hỏng, tất cả mọi người quá hư hỏng, trường học hư hỏng, giáo dục hư hỏng bởi vì chính quả tim của cuộc đời bị nhiễm độc Because the very core of life is contaminated. (The Intimate H. Miller, tr. 71) 
Vừa mở mắt chào đời, chiến tranh bùng nổ tứ phía, lớn lên chơi vơi giữa ngã tư cuộc đời, nhìn lại đằng sau là một đống gạch vụn, nhìn đằng trước là âm u đe dọa, nhìn dưới chân là tro tàn, là điêu đứng, tan tóc, phân tán, đổ vỡ; đi vào cuộc đời với con tim bệnh hoạn và bộ thần kinh hư hỏng, bao nhiêu bất công cuồng loạn hiện ra trước đôi mắt mệt mỏi, bao nhiêu giá trị rách nát từng mảnh, đầu óc tôi rỗng tuếch và đê tiện không chứa một tư tưởng cao siêu trong đầu; tính từ “cao siêu” biến thành vô nghĩa, tôi sống dật dờ như một bóng ma; sáng chiều lê bước đến trường dạy học rồi bơ phờ thất thểu lê la trên đường phố u buồn, con tim đã trở thành lạnh như đá, tôi ngơ ngác không hiểu gì cả, nhiều khi tôi muốn tự tử một cách bình tĩnh không bồng bột, tự tử trong khi rất sáng suốt, bởi vì tôi muốn tìm lại tôi giữa sự vắng mặt bi đát này. 
Đánh mất tôi đi thì mọi sự sẽ trở lại giữa sự có mặt thơ mộng của ngày tháng… 
Tất cả đều rỗng tuếch và vô vị. Ngõ cụt. Khoảng trống không. Hư vô vĩ đại. C’est une impasse, le vide, un parfait néant. (Souvenir Souvenirs, tr. 89) 
Không có cuộc đời trên đường phố, không có cuộc đời trong gia đình, không có cuộc đời gì cả. Làm việc xong rồi ta trở về nhà, ăn láo nháo, vừa đọc báo vừa nghe radio vừa ngủ, để rồi sáng mai, vội vã đi làm việc, mai một chôn mình trong xưởng, trong sở, trong hiệu buôn. Ta không bao giờ tìm được ta. Luôn luôn vắng mặt, LUÔN LUÔN VẮNG MẶT. Il n’y a pas de vie la rue, pas de vie au foyer, pas de vie d’ aucune sorte. Les hommes se précipitent à la maison au retour du travail, avaient goulument leur nourriture, s’ en dorment sur le journal ou en écoutant la radio, et puis c’ est le matin, le départ à la hâte pour le travail, enterrés perdus dans une usine, une fabrique, une boutique. Il ne sont jamais là ou vous les les cherchez. Toujours absent. (Souvenir Souvenirs, tr. 89) 
Cuộc đời chỉ vây phủ đầy sự trống không. 
Rien que le vide partout… (Souvenir Souvenirs, tr. 95) 
Sống như vậy, Nietzsche phải điên. Gérard de Nerval phải điên. Strindberg phải điên. Ezra Pound phải điên. Van Gogh phải điên. Antonin Artaud phải điên. Hoelderlin phải điên, anh phải điên, tất cả chúng ta đều phải điên mất. Tôi như đứa trẻ trần truồng bị bỏ rơi trong sa mạc. Sau cùng tôi phải điên hoặc là tôi làm hòa với đời. 
One becomes like a naked infant abandoned in the wilderness. Finally one runs amok or one conforms. (The Intimate Henry Miller, tr. 129) Phải chọn, chỉ có hai đường, chỉ có hai lối, chỉ có hai bến sông. 
Tôi u mê, ngu si, yếu đuối, không tư tưởng, không quá khứ, không tương lai. Ngay đến hiện tại cũng không có, tất cả đều vĩnh viễn và nặng nề. Nặng trĩu. Mặt trời. Mặt trăng. Sự cô độc của tôi. Đêm. Khoảng vàng. Sương mù. Rừng. Nước… và không gì cả. 
J’ étais abruti, idiot, sans pensée veule. Sans pensée, sans futur, Méme le présent n’existait pas… Tout était éternel et présent. Lourd. Le soleil. La lune. Ma solitude. La nuit. L’ etendue jaune. Les brouillards. Le forêt. L’ eau… Et rien. Merde! (Blaise Cendrars, Moravagine, tr. 173) 
Tất cả chúng ta đều bị đóng đinh vào thập tự giá. 
Nous sommes tous crucifiés, que nous le sachions ou non. (Souvenir Souvenirs, tr. 164) 
Vừa mới bỡ ngỡ ngước mắt nhìn trời ta đã bị đâm bởi ngàn lưỡi kiếm. 
A peine avons - nous le temps d’ ouvrir et de lever les yeux vers le ciel que nous sommes poignardés de mille épées. (Op. cit. tr. 151) 
Tôi chắp tay quỳ lạy trời, lạy quỷ, lạy người để xin ăn mày một chút thanh bình trong lòng; chỉ có thế thôi mà suốt đời cho đến lúc mắt đã mờ, cho đến hơi thở đã tàn, thế mà tôi cũng không được một chút thanh bình ấy. Tôi xin van lạy để tôi yên một chút. Để tôi yên một chút. ĐỂ TÔI YÊN MỘT CHÚT, CHO TÔI MỘT CHÚT THANH BÌNH, CHO TÔI MỘT CHÚT THANH BÌNH! 
Không thể bao giờ có được Thanh Bình. Càng sống càng mất thanh bình. Thanh Bình chỉ có trong sự chết. Tôi không còn ăn mày thanh bình nữa. Cuộc đời là một sự náo động liên tục, ồn ào liên tục. Tôi phải động đậy, bất an, ồn ào. Tôi phải gây hấn với cuộc đời, không thế thì tôi sẽ bị chìm mất trong cơn thịnh nộ của âm thanh. Kinh Hoa Nghiêm dạy tôi phải chấp nhận âm thanh, kiên nhẫn chấp nhận âm thanh (âm thanh nhẫn). Kinh Lăng Già nói đến “âm hưởng nhẫn” (Ghoshànugakshánti)! 
Không ai nghe tôi cả. Chúa không nghe. Mahomet không nghe. Phật không nghe. Không ai cả. Vox clamantis… 
Phải sống ngay với tinh thần “vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả” của kinh Kim Cang. 
Trong nét mặt của từng người chúng ta đều trông giống như một quyển Thánh kinh sống mà từng trang giấy in lên sự đau khổ, sự khốn cùng, sự bi thống, sự dày vò, sự hấp hối, sự tuyệt vọng, sự chiến bại của nòi giống con người… 
Like a human Bible on every page of which is stamped the suffering, the misery, the woe, the torture, the anguish, the despair, the defeat of the human race. (The Intimate Henry Miller, tr. 101) 
Đó là sự khởi đầu của chu kì đen. Màu sắc xám xịt. 
C’ est le commencement du cycle noir. La couleur est grise… (Souvenir Souvenirs, tr. 92) 
Cả thế giới văn minh đều thối tha và sắp tan rã. 
Tout le monde civilisé d’ un bout du globe à l’ autre, est pourri et doit se désagréger un jour ou l’autre. (Souvenir Souvenirs, tr. 129) 
Tôi di động trong thời gian giữa những mảnh vụn của thế giới lịm chết, tạo ra những dụng cụ để tự tiêu diệt, hững hờ với vận mạng hay định mạng, không hề được một giây phút an bình trong tâm hồn, không hề được một chút đức tin giữa cuộc đời điêu đứng… 
We move in clock time amidst the debris of vanished worlds inventing the instruments of our own destruction, oblivious of fate or destiny, knowing never a moment of peace, possessing not an ounce of faith… (The Colossus of Maroussi, tr. 199) 
Cả thế giới đang lịm chết. Những quyển sách của tôi sẽ không thể nào viết với giọng điệu như thế nếu tôi không hoàn toàn tin rằng mạt kỳ của thế giới đã gần sát bên. 
Je n’aurais jamais pu écrire le genre de livres que j’écrivais si je n’avais pas pleinement convaincu de la proximité de la fin. (Souvenir Souvenirs, tr. 127 
Tôi bắt đầu văn nghiệp với ý định kể lại sự thực về tôi. 
I began my writing career with the intention of telling the truth about myself. (The Intimate H. Miller, tr. 136) 
“Và đây hỡi các ngươi, đây là sự thực huyền diệu thứ nhất, đây là đệ nhất thánh đế; thánh đế về sự đau khổ”. (Kinh Mahàvagga) 
“Làm sao mà ta có thể vui được, làm sao mà ta có thể đắm chìm trong lạc thú được? Những ngọn lửa đốt cháy thiên thu. Bóng tối vây phủ, ta không muốn tìm ánh sáng sao?” (Kinh Dhammapada, tr. 146) 
”Toàn thế giới bốc lửa ngùn ngụt, toàn thế giới vây phủ màn khói, toàn thế giới bị ngọn lửa thiêu đốt, toàn thế giới rung chuyển…” (Kinh Samyutta Nikâya I, tr. 133) 
Chìm tận đáy tuyệt vọng, đi sâu vào hố thẳm âm u, rồi một thoáng giây giao tình nào đó, một ngọn lửa để sẽ phựt cháy nơi cõi lòng ta, rồi từ đó mà mà ánh sáng chiếu rực ngời lên, chiếu sáng cả vũ trụ… 
Câu này đã soi rọi đường tôi đi trong mười năm nay. Trong đời sống ồn ào này, thường thường đều có một câu kín đáo nằm trong sự im lặng nào đó, trong xó xỉnh nào đó, thế mà chính nó tác động như cơn lốc thổi lùa đời mình đi về một phương hướng nhất định… 
Một đêm tôi tuyệt vọng đến cùng cực, ý nghĩ tự tử vi vu trong đầu óc tôi… Tôi ôm đầu không hiểu gì cả. Trời mưa lênh láng, tôi bước đi khơi vơi như điên dại; thành phố Đà lạt lúc bấy giờ tối đen như ma quái, tôi đi mênh mang, mưa rơi ướt hết cả đầu tóc rối mà tôi cũng không hề biết, không hiểu sao lúc bấy giờ tôi lại có mặc áo mưa; còn đầu thì để trần; tôi đi hằng giờ lảo đảo ngoài mưa gió; đầu óc tôi bừng lửa; tôi không hiểu gì cả ý nghĩ tự tử thánh thót vi vu theo tiếng mưa rơi trên vệ đường… Khi bơ phờ xuống lưng chừng đồi, tôi hoảng hốt đứng lại… Từ trong đêm tối, bỗng vọng ra một tiếng nói dịu dàng: “Ông hãy lấy nón của tôi ra mà đội”. Tôi ngạc nhiên trừng mắt ra nhìn. Ông cụ thầu khoán ở chung nhà trọ; hồi mới dọn lại phòng ở phòng trọ đến nay chỉ mới được vài tháng, tôi chỉ gặp cụ đôi lần trong nhà và cũng chẳng bao giờ để ý đến cụ. Cụ có chết đi, tôi cũng không hề biết và cũng không hề để ý. 
Thế mà hôm nay, giữa đêm mưa gió phũ phàng của lòng tôi, giọng nói cụ bỗng gây bàng hoàng kinh ngạc… Bao nhiêu nỗi khắc khoải xao xuyến biến đâu mất, nỗi tuyệt vọng khôn cùng cũng tan mất theo, một ngọn lửa nồng nàn phựt cháy trong lòng tôi… Hốt nhiên, tôi tìm lại con người tôi, hốt nhiên, đôi mắt tôi ngời sáng lên; bỗng nhiên, tôi cảm thấy sung sướng hạnh phúc; tôi thấy vũ trụ loài người không còn chống lại tôi nữa, rằng nhân loại vẫn tốt, rằng đời chưa hẳn tuyệt vọng, rằng tôi đang ở giữa loài người, loài người thực sự, con người nói chung ngôn ngữ với tôi. 
I knew I was once again with human beings who spoke my language. (The Intimate H. Miller, tr. 93) 
Tôi từ chối nhưng cụ vẫn không chịu, cụ cứ nài nỉ tôi phải lấy nón của cụ mà đội, kẻo mưa ướt đầu… Cụ dở nón ra, đưa tôi và tôi run run cầm lấy mà đội đầu… Cụ cười và bước đi. Tôi cười và bước đi. Tôi có cảm tưởng vừa mới được đội mũ triều thiên… bước chân thoăn thoắt xuống đồi, tôi ca hát véo von như chim non buổi sáng… Tuyệt vọng? Không, không, không có gì tuyệt vọng cả, con người còn có thể ngước nhìn ánh sáng… nếu một chút giao cảm (và tình người) còn rớt lại trên trần gian này. 
But hopeless - that I can’t swallow. No, nobody is hopeless, not so long as there is a little sympathy and friendship left in the world. (The Intimate H. Miller, tr. 130) 
Nón cối rộng, phủ xuống gần mắt tôi. Lần đầu tiên, tôi đội nón và hãnh diện vì đội nón. Cả đời tôi chỉ đội một lần như thế. Việc ấy tự nhiên đến nỗi làm mắt tôi rưng rưng… Hai giọt nước trên má. 
Tôi cảm thấy bình an trong thế giới loài người. 
In fact it sounded so good and natural that it brought tears to my eyes… I distinctly remember two big tears rolling down my cheeks and falling on to my hands. I felt safe again among human beings. (Henry Miller, Nights of Love and laughter, tr. 73) 
Trời tạnh mưa. Đà lạt ngân lên những âm thanh du dương bất diệt. Nhạc của thông. Nhạc của cỏ. Nhạc của hoa, của lá, của chim, của gió, của sa mù huyền diệu… 
Bước chân tôi chảy lênh láng trên cỏ non, tôi bay lênh đênh theo gió… Tôi đến gõ cửa nhà thằng bạn, hắn mở tung cửa ra như đóa hoa bừng nở. Chúng tôi kéo nhau vào nhà, đóng cửa lại và ngồi nói chuyện. Chúng tôi nói đến Paris, nói đến Thonon-les-Bains, đến những bistro ở Montmartre, đến cuộc đời, đến lãng tử, đến con người, sex, Pamplona, whore, hobo…masturbation, limbo. Đà lạt, Thiên đàng, caca pipi, nghệ thuật, tự điển Webster, vân vân… Chúng tôi bàn đến nhan đề của những quyển tiểu thuyết chúng tôi sẽ viết sau này, nào Hobo’s life hoặc Broken Home… Nhưng tựu trung tất cả câu chuyện của chúng tôi đều trở về Henry Miller, nhưng hắn là người đã hiểu Henry Miller nhiều nhất. Suốt ngày gặp nhau là chúng tôi nhắc đến Henry Miller như nhắc tên một người bạn gần gũi nhất… Nói chuyện đã rồi, chúng tôi ca hát như hai thằng điên, rồi ôm nhau cười sặc sụa. 
We laughed every day and we laughed long and hard. (The Intimate H. Miller, tr. 16) 
Cười vang cả nhà, rồi chúng tôi dẫn nhau ra đi lang thang các đường phố ở Đà lạt. Khuya. Gió lạnh. Hắn nhớ Paris. Đường phố Đà lạt lúc bấy giờ vắng lặng ít thấy bóng người. Hắn nhắc lại những năm trời chết đói ở Bordeaux. Chúng tôi cười vang lên, cả phố Đà lạt im lặng, một thứ im lặng mênh mang của Thiên đàng, của Mộng, của Thơ. Bóng dáng khênh vênh của hai đứa tôi in dài xuống vệ đường rồi lan rộng ra khắp trái đất. Chúng tôi cười. Chúng tôi không hề để ý đến vận mạng của thế giới, bởi vì cả hai đều quả quyết thế giới sắp gần đến hơi thở cuối cùng, chúng tôi không hề đọc báo, mấy danh từ chính trị đối với chúng tôi như rơm, như pipi caca. Chúng tôi ghét chính trị như ghét chó ghẻ. Nhân loại cứ giết nhau đi, khói lửa cứ tơi bời đi, chúng tôi vẫn tươi cười sung sướng, vẫn luôn luôn sống ngoài vòng… Continuellement en marge. (Souvenir Souvenirs, tr. 290) 
Dẫn nhau đi lang thang cho mãi đến khuya, chúng tôi mới chia tay nhau. Mỗi người trở về phòng trọ riêng để hưởng nốt niềm cô tịch vô biên của vũ trụ nồng nàn… Trên đường về, từng bước chân tôi vang lên sỏi đá và gợi lại từng khoảng đời tôi, từ thơ ngây bé nhỏ đến ngày nay, những ngày quá khứ đều đen tối thê thảm, thế mà bao nhiêu biến cố ấy, những biến cố hun đúc cuộc đời tôi bỗng nhiên trở thành quyến rũ đặc biệt, bỗng nhiên tôi cảm thấy say nồng hăng hái lên, rồi cười, nói, khóc, nghiêng ngả như say rượu. Tôi cảm thấy như sống lại… chỉ được sống thôi đã là tuyệt diệu rồi - chỉ có thế và không gì hơn nữa. Tuyệt diệu được sống, được nhớ lại bao nhiêu chuyện xa xưa… 
I was alive again, that’ s what it was… It was marvellous to be alive - just that and nothing more marvellous to have lived to remember so much. (The Intimate H. Miller, tr. 177) 
Bao nhiêu lần tôi sắp tự tử. Bây giờ tôi mới thấy tôi dại. Trời là. Thế giới là. Con người là. Chúng tôi là. Tôi là. 
God is. The world is. Man is. We are. (Henry Miller, A Devil in Paradise, tr. 55) 
Tôi nghĩ thế nào thì tôi thế ấy. Nếu có gì không thuận gió trong lòng anh đó là tại anh nghĩ không thuận gió. 
What one thinks, one is, if there’s something wrong with you it’ s because your thinking is wrong. (A Devil in Paradise, tr. 92) 
Thế giới không có gì sai nhịp. (A Devil in Paradise, tr. 90) 
Tôi phải tự than trách mình chứ đừng than trách ai cả. 
Từ đây tôi có bệnh loạn thần kinh, tôi có khắc khoải, có xao xuyến trước cuộc đời; đó là tại tôi, tại tôi không mở mắt ra mà nhìn vào lòng mình. Chính mình tự tạo ra bóng ma hãi hùng: chính tôi đã giết đời tôi; đến lúc hấp hối tôi chạy loanh quanh lẩn quẩn để tìm kẻ cứu tôi, nhưng thật sự không có ai có thể cứu tôi được, ngay đến Phật, đến Chúa, đến Mahomet: chỉ có tôi là mới có thể cứu tôi được, chỉ có tôi mới là kẻ thù của tôi, muốn tìm giải thoát, muốn tìm thanh bình cho cõi lòng; chính tôi, phải tự tìm cho tôi; tôi có thể tìm được nếu tôi có đủ đức tin nơi tôi, nếu tôi tự tin… 
I blame nobody but myself for my woe and afflictions… 
Nobody can help you, but yourself… It depends greatly on you on whether you want to be helped or not. You could cure yourself, I believe, if you had enough faith in yourself. 
Nobody has ever been cured on anything who did no want to be cured. (A Devil in Paradise, tr. 55, 90, 91, 93) 
Chính tôi hãy tự nỗ lực để giải thoát mình. 
Nul ne peut être sauvé ou guéri que par ses propres efforts. Le seul reméde, c’ est la foi. Henry Miller, Big Sur et les oranges de Jérome Bosch, tr. 394) 
Sự giải quyết vấn đề chỉ hoàn toàn tùy vào riêng tôi mà thôi. 
De plus en plus clairement, je vois que la solution dépend tout entière de moi seul. C’ est moi qui dois changer, c’est moi qui dois faire preuve de plus de confiance, de plus de foi en la vie elle - même. (Big Sur et les oranges de Jérome Borch, tr. 397) 
Tối hôm đó, tôi không thể về phòng trọ để ngủ mà đi lang thang khắp Đà lạt; lần này tôi đi man mác bồng bềnh như đám mây trôi chứ không đi trong điên loạn nghiêng ngửa như ngày xưa, tôi cảm thấy tôi là tôi chứ không còn là một xác không hồn, tôi thấy tôi đi giữa thế giới loài người chứ không còn đi giữa thế giới ma quái; đứng trên đồi cao, giữa đêm khuya tĩnh mịch, tôi dang hai tay ra như một tên tiên tri, bóng tối in hằn trên bầu trời, lớn dần lớn dần, lan ra khắp vũ trụ, tôi bay lượn trên trần gian và nhìn nhân thế với nụ cười thanh bình, đôi mắt chan chứa và lòng thiết tha lên tiếng chúc vi vu: “Bình an cho tất cả mọi người thành tâm ở trần thế”. 

3. 
Trời bắt đầu sáng. Đứng trên đồi cao, tôi dần hóa thân theo ánh mặt trời. Tôi trở thành tôi ngày xưa, trẻ lại khoảng mười năm. Tôi biến hình thành trẻ con, chứ không còn người lớn nữa. Tôi đưa mắt bỡ ngỡ ngó nhìn bầu trời, ngó nhìn cảnh vật chung quanh tôi với đôi mắt ngạc nhiên lạ lùng; tất cả mọi vật đều xuất hiện trước mắt tôi như là mới xuất hiện lần đầu tiên, tôi chăm chú nhìn sung sướng, tôi nhìn cục đá, tôi nhìn con kiến, tôi nhìn lá khô, tôi nhìn ngọn cỏ, nhìn thân cây, nhìn dòng nước đục ngầu chảy trong rãnh, trong mương… Tôi cười reo, tay vẫy sung sướng như đôi cánh con bươm bướm. Tôi chạy tung tăng nô đùa bắt mấy cánh chuồn chuồn, tôi ngồi xuống hí hoáy tìm bắt mấy con ve. Tôi cười vang động cả một góc trời, từ đây tôi không thuộc vào hàng người lớn chín chắn, kinh nghiệm; tôi thuộc vào một loại khác, loại trẻ con, “loài con nít”. Chúng tôi là Arthur Rimbaud, là Raymond Radiguet, Anne Frank, James Dean, Vương Bột… Chúng tôi mãi mãi chiến đấu chết sống với thế giới của người lớn, một thế giới ma quái, một thế giới điêu tàn, một thế giới điên loạn. 
Thế giới này thuộc về tuổi trẻ, chứ không phải của những kẻ già nua kinh nghiệm. 
C’ est aux jeunes qu’appartient le monde, pas aux vieux. (Henry Miller, Big Sur et les oranges de Jérome Bosch) 
Người lớn làm cho con người quá phức tạp, phức tạp đến nỗi đưa đến tang thương như ngày này… Tôi hãy giản dị hóa cuộc đời. 
To simplify things… (A Devil in Paradise, tr. 55) Simplifier sa vie! Cela parait la chose du monde la plus facile à entreprendre, et pourtant rien n’ est plus difficile. Il y a tout a faire. Absolument tout… (Henry Miller, Big Sur, tr. 366. 377) 
Sống ở đời không phải là một điều mệt mỏi mà là một sự tiêu khiển vui chơi với điều kiện là ta phải sống trong giản dị và khôn ngoan (Thoureau). 
Tôi phải chống đối lại tất cả những gì thuộc về người lớn. Tôi ghét tất cả những gì mà người lớn thích; bởi vì chính tất cả những gì họ thích, chính tất cả những thứ đó đã làm cuộc đời này trở nên bơ phờ điêu đứng. Trước hết là danh từ xã hội. Họ dạy chúng tôi phải phụng sự xã hội, phải làm tròn bổn phận đối với xã hội, phải phải… với xã hội. Không, không, chúng tôi là Arthur Rimbaud, là Henry Miller, là Anne Frank… 
Chúng tôi không phụng sự gì cả, chúng tôi không phụng sự xã hội của người lớn; chúng tôi chỉ phụng sự xã hội của con người thực sự; chứ không phụng sự xã hội của con người ma. Tất cả những xã hội của con người ở trên trần gian này đều thối nát; bởi thế chúng tôi không phụng sự gì, chúng tôi sống ngoài lề… Rất vinh dự mà bỏ mình vì một lý tưởng, nhưng những kẻ đã chết đi rồi thì không thành tựu được gì cả. 
It is glorious to offer one’s life for a cause, but dead men accomplish nothing. (Henry Miller, The Colossus of Maroussi, tr. 86) 
Thay vì hiến dâng cuộc sống của tôi, cuộc đời hỏi tôi dâng một cái gì khác hơn, như tâm linh, tâm hồn, thông minh, thiện chí… 
Đứng bên cạnh danh từ xã hội là danh từ Tiền. Người ta thờ lạy đồng tiền, sùng kính đồng tiền hơn cả Chúa, cả Phật… Bước ra đường phố ở Sài gòn, đảo mắt nhìn chung quanh, tôi đều thấy mọi người bước đi hấp tấp vội vã, mắt họ thường đảo liếc nhìn đồng hồ, họ bước chạy làm sao cho kịp chuyến ô tô buýt hoặc taxi để đến công tư sở, họ chạy không kịp thở, vẻ mặt hốc hác, tất cả mọi người ở Sài gòn đều chạy theo tiền, chạy từ 7 giờ sáng đến khuya, họ chạy mãi mà đuổi cũng không được, sau cùng, gần hấp hối, họ mới biết rằng mình chỉ đuổi theo sự Chết… Tiền đưa đến chết… Chỉ có người lớn là mê tiền… Còn chúng tôi là những đứa con nít, chúng tôi không cần biết đến tiền, chúng tôi ghét tiền; chúng tôi không bao giờ giàu, nhưng chúng tôi sung sướng nhất trần gian. 
I am crazy enough to believe that the happiest man on earth is the man with the fewest needs. (Henry Miller, The Colossus of Maroussi, tr. 136) Sự nghèo nàn không thể làm ta khốn khổ. Tôi có thể nói như vậy bởi vì tôi đã nghèo suốt đời tôi… 
I can say it because I’ve been poor all my life. (The Colossus of Maroussi, tr. 136) 
Về tinh thần tôi là một kẻ triệu phú. 
In spirit I’m millionaire. (The Colossus of Maroussi, tr. 136) 
Thà làm một người Hi lạp nghèo nàn hơn là làm một chàng triệu phú Mỹ: 
I would a thousand times rather be that poor Greek than an American millionaire. (The Colossus of Maroussi, tr. 53) 
Thế là làm ăn mày ở Đà lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài gòn. Làm ăn mày ở Ba lê còn hơn là triệu phú ở Nữu ước: 
Better a beggar in Paris than a millionaire in New York. (Night of Love and Laughter, tr. 69) 
Những danh từ thiêng liêng (như Tiến Bộ, Xã Hội, Văn Minh, Bổn Phận, Ái Quốc, Thành Công, Hiệu Năng, Cơ Giới, vân vân). Không có ý nghĩa gì với tôi, những danh từ này đã làm dòng nước trong trẻo của đời trở thành đục ngầu hôi thúi… Tiến Bộ để đưa đến chết. Văn Minh để đưa đến chết; tất cả danh từ này đã đưa nhân loại xuống hố. (The Colossus of Maroussi, tr. 8, 54, 79, 81, 98, 130, 131, 149, 139, 145). Tôi không cần những danh từ thối tha trên, tôi chỉ cần một hơi thở của đời, một chút giao cảm giữa con người, một chút giúp đỡ tinh thần. (The Intimate Henry Miller, tr. 119). 
Tôi chỉ cần hạnh phúc và thanh bình cô đơn và thư nhàn: 
We need peace and solitude and idleness. (The Colossus of Maroussi, tr. 46) 
Tôi chỉ cần cái siết tay ấm áp, ánh sáng rực ngời trong đôi mắt, chùm nho mà tôi ngấu nghiến chung nhau, cái ly mà chúng tôi nâng lên một để ghi tình bạn thắm thiết: 
The important thing was the warm handclasp,the light in the eyes, the grapes which we devoured in common, the glass we raised to our lips in sign of friendship. (The Colossus of Maroussi, tr. 44) 
Tôi chỉ cần mặt trời, sự trần truồng và ánh sáng: 
J’ aime le soleil, la nudité, la lumière. (The Colossus of Maroussi, tr. 140) 
Tôi ghét lý luận, tôi ghét trí tuệ, trí năng, lý trí (A Devil in Paradise, tr. 51, 55; The Colossus of Maroussi, tr. 8). 
Tôi thích mâu thuẫn, tôi thích chơn lý, tôi thích khía cạnh thi vị của mọi vật (A Devil in Paradise, tr. 53, 50) 
Hai dòng thơ còn nói nhiều, chứa đựng nhiều hơn cả một quyển sách kềnh càng của học giả. 
Two lines of poetry often tell us more, give us more than the weightiest tome by an erudite. (A Devil in Paradise, tr. 58) 
Tôi thích phản đối, công phẫn, nổi loạn chống lại tất cả, kể cả cá nhân mình; để mà giản dị hóa mọi sự trên đời. 
Mỗi cá nhân phải phản kháng lại một lối sống nào mà không phải của chính mình; ta phải ném bỏ những ý niệm tiền định của ta về phải và trái, về tốt và xấu; về công bình và bất công… 
Tôi phải tự giải thoát khỏi cái nhìn chật hẹp, bưng bít của tôi trước cuộc đời (The Colossus of Maroussi, tr. 86) Tôi phải tra vấn nhìn lại mọi sự vật: 
One begins to question everything. (The Intimate Henry Miller, tr. 129) Phải mở tung cửa ra, cho ánh sáng tuôn vào, đừng bưng bít gì cả. Tôi muốn sống một thế giới mà: 
Je veux un monde où le vagin soit représenté par une fenêtre, honnête et toute nue, un monde qui sente le contour des os, les couleurs crues et fondamentales, un monde qui ait de la crainte et du respect pour ses origines animales; j’ ai la nausée de regarder des cons tout mignards, déguisés, déformés idéalises… (Xin miễn dịch). (Henry Miller, Printemps Noir, tr. 61) 
Đốt. Đốt. Đốt hết tất cả những quyển sách ở thế giới. Đốt Dostoievsky, đốt Hemingway, đốt Nietzche, đốt Spengier, đốt Shakespeare, Erich Maria Remarque, Apollinaire, Jean-Paul Sartre, Kierkegaard, Camus, Simone Weil, Sophocle, Thoreau, Thánh kinh, Eschyle, Kafka, Milosz, Céline, Blaise Cendrars, Hermann Hesses, Faulkner, J. D. Salinger, D.H. Lawrence, Knut Hamsun, Keyserling, Tagore, Antonin Artaud, Capote, Whitman, Giono, Francis Carco, Élie Faure, Rimbaud, Alberto Moravia, Somerset Maugham, Caudwell, Lawrence Durrell, Jack Kerouac, Ignacio Silone, Thomas Mann, Richard Wright, Garcia Lorca, Nikos Kazantzaki, Anne Frank, Julien Green, Jakob Wassermann vân vân. 
Đốt hết tất cả đi. Hãy đốt tất cả những quyển sách của nhân loại. Hãy đốt Thánh kinh, hãy đốt sách của Karl Marx, của Khổng Tử, của Thoreau, của Gandhi, của Albert Schweitzer, của Shri Aurobindo, của Swâmi Vivekânanda, của Shri Râmakrishna, của John Dewey. 
Hãy đốt hết. Chỉ chừa lại những quyển sách của Henry Miller. Đốt hết và chỉ chừa Henry Miller. Hãy đọc Henry Miller đi. Mở rộng đôi mắt ra mà đọc. Mở rộng trái tim ra mà đọc. Khi đọc xong rồi thì đốt luôn Henry Miller. Đốt hết. Không chừa gì cả, đốt luôn cả trái tim lạnh lẽo của ta. Đốt luôn cả cuộc đời chật hẹp của ta… 
Cả thế giới sẽ ngùn ngụt lửa khói. Tất cả thư viện đều bốc cháy đỏ rực, tất cả những quyển sách của nhân loại sẽ thành tro bụi. Hỡi loài người, hãy cười ngất lên, hãy thức tỉnh, hãy đứng dậy, hãy dang hai tay lên trời, ngọn lửa thiêng của thế giới sẽ lan tràn khắp nơi. 
Khi tất cả những quyển sách của trần gian đã biến thành tro bụi; lúc bấy giờ, hỡi loài người, ta hãy đứng im lặng, trang trọng ngắm nhìn mây trắng bay về ngút trời xanh và lắng tai nghe tiếng chim kêu vang ca trái đất: Triêu Dương của Mùa Xuân Vĩnh Cửu bắt đầu ngự trên trần gian; một đoá hoa trắng bừng nở rung rinh trên đống tro tàn điên loạn…
Khi viết chương này, tôi chưa từng gặp Henry Miller. Năm 1965, tôi được gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California. Trời đất đã sắp đặt cho tôi gặp Henry Miller tại Huê kỳ để được ông “điểm đạo”. Sau khi được điểm đạo thì tôi lên sống tại Nữu Ước, sống từ địa ngục này đến địa ngục khác, rồi lại lang thang lê lết ở Paris từ quán cà phê này đến quán cà phê khác, để rồi một ngày hạ dạo đó được gặp mặt Krishnamurti tại Paris dưới bóng những cây marronnier xanh đậm, trộn lẫn với tóc trắng của mây và màu xám của những đường phố lót gạch. Xin các ngài hình dung cảnh tượng thiêng liêng này: một chàng trai 24 tuổi gặp hai cụ già trên 74 tuổi - họ nói nhau những gì? Xin các ngài thử hình dung chàng trai Platon khi gặp cụ già Socrate và cụ Lão Tử thì cả ba ăn nói ra làm sao? Tất nhiên: một người im lặng, một người nói và một người nghe. Im lặng, nói và nghe; tất cả, tất cả đạo lý nhân loại nằm trong đó. 
Chương ba 
Nghĩ về ý nghĩa của Phật giáo Thiền tông qua vài suy luận triết học Heidegger 
Bây giờ đọc lại chương ba này, nói về Thiền tông và Heidegger thì tâm hồn tôi lại cảm thấy táy máy bồn chồn. Lúc tôi viết chương này thì tôi đang ở một nông trại tại Phi Nôm cách Đà Lạt 20 cây số. Dạo đó tôi mới đọc D. T. Suzuki và cũng mới đọc Heidegger. Mười năm nay, tôi đã đọc đi đọc lại D. T. Suzuki và Heidegger (tôi đã tìm đọc toàn thể tác phẩm của D. T. Suzuki và toàn thể tác phẩm của Heidegger). Trong mười năm nay, tôi đã “ăn nằm” với D. T. Suzuki và Heidegger; D. T. Suzuki tượng trưng cho Đông phương và Heidegger tượng trưng cho Tây phương, tôi đã đọc từng dấu chấm, từng dấu phết của những gì họ viết; tôi đã say mê, sung sướng với từng nhịp điệu ý nghĩa của từng tư tưởng, từng trang văn của họ, nhưng bây giờ sau mười năm qua thì tôi thấy mình đã biến đổi khác hẳn: tôi không còn ảo tưởng nào về D. T. Suzuki và Heidegger nữa. Tôi kính phục họ như kính phục những thầy giáo dạy mình lúc ở tiểu học; nhưng bây giờ thì tôi không còn đi học nữa; tôi đã bỏ học vĩnh viễn. 
Bây giờ đối với tôi, chỉ có hai điều phải học: TÌNH YÊU và SỰ CHẾT. Nhưng khốn kiếp cho tôi là tôi cứ học mãi về hai cái này mà không bao giờ thuộc bài được. Tôi ngu dại đến nỗi cho mãi đến bây giờ mới biết rằng Tình yêu không thể học được mà Cái Chết lại càng không thể học được. Không có gì có thể học được trong đời này! 
Yêu, phải YÊU, dù không muốn yêu thì cũng phải yêu. Và chết. Chết cho tình yêu và yêu cái chết, đó là ý nghĩa đời sống tột đỉnh mà con người chỉ biết được khi nào đất đã lùi trượt dưới bước chân mình và bầu trời chỉ còn lại trong đôi mắt người mù. Nhìn vào đôi mắt người mù, tôi thấy được những gì? 
Câu hỏi không còn câu trả lời. Bài học đã được chấm điểm bằng một số zéro to lớn. 
Nhìn vào số zéro to lớn ấy, tôi thấy được tình yêu ôm liền với nỗi chết. Một người học trò thi hỏng chỉ là kẻ lặp lại tấn kịch muôn đời của Vũ trụ và Hư vô, của một bàn tay vời lên và một giọt mưa rớt xuống. Vừa lúc đứa con ra đời thì người cha và người mẹ đã cùng dắt tay nhau đi về cõi chết. 
D. T. Suzuki và Heidegger, hai ông thầy giáo trường làng, hai cụ đã dạy tôi tập đánh vần, làm toàn cộng trừ nhân chia; tôi đã quá lười, tôi đã lãnh nhận những số zéro và tôi đã bị đuổi khỏi trường. 
Bây giờ trước cuộc đời lớn rộng đang ôm lấy hai chân tôi. Tôi không mong chờ gì nữa cả. Tôi ngước lên nhìn chậu hoa phong lữ thảo để ở cửa sổ nhà lạ. Nắng mới reo lên và buổi chiều sắp tới. Rồi lại rạng đông và buổi sáng. Tôi là buổi sáng, buổi sáng hiện lên mái nhà, sưởi ấm ngói cũ, đem màu mới cho rong rêu cây cỏ, quét lên đường nắng của dáng người đi bên xóm, lập loè đây đó lác đác cây cao. Buổi sáng càng lúc càng lên cao, đến trưa thì ngự ngay giữa trời một chốc rồi lại đi nhẹ ra xa, càng lúc càng xa, càng lúc càng lùi mất, rồi mất hẳn. Phạm Công Thiện 
1. 
Thiền tông hoàn toàn khác hẳn triết lý Heidegger. Đem so sánh Thiền tông với bất cứ một hệ thống tư tưởng nào đều là một việc làm ngu xuẩn. 
Thiền tông là kinh nghiệm của tâm linh; còn tư tưởng Heidegger là một kinh nghiệm lý trí. 
Thực ra Thiền tông thoát ra ngoài tất cả kinh nghiệm và chỉ còn có một điều duy nhất: sống và chảy thơ mộng như nước suối ngọt Thiên thai! Còn Heidegger cuối cùng rồi cũng nhảy qua kinh nghiệm lý trí để lao vào kinh nghiệm của tư tưởng trầm lặng… 
Thực ra, tư tưởng của Heidegger không phải là tư tưởng theo nghĩa “Denken” của Đức ngữ, không phải là tư tưởng theo thể cách tri thức có đối tượng; tư tưởng của Heidegger là tư tưởng về Tính trong Bản tính (Denken am Sein selbst); vì thế Heidegger gọi tư tưởng ông là qui tưởng (Andenken), quy tưởng về Tính trong chính Bản tính (Andenken an das Sein). Tất cả những tư tưởng của Heidegger đều nằm tiềm tàng trong Thiền tông; nhưng tất cả Thiền tông lại không ở tiềm tàng trong tư tưởng Heidegger. 
Heidegger nói lên những chân lý bằng ngôn ngữ huyền bí đặc biệt; trong khi đó Thiền tông chỉ nói lên chân lý ấy bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. 
bằng những cử chỉ hành động cụ thể theo nghĩa “diệu dụng”. Còn gì phiêu diêu tuyệt vời cho bằng cái việc tầm thường như “múc nước và chẻ củi”. Và cầu tiêu, giọt nước chảy thì cũng thơ mộng diệu thường! Những điểm khác nhau rõ ràng nhất là Thiền tông đã nhắm vào sự giải thoát, còn Heidegger thì chỉ hướng về tri tính sử (Seinsgeschichtlich). Thực ra, ta thấy tư tưởng của Heidegger cũng hướng về đường giải thoát, đưa con người ra khỏi sự quên lãng về Chân tính (das Vergessen der Wahrheit des Seins ) nhưng chưa được tiêu cực lắm và toàn triệt như Thiền tông. 
Ý nghĩa “tiêu cực” vẫn giấu kín tất cả chân trời thênh thang. Chừng nào con người sống nổi với chân nghĩa của “tiêu cực” thì mới nói tới chuyện giải thoát. Không có gì làm cho con người nô lệ khốn khổ cho bằng những việc làm gọi là “tích cực”. “Tích” là “chứa”, còn “tiêu” là “mất, tan, giải, hóa ra nước”. Triết lý của nước phải bắt đầu từ ý nghĩa chân chính của “tiêu cực”. 
Kiến tính là kinh nghiệm tối hậu của Thiền tông “Heidegger cũng đi dần đến con đường kiến tính nếu chúng ta có thể tạm dịch “Sein” là “Tính” (theo nghĩa chữ “Tính” trong “Phật tính”, “Như Lai tạng tính”, “Chân tính”, v.v…) 
Chữ “Sein” của Heidegger có thể khiến ta so sánh với chữ Taihata của Phật giáo. Còn chữ Nichts của Heidegger có thể khiến ta so sánh với chữ Sunyata của Trung quán luận (Madhyamika) của Long thọ. Theo Heidegger, Nichts (Hư không) vượt lên trên sự phủ nhận (negation) thông thường; chữ Sunyata của Long thọ (Nagajuna) cũng vượt lên trên mọi sự phủ nhận thông thường vượt ra ngoài bốn phạm trù tri thức (chatuskoti-vinirmukta) nói tóm tắt là Sunyata của chính Sunyata và nói cho rốt ráo thì Sunyata cũng chính là Tathata; điểm này nhắc ta nhớ đến Heidegger đã kết luận về chữ Nitchs bằng cách trích câu văn của Hegel rằng Nichts và Sein cũng như nhau; và chính sau cùng, Heidegger cũng cho ta thấy Nichts tức là Sein [1]. 
Nhưng Heidegger khác hẳn Hegel: Hegel dùng “tiêu” để hiển rạng “tích”, còn Heidegger dùng “tích” để phá “tích” và để cho “tiêu” được là “tiêu”. Tất cả cuộc đời của Heidegger là để cho hư vô được là hư vô. Heidegger gần Thiền tông nhất là khi Heidegger cố vượt lên trên chủ nghĩa duy thực (réalisme) và duy tâm (idéalisme) hay nói một cách khác, theo từ ngữ Thiền tông, Heidegger hướng về con đường “Bất Nhị”, tức là pháp không hai. 
Thực ra con đường “Bất Nhị” không thể đơn sơ như vậy. Nhảy vào “Bất Nhị”, Heidegger chỉ giẫm chân lấy trớn mà vẫn chưa nhảy được, mặc dù ông thừa biết rằng mình cần phải nhảy. “Đốn Ngộ” và “Bất Nhị” đều đồng nghĩa. Con đường của Heidegger gần với “tiệm” hơn là “đốn” (nói cho cùng thì "đốn" và "tiệm" cũng là một. Nhưng nói như thế cũng quá dễ. Điều duy nhất: NHẢY! 
Điều này chúng ta thấy rõ nhất khi Heidegger phân tích Da-Sein hay In-der-Welt-Sein hay Seinzum-Tode chúng ta thấy Heidegger đã quan niệm về Welt (monde) khác hẳn những triết gia đi trước [2] nghĩa là Heidegger không phân chia ra làm một thực thể biệt lập; Heidegger để cho Welt và Tode dính liền chặt với Sein: In-der-Welt-Sein không phải là Sein ở trong Welt (In-der-WeltSein) như theo nghĩa trong một vị trí không gian (như cái tách ở trong cái hộp) như thế còn là nằm trong bình diện ontique. Dasein không thể là Dasein nếu không là In-der-Welt-Sein; vì thế chúng ta thấy từ ngữ In-der-Welt-Sein và Sein-zum-Tode đi trên con đường “bất nhị” của Thiền tông. Ngoài ra những quan niệm của Heidegger về tự do và chân lý cũng đáng đem ra so sánh với Thiền tông [3]. 
Ở trên, chỉ xin vạch ra ba điểm đáng so sánh, nhưng thực ra muốn bàn cho thấu đáo về Heidegger và Thiền tông, dù có viết một luận án ngàn trang; sợ cũng không nói đủ. 
Những lời đơn sơ trên không ngoài mục đích nêu lên vài khía cạnh đại khái, để từ đó có thể mở ra những sự thảo luận cần thiết sau này. 
2. 
Vừa viết xong nhan đề “Nghĩa về ý nghĩa đạo Phật Thiền tông qua vài suy luận triết học Heidegger” tôi sực ý thức rằng: tôi đã viết một nhan đề trái nghịch lại hẳn với tinh thần đạo Zen (Thiền). Người nào từng thể nhập Thiền đạo đều thấy rõ ràng tôi đã sai lầm ngay từ nhan đề… Vì sao? 
Thoạt tiên, chúng ta để ý đến động từ “nghĩ”. Chúng ta thường nói một cách rất bình tĩnh: “Tôi nghĩ rằng… tôi nghĩ về… thánh nhân kia nghĩ rằng… triết nhân kia nghĩ… đại nhân kia nghĩ… Sartre nghĩ…”. Động từ “nghĩ” là một động từ thông thường hằng ngày mọi người đều dùng một cách ung dung, tự tại và bình thản. Ta nào ngờ động từ “nghĩ” là một động từ rất nguy hiểm và rất tai hại. 
Tất cả mọi động từ đều nguy hiểm và rất tai hại. “Nhảy” mà không động mới là nhảy. 
Chừng nào động từ “nghĩ” không còn là một động từ phổ thông nữa thì chừng ấy những con chim mới được tha hồ tung cánh bay ngất trời xanh và chừng ấy những bãi cỏ mới tha hồ xanh mướt tươi non dưới gót chân không mang giầy của chúng ta. Mỗi khi anh nói “tôi nghĩ” thì lập tức mấy con chim bị nhốt lồng, cỏ bị khô héo, cả dòng đời cũng đứng lại, cả vũ trụ thế giới câm lặng tàn nhẫn: sương mù tinh mơ tan biến mất, hương nồng trở thành hôi thúi, tất cả tạo vật đều chết lạnh, chết khô, chết cứng. Vừa mở miệng nói: “tôi nghĩ” thì lập tức một lưỡi dao bén nhọn đã làm đâm thấu vào trái tim cuộc đời. Nói đến nghĩ là nói đến giết: tôi giết cuộc đời tôi, tôi giết cuộc đời kẻ khác, tôi giết hơi thở nhịp nhàng của vũ trụ. Người ta gọi “người thích nghĩ” là “tư tưởng gia” hoặc “triết gia”. Hãy đem xử tử tất cả mọi tư tưởng gia và triết gia, kẻ sát nhân nặng tội nhất của loài người không phải là Eichmann hay Hitler; kẻ sát nhân dễ sợ nhất của loài người là Socrate, là Hegel, là Kant, là Jean-Paul Sartre, là tất cả những người mang tên tư tưởng gia, triết gia, lý thuyết gia, phê bình gia, bình luận gia, văn gia… “Không nghĩ” thì cũng nguy hiểm tai hại như “nghĩ”. “Phi kiến thức, phi học thức, phi tri thức…” thì cũng nguy hiểm tai hại như kiến thức, học thức, tri thức. Chỉ có điều quan trọng: làm gì thì cứ làm, cứ làm giống như cánh bay của ó rừng, bay vút lên và đáp xuống; không để lại dấu vết gì còn lại sau cánh bay. 
Ôi, trí thức, kiến thức, triết thức, học thức, tri thức, văn thức. Tôi nguyền rủa Thượng đế (nếu có!) nguyền rủa vì đã ban cho tôi một trí óc. Tôi muốn trở về sống với đồng bào Thượng. Tôi thích sống giữa những con thú vật lù đù. Tôi không thích ngồi đây nghĩ vớ vẩn về Zen, về Heidegger. Tôi sinh ra đời không phải để nghĩ. Tôi sinh ra đời để mà rong chơi, để mà không làm việc gì hết, để mà ngó nhìn bãi cỏ xanh ở Đà lạt hay nhìn những con kiến rượt nhau hay làm bạn với những người điên khùng hoặc lang thang suốt đêm trên những con đường phố sương mù hoặc ngồi mơ màng dưới gốc cây thông bên hồ Đà Lạt hoặc ngủ li bì suốt ngày để thức suốt đêm lim dim lắng nghe những tiếng hát vi vu ở giữa Sài Gòn. 
Không thể nào nghĩ về đạo Zen. Thay vì nghĩ về Zen, anh cứ đi phất phơ ra ngoài bến tận Sài Gòn vào lúc tối khuya và cứ ngồi suốt đêm như con sông đen đen; rồi lúc ấy nếu anh có chán đời thì cứ nhảy xuống đi, chứ đừng than thở lôi thôi, còn nếu không dám nhảy xuống thì ngồi đó mà cười ầm lên cho vang động cả đường phố, cho vang động cả dòng sông, cho vang động cả nỗi buồn mênh mông của tuổi trẻ chúng mình. Rồi về nhà, anh cứ xem hết những quyển sách triết học và chạy đi tìm những bức tranh của Chagall để đem treo về bàn thờ. Đừng nghĩ về Zen, Zen để sống, chứ không phải để nghĩ. 
“Sống” đã là “nghĩ” rồi. Một người thực sự sống thì không bao giờ bận tâm đến đời sống. 
Động từ “nghĩ” hoàn toàn phản nghịch lại linh hồn đạo Zen. 
“Linh hồn” đã phản nghịch lại Zen rồi. Nhưng chính sự phản nghịch thì đã phản nghịch nữa rồi. Không chống đối, không có sự phản nghịch nào, đó là Zen! Song nếu có chống đối, có phản nghịch thì đừng biến sự chống đối, sự phản nghịch trở thành vấn đề ám ảnh. Không có bóng ma nào ám ảnh mình, đó là Zen! Zen có nghĩa là “không sợ ma” trong mọi ý nghĩa. 
Một môn đệ hỏi thiền sư Triệu Châu về đạo lý Zen. Thiền sư trả lời: “Chú ăn điểm tâm chưa?”; môn đệ ấy đáp: “Vâng, bạch thầy, con đã dùng điểm tâm rồi”. Thiền sư lại nói: “Vậy thì chú hãy lau đĩa đi”. Thiền sư vừa nói xong thì lập tức môn đệ thể nhập vào giác ngộ; môn đệ ấy đã sai lầm vì muốn nghĩ về Zen: thiền sư bèn nhắc đến những việc tầm thường hằng ngày, “nghĩ” là một hành động nguy hiểm đến tính mạng đời sống mỗi người [4]. 
Sự nguy hiểm cũng cần thiết. Chỉ có một điều duy nhất đáng sợ, đó là đánh mất nỗi nguy hiểm trong đời sống. Cuộc đời càng lớn mạnh thì nỗi nguy hiểm càng hấp dẫn thêm lên. 
Còn chữ “về” cũng thế: nói “về” là nói “về” một cái gì, một vật gì hay một người gì, nghĩa là ám chỉ có một người nghĩ và một vật bị nghĩ, tức là phân ra thành chủ thể và khách thể, tách biệt rời ra làm hai. Chủ thể đứng chống lại khách thể; người nghĩ đứng chống lại vật bị nghĩ; người biết đứng chống lại kẻ bị biết [5]. Chữ “về” cắt hai, chia đôi thực tại. Như thế hoàn toàn phản nghịch lại Zen. 
Nói đến danh từ “ý nghĩa” lập tức người ta nghĩ đến cái đối nghịch với nó là “vô nghĩa” bởi vì nếu “ý nghĩa” không có “vô ý nghĩa” đối lại thì “ý nghĩa” không thể có ý nghĩa được. 
“A” không thể là “A” được, nếu nó không đứng đối lại với cái không phải “A” nghĩa là cần phải có “không A” để làm ra “A”. 
“A” có nghĩa là “không A” ở trong “A”. Khi “A” muốn là “A” thì nó ra ngoài “A” nghĩa là “không A”. Nếu “A” không chứa đựng bên trong cái không phải là nó thì “không A” không thể nào ra ngoài “A” để làm “A” ra là “A” [6]. 
Thực ra “lý luận” này cũng kẹt vào “nguyên lý đồng nhất” (principe d’ identité). D. T. Suzuki vẫn còn lý luận ấu trĩ, tô son phấn rẻ tiền vào “bản lai diện mục” của Thiền tông. Nietzsche có thể không biết gì về Thiền tông và Nietzsche lại xứng đáng là một thiền sư hơn bất cứ thiền sư nào khác (Nietzsche có thể đứng ngang hàng với Bồ-Đề-Đạt-Ma và Lâm-Tế.)
“Ý nghĩa” không thể là “ý nghĩa” được nếu “ý nghĩa” không đứng chống đối lại với cái gì không phải là “ý nghĩa”; cần phải có “vô ý nghĩa” để làm ra “ý nghĩa”; “ý nghĩa” có nghĩa là “vô ý nghĩa” ở trong ý nghĩa. Khi “ý nghĩa” muốn có nghĩa thì nó đã ra ngoài ý nghĩa, nghĩa là “vô ý nghĩa”. Nếu “ý nghĩa” không chứa đựng bên trong cái không phải là nó thì “không ý nghĩa” không thể nào ra ngoài “ý nghĩa” để làm ra “ý nghĩa” trở thành có ý nghĩa. 
“Ý nghĩa” có ý nghĩa được là nhờ sự trái ngược đối nghịch. Tính chất đối nghịch là một tính chất hoàn toàn trái phản lại tinh thần đạo Zen (hay tinh thần Phật giáo nói chung). 
“Nghĩ về ý nghĩa đạo Phật Thiền qua vài suy luận của triết học Heidegger…” Viết nhan đề như vậy, tôi muốn nói gì? Như tôi đã nói trên, “nghĩ về ý nghĩa của đạo Thiền…” đã là một từ ngữ phản lại tinh thần Zen, thế mà tôi lại không nghĩ thẳng mà lại còn nghĩ qua, như thế còn sai phản lại tinh thần Zen hơn nữa! Tôi muốn nghĩ về Zen mà thay gì nghĩ thẳng về Zen, tôi lại suy luận theo điệu Heidegger. Heidegger không có viết gì về Zen, nhưng lúc đó tôi nghĩ về Zen, tôi đã nhớ đến Heidegger và tôi mượn vài suy luận triết lý Heidegger để soi rọi thêm vài ý nghĩ của tôi về Zen nghĩa là tôi đã “nghĩ qua…”, tức là đã có sự trung gian. 
“Trung gian” lại chính là ý niệm quan trọng nhất trong hệ thống của Hegel. Ít nhất cũng có người đã viết một luận án Tiến sĩ gần 400 trang về ý niệm “trung gian trong triết học Hegel” (De la Médiation dans la philosophie de Hegel của Henri Niel, Aubier, Paris, 1945) 
Mà bất cứ sự trung gian nào cũng hoàn toàn phản nghịch lại tinh thần Zen. Đối với Zen, tuyệt đối không có trung gian nào hết [7]. Zen là kinh nghiệm riêng lẻ của từng người một; mỗi người cứ tự mình đến thẳng trực tiếp với Zen; mỗi người hoàn toàn cô đơn tuyệt đối trên đường đi của mình, không bạn, không thầy, không gia đình, không quá khứ, không truyền thống, không hành lý, không trung gian gì hết. Cứ đi thẳng và mặt đối mặt với Zen, đừng đi qua bất cứ một trung gian nào. Dù trung gian đó là đức Phật! 
Tôi đã trót viết nhan đề sai phản lại tinh thần Zen; vậy có thể bỏ và thay thế lại một nhan đề khác? Không thể được, tôi đã vô ý viết một nhan đề như trên mà nếu bây giờ tôi xóa bỏ, sửa lại thì hành động này cũng phản lại tinh thần Zen! Vì sao? Vì tôi đã nghĩ, tôi đã cố ý không tự nhiên. 
Cố ý và không tự nhiên là thái độ hoàn toàn phản lại tinh tuý Zen. 
Nếu đã “cố ý” thì cứ “cố ý”! Hơi đâu mà lý sự quanh quẩn, hơi đâu mà lo sợ. Tai nạn lớn nhất của con người là “cái vòng lẩn quẩn” (le cercle vicieux); ai cũng sợ kẹt vào “vòng lẩn quẩn”! Cứ nhảy vào vòng lẩn quẩn, cứ để cho kẹt vào vòng lẩn quẩn: Giải thoát là ở sự cuốn xoáy vào trong vòng lẩn quẩn này! 
3. 
Đạo Phật Zen là gì? 
Một môn đệ hỏi thiền sư một câu hỏi quan trọng như trên thì thiền sư ấy liền bước xuống ghế rồi tát tai môn đệ (cf, D. T. Suzuki, “Pracrical Methods of Zen Instruction” trong Zen Buddhism, tr. 132). 
Nếu tôi là môn đệ ấy thì tôi vừa hỏi vừa tát tai trước! Phải tát tai thiền sư trước khi hỏi ông ta! 
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT LÀ CON ĐƯỜNG NÀO? 
Một thiền sư hỏi một con chó: “Mi có muốn biết con đường đi đến giác ngộ hay không?” rồi thiền sư đưa chân đá con chó; chó sủa ầm lên (cf, D. T. Suzuki, l’ Essence du Bouddhisme, tr. 99) 
Tại sao thiền sư không sủa với chó mà lại hỏi nó? Thực ra tôi biết rồi: hỏi có nghĩa là sủa! Một người hỏi một câu hỏi về đạo lý thì giống như một con chó sủa đêm. 
TINH TÚY ZEN LÀ GÌ? 
Một môn đệ hỏi thầy như thế và thầy trả lời: “Cứ hỏi cột trụ này”. Một môn đệ sửng sốt: “Bạch thầy, không hiểu thầy muốn nói gì…” Thầy trả lời: “Sự ngu dốt của thầy còn hơn sự ngu dốt của con” (cf, Pierre Pégon, “Questions et Résponses dans le Bouddhisme Zen” trong Présence du Bouddhisme, tr. 735). 
Thiền sư Nietzsene: “Chúng tôi là những kẻ biết mà lại không biết về chính bản tính của chúng tôi”. (Wir sind uns unbekannt, wir Erkennenden, wir seibst uns seibst). Vì lý do rất hay ho này: “Chúng tôi không bao giờ tìm kiếm chính chúng tôi thì làm thế nào chúng tôi có thể mong gặp thấy chính chúng tôi”. (Wir haben nie nach uns gesuchi-wie sollte es geschehn, das wir eines Tages faenden?). 
Có tìm thì mới thấy. Giác ngộ có nghĩa là không tìm không thấy. 
ĐƯỜNG LỐI ĐI VÀO CHÂN LÝ LÀ ĐƯỜNG LỐI NÀO? 
Một môn đệ hỏi thầy như thế và thầy trả lời: “Con có nghe tiếng suối reo hay không?”. Môn đệ trả lời: “Vâng, con có nghe”. Thầy đáp lại: “Đó là đường lối đi vào chân lý”. 
Ý NGHĨA ĐẠO ZEN LÀ GÌ? 
Một thiền sư thuyết giảng như sau: 
Khi người ta hỏi thầy về ý nghĩa đạo Zen. Thầy sẽ trả lời rằng Zen giống như nghệ thuật ăn trộm. Một đứa con trai của một kẻ ăn trộm thấy rằng cha đã già yếu, hắn mới tự nhủ: “Nếu cha mình quá già yếu, và không thể làm nghề trộm nữa thì ai sẽ lo kiếm tiền để nuôi gia đình? Chỉ còn mình thôi. Vậy mình phải học nghề cha”. Hắn mới tỏ bày cùng cha và cha hắn đồng ý. Một đêm, cha dẫn con lẻn vào một ngôi nhà giàu, đào ngõ vào nhà, mở một thùng đồ to lớn và bảo con vào thì nắp thùng liền đậy lại và khoá lại. Lúc ấy, người cha đã đi ra ngoài sân và cố ý làm ầm lên, khiến cả gia đình nhà ấy đều thức dậy và người cha lẻn trốn đi mất. Những người ở gia đình lao xao đốt đèn tìm kiếm kẻ trộm nhưng chẳng gặp gì hết. Còn đứa con trai kia, lúc bị khoá nhốt trong thùng, không thể nào trốn thoát được, hắn nguyền rủa thù ghét người cha tàn nhẫn. Một lúc sau, bỗng nhiên hắn vụt sáng ý lên; hắn làm sột soạt như tiếng chuột gặm đồ. Người đầy tớ bưng đèn đến mở thùng ra xem. Hắn tung dậy, thổi đèn tắt, xô người đầy tớ, rồi chạy trốn thoát. Người nhà đuổi theo. Nhìn thấy một giếng nước bên đường, hắn khiêng một hòn đá và quẳng xuống nước. Những người nhà lại đổ xô bên giếng và lúc ấy, hắn chạy thoát về nhà. Hắn cằn nhằn với cha và người cha trả lời: “Đừng bực bội con ạ, hãy kể cho cha nghe con trốn thoát bằng cách nào?...” Lúc đứa con kể xong đầu đuôi, người cha liền nói: “Được rồi đấy, thế là con đã học được nghệ thuật ăn trộm!”.
PHẬT LÀ GÌ? 
Một môn đệ hỏi thầy một câu hỏi nghiêm trọng như trên. Thầy trả lời: “Con mèo trèo cây cột”. Môn đệ lại hỏi: “Bạch thầy. Phật là gì?”. Thầy trả lời: “Con cứ hỏi cây cột” (cf, Truyền đăng lục, Fasc. XIV) 
BÍ MẬT TỐI THƯỢNG CỦA ZEN LÀ GÌ? 
Khi một nhà học giả đạo Khổng đến thăm một thiền sư, nhà học giả ấy hỏi: “Bí mật tối thượng của Zen là gì?”, thiền sư trả lời: “Zen chẳng có bí mật gì để giấu ngài”. Nhà học giả lúng túng: “Bạch thầy, tôi không hiểu gì hết”. Sau đó, hai người bước đi dọc theo đường núi. Lúc bấy giờ cây nguyệt quế đang trổ hoa thơm ngát. Thiền sư liền hỏi: “Ngài có ngửi được mùi thơm của cây đơm hoa?”. Nhà học giả trả lời: “Vâng, tôi đã ngửi được”. Thiền sư đáp lại: “Đấy, đấy, tôi chẳng có gì bí mật để giấu ngài”. 
TINH TÚY TỐI THƯỢNG CỦA ZEN LÀ GÌ? 
Một lần kia, thiền sư đứng lên giảng đường để thuyết pháp và nói: “Tinh túy tối thượng của đạo Zen là gì?” vừa đặt lên câu hỏi thì dang hai tay ra và chẳng nói gì cả, rồi thiền sư bước xuống giảng đường. Như thế là: bài thuyết pháp đã xong! 
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐẾN PHẬT TÍNH? 
Một thiền sư dạy môn đệ như vầy: “Không cần phải cố gắng chịu khó nhọc nhằn mới đạt đến Phật tính. Các con cứ tiếp tục làm những việc thông thường khiêm tốn như đi tiêu, đi tiểu, mặc quần áo, ăn cơm và nằm khi mệt mỏi. Người phúc hậu giản dị sẽ cười các con, những kẻ thánh hiền sẽ hiểu các con. (Fong Yeou Lan, Précis d’Histoire de la Philosophie chinoise, tr.268) 
PHẢI KÍNH TRỌNG ĐỨC PHẬT NHƯ THẾ NÀO? 
Một thiền sư bước vào một ngôi chùa và phun nước miếng vào tượng Phật và lúc người ta trách vấn thầy, thầy trả lời: “Xin vui lòng chỉ chỗ cho tôi để tôi khạc nhổ, xin chỉ chỗ nào không có Phật đấy” (cf. HG.Creel, Chinese Thought from Confucius to Mao-Tse-Tung, tr. 164). ĐỨC PHẬT LÀ AI? 
Một thiền sư nói như sau: “Kẻ thánh hiền không đi tìm Phật. Phật là kẻ sát nhân vĩ đại đã quyến rũ rất nhiều người xuống hố của quỉ đĩ”. “Chính tôi cũng chẳng biết gì về Zen. Tôi không phải là thầy. Tôi chẳng biết gì hết. Tôi chỉ là một thằng già ăn mày, ăn xin và mỗi ngày đi ỉa. Tôi phải làm gì bây giờ?... Chẳng có gì để làm cả”. (cf. Hu Shih, “Development of Zen Buddhism” in Chinese Social and Political Science Review XV, Bắc Kinh, 1031-32, tr. 502) 
PHẢI ĐỐI VỚI ĐỨC PHẬT NHƯ THẾ NÀO? 
Với tinh thần phá chấp toàn diện, một thiền sư trả lời: “Hãy giết Phật đi, hãy giết Phật đi” (cf. Introduction, Sermon sur le Bouddhisme Zen trong Presence de Bouddhisme, France-Asie, tr. 338). 

CÓ NÊN SÁT SANH KHÔNG? 
Với tinh thần phá chấp triệt để, đôi khi những thiền sư đốt tượng Phật, giết mèo, bắt tôm, bắt cá (cf. Ed Conze, Le Bouddhisme dans son essence et son dévelopement, tr. 201). 
4. 
Những nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay ở Mỹ là J. D. Salinger và nhóm “Beat Generation” gồm có Jack Kerouac, Lawrence Ferlinghetti, Allen Ginsberg, Gregory Corso v. v.) 
Nhóm “Beat Generation” đều là môn đệ của đạo Zen, và J.D. Salinger cũng là môn đệ của đạo Phật Zen, người ta nói rằng J.D. Salinger “hăng hái say mê nghiên cứu Zen” (cf. Time, sept. 15, 1961). 
Có người gặp Heidegger đang đọc sách về Zen (do D.T. Suzuki viết) và ông tổ của triết lý hiện sinh hăng hái nói: “Đây là những gì tôi đã cố gắng nói trong tất cả những tác phẩm của tôi” (cf. William Barrett, “Zen for the West” trong Zen Buddhism, Doubleday Anchor Books, tr. XI). 
C. G. Jung và Karen Horney cũng say mê nghiên cứu Zen. Trước khi chết, Karen Horney đã viếng thăm Nhật Bản để nghiên cứu trực tiếp sinh hoạt Zen. C. G. Jung đặc biệt lưu ý đến những viễn tượng tâm lý của Zen và kêu gọi Tây - phương phải quan tâm đến Zen. (cf. C. G. Jung, “le Zen et l’ Occident” trong L’ Essence du Bouddhisme, tr. 17 - 49). 
Đạo Phật Zen đã hấp dẫn lôi cuốn những người lãnh đạo những phong trào trí thức tiền phong của Âu Mỹ như Salinger, Heidegger và C. G. Jung. Chưa bao giờ Đông phương quyến rũ Tây phương lạ lùng như vậy. Sự kiện này khiến cho ta thắc mắc tự hỏi: Zen đã chứa đựng ý nghĩa gì mà có thể giáo hoá thỏa mãn được những đòi hỏi mãnh liệt của bậc thức giả tiến bộ nhất ở Tây phương? 
Ý nghĩa của đạo Phật Zen là gì? 
Tôi có thể trả lời rất dễ dàng, rất nhanh chóng, không hề lúng túng: đạo Phật Zen chẳng có ý nghĩa gì cả. Tại sao? Bởi vì còn ý nghĩa là còn nằm trong vòng nhị nguyên đối đãi: “ý nghĩa” đối nghịch với “vô ý nghĩa”, như thế hãy còn bị ràng buộc trong danh từ, trong tiến trình biểu tượng (processus symbolique), do đó: 
1. Đạo Phật Zen chống thuyết nhân bản, bởi vì thuyết nhân bản vẫn chỉ là sắc thái của ý thức phân biệt; 
2. Đạo Phật Zen chống luận lý học, bởi vì luận lý học còn lệ thuộc vào lãnh vực ngôn ngữ; 
3. Đạo Phật Zen chống lại những giá trị, bởi những giá trị chỉ là những đánh giá thực tại; 
4. Đạo Phật Zen nhận rằng con người chỉ có thể giải thoát nơi cuộc đời này, nơi một trần gian duy nhất (là trần gian này); nơi theo danh từ triết học của Heidegger thì ta gọi thần thể tính (Weltlichkeit) của nhân tính (Menschsein) phủ nhận thế giới “bên kia” (Jenseits) và chỉ nhận “bên này” (Diesseits); 
5. Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng, bởi vì tôn thờ đức Phật là một giá trị thì đức Phật sẽ trở thành đối tượng cho sự đánh giá của con người (nói như Heidegger là: “Gegenstand für die Schätzung des Menschen”); 
6. Đạo Phật Zen chống lại những gì mà nhân loại tôn sùng thờ phụng như là thiêng liêng quí báu. 
Tại sao tôi có những nhận xét trên? Đọc lại những lời đối đáp trên giữa thầy trò Zen thì tất nhiên ta phải đi đến những nhận thức trên. 
Tôi thấy những nhận thức trên chẳng những nói về đạo Phật Zen mà còn có thể dùng để nói về triết học thể tính của Heidegger, triết lý Heidegger có nhiều điểm khác đạo Phật Zen; nhưng mỗi khi ta đọc Heidegger, ta sẽ nhớ đến đạo Phật Zen. Ít nhứt là vài ba quan kiến nào đó, như quan kiến về Ngôn Ngữ, về Bản Tính, về Chân Lý, vân vân. Về những nét chung của đạo Phật Zen, tôi đã cố gắng đưa ra những nhận xét sơ lược trên và đi từ những nhận xét ấy, tôi sẽ tha thiết “bênh vực” đạo Phật Zen. (Thực ra Zen đâu cần “bênh vực”). Tôi phải nói trước rằng tôi không phải là một kẻ giỏi lý luận và không phải là một kẻ đem lý trí của mình để phân tích một tôn giáo cao siêu. Khi viết về đạo Phật Zen, tôi chỉ muốn ghi lại cảm giác rất chủ quan của riêng tôi, của một kẻ vui mừng run run tìm được lương thực tinh khiết cho tâm hồn bải hoải của mình. Đạo Phật Zen đã hé mở cho tôi thấy những chân trời bát ngát mênh mông; mỗi lần đi vào tinh thần Zen là mỗi lần tinh thần tôi được đưa lên cao, mọi tuyệt vọng tan biến, thần kinh hết căng thẳng, hơi thở nhịp nhàng khoan khoái, tôi cảm thấy sung sướng hạnh phúc lắm và những nỗi cay đắng nhọc nhằn của đời sống dường như vơi hẳn đi.
5. 
Thời đại này đang hấp hối, con người trở nên bàng hoàng điêu đứng, bị chà đạp thê thảm vô cùng. Tất cả những tư tưởng gia đều hốt hoảng la lối vang động trời đất: “Hãy trả linh hồn lại cho tôi” (Miguel de Unamuno). “Hãy kính trọng con người” (Saint - Exupéry): một người ngang tàng như Sartre cũng phải vội vã tuyên bố diễn thuyết rằng triết lý hiện sinh (của Sartre) là một chủ nghĩa nhân bản! (Tất nhiên Sartre hiểu nghĩa “nhân bản” hơi khác ý nghĩa nhân bản cổ điển. (cf. L’Existentialisme est un humanisme, tr. 90-94). Mọi người ai cũng đều bênh vực “nhân bản”; nhưng đạo Phật Thiền (Zen) không bênh vực “nhân bản”. Heidegger cũng thế. Heidegger cũng chống lại thuyết “nhân bản”. Người ta đã công kích thái độ Heidegger và ông đã đưa ra vài suy luận để bệnh vực thái độ của ông (xin xem Heidegger, Lettre à Jean Beaufret, tạp chí Fontaine, No. 63).
Trong vài trang sau đây, nói về Zen, tôi xin suy luận theo tinh thần triết lý Heidegger xin đọc M. Heidegger, Uber den Humanismus, Victorio Klostermann, Frankurt am Main, 1951) [8]. 
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống lại thuyết nhân bản” chắc chắn người ta nghĩ rằng tôi muốn nói: “Đạo Phật Zen bênh vực phi nhân tính (L’ In-Humain) và ca tụng sự dã man tàn bạo (còn gì “hợp lý” hơn nữa, vì phủ nhận nhân bản tức là chấp nhận phi nhân bản… Đó là sự hợp lý thông thường của kẻ hạ nhân)… 
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống luận lý học” tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi muốn nói; đạo Phật Zen trục xuất mọi xác đáng tín mật của tư tưởng để thay thế bằng những bản năng và những cảm xúc hoặc để bênh vực chủ nghĩa phi lý trí (L’ irrationalisme), nghĩ như vậy thì “hợp lý” vô cùng vì ai cũng hiểu, chống luận lý học tức là bênh vực phi luận lý học (L’ a-logique). (Đó là lý luận của kẻ hạ nhân). 
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống lại những giá trị” tất nhiên mọi người đều nghĩ rằng tôi muốn ám chỉ: chống lại những giá trị là nhận rằng tất cả mọi sự đều vô giá trị (Đó là lý luận của kẻ hạ nhân!). 
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen cho rằng con người chỉ có thể giải thoát nơi một trần gian này”; tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi muốn nói: đạo Phật Zen đã hạ thấp con người xuống hàng trần tục và chối bỏ mọi thể tính siêu việt (Transcendance); nghĩ như vậy thì thực là “hợp lý”! (Đó là sự hợp lý của kẻ hạ nhân!) 
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng”; tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi muốn nói: đạo Phật Zen không thể gọi là đạo Phật; vì đạo Phật Zen phản lại đức Phật! (đó là lý luận của kẻ hạ nhân!) 
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen chống lại tất cả những gì nhân loại tôn sùng thờ phụng như là thiêng liêng quý báu”, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi muốn nói: chống lại thiêng liêng quý báu tức là tôn thờ “chủ nghĩa hư vô” tức là phá hoại, tức là vô trách nhiệm; (đó là lý luận của kẻ hạ nhân!) 
Nếu tôi chống lại thiên đàng, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi bênh vực hỏa ngục; nếu tôi chửi rủa trách nhiệm, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi là một kẻ vô trách nhiệm; nếu tôi chửi rủa Tổ quốc, Quê hương, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi là một kẻ phản quốc; nếu tôi chống lại Luân lý, Đạo đức, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi là một kẻ vô luân; nếu tôi chống lại Gia đình, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi là kẻ phá hoại; nếu tôi chống lại Văn minh, Văn hóa, Văn học, tất nhiên người ta nghĩ rằng tôi là một kẻ lạc hậu, hủ lậu. Thực là hợp lý! Thật là hợp lý! (Cái hợp lý của kẻ hạ nhân!) 
Đây là những thần tượng: Thiên đàng, Niết bàn, Trách nhiệm, Tổ quốc, Luân lý, Đạo đức, Gia đình, Xã hội, Văn minh, Văn hoá, Văn học, Tiến bộ, Nhân bản, Luận lý học, Lý trí, Siêu việt thể, Thượng đế, Thiêng liêng, Giá trị, vân vân. 
Tôi nghe người ta đồng thanh ca tụng những danh từ trên, rồi tôi lại nghe người ta đồng thanh mạt sát nguyền rủa tất cả những gì đối nghịch lại với những danh từ trên. Những danh từ nào đối nghịch với những danh từ trên thì được xem như xấu xa, dơ nhớp, bẩn thỉu, được xem như “phủ nhận” (“Négatif”) nghĩa là chẳng nghĩa lý gì cả (“null”, “nichtig”). Người ta chia ra hai thái độ: “phủ nhận” và “chấp nhận”; người ta khẳng định rằng “chấp nhận” là “tốt” và “phủ nhận” là “xấu”. Người ta định rằng không “chấp nhận” thì nghĩa là “phủ nhận”. Đối nghịch với cộng là trừ. Không phải positif thì là négatif. Nhờ luận lý học, người ta đã suy luận rất là hùng biện, nếu tôi mở miệng ra chống đối trách nhiệm, lập tức người ta mắng chửi tôi là “một thằng vô trách nhiệm”, và người ta bĩu môi khinh bỉ xa lánh tôi và xem tôi như một “sâu mọt của xã hội” hay “một kẻ phá hại”. Người ta đã định xong những phạm trù nào đó và người ta chấp nhận những phạm trù này như là “xác nhận” những gì đối nghịch lại những phạm trù này được xem như là “phủ nhận”. Người ta ca tụng thái độ “xác nhận” và nguyền rủa thái độ “phủ nhận”; tất cả những gì không nằm trong lãnh vực “xác nhận” thì liền bị người ta quăng ném vào hố sâu (đã được đào trước) và hố sâu này được gọi là hố “phủ nhận”; người ta đồng hóa hố “phủ nhận” với hư vô; người ta đưa đẩy tất cả đối nghịch vào trong chủ nghĩa hư vô mà người ta đã tự phát minh bằng luận lý học (Martin Heidegger: On s’est à tel point empli de “logique” qu’à la seule mention d’une opposition aux valeurs énumérées plus haut, l’ opposé est immédiatément et exclusivement pris pour l’envers, pour le contraire nul et sans valeur. Tout ce qui ne s’en tient pas aux domaines bien connus du positif est rejeté dans la fosse, creusée d’ avance, de la négation pure qu’on identifie, au Néant. On fait tout sombrer dans un nihilisme qu’on vient d’ inventer soimême à l’aide de la logique) [9]. 
Sự “đối nghịch” chỉ là “phủ nhận” khi nào người ta đã định trước, đặt sẵn cái “xác nhận”. Tôi muốn hỏi: tại sao người ta không chịu tư tưởng vượt ra ngoài sự định trước, định sẵn? Tại sao người ta không chịu tư tưởng vượt ra ngoài hai thái độ “phủ nhận” và “chấp nhận”? cf. Heidegger: Le “contre” cependant, quand une pensée se dresse face au donné, ne conduit - il pas nécessairement à la négation et au négatif? cela n’arrive - mais alor d’une façon inévitable et définitive, c’est - à - dire sans nous laisser la moindre liberté de regarder sur autre chose - que si le donné a été immobilisé auparavant en tant que “positif” dans le cadre figé de cette opposition (au “negatif”), prise au sens absolu. Derrrière cette attitude se cache alors le refus de la pensée de s’avancer au-dela du donné prédonné. En se référant continuellement au logique, on se donne l’apparence de vouloir s’engager sur le chemin de la pensée, alor qu’on vient, précisément, d’abjurer tout pensée) [10] 
Tôi nói rằng cuộc đời phi lý nhưng tôi không tự tử, bởi vì “phi lý” không phải là “phủ nhận”; “phi lý” bị xem như “phủ nhận” là khi nào người ta đã định trước và bất động hóa “hữu lý” như là “xác nhận”. 
Người ta dùng luận lý học để phụng sự tư tưởng, nhưng thực sự, người ta đã từ bỏ phản bội tư tưởng. 
Chống thuyết nhân bản không phải là để bênh vực tinh thần phi nhân và chống đối này mở ra những viễn tượng khác hẳn. Triết học Heidegger cũng thế. (Heidegger: l’opposition à “L’humanisme” ne mène nullement à une défense de l’ inhumanité, mais qu’ elle nous ouvre des perspectives bien différentes) 
Đạo Phật Zen không đặt con người như “cứu cánh” hay “giá trị cao đẳng” (theo chủ nghĩa nhân bản cổ điển) và đạo Phật Zen cũng không cho rằng “con người tự chọn lựa” như chủ nghĩa nhân bản của Sartre. Và mặc dù Heidegger chống đối nhân bản nhưng việc chống đối này của Heidegger cũng mở ra những viễn tượng khác hẳn những viễn tượng của đạo Phật Zen (vì ai cũng biết rằng quan điểm căn bản của triết học Heidegger là quay về “Sein”) và đạo Phật Zen không phải là “chủ nghĩa nhân bản" mà cũng không phải là “chủ nghĩa phi nhân bản”, con người đạt đến Phật tính là con người phủ nhận con người, tức là chối từ nhân bản. 
Chống luận lý học không có nghĩa là bênh vực phi lý mà là dẫn đến cái Lý mênh mông của Trời Đất. Triết học của Heidegger cũng thế (Être contre la logique ne signifie pas être pour l’illogique mais pour le logos et son essence). 
Khi tôi nói: “Đạo Phật Zen nhận rằng con người chỉ có thể giải thoát tại một trần gian duy nhất là trần gian này”, tôi không muốn nói rằng Zen chối bỏ mọi “siêu việt thể”. Đối với Zen, hai thế giới (tâm linh và vật chất) chỉ là một, không có sự chia rẽ và làm hai miền khác biệt tách rời nhau: chỉ có một vũ trụ con người (so sánh Sartre: Il n’y a pas d’autre univers qu’un univers humain l’univers de la subjectivité humaine) (Câu này của Sartre gợi cho ta nhớ đến thuyết Duy thức của Phật giáo). Zen không ghét bỏ trần tục để mà tìm kiếm một thế giới tâm linh xa xôi. Đối với Zen, thế giới tâm linh ở ngay nơi thế giới ô trọc này, Zen không ước vọng đến tương lai mà chỉ thực hiện đường đi của mình ở hiện tại (đây cũng là điều mà Zen tách xa Heidegger; đối với Heidegger tương lai là quan trọng nhất, để mà con người làm cái Entschlossenheit). Thiên đàng từ trong người tôi chứ không ở nơi đâu cả. (Ta dễ nhớ đến nhà thơ thần bí William Blake; Blake không ghét bỏ trần gian tục giới; ông chỉ nhận thế giới tâm linh ở nơi chính trần gian này). 
“Đạo Phật Zen không tôn thờ đức Phật như là giá trị tối thượng” như thế không có nghĩa là Zen đã phản nghịch lại Phật giáo. Trái lại, nhiều học giả đứng đắn ở thế giới thường nhận rằng Zen mới là tinh túy của Phật giáo, bởi vì Zen mới đạt tới trung tâm điểm của kinh nghiệm đức Phật Thích Ca; trung tâm điểm ấy là mỗi người tuyệt đối đi con đường riêng của mình; đức Phật Thích Ca đạt đến chân lý ấy bằng chính những kinh nghiệm bản thân của Ngài, nếu chúng ta trung thành với đức Phật thì chúng ta phải lìa xa Ngài; bởi vì không ai làm thầy ai cả; mỗi người phải làm thầy cho chính mình, chân lý là chân lý của riêng từng người. Hơn nữa, tôn thờ đức Phật như giá trị tối thượng là một hành động nguyền rủa đáng sợ nhất vì đã hạ thấp Phật tính. Vừa tư tưởng vừa đánh giá là xúc phạm nguyền rủa ngạo mạn nhất. (cf. Heidegger: Proclamer “Dieu” comme “valeur suprême”, c’ est donc dégrader l’essence de Dieu. Penser en évaluant constitue, ici partout le plus grand blasphème contre l’ être qui puisse s’ imaginer). 
Đạo Phật Zen giải thoát con người ta khỏi mọi ràng buộc ở mọi phương diện và đưa con người đến tự do tuyệt đối, tôn sùng những gì thiêng liêng quý báu là tự ràng buộc mình vào vòng nô lệ; những thiền sư đều xem nhẹ truyền thống và chẳng bao giờ nô lệ những kinh điển: họ chẳng bao giờ trọng những kinh Phật như là những quyển sách thiêng liêng quí báu. 
Tinh túy của đạo Phật Zen có thể thu gọn vào bốn câu sau đây: 
Ở ngoài kinh điển xa lìa truyền thống 
Không dựa vào những tiếng và những chữ 
Nhìn vào bản chất và đạt đến Phật tính 
Chỉ thẳng vào tâm thức con người. 
Những câu trên là những nguyên tắc của đạo Phật Zen và cắt nghĩa sự khác nhau giữa Zen và những tông phái Phật giáo khác.
Chú thích:
[1] Heidegger, Was ist Metaphysik (Frankfurt am Main; Verlag G. Schmete Bulme, 1931) 
[2] Heidegger, "Wom Wesen des Grundes" (Jahrbuch für Philosophie und Phänologische Forschung, Ergänzungsband, Halle, Niemeyer 1929). 
[3] Xem Heidegger, “The Essence of Truth”, bản dịch Anh trong quyển Existence and Being do Werner Brock giới thiệu và trình bày trong (trang 143-83) (Vision Press, London 1949). Trong thiên cảo luận “The Essence of Truth”, chúng ta thấy Heidegger định nghĩa “chân lý” theo nghĩa Hy lạp là Aletheia (sự lột màn) chứ không phải theo nghĩa thông thường La tinh là Veritas (chân lý theo nghĩa Veritas có nghĩa là xứng hợp tương ứng giữa vật và trí, rei và intellectus). Quan niệm Chân lý của Heidegger là lột trần màn để cho xuất hiện chân tính (Sein); nếu đem so sánh với tư tưởng Phật giáo thì sự lột màn Vô minh để cho xuất hiện Chân tính, tức là Phật tính. 
[4] D.T. Suzuki, “Satori, or Enlightenment” trong Zen Buddhism, Doubleday, N.Y. 1956, tr. 91 
[5] D.T. Suzuki, Buddhist Philosophy and its effects on the life and thought of the Japanese people, Kokusai, Bunka Shinkikai, 1963, tr. 4. 
[6] Cf. D.T. Suzuki, “Existentialism, Pragmatism and Zen” trong Zen Buddhism, Doubleday, N.Y. 1959, 269. 
[7] Cf. D.T. Suzuki, Essais sur le Bouddhisme Zen, Albin Michel, 1949-1943, tr. 21. 
[8] Martin Heidegger, Lettre sur l’humanisme, editions Montaigne Paris, 1957 
[9] So sánh nguyên tác: Man ist so erfüllt von “Logik” dass alles sogleich als verwerfliches Gegenteil verrechnet wird, was der gewohnten Schläfrigkeit des Meinens zuwider ist. Man wirft alles, was nicht bei dem bekannten und beliebten Postiven stehen bleibt, in die zuvor angelegte Grube der blossen Negation, die alles verneint, dadurch im Nichts endet und so den Nihilismus vollendet. Man lässt auf diesem logischen Weg alles in einem Nihilimus untergehen, den man sich mit Hilfe de Logik erfunden hat. 
[10] So sánh với nguyên tác: Aber weist denn das “Gegen” da sein Denken gegenüber dem gewöhnlich Gemeinten vorbringt, notwendig in die blosse Negation und in das Negative? Das geschieht nur dann und dann allerdings unvermeidlich und endgültig, das heisst ohne einen freien Ausblick auf anderes und von diesem her über den Bezirk der möglichen Entgegensetzungen zu ihm absolut und zugleich negativ entscheidet. In solchem Verfahren verbirgt sich die Weigerung, das vorgemeinte “Positive” samt der Position und der Opposition, in die es sich gerettet glaubt einer Besinnung auszusetzen. Man erweckt mit der ständigen Berufung auf das Denken ein, während man dem Denken abgeschworen hat.
Sài Gòn 25/4/1970
Phạm Công Thiện
Nguồn: http://www.talawas.org/
Theo http://www.vietnamvanhien.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...