Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Vẻ đẹp lãng mạn trong tác phẩm: Mảnh trăng cuối rừng

Vẻ đẹp lãng mạn trong tác phẩm:
Mảnh trăng cuối rừng

1- Vẻ đẹp lãng mạn?
Lãng mạn được hiểu theo nghĩa chiết tự là sóng tràn bờ, chỉ một sự phóng túng, tự do, vượt lên trên mọi ràng buộc. Tính chất lãng mạn là một thuộc tính thẩm mỹ biểu hiện chủ yếu ở chỗ vươn lên trên thực tại. Trong lịch sử sáng tác văn học, lãng mạn cùng với trữ tình là hai phạm trù: đối lập với lãng mạn là hiện thực, đối lập với trữ tình là tự sự. Trữ tình là kết quả của việc biểu hiện cảm xúc, tâm trạng chủ quan của con người, do phản ánh ước mơ và khát vọng của con người nên thường vươn lên trên thực tại. Vì vậy, trữ tình và lãng mạn dù khác nhau nhưng thường đi đôi với nhau.
Vẻ đẹp lãng mạn trong Mảnh trăng cuối rừng cũng bắt nguồn từ nguyên lý ấy. Ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, bên cạnh những cây bút miêu tả hiện thực dữ dội của cuộc kháng chiến, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã tìm một cách thể hiện mới hòa nhập với cảm hứng của văn chương thời chống Mỹ, đó là cảm hứng lãng mạn. Nguyễn Minh Châu đã tìm thấy chất thơ giữa đường đời khát khao cất cánh giữa trần trụi tàn khốc của chiến tranh, bay vào thế giới của mơ ước. Lấy điểm tựa là cảm hứng ấy, ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã tái hiện trong truyện của mình hình ảnh thiên nhiên, con người Việt Nam với vẻ đẹp lãng mạn phi thường, lý tưởng. Còn gì đẹp hơn giữa tuyến lửa Trường Sơn trong không gian rừng già u tịch diễn ra câu chuyện tình yêu chung thủy của một đôi trai gái chưa hề nhận mặt nhau. Trong cuộc chiến hủy diệt, chất ngọc con người luôn tỏa sáng, giữa chết chóc đạn bom tình yêu lứa đôi vẫn như sợi chỉ xanh óng ánh nối qua không gian và thời gian quấn riết làm thành mối tình bền chặt. Chính điều ấy tạo nên sự độc đáo của thiên truyện tạo ra sức hấp dẫn và ám ảnh. Vẻ đẹp lãng mạn trong Mảnh trăng cuối rừng đậm sắc màu lý tưởng nhưng nó vẫn hoàn toàn có thật, như bông hoa nở trên sa mạc như cánh diều bay cao vẫn gắn bó với mặt đất bằng một sợi dây. Nhà nghiên cứu N.I. Nicolin (Nga)  viết: “Nhà văn thời ấy đã khá triệt để trong việc thi vị hóa nhân vật. Đây vừa là chỗ mạnh của anh vừa là chỗ yếu: niềm tin vào chất bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, của cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã “tắm rửa sạch sẽ” các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”. (Lời bạt tập truyện Người đàn bà trong chuyến tàu tốc hành dịch sang tiếng Nga - NXB Cầu vồng, M.1987).
2- Biểu hiện của vẻ đẹp lãng mạn:
2.1.Trong tiêu đề truyện
Có thể nói ngay rằng tất cả các chi tiết của truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đều tham gia tạo lên một miền lãng mạn đầy chất thơ. Chất lãng mạn ấy lan tỏa ngay từ đầu thiên truyện ngay trong tiêu đề của truyện.
Truyện in trong tập "Những vùng trời khác nhau" ban đầu có tên là Mảnh trăng nhưng sau được chắp thêm hai chữ "cuối rừng" sự gia công đề tài truyện, thực sự đã tăng thêm tính lãng mạn vốn có của nó. Hình ảnh trăng được biểu hiện trong thi ca đa dạng; Trong những trường hợp trăng được gọi là vầng trăng thì thường biểu hiện sự tràn đầy viên mãn chỉ kết quả thành công: Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh đôi miệng một lời song song (Nguyễn Du - Kiều). Nguyễn Minh Châu dùng hình ảnh mảnh trăng, là gợi liên tưởng về trăng non đầu tháng tinh khôi. Mảnh trăng ấy chi phối cảnh vật, con người trong diễn biến toàn truyện. Mảnh trăng đồng thời là một ẩn dụ về nhân vật trong truyện, nhân vật Nguyệt một cô gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai xuất hiện giữa đêm rừng Trường sơn và mảnh trăng non đầu tháng giống như tình yêu của đôi trai gái, một mối tình đầu nhưng mới ở bước sơ khai nhen nhóm hứa hẹn và tương lai sẽ tròn đầy.
Trăng đầu tháng chưa thật trăng, giống cuộc gặp gỡ của đôi trai gái họ yêu nhau gặp nhau mà như không gặp chưa yêu. Hình ảnh của trăng theo thời gian sẽ tròn đầy còn hành trình tình yêu của họ cũng phải theo thời gian để kiến tạo thành kết quả. Truyện khép lại nhưng hình ảnh của lứa đôi này và cuộc tình của họ chưa chấm dứt, nó vẫn vận động dư ba nơi miền tưởng tượng tạo ra sự thăng hoa lãng mạn.
Hình ảnh cuối rừng gợi một không gian khuất lấp quên lãng hoang vắng; nhưng chính ở nơi đó, mảnh trăng vẫn lặng lẽ tồn tại và tỏa sáng. Đó chính là thông điệp mà Nguyễn Minh Châu gửi tới người đọc: cái đẹp tâm hồn luôn tồn tại trong mọi không gian, hoàn cảnh, mà con người không tự nhận biết được. Và vẻ đẹp ấy ở đây chính là sức sống bền bỉ dẻo dai ẩn khuất trong con người bất chấp sự hung bạo của hoàn cảnh.
Vì lẽ đó mà Mảnh trăng cuối rừng trở thành bài thơ giàu vẻ đẹp ẩn dụ, Mảnh trăng ấy luôn soi vào câu chuyện, tỏa ánh sáng thơ mộng xuống cảnh sắc, con người và diễn biến của truyện.
2.2. Một khung cảnh thiên nhiên đầy lãng mạn 
Trước hết truyện xảy ra trong một khung cảnh thiên nhiên đầy lãng mạn. Khung cảnh nổi bật được nhà văn chọn lựa là đêm trăng đẹp giữa núi rừng. Đây là là bối cảnh tiêu biểu của những câu truyện tình yêu. Tác giả đã vẩy hồn mình vào thiên nhiên để tạo dựng một không gian trăng huyền ảo; mà ở đó tất cả cảnh vật đều nhuốm chất thơ và mộng. Trên cái phông lãng mạn ấy, đôi trai gái hẹn hò và đi bên nhau giữa miền thần tiên thoát tục. Đây là những cảnh được miêu tả và qua đó thiên nhiên sống dậy bằng tiết tấu dìu dặt, đường nét mềm mại, ánh sáng êm dịu ảo mộng: Gió tây nam xào xạc trên những chỏm rừng; Sương mù đùn ra như sữa thỉnh thoảng từ thung lũng vang lên một tiếng chim mơ hồ; Xe trôi trong sương bồng bềnh dưới trăng thanh… Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp trong không gian yên tĩnh huyền bí tràn ngập chất trữ tình tạo dựng khung cảnh cho một cuộc tình thánh thiện xuất hiện. Nổi bật nhất là hình ảnh trăng; Trăng được miêu tả nhiều góc độ, nhiều thời điểm và từ đó nguồn sáng ánh trăng tỏa ra, tạo nên một khí quyển riêng của truyện. Ban đầu trăng xuất hiện là một mảnh trăng nhợt nhạt xanh lét tái tê, có lúc trăng tinh nghịch, thấm nhiễm vào màn sương… Nhưng vẻ đẹp lãng mạn bừng sáng dưới trăng được biểu hiện nơi đoạn văn miêu tả trăng ùa vào buồng lái. Trăng làm hình ảnh người rạng rỡ, vẻ đẹp tự nhiên thánh thiện của Nguyệt hiện dậy, khuôn mặt cô lồng đầy bóng trăng, từng sợi tóc của cô sáng lên. Và trong không gian rộng bao la của đêm rừng hỏa tuyến, trăng tỏa xuống thắp sáng đêm trên con đường xe chạy…
Nhà văn đã tái hiện được khung cảnh truyện tràn đầy chất thơ và phần lung linh nhất của nó là ánh trăng non nguyên sơ thanh khiết. Đắm mình trong khung cảnh ấy người đọc thấy hiện thực khốc liệt chết chóc bị đẩy lùi. Hiện lên trên trang văn là cả thế giới thiên nhiên trường sơn hoang sơ tinh khiết huyền bí thơ mộng. Sức sống bất diệt thiên nhiên không thể bị lụi tàn trước sức mạnh của hủy diệt, nó tồn tại phô bày vẻ đẹp thơ mộng của mình trước thời gian đó phải chăng là ẩn ý của ngòi bút Nguyễn Minh Châu? Sức sống và sự thơ mộng ấy cũng chính là vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên nó hoàn toàn không phải là cảnh trí siêu thoát trên cõi thần tiên mà ngược lại nó rất thực mà trái tim Nguyễn Minh Châu cảm nhận. Chính điều ấy tạo ra sự độc đáo của truyện ngắn này; bởi một sự thật khi viết về đề tài chiến tranh sự đau thương thường lấn át niềm vui, sự tàn khốc bao phủ sự lãng mạn. Nhưng niềm vui không chết, và vẻ đẹp lãng mạn vẫn trường tồn như thực tiễn. Điều khác biệt chính là thế giới quan của tác giả có tìm đến và tâm hồn của nhà văn có rung cảm đồng điệu nhập vào với những yếu tố đó để hình thành tác phẩm hay không mà thôi.
2.3. Vẻ đẹp lãng mạn của nhân vật trung tâm truyện
Với kết cấu trùng phức hai câu chuyện song song, nhưng Nguyễn Minh Châu tập trung bút lực xây dựng nhân vật trung tâm của tác phẩm, Nguyệt - mảnh trăng, là chủ đạo. Nhân vật trung tâm này với vẻ đẹp lý tưởng trở thành yếu tố quyết định tính chất lãng mạn của toàn bộ thiên truyện.
Vẻ lãng mạn của nhân vật bắt đầu từ miêu tả ngoại hình.
Cô gái xuất hiện trong khung cảnh là rừng núi hoang sơ, là con đường ra mặt trận đầy mưa bom bão đạn… Nguyệt xuất hiện trong khung cảnh ấy như sự tương phản. Cô gái xinh đẹp trang phục đời thường giống như một sự lạc lõng trước hiện thực. Dưới ngòi bút của tác giả, Nguyệt hiện lên là cô gái đẹp, dáng người dỏng cao giọng trong trẻo cứng cáp, đôi mắt đen lánh sâu thẳm, mái tóc dày và trẻ trung. Ngay cả những chi tiết dễ quên cũng không bị bỏ sót, nó hiện dậy qua miêu tả với chủ đích rõ ràng: đôi gót chân hồng, đôi dép cao su sạch sẽ, quần lụa chấm mắt cá.
Đó là bức chân dung thiếu nữ toát lên vẻ đẹp thanh xuân, Nguyệt như người yêu đi gặp người yêu nơi một địa chỉ hẹn hò tình tứ, giữa khung cảnh thời bình. Đặt nhân vật trong bối cảnh hiện thực mới thấy hết vẻ lãng mạn của của nó; Bom đạn chết chóc bất lực hoàn toàn trước sức sống của con người. Hành động của nhân vật, trái tim của tuổi trẻ, vượt lên thách thức của sự tàn bạo thảm khốc. Ung dung sống, ngẩng cao đầu để sống, và bom đạn không hủy diệt được khát vọng tình yêu tuổi trẻ.
Vẻ đẹp trong tính cách của nhân vật
Vẻ đẹp của Nguyệt không chỉ dừng lại ở ngoại hình, dưới ngòi bút Nguyễn Minh Châu, Nguyệt mang vẻ đẹp hoàn thiện. Ngay trong đoạn dẫn truyện, nhân vật còn ở trong thùng xe tối, Lãm chỉ nghe giọng nói trong trẻo tinh nghịch và cứng cáp của Nguyệt cũng mơ hồ cảm nhận phẩm chất bên trong của người con gái anh sắp gặp: rất nữ tính và đồng thời cũng rất cứng cỏi.
Tác giả để nhân vật xuất hiện dần, rồi trở thành hoàn thiện qua con mắt quan sát của Lãm, dưới các vùng ánh sáng khác nhau. Ban đầu dưới ngon đèn tù mù đèn xe, là hình ảnh gót chân người đẹp; tiếp đến là Nguyệt dưới không gian trăng với hình thể toàn diện, đường nét mái tóc mềm mại…
Trước sau Nguyệt không hề bị bom đạn làm cho tính cách biến dạng, ngôn ngữ, cử chỉ hành động của Nguyệt đều rất ý tứ nết na và duyên dáng. Cái phẩm hạnh của người con gái Việt không hề bị tha hóa, ngược lại nó trở lên bền vững hơn và cứng cỏi trong thử thách.
Đặc biệt niềm tin của Nguyệt vào tình yêu vô cùng trong sáng. Nguyệt và Lãm chưa hề biết nhau chưa hề đính ước, Nguyệt tự nguyện gắn bó thủy chung với mối tình đầu. Và như sự kỳ diệu, ở Nguyệt lòng thủy chung như một ngọn lửa vĩnh cửu. Nó luôn cháy nóng trong mọi không gian và tỏa sáng ngay cả trong những đêm chết chiến trường. Nó không hề thay đổi dù nắng mưa đời thường năm tháng và đạn bom ác liệt của quân thù: “Tôi đứng bên bờ sông giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá những cái quý giá đó chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?”. Sợi chỉ xanh óng ánh mà Nguyễn Minh Châu nói tới đó là sự sống bất diệt, tình yêu thách thức tử thần.
Vẻ đẹp của Nguyệt hiện lên hai phương diện với tư cách người tình, Nguyệt là người yêu lý tưởng với tư cách cuộc sống, Nguyệt hiện lên trong lửa đạn với vẻ đẹp chói sáng anh dũng. Với sự can đảm kiên cường trong trận mạc, dày dạn kinh nghiệm nơi chiến trường, Nguyệt đã là một người lính gan góc. Cái phẩm chất chiến sĩ và trái tim thơ của Nguyệt đã được miêu tả qua nhiều chi tiết từ phát hiện ra trăng không phải pháo sáng; hiểu quy luật hoạt động của máy bay, sự táo bạo thông minh hoa tiêu cho xe Lãm vượt hố bom; rồi dũng cảm che chắn cho đồng đội lúc bom rơi, lao ra cứu xe… Những tình tiết ấy hợp nhất lại thành Nguyệt, một chiến sĩ và một thiếu nữ khao khát yêu thương, nó giống như hai sinh thể tách rời mà lại sát nhập làm một hiển hiện trong cuộc sống chiến đấu một thời. Chính điều này đã tạo ra dư ba của bài ca lãng mạn.
Bởi vậy, khi trăng đã lặn Nguyệt về ngầm, thì Nguyệt đã nằm trong vùng sáng tình yêu nơi trái tim Lãm đồng thời Nguyệt là nguồn ánh sáng tươi mát làm cho chính trái tim Lãm bừng lên ánh sáng óng ánh tình yêu.
Sẽ thiếu đi nếu không nhắc đến hai nhân vật Nguyệt; một cô Nguyệt anh hùng hy sinh, một chị Nguyệt dũng cảm thẳng thắn. Họ cùng với Nguyệt thành ba mảnh trăng ghép lại: một đã lặn, một đang ở độ xế tà và Nguyệt nhân vật trung tâm chính là vầng trăng đang lên lấp lánh suốt chiều dài tỏa sáng không gian truyện. Đó là những vầng trăng tâm hồn con người cứ kế tiếp nhau tỏa sáng bền bỉ và vĩnh hằng mang theo ước mơ khát vọng của con người, dù cuộc sống cam go, dù bên bờ cái chết.
Ý nghĩa của truyện 
Truyện ngắn này đã được đưa vào nhiều tuyển tập truyện ngắn Việt Nam, đã được nhà nghiên cứu N.I. Nicolin (Nga) giới thiệu trong bài “Cuộc chiến tranh giải phóng và truyện ngắn Việt Nam hiện đại” (Tạp chí các dân tộc Á Phi, tháng 4 năm 1973), điều này nói lên sự thành công của tác phẩm. Trong giai đoạn văn học đầy máu lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mảnh trăng cuối rừng là một trong số không nhiều tác phẩm cùng thời tách ra làm thành một tình khúc trong bầu trời đầy tiếng súng. Cũng đã từng có quan điểm cho rằng Nguyễn Minh Châu đã “thi vị hóa” cuộc chiến tranh vốn tàn khốc; nhưng rất tiếc những gì tác giả dựng dậy lại là sự thật tồn tại mà ông thu được từ một góc nhìn. Cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta chưa chắc đã thành công nếu con người Việt nam không có trái tim lãng mạn để bay qua cõi chết, để thủy chung bên bờ vực thẳm, để nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp của quê hương ngay khi tổ quốc bao trùm bóng đêm bi thảm.
Nguyệt - Mảnh trăng cuối rừng ấy, là biểu tượng của tuổi trẻ một thời hiến dâng tuổi xuân cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngợi ca nhân vật của mình ngòi bút nhà văn ngợi ca chính những con người mới mang trong mình lẽ sống lý tưởng trong sáng. Mối tình Nguyệt Lãm trong truyện là tình yêu lý tưởng, nó là tiếng nói khẳng định tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống chiến đấu của lớp trẻ. Tình yêu ấy như một sức mạnh lớn lao không gì tàn phá nổi. Hai lần nghĩ của Lãm về tình yêu như một phép điệp quen thuộc, làm nổi rõ một vấn đề day dứt  của con người giữa thời kỳ lịch sử bi thương: "trong tâm hồn người con gái nhỏ bé tình yêu niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không thể nào tàn phá nổi cũng không hề đứt ư?"
Toàn bộ truyện là câu trả lời đáp lại: đó là tình yêu và niềm tin mãnh liệt cao cả của những con người như Nguyệt nói riêng và dân tộc nói chung trong giai đoạn lịch sử đầy máu lửa đã thách thức cái chết, vượt lên sự hủy diệt để sống và chiến thắng.
Tháng 10/2012
Theo http://c3nguyenkhuyenhp.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...