Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Một lẽ sống uyên thâm qua tuyệt tác "Ngồi một mình ở núi Kính Đình"

Một lẽ sống uyên thâm qua tuyệt tác
"Ngồi một mình ở núi Kính Đình"

Một lẽ sống uyên thâm qua tuyệt tác “Ngồi một mình ở núi Kính Đình”
Thiết nghĩ, ngày nay chúng ta làm thơ Đường, chủ yếu là mô phỏng hình thức của nó thôi. Chứ cái nội dung tư tưởng, cái hồn của thơ Đường phải là nhân cách Đạo Đức vô thường, siêu thượng dựa trên một triết lý rất uyên áo của Đạo và Phật. Khốn nỗi, đây lại là hai thứ con người hiện đại sùng bái vật chất và kỹ thuật Tây phương đã bài xích và gọi là "mê tín”.
Thi Tiên Lý Bạch viết cả chục ngàn bài thơ, người sau tìm lại ngót nghét chưa tới ngàn. Hầu như bài nào cũng là tuyệt tác. Đời một thi nhân chỉ cần để lại 20 chữ như thế này thôi cũng đã thành bất tử. Để hiểu bài thơ Ngồi một mình ở núi Kính Đình dưới đây, trước hết chúng ta hãy xem Khổng Tử bàn về ẩn dụ của Nước, của Núi. Và ở đây họ Lý lại đang muốn mình là núi. Mà lại là núi Kính Đình - dừng lại, không xê dịch (ĐÌNH) để cho người đời chiêm vọng (KÍNH). Hãy đọc Khổng Tử để hiểu thêm về Thi Tiên Lý Bạch nhé!
Một lần nọ, Khổng Tử nói với học sinh của mình:
“Người thông minh thì yêu thích nước, người nhân đức thì yêu thích núi. Người thông minh tính cách cũng hoạt bát giống như nước, người nhân đức cũng an tĩnh giống như núi. Người thông minh sống vui sướng, người nhân đức được trường thọ”.
Tử Trương hỏi Khổng Tử: “Tại sao người nhân đức lại vui thích khi nhìn thấy núi?”.
Khổng Tử đáp:
“Núi thì cao lớn nguy nga. Tại sao người nhân đức vui khi nhìn thấy nó vậy? Đó là bởi vì trên núi cỏ cây sum suê, chim thú từng bầy, những thứ mọi người cần thiết đều từ núi sản xuất ra, hơn nữa lấy mãi không cùng, dùng mãi không hết, vậy mà nó không lấy lại của người ta thứ gì, người bốn phương lên núi tìm kiếm những gì họ cần, núi đều khảng khái ban cho.
Núi còn dấy lên sấm gió, làm ra mây mưa để quán thông trời đất, khiến hai khí âm dương được điều hòa, nhỏ sương ngọt ban ân huệ cho vạn vật, vạn vật vì thế có thể sinh trưởng, nhân dân vì thế được no ấm. Đây chính là nguyên nhân vì sao người nhân đức vui khi nhìn thấy núi”.
Tử Cống hỏi: “Tại sao người trí tuệ vui khi nhìn thấy nước?”.
Khổng Tử trả lời:
“Nước, nó tự nhiên. Giống như đức tốt của con người, nó chảy từ cao xuống thấp, uốn lượn quanh co nhưng lại có phương hướng nhất định; nó giống như chính nghĩa, mãnh liệt mênh mông không bờ bến, cho dù rơi xuống vực sâu muôn trượng cũng không chút sợ hãi. Nó mềm mỏng, nhưng không có gì không thấu suốt, vạn vật nhập vào xuất ra nó mà biến thành tinh khiết tươi mới, giống như giỏi việc giáo dục và cảm hóa, đây chẳng phải là phẩm cách của người trí tuệ sao?”.
“Người nhân đức vui với núi, người trí tuệ vui với nước” (Nhân giả nhạc sơn, trí giả nhạc thủy) là luận thuật kinh điển của nhà Nho trong văn hóa Thần truyền.
Người xưa  lấy sự “cho đi và không cầu đáp trả” tượng trưng cho đức hạnh của người nhân đức. Lấy sự “mềm mỏng nhưng không gì không thấu suốt” tượng trưng cho phẩm cách của người trí tuệ.
獨坐敬亭山 
眾鳥高飛盡,
孤雲獨去閒。
相看兩不厭,
只有敬亭山。
Độc tọa Kính Đình sơn 
(Lý Bạch)
Chúng điểu cao phi tận,
Cô vân độc khứ nhàn.
Tương khan lưỡng bất yếm,
Chỉ hữu Kính Đình sơn.
Dịch nghĩa:  
Ngồi một mình ở núi Kính Đình
Bầy chim bay đi hết,
Đám mây lẻ một mình lững lờ.
Nhìn nhau mãi không chán,
Chỉ có núi Kính Đình.
Dịch thơ:
Bầy chim một loạt cao bay,
Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình.
Trông nhau có vẻ hữu tình,
Họa chăng có núi Kính Đình với ta.
(Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hóa thông tin, 1995).
25/3/2021
La Vinh
Theo http://nhabup.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...