Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Tây, ta, đàn bà

Tây, ta, đàn bà

Đàn bà là vết chém ở tim tôi. Kia kìa chúng đông quá. Váy nườm nượp đi giăng hàng. Chúng bước vào sân nhà thờ họ tôi. Có cả đàn bà họ Đào Đình, họ vợ tôi. Dẫu tôi ghét họ ngoại “lắm đĩ, nhiều sĩ”, nhưng hôm nay phải công nhận, bên ngoại chúng nó vẫn đẹp, đàn bà trắng phau, vú chổng ngược như những cái bình sứ. Lại hình như có cả thằng con lai của tôi, đúng nó rồi, nó kia, cao lòng khòng, gầy yếu; đeo ba lô, râu rối và sơ như một nhúm giẻ, thì năm nay nó đã ngót bảy mươi rồi còn gì. Trong rạp, những con mắt hướng cả ra ngõ. Đang ồn ào bỗng lặng phắc. 
Người đứng như cọc cắm. Người ngồi như cóc há miệng ngạc nhiên khi thấy cái thằng khốn ấy đi từng bước nặng nề, chậm chạp vào sân. Tôi để ý thấy một giàn đỏ rực huân chương, mặt mũi họ vâm vâm. Đặc trưng của cái họ Lê Vũ nhà tôi là lúc nào cũng mím môi, nghiêm lệnh, mắt ngùn ngụt, cằm râu thưa, đại đa số râu đen, có vài cụ từng làm vệ quốc quân râu trắng phơ như những bông hoa lau. Thằng con lai, cái thằng mất dạy, con đẻ của thực dân đế quốc, cái thằng khốn nạn, trời không dung, đất không tha, sao nó lại còn sống, sao nó lại tìm được về đây nhỉ, sao nó lại dám vác mặt đến họ Lê Vũ nhà tôi? Khốn nạn! Khốn nạn! Nó làm ra bộ lễ độ lắm. Đầu cúi, tay chắp đến từng cụ cựu binh nó vái, trong khi vái, nó vẫn đeo ba lô, người cao gần chạm nóc rạp nên cứ phải gập gãy xuống để vái cho được vào các cụ. Có cụ nó vái đến mấy vái liền nhưng vẫn ngồi lặng ngắt như những bộ cốt hóa thạch. Hừ, mày giả bộ ngoan ngoãn lắm, nhưng cái họ nhà ông là họ sắt đá, đừng hòng!
Nhưng mà, tôi không thể chịu nổi khi bọn đàn bà bên ngoại cứ ríu rít cả lên, cũng chắp tay vái các cụ, trong khi vú chúng chổng gần mũi các cụ quá. Một đứa con gái đội lễ, có cái dáng rất giống vợ tôi thời trẻ, tay ngà, cổ nõn, mâm lễ rung rinh. Giống lắm, giống như đúc, hay chính nó là con hùm vồ, vợ tôi? Tôi toan lao xuống tát cho một trận rồi dúi đầu vào tường hỏi tội, nhưng chợt nhớ ra, tôi chỉ là một linh hồn, một thứ lơ lửng trong thế gian. Vả lại, vợ tôi đã chết từ ngày ấy, lâu lắm.
Con vợ tôi, nỗi khổ tâm của tôi, nỗi hận thù của tôi, nỗi thèm khát của tôi. Nó làm tôi chết điên, chết dại, nó làm tôi khổ sở đau đớn nhưng cũng mang lại cho tôi những sung sướng tê dại kiếp người. Ôi, cái con đĩ ấy, nó đày ải tâm tưởng tôi đến lúc chết, chết rồi, chỉ còn là một thứ siêu linh huyền hồ, nó vẫn gí vú vào miệng tôi trong những giấc mơ, khiến tôi chết thêm nhiều lần nữa!
Tôi đã bay đi tìm nó. Hồn người chết chật ních tới mấy tầng trời thẳm. Hằng hà sa số là hồn người chết, kêu khóc, hùng hổ, điên loạn, kể lể, hú hét đòi trả thù, đòi về cõi nhân gian. Tiếng oan, tiếng nấc, tiếng gào thấu ruột. Tôi đã tìm nó. Đến đâu cũng hỏi cái con đàn bà cổ nõn, vú chổng ngược, mặt mũi như trăng. Có kẻ cười. Có kẻ nhổ. Có kẻ rút dao. Có kẻ khinh khỉnh. Có kẻ đem đến một cái thòng lọng định treo cổ tôi lên. Không! Tôi đi tìm vợ tôi! Tôi hét lên như thế. Ân ái với nhau chán ra ở cõi thế gian, chết rồi vẫn muốn sờ một tí, bố khỉ! Thú thực, tôi chỉ muốn hỏi tội nó! Tội gì cơ chứ, chết là hết, đồ ngựa đực!
Nghe chừng cuộc ẩu đả có thể xảy ra đến nơi thì một con đàn bà đứng cạnh, cao như con sếu giời, đầu nhọn hoắt, môi đỏ choét nắm tay tôi bảo, đi theo em! Tôi đi. Ngoài cái “cổ nõn, vú chổng ngược”, chị vợ anh còn đặc điểm gì nữa? - Con sếu hỏi. Lưng oặt oại! - Tôi trả lời. Đẹp thế mà lưng oặt oại? Anh có dở hơi không đấy? Con sếu chất vấn, quệt ngón tay vào má tôi. Đàn bà là chúa tể của sự khôn khéo. Tôi nói thật rằng đã đánh vợ bằng đòn gánh. Nó bảo, thù hận nặng đấy, chỉ bao giờ anh bớt thù hận thì mới gặp nhau được!
Một tiếng nổ lớn. Tôi bịt tai chạy. Con sếu cũng quáng quàng chạy. Đến cái cõi vô thiên vô địa này mà vẫn còn chiến tranh à? Tôi hét lên, hỏi những người qua đường đang cuống cuồng chạy.
Lạ! Thật ra tiếng nổ ở cõi này không lớn bằng tiếng nổ ở cõi nhân gian, mùi khét cũng không bằng. Chả ăn thua gì so với cái trận chúng tôi đọ sức với bọn Com - măng - đô còn oách đến thế nào ấy chứ! Nói “đọ sức” nhưng thực ra trong các cuộc càn của giặc, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ “đòm đòm” mấy phát súng trường nhử giặc vào bãi chông mìn. Nhưng hôm ấy, cả đến mấy tiểu đoàn giặc đổ đạn vào làng, vây bọc chúng tôi. Thú thực, tôi không lo gì tính mạng của mình và cả mấy thằng bạn du kích bằng việc lo cho con vợ tôi. Vợ mới cưới, thích bỏ bố đi ấy. Cứ hu hú như miếng mọc lúc nào cũng muốn cắn. Tôi không dám cho vợ chạy tản cư, sợ phức tạp. Khi tổ “tam tam chế” của chúng tôi “đòm đòm” xong thì ai về hầm ấy. Riêng tôi, công theo cả vợ xuống hầm. Hầm bem chật. Nhưng tôi lại thích nhét thêm vợ. Càng chật càng thích. Vợ tôi cũng thích. Mặc cho trên nóc hầm, bọn giặc đổ đạn như mưa, chúng tôi dính vào nhau. Ỡm ờ, tôi hỏi vợ, nhỡ chết thì có còn sướng không? Vợ, còn chứ, chết thì làm hai con ma quắp lấy nhau. Nàng máu phải biết, mỗi lần lên cơn thượng đỉnh, nàng ưỡn cong, kẹp tôi vào ván đất ở phía trên hầm đến tắc thở. Tôi kêu, vừa vừa thôi! Nàng, ai bảo cứ nói đến cái chết!
Đấy là những lần trước, còn lần này, bọn Com măng đô thiện chiến ập vào làng rất nhanh. Nhanh đến nỗi, tôi vừa cho vợ xuống hầm quay lên thì chúng đã lộp cộp vào đến sân. Cuống cuồng, tôi liều mạng lao lên gác xép. Gọi là gác xép nhưng thực ra chỉ là một cái nơi tối tăm, ẩm ướt, gạc mấy khúc tre, đựng đầy quần áo tã rách, chiếu nát, nồi niêu, chống hoác, dinh lũy của đám mối mọt, gián rết. Có lẽ trông cái tổ đỉa quá đơn sơ như thế nên bọn giặc không thể ngờ có một thằng du kích mang lựu đạn nằm trong đó...
Lúc này.
Ở sân nhà thờ tổ, cuộc tế đang được sắp xếp để chuẩn bị hành lễ. Phía cuối đàn lễ, la liệt chiếu ngồi của cánh đàn bà. Chúng chắp tay, rồng rềnh, nịt đít. Có đến vài chục cái đít nứt ra trông rất chướng. Thoắt cái, giàn huân chương đỏ rực biến đâu hết chỉ còn những chiếc áo tế lụng thụng chùm vào các bộ xương hóa thạch đủn râu trắng xóa. Tiếng quát. Tiếng gọi. Tiếng cheng cheng. Tiếng bung bung loạn xạ. Cuộc tế sai bét. Xướng tế một đằng, hành lễ một nẻo. Thế nên phải đánh trống lấp. Thế nên phải tế lại. Viên thông xướng nâng tay, phồng má hét: “Chủ tế viên tựu vị!”. Tức thì có một cây người mang áo thụng đỏ oai phong, rộng rệnh bước ra, vừa bước vừa nhún, hắt cái hia tía ngũ sắc. Bỗng ông dừng lại, quay ra nhoay nhoáy hiệu cho cánh bồi tế. Cánh bồi tế chạy như chạy loạn ra chỗ cánh đàn bà ngồi: “Ông kia! Cụ tôi bảo ông ra ngay cho!”. Thì ra thằng con lai của tôi ngồi lẫn vào cánh đàn bà từ lúc nào. Nó run rẩy, mếu máo vái vào cánh bồi tế: “Thưa ông, ông làm ơn nói với cụ cho tôi ngồi mép chiếu!”. “Mép chiếu cũng không được! A lê! Ra ngay!”. Thế cũng hả. Mày còn đòi ngồi vào mép chiếu họ Lê Vũ nhà tao thì còn nề nếp, gia phong gì nữa. Kể như ngày trước, tôi đã “phằng phằng”. Ngày trước, cái ngày tôi như một con chiến mã trong chiến trận, thế mà chỉ vì quá vội khi giặc ập vào, tôi không kịp cải trang một cách chu đáo nên chúng phát hiện được nắp hầm nơi có vợ tôi nằm bên dưới. Không khó khăn là mấy, chúng lôi vợ tôi lên. Qua kẽ hở hiếm hoi, hẹp như một đường chỉ, tôi chỉ thấy thấp thoáng cảnh bên dưới. Vợ tôi kia. Tóc rũ rượi. Mờ tỏ cái cổ nõn và hình như một bên vai áo bị rách toạc nên làn da trắng cứ bềnh lên giữa đám Tây bâu lại như ruồi. Không thấy tiếng vợ tôi. Cửa mở toang. Một thằng cao gần chạm gác xép bước vào. Có thể đó là thằng sĩ quan nên bọn kia giãn ra. Từ trên nhìn xuống, tôi chỉ thấy một rổ tóc nghiêng ngả như cái nấm màu vàng và cố lắm mới thấy cái mũi cầng cậc thõng xuống bộ râu ngô rậm rạp. Bỗng hai tiếng nổ chói tai liên tiếp cắm vào cái gác xép nơi tôi nằm. Thằng Tây vừa bắn kiểm tra nơi nó nghi ngờ. Viên đạn thứ nhất xé đám rẻ rách dưới chân tôi. Viên thứ hai, vô tình thằng Tây đã khoét một lỗ thủng vừa vặn để tôi có thể mục kích cảnh tượng bên dưới.
Cái đống người ầm ù của thằng Tây bắt đầu ngúc nghích, chuyển động. Nó bước ngắn trong khi mấy thằng túc vệ đã tháo hai cánh cửa nhà tôi ghép lại. Nó đã đến rất gần vợ tôi. Vợ tôi vẫn đứng, không hề lay chuyển. Giá tôi có một khẩu súng. Nhưng trời đất, cây súng trường đã không còn một viên đạn và tôi đã vứt nó xuống ao. Trong tay tôi chỉ còn một quả lựu đạn. Nó giật tóc kéo ngửa vợ tôi và chồm lên như một con thú. Lạ, vợ tôi vẫn không hề chống cự, đến một tiếng chửi cũng không, trong khi cả thân hình gần như bị vùi lấp dưới một đụn cơ bắp ngòn ngòn. Một đỏ, một trắng. Những thớ thịt của thằng trâu dái réo lên, căng cúa, nghiêng ngả, đùn đẩy, nghiến ngấu. Tiếng cánh cửa ghép rên lên ken két. Mẹ kiếp! Đời này, đã thằng đàn ông nào nhìn thấy cảnh vợ mình bị hiếp chưa? Máu uất dồn lên tận cổ. Tôi cố cắn răng nghe tiếng cánh cửa nghiến như một thách thức sự chịu đựng. Lần lần, tôi nắm lấy quả lựu đạn. Manh động! Quả lựu đạn sẽ giết cả vợ tôi và không loại trừ giết cả tôi nếu tôi bị bắt. Tôi gục đầu, nhắm mắt định buông xuôi tất cả. Nhưng khi cái cánh cửa chuyển thành tiếng răng rắc liên hồi thì tôi xiết lấy quả lựu đạn!
Trời đất! Tôi không thể nhìn nhầm khi thấy cả một núi thịt của thằng quỷ bị phía dưới đẩy dềnh lên từng chặp. Thằng sa tăng! Con dâm phụ! Hỡi sấm sét! Hỡi thần linh! Hãy chu diệt! Con vợ tôi hứng tình. Con vợ tôi chỉ là một thứ đĩ. Không thể hèn hạ hơn được nữa, tôi vừa đưa ngón tay vào chốt lựu đạn thì ngay lúc ấy từ đầu làng dội lại một tiếng nổ lọng óc. Quả mìn của chúng tôi đã nổ. Cuống cuồng, bọn giặc lao ra ngoài…
Giá tôi kịp quăng quả lựu đạn ấy? Giá tôi giết cả tôi nữa, còn hơn để con vợ tôi sống. Nó mang thai. Nó nhởn nhơ mang thai. Nó nhún nhảy mang thai. Nó chòng chành mang thai. Cái thai của thằng thực dân tanh tưởi. Và một ngày thằng con thực dân đạp cửa bát nhã vợ tôi rơi ra. Nó ọ ẹ khóc. Nó đái vọt cầu vồng. Tóc vàng khé, xoăn tít. Mũi thây lẩy, cà rắn câng. Quả thực, nó đẹp đến không ngờ. Tại sao nó lại xinh tròn, bụ bẫm đến vậy được chứ? Tại sao cái con vợ tôi lại có thể hòa hợp với thằng thực dân đốn mạt? Chúng hiếp vợ tôi đã đành, ngay hôm ấy túc hạ của chúng cũng đè ngửa mấy người đàn bà trong làng, kể cả vợ một ông râu hoa lau ngồi kia. Quả thực, súng đạn giết người của thằng thực dân cũng chẳng ra cái cóc khô gì so với việc chúng lột quần những đàn bà An Nam nõn nuột. Cái súng ấy mới là súng vì nó sỉ nhục và xóa sổ một vương quốc như bỡn! Nó từng rêu rao dội trên mặt đất từng suối văn minh. Mẹ, nó dội trên mặt đất từng “suối đàn ông” thì có!
Cả họ túm tóc tôi đay nghiến về cái việc tôi nuôi một thằng lai. Hơn một lần uất quá, tôi định hành sự, chỉ cần một cái chịt cổ, nghiến răng, xong! Nhưng cái thằng người trong tôi rất tồi tàn, hèn nhát, cứ đưa tay ra là cả người tôi run bắn lên.
Khốn nạn, thằng bé đẹp như một thiên sứ cứ lớn vổng lên. Điều tệ hại hơn, con vợ tôi lại hám đứa con lai. Nó vừa khóc vừa bảo tôi, tội tình lắm, anh giết tôi thì giết chứ anh đừng hắt hủi một đứa trẻ, nó biết gì đâu, nó mà chết thì tôi cũng chết! Tôi điên lên, ngày ấy tôi làm nhiệm vụ thám thính chuẩn bị cho việc công đồn. Tôi thường dùng mã tấu để chặt kẻ địch, tức là chặt người. Tôi đã không còn ghê tay khi làm điều ấy, vậy mà với thằng thực dân trong tay vợ tôi, tôi lại chịu bó tay?
Đến một lần, sau một cuộc đụng độ cực kì căng thẳng, con vợ tôi chua ngoa vỗ bẹn: Tao thách đấy! Thật không? Tôi rút mã tấu. Nó bế thằng lai đứng thẳng. Trong tôi, lúc ấy như có ngàn con ngựa chạy, máu giận sôi lên, tôi xiết thanh mã tấu đến chảy máu. Nhưng con khốn nạn, với hai cổ tay ngà vẫn ôm riết thằng nhóc trắng hồng mũm mĩm xoay về phía thanh mã tấu sáng lóe. Tôi nghiến răng lấy sức mạnh, nhưng khi vung thanh mã tấu lên thì hụt tay, thanh mã tấu rơi đánh xoảng.
Được thể, con vợ tôi nhơn nhơn. Tôi tát vào cái má hồng mọng như một thứ quả chín đã từng làm tôi mê mếch. Càng tát, nó càng vênh cái má mận chín lên thách thức. Tôi càng điên. Cứ thế, tôi tát liên hồi. Máu ghen, máu uất cùng xối xả. Tôi đã ghen đến tột cùng. Bốp! Bốp! Con vợ tôi kiêu cái cổ ngấn, chìa cái má trời nặn cho tôi tát. Tôi tát đến mỏi tay vẫn chưa hả. Nó vẫn ẵm chặt thằng con lai, âu yếm và bảo vệ nó để nhận lấy những cái tát trời giáng. Tôi đã thật khổ sở khi hành hạ một con đĩ đẹp để được một câu hỗn xược của nó ném vào mặt tôi. Thuận tay, tôi rút cái đòn gánh. Hình như sợ chiếc đòn gánh sẽ làm tổn thương đến đứa con lai, nó đã thun cổ, khom lưng chạy, trong khi chạy, nó vẫn cố sức chiềng lưng ra để che chở cho con. Nhưng nó đã không thể thoát khi chiếc đòn gánh bổ thượng một nhát khủng khiếp! Nó bật ngửa. Đứa con bắn ra. Hình như có một bà lão ở đâu đó lao ra bế đứa bé chạy.
Phía dưới bỗng xôn xao làm tôi giật mình và bàng hoàng khi nghe ra câu chuyện, thằng con lai muốn ra viếng mộ người cha dượng.
A, mi ra thăm mộ ta!
Tôi không hiểu tại sao nó lại nghĩ ra cái trò giả nhân giả nghĩa ấy? Nó xốc ba lô. Cái ba lô nó vẫn giữ khư khư trên lưng từ lúc bước chân vào sân nhà thờ họ. Cái ba lô rắn câng, cồng kềnh, khả nghi lắm. Thằng giòi bọ này, chớ coi thường! Có thể sau này, nó đã biết mọi chuyện bởi lúc chiếc đòn gánh giáng xuống lưng mẹ nó, nó mới chưa đầy ba tuổi. Người ta đưa mẹ nó vào một trạm cứu thương trong rừng thì bị pháo ca nông dập trúng. Cũng không biết người ta chôn cất thị ở chỗ nào. Việc gì tôi phải nghĩ ngợi đến cái giống đĩ lạc loài và thằng oắt lai nhơ nhuốc ấy. Mãi sau, tôi mới biết thằng oắt được một người mang vào Nam nuôi nấng, lớn lên nó sang Mỹ, rồi sang Đông Âu. Thoắt cái, đã hơn sáu mươi năm. Thì tôi đi khỏi cõi nhân gian đã vài chục năm rồi còn gì. Lúc còn sống, người ta bảo tôi nên tục huyền. Tôi cũng có đi mấy chỗ nhưng bọn đàn bà hễ trông thấy tôi là ù té chạy.
Bây giờ thì lũ đàn bà họ Đào Đình càng đông. Sao hôm nay chúng về nhiều thế? Chúng bồng bềnh trắng. Đu đưa trắng. Thằng lai đi chậm, cúi đầu. Cái ba lô đậu trên lưng nó cứ cộm lên đen sì. Ở trần gian bây giờ có nhiều cuộc đánh bom liều chết mà cái ba lô kia cứ nhấp nhô bên những mái đầu trắng xóa. Các cụ đi khặc khừ, lệt sệt, kết đội hình bằng râu tóc. Có cụ đi bằng cái nạng ba choạc i nốc. Có cụ chống ba toong. Nhưng đội hình vẫn khít khao và đặc biệt ánh mắt vẫn chớp nhoang nhoáng trên cái ba lô của thằng khốn kiếp. Thì ra ánh mắt ấy giải thích cho tôi biết về việc các cụ phải bám riết thằng lai ra tận mộ tôi. Đừng hòng, các cụ sẽ khóa tay mày trước khi mày châm ngòi nổ. Các cụ sẽ đưa mày ra tòa án quốc tế. Các cụ còn tỉnh táo chán! Các cụ nhìn quốc tế sáng vằng vặc ấy chứ lỵ!. Các cụ đếch cần cái cầu hiền giả dối và thâm độc của chúng mày. Các cụ là các cụ, chúng mày là chúng mày. Đừng đánh đồng nhé! Đừng khinh nhờn các cụ!
Lũ đàn bà co đùi gãi muỗi rồi cọ sồn sột vào thành mộ tôi. Xọc xạch, chúng mở túi lấy hương nến. Các cụ Lê tộc dàn đội hình “bê tông” bọc kín thằng lai. Vòng vây khít dần. Trước khi hạ ba lô, thằng lai gồng người lên, xốc xốc, xua xua hai tay muốn bảo rằng xê ra các vị. Nhưng các vị cứ làm theo chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh”. Chà chà! Cha bố thằng khốn nạn, mày tưởng mày nổ mộ ông để trả thù dễ lắm hả. Ông truyền hồn báo danh cho mày biết rằng chuyến này nhất định mày phải ra tòa án quốc tế! Nó xúc xúc tay, lúc lắc cái đầu, cố ngoi lên nói với các cụ rằng xin các cụ giãn ra để tôi còn đặt lễ bố tôi.
Gớm chưa! Nhưng nó càng xúc tay, các cụ càng cài chặt răng lược bọc bụa lấy nó, y như đám gọng vó bọc con cá heo để đến nước nó phải nhảy vọt lên. Nó nói một câu tiếng Tây ằng ặc nghe như con chó bị trói thịt. Nó nói một câu tiếng ta nghe lơ lớ để nhắc lại một lần nữa rằng: “Xin cho tôi được đặt lễ bố tôi!”.
Tôi thấy rõ mấy cánh tay các cụ giơ lên định chộp cái ba lô nhưng không kịp, thằng lai đã đặt ba lô xuống. Nguy tai! Thậm cấp nguy tai! Tôi toan hô xung phong thì bọn đàn bà đã chen đến đông nghẹt. Chúng đẩy các cụ tuông ra ngoài bằng mông và vú.
Thằng Tây lai trở nên thư thái.
Nó chắp tay lạy tháp mộ tôi đúng ba lạy.
Xong xuôi, nó cúi xuống cái ba lô, cởi và mở.
Trịnh trọng, nó lột lớp vỏ nhũ bọc ngoài để lộ pho tượng có ba cái đầu kết dính làm một, một cái đầu đàn bà ở giữa, hai cái đầu đàn ông hai bên.
Im lặng.
Tất cả nghĩa địa. Tất cả mây trắng trên nghĩa địa. Chim muông. Con người. Cây cỏ. Tất cả vừa rào lên một tiếng gì nghe không rõ. Tiếng ấy không nghe được bằng tai. Tiếng ấy chỉ nghe được bằng hồn người. Tiếng ấy vừa mong manh vừa thổn thức, vừa của thiên thần vừa của con người. Cái tiếng ấy rất hiếm hoi, nó từng thốt lên một cách kinh ngạc và thần bí ở mỗi kẻ khi có một sự kiện kinh động đến bản gốc con người.
Xong việc ấy, nó quỳ rất lâu. Mũi trĩu xuống như một lọ nước. Những người đứng như thụt dần xuống đất. Bỗng từ trong hốc mắt nó kéo ra một dòng nước mắt rất trong rơi xuống ánh nắng sớm. Giọt nước mắt ánh lên như những hạt kim cương. Giọt nước mắt gõ trên đất khô. Đất thấm nhanh. Nước mắt nó tạo một lớp sương mờ mờ trên nghĩa địa có bao nhiêu đàn bà họ Đào Đình, món quà của thượng đế. Thằng lai nó khóc tôi? Khóc mẹ nó? Khóc thân phận nó? Quả tình nước mắt của nó trong suốt. Nước mắt trong, không phải nước mắt giả dối.
Tôi đã không còn được trở lại kiếp người. Kiếp người của tôi thật tội lỗi. Sao tôi nỡ (mấy lần) định giết nó? Sao tôi lại có thể quất đòn gánh vào lưng vợ tôi?
Kia, các cụ râu hoa lau đã đỡ nó đứng dậy. Bao nhiêu người rỏ nước mắt. Bây giờ, nước mắt đã dâng lên một lớp sương thật dày. Con vợ tôi vừa về. Đúng là con vợ tôi rờn rờn. Nó vẫn mẩy mang, hơn hớn. Nó không thèm nhìn tôi. Nguẩy một cái, nó rướn cặp mày cánh cung một cách hết sức chỏng lỏn. Tôi bưng mặt khóc. Có cái gì đó trong tôi vừa sụp đổ tan tành.
- Đừng oán tôi. Nhưng tôi vẫn ghét mẹ mày... Lúc thằng Tây...
- Gái này lấy sự quyến rũ thằng Tây để bảo vệ chồng!
- Tôi thật chó má với mẹ mày!
- Không đến nỗi vậy, anh chỉ là một kẻ ngu hủ, chẳng biết cái khỉ gì về đàn bà!
- Lạy mẹ mày!
- Lạy làm gì. Kiếp người chẳng còn nữa. Tôi đi đây. Đừng tìm tôi nữa.
29.3.2019
Đoàn Ngọc Hà
Nguồn: vannghequandoi.com.vn/
Theo https://vannghedanang.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...