Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Nguyễn Huy Thiệp, thời điểm của câu hỏi, thời điểm của con người

Nguyễn Huy Thiệp, thời điểm của câu hỏi,
thời điểm của con người

Sau Tướng về hưu lại được Không có vua, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ.
Ðộc giả, người ưa, kẻ ghét, ít ai bàng quan, không ai chê dở. Người ưa, đọc đi đọc lại vẫn băn khoăn, khó chịu: tác giả muốn nói gì? Kẻ ghét lên án nhiều mặt: xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ anh hùng, vĩ nhân của dân tộc, tàn nhẫn, tục tĩu.
Những phản ứng trái ngược đó rất… đương nhiên: văn Nguyễn Huy Thiệp không phải loại văn để thưởng thức! đã ngốn vào, không dễ gì tiêu hóa.
Có loại văn ta có thể thưởng thức như thưởng thức một món ăn tinh khiết, dù chỉ là món ăn (!) tinh thần. Ta đọc, và ta hiu hiu tự đắc: ta hiểu, ta biết thưởng thức những vị thanh cao trên đời. Nói vậy không có ý mỉa mai. Có những thời điểm lịch sử cho phép loại văn này thịnh hành. Bình thường là thời thịnh trị, có sự nhất trí cao trong xã hội về thế giới quan và nhân sinh quan. Nhà văn và độc giả, ngoài những thao thức triết lý muôn thuở, vô thưởng vô phạt, không thắc mắc, lo âu về xã hội, về cuộc đời, về con người. Họ tìm nhau trong (cái) Ðẹp. Văn hay như hoa thơm cỏ lạ toát ra từ trí tuệ, sự uyên bác và tấm lòng nhà văn. Người đọc ngắm nghía nó như ngắm chân dung của mình, thưởng thức nó như thưởng thức nhân cách của mình. Trong những thời điểm đó, nghệ thuật phê bình thường thu gọn vào kiến thức và hình thức: câu này, ý này, từ điển tích nào ra… dùng chữ, đặt câu tinh xảo, mới lạ như thế nào… Văn chương Pháp hồi thế kỷ 17 mang tính chất đó. Trong trường hợp nào loại văn đó trở thành “bất diệt” là một đề tài khác.
Văn Nguyễn Huy Thiệp không thuộc loại văn đó. Nó có một đặc điểm vô cùng khó chịu: dồn người đọc vào một thời điểm khủng khiếp, thời điểm của câu hỏi, thời điểm của con người. Thời điểm đó không những khủng khiếp đối với người khác. Nó càng đáng sợ cho chính mình.
Vì sao khủng khiếp đối với người khác?
Nếu ta đã từng say đắm, chỉ nhớ lại nỗi đau cào ruột bắt ta thốt ra câu hỏi bất lực: em đang nghĩ gì vậy? ta hiểu ngay: người đang suy nghĩ, đang tự hỏi là người đã thoát rời ta. Ta không thể biết nó sẽ suy nghĩ gì về ta. Ta không có cách nào ép nó suy nghĩ như ta muốn, nhìn ta như ta mơ ước. Nó có thể trở thành mối đe dọa bất khả kháng đối với nhân cách của ta, với quyền lực của ta. Ta vừa đam mê nó, vừa sợ nó đến điên cuồng. Hung bạo trong tình yêu và hung bạo khi sử dụng chính quyền giống nhau ở điểm này: không ai muốn vậy, nhưng có lúc phải đánh, phải bỏ tù! Càng đánh, càng bỏ tù, càng nhận ra sự bất lực của mình. Càng bất lực, càng muốn đánh, muốn bỏ tù… Cuối cùng chỉ còn một cách: giết - chấp nhận thất bại.
Tự hỏi hãi hùng hơn. Tự hỏi hủy diệt tận gốc mọi an ninh tinh thần, tình cảm. Khi ta tuyệt đối tin tưởng, tuyệt đối trung thành với bất cứ cái gì (Thượng đế, Lịch sử, Lãnh đạo…) ta có thể lên thánh giá mà không tiếc thân, nhẩy vào lửa mà không rùng mình: nhân phẩm của ta đã có sự bảo lãnh thiêng liêng. Khi ta không còn tin gì cả, chỉ thời gian trôi đi cũng lạnh người. Những lúc đó, cả dĩ vãng của loài người dồn vào dĩ vãng của ta dưới một bộ mặt xa lạ: ai đấy? Những lúc đó cái hôm nay như một mớ bòng bong cuồng loạn: tại sao lại vậy? Nhưng khủng khiếp nhất vẫn là ngày mai. Ta phải làm gì? Làm gì để cuộc sống của ta có ý nghĩa, có giá trị, đáng là một cuộc đời. Ðã dám tự hỏi, ta thừa biết câu trả lời: không phải, mà muốn làm gì, kể cả tự sát. Vì con người (là) tự do, (là) sáng tạo.
Con người có hai quan hệ cơ bản, quan hệ với thiên nhiên, quan hệ với người. Hai quan hệ đó phát triển qua sự sáng tạo của con người, tạo ra một thế giới, một cuộc đời ngày càng giàu (hoặc nghèo) nhân tính.
Mâu thuẫn giữa người và thế giới tự nhiên giải quyết qua sự phát triển của khoa học. Nhiều nhà khoa học đã nhấn mạnh nhân tố sáng tạo trong sự phát triển ấy: trước khi chứng minh bằng lý luận, thí nghiệm, thực tiễn, phải sáng tạo giả thuyết sẽ được chứng mình (hay sẽ bị bác bỏ).
Quan hệ giữa người với người cũng vậy. Một tình cảm cổ lỗ sĩ như tình yêu mà cũng vậy. Mất nhau rồi mới biết yêu nhau là thế nào. Nhưng lúc đang yêu không ai nói được tình yêu là gì. Và cũng cóc cần biết!
Như vậy, dồn con người vào thời điểm của câu hỏi là đòi lại nhân tính cho nó, đòi lại cho nó quyền đánh giá cổ kim, quyền làm người. Nhưng đồng thời cũng đòi hỏi ở nó trách nhiệm làm người, sáng tạo tương lai:
Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do. (“Những bài học nông thôn”).
Ðạo làm người, qua lịch sử, có nhiều nền tảng. Nền tảng đầu tiên có lẽ là tạo hóa: sự sợ hãi của con người trước thiên nhiên ác nghiệt. Sau đó phải tính tới Chúa, Trời, Ðịnh mệnh, và các loài siêu nhân khác: sự sợ hãi của con người trước đồng loại và bản thân. Cách đây mới ba trăm năm, phải kể tới khoa học: niềm tin của con người vào trí tuệ của mình. Ðây là một bước ngoặt cơ bản về nhân sinh quan: con người lấy người làm gốc của đạo đức. Nhưng rồi, tuy khoa học và kỹ thuật phát triển mãnh liệt, con người vẫn tàn nhẫn với nhau, vẫn khổ nhục.
Mới thế kỷ trước, người ta hiểu thêm: nguyên nhân sự tha hoá (aliénation) của con người, chính là con người, là người khác, đúng hơn, là xã hội. Quan điểm này vẫn lấy người làm gốc, nhưng nó toàn diện hơn: người không chỉ là một động vật trong trời đất và, với tư cách đó, lệ thuộc quy luật của thế giới tự nhiên; nó còn là sản phẩm của xã hội, của con người. Người không chỉ đẻ ra thân xác người, nó còn sáng tạo ra hồn người. Khoa học và sáng tác đòi hỏi một tiền đề: tự do. Tự do bắt đầu bằng… câu hỏi.
Như thế ta hiểu một khía cạnh trong nghệ thuật hành văn của Nguyễn Huy Thiệp: mâu thuẫn, một mớ bòng bong mâu thuẫn. Truyện này mâu thuẫn với truyện kia, đầu truyện mâu thuẫn với cuối truyện, nội dung mâu thuẫn với hình thức. Nhân vật mâu thuẫn, cốt truyện mâu thuẫn, hình ảnh mâu thuẫn. Cả văn cách cũng mâu thuẫn luôn. Tâm lý, tình cảm, hành động, lời nói: mâu thuẫn và mâu thuẫn!
Phải nói là Nguyễn Huy Thiệp ý thức rất rõ về nghệ thuật của mình và làm chủ được nó… Những thủ pháp đó theo tôi là sự trộn lẫn rất nhuần nhuyễn những yếu tố có thực và những yếu tố huyền diệu (merveilleux), là lối viết nhằm tạo ra cho nhiều câu, nhiều đoạn trong mỗi truyện tính cách tối nghĩa (hermétique), ẩn ngữ (énigmatique), phi lý (absurde) hay đa ý (polysémique) bắt người đọc phải hoang mang suy nghĩ’ như khi đọc một câu sấm của Trạng Trình… Những sự mập mờ cố tình này không những chỉ nằm ở mức độ của những yếu tố tự sự (éléments narratifs) mà cả ở mức độ đối thoại, ở lời ăn tiếng nói của một số nhân vật nữa… những câu nói mà người đọc hiểu thế nào cũng được, cho đời xưa cũng thuận, mà cho đời nay cũng hay… Kết quả là ông bắt người đọc phải băn khoăn suy nghĩ đoán xem ông muốn nói gì. Nhưng rốt cuộc không bao giờ tìm ra câu trả lời thỏa đáng. (Nhận xét Nguyễn Thanh về bút pháp Nguyễn Huy Thiệp. Những câu nhấn mạnh do Trần Đạo).
Truyện Kiếm sắc tả một nhân tài, Ðặng Phú Lân, lúc sống dám nói với Nguyễn Ánh:
Nước Việt thì không ai hại được. Còn thoát hàm cá sấu, cần gì phí một mạng người!
Vừa hùng, vừa nhân, vừa trí. Thế mà lúc bị chém đầu,
máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bệt lại.
Hình ảnh thần thoại đó lại minh họa một lời phân tích rạch ròi, xác đáng:
Ngươi theo hầu ta thế là chín năm một trăm ngày. Chín năm không làm hỏng việc gì, còn một trăm ngày thì hỏng việc, vô tích sự. Thế là trèo lên cây mà không hái được quả, đáng tội chết.
Một lời nói, một hình ảnh, hai thế giới quyện lại thành một đoạn văn: ai hư, ai thực, ai nhân, ai trí?
Những mâu thuẫn đó dồn người đọc vào thế phải tự hỏi.
Vì vậy, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không có kết luận, không bao giờ kết luận được. Ðúng hơn, không cần kết luận. Mục đích của chúng không phải là chỉ giáo cho ta cái đúng cái sai, cái đẹp cái xấu là gì. Ngược lại, chúng buộc ta phải tự ý khẳng định mọi đúng sai, đẹp xấu trên đời, buộc ta phải sáng tạo, phải tự do, phải trách nhiệm, phải hành động, phải làm người. Chúng không cần kết luận vì kết luận của chúng là… ta, một câu hỏi đau điếng, nhọn hoắt, chọc thủng cả thời gian, đào mả cả quá khứ, vút tới…? Không tới đâu cả. Thời điểm của câu hỏi là giây phút dầy vò, căng thẳng trước khi lựa chọn. Tương lai còn lơ lửng đằng kia, chưa thực rõ nét, nhưng đã vẫy gọi, thôi thúc, đòi hỏi. Giây phút căng thẳng, nhức nhói, lo sợ ấy gọi là… trách nhiệm. Nó chỉ có thể chấm dứt qua… hành động.
Như vậy ta hiểu vì sao có người căm ghét văn Nguyễn Huy Thiệp.
Văn Nguyễn Huy Thiệp tục tĩu chăng?
Thế nào là văn tục tĩu? Tục tĩu ở chỗ nào? Cốt truyện, hình ảnh, ngôn từ? Ai thấy tục tĩu? Ai tục tĩu? Tại sao thơ Hồ Xuân Hương, văn Vũ Trọng Phụng không ai thấy tục tĩu? Tại sao văn dâm hay trên đời toàn là tác phẩm của đại văn hào?
Ta hãy mở một quyển sách giáo khoa về y học, xem nó tả thân xác con người. Có đủ cả: đầu mắt, chân tay, ngực vú, dái lồn. Tục tĩu không? Không. Thân xác con người không bẩn thỉu, tục tĩu, thế giới tự nhiên không tục tĩu.
Ta lại đọc một nhà văn tả một người đàn ông và một người đàn bà thương yêu nhau, thèm muốn nhau, ve vuốt nhau, ôm ấp nhau sôi nổi. Có gì tục tĩu khi ta cảm thấy chân thành? Nếu tình cảm ấy, hành động ấy tục tĩu, cả nhân loại này phải che mặt với một tấm vải đen. Trơ ra cho nhau xem sao tiện?
Nhưng hãy thử gượng gạo ép người đàn bà kia ngửa bụng, thở dốc, rên rỉ… Ta sẽ thấy đểu ngay. Vì sao? Cũng bấy nhiêu chuyện, bấy nhiêu hình ảnh, ngôn từ. Nhưng ta chợt hiểu ta đã bị lừa gạt. Kẻ viết đã khinh miệt ta, coi ta như một con chó đã bị điều kiện hóa, có thể sai khiến bằng một mớ chữ khéo chọn lọc, khéo ráp nối. Ta đem lòng thành và thiện chí của ta mở sách, trút hồn vào mớ chữ lem nhem, thức tỉnh chúng. Kẻ viết lại lợi dụng điều đó để hãm hiếp tư tưởng của ta, thủ dâm với tình cảm của ta. Ta phải buông sách, thở dài: đồ đểu. Người tục tĩu không phải là ta. Người tục tĩu là kẻ viết.
Văn không tục ở cốt truyện, hình ảnh, ngôn từ.
Văn tục hay không tục ở quan hệ giữa người viết và người đọc. Mỗi lần kẻ cầm bút khinh độc giả tới mức nghĩ rằng dùng chữ mỹ miều, đặt câu bóng bẩy là có thể điều khiển tư duy và tình cảm của người đọc, là có văn tục. Loại văn đó mà dám đề cập tới thân xác con người, gọi là văn tục tĩu.
Còn người đọc, thích, thưởng thức văn ấy? Hoặc buồn bực. Hoặc bị lừa, bị hãm hiếp mà không hay. Hoặc tục tĩu không thua người viết.
Nếu chúng ta quen suy nghĩ với đầu óc của người khác, với luân lý dân tộc, với những thiêng liêng đã được nhân dân xác tín… thì phải thấy văn Nguyễn Huy Thiệp tục tĩu ngay. Nhưng đó là một sự ngộ nhận đáng tiếc: Nguyễn Huy Thiệp không hề viết cho chúng ta đọc, mà viết cho cá nhân ta đọc.
Vì vậy văn Hồ Xuân Hương không bao giờ thấy tục: nó luôn luôn kêu gọi người đọc vận dụng lý trí của mình, phủ định đạo đức giả, gông kìm của xã hội phong kiến đối với con người, dù chỉ bằng một nụ cười tinh quái. Thuở ấy Xuân Hương không có vũ khí nào hơn để khẳng định nhân cách của mình:
Thân này ví thể làm trai được
Cái phận anh hùng có bấy nhiêu
Bạn có dịp đọc Chút thoáng xuân hương sẽ thấy Nguyễn Huy Thiệp quý trọng Hồ Xuân Hương như thế nào.
Cũng vì vậy, có loại văn chữ nghĩa rất trang nghiêm mà đọc chưa xong đã phải thở dài: đồ đểu.
Văn Nguyễn Huy Thiệp dồn người đọc vào thời điểm của câu hỏi, không thể có ý đồ điều khiển tâm tư, tình cảm của người khác. Không ai có thể biến nó thành văn tục tĩu.
Văn Nguyễn Huy Thiệp không tục tĩu, nhưng tàn nhẫn chăng? Tàn nhẫn thật. Tàn nhẫn lắm. Nhưng tàn nhẫn ở chỗ nào mà làm ta khó chịu vậy?
Sự tàn nhẫn thực của thế giới ngày nay, cần gì văn chương mới thấy? Chỉ mở mắt, ngóng tai, ra đường là chạm phải ngay. Ba phần tư nhân loại nghèo đói, nhục nhằn, lệ thuộc; mỗi năm hơn năm mươi triệu trẻ em chết vì thiếu ăn; một dân tộc đã từng được tuyên dương là lương tâm của thời đại mà có hơn triệu người lăn vào biển tìm lối sống; cả triệu người thiếu đói; làm người mà muốn ăn, muốn nói, muốn làm, muốn suy nghĩ gì cũng phải xin phép tận đâu đâu; hàng chục nghìn đứa trẻ, mới vào đời đã bị tước đoạt tương lai (lý lịch); không tàn nhẫn à? Ta không biết chăng? Ta đã biết, đã nghe, đã thấy nhiều rồi. Nhưng khả năng quên, khả năng trừu tượng hóa của ta thật vô tận: nó là liều thuốc giữ mạng cho con người. Không có nó không ai tồn tại được.
Tính tàn nhẫn của văn Nguyễn Huy Thiệp không ở chỗ nhắc nhở ta một vài hình ảnh của thế giới tàn nhẫn này. Ta đã biết quá nhiều và còn nhớ không ít. Quên hết sao được. Nó tàn nhẫn ở chỗ nó bắt ta nhập cuộc, không sao trừu tượng hóa được sự tàn nhẫn kia, phải hứng nó như một cái tát vào mặt.
Ðâu phải hễ muốn là viết được văn tàn nhẫn! Thí dụ, một nhà văn bỏ công thu thập thống kê, thông tin và kinh nghiệm thực tiễn về hoàn cảnh hiện nay của dân ta, rồi cầm bút viết một truyện về thời kỳ quá độ. Có đủ cả: khó khăn khách quan, sai lầm chủ quan, những tiêu cực, những việc tốt, những người tốt kiên quyết khắc phục khó khăn, uốn nắn sai lầm, chống tiêu cực, bước đầu cơ bản hoàn thành… Ta đọc xong, có thể yên tâm ngủ. Ngày mai mặt trời sẽ lại mọc và tâm hồn ta vẫn quang đãng… Trừ khi ta xui xẻo gặp trong métro một em nhỏ, nhìn mặt không đoán ra tuổi, ngước mắt nhìn ta, ngửa tay ăn mày. Dù ta ngoảnh mặt ngay, cũng đã muộn. Một tia sáng đã chọc thủng mắt ta, đọng vào hồn: nỗi nhục làm người hôm nay. Văn Nguyễn Huy Thiệp tàn nhẫn như nỗi nhục đó, trơ trơ, lì lợm như cuộc sống thường ngày. Nó không ngừng chất vấn nhân cách của ta. Nó buộc ta vừa là bị can, vừa là quan tòa, không thể giả dối, không còn đường trốn tránh. Tàn nhẫn vô cùng.
Tác giả đạt được kết quả như vậy cũng nhờ quan điểm viết nói trên. Mỗi nhân vật, mỗi hành động, mỗi lời nói đến với ta một cách đột ngột, bất ngờ, như một câu hỏi. Chúng không tuân theo một “quy luật” tâm lý nào. Ta không thể thích thú gật gù hay lù đù xuôi theo sự phát triển của chúng. Ta bị bắt buộc nhìn lại chúng, tái tạo chúng từng dòng, từng chữ và, do đó, phải tái sinh (cái) tình đã biến chúng thành văn. Con người khốn khổ, hành động thô bạo, lời nói tục tằn đã vậy. Nhân vật, hành động, lời nói đẹp cũng thế: đến với ta như một nụ cười ta không xin, mà bỗng nhiên được, như lòng nhân ái.
Trong truyện Những người thợ xẻ, cái anh Bường ngang tàng thô bạo đến thế này:
Lao động chân tay, em ạ, không thể lấy chính trị động viên được, chỉ có tiền và gái thôi, đấy mới là thuốc bổ chứ vừa mới viết một lá thơ chân tình cho vợ con lại giải thích ngay:
Cũng là trò “mị dân” thôi mà có thể nói:
Tình mẫu tử là thứ nước mắt chảy ngược vào lòng, nó bào tan nát ruột gan ra, hoặc nó biến thành máu để bắt cơ thể làm việc, buộc phải đẻ ra một thứ sản phẩm vật chất cụ thể, thiết thực, không hề phù phiếm và nhất là:
Chúng em phận hèn, của cải chẳng có, chúng em mắc nợ nghĩa tình khốn nạn lắm!
Ðẹp vô cùng. Trong thế giới này, miếng ăn còn là miếng nhục. Nhân cách của con người ở chỗ không lệ thuộc ai để tồn tại, không đội ơn ai để sống. Ăn cắp gỗ để sống ít nhục hơn chịu ơn người khác một miếng cơm, một manh áo. Vì vậy, không ai thích bị biếu quà khi bản thân mình không có khả năng trả lại. Ta sẵn sàng nhận những món quà không tiền nào mua được, không bao giờ ta trả hết giá: một nụ cười thân thiện, một chút lo âu cho nhau, tình yêu của một người đàn bà. Nhưng dù người cho ta miếng ăn chân thành đến đâu đi nữa, thì Nghĩa này phải trả đấy.
Cảnh chặt chân Ngọc đẹp lạ lùng, vừa man rợ vừa chan chứa tình người:
Anh Bường bảo tôi ngồi kê chân lên một khúc gỗ. Anh Bường bảo: “Bình tĩnh nhé. Bây giờ chặt chân đây”. Lại bảo: “Bác Chính cầm hộ em con dao, đặt vào đây. Em lấy chày táng cho một phát, đứt ngay”. Chị Thục ôm mặt: “Khiếp! Tôi sợ quá”. Anh Chính cười: “Trong đời bác sĩ của tôi, hành nghề thế này đây là lần thứ nhất”.
Anh Chính đặt dao vào chỗ đầu ngón chân tôi. “Uỵch” một phát, chưa chi anh Bường đã lấy chày nện vào sống dao. Tôi bật người lên vì đau quá. Anh Chính bảo: “Chưa chi đã chặt, lưỡi dao đã khớp đâu nào?” Tôi bảo: “Thôi thôi, đau lắm, chặt nữa thì chết chân tôi”. Chị Thục giằng lấy chày trong tay anh Bường: “Cút đi! Ðịnh giết người ta hay sao?” Chị Thục bảo anh Chính: “Bao giờ được, anh bảo em”. Anh Chính bảo: “Ðược rồi đấy! Chặt đi!”. Chị Thục vung chày: “Khự” một cái…
Sao cuộc đời man rợ vậy, khốn nạn vậy?
Một lời mắng mỏ, một nhát chày, con người trìu mến biết bao!
Ðoạn văn này tàn nhẫn ở chỗ nào?
Chặt một mẩu thịt ở đầu ngón chân, chưa rùng rợn lắm. Lại không có xương tan, thịt nát, máu tuôn trào. Vậy mà đọc cứ thấy rợn người. Ghê rợn không ở sự việc, hình ảnh. Ghê rợn ở đối thoại, ở con người. Thử đọc lại xem. Họ bàn tính với nhau như thể chặt gỗ, chẻ cây, đâu phải chặt chân người. Nỗi đau bật người lên thuộc một thế giới đâu đâu, không liên can gì tới sự việc của họ. Giữa cộng đồng lạnh lùng, ghê rợn đó, lời nói, cử chỉ và hành động của chị Thục vút lên như một mặt trời nhân ái.
Nội dung thực là tình người mà hình thức lại là bàn công việc cụ thể. Mâu thuẫn ấy nấp sau đối tượng của công việc: chính là con người. Phải mù quáng lắm, phải tàn nhẫn lắm mới không thấy. Vì vậy chị Thục phải thấy khiếp, thấy sợ, thấy cái đau giết người kia mà giằng lấy chày, vung lên, khự một cái, làm tất cả những gì mình có thể làm để giảm bớt cho nó nỗi đau, giới hạn nỗi đau ấy tới mức có thể giới hạn.
Nếu thích phân tích kỹ thuật dùng chữ, có thể nhận xét ngay: đặt (dao) vào đây, táng cho một phát, đứt ngay, Uỵch một phát, chưa chi đã…, đã khớp đâu nào, toàn là thuật ngữ của nghề kéo cưa lừa xẻ, hoặc một lao động chân tay nào khác, không thể áp dụng cho một cuộc phẫu thuật, cho một con người. Nhưng ghê rợn hơn cả là ba chữ lần thứ nhất. Tại sao không nói: lần đầu? Vừa tự nhiên, vừa gọn gàng, lại “văn chương” (mối tình đầu, những thuở ban đầu v.v... và v.v...). Vì lần đầu khơi ngay (và có thể là) lần cuối. Còn lần thứ nhất đương nhiên gọi lần thứ hai, lần thứ ba…
Thực ra, nếu chỉ là vấn đề kỹ thuật, ai chẳng học được? “Kỹ thuật” trong nghệ thuật khó chịu lắm, “thiền” lắm: thiếu lòng nhân không bao giờ “học” được. Vì đối tượng của nó, cũng như trong cảnh chặt chân kia, là ngôn ngữ, là người. Chính vì nhà văn cào giấy như xé lòng mà người đọc, chưa kịp phân tích, đã nát ruột, nát gan.
Nguyễn Huy Thiệp có một biệt tài: vận dụng đối thoại thật phong phú, tinh xảo, tài tình. Vừa ghê rợn, vừa trìu mến, nó là bộ mặt thực của cuộc sống, của con người ngày nay.
Văn Nguyễn Huy Thiệp có bôi nhọ vĩ nhân của dân tộc không? Ðương nhiên là không. Dĩ nhiên là có, và cố tình.
Nhân vật trong văn chương là hư cấu. Ðã hư cấu thì còn bôi nhọ được ai? Hơn nữa, con người (Nguyễn Du) đã chết hơn hai trăm năm rồi, ai hơi sức đâu đi cà khịa với nó, nhất là lúc này! Có muốn chăng, cũng chẳng làm được. Phải công bằng, phải công nhận rằng những người cà khịa với Nguyễn Huy Thiệp hôm nay cũng không vì người quá cố kia mà thịnh nộ. Họ thịnh nộ vì lý do khác. Trong phạm vi lý do ấy họ hoàn toàn có quyền, và có lý của họ. Thử tìm hiểu xem. Thử nghe Nguyễn Huy Thiệp viết về nền văn học của ta:
Ðặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Ðây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù.
Rồi viết về Nguyễn Du:
Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của đứa đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình… Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa… Lòng tốt của ông là thứ lòng tốt nhỏ, không cứu được ai.
Người Việt Nam chẳng mấy ai không thuộc một vài câu Kiều. Có khi ngâm nga thơ Nguyễn Du cứ tưởng là ca dao. Viết về Nguyễn Du như thế, nghe sao được? chịu sao được? Chưa kịp liên hệ tới thời sự, ta đã nhức nhói cả tâm hồn. Thú thực, cái ông Nguyễn Du chết cách đây đã quá hai trăm năm, ta không hề quen biết. “Người” bị bôi nhọ ở đây không phải con người đó mà chính là… ta. Nó là hình ảnh sẵn có trong đầu ta. Nó từ đâu tới? có từ bao giờ? ai đã nhét nó vào đầu ta? bằng cách nào? Nó ở trong đầu ta mà sao ta ái ngại, không dám đánh giá nó? Và tại sao ta không có quyền đánh giá nó? Ta không có quyền đánh giá nó chính vì nó là ta. Nó đã nằm trong đầu ta, ta là nó, nó là ta. Xem xét, đánh giá nó là xem xét ta, đánh giá bản thân ta, là tự hỏi về mình, là nhìn lại, đánh giá lại toàn bộ cuộc sống hôm nay. Ðiều đó, có nhiều người không sao chịu nổi. Ta không dễ gì chịu được, đã đành, giá phải trả không nhẹ. Người khác không chịu được cũng dễ hiểu.
Ðây là lời tuyên bố của Trần Bạch Ðằng, một ngòi bút nổi tiếng đổi mới (trên một số vấn đề, có mới thực so với mấy ông quan văn hiện nay), về vấn đề tự do tranh luận, tự do sáng tác:
”Cấm” là biện pháp xưa cũ, tuy chúng ta vẫn không tuyệt đối hóa “tự do” một khi cái tự do nào đó lại xâm phạm tới an ninh quốc gia, đến luân lý dân tộc, đến những vấn đề thuộc cương lĩnh chính trị của toàn dân, đến những chỗ thiêng liêng mà nhân dân xác tín. Tôi không tán thành cấm trên cơ sở đó.
Cái gì là luân lý dân tộc? Cương lĩnh chính trị nào là của toàn dân? Và toàn dân là ai? Những chỗ thiêng liêng nào đã được nhân dân (nào) xác tín (lúc nào, ở đâu)? Ai có thẩm quyền quyết định cho mọi người những điều đó?
Dĩ nhiên không phải tôi, không phải anh, không phải chị, không phải những “nhân dân” lặt vặt như chúng ta.
Ðã có lúc, chụp ảnh trên đèo Blao, mở tiệm cà phê, là xâm phạm an ninh quốc gia, lũng đoạn thị trường xã hội chủ nghĩa, nữa là. Kiến thức sâu bọ, tư duy nông cạn của ta làm sao hiểu được những điều ấy!
Trong di sản khổng lồ của dân tộc (và cả nhân loại nữa chứ), cái gì đáng giữ, cái gì nên bỏ? Ai có thẩm quyền đánh giá?
Dĩ nhiên không phải tôi, không phải anh, không phải chị, không phải những “nhân dân” lặt vặt như chúng ta.
Cuối cùng, đương nhiên phải nhờ ơn Trần Bạch Ðằng phán xét cho. Như vậy, ta có thể cắt bớt bộ óc, vứt nó đi như một mẩu ruột thừa vô dụng. Ðã có thiên tài suy nghĩ giùm ta rồi, cần gì đến nó.
Nỗi khổ của người ưa suy nghĩ thay người khác là vậy: đe dọa hay ve vuốt, chân thành hay mánh lới, đều vô ích. Không có cách nào buộc người khác suy nghĩ như mình muốn. Thành công, thất bại, đều mất hết. Nếu có cách làm người khác tự động suy nghĩ theo ý mình là thành công: được người như được đồ chơi, chán ngắt. Không mấy ai sống với chó của Pavlov trọn đời được. Nếu không, chỉ còn cách lột óc nó hay tiêu diệt nó: được một con vẹt hay một cái xác.
Thích suy nghĩ thay người khác, tới mức nào, sẽ chọn cái xác.
Tại sao Trần Bạch Ðằng muốn cấm nhạc Phạm Duy trừ khi Phạm Duy tự sát? Phạm Duy chết, có gì thay đổi tác phẩm của ông? Trần Bạch Ðằng đã không sợ Phạm Duy chết thì sợ gì Phạm Duy sống? Ông sợ người đang sống thích nhạc Phạm Duy: họ còn bé bỏng quá, non nớt quá, thiếu sự che chở sáng suốt của ông, họ sẽ trở thành “bồi Mỹ” hết!
Vì thế mới có chuyện không tuyệt đối hóa tự do.
Cái “khái niệm” gì lạ vậy? Bạn có bao giờ nghe ai bàn luận về sự tương đối hóa nô lệ chưa? Thế mà vẫn có thể thao thao bất tuyệt về chuyện tuyệt đối hóa tự do! Con người tự do hay không tự do. Nếu nó không tự do, ta nên đi ngủ, không có chuyện gì đáng bàn cả. Và cũng chẳng có chính trị, văn học, nghệ thuật. Chính vì con người, dù mọc cánh, cũng không trốn khỏi tự do, mà có bóc lột, đàn áp, có đấu tranh giai cấp, có chuyên chính này nọ, có dân chủ tư sản và, biết đâu, có ngày sẽ có dân chủ xã hội chủ nghĩa? Chính vì con người (là) tự do mà có văn học, nghệ thuật, có Nguyễn Huy Thiệp viết Tướng về hưu, có Trần Bạch Ðằng cầm bút ủng hộ cái này, cấm đoán cái nọ và, dĩ nhiên, có độc giả, mới hôm qua còn hâm mộ Trần Bạch Ðằng, mà hôm nay đã thở dài. Tiếc thay, Trần Bạch Ðằng chỉ thích tự do của người khác trên cơ sở mình ban bố.
Than ôi! thời đại nó như vậy. Nhân phẩm của con người ngày nay vẫn chỉ có một thước đo này: chấp nhận sự man rợ với nhau tới mức nào thì không chấp nhận nữa.
Vì thế, khi Gia Long muốn chiếm đoạt Ngô Thị Vinh Hoa, bị Vinh Hoa hỏi:
Bệ hạ muốn làm vua gà, vua vịt hay sao?
Nhà vua phải thở dài:
Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện. (“ Phẩm tiết”)
Viết về Nguyễn Du như Nguyễn Huy Thiệp viết là buộc độc giả suy nghĩ về nhân cách của mình, tự đánh giá lấy phẩm chất của mình, dồn độc giả vào thời điểm của câu hỏi (mà không bố thí cho một câu trả lời! Tàn nhẫn thật! Nhân ái thật!). Làm sao đánh giá được nhân phẩm của mình nếu đầu mình vận động một cách máy móc, qua một mớ hình ảnh, từ ngừ tự động?. Suy nghĩ về nhân cách của mình, tự đánh giá lấy phẩm chất của mình đi đôi với quyền và khả năng đánh giá lại quá khứ, đòi hỏi tương lai. Mọi người đều có khả năng đó và, đã tự hỏi, là đã tự giành lấy quyền đó, chẳng cần xin phép ai. Ðó là mối đe dọa trực tiếp đối với người khác trong hiện tại. Vì thế họ phải giật mình, hò hét.
Cuối cùng, Nguyễn Huy Thiệp có xuyên tạc anh hùng dân tộc, xuyên tạc lịch sử không?
Câu hỏi có vẻ dớ dẩn. Ai lại đòi hỏi nhà văn làm công việc của nhà nghiên cứu sử bao giờ? Tuy vậy, nó không dớ dẩn. Thực chất của nó là mối quan hệ giữa văn chương và chính trị.
Văn chương và chính trị có một điểm chung cơ bản: lấy người làm mục đích, dùng người làm phương tiện. Vì vậy, nhà văn dễ làm người bạn đường tri kỷ của nhà chính trị, - khi nhà chính trị còn hai bàn tay trắng, không có phương tiện nào hơn là con người. Lúc ấy, hiếm ai đạo đức hơn nhà chính trị. Lúc ấy, lời hiệu triệu của nhà chính trị cũng có thể thành văn. (Cứ đọc thử Tuyên ngôn của đảng cộng sản thì thấy thế nào là nhân văn). Nhưng cũng vì vậy mà văn chương và chính trị khó ôn hòa với nhau khi nhà chính trị đã thành công nhưng xã hội mới chưa ổn định, chưa có sự nhất trí cao về nhân sinh quan.
Mục đích của nhà chính trị không thay đổi, vẫn là con người. Nhưng phương tiện hành động đã thay đổi nhiều: ngoài con người hai bàn tay trắng thuở xưa, còn có quân đội, công an, cảnh sát, nhà tù, trại cải tạo, quyền lực kinh tế, hành chánh, thậm chí có cả trường học… Con người nhỏ bé biết bao trước guồng máy khổng lồ đó! Không nghe, ta bóp cổ, thắt ruột, bắt phải nghe. Ta đã bớt cần sự nhất trí của người, sự tuân lệnh cũng đủ rồi. Trong hoàn cảnh đó, con người không suy nghĩ như ta, với tư cách phương tiện hành động của ta, quan trọng nhất là sức lao động, là thân xác. Thân xác đó, dùng quyền lực, kinh tế, ta có thể sai khiến. Mục đích và phương tiện đã tách rời nhau, thậm chí có thể chửi nhau.
Ngược lại, đối với nhà văn, mục đích và phương tiện không bao giờ có thể tách rời nhau, vẫn là con người, chỉ là con người, con người tự do. Ðộc giả chính là người tái sinh tác phẩm của nhà văn, nó chỉ ngáp một cái, sự nghiệp văn học của tác giả phải tiêu vong. Nhân cách tự do của độc giả là sinh mạng nghệ thuật của nhà văn. (“Kiếm sắc”) Mọi chính sách, mọi hành động, mọi thực tế chà đạp nhân cách đó đều xâm phạm sinh mạng kia. Muốn hoàn thành sự nghiệp văn học của mình, có lúc nhà văn không thể chiều lòng nhà chính trị.
Nhà chính trị hấp tấp, muốn mau chóng thay đổi xã hội, hoàn thành sự nghiệp lịch sử của mình, lắm lúc muốn thắt họng nhà văn.
Lê Lợi thành công, Nguyễn Trãi phải chết.
Ðây là cuộc tình đẹp như mọi cuộc tình còn dang dở… Ðây là tình người trong thời đại con người phải đạp nhau để sống. Ðọc Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết mà tím ruột, tím gan.
Do đó, nhà chính trị có lúc vừa mê vừa ghét, vừa khinh vừa sợ nhà văn. Nhà chính trị chẳng ưa gì mấy anh nhà văn hay do dự, thắc mắc, chủ quan, lắm chuyện mà vô tích sự:
Ánh bảo: “Ta không tin bọn đó theo ta. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm“. (“Kiếm sắc”)
Không ưa mà vẫn sợ. Không phải sợ uy quyền của nhà văn, làm gì có mà sợ:
Hành tung chúng, ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồ, hèn mọn cả. (“Kiếm sắc”)
Sợ ở chỗ không thể tranh thủ hay mua chuộc. Sợ nhân cách, cái bệnh dễ lây nhất đời. Và do đó, vẫn phải mê.
Người đang tự hỏi là người đang vươn mình khỏi mọi sự kiềm chế trên đời. Ta không còn khả năng kiểm soát, điều khiển nó. Với quyền lực trong tay ta có thể bắt nó nghe ta nói, bắc loa khắp phố phường, phóng thanh ầm ĩ, tuôn lời dậy bảo của ta; triệu tập nó tới buổi họp, mít tinh… để ta truyền giáo ; tóm cổ nó nhốt vào trại cải tạo, buộc nó mỗi ngày nghe ta giảng đạo… Cấm nó ngáp, cấm nó cười, bắt nó vỗ tay trong khi ta thuyết trình. Ta có thể ép nó ăn nói với từ ngữ thuận tai ta. Ta có thể bắt nó câm, cấm báo chí, nhà xuất bản đăng bài của nó. Ta không thể buộc nó suy nghĩ như ta muốn: nó không còn là một con ốc trong một guồng máy, nó đã trở thành người, hiện thực quý báu nhất, đáng sợ nhất của ta vì chính nó quyết định giá trị của ta, nhân tính của ta. Và cuối cùng, nếu nó nhân lên, nó quyết định luôn cả sự nghiệp, sinh mạng của ta.
Văn dồn người vào thời điểm của câu hỏi là loại văn tối kỵ đối với mọi quyền lực chính trị, tôn giáo, khoa học… vì chúng phải đột nhiên bất lực. Ðối với người đang tự hỏi, ngay cả tình yêu cũng…bất lực.
Cách đây chưa đầy hai trăm năm, một dân tộc đã vùng lên, đập tan một thế giới cũ mèm, san phẳng một nhà tù vĩ đại, công bố với trời đất Quyền làm Người. Cách đây chỉ một trăm năm một con người lại hiên ngang tuyên bố: lịch sử không làm gì hết, chính con người làm nên lịch sử trong khi đeo đuổi mục đích của chính mình .
Cách đây chưa đầy năm mươi năm, suy nghĩ khác Staline hay Mao vĩ đại đã là đáng chết.
Ngày nay, ở Việt Nam bốn nghìn năm văn hiến, chào đời trong một thành phần bất hạnh, đã là có tội.
Tôi chưa quên bà Trưng bà Triệu. Tôi chưa quên Nguyễn Trãi, Lê Lợi. Tôi chưa quên Nguyễn Huệ, Nguyễn Du. Tôi không quên Ðiện Biên, Ðồng Khởi. Tôi còn nhớ cả Liên Hiệp, Ðoàn Kết. Tôi nhớ mãi một buổi sáng mồng một tháng năm 1975, trên đường phố Paris lộng nắng, có một đoàn người tứ xứ tuôn về, có những nụ cười đẹp nắng xuân.
Ngày nay tôi biết. Thế giới này không vĩnh cửu. Nhân loại này không trường tồn. Chân lý hôm nay không chắc sẽ còn là chân lý của ngày mai. Nhưng có một điều tôi chắc chắn: phải sống với người khác trọn cuộc đời này, sống tới lúc gục xuống, không luyến tiếc, không ân hận, không tủi nhục, sống và chấp nhận nhân cách của mình hôm nay, vì chính mình và đồng loại là tác giả của nó.
Vì vậy tôi yêu văn Nguyễn Huy Thiệp.
Tôn trọng tự do của người đọc, tin tưởng ở nhân cách của người đọc, và - trên cơ sở đó - đòi hỏi người đọc lấy trách nhiệm với đời, tự mình đánh giá quá khứ và hiện tại, gánh lên vai cả lịch sử, ôm vào lòng cả hôm nay, dấn thân vào cuộc sống thường ngày, với con người hôm nay, thẳng người bước tới một tương lai mình góp phần sáng tạo.
Văn như thế gọi là Nhân văn
Ngòi bút như thế gọi là Nhân đạo
Tác giả như thế phải gọi là Nhà văn.
7/6/2014
Phan Huy Đường
Theo http://vanviet.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...