Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Dịu dàng chiếc áo bà ba

Dịu dàng chiếc áo bà ba

Nếu đã tôn vinh chiếc áo dài mà quên ngợi khen chiếc áo Bà Ba quả là thiếu sót, là đắc tội với tiền nhân, những người từng "Mang gươm đi mở cõi", khai phá với bao gian nan, khổ ải để có được vùng Đất Phương Nam với những cánh đồng lúa ngút ngàn, cò bay thẳng cánh như hôm nay.
Áo bà ba tuy không kiêu sa, không đài các như chiếc áo dài, không quý phái, không lịch lãm trên những đấu trường nhan sắc, nhưng nó ẩn chứa biết bao nỗi lòng và tình cảm của những cô gái nơi ruộng đồng. Chiếc áo đã ủ ấp những mối tình quê, ôm trọn tấm thân nhỏ bé xinh xắn của những thiếu nữ đương xuân căng tràn nhựa sống, hình ảnh cô gái với chiếc nón lá, áo Bà Ba chèo đò trên dòng sông đã không làm phai phôi nét ngây thơ, lãng mạn trong lòng người lữ khách, mà còn tạo ra sự duyên dáng kín đáo một cách rất tinh tế. 
Chẳng biết tự bao giờ mỗi khi nhắc đến áo bà ba người ta lại nghĩ ngay đến bóng dáng, vẻ đẹp mộc mạc, dịu dàng chân quê của người phụ nữ Nam Bộ. Không như người miền Bắc mặc váy, yếm, hay áo tứ thân... người Nam bộ ngay từ thủa sơ khai, y phục thường ngày của họ là áo ngắn, quần dài. Bộ bà ba, khăn rằn và nón lá sự kết hợp tuyệt vời.
Nếu áo dài Việt đã được cả thế giới ngưỡng mộ và vinh danh về sự nền nã, yểu điệu thục nữ thì chiếc áo Bà Ba là một khúc biến tấu trong trường đoạn về phục trang của người phụ nữ Nam bộ miền Tây sông nước, không chỉ độc đáo mà còn là nét văn hóa đặc trưng cho vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ chân quê.
Áo bà ba Nam bộ là loại trang phục đơn giản nhất, nó phù hợp với quan niệm sống giản dị, nền nã đúng cái "chất" phóng khoáng, hào sảng của người Nam bộ. Thế nhưng, từ sự giản dị, nền nã ấy cũng là nguồn cảm hứng cho văn nhân thi sĩ dệt nên những vần thơ trầm bổng. những bài nhạc du dương, kết nối đôi bờ con sông, nối quá khứ với hiện tại. Hình ảnh những cô gái trong chiếc áo bà ba, khăn rằn, nón lá chèo xuồng... đã làm chao nghiêng cả dòng sông, ngơ ngẩn những con đường làng...
Trước đây, mỗi khi nhắc đến vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, nhiều người không chỉ ấn tượng về một cánh đồng lúa bát ngát với những cánh cò, những chiếc xuồng, ghe nặng trĩu cây trái miệt vườn xuôi ngược trên dòng sông. Thế nhưng, cái hình ảnh đẹp ấn tượng trong lòng du khách lại chính là một giọng nói đặc sệt Nam bộ rất dễ thương của những cô gái quê hiền lành, chịu thương chịu khó, ẩn giấu nét duyên dáng dưới vành nón che nghiêng và cả một trời xuân sắc trong chiếc áo bà ba còn đậm chất dân dã của người nhà quê. Mỏng manh mà kín đáo, đơn sơ nhưng cháy bỏng... một miền đất thanh bình, hiền hòa.
Khi chiếc áo dài được mọi người công nhận là quốc phục, là sự duyên dáng, thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam thì chiếc áo bà ba chính là hình ảnh dịu dàng của những cô gái miền Tây khi xuôi thuyền trên những dòng sông, thật đằm thắm và cũng thật đáng yêu biết dường nào. Giọng người con gái miệt vườn cất lên câu hò sao nghe bình yên quá đỗi:
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về.
Thương lắm chiếc ghe nghèo
Ngày ấy, người dân tứ xứ đến vùng đất đồng bằng Sông Cửu Long để khai hoang khẩn hóa. Vùng đất cỏ mọc cao lút đầu người, kênh rạch chằng chịt, sông nước mênh mông. Phương tiện đi lại của người dân quê chủ yếu là ghe, xuồng. Dùng sức người để làm cho xuồng ghe rẽ nước lướt đi bằng cách chèo, chống hoặc bơi. Và người dân cũng chẳng lạ gì câu ca:
Chèo ghe sợ Sấu cắn chưn
Xuống đồng sợ đỉa lên rừng sợ ma.
Giờ đây, mỗi khi nhắc lại, bất chợt, cả một thời quá khứ gian khổ từ xa xăm lại hiện về. 
Trong một lần trên đường trở về Sài Gòn sau chuyến lưu diễn, khi đứng chờ phà ở Bắc Cần Thơ, cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã bồi hồi cảm xúc khi nhìn thấy hình ảnh cô lái đò với chiếc nón lá, áo bà ba xuôi mái trèo trên sông... ông cảm tác và viết thành ca khúc "Chiếc Áo Bà Ba", vào khoảng năm 1984 thì bài hát được phổ biến rộng rãi ra công chúng, có mấy ai không biết lời của ca khúc này.
Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời
Chiếc áo bà ba thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa, rộn ràng, e ấp trong các lễ hội, lung linh duyên dáng trên bến sông trăng và đậm chất dân dã đến say lòng người khi ngắm nhìn người con gái dịu dàng trong chiếc áo bà ba trên những cây cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh.
Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ
Thương lắm câu hò kêu gọi khách sang sông
Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi
Người thương ơi em vẫn đợi chờ.
Chiếc áo bà ba là nét đẹp chân quê thế nhưng, qua thời gian đã có nhiều thay đổi. Nếu thời khởi thủy, chiếc áo bà ba chỉ để theo chân người nông dân ra đồng, và được may đơn giản với cổ tròn, xẻ hông, thân liền với tay, tay dài và rộng, vạt trước có thêm hai túi to để có thể đựng những vật dụng nhỏ cần thiết, thì đến những năm 1960-1970, chiếc áo này đã được phụ nữ thị thành cách tân, áo không còn rộng như xưa và có chít eo, bỏ hai túi trước để thân áo nhẹ nhàng, mềm mại hơn... Dù cách tân thế nào thì chiếc áo vẫn giữ được vẻ đẹp kín đáo, sang trọng và không thiếu phần gợi cảm.
Đẹp quá quê hương hôm nay đẹp vô ngần
Về Sóc Trăng một ngày ca điệu lâm thôn
Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều
Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu
Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
Qua bến Bắc Cần Thơ
Ngày nay, trong muôn màu cuộc sống, chiếc áo bà ba vẫn còn được phụ nữ ở nông thôn, các hướng dẫn viên du lịch, các tiếp viên nhà hàng và trong các cuộc thi sắc đẹp... yêu thích. Chiếc áo bà ba thời nay được may rất tinh xảo, có thiết kế, thể hiện sự thăng hoa sáng tạo của người nghệ sĩ, những nét chấm phá như điểm nhấn cần thiết để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Nam Bộ. Bởi, áo bà ba đã trở thành nét duyên rất riêng, là tinh hoa của dân tộc rất đáng được lưu giữ. Nét đẹp ấy vẫn sẽ tiếp nối của một thời thăng hoa và để lại một ký ức đẹp trong lòng nhiều người con dân đất Việt.
Nhớ kỷ niệm xưa nông xuồng đêm trăng tỏ
Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon
Đất nước mình đây dẫu xuồng ghe bé bỏng
Mà không thôi nhớ thương nên đầy vơi.
Nét đẹp dịu dàng, giản dị và duyên dáng của chiếc áo bà ba đã tốn không biết bao giấy mực trong những áng thơ ca và những nốt nhạc. Phụ nữ đất Bắc có chiếc áo tứ thân, chiếc khăn mỏ quạ, phụ nữ Huế có tà áo dài thướt tha đậm màu tím Huế, thì phụ nữ Nam bộ có chiếc áo bà ba với chiếc nón lá và chiếc khăn rằn. Hình ảnh mộc mạc ấy đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn thanh cao cũng như nét đẹp dịu dàng và đằm thắm của phụ nữ Nam bộ, khiến những chàng trai ngẩn ngơ dù chỉ gặp gỡ, quen biết vội vàng trên những chuyến đò ngang. Vì thế:
Dẫu qua đây một lần
Nói sao cho vừa lòng
Nói sao cho vừa thương.
Chỉ sợ rằng, khi lòng người đã phố, trách chi đường về quê cứ xa hun hút. Mà những khoảng dừng của cuộc sống thì luôn ngắn ngủi, có khi chưa kịp nhớ đã quên.
Riêng tôi, bao giờ cũng vẫn cứ yêu những điều dung dị, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam, không chỉ hôm qua, hôm nay hay ngày mai... mà sẽ là mãi mãi. Nếu tôi còn có thể viết được điều gì đó về họ thì đó là bởi tôi luôn nặng lòng, luôn yêu thương họ. Âm nhạc và phụ nữ còn là nỗi đam mê lớn nhất cuộc đời tôi. Bạn thử hình dung, nếu thế giới này không còn âm nhạc, không còn bóng dáng của con cháu Eva nữa thì cuộc sống sẽ ra sao!.
Chiều trên sông Hậu Giang.
19/12/2017
Phan Văn Thanh
Theo http://www.tongphuochiep.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...