Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Một tấm lòng của Kinh Kha

Một tấm lòng của Kinh Kha

Lý Bạch, tiên tài, cho một thế giới thần tiên, ngoài cuộc thế. Đỗ Phủ, nhân tài, giữa những người cùng khốn. Lý Hạ, quỷ tài, cho những oan hồn chứa đầy u hận, hay chỉ là xảo thuật ma quái của vần điệu?
Cũng có thể, quỷ tài được hiểu như là một thiên tài quái dị, mà ngôn ngữ được sử dụng trên mức độ ma thuật, ngụy quyết. Đó là tư chất thiên phú, với những tưởng tượng đầy tính siêu thực. Sử dụng thi ca y như thủ pháp ma thuật không phải chỉ là một kỹ xảo. Đằng sau từ điệu huyễn hoặc còn ẩn chứa một thế giới huyễn hoặc; thế giới của thần mộng và cô liêu, có thể gọi như vậy. Trong tận cùng sâu thẳm đó là gì; có lẽ chúng ta không thể tìm đến chỉ do sự thúc đẩy của bản tính hiếu kỳ, mà phải đến bằng tất cả những lời kêu gọi thống thiết của định mệnh nhân sinh. Bởi vì, khi Nguyễn Du viết Văn tế thập loại chúng sinh, người ta có thể nhìn thấy tường tận cái tâm trạng của Người chăng? Hay có thể phát kiến một bối cảnh xã hội nào đó của tâm trạng ấy chăng? Văn tế có đoạn viết:
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Xót khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận mồ côi lần lửa đêm đêm
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu
(Nguyễn Du, Văn tế thập loại cúng sinh)
Dĩ nhiên, những lời đó không phải là những lời tự tình của quỷ. Chúng đích thực là một tấm lòng hoài vọng khốn khổ của con người, trước cái định mệnh lưu đày mà cuộc Lữ giới hạn trên đoạn đường từ sống đến chết. Sống và chết giữa cô đơn tuyệt đối và miên viễn; mà quê hương là một đồng vọng ngậm ngùi trong thế giới u minh, trong đêm dài tăm tối.
Vậy, những lời thế nào mới đích thực được gọi là những lời của quỷ?
Một truyện kể của Tô Đông Pha: [1] người con trai của Lý Đào, thông phán Từ châu, 17 hay 18 tuổi, vốn không biết làm thơ. Đột nhiên vịnh bài thơ “hoa rụng' rằng:
流水難窮目,
斜陽易斷腸。
誰同砑光帽,
一曲舞山香。
Lưu thủy nan cùng mục
Tà dương dị đoạn trường
Thủy đồng nha quang mạo
Nhất khúc vũ sơn hương.
 Nước cuộn mòn con mắt,
Bởi vì nước trôi mãi vào cõi xa mù, xa mút tầm mắt.
Tà dương lắm đọa đày,
Tà dương dễ khiến đoạn trường, bởi vì tà dương giục dã sự lớn dần của sa mạc hoang liêu; khi ánh nắng chiều rọi nghiêng bên sườn núi, khiến cho lòng người cảm thấy se sắt.
Chuyện kể rằng, người cha sau khi nghe đứa con trai đọc bài thơ này, giật minh, hỏi dựa vào đâu. Và do đó ông biết câu chuyện về “nha quang mạo”: Trong một cuộc hội yến quần tiên do Tây vương mẫu chiêu đãi, có người múa đội mũ nha quang, [1] trên mũ cài hoa trâm. Hát chưa xong một bài ca “Vũ sơn hương” [2] thì hoa đã rơi rụng hết. Vậy thì, hai câu thơ cuối có thể chuyển thành lời cảm thán:
Chao ôi hương phấn rã,
Chưa dứt một bài ca.
Cảm hứng của một người không biết làm thơ, hay không sính thơ, mà lại bộc lộ một tâm trạng đầy ngậm ngùi và tha thiết; chừng đó có lẽ khá đủ để nói rằng đây quả nhiên là những lời của quỉ. Nếu thế, cái đọa đày của quỉ cũng là cái đày đọa của người; là những khổ lụy trước cảnh nước trôi và nắng chiều sắp tắt.
Một chuyện khác, về ma làm thơ. Thái bình quảng ký [3] chép:
Mùa xuân, năm Hội xương nguyên niên (841), dưới triều vua Vũ Tông nhà Đường, có người hiếu liêm tên Hứa Sinh thi rớt, trở về Đông, trên đường về, ngang qua núi Thọ an trong thị trấn An dương tỉnh Hà nam, một trong tám đại đô thành cổ; định nghỉ đêm ở lữ điếm Cam tuyền. Cách quán chừng một dặm, anh gặp một cụ già áo trắng cỡi con ngựa xám từ phía tây đi đến, người đi theo sau rất đông, mặt mày hớn hở sau cơn say, tinh thần phấn chấn. Cụ ngâm thơ sang sảng:
春草萋萋春水綠,
野棠開盡飄香玉。
繡嶺宮前鶴髮人。
猶唱開元太平曲
Xuân thảo thê thê xuân thủy lục,
Hải đường khai tận phiêu hương ngọc.
Tú lãnh cung tiền bạch phát nhân,
Do xướng Khai nguyên Thái bình khúc.
 Cỏ mùa xuân xanh xanh, nước mùa xuân trong vắt
Hải đường hoang dã nở rộ hết, mà hương ngọc bay phất phơ.
Trước cung Tú Lãnh một người tóc trắng
Còn hát khúc ca “Khai nguyên thái bình”
Sinh giục ngựa tiến lên, hỏi tên họ, cụ già cười, không trả lời. Rồi lại ngâm thêm một bài thơ:
厭世逃名者,
誰能答姓名。
曾聞三樂否,
看取路傍情。
Yếm thế đào danh giả,
Thủy năng đáp tính danh?
Tằng văn tam nhạc phủ?
Khán thủ lộ bàng tình.
Người đã chán đời, chạy trốn danh, làm sao có thể báo tên họ? Anh đã bao giờ nghe ba loại nhạc [4] chưa? Hay nhìn xem tình của khách bên đường.
Sinh biết ông cụ là quỷ hiện, bèn thôi không hỏi nữa. Anh tiếp tục đi theo sau, khoảng 2, 3 dặm, bấy giờ trời đã chiều tối. Khi đến phía tây gò Ngọc tuyền, ông cụ cười mà nói với Sinh rằng: “Tôi nghe có 3, 4 vị quân tử ngày hôm nay nhân nhớ tưởng cảnh cũ mà dạo chơi suối này. Tôi đã được mời từ ngày hôm qua. Từ đây đi về phía nam, tôi không thể cùng đi chung với thầy được nữa.” Hứa Sinh yêu cầu cùng đi chung, nhưng ông lão cười, không trả lời, lặng lẽ bỏ đi… Hứa Sinh lén đi theo, đến một nơi cách Cam tuyền chừng một dặm, rình nấp trong một lùm cây, thấy ông lão cùng gặp gỡ một bọn khoảng bốn người, thảy đều có vẻ cao sang quyền quý; nhìn phục sức, đoán chừng là bốn vị đại thần trong triều. Ông lão thuật, mình đọc được một bài thơ của ai đó viết lên cột nhà. Rồi ông ngâm cho mọi người cùng nghe, trong đó, hai câu cuối:
六合茫茫悲漢土,
此身無處哭田橫。
Lục hiệp mang mang bi Hán thổ
Thử thân vô xứ khốc Điền Hoành.
Trời đất mênh mông, buồn thay, thảy đều là đất nhà Hán mà thân này không có chỗ dung, để khóc Điền Hoành! [5]
Nghe xong, một trong bốn vị nói: “Tôi nhận ra tác giả rồi. Há không phải là gã học trò chịu ơn tôi nơi Y thủy chăng?”
Người viết tuy cố ý tạo nên bí ẩn, nhưng vẫn không cố ý che dấu lai lịch của những hồn ma này. Thì ra, đây là bài thơ của Lý Cửu điếu Vương Nhai. Vậy thì, những hồn ma hội thơ này là bốn vị đại quan Tể tướng triều vua Văn Tông bị bọn hoạn quan thảm sát trong vụ án gọi là “Cam lộ chi biến”. Cụ già áo trắng chính là nhà thơ Lư Đồng, tuy suốt đời không liên hệ gì đến quan trường, nhưng vô tình đến thăm Vương Nhai vào ngày thảm sát mà bị giết lây.
Hai bài thơ trên đây cùng được chép trong Toàn Đường thi, quyển 562, ghi là thơ của Lý Cửu (đời Đường), trong số 8 bài mà các hồn ma cùng ngâm vị tại cuộc hội thơ ma ở Phún ngọc tuyền. Bài thơ do cụ già áo trắng ngâm, Toàn đường thi, quyển 723, chép là của Lư Đồng, tựa đề là “Tú lãnh cung từ 繡嶺宮詞” với một vài chỗ khác nhau như sau:
春日遲遲春草綠,
野棠開盡飄香玉。
繡嶺宮前鶴髮翁,
猶唱開元太平曲。
Xuân nhật trì trì, xuân thảo lục;
Dã đường khai tận phiêu hương ngọc.
Tú lĩnh cung tiền hạc phát nhân,
Do xướng Khai nguyên Thái bình khúc.
Thay vì Ngày xuân chậm chạp, cỏ xuân biếc như trong bài này, thì trong bài thơ ma dẫn trên đọc là Cỏ xuân xanh rờn, nước xuân biếc. Không biết là mượn lời thơ của người, hay người mượn lời ma để phơi bày tâm sự. Dù ma hay người, vẫn một sầu thiên cổ với nỗi uất hận oan khiên.
Danh vọng, quyền lực, mưu sự bất thành, cho đến chết mà uất hận không tiêu, có lẽ cũng phần nào tỉnh ngộ:
鳥啼鶯語思何窮,
一世榮華一夢中
Điểu đề oanh ngữ tứ hà cùng
Nhất thế vinh hoa nhất mộng trung
Chim hót oanh ca, ý tứ không cùng. Một đời vinh hoa chỉ trong một giấc mộng. Cũng là hai câu thơ của hồn ma Thư Nguyên Dư, chức quan Đồng Bình chương sự (hàm Tể tướng), bị thảm sát trong vụ án Cam lộ.
Dậu dương tạp trở chép: Khoảng niên hiệu Nguyên hòa có người học trò, không rõ họ tên, nhân say nằm trong sảnh, khi tỉnh dậy thấy trên bình phong có một người đàn bà đứng đợi. Người ấy bước đến bên giường, múa và ca rằng:
長安女兒踏春陽
何處春陽不斷腸
舞袖弓腰渾忘却
蛾睂空帶九秋霜
Trường an nữ nhi đạp xuân dương
Vô xứ xuân dương bất đoạn trường
Vũ tụ cung yêu hồn vong khước
Nga mi không đới cửu thu sương.[6]
Con gái Trường an đạp nắng xuân
Không đâu nắng xuân không đoạn trường
Cánh áo eo cong quên vũ khúc
Mày ngài trơ trọi đọng sương thu
Khi ấy, có một cô gái thắt hai bính tóc, hỏi: “Lời ca nói eo cong. Eo cong như thế nào?” Vũ nữ kia bèn ngửa đầu ra sau, tóc dài chấm đất, eo cong như hình cánh cung. Gã học trò kinh sợ, cất tiếng la; bỗng nhiên những người ấy biến mất, trên bình phong không còn ai.
Hồn ma nhìn nắng xuân mà tiếc nuối, phải chăng hồn thiếu nữ thác oan; nắng xuân vẫn còn mà tuổi xuân đã mất?
2.
Trên đây là những bài được kể là thơ của quỷ. Cũng nên biết các nhà nho đồ đệ Khổng môn hiểu thế nào là quỉ; vì đức Khổng từ chối nói về quỷ: tử bất ngữ quái lực loạn thần 子不語怪力 亂神.
Hàn Dũ luận về “Nguyên quỷ” có nói:
“Nghe có tiếng gọi trên tường nhà, xách đèn đến mà soi thì không thấy gi cả. Đấy là quỷ ư? Không phải. Bởi vì quỷ thì không có tiếng nói.
“Thấy có người đứng ở nhà trên, đến gần để nhìn thì không thấy gì cả. Đấy là quỷ ư? Không phải. Bởi vì quỷ vốn không hình.
“Cảm giác có cái gì đụng chạm đến thân mình, vói bắt theo, không nắm được gì hết. Đấy là quỷ ư? Không phải. Bởi vì quỷ vốn không tiếng, không hình, thì đâu có khí.
“Quỷ vốn không tiếng, không hình, không có khí; vậy quả thực không có quỷ sao?
“Thưa: cái có hình mà không có tiếng, ấy là đất đá. Cái có tiếng mà không có hình, ấy là gió và sấm. Cái có tiếng và có hình. Ấy là người, là thú. Cái không tiếng, không hình, ấy là quỷ thần vậy…”
Sau đó, ông luận về những tai họa của quỷ. Ông nói, những thứ tai họa ấy không phải đến từ quỷ; chỉ là những cảm ứng phát hiện từ các hành vi của loài người.
Đây không phải là một bảng luận giải và phân tích tâm lý về sự kiện quỷ ám. Luận về “Nguyên quỷ” của Hàn Dũ không nói đến những tâm tình u ẩn mà chúng ta có thể tìm thấy nơi ca thi của Lý Hạ. Bởi vì, trong đó thế giới ma quỷ đầy những đau khổ đọa đày một linh hồn bị rẻ rúng; những uất hận về ước mơ không thành tựu.
Đời sống của con người, nhìn theo con mắt hiện thực nào đó, có thể là hình ảnh lãng mạn và bi hùng, như một lữ khách đi trong gió thu; của ngọn lửa nhiệt tình bốc cháy mãi và tan biến mãi vào hư không. Cũng đời sống ấy, trong con mắt của ẩn tình u ám, có thể là những tiếng hát hồn nhiên của một Mán nữ trên đồi núi bao la, tịch mịch, giữa màu xanh bát ngát hoang liêu điểm xuyết những đóa hoa màu máu và long lanh như nước mắt. Máu của thù hận và nước mắt của thương yêu; đó là tinh thể của ma quỉ. Thù hận ấy quả thực là vô nghĩa, phi lý. Vì ước mơ quá xa xôi, không hiện thực, khó che dấu được cái mà người ta gọi là cuồng vọng vô biên không thể tha thứ. Cho nên, nước mắt ấy cũng chỉ là dấu hiệu của sự đọa đày vô nghĩa. Người ta chọn định mệnh cho mình bằng ước mơ. Khi định mệnh đến đập cửa, thì máu không đủ để rửa sạch thù hận và nước mắt không đủ để làm ngọt tinh chất của tình yêu:
秋雨晴時淚不晴
Thu vũ tình thời lệ bất tình
(Tô Đông Pha)
Mưa thu đã tạnh mà nước mắt không hề quạnh ráo: âm hưởng của quỉ là như thế. Hoặc khác hơn thế; như Văn tế của Nguyễn Du:     
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rã rời
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỉ không đầu kêu khóc đêm mưa
Đã hay thành bại là cơ
Mà u hồn biết bao giờ cho tan.
Hồn không tan, vì uất hận bị chôn vào trong cổ mộ tối tăm; vì máu chưa thể khô để trở thành cát bụi. Thơ quỉ của Hạ có lúc vang đầy âm hưởng tanh hôi. Đó là giọt máu hận của một tâm hồn se sắt trong trận gió cuốn mùa thu, khô héo bởi những chiếc lá vàng phiêu hốt bất định. Gió thu thổi qua cây ngô đồng, người trai trẻ bàng hoàng kinh sợ, cay đắng. Gió thu nhẹ, hiu hắt, không đủ sức làm giông bão cuốn lên những trận mây vần, đá lở; nhưng nó làm tiêu hao tâm trí, làm bạc màu mái tóc thanh xuân, giữa những tiếng trùng, tiếng dế rỉ rả lạnh buốt da trong bóng đèn leo lét: hồn ma thui thủi điểm bông tùng. Một mái tóc xanh cúi gầm trên trang sách, mặc tình mối mọt vẽ thành những cánh hoa phù du của mộng tưởng, và đoạn trường, lên đó. Trong bóng đèn, mộng tưởng bồi hồi, từng khúc ruột kéo thẳng. Mưa lạnh, hồn ma khóc khách văn chương. Trên gò thu, những xác là vàng chất thành nấm mộ của mùa thu, quỷ hát bài thơ bằng giọng tanh hôi. Máu hận nghìn năm trở thành hạt ngọc bích trong lòng đất. Đây có phải là thơ quỉ với những tình tự hoang đường của quỉ? Đó là một mùa thu của Hạ:
秋來
桐風驚心壯士苦,
衰燈絡緯啼寒素。
誰看青簡一編書,
不遣花蟲粉空蠹?
思牽今夜腸應直,
雨冷香魂吊書客。
秋墳鬼唱鮑家詩,
恨血千年土中碧。
Thu lai
Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ
Suy đăng lạc vĩ đề hàn tố
Thủy khan thanh giản nhất biên thơ
Bất khiến hoa trùng phấn không đố
Tư khiên kim dạ trường ưng trực
Vũ lãnh hương hồn điếu thơ khách
Thu phần quỉ xướng Bào gia thi
Hận huyết thiên niên thố trung bích
Mùa thu đến
Gió heo mây hãi hùng tráng sĩ
Ngọn đèn lu dế rỉ se da
Tóc ai ôm quyến ngồi trơ
Chữ chen phấn mọt phủ mờ bóng đêm
Buồn thẳng ruột rủ mềm tư lự
Quỉ dầm mưa réo nợ văn chương
Đồi thu giọng quỉ sình trương [7]
Nghìn thu ngọc biếc vùi chôn máu thù.
Quả vậy, thơ Hạ đáng nói là sự kết tinh của cừu hận. Tâm hồn của một nhà thơ lúc nào cũng là tâm tình lữ thứ lưu đày nơi đất Trích. Đời sống khốn quẫn đẩy Hạ vào thế giới u ám. Nơi đó, sự cô độc gậm nhắm:
 蟲響燈光薄,
宵寒藥氣濃。
君憐垂翅客,
辛苦尚相從。
Trùng hưởng đăng quang bạc
Tiêu hàn dược khí nùng
Quân liên thủy súy khách
Tân khổ thượng tương tùng
Sâu vang, đèn bóng nhạt,
Khuya lạnh, thuốc hơi nồng;
Chú thương người rủ cánh,
Cay đắng vẫn một lòng.
Ấy là những lời Hạ tâm sự với Ba Đồng, một người tớ tiểu đồng trung thành, an ủi Hạ trong những thất bại và tuyệt vọng. Hạ tự ví mình như con chim rủ cánh, không còn ý chí bay cao. Rồi Hạ thác lời của Ba Đồng:
巨鼻宜山褐,
龐眉入苦吟。
非君唱樂府,
誰識怨秋深?
Cự tỉ nghi sơn hạt
Bàng mi học khố ngâm
Phi quân xướng nhạc phủ
Thủy thức oán thu thâm
Tôi mũi to, áo vải [8];
Cậu khan giọng cau mày.
Nghe ngâm thơ nhạc phủ,
Mới biết hận thu dày.
Thế giới ma quỉ như vậy trở thành một nơi thân thiết của Hạ. Nhà thơ yêu thương đất Trích, yêu thường dặm đường của khách Lữ bị lưu đày, yêu thương cảnh tượng u ám, đầy những hình ảnh quái dị và những đe dọa hãi hùng.
Những hình thù dị hợm và nhiều đe dọa của thế giới siêu thực ma quái ấy dù sao vẫn chưa phải là nơi đáng kinh sợ, trong sự an toàn của một cổ mộ bưng bít kín đáo; không đáng kinh sợ cho bằng thế giới hiện thực ngoài kia, thế giới của sa mạc; bởi vì ngoài đó, độc trùng và ác thú hiện thân người đứng chặn hết mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách, không có con đường để bước tới.
Cảm giác mình bị người đời rẻ rúng khiến Hạ tìm đến an ủi của Sở từ, tự coi như mình cũng đồng cảnh ngộ của Khuất Nguyên, người ôm mối chân tình cô độc, một mình bàng hoàng nơi hoang dã. Phẫn nộ được ký thác vào những quái tượng sơn mị, yêu tinh, những dị hình của tạo vật. Hạ không có những uất ức nghẹn ngào như Khuất Nguyên. Sự khốn quẫn trong đời sống của Hạ, một cách nào đó, chỉ do tâm tình bất đắc chí nhất thời của một thiếu niên nhiều tự phụ về tài cao. Dù vậy, Hạ vẫn cảm giác linh hồn mình phiêu dạt giữa vô số hiểm nghèo. Bài thơ “Công vô xuất môn” của Hạ hiển nhiên chứng tỏ ảnh hưởng đậm đà của Sở từ Chiêu hồn của Tống Ngọc. Vì thương cảm Thầy mình là Khuất Nguyên, trung mà bị xua đuổi, hồn phách lênh đênh không nơi nương tựa, mạng sống như gần đứt, Tống Ngọc viết “Chiêu hồn” để gọi hồn Khuất Nguyên trở lại, may ra tuổi thọ tìm được chỗ an toàn:
魂兮歸来!
去君之恒幹,
何爲乎四方些?
舍君之樂處,
而離彼不祥些。
Hồn hề qui lai
Khứ quân chi hằng oán
Hà vi hồ tứ phương ta
Xả quân chi lạc xứ
Nhi ly bĩ bất tường ta...
Hồn ơi về đi!
Thể xác mình sao bỏ
Mà long đong bốn phương sao?
Sao lìa nơi an ổn
Mà tìm chỗ không lành sao?
魂兮歸來!
南方不可以止些。
雕題黑齒,
得人肉以祀,
以其骨為醢些。
蝮蛇蓁蓁,
封狐千里些。
雄虺九首,往來鯈忽,
吞人以益其心些。
Hồn hề qui lai
Nam phương bất khả dĩ chỉ ta
Điêu đề hắc xỉ
Đắc nhẫn nhục dĩ tự
Dĩ kỳ cốt vi hải ta
Phúc xà trăn trăn
Phong hồ thiên lý ta
Hùng hủy cửu thủ
Vãng lai thúc hốt
Thôn nhân dĩ ích kỳ tâm ta...
Hồn ơi, về đi!
Phương nam không thể dừng được sao!
Mán mọi răng đen,[9]
Lấy thịt người cúng tế,
Dùng xương người làm tương sao! [10]
Rắn dữ ngổn ngang,
Chồn tinh nghìn dặm,
Hùng hủy [11] chín đầu,
Tới lui bất chợt,
Nuốt người để bổ tim chúng sao!...
“Công vô xuất môn” (Ông đứng ra cửa) của Hạ phỏng theo những mô tả ấy, và cũng đáng được gọi là một bài “Tiểu Chiêu hồn”:
 天迷迷,
地密密。
熊虺食人魂,
雪霜斷人骨。
嗾犬狺狺相索索,
舐掌偏宜佩蘭客。
帝遣乘軒災自息,
玉星點劍黃金軛。
我雖跨馬不得還,
歷陽湖波大如山。
毒虯相視振金環,
狻猊猰貐吐饞涎
鮑焦一世披草眠,
顏回廿九鬢毛斑。
顏回非血衰,
鮑焦不違天;
天畏遭銜齧,
所以致之然。
分明猶懼公不信,
公看呵壁書問天。
Thiên mê mê
Địa mật mật
Hùng hủy thực nhân hồn
Tuyết sương đoạn nhân cốt
Thốc khuyển ngoan ngoan tương sách sách
Thỉ chưởng thiên nghi bội lan khách
Đế khiển thừa hiên tai tự diệt
Ngọc kinh điếm kiến hoàng kim ách
Ngã tuy khóa mã bất đắc hoàn
Lịch dương hồ ba đại như sơn
Độc cù tương thị chấn kim hoàn
Toan nghê yết dũ thố sàm diên
Bảo Tiêu nhất thế phi thảo miên
Nhan Hồi trấp cửu mấn mao ban
Nhan Hồi phi huyết suy
Bào Tiêu bất vi thiên
Thiên úy tao hàm xỉ
Sở dĩ trí chi nhiên
Phân minh do cụ công bất tín
Công khan ha bích thơ vấn thiên.
Trời mờ mờ,
Đất mịt mịt.
Hùng hủy nhai hồn người,
Sương tuyết gặm, xương đứt.
Chó tru oang oang níu kéo nhau;
Liếm sạch tay làm khách bội lan. [12]
Đế [13] sai đưa xe, tai họa tan;
Sao ngọc điểm kiếm, [14] gọng xe hoàng kim.
Ta tuy ruổi ngựa không về được;
Sóng hồ Lịch dương [15] như núi ngất;
Độc cù [16] nhìn nhau, khoen rỗn rãng;
Toan nghê, yết đủ [17] sôi bọt mép.
Bảo Tiêu [18] khoác cỏ ngủ một đời,
Nhan Hồi [19] hăm chín tóc đốm bạc.
Không phải Nhan Hồi khí huyết suy;
Mệnh trời Bảo Tiêu không hề trái.
Nhưng trời sợ họ bị nghiến răng, [20]
Nên mới làm nên nông nổi ấy.
Rõ ràng, còn sợ ông không tin.
Ông hãy xem: người rủa vách [21] mà viết lời hỏi trời.
3.
Sự bi cảm của Tống Ngọc đối với Khuất Nguyên vô cùng tha thiết. Cung cách mô tả của “Chiêu hồn” với nhiều ảnh tượng siêu thực, và nhiều ám chỉ, khiến khó có thể thấy rõ chân tình của Ngọc đối với Thầy mình. Ở đây, chúng ta cũng nên đọc thêm một đoạn khác của Tống Ngọc, may ra thấy sát hơn tâm tình ấy, và nhờ đó để có thể hiểu được giới hạn đam mê Sở từ của Hạ. “Cửu biện” là một thiên Sở từ khác mà Tống Ngọc sáng tác để giải tỏa tâm sự ai oán của Khuất Nguyên, và cả của chính mình.
悲哉秋之為氣也!
蕭瑟兮草木搖落而變衰。
憭栗兮若在遠行,
登山臨水兮送將歸。
泬寥兮
天高而氣清,
寂寥兮收潦而水清。
憯淒增欷兮薄寒之中人
愴怳懭悢兮去故而就新,
坎廩兮貧士失職而誌不平。
廓落兮羈旅而無友生。
惆悵兮而私自憐。
燕翩翩其辭歸兮,
蟬寂漠而無聲。
雁廱廱而南遊兮,
鶤雞啁哳而悲鳴。
獨申旦而不寐兮,
哀蟋蟀之宵征。徵
時亹亹而過中兮,
蹇淹留而無成。
Bi tai thu chi vi khí dã!
Tiểu sắt hề thảo mộc dao lạc nhi biến suy.
Lạo lật hề nhược tại viễn hành,
Đăng sơn lâm thủy hề tống tương quy.
Quyết liêu hề thiên cao nhi khí thanh,
Tịch liêu hề thâu lạo nhi thủy thanh.
Thảm thê tăng hy hề bạc hàn trung chi nhân.
Sảng hoảng khoáng lượng hề khứ cố nhi tựu tân.
Khảm lẫm hề bần sĩ thất chức nhi chí bất bình.
Quách lạc hề cơ lữ nhi vô hữu sinh.
Trù trướng hề nhi tư tự lân.
Yến phiên phiên nhi từ quy hề,
Thiền tịch mạc nhi vô thanh.
Nhạn ung ung nhi nam du hề
Côn kê chu chiết nhi bi minh.
Độc thân đán nhi bất mị hề
Ai tất suất chi tiêu chinh.
Thì vỉ vỉ nhi quá trung hề
Kiển yêm lưu nhi vô thành...
Buồn thay, hơi thu về.
Cỏ cây se sắt, héo tàn mà rơi rụng.
Thê lương thay chừng như đi xa,
Trèo non lội nước để đưa về.
Rổng rang ôi, kìa trời cao trong vắt,
Vắng vẻ ôi, kìa nước lũ rút mà lắng.
Buồn thảm bi thương ôi như người trong cơn se lạnh.
Rầu rĩ xót xa ôi, bỏ cũ mà theo mới.
Cùng khốn thay, bần sĩ mất chức mà chí bất bình.
Trống trãi ôi lữ khách không bạn bè.
Than thở ôi mà thương cho mình.
Én bay chập chờn, thôi từ giã mà về,
Ve sầu nỉ non mà vắng vẻ.
Nhạn nhởn nhơ mà bay về nam thôi,
Gà sếu chíu chít buồn.
Sao minh ta thâu đêm mà không ngủ.
Dế buồn rỉ rả suốt đêm.
Thời gian thấm thoát quá nửa rồi
Mà ta khấp khểnh chẳng nên gì.
 Dưới đây là một đoạn dịch của Trần Trọng San:
Thương thay hiu hắt khí thu!
Đổi màu cây cỏ, đến mùa điêu linh.
Buồn ai lê gót viễn hành,
Xuống giòng, lên nui, thương tình tiễn đưa
Khí thanh, trời thẳm, trơ vơ,
Quạnh hiu mưa tạnh, lặng tờ nước trong.
Hại người, khí tỏa lanh lùng!
Bỏ xưa, theo mới, cho lòng buồn tênh.
Đường mây bần sĩ bất bình,
Lẻ loi đất khách vắng tanh bạn bè.
Tưởng mình chua sót, ê chề,
Ve không cất tiếng, én về nơi đâu?
Nhạn bay, gà gáy điệu sầu,
Dế bò đêm tối, mình sao thức hoài!
Nửa năm thấm thoắt qua rồi,
Riêng ta lận đận đường đời dở dang.
Ảnh hưởng của Sở từ đối với Hạ không phải chỉ ở nơi những cung cách mô tả. Chính nơi Hạ cũng có nhiều chỗ chứng tỏ sự đam mê nó một cách đặc biệt, rất dễ thấy trong “Thương tâm hành 傷心行”:
咽咽學楚吟,
病骨傷幽素。
秋姿白發生,
木葉啼風雨。
燈青蘭膏歇,
落照飛蛾舞。
古壁生凝塵,
羈魂夢中語。
Yết yết học Sở ngâm,
Bịnh cốt thương u tố.
Thu tư bạch phát sinh,
Mộc diệp đề phong vũ.
Đăng thanh lan cao yết,
Lạc chiếu phi nga vũ.
Cổ bích sinh ngưng trần,
Cơ hồn mộng trung ngữ.
Sở từ khản giọng học ngâm,
Một thân cốt bịnh đau ngầm lòng son.
Vẻ thu tóc trắng đã dồn,
Lá cây đẫm lệ khóc tràn gió mưa.
Dầu lan [22] cạn bấc đèn mờ,
Chập chờn cánh bướm quạt lu bóng tàn.
Vách trơ ngày tháng bụi giăng,
Chiếc hồn lữ thứ mơ màng chiêm bao.
Bịnh hoạn và tóc trắng, không chỉ những ẩn dụ suông. Chúng là những ám ảnh và đau khổ thường trực. Bởi vì, chúng ta biết rằng tóc Hạ bắt đầu điểm bạc khi chưa quá 18 tuổi. Và thể chất của Hạ cũng gầy yếu. Nhưng trên hết, vẫn là một tâm hồn cô độc: đèn lu, dầu cạn, vách trơ bụi bám, Hạ thấy linh hồn mình lang bạt và nói chuyện trong mơ.
Thế thì, Hạ đã đọc Sở từ với tất cả sự cay đắng khốn cùng, với cô liêu, với cảm giác trôi dạt.
Thất bại trên đường tiến thủ ngay lúc chỉ mới 21. Những gì đáng gọi là cuồng ngạo và hùng thị của tuổi trẻ bị lâm vào bế tắc. Hạ bơ vơ lạc lõng giữa đất kinh kỳ. Đấy là những lúc Hạ tìm đến Sở từ như tìm đến một nơi nương tựa:
長安有男兒,
二十心已朽。
楞伽堆案前,
楚辭系肘後。
Trường an hữu nam nhi
Nhị thập tâm dĩ hủ
Lăng già đôi án tiền
Sở từ hệ chẩu hậu...
(Tặng Trần Thương 贈陳商)
Chàng trai trẻ nơi Trường an;
tuổi 20, lòng đã nát.
Lăng già chất trước mắt.
Sở từ đeo sau lưng.
Bài thơ được sáng tác lúc Hạ giữ chức Phụng lễ lang, một chức quan nhỏ phụ trách xướng đạo hướng dẫn trong các buổi tế lễ tông miếu. Tự phụ tài cao, nhưng bị cấm thi Tiến (tấn) sĩ vì kỵ húy cha.
Lý do Hạ bị cấm thi tiến sĩ được Khang Biền kể lại trong Kịch đàm lục: Hạ nổi danh rất sớm, được Hàn Dũ hết sức tán thưởng. Nguyên Chẩn, nhà thơ danh tiếng đời Đường, xuất thân là Minh kinh cập đệ, muốn kết giao với Hạ. Khi đến tìm Lý Hạ, bị Hạ khước từ, cho rằng hạng Minh kinh cập đệ thì không xứng cho mình tiếp. Nguyên Chẩn vì thế mà thù oán. Khi Chẩn được bổ nhiệm làm Lang trung bộ Lễ, liền phản đối không cho Hạ dự thi tiến sĩ, viện cớ cha tên Tấn (tiến).[23] Cha Hạ tên Tấn Túc 晉肅. Tấn và tiến , tự dạng khác nhau nhưng do phát âm gần tương tợ. Câu chuyện có thể là bịa đặt, nhưng Hạ không được dự thi là sự thật. Hàn Dũ, dù danh vọng cao đương thời, viết đoản văn “Húy biện” để cố binh vực, vẫn không kết quả [24]. Con đường tiến thân như vậy hoàn toàn bế tắc.
Trong thời gian giữ chức Phụng lễ lang, ngụ tại xóm Sùng nghĩa, kinh thành Trường an, những người bạn thân của Hạ được kể đến là bọn Vương Tham Nguyên, Dương Kỉnh Chi, Quyền Cứ và Thôi Thực; trong đó không thấy nhắc đến Trần Thương, người được Hạ tặng thơ dẫn ở đây.
Trần Thương, tự Thuật Thánh, cháu 5 đời của Tuyên đế nhà Trần, đỗ tiến sĩ năm Nguyên hòa 9 (814); đó cũng là năm Hạ từ chức quan, trở về quê cũ. Hạ và Thương, cả hai đều rất được Hàn Dũ tán thưởng. Tuy không thấy nói về sự giao tình giữa hai người, nhưng trong thơ, Lý Hạ tỏ ra hâm mộ tài năng của Trần Thương:
淒淒陳述聖,披褐鉏俎豆。
學爲堯舜文,時人責衰偶。
Thê thê Trần Thuật Thánh
Phi hạt sừ trở đậu
Học vi Nghiêu Thuấn văn
Thời nhân trách suy ngẫu.
Lạnh lẽo Trần Thuật Thánh,
Áo vải, vừa cày ruộng vừa học lễ.
Học làm văn Nghiêu Thuấn,
Người đời chê là kém cõi.
Điều đáng nói trong bài thơ này, là bộc lộ ý tưởng tự phụ của Hạ. Không chỉ ý nói người đời không đánh giá nổi Trần Thương, mà chính tự ví mình như vậy. Dù sao, Trần Thương vẫn còn cơ hội leo thang danh vọng, con Hạ thì con đường trước mặt đã bế tắc, trong lúc đầu chưa bạc trắng. Tài năng hay cốt cách Trần Thương sừng sững cao vọi như núi Thái hoa; Lý Hạ tài năng hẳn cũng không kém, nhưng, công khanh không ai biết đến, chỉ khư khư làm một nho sinh với chức quan nhỏ trong bộ Lễ, bao giờ Ông Trời mở mắt để nhìn thấy “cổ kiếm” gầm tiếng và bay vút lên cao? Với Trần Thương, chỉ là sự chê bai của người đương thời; hạng người kém cỏi; nhưng với Hạ thì chính Ông Trời cũng không có mắt:
天眼何時開,
古劍庸一吼。
Thiên nhãn hà thời khai,
Cổ kiếm dung nhất hống?
Thơ tặng Trần Thương, Hạ bộc lộ tâm tình nguội lạnh của mình, không còn chỗ ký thác nào nữa, duy chỉ phi Kinh Lăng-già chất trước án, và tập Sở từ quải sau lưng. Ôm Sở từ để ký thác tâm sự, điều này thì dễ hiểu, mặc dù vị trí xã hội cũng như về tuổi tác, Khuất Nguyên cách Lý Hạ quá xa. Nhưng, ở người ta không rõ Hạ tìm thấy chân lý gì về lẽ sống và chết trong kinh Lăng-già? Không đâu trong thơ của Lý Hạ dễ tìm thấy phảng phất ấn tượng của tư tưởng Lăng-già. Hoặc giả, như hai câu kệ của Kinh:
世間離生滅,  
猶如虛空華
Thế gian ly sinh diệt
Do như hư không hoa
Hạ tự ví tài hoa của mình đẹp như bông hoa cho đời; song le, bông hoa ấy như là hoa trời, thế gian không thưởng thức nổi. Tuy vậy, hoa trời trong Lăng-già ám chỉ bản chất vốn không sinh không diệt của thế gian, mà tâm tư của Hạ thì cay đắng vì đường đời trước mặt đã cụt.
Hoặc giã, với hai câu kệ khác,
遠離於斷常,  
世間恒如夢
Viễn ly ư đoạn thường
Thế gian hằng như mộng
Hạ đồng tình với Kinh rằng thế gian này chẳng gì khác hơn là một giấc mộng. Nhưng giấc mộng trong Lăng-già thì không gián đoạn cũng không thường hằng, sao tâm tư của Hạ thì chất đầy oán hận?
Có thể, đằng sau, hay bên dưới tầng sâu của tâm tự, xuyên những đảo điên thế sự, Hạ tìm nơi trú ẩn cho tâm tư đầy xáo trộn trong cảnh giới tịch mặc không sinh, không diệt, không đoạn, không thường? Thế giới ấy vượt ngoài ngôn ngữ, mà chính thể tinh của ngôn ngữ trong thi ca cũng không thể vươn đến. Vậy thì, trong thế giới của Hạ, trước mắt là cõi vô ngôn tĩnh lặng của Lăng-già, và sau lưng là cuộc đời sóng gió của Sở từ.
Cho đến lúc không còn trông mong gì được ở bản lãnh văn chương của mình nữa, Hạ trở về Xương cốc. Nhưng chưa chắc hùng khí cao ngạo của tuổi trẻ đã mất hết. Có điều, Hạ không thoát ra ngoài cảm giác cay đắng trước sự bế tắc. Lại một lần nữa, bóng dáng của Sở từ xuất hiện giữa cảnh tượng tịch mịch hoang liêu nơi vườn bắc:
斫取青光寫楚辭,
膩香春粉黑離離。
無情有恨何人見,
露壓煙啼千萬枝。
Chước thủ thanh quang tả Sở từ
Nị hương xuân phấn hắc ly ly
Vô tình hữu hận hà nhân kiến
Lộ áp yên đề thiên vạn chi
Bóc vỏ măng non chép Sở từ,
Nõn nà hương phấn đượm dòng thơ.
Vô tình vết hận nào ai thấy,
Khói phủ sương trùm vạn nhánh trơ.
 Bóc vỏ măng non chép Sở từ, Hạ đau đớn với những đau đớn của lớp da bị bóc và bị khắc chữ vào đó. Đau khổ trước sự vô tình của khách đi ngang qua. Thế là ôm kín vết thương nhức nhối trong lòng giữa sự hờ hững của người đời. Dâng hết tuổi xuân và tài hoa của mình cho đời, mà đời lại rẻ rúng.
Trong bài tựa giới thiệu ca thi của Lý Hạ, Đỗ Mục quả quyết thơ Hạ là miêu duệ của Ly tao; mặc dù có kém về lý, nhưng có thể hay hơn về lời. Các nhà phê bình Hạ về sau cũng có những quả quyết tương tợ.
Văn tâm điêu long [25] chỉ điểm 8 đặc tính của Sở từ, trong số đó, chúng ta dễ dàng tìm thấy Hạ đã gặp được 4 điểm. Những đặc tính còn lại của Sở từ tất nhiên chính là điều mà Mục nói Hạ kém về lý, và hy vọng nếu Hạ sống thêm nữa để lịch lãm chuyện đời, ca thi của Hạ có lẽ không nhượng Sở từ một điểm nào hết.
Bốn đặc tính của Sở từ, như Văn tâm điêu long chỉ điểm, mà được coi là thiếu nơi Hạ, đó là xét về thể, về chỉ, về nghĩa và về từ.[26] Về thể, Sở từ mang tính chất “điển cáo” của Kinh thư, ca ngợi tư cách và pháp độ của Nghiêu, Thuấn, Thành Thang, Vũ Vương. Về chỉ, đó là tính cách “quy phúng”, chỉ trích tư cách của Kiệt, Trụ, có ý răn đời. Về nghĩa, tư cách của Sở từ hội đủ yếu tố của Kinh Thi, với những mô tả hoặc bằng so sánh, hoặc bằng ngẫu hứng, tức “tỉ, hứng”. Về từ, đây là những lời oán hận chua cay nhưng cũng đầy chân tình tha thiết của Sở từ. Sự thực, bốn điểm kể trên chỉ bộc lộ rõ rệt nơi Ly tao chứ không phải tất cả Sở từ. Cho nên, riêng Ly tao được nâng lên ngang hàng với Kinh điển, được gọi là Ly tao kinh.
Bốn đặc điểm khác,[27] chung cho tất cả Sở từ, vượt ngoài khuôn sáo kinh điển. Thứ nhất là từ, những lời “quỷ dị” với những hình ảnh: rồng, mây, xa xôi mà quái đản. Với Ly tao, đi thì duỗi ngọc cù, cỡi cánh phượng, sáng mai từ Thương ngô, chiều đã đến Huyền bồ…; biểu tượng siêu thực xa vời, nhưng hàm ngụ rất thiết thực: cửu trùng diệu vợi, tấm lòng trung khó tỏ với vua:
Thơ tôi bay biết bao giờ cho thấu,
Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
(Hàn Mặc Tử)
Điểm thứ hai là “đàm”, những luận bàn “quyệt quái”, nói những dị hình quái trạng của tạo vật. Nơi “Thiên vấn” thì Khang Hồi làm nghiêng quả đất; Di Nghệ bắn rụng mặt trời. Nơi “Chiêu hồn” thì Mộc Phu chín đầu, Thố Bá ba con mắt… Tạo vật trong trời đất đã không tề chỉnh, cho nên đường đời có lắm cảnh tượng ngổn ngang.
Điểm thứ ba là “chí”, tâm tình khe khắt, “quyến hiệp”, như khư ôm kín ước vọng của mình; như Bành Hàm giữ chặt lòng trung gieo mình xuống nước; như Tử Tư đâm cổ tự vận mà Ngô vương vứt xác xuống sông.
Điểm sau hết, “ý”, những cảnh phóng túng của đời sống, trai gái chung chạ, rượu chè suốt ngày.
So với Sở từ, ca thi của Hạ mà được nói là kém lý, là vì Hạ không thể bằng Khuất Nguyên về tấm lòng “trung quân ái quốc”. Tất nhiên, không hẳn Hạ không có một tấm lòng như thế. Nhưng tư cách của Hạ không thể so với tư cách của Khuất Nguyên; cho nên Hạ cũng chỉ ôm mối “cô trung”, nếu có, đến mức độ vừa phải. Hạ không hề tỏ ra yêu thương và hoài vọng các bậc quân vương trong triều đại của mình cho bằng Khuất Nguyên. Cũng không phải vì thế Hạ đã dễ dàng nuôi dưỡng một thái độ phản kháng đối với triều đình. Trên một phương diện, Hạ không giấu diếm bất mãn các vua Đường với đời sống xa hoa trụy lạc của họ. Có thể Hạ đã gián tiếp kết án chế độ Đức Tông (trị 780-804) như là một chế độ “cọp dữ”; hoặc châm biếm thái độ bạc nhược và cảnh tượng khôi hài của quân đội Hiến Tông (trị 806-810) trong lúc xuất chinh. Cũng vậy, khi đi ngang qua hành cung Hoa thanh, dấu vết của Huyền Tông còn lưu lại giữa sự u ám, mà thời đại vàng son xưa kia không đủ tư cách phong độ của một bậc thiên tử. Ngụ ý chỉ trích sâu xa khi Hạ gọi Huyền Tông là “Thục vương” mà chúng ta có thể thấy trong bài thơ “Đi qua Hoa thanh cung” 過華清宮:
春月夜啼鴉,
宮簾隔御花。
雲生朱絡暗,
石斷紫錢斜。
玉碗盛殘露,
銀燈點舊紗。
蜀王無近信,
泉上有芹芽。
Xuân nguyệt dạ đề nha,
Cung liêm cách ngự hoa.
Vân sinh chu lạc ám,
Thạch đoạn tử tiền tà.
Ngọc uyển thịnh bàn lộ,
Ngân đăng điểm cựu sa.
Thục vương vô cận tín,
Tuyền thượng hữu cần nha.
Quạ khóc đêm trăng bạc,
Rèm cung mấy lớp hoa.
Mây lên màu son nhạt,
Đá vở rong rêu tà.
Bát ngọc sương tàn đọng,
Đèn ngân điểm lụa xưa.
Thục vương đi biền biệt,
Bờ suối nụ cần trơ.
Bài thơ này không mang dấu vết của Sở từ. Phong cách của nó là phong cách chung của các nhà thơ đời Đường. Nhưng vẫn có cái riêng của nó: màu sắc u ám, hoang lương… Nó cũng gián tiếp cho chúng ta thấy rằng mỗi khi bóng dáng Sở từ xuất hiện, ca thi Hạ đắm chìm trong khối hận.
4.
Cho nên, Sở từ nơi Hạ là sự kết tinh của tình và hận. Tương Phu nhân là một trong những nhân cách biểu tượng cho sự kết tinh này.
Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, và gả cho Thuấn hai người con gái của mình, Nga Hoàng và Nữ Anh. Vua Thuấn tuần thú phương nam, chết tại Thương ngô, chôn trên ngọn Cửu Nghi. Hai bà ôm tre khóc lóc. Nước mắt của họ đổ nhiều khiến tất cả tre trong vùng đất này trở thành tre đốm. Rồi hai bà gieo mình xuống sông Tương mà chết. Dân chúng quanh đó lập miếu thờ, coi như là nữ thần của sông Tương. Khuất Nguyên bị biếm trích đến đây, tỏ ra bi cảm vô cùng tấm lòng chung thủy ấy. “Tương Quân 湘君” trong “Cửu ca” của Sở từ rõ ràng là chứng tích của bi cảm này.
Tình chung thủy của Tương Phu nhân và tấm lòng cô trung của Khuất Nguyên, cả hai có vẻ kích động nơi Hạ một ấn tượng sâu đậm. Hạ viết bài ca “Tương Phi”:
筠竹千年老不死,
長伴秦娥蓋湘水。
蠻娘吟弄滿寒空,
九山靜綠淚花紅。
離鸞別鳳煙梧中,
巫雲蜀雨遙相通。
幽愁秋氣上青楓,
涼夜波間吟古龍。
Quân trúc thiên niên lão bất tử,
Trường bạn Tần Nga cái Tương thủy.
Man nương ngâm lộng mãn hàn không,
Cửu sơn tĩnh lục lệ hoa hồng.
Ly loan biệt phượng yên Ngô trung,
Vu vân Thục vũ diêu tương thông.
U sầu thu khí thượng thanh phong,
Lương dạ ba gian ngâm cổ long.
Những khóm tre đốm già, nghìn năm vẫn chưa chết, vĩnh viễn làm bạn với Tần Nga, rợp bóng lên sông Tương. Ngọn Cửu nghi xanh ngắt mênh mông, điểm những cánh hoa đỏ thắm, màu đỏ của những giọt lệ chung tình; trong cảnh tịch liêu bàng bạc ấy, chỉ duy có tiếng ca của cô Mán vang đầy cà bầu trời lạnh lẽo.
Vua Thuấn gởi mình Thương ngô. Tương Phi trầm mình trong lòng sông. Mây khói Thương Ngô chia rẽ cuộc tình của loan và phượng. Cuộc hội ngộ rất hiếm, không thường xảy ra. Nhưng cùng chung một cuộc tình chung thủy thì cũng cùng chung cái lý của thanh khí lẽ hằng; họ cùng giao cảm, thông đồng, qua mây trên đỉnh Vu và mưa trên đất Thục. Bởi vì cuộc hội ngộ không thường; nỗi buồn thương nhớ của Tương Phi bốc thành hơi khói của mùa thu ảm đạm trên ngọn phong xanh; cảm hoài nghe cũng xôn xao, và náo nức, giữa những tiếng rồng già ngân rỉ rả dưới sóng nước, trong đêm lạnh:
Khóm tre già nghìn năm không chết,
Rợp sông Tương, tha thiết Tần Nga.
Lạnh trời nàng Mán vang ca,
Cửu sơn tạnh biếc, lệ hoa điểm hồng.
Khói Thương ngô rẻ dòng loan phượng,
Thục, Vu xa trông bóng mây mưa.
Ngọn bàng hiu hắt gió thu,
Sóng sông đêm lạnh gầm gừ rắn kêu.
Một bài khác, “Đế từ ca”, mà ngụ ý của nó không thấy có giải thích đồng nhất giữa các nhà chú giải ca thi Lý Hạ:
洞庭帝子一千里,
涼風雁啼天在水。
九節菖蒲石上死,
湘神彈琴迎帝子。
山頭老桂吹古香,
雌龍怨吟寒水光。
沙浦走魚白石郎,
閒取真珠擲龍堂。
Động đình Đế tử nhất thiên lý,
Lương phong nhạn đề thiên tại thủy.
Cửu tiết xương bồ thạch thượng tử,
Tương thần đàn cầm nghinh đế tử.
Sơn đầu lão quế xuy cổ hương,
Thư long oán ngâm hàn thủy quang.
Sa phố tẩu ngư Bạch Thạch lang,
Nhàn thủ chân châu trịch long đường.
Động đình Đế tử,[28] một nghìn dặm,
Gió lạnh, cò kêu, nước lộn trời.
Xương bồ chín đốt chết trên đá,
Tương thần gãy đàn đón Đế tử.
Đỉnh núi, quế già, lạ phấn hương;
Rồng cái oán ngâm, nước lạnh lùng.
Bãi cát cá chạy, Bạch Thạch lang[29];
Đùa bắt chân châu ném long đường.
“Xương bồ chín đốt”, một loại cỏ cây (huyền thoại?) mọc trên đá, ăn nó để làm tăng và giữ mãi nhan sắc. Nó đã chết, hy vọng cũng chết. Hạ có ngụ ý nào đối với Tương Phu nhân, hay Đế tử, con vua Động đình, ở đây?
Giữa hai bài, “Tương Phi” ẩn chứa nhiều chân tình của “Tương Quân” trong Cửu ca hơn. “Đế tử ca” có vẻ nhiều sắc thái của Tương phu nhân của Cửu ca. Hàn Dũ phân biệt “Tương quân” của Cửu ca chỉ cho Nga Hoàng, và Tương Phu nhân chỉ cho Nữ anh. Nếu quả đúng ý của Cửu ca, thì nơi Hạ, “Đế tử ca” phảng phất bóng dáng của Nga Hoàng và Tương Phi hẳn là nói cái chân tình của Nữ Anh. Nhưng, chân tình ấy trong Cửu ca phải tìm nơi “Tương Quân”. Khuất nguyên bày tỏ hoài vọng của mình với Tương Quân rất tha thiết cũng đồng như hoài vọng Sở Hoài vương. Thần Nữ ở trong khoảng đâu đó trong dòng Nguyên, Tương; mà sóng Động đình bao la, chim chóc, cá, rùa tụ tập hiểm trở khó đến. Cũng vậy, nhà vua dù ở trong thế giới hiện thực mà tưởng như ở giữa cảnh giới của thần. Khuất Nguyên cũng bày tỏ chỗ oán hận của mình, bởi vì hoài vọng thì quá tha thiết mà hy vọng lại quá mong manh.
Như vậy, tìm dấu vết của Sở từ trong ca thi của Hạ không phải là điều khó khăn. Nhưng chỉ nên tìm đến trong một giới hạn nào đó thôi. Và cũng chỉ nên tìm đến trong một câu hỏi này: dưới cảnh ngộ và tâm tình nào của Hạ chịu ảnh hưởng Sở từ đến độ người ta có thể nói: “ngoài ảnh hưởng Sở từ, ca thi của Hạ không có gì đáng bàn đến”?[30]. Ý nghĩa của câu hỏi này muốn hàm ngụ một bảng luận giải về hiệu lực của thần thoại trong thi ca. Đây chỉ là một vấn đề gợi ý. Bởi vì, dưới cái nhìn đó, có thể thơ Hạ ngoài ảnh hưởng Sở từ còn nhiều điều đáng nói nữa:
Một tấm lòng của Kinh Kha!.

Chú thích:
[1] Tô Thức văn tập, quyển 68.
[1] Nha quang mạo 砑光帽, tên một loại mũ được làm bằng thứ lụa (quyến) nha quang. Đường Nam Trác 南卓, Yết cổ lục: “Tiến thường đội mũ nha quyến (lụa) mà tấu nhạc. Vua tự tay ngắt một đóa cẩn đỏ đặt trên líp mũ. Cả hai thứ đều rất trơn, nên phải một lúc mới để yên được. Tiến tấu xong một khúc nhạc Vũ sơn hương mà hoa vẫn chưa rơi.”
[2] Sơn hương vũ 舞山香, tên một nhạc khúc thời cổ.
[3] Lý Phưởng李昉 (925-996): Thái bình quảng ký, quyển 350, mục Quỷ (thi).
[4] Tam nhạc三樂: ba loại âm nhạc tế trời, tế đất và tế quỷ.
[5] Điền Hoành 田橫: Điền Hoành được nói đến trong thơ chính là thân vương nước Tề. Nước bị Tần diệt. Về sau, Hoành cử binh chống lại Hạng Vũ, khôi phục nước Tề, nhưng rồi bị Hàn Tín nhà Hán đánh bại, ông cùng 500 khách chạy ra hải đảo. Sau khi nhà Hán thống nhất thiên hạ, Hán Cao tổ gọi Điền Hoành cùng khách của ông vào triều phong tước. Điền Hoành không chịu, bèn tự sát. 500 người khác hay tin Điền Hoành tự sát, thảy cùng tự sát chết theo.
[6] Dậu dương tạp trở, quyển 14 酉陽雜俎 卷十四.
[7] Bào gia thi 鮑家詩, thơ của nhà họ Bào, chỉ Bào Chiếu 鮑照, triều đại Nam Tống. Tương truyền bài thơ “Thay hành khúc Cao lý” 代蒿里行 của ông lời lẽ chân tình thống thiết cảm đến cả ma quỷ.
[8] Sơn hạt 山褐, áo vải bố mà hạng người sơn dã mặc.
[9] 雕題黑齒 điêu đề hắc xỉ. Điêu đề, chỉ các dân tộc Bách Việt cổ đại, tục lệ xâm mình. Răng đen, tục nhuộm răng đen của một số dân tộc khu vực Đông Nam Trung quốc.
[10] Tục dùng thịt người tế thần.
[11] Hùng hủy 熊虺, một loại rắn độc cực kỳ to lớn, yêu quái chín đầu được kể trong truyền thuyết Trung hoa.
[12] Bội lan khách 佩蘭客, người kết hoa lan làm trang sức, chỉ phẩm chất cao quý, trong sạch. Khuất Nguyên tự miêu tả cốt cách của mình trong Sở từ.
[13] Đế, chỉ Thượng đế. Sở từ, “Chiêu hồn”: 帝告巫陽曰:有人在下,我欲輔之。魂魄离散,汝筮予之。 Thượng đế bảo bà bóng Vu Dương: “Dưới thế có người mà Ta muốn giúp. Vì hồn phách nó đang bị ly tán. Ngươi hãy gọi về cho Ta.”
[14] 玉星點劍 sao ngọc: vụn ngọc lấp lánh như sao; kiếm cẩn vụn ngọc.
[15] 歷陽湖 hồ Lịch dương; hồ nước trong huyện Lịch dương, quận Cửu giang, nước Hoài Nam. Trong huyện có bà già thường hành nhân nghĩa. Có hai người học trò báo cho bà biết, khi nào thấy khung cửa thành đông có máu thì hãy chạy lên núi. Bà thường xuyên đến cổng thành trông chừng. Lính gác thành hỏi, bà thuật y lời báo. Tên ;ính bèn giết gà, lấy máu bôi lên khung cửa thành. Lần sau khi đến cổng thành, nhìn tháy máu, bà vội chạy lên núi. Bấy giờ hồ trong huyện nổi sóng nhận chìm cả huyện. Truyện truyền kỳ, Hoài nam tử, quyển 2.
[16] Độc cù 毒虯: con rồng có nọc độc, phun ra hơi độc. Truyền thuyết cổ đại Trung quốc nói, con rồng nhỏ mà có sừng gọi là con cù.
[17] 狻猊猰貐 Toan nghê, tên gọi khác chỉ sư tử. Yết (hoặc đọc là khiết) dũ, quái thú đầu chim mình người, hoặc được tả là mặt người mình trâu, hay mặt người người thân rồng, hoặc nói là đầu rồng mình cọp; xưa vốn hiền lành, nhưng bị thần sao Nguy giết chết. Thiên đế thương tình là con trai của Chúc Long nên làm cho sống lại. Sau khi sống lại nó trở nên hung ác, thành quái thú ăn thịt người. Về sau, bị vua Nghiêu sai Hậu Nghệ giết chết.
[18] Bảo Tiêu 鮑焦: ẩn sỹ đời nhà Châu, cùng thời với Tử Cống (môn đệ của Khổng tử. Ông thủ chí liêm khiết, tự cày ruộng mà ăn, tự đào giếng mà uống. Về sau, ông ôm gốc cây mà đứng chết khô.
[19] Nhan Hồi, đệ tử tâm đắc của Khổng Tử, chết yểu.
[20] Bị nghiến răng: bị hãm hại.
[21] Ha bích 呵壁: Khuất Nguyên bị ruồng bỏ, lang thang khắp núi, chằm, gặp miếu thờ các Tiên vương nước Sở, có vẽ cảnh trời đất, núi sông, thần linh, cổ Thánh Hiền, cũng những chuyện hoang đường, quái vật. Khuất Nguyên bèn viết lên vách, trách mắng và hỏi. Từ ha bích ở đây dùng miêu tả sự phát tiết những điều bất mãn trong lòng.
[22] Lan cao 蘭膏: thời xưa, người ta ép hạt lan chế biến làm dầu đốt đèn.
[23] Đường Khang Biền, Kịch đàm lục  康駢《劇談錄》
[24] Tân Đường thư, “Nghệ văn chí” 新唐書藝文志, chép chuyện Lý Hạ bị cấm thi vì húy cha, nhưng không thấy nói chuyện Nguyên Chẩn.
[25] Lưu Hiệp (đời Lương) 梁.劉勰: Văn tâm điêu long, thiên thứ 5, “Biện Tao” 文心雕龍辨騷第五.
[26] Bốn điểm của Sở từ thiếu nơi thơ của Lý Hạ: 1. điển cáo chi thể 典誥之體; 2.quy phúng chi chỉ 規諷之旨; 3. tỷ hứng chi nghĩa比興之義; 4. trung oán chi từ 忠怨之辭. Đỗ Mục, Tựa Lý trường cát ca thi 杜牧李長吉歌詩叙.
[27] Bốn điểm quỷ dị chi từ詭異之辭; 2. quyệt quái chi đàm 譎怪之談; 3. quyến hiệp chi chí 狷狹之志; 4. hoang dâm chi ý 荒淫之意.
[28] Đế tử 帝子: chỉ Nga Hoàng 娥皇 và Nữ Anh 女英, truyền thuyết nói là hai người con gái của vua Nghiêu.
[29] Bạch Thạch Lang 白石郎, thủy thần trong truyền thuyết.
[30] Bình của Thiều Khê: Ngư ẩn tòng thoại 漁隱叢話.
Tuệ Sỹ
Theo http://huongtichphatviet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...