Từ cái thực chuyển sang cái mơ
Thời kỳ tôi bắt đầu tìm hiểu về cái đẹp, sách vở, tạp chí tiếng
Việt đề cập đến thật hiếm hoi.
Bài học đầu tiên về cái đẹp, nhờ ở tác giả Phạm Quỳnh, trong thượng chi văn tập.
Bài viết rất ngắn gọn, cũng đã khai mở phần nào. Thời kỳ tiếp sau, đọc được những
phát biểu về nghệ thuật của các họa sĩ người Trung Quốc như Thạch Đào, Tạ Hách…
con cô đọng đọng hơn nên khi chưa bắt tay vào chuyện thực hành, không thể hiểu
rõ. Ví dụ về mặt kỹ thuật đường nét, họ nói: nét bút mềm mại, mà phải mạnh mẽ.
Tới khi nhìn nét bút của các bậc danh họa Trung Quốc vẽ cây
tre, cành trúc, mới nhận ra sự mềm mại của cành trúc khác với cái mềm mại của sợi
bún, nét cứng rắn của cây tre khác với nét cứng của cây cột đèn. Tới được cái
giá trị gọi là nghệ thuật cần đến kỹ thuật. Kỹ thuật ở mặt lý thuyết chỉ có thể
sáng tỏ do việc quan sát, nhìn ngắm sự vật thiên nhiên, sự sống động, sức sống
sẽ chuyển thành nét bút.
Những lý thuyết, khuôn phép, luật tắc về cái đẹp, về nghệ thuật
cũng từ thiên nhiên, con người đã học hỏi được.
Nhìn ngắm bầu trời, trăng sao vận hành. Nhìn ngắm bốn mùa
thay đổi, nắng mưa. Từ hạt mần trở thành hoa trái. Sự hòa điệu nhịp nhàng, cân
đối tuyệt vời tạo thành giá trị cần thiết về phần kỹ thuật cho tác phẩm.
Tuy nhiên, để đạt tới giá trị nghệ thuật, con người còn phải
gởi gấm những xúc động, niềm tâm sự để hòa điệu với thiên nhiên.
Không có thiên nhiên, tìm đâu ra cái đẹp để tạo thành giá trị
nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật luôn là cuộc hành trình trở về nguồn cội thiên
nhiên, dù muốn dù không con người cũng là một phần tử nhỏ bé trong cái thiên
nhiên bao la.
Tìm hiểu những quy luật thiên nhiên để tồn tại trong sự hòa đồng.
Tuy nhiên cũng có những tham vọng, những mơ ước vượt khỏi những
quy luật. Giấc mộng trường sinh bất tử chưa thành, đã phải lo giải quyết vấn đề
nhân mãn. Thật sự chỉ có những giấc mơ mới thoát khỏi quy luật thiên nhiên. Con
đường nghệ thuật chính là những cơn mơ, giấc mộng, giúp cho con người một tầm
nhìn rộng rãi, sáng sủa hơn về đời sống.
6/7/2005 Thái TuấnNguồn: Người Lao động
6/7/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét