Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Cung đàn tuổi thơ 2

Cung đàn tuổi thơ 2

Chương 7

Mùa hè đến với những bước chân phượng hồng. Minh Châu đã về Mỹ Tho, trường tôi đã nghỉ học những các học sinh dự kiến đi thi "Tài năng trẻ" vẫn miệt mài tập luyện. Cô Nguyệt Hằng đã chọn cho tôi một bài của Chopin nữa, đó là bài "Fantaisie Impromtue" rất khó, nhưng tôi đã đàn được, tuy chưa đạt lắm nhưng cô cũng hài lòng. Cô bảo từ đây đến ngày thi còn thời gian, đừng nóng vội mà phải bình tĩnh, sự bình tĩnh sẽ làm ta vững vàng mọi chốn mọi nơi. Ba má vẫn găng sau lần hòa giải thứ hai chẳng đi đến đâu. Tôi thấy ba có vẻ buồn, nhưng khi tôi khuyên ba nên nhường má một bước thì ba không chịu, ba bảo con người nếu dẹp bỏ đi lòng tự ái sẽ trở nên hèn hạ. Mỗi ngày tôi dành từ 4 đến 6 giờ để tập đàn, mỗi tuần tôi dành ngày thứ bảy và chủ nhật về thăm má và ông bà ngoại nên cũng bớt cô đơn hơn trước. Dạo này bà ngoại hay bệnh nên má ít đi chơi, hai má con tôi thường có dịp hàn huyên. Má vẫn giữ nguyên lập trường của mình, nghĩa là ba luôn luôn có lỗi. Ba đã bỏ má võ vàng chờ đợi ngày này qua ngày khác để vui chơi ở một nơi nào đó. Ba xem má như một con chim lồng, không thèm để mắt đến dù chiếc lồng kia có bằng vàng ngọc, má cũng phải thoát ra. Má đã tìm thấy những cuộc vui nơi khoảng trời cao rộng bên ngoài và cánh chim đã bay xa không dừng lại được nữa. Má không thể tiếp tục sống chung với ba, con người ích kỷ, vì tiền bạc má đánh rơi nhân cách. Tôi rất đau lòng khi nghe má mạt sát ba nhưng làm sao tôi ngăn lại được cũng như những lúc ở bên ba, tôi đã nghe ba có những nhận xét không đẹp về má. Chỉ tội cho tôi, hình như tôi không còn an tâm để tập đàn nữa nhưng vẫn ráng gắng chỉ vì cô Nguyệt Hằng, cô đã đặt quá nhiều tin tưởng vào tôi.

Chiều nay sau khi tập đàn, tôi lại bắc ghế ra ngồi dưới giàn thiên lý, sao nhớ bạn bè đến quay quắt, nhất là nhỏ Minh Châu, nó hứa sẽ lên thăm tôi mà mãi vẫn không thấy. Còn Tuấn nữa, nhưng chả trách, chắc là anh chàng đang vật lộn suốt ngày đêm với cây violon để chuẩn bị cho một cuộc "kỳ phùng địch thủ". Nghe nói thầy Lộc dạy chuyên môn của Tuấn rất giỏi và cũng dữ vào bậc nhất trong trường, đố bạn nào dám lười biếng xem.

- Thảo Phương!

Tuấn đang đạp xe từ cổng tiến về phía tôi, vừa nghĩ đến, anh chàng đã xuất hiện, sao mà linh thế.

- Tuấn, lâu ghê mới gặp lại.

Tôi kéo ghế mời, Tuấn ngồi xuống, đôi mắt vẫn nhìn tôi là lạ. Tôi ngạc nhiên:

- Có chuyện gì vậy Tuấn?

Tuấn lôi trong túi ra tờ báo Phụ Nữ xếp làm tư, chỉ hàng chữ nơi trang "Hôn nhân - Gia đình": "Những cuộc hòa giải bất thành", tôi loáng thoáng thấy tên viết tắt của ba và má. Tuấn nói rất nhỏ:

- Tụi bạn lớp mình bảo rằng đây nhất định là tên của ba má Phương. Có đúng không vậy Phương?

Tôi nghe cay cay mí mắt:

- Nếu đúng thì sao? Mà không đúng thì sao? Tuấn hỏi làm gì?

Tuấn dí mặt sát mặt tôi:

- Phương có xem Tuấn là một người bạn thân không? Sao Phương lại dấu Tuấn? Phương không cho Tuấn chia sẻ nỗi buồn cùng Phương sao?

Tôi đau đớn ngước lên, nước mắt đã nhạt nhòa, hình ảnh Tuấn lung linh mờ ảo. Giọng Tuấn vỗ về:

- Phương ạ, theo như tác giả bài báo, thì vẫn còn những dấu hiệu hy vọng.

Tôi bỗng thấy ghét người nào đã đem chuyện riêng tư của người ta đăng lên báo, dù đó chỉ là một dẫn chứng nhỏ, nhưng mắc mớ gì nơi họ cơ chứ. Rồi tôi lại đâm tức tụi bạn, đúng là một lũ tò mò, may mà còn đang hè, nếu vào năm học chắc chúng lại đi rêu rao toáng cả lên. Tuấn lại nói:

- Chúng ta nên hy vọng, Tuấn sẽ luôn luôn ở bên Phương.

Chợt tôi thấy thèm tâm sự:

- Tuấn ơi, ba má Phương không còn nghĩ đến nhau nữa, ai cũng đặt tự ái lên quá cao nên hai lần hòa giải đều thất bại. Phương đứng giữa không biết làm sao, ba cũng thương mà má cũng thương, ước mong duy nhất của Phương là được sống cạnh ba má, dù nghèo khổ bao nhiêu Phương cũng chịu nổi.

Tuấn ngập ngừng một lát rồi nói:

- Hay là Tuấn năn nỉ thêm với Phương nha, mai mốt chúng mình cùng về Thủ đức gặp má Phương, Phương nghĩ sao?

Tôi lắc đầu:

- Vô ích thôi - tôi khóc - Phương khổ lắm.

Tuấn run run cầm tay tôi rồi lại luống cuống buông ra, anh chàng lấy trong túi áo ngực chiếc mù soa trắng tinh rụt rè chấm những giọt nước mắt lăn dài trên má tôi. Niềm tủi thân được vỗ về, tôi nín khóc, hai đứa ngồi yên lắng nghe tiếng chim hót trên tàn phượng nhà bên.

- Phương thuộc bài cô Hằng cho chưa?

- Phương đánh chưa nhuyễn lắm, còn Tuấn?

- Thầy Lộc canh me Tuấn quá làm Tuấn muốn điên luôn, tối nào thầy cũng qua nhà Tuấn dợt lại, có nhiều lúc tivi có phim hay cũng không coi được.

- Ủa, thầy Lộc ở gần nhà Tuấn hả?

- Ngay trước mặt, vậy mới xui chớ.

Tôi cười:

- Có thể Tuấn mới đem vinh quang về cho trường mình chứ.

Tuấn trầm ngâm:

- Cũng chả biết Tuấn có đi Hà Nội được không nữa.

- Sao thế?

- Nếu để học sinh tự túc, chắc Tuấn phải ở nhà, ba mẹ Tuấn không đủ sức.

Đến lượt tôi an ủi Tuấn:

- Tuấn cứ lo tập đàn đi, đừng nghĩ ngợi gì hết, chuyện này đang còn trong vòng bàn cãi mà.

Hoàng hôn đã xuống, Tuấn đứng lên:

- Thôi Tuấn về, thỉnh thoảng Phương ghé nhà Tuấn chơi nhé.

Tôi nhìn theo bóng Tuấn xa dần trong màn chiều nhòa nhạt, nghe bâng khuâng một tình cảm lạ lùng

Tôi đến bàn lật tờ báo ra xem chương trình tivi tối nay. Mục "Những bông hoa nhỏ có ghi chương trình hòa tấu của dàn nhạc "Tiếng Hát Quê Hương". Hay quá, thế nào cũng có Minh Châu, "thần tượng" của chị hai, tôi chạy xuống bếp gọi rối rít:

- Chị Hai ơi, mau dọn cơm rồi xem tivi nè, tối nay có Minh Châu bạn của em đấy.

Chị Hai đang cho cải vào nồi canh:

- Vậy hả cô Phương, coi giùm tôi mấy giờ?

Tôi đưa tay nhìn đồng hồ:

- Còn mười lăm phút nữa, nhanh lên nha.

- Cô dọn bàn ra rồi bật tivi lên đi, tôi đem cơm ra ngay.

Ba đi làm chưa về, tôi và chị Hai vừa ăn vừa dán mắt lên màn ảnh. Minh Châu như đang hiện diện trong nhà này, tiết mục nào cũng có nó. Tam tấu, độc tấu, và cả trong dàn nhạc nữa, luôn luôn nó giữ phần sô lô. Nhìn mặt nó tôi thấy ấm cả lòng, chà điệu dữ, áo dài đâu mà thay lia lịa đủ màu đủ sắc thế hả cô nàng? Chị Hai thì cứ mãi suýt soa:

- Chà, cái cô Minh Châu ni giỏi thiệt.

Vừa qua phần thời sự, bỗng có tiếng chuông bấm cửa thiệt gấp. Chị Hai chạy ra, tôi nghe tiếng bác Trân gắt:

- Mở cửa nhanh lên, sao chậm như rùa vậy.

Tiếng chạy rầm rập trên lối sỏi, rồi bác Trân xuất hiện, mặt mày hốc hác:

- Ba cháu đâu rồi?

Tôi đứng dậy:

- Ba cháu chưa về ạ.

Bác Trân bồn chồn đi tới đi lui. Tôi kéo ghế:

- Mời bác ngồi chơi.

Bác khoát tay:

- Cháu cứ ăn cơm đi, để mặc bác.

Bác Trân lại đi ra ngoài cổng lóng ngóng rồi lại đi vào, thời gian như chậm lại, tôi nghe rõ tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường. Chị Hai rót tách trà bưng ra:

- Mời ông dùng trà.

Bác Trân không thèm nhìn, bác đến bên cửa sổ vén tấm màn ra, rồi buông xuống, hai tay đan vào nhau, bác kéo ghế, vừa ngồi đã đứng bật dậy khi nghe tiếng xe hơi dừng trước cổng.

Chương trình tivi đã đến phần tôi thích nhất: "Tin thế giới qua vệ tinh". Trên màn ảnh xuất hiện cảnh một thành phố thật đẹp, chưa kịp đọc chữ bên dưới, ba đã từ ngoài cửa nhảy vào, chạy đến tivi tắt cái cụp. Tôi tròn mắt, há mồm định phản đối thì ba gắt:

- Con đi lên lầu ngay!

- Ơ, kìa ba...

- Cả con Hai nữa, hai đứa lên lầu. Ba cho phép mới được xuống nghe chưa!

Tiếng động cơ xe hơi vẫn ì ầm bên dưới. Tôi chạy ra bao lơn nhìn xuống, phía dưới nhà vắng tanh, hình như chiếc xe đã vòng ra ngã sau đến bên gian phòng xép chứa hàng. Máy cassette dưới nhà bỗng vang lên bài "Sơn nữ ca" của Trần Hoàn với giọng hát yếu ớt của Thanh Lan: "Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch..." , tiếng hát mỗi lúc một lớn dần vì ai đó đã vặn volume lên hết cỡ. Cuối cùng, không còn nghe gì nữa ngoài tiếng chiêng trống gõ vào nhau ầm ĩ. Chị Hai ngồi bó gối dưới sàn nhìn tôi, mặt thảng thốt. Tôi đem hộp bánh qui ra, đưa cho chị:

- Ăn bánh đi chị Hai.

Chị Hai đẩy hộp bánh đi:

- Ăn chi vô mà ăn, thiệt, tôi đang sợ trắng máu đây nì.

Tôi trấn an:

- Chị sợ gì lãng nhách vậy, chuyện của ba và bác Trân, mắc mớ gì chị?

Chị Hai nhổm dậy, dí sát miệng vào tai tôi:

- Nì, tôi nói cho cô hay, đồ để trong kho nớ là đồ quốc cấm đó.

- Sao chị biết?

- Thì tui đoán rứa.

Tôi định la chị đừng có nói ẩu vậy thì bỗng nghe tiếng xe rồ máy. Không dám ra bao lơn, tôi đến bên cửa sổ hé màn nhìn xuống, một chiếc xe tải cỡ nhỏ đang từ sau vườn nhà tôi tiến ra, ba và bác Trân đứng hai bên cánh cổng mở rộng, đưa tay làm một dấu hiệu cho người tài xế. Xe đi rồi, bác Trân trở vào nhà, ba đóng cổng cẩn thận rồi vào theo. Tiếng nhạc bên dưới chợt im bặt.

- Con Hai đâu?

Chị Hai giật mình nhảy xuống cầu thang từng hai bậc một. Tôi nghe giọng ba:

- Có gì dọn ra ăn đi, nhanh lên.

Giọng chị Hai ngập ngừng:

- Thưa ông, có bò kho, ông dùng cơm hay bánh mì để con đi mua.

Tiếng bác Trân gắt gỏng:

- Mua, mua cái gì, dọn cơm ra đi.

Rồi bác nói với ba:

- Đang bực mà thấy con nhỏ này, thật muốn điên lên.

Có tiếng lục đục, chắc chị Hai đang sửa soạn chén đũa. Tôi lên giường nằm, càng nghĩ càng rối ren đầu óc. Bao nhiêu sự kiện xảy ra dồn dập, sự thay đổi bất ngờ của bác Trân, từ một con người lịch sự dịu dàng trở thành một kẻ khó hiểu, gắt gỏng vô lý, điều gì đã xảy ra cho bác? Còn ba nữa, tuy ba không mất bình tĩnh bằng bác nhưng trông cũng bối rối lắm, nhìn vào đôi mắt thất thần của ba là tôi hiểu ba đã lo lắng như thế nào rồi. Căn phòng xép sau nhà tôi đã chứa những hàng hóa gì? Có đúng như lời của chị Hai nói không? Sao ba và bác Trân lại chở đi một cách lén lút trong đêm tối vậy? Ngủ không được, tôi lại ngồi dậy lấy cuốn truyện ra xem. Dưới nhà đã trở lại yên lặng, có tiếng bước chân rón rén lên cầu thang, chị Hai xô nhẹ cửa phòng tôi:

- Cô Phương, tôi sợ quá!

- Có chuyện gì nữa đó?

- Ông Trân đi rồi.

Tôi cười:

- Càng khỏe chứ sao? Nãy giờ em nghe ổng la chị quá trời.

Chị Hai lại xuống giọng:

- Nhưng mà... ông.. ông cũng đi luôn.

Tôi giật mình:

- Ủa, ba em cũng đi à?

Chị Hai lại ngồi xuống ghế, kể lể:

- Ăn uống, la hét cho đã rồi đi thẳng cò o ngón, cô Phương nì, đêm nay chỉ có hai đứa mình thôi.

Tôi cố trấn an chị:

- Thì mọi lần, ba đi công tác, chị và em vẫn ở nhà có sao đâu.

- Nhưng hôm ni khác, tôi lo quá.

Tiếng xe quen thuộc của ba vang lên ngoài cổng, chị Hai nhảy tưng tưng như con nít:

- A, ông về, ông về!

Ba đi lên lầu, gọi chị Hai, lần này giọng ba bình thường trở lại:

- Hai ơi, xuống khóa cửa lại cẩn thận rồi tắt đèn đi ngủ nhé, khuya rồi.

Ba không ghé phòng tôi, ông trở về phòng mình và đóng chặt cửa lại. Tôi định sang ba hỏi chuyện nhưng thôi, nên tôn trọng những giây phút suy nghĩ của ba. Tôi đến bên bàn học ngồi xuống. Nhìn tấm ảnh chụp chung với Minh Châu hôm tết, tôi lại nghĩ đến chương trình tivi hồi nãy, sao thấy nhớ nó ghê. Châu ơi, sao mày không lên thăm tao?

Đêm càng về khuya, không gian càng tĩnh lặng, tôi nghe rõ tiếng gió ru qua kẽ lá rì rào, tiếng côn trùng kêu râm ran dưới những lớp cỏ mềm sương phủ, tiếng rao hàng của một người bán rong đi ngang qua nhà ngân dài dần xa...

Tôi lên giường nằm, trăn qua trở lại, mắt vẫn mở to nhìn đăm đăm lên đỉnh màn. Tôi nghĩ đến má, tôi nghĩ đến ba, rồi đến những sự kiện đáng ngờ vừa xảy ra. Phải chăng đây là một bước ngoặt nữa trong mái gia đình của chúng tôi? Lần trước, nó đem lại giàu sang phú quí nhưng đánh mất một nguồn hạnh phúc chan hòa, thì bây giờ, nó sẽ đem tới cái gì? Lạy trời, hãy cho tất cả đều ngược lại. Thà tôi mất hết nhà cửa về sống ở nhà ngoại mà có ba má bên cạnh, còn hơn tình trạng như thế này!

- Reng... reng... reng.

Tiếng chuông cửa vang lên dồn dập, tôi tung chăn chạy đến bên cửa sổ nhìn xuống.

Tim tôi chợt đập dữ dội trong lồng ngực. Bên ngoài chiếc cổng đồ sộ đóng kín, dưới ánh đèn khá sáng, tôi nhận thấy khoảng năm sáu người đàn ông đang ngước nhìn lên lầu nhà tôi, trong số đó tôi nhận ra ba người đội mũ công an. Lại có tiếng ba quát tháo dưới nhà:

- Mày làm gì mà cuống quít như gà mắc đẻ vậy, mau ra mở cửa, nhanh lên.

Tôi chạy xuống lầu thấy chị Hai đang thảng thốt bên chiếc khóa cửa, cái lỗ khóa to tướng như vậy mà chị đút chiếc chìa khóa vào cứ trật lên trật xuống, tay chị run như cầy sấy, khiến ba nổi giận xô chị qua một bên:

- Tránh ra, đồ ăn hại.

Ba mở cửa lớn, bình tĩnh đi ra cổng. Chị Hai quay lại thấy tôi, chạy đến ôm chầm lấy:

- Cô Phương ơi... công an.. công an.. công an.. tôi sợ rút đét.

Đúng là đồ gan thỏ. Tôi địnhgắt lên nhưng nhìn đôi mắt sững sờ và nước da tái mét của chị, tôi không nỡ. Đoàn người đi vào, tôi nhận ra bác Phùng tôi trưởng dân phố và anh Văn công an khu vực phường tôi. Một người cầm tờ giấy đưa cho ba xem:

- Đây là lệnh khám nhà, xin phép ông cho chúng tôi làm nhiệm vụ.

Ba giữ vẻ lịch sự:

- Các ông cứ tự nhiên.

Một anh công an lạ nhìn tôi và chị Hai rồi hỏi ba:

- Nhà chỉ có bấy nhiêu người thôi à?

- Thưa anh, còn má của cháu Thảo Phương đây nữa, nhưng bà về Thủ Đức thăm gia đình rồi, tôi sẽ đưa anh xem tờ hộ khẩu.

Anh công an nói khỏi cần rồi theo những người kia ra phía sau, ba đi theo sau khi ra dấu cho chúng tôi đứng yên tại chỗ. Một lát, ba dẫn những người ấy lên lầu nhưng hình như họ cũng chả xem xét kỹ càng gì, họ xuống ngay và tôi nghe họ bảo nhỏ với nhau:

- Chúng nó tẩu tán hết rồi.

Ba xuống sau cùng, tôi thấy nét mặt ba tươi hơn, ba kéo ghế mời khách ngồi rồi bảo:

- Con Hai mau làm sau ly nước chanh nhé, còn Thảo Phương phụ chị Hai lấy nước đá, nhanh lên con.

Người công an lớn tuổi nhất khoát tay:

- Khỏi cần ông Khôi ạ, chúng tôi muốn mời ông về quận để làm sáng tỏ một vài vấn đề nữa.

Ba nhíu mày:

- Nhưng bây giờ đang là nửa đêm, vả lại các ông khám nhà tôi và đã không tìm được một bằng chứng gì, tại sao các ông lại bắt tôi?

Anh Văn bước đến, giọng từ tốn:

- Đây không phải là bắt mà là mời, ông Khôi ạ, chúng tôi đang cần ông như một nhân chứng.

- Vậy để sáng mai tôi sẽ xuống...

Người công an lớn tuổi ngắt lời:

- Ông đi ngay bây giờ với chúng tôi.

- Nhưng....

Bác Phùng vỗ nhẹ vào vai ba:

- Không nên chống cự, anh Khôi.

Ba nhún vai rồi lên lầu thay quần áo, khi xuống ba hỏi:

- Tôi có cần đem theo gì nữa không?

- Khỏi, có gì chúng tôi sẽ liên hệ với gia đình ông.

Chả trách gì chị Hai, bây giờ tôi cũng đang hoảng hốt thật sự. Tôi chạy theo ba nhưng bỗng cảm thấy tủi thân vì ba không nói với tôi một lời. Ba lầm lủi đi, chiếc lưng hơi cong xuống, ánh đèn đường soi những nhánh lá màu đen chập chờn trên vai ba. Ba bước lên chiếc xe công an to lớn đậu bên kia đường, anh Văn ra sau cùng, bảo tôi:

- Đóng cổng lại nhé, Thảo Phương.

Tôi nắm lấy tay anh, òa khóc:

- Anh Văn ơi, ba của em bị bắt rồi sao?

Anh Văn vỗ nhẹ vào vai tôi:

- Việc này cũng khá nghiêm trọng đấy em ạ, nhưng em hãy yên tâm, ba em không phải là đối tượng chính đâu.

Tôi lại níu áo anh:

- Vậy bao giờ ba em mới về nhà hở anh?

Anh Văn cười dịu dàng:

- Làm sao anh biết được, thôi vào ngủ đi cô bé.

Tôi cắn chặt môi để khỏi bật tiếng khóc, nhìn theo chiếc xe lạnh lùng mang ba đi xa dần. Ba ơi, ba ơi....

Chương 8

Tưởng là không ngủ được, nhưng tôi vẫn đánh một giấc cho đến chín giờ sáng hôm sau. Nghĩ đến ba đang ở trên công an mà héo cả ruột gan. Không biết họ có cho ba ăn sáng không? Nhớ ba ghê mà chả biết làm sao.

Thôi, quên đi, quên đi. Tôi chạy xuống nhà tập đàn, đến khi ngồi vào đàn, tôi lại không nhấc nổi bàn tay. Đôi mắt nghiêm nghị của cô Nguyệt Hằng hiện ra, Thảo Phương, sao em lười thế, không cô ơi, em đang tập đây nè, một hai, tiếng đàn vang lên trong phòng vắng. Bác Chopin ơi, bác tha lỗi cho cháu nhé, lần đầu tiên cháu diễn tả tác phẩm của bác một cách vô trật tự, bác thông cảm cho cháu nha, chả biết chuyện gì sẽ xảy đến cho gia đình cháu đây?

Chị Hai từ ngoài cổng chạy vào:

- Cô Phương, cô Phương.

- Làm gì kêu ỏm tỏi vậy?

- Ủa, cô đang học đàn hả?

- Nói gì nói ngay đi, hỏi hoài.

Chị Hai đến gần:

- Hồi nãy anh Văn công an có tới nhắn đem cho ông hai bộ quần áo và đồ vệ sinh cá nhân.

Rồi chị bật khóc:

- Cô Phương ơi, rứa là ông bị bắt thiệt rồi.

Tôi cảm động, nắm tay chị:

- Thôi chị nín đi, chị làm em muốn khóc theo đây nè.

Chị Hai kéo vạt áo chấm nước mắt:

- Rứa thì chừ tôi thu xếp quần áo đem lên quận cho ông nhen.

- Chị có biết đường đi không đấy?

- Khỏi cần, anh Văn nói cứ đưa cho ảnh, ảnh đem lên giùm cho.

Tôi đứng dậy:

- Chị trông nhà đi, để em lên sửa soạn áo quần cho ba em.

Tôi mở cửa bước vào phòng ba, ngày xưa là phòng của ba má, không có gì thay đổi ngoài tấm hình của má không được đặt cạnh cái chụp đèn trên bàn viết của ba nữa, ba đã thay vào đó bằng tấm hình của tôi. Có một lần ba nói với tôi, tôi là hình ảnh thanh xuân của má, vậy mỗi khi ngồi làm việc, nhìn vào mắt con ba có nhớ đến má hồi còn trẻ không hở ba? Tôi đến bên giường ba, nửa chiếc chăn còn sa xuống đất, chắc tại đêm qua nghe tiếng kêu cửa ba đã hoảng hốt chạy vội xuống lầu, để bừa bãi ra như vậy. Nhớ lại gương mặt thất sắc của ba khi ba bước ra khỏi nhà không một lời từ giã, sao tôi lo quá. Tôi lại nghĩ đến má, nếu hai người không giận nhau thì có phải bây giờ tôi có má bên cạnh rồi không? Nỗi lo của tôi cũng được má chia sẻ, hai má con sẽ cùng lên quận xin được gặp ba, ngồi bên ba và cứ ngồi hoài vậy cho đến khi người ta thả ba về. Tôi kéo chiếc chăn lên xếp vuông vắn, sửa lại gối, tấm drap hoa trên giường ba, rồi thẫn thờ gieo mình xuống chiếc ghế đệm, lớp nhung dày êm ái ôm lấy hình tôi nhưng không xoa dịu được nỗi xót xa.

- Cô Phương ơi, mau lên.

- Ờ, chờ em chút xíu.

Tôi chạy đến mở tủ, lấy chiếc xắc du lịch bỏ vào đó mấy bộ đồ, kem đánh răng, bàn chải, và khăn lau mặt, xong chạy xuống lầu đưa cho chị Hai. Thấy chị cầm giỏ trên tay, tôi hỏi:

- Chị đi đâu nữa đó?

- Tôi ghé phường đưa đồ cho anh Văn, xong còn đi chợ, nhà hết thức ăn rồi.

- Em không ăn gì đâu, chị đừng nấu mất công.

Chị Hai nhìn tôi âu yếm:

- Nói bậy đi, ăn có sức mà học chớ, trông cô giống như con nộm.

Tôi kéo tay chị:

- Em nói thiệt đó, chị qua phường mau rồi về với em, em không thích chị đi chợ đâu, em ở nhà một mình buồn lắm.

Chị Hai nâng cằm tôi:

- Lớn rồi mà còn làm nớt chưa!

Tôi phụng phịu:

- Em không chịu đâu, chị ở nhà với em nha.

Chị Hai đưa ngón tay chỉ vào mặt tôi:

- Nhưng cô phải hứa với tôi một điều đã.

- Em hứa mà.

- Cô phải ăn hết chiếc bánh sandwich và uống hết ly sữa tươi trên bàn kia.

Tôi nhăn mặt nhưng cũng ráng gật đầu. Được dịp chị Hai càng bắt nạt:

- Chưa hết đâu, trưa nay cô phải ăn đủ ba chén cơm.

Tôi ngoan ngoãn:

- Em ăn cơm với xì dầu cũng được, chị đừng đi chợ nha.

- Nhà còn chục hột gà, tôi sẽ làm ốp la cho cô ăn. Tôi đi đây.

Tôi lại ngồi một mình bên những phím đàn trắng muốt, nghĩ vẩn vơ. Nghe cô Nguyệt Hằng bảo, qua tháng chín sẽ có một buổi tổng duyệt để chọn những học sinh chính thức ra Hà Nội dự thi "Tài Năng Trẻ", kỳ thi này được đặt tên là "Mùa Thu". Ôi, Hà Nội Mùa Thu chắc phải đẹp lắm. Tôi chưa bao giờ ra đấy nên vẫn hằng ao ước được một lần trông thấy nhành liễu rũ bên hồ Tây hay một đêm trăng nào đó được đi trên con đường đầy hương hoa sữa (như trong các bài thơ tôi đã từng đọc). Tôi có được chọn đi thi không? Cô Nguyệt Hằng rất tin tôi nhưng lòng tôi thì vẫn bất an làm sao. Mỗi lần lên trường trông thấy chúng nó tập mà khiếp, toàn là những "cao thủ võ lâm", nhất là các bạn sắp dự thi môn violon, luyện tập muốn trẹo cả cần cổ. Tôi lại lan man nghĩ đến Tuấn, không biết Tuấn đã tập xong bài thi chưa?

- Thảo Phương.

Tiếng gọi nhẹ nhưng quen thuộc và đầy thương yêu. Tôi quay lại:

- Má.

Má đứng bên ngưỡng cửa, ăn mặc giản dị nhưng đẹp hơn bao giờ hết. Má bước tới, tôi đứng dậy, hai má con ôm chầm lấy nhau cùng ngồi xuống salon. Tôi thì thầm:

- Má ơi, ba bị bắt rồi.

- Má cũng đoán vậy. Sáng sớm nay cô Hoa đến tìm má cho má hay bác Trân đã bị bắt cùng với một xe chở đầy hàng, nghe vậy má hoảng quá, má lên xem thử ba ra sao.

- Công an mời ba lên quận từ hồi khuya cơ.

- Họ có khám nhà không?

Tôi gật đầu, nói nhỏ:

- Có, nhưng không thấy gì cả, bác Trân chở đi mất rồi.

Má thở phào:

- Vậy cũng may.

Rồi má lo lắng hỏi:

- Trên quận có nhắn gì xuống không?

- Có, họ nhắn đem áo quần lên cho ba, chị Hai mang đi rồi.

Má tựa lưng vào ghế, lẩm bẩm:

- Không biết người ta giữ ba lại lâu hay mau đây.

Tôi nhìn vào mắt má và đọc được trong đó một nỗi lo lắng thật sự, má ơi, má đã quan tâm đến ba rồi sao. Tôi gợi ý:

- Má ơi, trên đó người ta có cho ba ăn cơm không hả má?

Má bật cười:

- Con nhỏ này, sao lại không cho.

- Nhưng chắc là không ngon đâu má há.

Má cúi xuống lục giỏ xách:

- Má cũng nghĩ vậy nên hồi này má có ghé chợ mua một bộ tim cật, má định nấu cháo mang vô cho ba.

Tôi vỗ tay:

- Hay quá!

Giọng má lo lắng:

- Chả biết người ta có cho người nha bới xách không?

- Má khỏi lo, để con nhờ anh Văn đem vào cho ba.

Chị Hai về, thấy má, reo lên:

- A, bà lên.

Má nhìn chị:

- Sao? Đem áo quần lên cho ông rồi à, ông có dặn gì không?

- Dạ người ta không cho vô, con nhờ anh Văn chuyển lại thôi.

Chị nhìn vào cái gói trong tay má:

- Bà mua gì đó, đưa con nấu cho.

Má đứng dậy đi xuống bếp:

- Vào phụ tôi nấu cho ông một tô cháo, nhanh lên.

Chị Hai lăng xăng chạy đến bên tôi chọc quê:

- Má lên rồi, hết làm nớt chưa cô công chúa của tui?

Rồi chị nói nhỏ:

- Nì, lần này là trăng soi duyên lành, châu về hiệp phố rồi đó nghe. Thấy bà bước vào ngôi nhà ni là tôi nghe lòng khỏe re, giống như vừa uống xong mười thang thuốc bổ.

Tôi tròn xoe mắt trước giọng điệu sặc mùi cải lương của chị, lòng không khỏi nao nao. Thương chị Hai ghê, hẳn chị cũng như tôi, luôn ao ước ngày về của má, luôn mong chờ đám mây hạnh phúc trở lại tỏa ánh hào quang lên mái ấm gia đình này. Đã tự lúc nào chị đã trở nên thành viên trong gia đình tôi, chị đã chiếm trọn sự tin cẩn nơi ba má và tình thương yêu của tôi. Tôi thường nghĩ đến một ngày kia chị Hai đi lấy chồng, chắc là tôi buồn nhớ chị lắm. Đôi lúc tôi lại nghĩ khác, tôi lạy trời cho chị Hai đừng có chồng để ba má nuôi chị mãi mãi, để chị luôn ở bên tôi, hát ru tôi ngủ bằng những bài hát nói về quê hương của chị.. "Miền Trung vọng tiếng... em xinh em bé tên là Hương Giang đêm đêm soi ánh trăng vàng mà than.. Hò ơi... Đêm Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đông sầu.. ơ hò...".

Suốt một tháng má ở bên tôi. Hình như tôi thấy khỏe hơn trước, tôi ăn được, ngủ ngon và những giờ tập đàn cũng đầy hứng khởi. Hàng ngày, má làm thức ăn nhờ anh Văn đem vào cho ba, những món ăn đơn giản nhưng ba rất thích như cá kho tộ, mắm chưng... Thoạt đầu, anh Văn không nhận. Anh bảo ba đâu có bị tù tội gì mà phải bày vẽ như vậy, chính quyền chỉ giữ ba lại một thời gian để lấy cung về một vụ buôn lậu lớn xảy ra trong công ty của bác Trân mà thôi. Nhưng sau thấy má và tôi năn nỉ quá, anh đành nhận, có thể là anh đã biết tình trạng rạn nứt của ba má nên cố giúp tôi để hàn gắn lại chăng? Anh Văn đúng là một người tốt, một anh công an khu vực gương mẫu luôn luôn muốn đem lại niềm vui cho mọi người.

Tôi đã thuộc các bài thi, ngoài các bản bắt buộc, hai tác phẩm của cô Nguyệt Hằng chọn cho tôi đều của nhạc sĩ thiên tài Ba Lan: F. Chopin. Từ ngày má trở về nhà, mặc dù ba vẫn còn trong vòng lao lý, tôi vẫn tập đàn một cách hăng say. Cô Nguyệt Hằng rất bằng lòng, cô thường ghé nhà tôi để thăm má và cô thường nói riêng với tôi rằng, đây là dấu hiệu rất tốt đẹp giữa ba má cho nên việc ba bị bắt chưa hẳn là điều không may. Cô ví má như một cánh chim, sau bao nhiêu ngày tung cánh giữa bầu trời lồng lộng, nay đã biết nhớ tổ quay về, tôi và ba nên sẵn sàng dang rộng đôi tay. Ba đã biết điều này, có thể do anh Văn nói lại, nên trong một lần duy nhất tôi được phép vào gặp ba, ba đã cầm bàn tay tôi với đôi tay run run của ba, giọng ba cũng run run:

- Thảo Phương, má đã trở về, phải không con?

- Sao ba biết?

- Những món ăn đem vào không thể của con Hai nấu được, ba đã thuộc lòng hơi hướng và gia vị của má, không thể nhận lầm được.

Tôi ôm lấy ba:

- Đúng rồi ba ơi, má đã trở về, ba đừng giận má nữa nghe ba.

Lời ba ôn tồn:

- Ba rất mong má về, con ạ.

Tôi nghe lòng rộn rã:

- Ba ơi, lần này gia đình mình đừng chia cách nữa nghe ba.

Ba chậm rãi gật đầu, đôi mắt nửa buồn nửa vui.

Tôi càng cố gắng tập đàn. Ngày ba về với má là ngày tôi bước lên đài vinh quang, tôi sẽ được chọn đi dự thi, tôi sẽ làm rạng danh cô Nguyệt Hằng và giải thưởng tôi giành được sẽ là quà tặng ba má nhân ngày tái ngộ đáng trân trọng này. Tuấn cũng đang tập đàn ráo riết, vậy mà anh chàng đã bỏ nhiều thì giờ đến thăm tôi rất thường. Tội Tuấn ghê, thấy có má lên ở với tôi, Tuấn mừng ra mặt, Tuấn cũng mong chờ ngày về của ba với một tâm trạng nao nức y như tôi. Tuấn bảo dù có bận đến đâu, Tuấn cũng sẽ kéo bài "La Vie En Rose", tôi sẽ lãnh phần đệm, hai đứa nhất quyết tổ chức một buổi lễ thật xôm tụ chào đón ba má. Tôi sẽ nói chị Hai trổ tài làm một cái bánh thật lớn, cho rất nhiều đậu phọng và mặt trên là một lớp kem trắng chạy chữ tên ba má màu xanh, màu của tình yêu hạnh phúc. Chị Hai sẽ được thưởng công bằng những bản đàn của Minh Châu, những bài dân ca nói về quê hương thơ mộng của chị, về tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa đất nước con người... Tôi lại nghĩ đến Minh Châu, và tôi sẽ trách nó mãi cho đến hết Hè nếu hôm nay tôi không nhận đựơc thư nó:

"Mỹ Tho, ngày...

Thảo Phương thân yêu,

Tao đang rửa lỗ tai để nghe mày chửi đây, nhưng Phương ơi, chớ trách tao mà tội, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên mày ạ. Cách đây một tháng, sửa soạn lên thăm mày thì bỗng tao bị đau bụng và ói dữ dội, tưởng chết rồi chớ, ba má chở tao vào bệnh viện mới biết bị đau ruột thừa phải mổ mày ạ. Tao vừa mới xuất viện là đòi lên mày ngay nhưng ba má không cho vì tao còn yếu lắm, phải tẩm bổ thật nhiều mới lấy lại được tình trạng cũ. Tuấn có viết thư kể chuyện gia đình mày, tao lo lắm, hôm đọc báo thấy có tên bác trai, tao càng lo thêm, cầu trời cho bác tai qua nạn khỏi. Sắp hết hè rồi, hẹn gặp lại mày, đừng giận tao nha.

Thương,

Minh Châu"

Tôi nhìn lên tấm lịch treo tường, còn hai tuần nữa là khai giảng. Lại một năm học đã qua với bao vui buồn kỷ niệm, những gương mặt bạn bè thân quen từ bốn phương trời hội tụ về đây, Hùng Sông bé, Tuyết Vũng Tàu, Châu Mỹ Tho.. Chúng tôi như đàn chim nhỏ cùng ca hát trong một tổ ấm chung, cùng sinh hoạt nghệ thuật dưới mái trường khang trang trên con đường Nguyễn Du quanh năm xanh ngời bóng lá, những hàng me thẳng tắp suốt ngày chụm đầu vào nhau tâm sự rì rào.

Má đi chợ về mua cho tôi một bịch sâm bổ lượng:

- Con tập đàn chưa?

Tôi nhõng nhẽo:

- Ăn xong con sẽ tập má ạ.

- Ờ, gắng lên con, má nghe cô Nguyệt Hằng bảo, tháng mười này là thi đấy.

Tôi ôm má:

- Con biết rồi mà, má khỏi lo, con sẽ dành cho ba má một món quà bất ngờ.

Rồi tôi đỡ chiếc giỏ xách:

- Con phụ má nấu món ăn cho ba nha.

- Để đấy chị Hai làm được rồi, con tập đàn đi.

Ngồi vào đàn, chưa kịp mở nắp đã nghe tiếng chân người reo trên lối sỏi. Tôi nhìn ra, anh Văn đang bước vào nhà:

- Thảo Phương, từ nay bảo má đừng bới xách cho ba nữa.

Tôi tái mặt:

- Sao vậy anh Văn?

- Tuần sau tòa xử vụ công ty của ba em nên từ bây giờ người ta không cho gặp người nhà nữa.

Tôi ngập ngừng:

- Nhưng anh...

- Anh cũng vậy, anh không được quyền gặp ba em nữa.

Má đã ra đến bên tôi:

- Anh Văn nè, vậy thì hôm nào nhóm tòa?

- Tôi cũng chưa biết chính xác, có lẽ tuần sau, mai tôi sẽ cho bà biết ngày giờ cụ thể.

- Liệu... có sao không?

- Cái đó tôi không biết được, chào bà.

Tuy lo, nhưng tôi vẫn tập đàn đều đặn, say sưa. Việc gì đến sẽ đến. Thôi thì cứ đem ra xét xử công minh, có thể ba sẽ chịu một hình phạt nào đó, tù tội hay bồi thường? Dù sao đi nữa, ba cũng chỉ là một trong những tòng phạm với bác Trân. Tôi chỉ biết vái trời cho ba chịu tội nhè nhẹ, để còn về bên tôi chứ, à quên, cả bên má nữa, lần này thì gia đình tôi vui thật là vui. Tôi lại ngồi vào đàn, đánh một bản nhạc, lần này tôi chơi tùy hứng và có cảm tưởng như bao nhiêu chim chóc trong vườn bay vào nhà nhảy nhót chung quanh tôi, chúng đậu trên vai, trên tóc, trên những phím đàn cùng réo rắt lên những âm thanh rộn rã.

Và ngày ba về là một ngày đáng nhớ nhất trong đời. Sau khi tòa tuyên án, tôi đã đến gặp ba, ba không gầy đi bao nhiêu nhưng nước da xanh mét, ba bảo bệnh tim của ba nay tái phát, thỉnh thoảng hay lên cơn mệt, nhưng bây giờ thì khỏe rồi, dù sao cũng đã có một kết luận. Ba được hưởng án treo nhưng phải bồi thường một số tiền rất lớn, theo ba, chắc là phải bán cái biệt thự chúng tôi đang ở mới đủ để trang trải nợ nần.

Tôi thì không màng việc đó, chỉ mong ba trở về bên tôi, bên má...

Sáng nay, tôi mặc đồ thật đẹp đi đón ba, năn nỉ mãi, má vẫn không chịu đi với tôi:

- Con cứ đi đi, má ở nhà đợi ba cũng được.

- Má ơi, má nhớ làm thức ăn thật ngon để chiêu đãi ba nha má.

- Ờ.

- Má nhớ mua hoa thật đẹp để chưng phòng khách nghe má, ba rất thích hoa.

Má ngắt lời:

- Hoa hồng vàng, má biết rồi.

Tôi ôm vai má:

- Má ơi, con mừng quá.

Má vuốt tóc tôi:

- Thôi con đi nhanh lên kẻo ba chờ.

Sao trong đôi mắt má vẫn ánh lên một niềm vui không trọn vẹn, má còn giận ba chăng? Thôi khỏi lo, chốc nữa, có mặt ba má, tôi sẽ đóng vai người hòa giải cuối cùng, tôi sẽ cầm bàn tay búp măng bé nhỏ của má đặt vào lòng bàn tay rắn rỏi của ba, tôi sẽ cười vui, sẽ ca hát và có thể tôi sẽ khóc thật ngon lành nếu ba má vẫn chưa chịu làm lành với nhau. Minh Châu đã lên từ hôm qua. Chiều nay hai đứa tôi và Tuấn sẽ dành cho ba má nhiều sự bất ngờ. Những kỷ niệm ngày xưa của ba má sẽ được chúng tôi làm sống lại qua tiếng nhạc lời ca. Đầu tiên, tôi sẽ độc tấu tặng ba má bản " When we were young"... Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui, có lứa đôi yêu nhau rồi, ngày nào tuổi mới đôi mươi.. ...

Tuấn sẽ kéo violon bản "La vie en rose" trong tiếng đệm đàn của tôi ...em luôn vì anh, anh vì em, suốt cuộc đời, ta luôn gần nhau trong tình yêu...

Và Minh Châu sẽ độc tấu đàn tranh bản "Tiếng sáo thiên thai" ...Trời cao xanh ngắt ô kìa, hai con hạc trắng bay về bồng lai...

Chị hai cũng xin hát một bài tặng ba má, tuy bài hát hơi "sến" một chút nhưng không sao vì nó rất hợp với chương trình tạp lục của chúng tôi. Đó là bài "Ngày hạnh phúc" ... Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo, làn mây xanh vây quanh ánh vầng hồng chiếu xuống niềm tin...

Tôi và ba bước vào nhà khi nắng đã lên cao. Bình hoa hồng màu vàng nổi bật bên những tấm màn cửa xanh lơ làm gian phòng khách trở nên dịu mát... Mùi xào nấu thơm tho từ bếp thoảng lên khiến tôi cảm thấy đói bụng cồn cào. Chị Hai chạy ra mặt mày rạng rỡ:

- Ồ, ông đã về.

Ba cười hiền lành:

- Khá lắm, sao, chị định làm món gì chiêu đãi tôi đây?

Ba tránh hỏi đến má. Tôi chạy vào bếp, chả thấy má đâu, mở tung các cửa phòng, la toáng lên:

- Chị Hai ơi, má em đâu rồi?

Ô kìa, một lá thư để trên bàn học của tôi, vỏn vẹn hàng chữ:

"Thảo Phương, má về ngoại, thỉnh thoảng hãy lên thăm má, má sẽ nói chuyện với con nhiều".

Ba đã đứng sau lưng tôi:

- Chị Hai bảo má ra chợ mua trái cây con ạ.

Tôi gục đầu vào ngực ba, tuyệt vọng:

- Không ba ơi, má đi rồi!

Ba giật mình:

- Con nói sao?

Tôi đưa lá thư cho ba, hai cha con ngồi lặng lẽ bên nhau, miệng khô đắng. Một lát ba nói:

- Con xuống bảo chị Hai cứ dọn cơm như thường lệ, ba cảm thấy cần nằm nghỉ, con cứ ăn trước đi.

Tôi rũ người xuống nệm và cảm thấy các khớp xương mệt mỏi rã rời. Tôi như một vận động viên chạy bộ trên con đường mịt mù gió cát mà đích đến cứ thụt lùi cách xa mãi tầm tay. Hơi tôi đã tàn, sức tôi đã kiệt, tôi gục ngã rồi, không có ai ở bên tôi sao, ba ơi, má ơi. Thân hình gầy ốm của tôi chao đảo, bềnh bồng trong không khí, chóng mặt quá, tôi nhắm nghiền mắt nhưng vẫn thấy ba má quay lưng đi, mỗi người một phía xa dần... để tôi một mình bơ vơ trong bóng đêm dài thăm thẳm, tiếng đàn vang lên xoáy động buồng tim, cô Nguyệt Hằng đang nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm nghị, cô ơi, cô ơi!

- Thảo Phương, Thảo Phương!

Có ai lay vai tôi thật mạnh. Tôi mở choàng mắt, Minh Châu đang nhìn tôi ái ngại, sau vai nó là gương mặt buồn buồn của Tuấn:

- Thảo Phương tỉnh chưa?

Chị Hai đang quì bên chân giường:

- Lạy bà, lạy mụ, cô Phương ơi, có các bạn đến thăm cô nì.

Tôi gượng ngồi dậy:

- Châu, Tuấn đã tới rồi à.

Minh Châu đỡ tôi:

- Mày cứ nằm xuống nghỉ đi.

Tôi nhìn sang bàn viết, chúng nó đã đem đàn đến nhưng giấc mơ của tôi sẽ không bao giờ thực hiện được, tôi để mặc cho những giọt nước mắt chảy tràn trên má:

- Má của Phương về ngoại rồi.

Minh Châu vuốt tóc tôi:

- Thôi, mày đừng buồn nữa, rồi chúng ta sẽ tìm cách khác.

Nhìn sang Tuấn, Châu nói:

- Phải không Tuấn, chúng ta sẽ luôn luôn ở bên cạnh Thảo Phương nhé.

Tuấn gật đầu:

- Đúng rồi, sắp bước vào năm học mới. Chúng mình lại gặp nhau hàng ngày.

Chị Hai bảo tôi:

- Chiều rồi đó, tôi dọn cơm ra hành lang, cả nhà ngồi ăn cho mát nghe.

Tôi cố làm vẻ mặt vui:

- Chị vào mời ba em ra ăn nữa nha.

Chị Hai mau mắn đi sang phòng ba, bỗng nghe tiếng chị rú lên:

- Ới, ông ơi là ông ơi...

Tôi tung chăn ngồi dậy, cả Minh Châu cùng Tuấn chạy theo tôi. Ba đang ngồi trên chiếc ghế bành, mặt tái mét, hai tay ôm lấy ngực, thở rất nặng nhọc. Tôi cuống quít nói với hai bạn:

- Bệnh tim của ba Phương tái phát, làm sao bây giờ.

Châu bàn:

- Gọi xích lô chở bác vào bệnh viện.

Tuấn chạy xuống nhà:

- Khỏi cần, để Tuấn gọi điện mời ba Tuấn đến.

Nơi làm việc của ba Tuấn cũng gần, nên chỉ trong một lát, ba Tuấn đến với đầy đủ dụng cụ thuốc men. Sau khi khám và chích thuốc trợ tim, ba đã bớt, ba bắt tay ba Tuấn ngỏ lời cám ơn. Ba Tuấn khuyên ba:

- Anh nên tránh những cơn xúc động mạnh. Bất cứ gặp chuyện gì cũng đừng nên xem là quan trọng lắm. Cháu Tuấn đã cho tôi biết rất nhiều về cháu Thảo Phương, một cô bé hiền lành và nhân hậu như vậy chắc chắn sẽ tìm thấy hạnh phúc. Xin cầu chúc anh chị chóng sum họp.

Ba siết chặt tay ba Tuấn:

- Xin cám ơn anh, mời anh ở lại dùng cơm chiều với tôi cùng đám trẻ.

- Rất tiếc, hôm nay nhằm phiên trực của tôi, anh để cho khi khác.

Chương 9

Buổi tối các bạn đã về hết, một mình tôi ngồi nơi bao lơn nhìn xuống khoảng vườn tối om. Trời sắp mưa nên mây đen vần vũ, những ngôi sao chạy trốn sau dãy Ngân Hà để tôi lại một mình buồn thỉu buồn thiu. Không biết giờ này má đang làm gì, ba thì còn mệt nếu không tôi đã phóng xe về ngoại rồi. Lần này thì thế nào má cũng bị ông ngoại la, ông ngoại thương ba lắm mà, cả bà ngoại nữa, bà cứ bảo má cứng đầu chứ chịu nhịn ba một chút có sao đâu. Nghĩ cho cùng thì má cũng cứng đầu thiệt, tôi nên năn nỉ ba về Thủ Đức tạ tội với má cho xong, chắc là ba chịu vì xem bộ ba còn thương má rất nhiều.

Chị Hai đã rửa xong chén bát, lên ngồi bên tôi:

- Cô Phương nì, ông còn mệt, ngày mai nấu cháo cho ông ăn nghe.

- Chị ưng làm chi thì làm.

- Cô gần đi học lại chưa cô Phương?

Tôi ngạc nhiên nhìn chị:

- Chị hỏi làm gì vậy?

- Tôi nghe nói tập vở sắp lên giá đó, mai đưa tiền tôi mua cho nghe.

Tội nghiệp, chị luôn luôn nghĩ đến tôi:

- Khỏi cần, em còn nhiều tập năm ngoái xài không hết mà.

- Vậy tôi mua giấy bao cho cô nghe. Hồi sáng tôi thấy mấy đứa học trò mua nhiều tờ có hình vẽ đẹp lắm, Bạch Tuyết bảy chú lùn ní, Tấm Cám nì.

Tôi bật cười:

- Thôi, em không thích đâu.

- Hay là... bao giấy Liên Xô?

- Để lúc khác đi. Chị Hai nè, bây giờ em muốn chị nói chuyện má cho em nghe thôi.

Chị Hai tròn mắt:

- Chuyện má là chuyện chi? Tôi đâu có biết.

Tôi trầm ngâm:

- Theo chị, tại sao hồi sáng má lại bỏ đi.

Chị Hai xích lại gần tôi:

- Cô Phương nì, bà còn giận ông đó!

Tôi nhìn vào mắt chị:

- Sao vậy? Chị biết hả?

Chị Hai gật đầu:

- Bà có nói với tôi, bà chỉ thương cô thôi, còn ông bỏ bê coi thường bà, bà không thể tha thứ được.

- Vậy sao má chăm lo miếng ăn cho ba thế?

- Bà nói thấy ông bị tù tội, bà làm vậy để an ủi ông mà thôi.

Tôi nhéo vào tay chị:

- Vậy sao hồi sáng chị giấu em?

- Giấu chi?

- Chuyện má bỏ đi đó, chị ác lắm, chị làm cho bà em và em mừng hụt.

Chị Hai chỉ tay lên trời:

- Nói có trời đất, thiệt tôi không biết chuyện đó, bà nói bà ra chợ mua trái cây mà. Nghe tin bà đi, tôi như từ trên cung trăng rớt xuống.

- Thôi đừng nói chuyện đó nữa, chị Hai nè.

- Chi rứa cô Phương?

- Theo ý chị, nếu ba về Thủ Đức năn nỉ má thì má có hết giận ba không?

Chị Hai ngẫm nghĩ một lát rồi reo lên:

- Được đó cô Phương, theo tôi nhận xét, bà không khó tính lắm đâu, chỉ tự ái cao bằng nóc nhà trời thôi.

Rồi chị đứng dậy:

- Cô đi tập đàn rồi ngủ cho sớm, hồi nãy ông có bảo tôi nhắc cô.

Dù cố gắng, tôi vẫn không sao tập trung vào bản nhạc được. Gió thốc mạnh đập những chiếc màn cửa vào mặt kính lao xao, trời đang chuyển mưa. Bỗng nhiên, tôi có ý muốn ra vườn thăm lại giàn thiên lý. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày ba bị nạn, tôi đã không ra đó để những buổi sáng mai nhìn muôn hạt sương nhỏ lấp lánh trên từng nụ hoa non, để những buổi trưa im vắng ngồi đọc sách dưới bóng mát của tàng lá rậm và những chiều, những tối cảm nhận mùi hương dịu dàng lan khắp đó đây.

Tôi mở cửa bước ra vườn. Mây giăng thật thấp, gió thổi tung bay mái tóc tôi, hất chiếc áo lạnh khoác hờ trên vai tôi rơi xuống đất. Tôi đứng im một lúc lâu trong bóng tối trước khi cúi nhặt chiếc áo và đi về phía cuối vườn. Những viên sỏi trắng lao xao dưới gót chân. Ôi khoảng vườn quen thuộc giờ đã sắp chia xa, thảm cỏ xanh, hàng cây biếc giờ đang ngả nghiêng trong gió, dưới một bầu trời đầy mây xám, xám như cõi lòng tôi thất vọng ê chề. Tôi đã đến bên giàn thiên lý, những nhánh dây leo ủ rũ héo nhầu. Trời tối quá tôi không thể đến xem có bao nhiêu bông vừa hé nở đêm nay để hương hoa êm đềm lan tỏa xoa dịu nỗi buồn trong tôi. Tôi nhìn lên cửa sổ phòng ba, ánh đèn ngủ màu xanh mờ ảo đang ru ba vào giấc mộng nào đây? Giấc mộng đó có ngôi vườn mát rượi của ngoại với hàng rào đỏ tươi dâm bụt không ba? Có hình bóng má thả tóc dài hong nắng sớm và có Thảo Phương bé nhỏ của ba không hở ba? Tôi nhớ má quá, tôi thương ba quá. Theo lời ba của Tuấn nói thì tuy bệnh ba đã hết nhưng cần phải tịnh dưỡng một thời gian, không được đi xa và tránh những xúc động mạnh. Nghĩ mà lo ghê, sắp khai giảng rồi, làm sao tôi còn thì giờ cùng ba về ngoại thăm má được. Tôi bỗng thèm khóc, khóc thật lớn cho bao nhiêu niềm đau tủi cực theo từng dòng nước mắt trôi đi.. trôi đi..

Trời đã rớt xuống những hạt mưa nhỏ, rồi nặng dần, những giọt nước mạnh tràn lên tóc tôi, đập vào má tôi và tôi đã ôm lấy cây tre già chống đỡ giàn hoa khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mưa hòa nước mắt chảy xuống cổ tôi, thấm vào da thịt và tôi cảm thấy lạnh vô cùng dưới chiếc áo sũng ướt, nhưng tôi vẫn đứng im lìm trong mưa. Mưa càng lúc càng to, dường như tất cả lượng nước trong bầu trời đều tập trung về đây. Nước ơi, hãy xoá tan nỗi buồn của Phương và cuốn ba má xích lại gần nhau đi nước ơi. Có ai gọi tôi trong tiếng gió gào thét: Phương ơi, Phương ơi.. Một bóng người mặc áo mưa, tay cầm dù đi về phía tôi :

- Trời ơi, cô Phương, cô điên à, sao lại ra đứng dầm mưa vậy? Vô nhà mau!

Tôi ngoan ngoãn bước theo chị Hai như người mộng du, những giọt nước mưa lạnh lẽo vẫn tràn qua cổ áo... Tôi ngồi im, thẫn thờ nhìn chị Hai cuống quít lăng xăng, chị lấy khăn bông lau tóc cho tôi, đẩy tôi vào buồng tắm chà xát thân hình rồi tự tay mặc quần áo khô cho tôi. Vừa làm, chị Hai vừa khóc:

- Dại chi mà dại rứa không biết.

Tôi nghe lời chị Hai lên giường nằm, đầu óc trống rỗng. Chị lấy dầu xức hai bên thái dương tôi, rồi ủ tôi trong chăn ấm. Đêm đó tôi ngủ trong vòng tay thương yêu của chị Hai, giọng chị hát ru tôi buồn man mác: Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn.."

Buổi sáng thức dậy, tưởng là phải ngã bệnh, không ngờ tôi vẫn thấy khỏe khoắn như thường.

Chưa kịp cất tiếng gọi, ba đã bước vào:

- Thảo Phương con có còn mệt lắm không?

Tôi nằm im, nhìn ba lắc đầu. Ba đến bên sờ vào trán tôi:

- May mà không bị sốt.

Ba ngồi xuống mép giường:

- Ba có nghe chị Hai nói lại, con ra vườn làm gì trong đêm mưa gió như thế hở con?

Tôi nói để ba yên tâm:

- Con bị mắc mưa ba ạ, chuyện bình thường mà, không sao đâu, con thấy khỏe rồi.

Ba siết chặt bàn tay tôi, an ủi:

- Con đừng buồn nữa, tuần sau ba sẽ đưa con về ngoại thăm má.

Tim tôi nôn nao:

- Thật hở ba, vậy sao chúng ta không đi ngay bây giờ?

Ba lắc đầu:

- Hiện giờ sức khỏe của ba chưa được ổn định lắm, hy vọng tuần sau ba sẽ khá hơn.

Tôi nghe lòng rộn vui, vậy là tôi chưa ngỏ ý, ba đã chịu về thăm má rồi. Ở đó còn có ông ngoại, bà ngoại, hai người vun quén thêm vào, thế nào cũng thành công.

Tôi ngồi dậy, và cảm thấy đói bụng, hình như suốt ngày hôm qua toi chỉ ăn một chén cơm.

- Ba ơi, con muốn ăn sáng.

- Chị Hai đang làm mì dưới bếp, con gái cưng của ba chờ chút xíu nghen.

Sáng nay không khí trong nhà phấn chấn hẳn lên với tin vui là ba sẽ về ngoại thăm má. Chị Hai mừng ra mặt khi thấy tôi ăn hết một tô mì đầy. Chị ép tôi uống thêm ly sữa, bây giờ bụng tôi đã căng tròn thức ăn và mạnh khỏe như một lực sĩ. Tôi bước ra vườn, trận mưa lớn hôm qua đã làm cho hoa lá tả tơi nhưng cũng nhờ vậy mà cây cỏ trở nên mượt mà sạch bóng. Ba đang nằm đọc sách trên ghế bành nơi hàng hiên, thấy tôi, ba gọi:

- Thảo Phương.

Tôi đến ngồi bên ba, nghịch những nếp nhăn trên vai áo ba. Ba xếp cuốn sách lại nhìn tôi âu yếm:

- Bao giờ con ra Hà Nội thi?

- Chưa đâu ba ơi, nghe cô con nói phải qua một kỳ tổng duyệt nữa mới quyết định ai đi ai không.

- Ba hy vọng ở con.

Tôi nắm tay ba:

- Vì ba, vì má, con sẽ cố gắng.

- Vậy thì con hãy vào tập dợt đi, đã lâu lắm rồi ba chưa nghe lại tiếng đàn của con.

Chương 10

Trường tôi đã khai giảng niên học mới, những cánh chim từ bốn phương trời lại trở về hội họp dưới mái ngói rêu phong. Thôi thì bao nhiêu là "đặc sản" tụi nó đem đến lớp ăn vụng trong giờ học: táo Long Thành, mận Mỹ Tho.. Mùi khô mực nướng thơm lừng của Tuyết Vũng Tàu đem lên đã làm thầy dạy toán phạt nó một tiết đứng im khoanh hai tay trước ngực khiến mặt mày cô nàng méo xẹo. Tội nghiệp nó, cả hai bàn chúng tôi cùng ăn mà một mình Tuyết lãnh đủ, thầy bảo nó là thủ phạm chính. Chúng tôi phải làm bản kiểm điểm, con gái mà ăn vụng trong lớp là một điều không thể tha thứ. Minh Châu phát biểu: "Con gái mà không ăn vụng mới là chuyện lạ bốn phương". Tuyết lại thêm: "Còn con trai ăn vụng thì đáng tha thứ chắc". May mà thầy không nghe.

Về chuyên môn tuần sau mới bắt đầu học, nhưng tôi vẫn đến trường gặp cô Nguyệt Hằng để cô kiểm tra lại bài thi của tôi, sắp đến ngày tổng duyệt rồi. Ước muốn ba má sẽ nắm lấy tay nhau đã làm cho tôi hăng say tập đàn, tôi cố gắng dùng tiếng đàn của mình để thu ngắn khoảng cách giữa tâm hồn ba má.

Bác sĩ đã cho phép ba ra ngoài. Sáng nay chủ nhật, tôi theo ba về Thủ Đức thăm má và ông bà ngoại. Nói làm sao hết nỗi vui mừng của tôi. Ngay từ sớm, tôi đã sang đập cửa phòng ba ầm ầm khiến ba không sao tiếp tục ngủ được, nhưng thông cảm cho tôi, ba không la, ba chỉ nói:

- Chúng ta đừng về sớm quá, để ông bà ngoại nghỉ.

Tôi vừa sửa soạn vừa nói:

- Ông bà ngoại dậy sớm lắm ba ơi.

- Còn má nữa. - Rồi ba cười - phải để thì giờ cho má làm đẹp mà đón ba chứ.

Tôi nhìn vào mắt ba và thấy trong đó một ánh lửa sáng ngời. Ánh lửa sưởi ấm hồn tôi, ánh lửa soi niềm tin yêu vào mái gia đình đã từ lâu lạnh lẽo, ánh lửa thắp niềm hạnh phúc đằm thắm yêu thương. Lòng tôi rộn rã, tim tôi hồng hào, tôi ngoan như một con búp bê, tôi nghe lời chị Hai ăn hết hai cái hột gà ốp la và nửa ổ bánh mì.

Khi tôi đeo xắc trên vai sửa soạn ra xe, chị Hai đưa cho tôi một cái hộp nhỏ:

- Cô Phương đưa cho má, nói đây là quà của chị Hai nghe.

Tôi ngồi sau lưng ba, chiếc xe gắn máy đời mới phóng nhanh ra xa lộ, hùng dũng như một con tuấn mã. Trời còn sớm, cây cỏ bên đường vươn những cánh tay ướt đẫm sương mai ra vẫy gọi, chào cô bé Thảo Phương. Tôi áp má vào lưng ba, gió tung bay mái tóc tôi thơm tho hương lành buổi sáng. Xe ơi, hãy nhanh lên nữa!

Ngôi vườn nhà ngoại đã ẩn hiện phía xa, ba quẹo vào ngõ. Đã rất lâu ba chưa về lại đây nên vừa thấy hai cây mận trước cổng ba đã kêu lên kinh ngạc:

- Ồ, cây cối ở đây lớn nhanh như thổi.

Một bóng người thoáng qua nơi cửa sổ rồi cánh cửa lớn mở rộng. Ông ngoại hiện ra oai vệ như một lão tướng, ông mặc chiếc quần kaki màu nâu mới toanh, áo sơ mi sọc xám bỏ vô thùng đàng hoàng, chân ông mang đôi dép da. Khoảng vườn còn nhiều bóng râm nên ông chưa nhận ra ba và tôi, ông nheo mắt nhìn làm tôi phải kêu lên:

- Ông ngoại!

Ông như chợt nhận ra:

- Ủa, Thảo Phương, đi đâu sớm vậy cháu?

Ông cũng đã nhìn thấy ba:

- Ồ, hay quá, có cả anh Khôi nữa à?

Ba xuống xe, tắt máy, đến ôm lấy cánh tay ông ngoại:

- Thưa ba, ba vẫn mạnh?

Gương mặt ông ngoại rất phấn khởi:

- Ồ, tôi thì luôn luôn khỏe hơn voi.

- Thưa ba, má con đâu rồi ạ?

Ông ngoại chỉ tay ra phía sau vườn:

- Bả đang cho gà ăn ngoài đó, anh vào nhà chơi rồi bảo con Phương ra kêu bả.

Tôi hỏi ngay cái câu mà ba còn ngần ngại:

- Còn má cháu đâu rồi hả ông ngoại?

Ông ngoại chợt quay phắt lại nhìn ba, hình như nãy giờ ông quên mất sự rạn vỡ giữa ba và má, một vết suy nghĩ hằn lên nếp trán nhăn nheo của ông khi ông nói:

- Con Thảo... con Thảo có biết là hai cha con sáng nay xuống không?

Ba nói rất nhỏ:

- Thưa ba, không ạ.

Ông ngoại thở phào, nói với ba:

- Vậy là tốt. Tôi cứ sợ là nó muốn tránh mặt anh, anh Khôi ạ. Nó đi đâu từ sáng sớm tôi không rõ, để hỏi má nó xem.

Tôi ra sau vườn mời bà ngoại vào. Thấy ba, bà rất mừng:

- Sao bây giờ mới xuống hả anh Khôi? Thiệt má rầu hết sức, tưởng đâu hai đứa cơm lành canh ngọt lại, không ngờ đùng một cái, con Thảo xách gói trở về, nó nói là anh đã thoát khỏi tù tội thì nó hết trách nhiệm.

Ông ngoại đã châm xong bình trà, ông để trên bàn rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ba:

- Nói anh đừng giận anh Khôi ạ, anh khôn ngoan ở đâu tôi không biết, nhưng đối với con Thảo anh quá vụng về.

Bà ngoại can:

- Kìa, ông...

Ông ngoại khoát tay:

- Bà để cho tôi nói, anh Khôi nè, theo ý anh, tôi nói như vậy có đúng không?

Ba cúi đầu:

- Thưa, ba dạy rất phải.

- Vậy thì hãy nhìn vào mắt tôi và nghe tôi hỏi, hẳn là anh muốn gặp con Thảo để ký hòa ước chứ gì? Sao? Anh im lặng à, im lặng tức là đồng ý? Vậy tôi xin phê bình anh, thêm một lần nữa, anh quá chủ quan, anh Khôi ạ.

Ba bối rối đan hai bàn tay vào nhau:

- Thưa .. thưa ba.. con chủ quan là sao ạ?

Ông ngoại gật gù:

- Vợ anh là đứa con gái duy nhất của tôi, tôi hiểu nó còn hơn cả má nó nữa. Nó có nhiều tự ái nhưng cũng lắm tình cảm, nó thích ngọt thì tại sao anh không chiều chuộng, mềm mỏng với nó, anh tự ái à? Người đàn ông không nên đặt tự ái quá cao đối với phái nữ, riêng đối với vợ mình lại càng không nên.

Bà ngoại lại nói:

- Thôi ông ơi, nói vừa thôi.

Ông ngoại vẫn nhìn ba:

- Bà sợ anh Khôi giận à, anh có giận vì tôi nói thẳng không hở anh Khôi?

- Thưa ba, con đâu dám.

- Thuốc đắng mới dã tật anh ạ. Tôi biết anh còn thương con Thảo và con Thảo nó cũng còn nhớ tới anh nhiều lắm. Hồi anh bị công an bắt nó chả quay quắt lên đó sao?

Từ ngày nó trở về đây, tôi cũng đã khuyên lơn nó nhiều lần, bây giờ đến anh, tôi vun quén vào cũng mong sao hai người mở mắt ra, nằm tay nhau mà lo cho tương lai của con Thảo Phương. Tội nghiệp con nhỏ, học hành giỏi giang, tôi nghe cô Nguyệt Hằng cạnh nhà mình khen ngợi nó lắm đấy.

Ba ngập ngừng:

- Thưa ba, Thảo đâu rồi ạ?

Ông ngoại quay sang bà ngoại, bà đáy thay ông:

- Cô Hoa đến kiếm nó từ sớm, không biết hai người dắt nhau đi đâu.

- Hoa nào?

- Hoa vợ của anh Trân đó, ông quên rồi sao?

Ông ngoại nhíu mày:

- À, con nhỏ Hoa trăng trắng đẹp đẹp chứ gì. À mà nè Khôi ạ, người ta kêu án ông Trân mấy năm nhỉ?

- Thưa ba năm năm và tịch thu tài sản.

- Còn anh thì sao, nghe con Thảo nói anh phải bồi thường một số tiền khổnng lồ à, vậy anh đã có kế hoạch gì chưa?

- Thưa ba, có lẽ con phải bán cái biệt thự đang ở, rồi mua một căn nhà nhỏ để làm lại từ đầu thôi.

- Làm sao thì làm anh ạ, cần nhất là phải sống thế nào để đừng hổ thẹn với lương tâm.

Bà ngoại nói:

- Nếu cần thì tất cả lại về đây ở như cũ, ba má đã già rồi, có con cháu bên cạnh càng vui.

Tôi buồn bã đi ra đi vào. Mãi đến trưa má mới về nhưng má không nhìn ba, má vào phòng trong đóng cửa lại. Tôi gọi má, đưa cái hộp của chị Hai tặng, má cầm lấy và chỉ nói:

- Má nhức đầu quá, cần phải nghỉ ngơi. Lần sau má con mình sẽ nói chuyện nhiều.

Ngoài phòng khách, ông ngoại đang mách nước cho ba:

- Con Thảo không chịu nói chuyện với anh là vì nó đang tự ái. Nó rất cần nghe những lời dịu ngọt của anh nhưng không phải ngay bây giờ. Vậy thì, điều cần thiết đầu tiên là anh đem bao nhiêu tự ái của anh đổ xuống sông xuống biển hết đi, rồi mỗi ngày chịu khó về đây, chúng ta áp dụng chiến thuật "tiến công từng bước", thế nào cũng thành công, nhớ nhé.

Ba buồn buồn đứng dậy bắt tay ông ngoại:

- Con xin nghe lời ba dặn.

Tôi lại lủi thủi cùng ba trở lại ngôi nhà trống trải, ngày hai buổi đến trường với bạn bè thân thuộc, với cây me già trong sân rộng thường đổ những trận mưa xanh che kín mặt đường. Ba vẫn lên xuống nhà ngoại nhưng mỗi lần ba về, nhìn vào mắt ba, tôi chả thấy một tia hy vọng nào cả. Sốt ruột quá, có khi tôi muốn phóng xe xuống gặp má hỏi cho ra lẽ. Nhưng không được, chương trình tập dượt quá nặng và sắp đến ngày tổng duyệt. Lại còn bên văn hóa nữa, nào toán, nào lý, nào văn... tất cả đã cột chặt chân tay tôi lại, khiến tôi không còn chút thì giờ để cựa quậy. Có nhiều lúc chán nản quá, tôi muốn buông xuôi tất cả, nhưng hình như đúng vào thời điểm tinh thần tôi xa xút nhất là có mặt Tuấn hoặc Minh Châu bên cạnh. Hai bạn khuyên lơn, an ủi tôi, tìm mọi cách làm cho tôi vui, nhất là Minh Châu, nó thường đến học chung và ngủ lại với tôi để tôi vơi bớt nỗi buồn.

Chương 11

Tuần sau, buổi tổng duyệt để lựa học sinh ra Hà Nội dự cuộc thi "Âm Nhạc Mùa Thu" sẽ được tổ chức tại hội trường. Giữa ba má vẫn còn chiến tranh lạnh, nhưng má đã lên thành phố dẫn tôi đi may cái áo đầm tuyệt đẹp chuẩn bị cho buổi diễn sắp tới.

Có ba ở nhà mà má vẫn ghé tìm tôi, dù không nói với ba một lời nào, nhưng đây là một dấu hiệu tốt đẹp. Đó là nhận xét của cô Nguyệt Hằng khi tôi kể chuyện cho cô nghe, điều này đã làm tôi hy vọng trở lại. Tôi chăm chỉ tập đàn đến quên ăn quên ngủ, tôi nhất định phải được chọn đi Hà Nội, niềm tự hào này xin dâng cho má, cho ba. Và tôi càng mừng thêm khi thấy má lên ở với tôi hai ngày trước khi thi, má lo cho tôi từng tấm áo lót, giày vớ, và cả đồ trang sức thật đẹp.

Chị Hai thì suốt ngày ca cẩm:

- Vợ chồng chi mà như mặt trăng với mặt trời, vô duyên chưa từng thấy.

Đúng như lời chị Hai, má thường tránh mặt ba bằng cách ở trong phòng tôi tối ngày, đến bữa cơm cũng không ăn chung, mỗi lần muốn làm cho tôi một món ăn bổ dưỡng, má viết giấy và chỉ cách cho chị Hai đi chợ nấu nướng rồi dọn ra cho ba và tôi cùng ăn, tuyệt đối má không muốn đối diện với ba. Ba chắc cũng đã nản lắm rồi, chiến thuật "tiến công từng bước" của ông ngoại đã bị phá sản từ hồi nào không biết, chỉ biết ba cũng suốt ngày đóng chặt cửa phòng đọc sách, và chỉ ra ngoài khi tôi gọi ăn cơm mà thôi.

Rồi kỳ tuyển chọn cũng đến. Buổi sáng chủ nhật trời nhiều mây trắng, tôi diện chiếc áo đầm xanh vào, đứng trước gương và cảm thấy mình cao sang như một nàng công chúa. Má tô thêm một chút son lên môi, phấn hồng lên mặt, kẻ xanh mi mắt rồi nghiêng người ngắm nghía "tác phẩm" của mình:

- Ồ, con gái của má đẹp như tiên nga.

Tôi nép đầu vào vai má:

- Má ơi, sáng nay má lên trường với con nha.

Má sửa chiếc nơ trên tóc tôi:

- Con đi với ba, má sẽ đến sau.

Ba đâu rồi, nãy giờ tôi quên mất ba. Tôi chạy lên lầu, cửa phòng ba còn đóng, tôi đập mạnh:

- Ba ơi, ba ơi.

- Vào đi con, cửa không khóa đâu.

Ba từ trong phòng tắm bước ra nhìn tôi, trên mép còn đầy xà bông.

- Ba ơi sửa soạn mau lên trường với con nha.

Ba dùng khăn lau vội đám bột xà bông dính đầy râu.

- Ồ, con gái của ba đẹp tuyệt vời, cố gắng lên con nhé.

Tôi lặp lại:

- Ba ơi, mau lên trường với con.

Ba đưa tay nựng cằm tôi:

- Con đi với má nhé, ba sẽ đến sau.

Tôi cảm thấy đất trời tối sầm lại, nỗi tủi thân dâng lên ngào nghẹn cho dòng nước mắt chảy ngược vào tim. Suốt thời gian qua, tôi đã cố quên tất cả, niềm cô đơn, sự lạc lõng, những ngày dài thui thủi một mình trong căn nhà rộng thênh thang. Làm bạn với tôi chỉ có bầy chim ngoài cửa sổ, giàn thiên lý cùng nhóm hồng nhung đã tàn rụng những bông hoa vì thiếu bàn tay người chăm sóc. Tôi như bóng lạc đà bơ vơ trên sa mạc, không có hạt mưa nào rơi xuống tâm hồn bỏng rát của tôi sao? Ba má ơi, con đã cố gắng tập đàn suốt ngày đêm cũng vì ba má. Những đầu ngón tay con dần chai cứng trên phím ngà để ngân lên từng nốt nhạc xanh và mong bắc nhịp cầu tái ngộ giữa ba má nhưng sao ba má vẫn thờ ơ?

Tôi chán nản đi xuống nhà, đôi giày mới siết những đầu ngón chân đau buốt. Phòng khách vắng lặng, má đã đi đâu mất, tôi đến bên cửa sổ nhìn ra vườn, mặt trời soi bóng lá xanh ngắt lối đi.

- Reng.. reng..

Chuông điện thoại reo vang. Nhấc máy lên, tôi nghe tiếng cô Nguyệt Hằng:

- Thảo Phương, sao giờ này em chưa đến, nhanh lên, cô đang chờ đây.

Ôi, cô Nguyệt Hằng thương yêu của tôi, cô là giọt mưa em mong đợi, là chiếc phao cấp cứu cuối cùng em tìm thấy trong trận hồng thủy đời em. Em sẽ đến ngay.

Tôi cầm vội chiếc xắc nhỏ, chạy ra đường gọi xích lô. Cô Nguyệt Hằng đợi tôi bên cổng trường, có cả Minh Châu, Ngọc Tuyết, Thanh Hằng... tất cả nhìn tôi bằng ánh mắt khích lệ.

- Chúc Thảo Phương một buổi sáng tốt lành.

- Cố gắng nhé Thảo Phương.

- Cả lớp mình đều có mặt để cổ vũ mày và Tuấn đó, nhớ đánh thật bốc nhé, Thảo Phương!

Cô Nguyệt Hằng đưa tôi vào phòng đợi, nhìn vào mắt tôi, chắc cô đã hiểu rõ:

- Thảo Phương, em hãy quên đi mọi nỗi ưu phiền để chú tâm vào bài thi sắp diễn nhé.

Vẻ lo âu trên mặt cô làm tôi xúc động:

- Vâng... em sẽ đàn tốt.. hay là, em đánh thử một lần nữa cho cô nghe nhé.

- Không nên, em hãy nghỉ ngơi một lát, điều cần nhất là nên bình tĩnh, phải bình tĩnh, nhớ nha em.

Hội trường rực rỡ. Tấm màn nhung mới tinh màu huyết dụ phản chiếu ánh đèn làm hồng hào những gương mặt tươi vui. Không gian đầy ắp âm thanh.

Giọng cô xướng ngôn viên vang lên:

- Tiếp theo, chúng tôi xin giới thiệu em Trần Thị Phương Thảo, Trung cấp I piano, học trò của giảng viên Lê Nguyệt Hằng. Em Phương sẽ trình bày hai tác phẩm của nhạc sĩ thiên tài Ba Lan: Frédéric Chopin. Bản đầu tiên là bài Nocturne số 9 cung Mi giáng trưởng...

Tràng pháo tay vang dội... Tôi bước ra sân khấu, vạt áo đầm rung rinh như cánh bướm, màu đen láng bóng của cây piano làm tôi lóa mắt, tôi cúi đầu chào khán giả và cảm thấy chóng mặt... Nhưng ơ kia dường như trong mơ, khi tôi ngẩng lên, tôi thấy, ngay cửa ra vào, ba má, đúng rồi, ba mặc sơ mi xanh, má áo hoa vàng, hai người đứng cạnh nhau, tay trong tay, mắt cùng nhìn về phía tôi đầy âu yếm tin yêu... Ồ, khúc nhạc nào nhiệm mầu đưa ba má đến gần nhau? Tôi ngồi vào đàn, những ngón tay xoay tròn trên phím trắng, tôi tan biến vào không gian, tôi hòa mình vào đám lá khô trở giấc trong đêm, sương khuya đọng trên từng cánh hoa rơi thánh thót... tôi thấy một khung trời đầy tuyết trắng của quê hương người nhạc sĩ... tôi thấy dãy Ngân Hà xao xuyến trên cao, tâm hồn tôi mọc cánh, tôi bay, bay mãi, những nốt nhạc cuốn theo tôi trầm lắng... mơ hồ.. đêm yên tĩnh làm sao.

Tôi đánh tiếp bài thứ hai trong nỗi vui bất ngờ, tôi thả hồn vào ý nhạc, tôi chơi vơi giữa cánh đồng bát ngát hoa thơm, tôi ngây ngất say sưa... Tôi biểu diễn một cách thoải mái đầy sáng tạo cho tiếng vỗ tay muốn nổ tung cả hội trường.

Tôi đứng dậy, cúi chào khán giả, giàn đèn loang loáng chói chang, hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận là ba má đứng tựa bên nhau, mặt mày rạng rỡ.

Chương kết

Tôi tỉnh dậy trong căn phòng y tế nhà trường, ba má đang ở bên tôi. Ba của Tuấn cũng có mặt, ông nói:

- Cơn xúc động của cháu đã qua, anh chị hãy yên tâm.

Má lo lắng:

- Nhờ anh xem giùm tình trạng sức khỏe cho cháu.

- Không sao đâu, có lẽ vì cháu cố gắng tập đàn nhiều quá, lại hay suy nghĩ nữa. Anh chị nên tẩm bổ cho cháu và đừng làm cho cháu buồn bất cứ vì lý do nào.

Rồi ông nói với tôi:

- Cháu đàn rất tuyệt, cả hội trường vẫn còn xôn xao vì cháu đấy. Thôi cháu nằm nghỉ nhé, để bác lên xem đã đến lượt Tuấn thi chưa.

Tôi gượng ngồi dậy, ba đưa tay đỡ và bảo má:

- Em trông con nhé, để anh xuống căn tin mua cho con ly nước cam.

Má đã không còn hững hờ với ba nữa:

- Dạ, để em xoa dầu thêm cho con, sợ nó còn chóng mặt.

Tôi tựa người vào vai ba, thoải mái uống từng ngụm nước cam trên tay má. Tôi cảm thấy tim ba đập mạnh và đôi mắt đẹp của má chớp nhanh. Má cố nín khóc nhưng tiếng nói của má vẫn rưng rưng:

- Anh Khôi, hãy tha thứ cho em.

Ba nói nhẹ như hơi thở:

- Thảo, em hành hạ anh như vậy cũng thật đáng, anh không giận em đâu.

- Đúng như lời ông bà ngoại Thảo Phương nói, em là đứa cứng đầu.

Ba ngắt lời:

- Chỉ tại chúng ta đã đặt tự ái không đúng chỗ mà thôi, giờ mình hãy quên tất cả để lo cho con em nhé.

Hai bàn tay của ba má tìm đến nhau. Tôi rời vai ba, xích xuống phía cuối giường để ba má được gần nhau hơn.

Minh Châu dẫn đầu đám bạn tôi đi vào, trên tay cầm bịch táo. Chúng nó tranh nhau nói:

- Thảo Phương, Thảo Phương mày khoẻ chưa?

- Thảo Phương ơi, mày thật hết xẩy!

- Cô Minh Ngọc khen mày ngút trời mây.

- Cô Hằng mừng hết lớn, Thảo Phương ơi.

- Tao thấy mày được mười điểm cộng.

- Xạo xạo...

Chúng nó cãi nhau chí chóe làm tôi cảm thấy thật vui. Ba nhìn chúng tôi cười rạng rỡ:

- Bây giờ các cháu rảnh không, bác bao tất cả đi ăn chè nha.

Cả bọn reo lên ầm ĩ. Má ái ngại:

- Để Thảo Phương nghỉ chút xíu đã.

Tôi rời giường, bước đi mạnh mẽ:

- Con khỏe lắm rồi má ạ.

Chúng tôi kéo nhau ra cổng trường. Hàng me bên đường vẫn gieo những trận mưa xanh lên từng vuông ghế nhỏ, chung quanh chiếc xe bán chè quen thuộc dường như lúc nào cũng hiện diện bên gốc cây già cỗi để chờ đợi chúng tôi. Tôi nhận ra chị Hai đang ngồi bồn chồn bên ly chè đã vơi quá nửa, thấy tôi, chị chạy băng qua đường, la ơi ới:

- Cô Phương, ông bà đâu?

- Ba má đang nói chuyện với cô của em, chị tới trường em làm gì vậy?

Chị Hai nói thì thầm vào tai tôi:
- Cô biết không, hồi sáng cô bỏ đi một mình, tôi hoảng quá, tìm bà chẳng thấy, tôi gọi ông mau đi theo cô. Không ngờ ông dắt xe ra cổng vừa kịp lúc bà về, bà chịu ngồi lên xe cho ông chở, tôi mừng quá, tôi chạy theo.
Tôi hoảng hồn:
- Chết cha, vậy ai trông nhà?
- Tôi khóa cửa trong cửa ngoài rồi. Nì cô Phương, ông bà đã nói chuyện lại với nhau chưa?
Tôi ôm vai chị:
- Chị Hai ơi, ba má em chung sống hoà bình rồi, em mừng quá.
Chị Hai reo:
- Biết ngay mà, chắc chắn là bà vừa mới mở chiếc hộp vào sáng nay.
Tôi ngạc nhiên:
- Chiếc hộp nào?
Chị Hai bí mật:
- Chiếc hộp tôi tặng cho bà đó, cô biết bên trong đựng cái chi không?
Tôi bật cười:
- Chắc là bùa phép phù thủy?
- Cũng gần đúng đó cô Phương. Người Huế chúng tôi mỗi lần giận nhau mà muốn làm hòa thì tặng nhau một củ gừng và nhúm muối, thấy là hết giận liền à.
Minh Châu tò mò:
- Sao kỳ vậy chị Hai?
- Bộ các cô không nghe câu ca dao sao: "Tay bưng dĩa muối chấm gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau".
Các bạn tôi vỗ tay:
- Chị Hai tuyệt thật!
Tôi vẫn còn thắc mắc:
- Nhưng chị đâu có giận má em?
Minh Châu nhanh nhẩu:
- Thì chị Hai thay mặt ba mày tặng má mày không được sao.
Tôi cảm động nhìn chị Hai, chị cũng đang nhìn tôi đầy trìu mến.
Ba má và cô Nguyệt Hằng đã ra tới, có cả Tuấn đi cùng ba nó nữa. Mọi người xúm lại đông quá khiến chị bán chè phải chạy đi mượn thêm ghế. Tôi hỏi thăm Tuấn:
- Tuấn đánh được chứ?
- Thầy của Tuấn bảo cũng hy vọng lắm, ngày mai mới có kết quả.
Rồi Tuấn bắt tay tôi:
- Mừng cả hai thành công của Phương.
Tôi sung sướng nhìn lên hàng me nhuộm ánh nắng vàng tươi:
- Được sống lại những tháng ngày hạnh phúc cạnh ba má là thành công lớn nhất trong đời Phương.
- Chúng ta cùng dợt lại bài "La vie en rose" để tặng hai bác nhé.
- Phương sẽ đàn bài "When we were young" nữa.
Minh Châu chen vào:
- Còn tao nữa chứ, bài "Tiếng sáo thiên thai" sẽ mở đầu buổi tiệc tái ngộ của ba má mày đó Phương...
"Trời cao xanh ngắt ô kìa, hai con hạc trắng bay về Bồng Lai... Đôi chim ơi, lên cao sáo theo vời, hay theo đến bên người tiên nga tắm sau đồi... Đường lên Thiên thai, lọt vài cung nhạc gió, thoảng về mơ mộng quá, nàng Ngọc Chân tưởng nhớ... tiếng lòng bay xa..."
Tôi đi giữa ba má trên con đường xanh ngắt bóng me, nắng soi những bông hoa vàng lung linh trên vạt áo...
30-10-1990
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...