Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Những bậc thầy của tôi 3

Những bậc thầy của tôi 3

CHƯƠNG XIII
NGUYỄN TUÂN
NGƯỜI BÀO CHẾ RƯỢU MƠ

Nhà của Nguyễn Tuân ở một ngõ hẻm Trần Hưng Đạo, ngó ra đầu đường Yết Kiêu, nơi có hiệu phở Tư Lùn, một trong vài hiệu phở nổi tiếng Hà Nội xưa còn sót lại. Tôi và anh có đến ăn phở ở đây một đôi lần. Một hôm tôi đến nhà anh. Không phải tôi đến thăm anh, mà anh bảo đến chơi.

Nhà anh quả là nghèo. Bước vào thì phải nghĩ ngay như vậy. Chúng tôi ở ga-ra, nhưng đó là thân phận của kẻ ly hương, còn dân Hà Nội mà có căn nhà mướn như anh thì thật nghèo nàn, trống trơ không có gì hết. Chỉ có cái lò sưởi là đáng chú ý ; trước nhất là nó không còn làm chức năng của nó, mà đã trở thành cái tủ rượu và nơi chưng bày nhiều thứ khác rất lặt vặt, không thể đếm hết. Nhưng đặc biệt nhất là những chai rượu. Anh thường đi vùng núi, và mỗi lần về đều mang theo một ít món lạ : một chiếc khăn của người Thái dệt tay rất khéo, màu sắc rất sặc sỡ, một ít quả cam quả quýt rừng.

Lần tôi đến, anh khoe với tôi những trái mơ còn xanh. Anh đã bỏ vào một cái chai miệng rộng, nút vặn kín. Khi rót ra, rượu màu xanh nhạt, và có mùi... mơ. Anh uống rượu như một nhà văn nghiện.

Rượu mua cắt từng Ô phiếu, hình như mỗi tháng một lít Nhưng với anh một lít sao đủ? Vậy phải có những người tiếp tế. Một trong những người đó là Nguyên Hồng. Thỉnh thoảng ông Bỉ Vỏ từ Bắc Giang xuống Hà Nội đem theo trong ba lô một chai lít trong vắt làm quà cho ông Vang Bóng Một Thời,. Anh Tuân có hai vật quí, đó là cây bút Parker Canada màu đen và một cái đồng hồ Movado, nhưng chẳng bao giờ thấy anh giắt túi và đeo tay. Cái đồng hồ gói trong khăn, bỏ túi, đôi khi anh lấy ra coi giờ, rồi bỏ lại vào túi. Còn cây bút thì không thấy viết cái gì .

Ở nhà anh có một bộ phản gỗ thô tét đầu, trên đó trải một tấm thảm của người thiểu số, và đặt một chiếc gối vuông to. Nghe nói khi viết anh ngồi trên phản, chớ không ngồi bàn. Tôi thấy rất khó, ngồi như vậy làm sao mà viết được? Tuy chưa thấy anh viết bao giờ, nhưng cứ tin như vậy. Còn chữ của anh thì to, hơi run run, không đẹp như chữ của Tô Hoài. Hình như anh chỉ dùng một màu mực: đen.

Lần đó anh bảo tới chơi. Anh rót rượu mơ mời tôi một cốc nhỏ-có đâu mà mời cả ly? Xong nói năm ba chuyện rồi đưa ra tờ báo Văn Nghệ có bài của tôi. Tôi thấy anh gạch đỏ hết cả, như thầy giáo chấm bài học trò (Khi đem về nhà thấy những dấu gạch thì có cả khen lẫn không khen. Khen ít, không khen thì nhiều.)

Mà thật, khó bề được anh khen. Anh có khen chăng là cũng để khuyến khích mình thôi. Anh coi viết văn gần như một tôn giáo, khi viết phải nghiêm chỉnh phải thiêng liêng, cho nên chữ của anh thật là trau chuốt, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Nói cũng thế, anh nói như viết, câu kéo mệnh đề rất vững vàng, nếu có máy ghi ra thành văn thì không phải chữa lại bao nhiêu. Anh có tài nói những luyện ai cũng biết rồi mà nghe lại vẫn hay. Một lần xem cái tựa một bài báo Văn Nghệ, anh bảo: dư một chữ. Hỏi anh dư chữ nào? Anh bảo tại sao phải để "Bút Ký"? Ai nấy chưng hửng không hiểu. Vì xưa nay người làm báo có thói quen để như thế, ví dụ: "Lên Tây Bắc, Bút ký của A, B, C..." Anh tỉnh bơ nói:

- Ký thì bằng bút, chớ chẳng nhẽ lại ký bằng chổi à? Vật ta nên bỏ chữ bút đi.

Từ đó báo Văn Nghệ bỏ hẳn chữ bút. Đó là cuộc cách mạng của Nguyễn Tuân. Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến chữ, chữ của anh cũng như tác phong của anh, chắng ai học được. Tôi nghe anh Kim Lân nói trước 45 anh ăn cơm, gắp cọng rau muống luộc để vào chén, khoanh vòng tròn thật khéo, rồi mới và vào miệng, mà nhai cũng chậm chạp từng tí một như để thưởng thức cái ngon của cọng rau, chớ không ăn nhanh như ta. Anh Kim Lân thì kính trọng Nguyễn Tuân như bậc thầy. Một tiếng đều "cụTuân" hai tiếng cũng "cụ Tuân". Anh còn bảo: Thời đó, anh văn sĩ nào được cụ ấy gọi tới mà "mắng" cho là hãnh diện lắm! Tôi không hỏi thêm chi tiết, nhưng đồ chừng rằng cái uy tín của Vang Bóng Một Thời, lớn quá, nên mới có chuyện như vậy. Mà có vậy thì cũng chẳng có gì là quá đáng. Một hôm, chính tai tôi nghe, mắt tôi thấy Nguyễn Tuân phát biểu trước toàn Hội Nhà Văn:

- Văn chương của ta nó vừa nhạt lại vừa nhẽo. (Nhạt nghĩa đằng nhạt, nhẽo có nghĩa đằng nhẽo).

Rồi lại nói:

- Còn sách in ra thì không ngồi được, ngồi còn không được, nói chi đến đứng? Cho nên nó chỉ nằm trong hiệu sách.

Đó là chữ của Nguyễn Tuân. Ngoài ra anh còn chẻ những chữ ra, ví dụ: Cái báo, cái chí của ta... Báo khác, chí khác nhưng ta có thói quen gộp chung: báo chí.

Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến chữ, sự tưởng tượng và hình tượng. Tôi vừa mới đọc lại Chiếc lư đồng mắt cua, và Vang Bóng Một Thời,. Tôi cho rằng những chuyện trong Vang Bóng Một Thời, là những chuyện bịa y như thật. Một anh đao phủ chém đầu người không cho rụng, vì còn dính một làn da mỏng ở cổ - gọi là chém treo ngành. Nghĩa là cái thủ cấp thay vì rơi xuống đất còn dính ở cổ, lung lơ lủng lẳng. Ở thời nào có cái lối hình phạt lạ kỳ ấy? Thời phong kiến chỉ có các hình phạt đại khái như là chém đầu, chém ngang lưng, xử lăng trì, xử bá đao, chớ đâu có cái lối "chém treo ngành". Vậy đó là sự bịa tạc của Nguyễn Tuân thôi. Trên 10 chuyện, chuyện nào cũng do óc tưởng tượng, nhưng tưởng tượng có lý căn cứ trên cái vốn sống và cái tính lãng mạn của tác giả.

Chùa Đàn, một tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, đọc xong, tôi không hiểu nó có trên mặt đất này không? Nửa người, nửa ma quỉ, nửa hư nửa thật. Đặc biệt nhất tôi phải chú ý là những hình tượng của tác giả dựng lên, có cái rất hiện thực, có cái ma quái một cách rất hiện thực. Tôi xin nói ngay kẻo quên:

Đó là hình ảnh những con rắn từ trong đám mả bò ra đớp những tàn đuốc... đó là ma quái mà rất hiện thực. Còn như Những Chiếc Ấm Đất thì vừa ly kỳ vừa hiện thực. Hình như Nguyễn Tuân có những chi tiết ly kỳ trước rồi mới dựng lên câu chuyện để dùng những chi tiết ấy Cũng như ta có đôi hoa tai kim cương trước, rồi đi tìm một người đẹp để đeo đôi hoa tai ấy cho xứng. Tóm tắt câu chuyện:

Một người uống trà chuyên nghiệp, có những bộ đồ trà rất quí. Uống trà phải nấu với nước xin ở chùa Đồi Mai, ở cái giếng ấy mà thôi, không đâu khác. Mỗi lần xin, người đầy tớ chỉ gánh được một gánh, xa hằng nửa ngày đường. . .

Thời gian qua, một hôm sư cụ chùa Đồi Mai đang ngồi uống trà với một người khách, thì bỗng có một người ăn mày vào xin cơm chùa. Sư cụ thấy người ăn mày có vẻ khác thường, bèn mời một chung trà. Người ăn mày đưa hai tay nâng lấy và uống với cung cách một người sành uống trà. Uống xong, người ăn mày trao lại chiếc chung cho sư cụ, và lễ phép thưa:

- Bạch sư cụ, trong vòi ấm có cái vỏ trấu.

Sư cụ rất đỗi ngạc nhiên, bèn trút xác trà ra, quả nhiên thấy cái vỏ trấu y như lời người ăn mày vừa nói. Phải uống bao nhiêu ngàn bình trà mới có kinh nghiệm ngửi thấy được cái mùi vỏ trấu trong vòi ấm?

Sư cụ hỏi lai lịch, thì ra đó là người bạn đã từng xin nước giếng chùa này, nay sa sút phải đi ăn mày.

Người ăn mày lại cầm lấy chiếc ấm trà úp xuống mặt bàn và nói: Đây không phải là loại Thế Đức hoặc Mạnh Thần, vì "vòi và miệng ấm khi úp xuống không cùng cắn mặt bàn".

Những chi tiết truyện Nguyễn Tuân đều cầu kỳ hiếm thấy như: chém treo ngành, những con rắn và vỏ trấu ...

Chỉ một chi tiết đủ làm cho người đọc không sao quên được tác giả. Trong Chiếc Lư Đồng Mắt Cua tôi đọc lâu lắm mà vẫn nhớ cái việc nhổ cây đinh trên tường. Anh nhổ cây đinh kia đến 5,7 trang sách, thế nhưng dù anh cù cưa mãi, mà đọc vẫn không nhàm. Người thường chỉ nhổ phéng cái là xong, nhưng Nguyễn Tuân nhổ nó mất bằng ấy trang sách. Đó là cái tài nói những chuyện người ta đã biết rồi mà nghe vẫn thích.

Ba quyển của Nguyễn Tuân: Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, và Chiếc Lư Đồng Mắt Cua như ba người viết, hay đúng ra là ba cái tạng khác hẳn nhau của một người. Cách hành văn thì vẫn như nhau, nhưng quyển trước thì bịa, quyển kế vừa bịa vừa thực, quyển chót thì thực hoàn toàn.

Đó là văn chương Nguyễn Tuân. Tôi rút trong đó những bài học lớn, không biết bài học gì. Nhưng có thể nói đọc Nguyễn Tuân, tôi thấy tôi lớn lên trong nghiệp cầm bút rất nhiều. Có thể bạn khác tạng với tôi, nhưng không thể chối cãi được rằng ở Nguyễn Tuân có nhiều cái ta phải học. Nhất là sự chọn lọc chữ.

Việc học đàn anh hay một đồng nghiệp khác để nâng cái nghề của mình cao hơn lên là cái đáng làm lắm.

" ... Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam yêu chuộng hơn, tôi dám chắc tác phẩm của Nguyễn Tuân sẽ có địa vị xứng đáng hơn bây giờ. "

Ngày không xa đó là ngày nào?

Câu trên đây nếu tôi nhớ không lầm, là của nhà Phê bình Vũ Ngọc Phan viết năm 1942, nghĩa là cách nay 56 năm. Hiện giờ cả hai vị đã gặp nhau ở bên kia thế giới, không biết ông Nguyễn có hỏi ông Vũ ngày đó là ngày nào hay không?

Tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn luôn có địa vị xứng đáng trong lòng độc giả và đồng nghiệp thôi. (Mà như vậy là đủ rồi!) Còn bọn chính trị thì không bao giờ đánh giá cao tác phẩm của Nguyễn vì Nguyễn không phục vụ thứ chính trị độc tài, láu cá, thứ chính trị làm cho văn nghệ thuật diệt vong.

CHƯƠNG XIV

NGUYÊN HỒNG:
KHI VIẾT, TÔI CẤU THỊT DA TÔI ĐỂ TRÊN GIẤY

Trong các nhà văn tiền bối mà tôi hân hạnh được làm quen, tôi không thấy ai nói chuyện về sáng tác sôi nổi hào hứng một cách kỳ lạ như Nguyên Hồng.

- Anh xây dựng nhân vật Bảy Hựu của anh như thế nào?

Thế là anh nổ ngay. Chỉ hỏi bấy nhiêu thôi, anh có thể nói hằng giờ không dứt mạch. Mà những gì anh nói đều sinh động hữu ích trong lãnh vực nghề nghiệp cả.

Bảy Hựu là một người đàn bà dám hi sinh cho bạn. Anh bảo:

- Tôi quả có thấy một người đàn bà như vậy. Tôi gần như chép vào truyện. Còn sự tô vẽ thì rất ít.

Anh là người viết nhiều, nên kinh nghiệm rất phong phú, hỏi vấn đề gì anh cũng nói xuôi rót hết tất cả, bằng kinh nghiệm của chính bản thân anh, không bao giờ theo sách vở của ai. Trước hội nghị hay trước một người, sự sôi nổi của anh vẫn như nhau. Anh nói sôi bọt mép, lắm lúc lời tuôn nhanh, anh nói không kịp phải cà lăm: T..T...ôi...tô...i... nói...nó..i...thật! Một lần trong một cuộc hội nghị sáng tác, nhà văn Vũ Tú Nam kể chuyện anh ta đánh đứa con gái 3 tuổi rồi sau đó gọi nó không đến. Vũ Tú Nam kết luận:

- Điều đó làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều về tình người trong sáng tác!

Nguyên Hồng đáp ngay:

- Bố đánh thì chạy lại mẹ, chớ tình người cái gì. Cứ viết đi! Suy nghĩ, suy nghĩ mãi, không có tác phẩm! Sốt ruột quá !

Anh có tật trước khi viết, anh nhúng đầu cho ướt, để khỏi bốc mạnh quá. Còn Schiller thì không hiểu sao lúc nào trong ngăn kéo của bàn viết phải có một trái táo, nhưng không phải táo ngon, mà là táo thối. Mỗi người một tánh một tật. Trước khi viết bộ tiểu thuyết Sóng Gầm, anh có cho tôi coi dàn bài.

Bạn thử tưởng tượng: Một tấm giấy lớn như mặt bàn ăn cơm, trong đó kẻ những ô vuông vức đầy bít những chữ và những làn gạch chéo nhau, những dấu ngoặc lớn nhỏ đủ màu xanh, đen đỏ và những chữ thập đánh dấu chỗ nọ chỗ kia tùm lum, nhìn vào tưởng như một bản đồ hình thể của thế giới vậy. Đó là dự án tiểu thuyết của Nguyên Hồng.

Mỗi ô là một chương, trong mỗi chương anh ghi rõ sự việc chính xảy ra với những nhân vật nào. Rồi nhân vật này liên hệ với nhân vật khác ở cùng chương hoặc ở chương khác ra sao. Sự biến đổi của các nhân vật, sự xuất hiện và biến mất của họ, và sự việc nào kết thúc ở chương nào, hoặc tái hiện ở chương nào. Ôi thôi, vô số nét trên tấm giấy ly kỳ này.

Anh cho tôi xem và giải thích, tôi không thể nào theo dõi nổi. Nhưng có cái hay là tôi được biết phương pháp làm việc của một nhà văn trong việc xây dựng một tiểu thuyết.

Nhưng tôi không học làm theo kiểu của anh bao giờ. Sau này tôi đọc một nhà văn thấy cách làm việc khác hoàn toàn, đó là Alexis Tolstoi, tác giả "Les Chemins des tourments" { tức bộ Khozhdeniye po mukam trong tiếng Nga.- Chú của nhà xb} của Liên Xô (cũ). Ông viết:

"Tôi không thể biết ở chương thứ 10 tôi sẽ viết gì, nếu tôi chưa viết xong chương thứ 9." Điều đó có nghĩa là ông đã có đại cương toàn thể cốt truyện trước, nhưng không có phân chương mục gì cả, viết tới đâu, phân chương tới đó .

Không nhớ nhà văn nào đã viết ra kinh nghiệm của mình như sau:

- Khi viết thì tôi (tức ông ấy) viết luôn một mạch đến xong rồi mới đọc lại toàn bộ và chữa, chứ không chữa từng chương, hoặc cứ vài chương quay lại chữa rồi mới viết tiếp như vậy làm tôi mất hứng.

Khi xem xong bức "địa đồ" đen ngòm của Nguyên Hồng, tôi có hỏi anh:

- Anh vẽ ra chi tiết như vậy, mà rồi anh có theo đúng nó không?

Anh lắc đầu:

- Không mà cũng có, có mà cũng không! - Anh còn tiếp: - Sở dĩ tôi làm như vậy là vì tiểu thuyết quá dài, đến 12000 trang, quá nhiều biến cố, quá nhiều nhân vật, nếu không vẽ ra sẽ không nhớ hết. Rồi có thể nhân vật đã chết ở chương 10, mình lại cho nó sống ở chương 40 không chừng. Và nhiều thứ lẩm cẩm khác mà mình không kiểm soát nổi. Cho nên khi viết, thỉnh thoảng tôi nhìn vào đó để nhớ. Có khi chỉ liếc nhìn qua, mà nảy ra nhiều ý lắm cậu ạ !

Tôi lại hỏi:

- Khi anh định viết một truyện, cái nào đến với anh trước? Cốt truyện, nhân vật, hay một chi tiết nào? Ví dụ như Bỉ Vỏ.

Anh cười:

- Bỉ Vỏ? Cái chuyện này rất buồn cười, để tôi kể sau. Bây giờ để tôi trả lời câu hỏi trước kẻo quên: Có khi cốt truyện đến trước, mình nghĩ ra thành truyện, rồi tìm nhân vật, đặt tên rồi viết. Nhưng cũng có khi tôi lại bắt gặp một chi tiết hay rồi bắt muốn viết truyện. Thí dụ như trong tập Địa Ngục của tôi có truyện Sư nữ chùa âm hồn, thì tôi bắt đầu bằng một chi tiết. Là khi tôi nghe một người hàng xóm nói về một bà vãi trẻ đi vô chùa, nhưng thỉnh thoảng còn có những cơn dục tình nổi lên. Thì bà ta bèn dùng móng tay nhọn, cấu véo thật đau vào bắp vế non, như vậy cơn dục tình kia sẽ biến đi. Đó là nét chính làm nên "Sư nữ chùa âm Hồn". Hoặc một truyện khác, tôi cũng bắt đầu bằng một chi tiết: Một đứa bé trai ở đợ trong hẻm phố, được chủ sai ra đầu ngõ mua hai bát phở. Nó đang chơi với các bạn gái, phải bỏ cuộc chạy về mua phở. Hai tay bưng hai bát phở trên đường về, ngang chỗ các bạn đang còn chơi đùa, nó dừng lại xem, bỗng nhiên cái quần của nó tụt xuống đất. Hai tay bưng phở, không dám để xuống, thì một đứa bạn gái chạy tới kéo quần lên và buộc lại cho nó. Thế rồi sau này tôi cho hai đứa thành vợ chồng, nhờ cái vụ tụt quần đó. Anh tiếp:

- Còn Bỉ Vỏ (Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn năm 1937) thì dài dòng lắm, nhưng tóm tắt như thế này: Trước nhất là tôi có biết chuyện một cô gái ở gần làng tôi chửa hoang với một anh chàng trên tỉnh về quê chơi. Cha mẹ cô tức giận, muốn giết cô cho mất cái nhục. Nhưng vì không giết được, nên khi cô sanh được đứa bé ra, thì ông bà bán đứa bé. Cô gái đau khổ và hận tình, bèn lén nhà đi ra tỉnh tìm anh chàng kia. Rồi chằng tìm được chàng kia mà lại rơi vào nhà thổ. Đó là mảnh thứ nhất. Mảnh thứ hai là Năm Sài gòn. Tôi quen thành phố Cảng, ở đây có nhiều dân "chạy vỏ" để sống. Hắn là người Bắc, nhưng tôi thấy hắn có dáng điệu 'Sài gòn" nên đặt cho hắn cái tên ấy. (Tôi không rõ Sài gòn ra sao, nhưng cứ nghĩ thế.) Rồi tôi ráp cô bé với Năm Sài gòn lại nhau. Nhưng như thế đâu đã ra cái chuyện gì. Tôi bèn cho "đất bằng dậy sóng": Năm Sài gòn ghen, và cô bé ra đi, lấy mật thám. Đó là mảnh Bỉ Vỏ thứ ba. Mảnh thứ tư là Năm Sài gòn bị bắt, cô bé lén lấy chìa khóa mở cổng thả tình nhân cũ. Rồi hai bên tái hợp về Cảng tiếp tục nghề "chạy vỏ".

Mảnh thứ 5, kết cục. Một hôm cô bé đang ở nhà thì Năm Sài gòn chạy về, trên tay ôm thằng bé đã chết cứng. Anh ta cướp thằng bé trên tàu và nhảy xuống sông lặn, thoát về nhà. Ngờ đâu khi cô bé nhìn cái dấu riêng thì nhận ra chính là con của cô ta, đứa bé cô đi tìm mà không gặp

Câu chuyện thật bi thảm, kết cục thật tài tình. Anh nói tiếp:

- Ở đời đâu có sẵn truyện cho mình chép, cậu phải tạo nó ra chứ? Nếu không tạo thì sao có vụ cướp nhảy tàu?

Sở dĩ tôi cho kết cục như vậy, là vì tôi có biết nhiều vụ nhảy tàu hoả, tàu thủy rất phi thường. Dựng truyện cũng như mình cất một ngôi nhà. Có khi nào ở trên trời rớt xuống cho cậu một ngôi nhà đâu! Cậu phải mất tiền mua sắm gỗ, lá, mua đất làm nền, và cuối cùng là phải tự biết sức thợ để dựng nó lên theo ý của mình. Thợ mộc thì cất nhà giống nhau, nhưng người viết truyện lại khác, có khi lấy đuôi làm đầu, có khi lại bắt đầu vào giữa truyện. Có người thích viết giật gân, làm độc giả đọc chương trước, không đoán ra chương sau, cũng như kịch vậy. Nhưng cũng có người cứ từ từ tốn tốn kể lể theo thứ tự của các sự việc, không nhảy, không lộn ngược lộn xuôi mà người đọc cũng thích thú như thường. Bởi vậy nên người ta nói: "văn là người" là vậy.

Đó là tiểu thuyết. Nó dài nên khó nói nhanh và rõ. Hãy lấy một truyện ngắn, như Chí Phèo của Nam Cao. Anh ấy vô đầu với câu: "Hắn vừa đi vừa chửi." Hắn nào? Đọc một đoạn mới rõ.

Cũng có người viết đơn giản. Như cụ Hồ Biểu Chánh trong Nam. Cụ ấy viết như nói. Vào đầu, chuyện xẩy ra ở đâu, năm nào, cô gái con của ai, ngôi nhà ra sao, trước sân có trồng trầu, trồng cau... Không giật gân gì hết, nhưng truyện nào của cụ cũng hấp dẫn, hễ đọc là không buông sách xuống được.

Tôi hỏi:

- Anh thích lối nào?

- Lối nào tôi cũng thích cả. Cái điều quan trọng là nội dung câu chuyện. Cậu diễn đạt làm sao cho cái ý định của mình truyền được sang người đọc. Cậu thấy Nam Cao có tài không? Chỉ trong một truyện ngắn mà anh ấy mô tả cả một cái nông thôn thời Pháp. Nghề viết, ai có lối nấy, không ai giống ai.

- Anh cũng tài chớ, cái Bí Vỏ của anh dịch ra tiếng ngoại quốc, thì phải được xếp ngang hàng với...

Nguyên Hồng cười khà.

Một hôm đi nhậu thịt chóvới anh ở Ô Yên Phụ. Ngồi nhâm nhi một chốc, bỗng tôi nhìn vào bếp thấy người nữ chủ quán, tôi trỏ bà ta và nói với anh: "Bảy Hựu của anh kìa, anh Nguyên Hồng?" Anh cười rẻ lên sung sướng lắm, và cụng ly uống với tôi liên miên.

Chúng tôi thường gọi anh là Maxim Gorki Việt Nam. Và nếu có một nhà văn nào đã tả Balzac như sau: "ông ta có một dáng điệu của một anh hàng bánh mì, có nét mặt của anh hàng thịt, và đôi tay của một anh thợ đóng giầy" thì tôi có thể tả Nguyên Hồng: "Anh có dáng điệu của một người nhà quê, thích xoay trần, chân không bao giờ mang giầy, nhưng lại có một tâm hồn nghệ sĩ lớn! Hãy trông kìa: Cái xe đạp thô kệch của anh dựng ở gốc ổi già với chiếc cặp da cũ rách há họng, vì chứa đầy giấy bên trong. Nó được ràng vào poọc-ba-ga bằng một sợi dây thừng cột trâu. Anh sợ chiếc cặp rơi mất. Đó là cặp bản thảo tiểu thuyết của anh! Mất là chỉ có chết, chớ không viết lại được ?"

Không hiểu sao anh khoẻ mạnh mà lại mất sớm thế? Vào lúc 63 tuổi (ngày 5-2-1982).

CHƯƠNG XV

NGUYỄN HUY TƯỞNG:
"ĐẤT NAM KỲ LÀ ĐẤT TIỂU THUYẾT"

Trước nhất và thường xuyên nhất, anh Nguyễn Huy Tưởng đến chơi với tôi. Và một lần nọ, anh bảo bọn trẻ Nam Kỳ chúng tôi câu nói đó.

Anh chỉ viết tiểu thuyết và truyện dài, chớ không viết truyện ngắn. Cái ngắn nhất của anh cũng 200 trang. Anh viết đủ loại, kể cả tiểu thuyết lịch sử và truyện cho thiếu nhi.

Anh đến với chúng tôi bằng tình cảm của một người anh. Và chúng tôi cũng đối lại với anh bằng sự kính trọng và thương mến của những đứa em. Không hiểu sao anh thương chúng tôi? Vì chúng tôi ngơ ngáo trước ngưỡng cửa nghệ thuật chăng? Vì chúng tôi ly hương chăng? Cũng như anh Tô Hoài nghe tôi than "viết không được" thì đến, đem cả sách tặng...

Anh đi chơi với chúng tôi cũng thường hơn các anh khác. Trong câu chuyện vui, bao giờ anh cũng xen vào vài câu chuyện văn học để dạy chúng tôi một cách khéo léo, không ra vẻ đàn anh.

KHÔNG KHÍ CỦA TRUYỆN

Một hôm đọc xong bản tháo của Nguyễn Quang Sáng, anh đem trả và mừng rỡ nói:

- Nhân vật ông Năm Ịnh kéo đàn cò được lắm, có không khí lắm.

Anh và anh Tuân cũng đều khen Đoàn Giỏi gây không khí rất hay. Cái không khí của truyện là rất cần thiết tức là bối cảnh chung quanh nhân vật làm cho người đọc cùng sống với nhân vật.

Thí dụ khi các cậu tả một bữa tiệc thịt chó, thì sự ăn nhậu phải khác với bữa giỗ, hoặc bữa tiệc mừng chiến thắng. Khác về thức ăn đã đành, còn lời nói, cử chỉ, các nhân vật cũng khác luôn. Tả các món thịt chó cho người đọc thèm rỏ dãi, cho nhân vật cụng ly bốp chát, cười nói rổn rảng. Lúc đầu tiên còn tỉnh táo, lúc quá chén thì ăn nói bạt mạng. Nhậu hết đế chạy đi mua. Đến lúc đã quá thì xách đờn ra mần sáu câu thiệt muồi v.v...

Đó gọi là không khí của câu chuyện nhậu thịt chó. Chứ nếu các cậu mô tả nó nghiêm trang lễ mễ, thì tiệc gì khác chớ không phải là tiệc thịt chó.

Không khí của truyện là cái bể bơi của nhân vật. Và nhân vật về phần nó, nó lại chính là kẻ tạo ra một phần cái không khí ấy. Tôi lấy ví dụ như các cậu tả một buổi rước dâu, vài loạt pháo ở ngõ với trẻ con bu lại lượm xác pháo tịt ngòi dưới hai chữ "Vu Qui" kết bằng hoa treo ở đầu ngõ. Thế là có không khí đám cưới rồi. Kế đố, đàng trai kéo tới, ông trưởng họ bưng khay rượu dừng lại ở ngõ, rót rượu mời trưởng tộc đàng gái, rồi hai bên cùng vào nhà. Bàn thờ tổ tiên được trang hoàng rực rỡ... cô dâu bước ra chào hai họ. Sự xuất hiện của cô dâu thay đổi hoàn toàn cái không khí của gian phòng. Có phải sự xuất hiện đó gây nên cái không khí mới không? Ở ngoài phòng khách bao nhiêu cậu trai liếc ngang, bao nhiêu cô gái núp bên trong nhìn ra v.v... Đó gọi là cái không khí của câu chuyện. Không có nó, chuyện sẽ tẻ ngắt, nhân vật chết khô, như người bơi nằm trong lòng con sông cạn..

LÔ-GÍCH TRONG TRUYỆN

Có cả một quyển sách nói về lô-gích gọi là lô-gích học. Nhưng ở đây tôi chỉ nói nôm na ra đó là sự hợp tình hợp lý trong câu chuyện.. Nghĩa là khi một chuyện dù nhỏ dù lớn xảy ra, độc giả cũng không cho là vô lý, kỳ cục trái cựa.

Tôi đã từng nói với các cậu rằng đôi khi ta đẻ ra nhân vật, nhưng ta không điều khiển được chúng. Tại sao? Tại vì: Một là khi thể hiện được câu chuyện thì nhân vật lại vọt ngoài sự kiểm soát của ta. Hai là khi thể hiện ta thấy ở đoạn nào đố câu chuyện không hợp lý, ta phải thay đổi. Do đó nhân vật cũng thay đổi theo. Khi viết ta định bụng cho cô này yêu cậu kia, nhưng khi viết thì thấy cô ấy yêu cậu kia không lô-gích bằng yêu cậu nọ, thế là ta thay đổi. Điều này không lạ gì. Quá trình viết nó kỳ cục lắm. Có khi ta định ở chỗ này anh A sẽ chết, nhưng tới chỗ đó anh ta không chết được mà phải một anh khác chết. . . Nếu ta cứ khư khư bắt anh ta chết thì câu chuyện sẽ vô lý, nghĩa là không có lô-gích.

Lại ví dụ như trong Chí Phèo. Ở đoạn kết tác giả cho độc giả thấy "cái bụng của Thị Nở u lên" để chuẩn bị cho một Chí Phèo con ra đời. Nếu như ở trước không có vụ tình tự ở vườn chuối dưới chân đê thì độc giả sẽ hỏi: Làm sao lại thế được? Nhưng đã có nhân ở đó rồi, thì cái theo sau là lẽ tất nhiên, không có gì là lạ.

Cũng như ở trong Othello, khi chàng ta bóp cổ Desdemona chết, khán giả không ngạc nhiên vì ở trước đó tác giả đã gieo sự hiểu lầm dữ dội là phó tướng của Othello nhận được chiếc khăn tay của nàng vô ý đánh rơi và đi khoe trong quân sĩ rằng khăn của nàng tặng cho mình.

Chuyện lô-gích là đề tài vô tận bàn cãi mãi không kết luận được trong nhiều trường hợp. Ví dụ như cái tai họa thình lình cho gia đình Thúy Kiều. Cái anh chàng bán tơ Mã Giám Sinh-không ai kịp hiểu nó ra làm sao cả khi hắn bảo: "Phải ba trăm lạng việc này mới xong". Nhiều người cho rằng không lô-gích, nhưng nếu không có cái tai họa này thì sẽ không có việc Kiều bán mình chuộc cha và do đó không có Truyện Kiều.

Cũng như trong Đoạn Tuyệt, cái chết của Thân không do Loan gây ra, Loan không cố tình hạ sát Thân mà tại Thân vác dao đuổi theo Loan rồi vấp ngã, mà bị dao xốc chết.

Cái chết thật là kỳ lạ ! Trong lịch sử giết người trường hợp này rất hiếm xảy ra. Nhiều người cho đó là một sự bịa đặt, dựng đứng, không lô-gích, nhưng nếu không có cái chết này thì truyện sẽ kết thúc bằng cách nào?

Cũng như Xuân Tóc Đỏ. Từ đầu tới cuối, tác giả bỏ cả luật lô gích để dựng nên một thằng cu con lưu manh trở thành một anh hùng cứu quốc mà cả quan Toàn Quyền cũng phải biết ơn và tặng mề-đay.

Trong ba trường hợp trên cái không lô-gích lại trở thành lô-gích, một loại bút pháp cao cường. Nói tóm lại, lô gích là một thứ qui luật, nhưng ở đời, nhất là trong văn học lại có nhiều điều vượt cả quy luật.

"Tôi ôm thiếu nữ vào lòng
Người yêu bỗng biến thành bông hoa rừng. " (Thế Lữ)

Hai câu này có lô-gích không? Hoàn toàn phản lô- gích, nhưng lại rất lô-gích. Rất vô lý nhưng lại rất có lý. Nhà văn còn phải hệ lụy về cái luật này, còn nhà thơ thì hầu như không.

VẤN ĐỀ TÂM HỒN

Trên tất cả các vấn đề tôi đã kể với các cậu, là vấn đề tâm hồn. Vấn đề này rất mênh mông, hơn nữa rất trừu tượng. Nó đề cập trực tiếp tới người nghệ sĩ. Người ta thường nói "tâm hồn nghệ sĩ". Tâm hồn là cái giống gì?

Người không phải là nghệ sĩ có tâm hồn không? Ai cũng có tâm hồn cả. Tâm hồn là sự cảm xúc của một người trước một cánh vật, hay một sự việc. Đứng trước một buổi mặt trời mọc, một đóa hoa đang nở hay một cánh đồng lúa chín. . . , ai mà không cảm thấy vẻ đẹp? Nhưng tâm hồn người nghệ sĩ có khác, ở chỗ là người nghệ sĩ cảm xúc rồi mô tả rồi truyền cảm cho người khác. Hơn nữa, người nghệ sĩ cảm nhận được cả những cái đẹp mà người thường không nhận thấy hoặc thấy mà không mô tả được. Có phải xem tranh "Bên hoa huệ" các cậu thấy thiếu nữ trong tranh đẹp hơn thiếu nữ bên ngoài không? Có phải khi nghe câu hát " Lá đào rơi rắc chốn Thiên Thai/ Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi" các cậu tưởng mình lạc Thiên Thai không?

Đó là sự cảm xúc và mô tả của nghệ sĩ. Hay đó chính là tâm hồn nghệ sĩ.

Và đây nữa:

Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vằn thơ sầu rụng
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo
Năm năm tiếng lụa quay đều
Những ngày đông giá, gió vèo thân cây
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái hiên.

(Lưu Trọng Lư)

Các cậu thấy tâm hồn người nghệ sĩ hiện lên rất rõ. Bài thơ chẳng có gì ghê gớm cả, nhưng mà hay vô tả. Chẳng cần phải leo thang làm chi cho mệt!

Nhưng mỗi nghệ sĩ cố một tâm hồn. Đọc Nguyễn Bính các cậu không lẫn với Thế Lữ. Đọc Thạch Lam, các cậu không lẫn với Vũ Trọng Phụng được. Cũng như khi xem họa phẩm các cậu không thể lẫn Nguyễn Tư Nghiêm với ai khác. Các ông lớn không hiểu rằng sự "cong queo" trong đường nét của anh ta là nghệ thuật, là cá tính, là cái điệu tâm hồn của anh ta. Nếu bắt ai cũng vẽ ngay ngắn đủ mắt đủ tai, đủ hai bàn tay mười ngón thì Picasso là thằng điên chứ không phải là danh họa. Người Pháp mở "sâm-banh" ăn thịt bò hàng ngày, tính tình phóng túng tự do nên đẻ ra một Picasso, còn dân ta nghèo khổ chỉ có Tô Ngọc Vân và Bùi Xuân Phái thôi. Tâm hồn của Tô Ngọc Vân rất chân thực, bình dị. Còn Bùi Xuân Phái muốn vượt ra cái nhỏ hẹp của đời sống nhưng cũng chỉ chừng mực nào. Pavlenko nói: "Văn chân chính phải dám tiêm vào mạch máu của dân tộc những nhân tố mới bằng ngòi bút của mình." Chúng ta chấp nhận cái mới nhưng không thể nào rời bỏ tâm hồn dân tộc để mô tả người Việt Nam thành một người khác. Chúng ta không thể quên ca dao:

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình

(Nguyễn Đình Chiểu)

Hoặc :

Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Đó là tâm hồn dân tộc ta, muôn thuở không thay đổi. Hịch Tướng Sĩ và Bình Ngô Đại Cáo là những áng văn bất hủ vì nó mang trọn vẹn tâm hồn dân tộc ta. Các cậu sẽ thấy lòng tự hào của người Nga qua truyện ngắn Bản Chất Dân Nga của Tolstoi. Ông đã tiêm vào tâm hồn dân tộc ông một liều thuốc tự hào. Tôi đã đọc hàng trăm bản thảo viết tay của nhà xuất bản nhờ cho ý kiến. Có những bản thảo rất ngay ngắn, lý lịch nhân vật rất rõ ràng, thành phần cơ bản ra phết, lập trường vô sản không chê vào đâu được nhưng đọc xong tôi không thể cho in, vì nó không mang lại một tý rung cảm nào, chằng khác đọc bình luận của báo Nhân Dân. Ngược lại nhiều khi chỉ đọc vài trang nhem nhuốc lôi thôi, thậm chí trật cả chính tá, nhưng tôi thấy lóe lên khả năng một cây bút viết truyện. Người viết có tâm hồn. Có rung động mãnh liệt, nên mới truyền cảm được. Một cây dương cầm có những phím gỗ điếc thì làm sao đánh ra nhạc làm cho người ta nghe. Chúng tôi đã từng đến sông Lô, thậm chí có đứa dự cả trận đánh này, nhưng có thằng nào viết ra nổi một bài nhạc như Sông Lô của Văn Cao đâu. Phải công nhận Văn Cao là một tâm hồn nghệ sĩ lớn của nước ta. Bài nào của anh cũng hay cả, không một nhạc sĩ nào với tới, cả đề tài hiện đại lẫn đề tài lịch sử. (Thế mà Văn Cao gục ngã Dưới Lá Cờ Đảng, sáng tác năm 1957 sau khi bị "chém treo ngành" - chú thích của X.V.)

Lý Bạch rót rượu ra thơ. Ta có thể uống cả hũ mà chẳng ra câu nào. Lý Bạch nhẩy xuống nước ôm mặt trăng mà chết. Tolstoi bỏ nhà ra đi giữa đêm tuyết xuống và bị bão tuyết vùi chết. Hai cái chết, một tâm hồn nghệ sĩ . Người đời vẫn hiểu, vẫn yêu hai ông. Nếu Thạch Lam nói: "Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không chớ không phải học mà nên, muốn mà được!" Thì tôi cũng có thể nói: "Tâm hồn nghệ sĩ là của trời cho! Đừng nên bắt chước. Hãy làm một cái gì của riêng mình."

MÀU SẮC ĐỊA PHƯƠNG

Lại ví dụ nữa: Nếu các cậu tả một buổi gặt hoặc một buổi cấy ở miền Nam, thì nên nhớ đừng làm cho độc giả miền Bắc nhầm tưởng là buổi gặt và cấy kia xảy ra ở ngoại thành Hà Nội, hoặc ở Hái Dương, Ninh Bình. Ngoài cái khoáng đạt của đồng quê miền Nam, các cậu còn những cánh cò, những câu hò đặc sắc địa phương và sự rộn rịp của ngày mùa của miền Nam. Tôi không rõ nhiều, nhưng nên nhớ là miền Nam khác miền Bắc, đó gọi là màu sắc địa phương (couleur locale). Cái hơn của một ngòi bút là ở chỗ màu sắc địa phương. Đọc Nguyễn Tuân các cậu thấy bàn đèn khói thuốc phiện Hà Nội, trò đánh thơ, thả thơ, đi võng, đi kiệu của Hà Nội thời xưa, đọc Tô Hoài, các cậu thấy cả làng thợ dệt. Hát Văn Cao, thấy quê hương trong vài nét chấm phá:

Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung
Làng tôi xưa đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền một dòng sông. . .

Hoặc:

Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc
Bãi dài ngô lau, núi rừng âm u,
Thu du bến sóng vàng,
Từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu...

Đó vừa là không khí, vừa là màu sắc địa phương. Văn Cao đã vẽ nên bức tranh tuyệt tác lôi cuốn người xem đắm mình vào trong đó một cách mê say.

QUỐC GIA, QUỐC TẾ

Bây giờ nói lý luận nhé: Quốc tế và quốc gia, con người nào trên thế giới cũng có hai tay hai mắt giống nhau. Nhưng ở mỗi quốc gia con người lại khác. Pháp mắt đục, tóc hoe, Việt Nam mắt đen, tóc đen, tiếng nói lại càng khác, không phái khác ngôn ngữ mà thôi. Đây tôi nói cách phát âm, vì phong thổ, địa dư, nên mỗi dân tộc nói giọng khác nhau. L' Allemand crache, l' Italien chante, le Français parle. Người Đức (nói như) khạc, người Ý (nói như) hát, chỉ có người Pháp nói như nói, nghĩa là bình thường. Còn người Việt Nam thì nói cũng như nói, có khi hát, có khi ngâm thơ trong câu chuyện bình thường.

Cùng là "nói", nhưng mỗi dân tộc nói một cách khác. Cùng là yêu, nhưng Pháp, Thụy Điển yêu không như Việt Nam.

Cậu thử dịch:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Dù dịch thoát mấy đi nữa, dân Âu châu cũng không hiểu được câu ca dao đó.

Danh cầm David Ostrak sang Hà Nội, không đàn bài gì mà chỉ đàn:

Thương nhau cởi áo cho nhau,
Cây trúc xinh xinh...

Nhưng chắc gì anh ta hiểu được những bài ấy? Và chắc anh ta cũng không hiểu dân tộc ta qua những bài hát của các đoàn Tzigane Rumania.

Anh phải mô tả người Việt Nam mà anh yêu mến, sống hay đó chính là bản thân anh. Quốc tế họ sẽ hiểu Việt Nam như anh mô tả. Vậy thì không có con người quốc tế không có nghệ thuật quốc tế. Nghĩa là về mọi phương diện nhạc, văn, họa, không có cái nào gọi là có màu sắc quốc tế cả, mà chỉ có màu sắc quốc gia thôi. Nhiều quốc gia họp lại thành quốc tế, không có quốc gia thì không có quốc tế. Vậy quốc gia là cái nền, chứ không phải quốc tế. Không có một thứ nghệ thuật nào tiêu biểu cho mọi quốc gia. Trong âm nhạc khó nói cho tách bạch, nhưng trong tiểu thuyết thì rõ hơn nhiều. Đọc Sông Đông Êm Đềm [tức Tikhy Don của Mikhail Sholokhov - Chú của Nhà xb) các cậu hiểu con người Nga, vùng này có lối cưỡi ngựa Can Mức (Kalmyk), ngồi nghiêng nghiêng trên mình ngựa, các cậu không thể nhầm anh chàng Gơ-ri-gô-ri với anh chàng André trong Bão Tố hoặc ông Tư U trong Cá Bóng Mú của Đoàn Giỏi ở sông Cửu Long được. Nếu khi đọc một tác phẩm về "Sông Cửu Long" mà dịch ra, độc giả nhầm với Sông Đông là hỏng rồi ! Các cậu sẽ phải viết về Cửu Long Giang chớ ? Johann Strauss viết Danuble Bleu thì sao các nhạc sĩ miền Nam lại không viết được Cửu Long Bleu? Đỗ Nhuận viết Hồng Hà ơi, Văn Cao viết Sông Lô đó, Nguyên Hồng làm thơ "Cửu Long Giang ta ơi!" có mấy câu thật hay: "Ngẫm nghĩ voi đi, Thác Khôn cười trắng xóa". Nhưng làm sao ảnh viết tiểu thuyết về Cửu Long Giang nổi? Phải chính các cậu viết về Cửu Long Giang thôi, không ai viết thay các cậu được. Hãy cố lên! Nam Kỳ là đất tiểu thuyết, các cậu không viết thì ai? Tôi không thể viết về sông Cửu Long được, có viết thì cũng không bằng các cậu. (Chúng tôi lắc đầu.). Không, tôi nói thật đấy mà! Bây giờ các cậu thử tả cái mưa phùn, cái rét co ro, cái bánh chưng của Hà Nội xem, mười năm nữa, chưa chắc các cậu đã tả nổi những nét bình thường như thế. Nó ở trong máu nhà văn! Sholokhov là dân Cô-dắc (Cosaques) gốc sông Đông, cho nên quyển tiểu thuyết của ông ta đầy chất Cô-dắc mà Ehrenhourg cũng không viết nổi. Văn chương nói thì nghe dễ lắm, nhưng tả một ly rượu Vodka uống với dưa chuột muối được như Sholokhov là không dễ . - Cũng như Hồ Xuân Hương tả một cảnh đánh đu với 56 chữ thì không phải nhà thơ thế giới nào cũng hiểu được, đừng nói chi làm.

Anh cười ha hả, sảng khoái, thích thú:

- Tôi nói ba lăng nhăng như vậy, để nói một điều này: "Couleur locale ! " Đó là cái mà các cậu phải nhớ. Anh Nguyên Hồng bảo tôi: Trông mấy thằng Nam bộ đập cái "hột vịt lộn" cũng khác mình. Đó là bản sắc của các cậu Hôm nào gặp ảnh, các cậu thử hỏi xem khác ở chỗ nào? Anh ấy thích nhân vật Năm Sài gòn lắm trong lúc ảnh chi mơ màng, không hiểu Sài gòn ra sao cả. Nhưng nội cái tên Năm Sài gòn cũng đã độc đáo vô cùng- giữa một lô nhân vật Bắc, Năm Sài gòn sáng chói phi thường, có thua gì Gơ-ri-gô-ri trong Sông Đông Êm Đềm. Quốc tế hiểu dân Nga là nhờ quyển tiểu thuyết này, không phải nhờ gì khác. Tôi hiểu dân miền Nam là nhờ các cậu. Các cậu đừng rụt rè, tự ti. Hãy viết. Viết và viết. Và nên nhớ một điều là các cậu là Nam Kỳ. Đừng có tự cho các cậu lẫn lộn vào các cụ... Bắc Kỳ. Làm thế nào khi đọc các cậu, độc giả biết ngay: "à, thằng này là dân Nam Kỳ !..."

PHÂN CHƯƠNG MỤC

- Đó là một ước lệ, một sự lo âu tính toán, một con đường mình nghĩ là mình sẽ đi, một cái biển chỉ đường - anh xua tay bảo - Đó chỉ để mà chơi, không nhà văn nào viết đúng ý định của mình ra giấy dù chỉ 60%. Ngược lại, khi viết có khi ra cái khác hoàn toàn chõi ngược lại ý định của mình, mà ngộ thay, mình cưỡng lại nó không nổi, vì mình thấy nó hay hơn cái ý định của mình trước kia. Nam Cao tả thằng Chí Phèo say bằng một câu tuyệt ..

- Uống đến đái ra rượu kia mới thích! - Tôi nói.

Anh lắc đầu:

- Đó là câu của Tự Mãn, bạn từ giăng rơi xuống của Chí Phèo. Còn câu của Nam Cao tả Chí Phèo như thế này: - "Có bao giờ một thằng say lại đi đến nơi mà khi ra đi, nó định đến ". Có nghĩa là sao? Là nó định đến nhà thị Nở để làm hung với bà cô của thị, vì bà này cấm không cho thị đến với hắn, nhưng hắn lại đi vào cổng nhà Bá Kiến rồi gây sự ở đây.

Anh Cười, tiếp:

- Tất cả nhà văn đều là Chí Phèo say trong việc thực hiện ý định của mình trên giấy. Không một anh nào đi đúng dàn bài dù tỉ mỉ hay đại khái đến đâu, để tới mục tiêu mình đã định trước. Gogol viết quyển đầu của Les âmes mortes (Những linh hồn chết), được Pouchkine khen là tuyệt tác Nhưng sang quyển thứ hai, thứ ba thì không bằng. In ra xong chìm mất tiêu.

Những linh hồn chết thường bẻ, xoay ngòi bút của nhà văn. Nếu như sau này các cậu viết tiểu thuyết mà bị say như Chí Phèo, thì cứ đi như thằng say, nghĩa là cứ viết tới chớ đừng tỉnh lại rồi đi theo cái dàn bài. Tôi đã bị nhiều lần rồi. Minh định sẽ viết như vậy, có khi lại rất cụ thể. Câu cuối cùng sẽ như vầy, nhân vật này sẽ làm như vậy nhân vật kia sẽ nói như vậy... Thế nhưng chẳng có nhân vật nào nói và làm theo mình, chúng nó nói và làm theo chúng nó - nghĩa là theo cái dòng của câu chuyện. Tôi đành phải xuôi theo. Mình đẻ ra chúng, nhưng lắm khi chúng nó lại chỉ huy mình.

Có lẽ tôi đồng ý với Alexis Tolstoi, viết xong chương trước mới có thể nghĩ tới chương sau. Ngoài ra, chương là gì? Chương cắt riêng ra nên là một chuyện tự nó. Được vậy càng hay, nhưng nếu không được thì hai ba chương liền với nhau có thể tách rời ra toàn truyện mà cũng thành một truyện.

Lỗ Tấn có 9 điều căn dặn, trong đó có một điều quan trọng nhất là "Khả Hữu Khả Vô", nghĩa là có cũng được, mà không cũng được. Nếu vậy nên bỏ đi cho nhẹ.

Khi các cậu đóng lại một chương thì cũng có nghĩa là mở ra cho một chương khác. Đóng nhưng lại mở. Khi viết các cậu sẽ hiểu.

Trong một truyện dài, thỉnh thoảng nên có một cái cựa gà ! Đó là một chương hoặc một đoạn tách rời ra khỏi cái mạch chính của truyện, vì kẻ viết cũng mệt, mà người đọc cũng mệt, nên cho cả hai đi "xả hơi", rồi sẽ trở lại. Vậy cái cựa gà là một con đường nhỏ bên đại lộ hay một rạch con bên một dòng sông cái. Những nhà phê bình bảo thế là lạc đề, nhưng họ lắm khi không hiểu đó là sự lạc đường cố ý. Nghỉ ngơi giây lát rồi quay lại, chứ không phải là mất hướng đi.

SÁNG TẠO LÀ GÌ?

- Các cậu giở Les Chemins des Tourments ra, ở chương V quyển I (Sombre matin: Bình minh u ám) các cậu sẽ thấy anh chàng thi sĩ Bessonov đã mê hoặc nàng Katia, đến nỗi nàng phải... bỏ ông chồng mà đi đến khách sạn với anh ta. Xong anh ta lại đến ve vãn cô em là Dacha. Thoạt nhìn nàng, anh ta rủ rỉ:

- Em có những nét giống Katia!

Dacha biết ngay chuyện gì đã xảy ra giữa hai người, bèn lập tức xua anh ta ra khỏi nhà.

Đó là một nét để cắt nghĩa hai chữ "Sáng tạo".

Ví dụ thêm: Khi Dacha có thai với Sergui, thành phố Mạc Tư Khoa tối om vì chiến tranh, nên không có điện. Sergui đi làm về đem cho nàng một trái chanh, và làm cho nàng một ly nước chanh (rất quí vào lúc này), nhưng nàng nếm một tí rồi nhăn mặt:

- Em không muốn vị chua trong lúc này. (ý nói là hoàn cảnh khó sống).

Hoặc trong văn ta, hai chữ "Tắt Đèn" của Ngô Tất Tố, dù chỉ hai chữ nhưng là cả một sự sáng tạo. Còn nói về một quyển tiểu thuyết đầy sáng tạo thì phải kể Số Đỏ Vũ Trọng Phụng đã sáng tạo nên cả một bức tranh xã hội đương thời bằng một nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Nó chỉ có sơ sài phơn phớt ở ngoài đời, nhưng tác giả đã dựng lên cả hồn lẫn xác. Từ một anh cu nhặt banh mướn mà trở thành anh hùng cứu quốc.

(Nhà văn Cộng Sản Nguyễn Khải trong đại hội nhà văn Hà Nội đã nhận định: "Số Đỏ là quyển tiểu thuyết làm danh dự cho mọi nền văn học." Đỗ Mười hiểu quái gì! Chính hắn là một Xuân Tóc Đỏ xã nghĩa.)

Thật ly kỳ ! Những nhân vật cụ Cố, bà Phó Đoan, ông Minh, bà Văn, cô Tuyết, ông Phán mọc sừng, cụ lang Tỳ, lang Phế, đều là do bàn tay sáng tạo của Vũ Trọng Phụng mà nên cả. Sự sáng tạo này làm kinh ngạc cả văn giới lần độc giả Hà thành thời đó.

Dư âm của nó còn đến bây giờ và mãi mãi. Cái câu "Biết rồi khổ lắm, nói mãi" ngày nay trở thành một thứ ca dao, đi đâu các cậu cũng nghe câu chế diễu đó. Còn nhân vật Xuân Tóc Đỏ có thua gì các ông Trương Phi, Lưu Bị, Tào Tháo không? Hễ ai làm điều gì rởm thì người ta gọi là "Xuân Tóc Đỏ".

Cái sáng tạo của nhà văn là nhặt một hạt cát làm thành một hạt kim cương. Nếu không thì sự có mặt nhà văn trên đời để làm gì? Cùng một ý này, Gorki có nói: "Nhà văn như cái máy biến thể điện nhận dòng điện từ nhân dân để trả lại nhân dân một dòng điện mạnh gấp 1000 lần." Đó là sức mạnh và phép lạ của cây bút nhà văn. Những anh thầu khoán giắt bút Parker vàng nhưng chẳng biết viết quái gì cả. Còn Lý Bạch xài cái bút tre, nhưng viết cả thế giới con người và lưu tiếng ngàn đời!

Vì các cậu 'biết nghe', nên tôi nói về các nhà văn lớn thế giới cho các cậu nghe. Balzac rất kỳ quái, nhưng kỳ quái thiên tài. Viết một ngày 15-17 tiếng đồng hồ, mà đứng viết, còn cụ Tuân nhà mình thì lại ngồi trên phản. Thực lạ kỳ! Balzac vừa viết vừa uống cà phê, cho nên bản thảo của ông đều đen ngòm cà phê. Nhà ở phía sau có cửa hậu không khi nào khóa, để trốn nợ. Hễ nghe đập cửa là cứ việc vọt chạy, vì đó là chủ nợ,. chứ không ai khác.

Ông ta chết rồi, nợ còn ngập đầu, chánh phủ phải trả. Nhưng sách của ông đem bán đi, chánh phủ lấy lại vốn, còn lời bộn.

Một hôm, một người bạn tới chơi, ông mở cửa ra, và ôm chầm lấy bạn, khóc mếu thảm não:

- Con Marie nó chết rồi!

- Con Marie nào? - Người bạn hỏi.

Thì ra con bé trong truyện của ông, chớ không có con Marie nào ngoài đời cả. Có một giai thoại kể lại rằng: khi ông ta đau nằm trên giường bệnh, ông bảo người đi tìm cho ông viên thầy thuốc tên Jean hay Jacques. Người ta chạy đi sục tìm khắp vùng không thấy ông thầy thuốc nào có cái tên đô cả. Thì ra là ông thầy Le Médecin de campagne (Thầy thuốc miệt vườn)của chính Balzac. Những giai thoại này cho ta thấy tâm hồn của nhà văn vĩ đại cỡ nào. Nhà văn nhập hồn mình vào nhân vật mình mô tả. Tuy hai mà một.

Về Maupassant: Các cậu nên tìm đọc truyện ngắn của ông ta. Nó gần gũi với thực tế như chúng mình đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có những truyện người Pháp giết giặc cứu nước, như một bà nông dân gạt tên lính Phổ (Đức) xuống hầm rồi khóa cửa, mở nước cho chạy vào, và đi kêu quân đội tới. Có khác gì bà mẹ ở Nam Bộ, em gái ở khu 5?

Flaubert là người dạy cho Maupassant viết truyện. Flaubert có văn pháp cực kỳ trau chuốt, đến nỗi không có một chữ nào của ông ta có thể thay thế được. Tính ông ta rất hay cau có ngay với chính ông, và không chịu cho nhà báo đến phỏng vấn. Một lần nọ, sau khi quyển Madame Bovary của ông xuất bản, người ta đồn rằng ông ta mô phỏng theo bà công tước này, bà bá tước nọ ở trong vùng để dựng nên nhân vật Bovary. Nhiều bài báo đoán mò in lên khắp Paris. Có một bài quả quyết rằng đó là bà Jeanne de Carpentière hay gì đó. Tác giả bèn đến để nhờ ông xác định. ông bảo:

- Không phải bà nào hết. Đó là tôi!

Các nhà báo đều té ngửa ra, không ai ngờ bà Bovary lại chính là ông Flaubert.

HÃY TỰ TIN

Các cậu đừng sợ người khác hơn mình. Ai hơn mình, mình nghiên cứu họ và vượt họ. Đừng có sợ các "ông lớn" Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng đứng sầm sầm trước mặt mình, phải có quyết tâm bắt kịp họ và vượt cả họ nữa. "Rattraper et dépasser!" Ngay cả Nguyễn Du, mình cũng phải tìm cách vượt. Ông ấy sẽ rất buồn, cứ hằng năm mình làm lễ kỷ niệm, ca ngợi ông, mà chẳng có anh nào sờ đụng cái gấu áo của ông cả. Hãy có dũng khí của một viên tướng ở chiến trận, hãy có ý chí làm một sự nghiệp đời trước chưa có, đời sau sẽ không có, thế mới gọi là "dũng khí của nhà văn" chứ! Les coeurs tièdes ne deviendront jamais écrivains! Muốn trở thành nhà văn, chỉ có một cách là viết. Đừng sợ mấy ông phê bình gia - Không phải mấy ông nói gì cũng đúng. Mấy ông không phải là hướng đạo của nhà văn. Một người bạn tin cậy đủ rồi, không nên nghe bất cứ ai.

NHÂN VẬT

Nếu các cậu thấy tốn nhiều giấy bút quá mới dựng lên được một nhân vật, thì hãy xem đây: Tô Hoài chỉ quệt một nét mà nên một nhân vật rất sống:

-... Cai Giắt (trong Mười Năm) nói là đi sang Tây đánh giặc, nhưng sang đó có làm quái gì ngoài giắt ngựa cho thằng quan Ba. Sáng giắt ngựa ra cho nó cưỡi, chiều nó về lại giắt vào chuồng. Hết hai năm nó đá đít cho về với chức cai, hóa ra là cai Giắt.

- Lão Nhiêu Thuộc: Mùa hè lão vẫn mặc áo bông. Từ trước đến giờ, xóm này biết lão tắm có hai lần. Lần thứ nhất khi đức Khải Định ngự Bắc Hà. Lần thứ hai, khi quan Toàn Quyền mới sang đáo nhiệm. Lần nào vợ lão cũng quây màn, nấu nước pha ấm cẩn thận, nhưng lần nào tắm xong, lão cũng ốm suýt chết. (Đọc mấy nét này, độc giả cười bò ra).

VIẾT GÌ?

Viết cái gì cậu thuộc, đừng viết cái gì không thuộc. Thuộc nghĩa là những việc, những người cậu nằm lòng, không cần phải lấy tài liệu ở người khác. (Anh Tô Hoài tả các cô cậu thợ dệt, không phải hỏi ai cả.) Điều đó không có nghĩa là cậu chỉ viết những gì thuộc về cậu mà thôi. Những gì cậu nghe kể mà cậu nắm được chắc như của chính cậu, thì đó cũng là thuộc... Viết những gì cậu không lờ đi được, không viết ra, cậu thấy người cậu nó thế nào ấy.

TRƯỚC KHI VIẾT PHẢI CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

Cốt truyện, nhân vật, mở đầu, kết thúc. Nhưng có khi chẳng chuẩn bị gì cả. Như cái con dế mèn của Tô Hoài. Anh thấy nó hay hay, thế là phát lên viết. Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng cũng thế. Anh thấy muốn viết, thế là xin tiền mẹ mua giấy về viết, viết trên tấm ván lót ngang góc chuồng lợn... Cái sự viết rất lạ lùng, lắm khi chuẩn bị một đằng, chuyện lại đi một nẻo. Nhưng dù sao có chuẩn bị kỹ, vẫn ít bị động hơn.

CHỮA THẾ NÀO?

Chữa chừng nào thấy không còn chữa được nữa thì thôi. Anh Nguyễn Công Hoan không chữa mấy, nhưng Tolstoi chữa 108 lần. Cho đến đỗi một nhà phê bình nói rằng: Những mẩu văn do ông cắt bỏ, nếu ai ký tên dưới đó cũng sẽ nổi tiếng. Như thế thì ta thấy một nhà văn như Tolstoi đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức cho hai pho tiểu thuyết như Anna Karénine và Chiến tranh và Hòa bình?

Nhà phê bình trên còn nói rằng: Từ truyện đầu tay đến truyện cuối cùng của ông, không có sự khác biệt nhau về trình độ nghệ thuật. Nghĩa là ngòi bút của ông trong truyện đầu vẫn điêu luyện như ở truyện cuối.

Khi đọc lại, các cậu nên thêm ít, bỏ nhiều. Đó là phương pháp của Anatole France, cũng còn gọi là cây kéo của A. France (Les Ciseaux d' A. France), cũng tương tự như Lỗ Tấn: Khả hữu khả vô ! Cắt câu văn nó đau như cắt ruột vậy.

SỰ SO SÁNH (COMPARAISON)

Mắt em như hồ thu, mày em như lá liễu .. Đó là một sự so sánh, cốt làm tăng sự nổi bật của hình tượng văn học. Như tôi đã nói ở đâu đó về hình tượng của chàng Gờ-ri-gô-ri ngồi dưới cánh cối xay gió như con chim đại bàng đập cánh mãi mà không bay lên được. Sự so sánh ấy nó còn ăn với nội tâm và ngoại cảnh. Tất cả hợp lại làm thành một cái toàn bộ (ensemble)tuyệt vời.

NHỮNG TIẾNG "THÌ, LÀ, MÀ, VÀ..."

Những tiếng "thì, là, mà, và..." coi vậy mà rắc rối đấy, các cậu nhớ coi chừng. Dùng nó thì câu nặng nề ra, dễ trật văn phạm lắm, và nghe chướng tai nữa. Maupassant viết những câu rất ngắn, nhà phê bình Marcel Prévost đã tổng kết: "Những câu dài của ông không phải là những câu hay." Đó là kinh nghiệm, các cậu nên học ngay, đừng nên để mình có thói quen viết câu dài rồi khó sửa. Bệnh dễ chữa hơn tật, nhất là cái tật trong văn chương. Như ông Thiếu Sơn bị nhà phê bình Vũ Ngọc Phan chế diễu là nhà phê bình "vậy vậy", vì cứ vài câu thì ông lại "vậy" một phát. Trong văn học Pháp có một nhà văn viết rất đơn sơ, không có một câu nào rắc rối cả, chỉ có một mệnh đề. Đó là Hector Malot, tác giả của 2 quyển truyện En Famille và Sans Famille được tặng giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp. Đừng làm ra vẻ văn chương bằng những câu rắc rối, chế tạo văn chương.

VIẾT VĂN LÀ MỘT SỞ THÍCH
LÀ MỘT SAY MÊ, KHÔNG NÊN BẮT CHƯỚC

Anh Nguyễn Tuân còn coi đó là cái đạo. Ai có cách viết nấy, đừng có bắt chước. Các cậu mới bắt đầu, nên tôi mới dặn thế, đừng tự ái, đừng buồn nhé ? Như trẻ con thấy cái gì ngồ ngộ thì làm theo, mãi rồi thành thói quen mà không hay. Tôi lấy ví dụ thơ Mayakovski (gọi tắt là Maia) Đó là thơ leo thang. Tại sao người ta leo? Một trong những lý do leo, có thể là ngôn ngữ của người ta là ngôn ngữ đa âm (polysyllabique), còn ngôn ngữ của mình là ngôn ngữ độc âm (monosyllabique). Người ta cắt một chữ ra thì còn đọc được, thí dụ:

Mát - xcơ - va.

chớ còn chữ của mình làm sao mà cắt? Cho nên anh em leo thang viết:

những

con

người

Nay mai có lẽ sẽ viết như thế này chăng:

nhữ

ng

co

n

ngư

ời

Thật là vô lý kỳ cục! Hao giấy vô ích!

Nếu hay, thì mình cũng có thể chấp nhận được, còn đằng này các cậu có thấy gì hay không? Đó là sự lập dị, phá phách chớ chằng phải tìm kiếm sáng tạo gì cả. Thơ hay là thơ có vần có điệu, nếu phá thể thì cũng vẫn có vần có điệu. Không ai hiểu được thơ leo thang VN. Nó lai căng, mất gốc và dị hợm. Các cậu tới nhà ga Hàng Cỏ thấy treo hình Maia thì biết ngay đó không phải là một người VN, và không ai hiểu ông ta tự vận vì lý do gì, và vì lẽ gì ông ta leo thang, cũng không ai rõ. Đó là nói về sự bắt chước hình thức, còn bắt chước nội dung thì càng tai hại. Đọc một tác giả tả tình yêu, hoặc anh bộ đội hay quá, mình cũng nhào vô tả anh bộ đội và tình yêu trong khi mình chẳng có vốn liếng gì trong hai lãnh vực này cả. Đó là chuyện nên tránh.

Lại nói xa hơn: Bắt chước tác phong. Các cậu chẳng lạ gì tác phong và văn chương của anh Nguyễn Tuân: nó đạo mạo, khinh bạc và phớt (ăng lê) đời. Hồi trước cách mạng có kẻ bắt chước Nguyễn Tuân trong cách viết, cách ăn mặc đi đứng hào hoa, nhưng đều trở thành lố bịch. Còn bắt chước lối văn của anh thì càng kệch cỡm hơn.

Tôi ví dụ thêm cho rõ: Có vài người bắt chước Vũ Trọng Phụng tạo ra một Xuân Tóc Đỏ, và một lô nhân vật như cụ Cố, ông Phán mọc sừng, Tuyết, Văn Minh... nhưng chẳng ai thành công cả, trái lại, thất bại hoàn toàn.

HÃY TẠO RA CHO MÌNH MỘT LỐI :
LỐI CỦA MÌNH - CÓ TÍNH CHẤT RIÊNG

Tôi nói riêng đây là do hoàn cảnh sống, hoàn cảnh gia đình, địa dư, phong thổ tạo nên cho con người các cậu. Cũng như cây cô mọc tự nhiên trên đất, chớ không phải những cây kiểng trong chậu do những người thợ tỉa tót, uốn cong bẻ vẹo mà thành. Nhìn cây kiểng, lắm khi người ta không biết đó là cây gì, chỉ thấy vui vui, hay hay vì nó có hình con nầy con nọ .

VĂN CHƯƠNG LÀ SỰ GỌT ĐẼO CÔNG PHU

Nhưng sự gọt đẽo đó không được phá hỏng tính chất hồn nhiên. Hồn nhiên là một trong những yếu tố quan trọng trong văn chương. Tôi đố ai có thể bắt chước được thơ Hồ Xuân Hương! Văn chương phải gọt đẽo, nhưng cũng không nên gọt đẽo đến mức tác phẩm trở thành món đồ thủ công nghiệp, nghĩa là nó khô khan, ngay ngắn, bóng láng, nhưng không có sức sống, vô hồn. Nếu Tô Hoài hấp dẫn các cậu thì đó là do chất tươi mát hồn nhiên của cuộc sống ngồn ngộn trong văn chương, chớ không phải do sự gọt đẽo. Trong văn chương của Tô Hoài nổi bật là Sự Sống, chớ không phải do Khéo Tay. Ảnh không biết thế nào là văn chương, khi viết Dế mèn phiêu lưu ký, nhưng Dế mèn lại trở thành ông voi trong văn học. Nói đến Tô Hoài là nói đến sức sống, chứ không nói đến sự sang trọng của chữ nghĩa như Nguyễn Tuân. Chắc các cậu chưa biết anh Tô Hoài viết tiểu thuyết trong khi chưa biết tiểu thuyết là gì, thế mà thành công. Anh Nguyên Hồng bứt rứt phải xin tiền mẹ mua giấy viết văn, rồi cũng thành công. Cả hai cùng được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn lúc mới 16-17 tuổi. Cái gì làm cho các anh thành công, và trở nên thần đồng trong văn học Việt Nam? ĐÓ LÀ SỰ HỒN NHIÊN.

Nhưng nên nhớ rằng hồn nhiên không có nghĩa là tự nhiên, thô kệch. Trong những quyển đầu của Tô Hoài và Nguyên Hồng, sự sống là chủ yếu. Không thấy có sự suy nghĩ gì cả, cứ "chép" sự thực lên giấy thôi. Tự cái sự thực đó đã là văn chương rồi, và cái sự thực đó nói thay cho tác giả. Đó là nghệ thuật tiểu thuyết.

VIẾT CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT

Nói tóm lại các cậu nên viết, viết càng nhiều càng tốt. Thành công càng tốt, mà thất bại cũng tốt. Khi in được một trang, mình đã phải viết mười trang, hoặc cả trăm trang, có ai biết cho đâu! Không có cách nào trở thành nhà văn nếu các cậu không viết. Cứ ngồi mà "suy nghĩ ', cứ xem người này ngắm người kia hoài, không trở thành nhà văn được.

VẤN ĐỀ PHÊ BÌNH

Khi viết, đừng thèm đếm xỉa tới các phê bình gia mang kính cận dày 8 ly hay một phân. Họ nói gì mặc họ. Đó là cái nghề của họ. Nếu các ông ấy là khuôn vàng thước ngọc, thì thế giới này sẽ không có văn chương, vì nhà văn nào theo mẫu mực của họ đều hỏng cả. Khi viết, hãy đốt nhang, kính cẩn đặt họ dưới gầm bàn. Hãy chém tất cả bọn phù thủy thì thế gian sẽ không còn ma quỉ. Vì chính bọn phù thủy tạo ra ma quỉ, chớ không ai khác. Các cậu có thấy người ta "xé nát" truyện Bốn Năm Sau 1 của tôi ra thành giấy đi cầu không bằng không? Nếu nghe theo họ thì tôi tự vận quách cho rảnh, chớ viết văn làm gì cho nhục? Thiếu chút nữa họ giật bút tôi mà bẻ đi rồi. Nhưng may mắn thay, tôi có bùa hộ mạng. Một hôm tôi đi phất phơ ngoài phố, để tính chuyện viết cái phim truyện Lũy Hoa, thì gặp anh tiểu đoàn trưởng đơn vị tôi đến lấy tài liệu viết truyện Bốn Năm Sau. Anh ấy vỗ vai tôi hỏi: "Sao, truyện chỉ có thế à? Nhân vật Thống Chế anh em chiến sĩ họ thích lắm. Họ yêu cầu tôi xuống Hà Nội tìm nhà văn đề nghị viết thêm. Quyển I đọc hết rồi? Anh biết không, sách không có đủ, nên cả đại đội chỉ có một quyển. Người phụ trách câu lạc bộ phải chọn các cậu có giọng tốt đứng ra đọc cho toàn đại đội nghe... Thế nào, anh có rảnh không? Lên chơi Điện Biên một chuyến nữa để viết thêm quyển Năm Năm Sau chứ!..." Đó, các cậu thấy không? Mình sống là nhờ những nhà "phê bình" chất phác hồn nhiên này.

Một lời nói của họ là một thang thuốc bổ. Đấy là những lời phê bình giá trị nhất. Văn chương thơ phú là để cho người ta đọc, chớ không phải để cho các ông ấy "làm thịt theo ý các ổng. Khi nào các cậu viết xong tác phẩm, các cậu kêu mấy thằng khốn nạn đó đến và cho nó gặm mấy cái móng... ? Và bảo chúng nó dẹp nghề đi!

Anh nói với chúng tôi rất nhiều, nhớ không hết. Chúng tôi không có thầy nào dạy chính thức một bài nào cả. Toàn những chuyện tâm sự rất quí báu cho nghề viết. Không ghi thành bài, không đăng báo.

Ngày nay đã viết được chút ít, nhớ lại những bài học ban đầu, thì thấy nó "hơi dễ"(!), như học trò lớp nhất nhìn lại bài lớp nhì, nhưng thời gian đó, nếu không có người chỉ cho, thì mò biết đời nào ra? Nhưng những bài học vật lý, toán pháp học một lần thì thuộc, còn bài học văn chương, học được rồi đem áp dụng mãi, thấy nó cứ biến hóa mới hoài. Vì truyện mình viết có khi nào trùng. Đâu phải bài nào cũng đem úp lý luận vào là thành tác phẩm cả !

Thêm những ngón nghề trong việc viết. Anh nói nôm na:

- Các cậu chơi ping pong thì cũng biết có mấy loại cú phải không, "drive", "revers", cú "droit".... trong văn chương cũng vậy, nó cũng có những ngón của nó. Phải biết sử dụng để làm tăng giá trị của câu chuyện. Tôi có thể nói ra một vài ngón để các cậu tùy lúc mà sử dụng.

CƯỜNG ĐIỆU

Đây là một ngón rất thường dùng. Nhất là mấy ông nhà thơ: Mắt em là đại dương sâu thẳm, những quả núi tuyết những cặp đùi giá đáng một huy chương vàng (A.Tolstoi), những ngón tay búp măng nhưng có thể bóp nát quả đất... Trong truyện Tàu, truyện Tây đều thấy ngón này. Trương Phi hét như sấm dậy, ngựa Xích Thố chạy một ngày ngàn dậm. Giở truyện ra là thấy cường điệu, nối nôm na là nói tướng lên, nhân sự việc to lên hằng vạn lần, đến mức gần như vô lý. Mục đích là gây ấn tượng sâu sắc trong đầu độc giả.

VẤN ĐỀ PHỤC BÚT

Những vấn đề tôi nói ở trên tùy lúc, tùy hứng mà các cậu dùng, chớ không có ai định liệu trước phải dùng ngón nào cho truyện nào, cũng như người đàn vọng cổ tùy hứng vậy. Chỗ nào thấy cần nhấn ra mấy tiếng thì cứ nhấn. Không ai viết truyện mà định trước ở đoạn nào sẽ dùng ngón cường điệu, ngón ví von hoặc ngón phục bút. Khi viết tự nhiên thấy cần thì rút ruột tằm ra. Phục bút là gì? Phục bút là dùng nét bút trở lại lần thứ hai. Đó là một lối bỏ lửng mà không sợ độc giả hiểu khác đi. Thí dụ cho rõ: trong truyện Con Cánh Cam của nhà văn cổ điển Rumani Sadovenu. ông tả một cô gái mù đau khổ vì không có tình yêu. Cô có ý định tự vận, cô bèn hỏi các bạn gái chỗ nào nước sâu. Các cô bạn vô tình không biết ý định đó của cô, nên một hôm đi chơi bờ biển, thì dẫn cô đến một vực thẳm có nước xoáy ác hệt, và báo: này coi chừng, đừng tới gần, rủi ngã xuống đó thì chết. Thế rồi tác giả bỏ lửng suốt truyện, chỉ nối những ý nghĩ đau đớn của cô nàng, nhưng không nhắc đến ý nghĩ tự vận.

Mãi cho đến cuối truyện, tác giả cho cô gái đi đến cái vực thẳm ấy, nơi có dòng nước xoáy ác liệt. Rồi chấm dứt câu chuyện. Người đọc không thấy, nhưng biết cô ta sẽ có hành động gì sắp tới.

Lại thêm một ví dụ khác: Một anh chiến sĩ lúc tập trận ở nhà dùng 10 ngón tay bấu vào thân chuối lút cả ngón.

Đến năm ba chương sau, tác giả lại tả một tên giặc bị một anh chiến sĩ bấu thủng cả cổ mà chết. Độc giả biết ngay đó là anh chiến sĩ ở trên kia, chớ không ai khác.

Phục bút là một ngốn nghề rất cao, ít khi thấy trong truyện. Những tác giả nào đã dùng được cái ngón ấy thì chằng khác nào tiên xài bửu bối. Nói khác hơn, cũng như tôi đã nói trước kia, là nói cái đó mà không nói cái đó, không nói cái đó mà lại nói cái đó. Trong văn chương càng tả rõ ràng cụ thể, thì càng có hình tượng. Tuy nhiên không phải chỗ nào cũng phải phơi trần ra hết cả, có những chỗ ta cứ để cho độc giá hiểu ngầm và thích thú lấy hơn là tác giả nói rõ ra. Tình yêu nói bằng mắt. Văn chương nói bằng sự... không nói.

VẤN ĐỀ ĐẶT TÊN

Tên nhân vật là vấn đề rất dễ, nhưng cũng có khi nó gây rắc rối. Thí dụ truyện tả có ba nhân vật nữ, ban đầu ta đặt là Loan (nhân vật chính) và Lý, Lựu (nhân vật phụ), nhưng khi viết được vài chương, thì ta bỗng thấy "Loan" không hay, mà Nga mới thích hợp. Vì trong đó có một cảnh trăng. Người con trai trỏ lên mặt trăng nói: Em là Hằng Nga của anh. Như vậy không bằng nói: Nga của anh kìa ! Cho nên ta muốn đổi Loan ra Nga. Tôi đặt tên nhân vật rất nhanh, nhưng không khi nào tôi giữ nguyên cả viết vài chương thì mới khẳng định và dừng luôn. Điều này không có gì là hư hỏng. Tiểu thuyết Tây thì các tên nhân vật như André, Franẹois hoặc Dasha, Katia, Grigori, không có nghĩa gì cả, nhưng trong văn chương ta, nhân vật Phấn, Hương, Hoa đều có cái nghĩa rất đẹp của nó. Ví dụ một cô gái đoan trang không nên có tên là Bướm, hoặc một cô gái nhà trò không thể có cái tên là Mỹ Đức, một tướng cướp không thể có cái tên là Ngọc Long, hay Huy Ánh v.v . . .

Các cậu đọc truyện Tàu, thấy tên các tướng Phiên: Cáp TÔ Văn, Hồng Mạn Mạn, Hắc Xích Đạt, Tề Cáp Nhĩ v.v... Còn tướng Đại Đường, Đại Tống thì rất đẹp: Triệu Khuông Dẫn, Tiết Nhân Quí, Phàn Lê Huê. .. Đọc cái tên ta có thể hình dung được con người ít nhiều về cả hình thức lẫn bản tính. Nam Cao đặt tên Chí Phèo thật là độc đáo. Tiếng Việt của ta rất phong phú, vậy tên nhân vật cũng mang nhiều ý nghĩa tô đậm màu sắc cho câu chuyện.

VÍ VON HAY LÀ CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN

Cách nói nhẹ nhàng, thơ mộng, làm cho truyện thay đổi không khí sau một chương hoặc một đoạn nặng nề. Nói để hiểu như vậy, chứ cũng tùy khả năng của tác giả. Thí dụ trong thơ Nguyễn Du tả nét đẹp của Kiều:

Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Hoặc tả tiếng đàn của Kiều:

So dần dây vũ dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.
Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phả i chăng ?
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Tả sắc đẹp và ngón đàn của Thúy Kiều đến thế thì chẳng ai bằng. Đó là nghệ thuật ví von và cường điệu cùng đi một lúc, nên tứ thơ được nâng lên cao vút tối đa. Trong văn xuôi cũng không thể thiếu cái lối này.

NGOẠI CẢNH VÀ NỘI TÂM

Các cậu tả một cặp tình nhân đang tỏ tình ở bên bờ suối nhé ! Nếu là thường sự thì tả một vài cử chỉ trên làn môi mái tóc, nhưng tay cao thủ thì đi quá tí nữa, tả đôi chim trên cành, hoặc tả con suối cuồn cuộn chảy, tung bọt trắng xóa. Nội tâm và ngoại cảnh hòa hợp với nhau, ăn khớp và nâng nhau lên. Nếu cái bối cảnh của cặp tình nhân là đồng quê, thì các cậu đưa vào dưới chân của họ mấy cái bông hoa dại hoặc mấy tiếng dế gáy ở mô rạ. Còn nếu các cậu tả cặp vợ chồng trẻ yêu nhau, thì cho ánh đèn lờ mờ rồi cho con thằn lằn tắc lưỡi... Không cần phải tả gì hơn nữa.

Một lần nào đó, tôi đã nói với các cậu là một chương, khi đóng lại cũng còn có nghĩa là mở ra. Thì đây tôi xin lấy cái kết của truyện Chí Phèo của Nam Cao để ví dụ: Khi Chí Phèo đâm họng tự sát trước cổng nhà Bá Kiến, thì xóm làng tò mò chạy đến. Thị Nở cũng có mặt ở đó. Mỗi người bàn một câu, còn Thị Nở thì im lặng nhìn xuống bụng mình hơi vun lên. Trong đầu thị thoáng chiếc lò gạch cũ nơi vắng bóng người lại qua. Cái bụng của thị u lên thì rõ rồi, còn cái lò gạch là nơi một gã đặt lươn đã nhặt Chí Phèo đỏ hỏn về nuôi. Cái kết mở ra, sẽ có một anh Chí Phèo con ra đời. Vừa đóng lại vừa mở là thế. Tuy tác giả không nói rõ ra, nhưng độc giả cũng nghĩ thế

NHÂN CÁCH HOÁ

Cũng trong truyện Chí Phèo, lúc hai anh chị gặp nhau trên bãi sông thì trời có trăng. Nam Cao phóng một nét thần bút: "Những tàu chuối ngửa mình hứng ánh trăng bỗng run lên đành đạch như hứng tình." Cái sự nhân cách hóa này thật vô cùng tuyệt diệu, vì bên gốc chuối có cuộc yêu đương của đôi tình nhân kia. Một truyện hay có nhiều yếu tố, cũng như các cậu cầm vợt thì không thể nào đánh chân phương mãi, khi thì "revers" khi "coupe", lúc lại "drive", phải không?

Ngoài ra lại còn những mẹo khác nữa mà tùy cá tánh của các cậu, hoặc tùy mạch chuyện mà dùng cho linh động. Nên nhớ rằng ngón cường điệu hoặc ví von, nếu dùng khéo, tự nhiên thì nó nâng câu chuyện lên, còn nếu vụng về thì nó làm cho câu chuyện "ridicule" (khôi hài). Các cậu không nên quên các tranh của Tô Ngọc Vân, anh ấy vẽ bức "Bên hoa huệ" thật là tuyệt vời. Các họa sĩ đều công nhận đó là bậc thầy. Càng ngắm càng mê mẩn. Cái đẹp tiềm ẩn không thể thấy hết trong một lần nhìn. Truyện cũng vậy, phải biết cách hé mở, khép lại, rồi mở rộng hơn, rồi mới mở hoàn toàn. Nếu vào chuyện mà độc giả biết cả kết luận, thì họ mất ít nhiều, hoặc tất cả hứng thú đọc

KỊCH TÍNH

Trong mạch chuyện các cậu phải biết cách lừa độc giả . Trong kịch gọi là kịch tính ấy mà ! Hoặc như cụ Tiên Điền cho Kiều và Kim Trọng gặp nhau tâm sự y như thật trăm phần trăm. Xong rồi cụ bảo: "Tỉnh ra mới biết là mình chiêm bao?" Đó chỉ là mơ ước thôi, chớ chưa có gì cả. Chẳng khác nào cho độc giả đi quá vài bước rồi giật họ lại thực tế.

Đừng bao giờ để cho sự việc làng nhàng. Phải cho nó linh động đi tới luôn. Bắt độc giả đọc miết, không ngừng lại được. Làm cho độc giả bao giờ cũng tự hỏi: Sắp tới sẽ xẩy ra chuyện gì?

Phải biết nhảy những bước trước xa (cải lương nói là nhân lớp), rồi mình quay lại, bằng hồi tưởng của nhân vật ăn khớp với hiện tại của sự việc, chớ đừng kể anh A đóng cửa, lên nhà, mở cửa phòng, nhắc ghế, ngồi lên v.v.... Nếu cứ thật thà như thế, thì còn phái tả hằng chục cử chỉ khác nữa không cần thiết. Ta chỉ tả những gì nếu thiếu nó thì câu chuyện què đi.

Có khi trong suốt một quyển truyện dài, bạn đọc không thấy một bữa cơm nào cả, là vì bữa cơm không cần cho sự phát triển câu chuyện, mà chỉ thấy những buổi đi câu cá đi bát phố, vì nó cần thiết cho nhân vật bơi lội hoạt động trong những buổi ấy. Sẽ không có độc giả nào thắc mắc sao tác giả không tả đôi vợ chồng ấy âu yếm nhau, mà chỉ thấy họ gây gổ nhau, hoặc ngược lại.

ĐỐI THOẠI LÀ GÌ?

Tại sao phải đối thoại? Tôi cũng xin nói luôn: Đối thoại phải chan chát như trong kịch thì mới hay. Một đoạn đối thoại được đặt ra là khi nào để giúp cho cá tính nhân vật hoặc một đoạn truyện nổi bật lên, chứ nếu Khả hữu khả vô thì nên viết một đoạn thường. Đối thoại tốn giấy lắm.

Trở lại một chút về vấn đề Ngoại cảnh và Nội tâm, tôi lấy ví dụ: ở đầu quyển Sông Đông Êm Đềm Sholokhov có dựng lên một hình tượng tuyệt hay, đó là anh chàng Grigori ngồi dưới chân chiếc cối xay gió cánh đang quay, anh chàng đang bất mãn cái xã hội anh ta đang sống. Muốn đi, muốn làm một cái gì mà không biết đi đâu không biết làm gì. Sholokhov hạ một câu: "Anh ta như con đại bàng đập cánh hoài mà không bay được!" Sự kết hợp ngoại cảnh và nội tâm thật là tài tình. Các cậu phải biết chọn lựa những hình tượng đắt giá để đưa vào chớ không phải hình tượng nào cũng đưa. Nếu chiếc cối xay gió kia dùng làm bối cảnh cho ông già Stephan bố của Grigori đi cày thì nó lãng nhách, vì ngoại cảnh nội tâm không ăn nhập gì với nhau.

Nếu các cậu có những chi tiết thật đắt giá thì phải biết cách đưa nó vào truyện cho đúng chỗ. Nếu dùng sai chỗ thì uổng chi tiết. Ví dụ cô Loan có cái cổ đẹp (cổ lọ chẳng hạn) thì các cậu nên cho cô ta đeo một xâu hột "pẹc" [perle, tức là ngọc trai- Chú của nhà xb]. Hột "pẹc", sẽ lấp lánh trên cái cổ xinh tươi. Cả hai đều trở nên đẹp hơn tự nó đứng rời ra - Cũng có thể ví một chi tiết đắt giá với một anh kép hoặc một cô đào có tài. Ông thầy tuồng phái biết cho cô cậu xuất hiện lúc nào, và trong bối cảnh nào, thì cô cậu mới trổ tài được, mới ca sáu câu "muồi rụng rốn" được, phải không? Ha ha.... !

SỰ HÀI HOÀ VÀ TƯƠNG PHẢN
(HARMONIE ET CONTRASTE)

Trước nhất là sự hài hòa giữa cảnh vật và nhân vật.

Các cậu đọc Dưới Bóng Hoàng Lan của Thạch Lam, các cậu thấy cái không khí êm dịu của câu chuyện từ ngoài ngõ, trong phòng, con mèo, bộ ghế, chàng trai và cô bạn gái láng giềng. Nét nào cũng êm ái dịu dàng có vẻ cổ kính. Nhân vật và cảnh vật rất hòa hợp với nhau. Nếu trong cái khung cảnh đó mà đưa anh Chí Phèo vào thì anh ta phá bể hết, cũng như nấu chè mà bỏ thêm muối vậy. Các cậu đã đọc Chí Phèo thử đọc Sống Mòn cũng của Nam Cao, các cậu thấy dường như hai người viết, chứ không phải một: Chí Phèo thì rầm rập, phá phách, còn Sống Mòn thì cứ lờ đờ chán ngắt, không có gì xáo động. Không ai ngờ hai truyện đó cũng một tác giả. Đó là sự tương phản của một ngòi bút, nhưng đó cũng là một sự hài hòa của một ngòi bút. Đổ máu xong muốn tìm sự an nhàn, hoặc an nhàn mãi rồi chán, đi tìm cái náo nhiệt, loạn đả. Sum họp chán, ước chia ly (Xuân Diệu).

Trong Tam Quốc các cậu có đọc thấy lúc Tào Tháo kéo quân xuống đánh Đông Ngô. Quần thần Đông Ngô tán loạn, bọn quan văn bàn việc đầu hàng. Chúng dẫn luân lý quân thần phụ tử lăng nhăng đủ thứ, cuối cùng để đi đến kết luận là không nên đánh lại Tào Tháo. Độc giả đang hoang mang không hiểu Tôn Quyền có nghe không? Đùng một cái, Lỗ Túc vác gươm ra quát: "Câm mồm! Chúng bay có đầu thì cứ vác mặt đi mà đầu. Túc này còn một manh giáp cũng đánh! "

Thế là giải quyết xong cuộc bàn cãi. "Đánh!". Sự tương phản giữa lưỡi gươm và lưỡi bọn nho gàn.

Bộ ba Lưu Quan Trương là một điển hình cho sự hòa hài và tương phản. Tương phản vì mỗi người một tánh, nhưng hòa hài là vì ba người họp lại thành một bức thành kiên cố của nhà Thục. Tác giả thật là một tay bản lĩnh mới có thể dựng nổi những nhân vật hay đến thế. Trương Phi lúc nào cũng gầm hét như muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Lưu Bị thì nguội lạnh, trầm tĩnh, nhơn đức và hay khóc, còn Quan Công thì đường đường chính chính, đi đại lộ về đại lộ. Ba người không ai giống ai, nhưng lại rất hòa hợp với nhau trong công cuộc cứu nước. Khi các cậu viết vài chương hoặc vài đoạn phẳng lặng làm cho không khí của truyện chìm đi, thì tự nhiên các cậu lại muốn khuấy động nó lên cho nóng sốt, rầm rộ. Như Tolstoi sau khi viết hằng trăm trang tả cảnh gia đình êm ấm, những ông hoàng bà chúa yến ẩm yêu đương thì bắt sang chiến trường máu lửa ác hệt. Sau những trận ác liệt lại trở về bình thường: cây lá, cơm nước, yêu đương.

CAO ĐIỂM CỦA TRUYỆN

Trong mỗi truyện ngắn hay dài, các cậu phải chọn cao điểm, tức là cái ý định của tác giả, làm cho độc giả khóc cười hay cười đau khóc hận, hay là v.v. . . Có lắm khi định thế này nó lại ra thế khác. Nhưng dù thế cũng vẫn hơn là không có ý định gì cả . Trong Kiều, cao điểm là sự gặp gỡ Kim Trọng và Thúy Kiều. Hạnh phúc tưởng chừng với được trong tay, bỗng sụp hoàn toàn. Rồi tới một cao điểm khác: gia đình tan nát, Kiều bán mình chuộc cha, cao điểm của đau khổ. Độc giả xem tới đây phải sa nước mắt. Rồi sau đó Kiều vào lầu xanh, tự vận v.v đều là những cao điểm tình cảm. Có khi cao điểm nằm ở giữa truyện, có khi lại ở cuối truyện. Tùy bàn tay phù phép của các cậu. Không thể nào đánh một trận mà không có kế hoạch. Cũng như bồi bếp dọn một bữa ăn thì phải có món chánh món phụ. Thịt kho là chánh hay dưa cải là chánh ? Nhưng dù chánh dù phụ cũng đều phải có bàn tay săn sóc của tác giả. Các cậu thấy trong Quê Người của Tô Hoài có hai nhân vật chính, Hời và Ngây - còn các nhân vật khác quan trọng ngang nhau, nhưng đều có nét hết cả. Hãy đọc đoạn tả Bướm và Thoại về làng để thấy công phu chạm trổ của tác giả.

Thị Nở trong Chí Phèo là nhân vật phụ, nhưng thật nổi bật. Nam Cao tả gương mặt cô ta thật thảm hại: "Cô ta ắt phải đau khổ, khi mua chiếc gương đầu tiên"; và là "dòng họ có mả hủi"; cô không hiểu thế nào là "hớ hênh"...v.v... Dù là nhân vật phụ nhưng vẫn có nét của một nhân vật hoàn chỉnh. Họa sĩ có thể vẽ cô nàng lên tranh được. So với nhân vật chính của một số truyện thì Thị Nở còn hơn xa.

Trong Othello, cao điểm là lúc Othello ghen, bóp họng Desdemona chết! Trong Taras Butba cao điểm là lúc ông bố bắn chết thằng con phản quốc; trong Hamlet, cao điểm là ở đoạn kết, tất cả đều chết. Khi viết một truyện, các cậu phải là một vị chỉ huy, một tổ trưởng, một tiểu đội trưởng, một trung đoàn trưởng hay một nguyên soái Mỗi chữ là một tên lính dưới quyền điều khiển của các cậu. Làm thế nào cho họ chiến đấu, lập chiến công rực rỡ nhất.

Không khi nào chiến cuộc xảy ra hoàn toàn theo kế hoạch của người chỉ huy, vậy phải linh động mà xoay xở làm sao đừng bại trận, hoặc tệ hơn nữa, mình bị lính của mình phàn nàn vì họ hi sinh vô ích.

... Tất cả nghệ thuật mà tôi nói với các cậu đều có ở trong Kiều, không cần phải tìm kiếm ở sách Tây sách Tầu gì cá. Kiều còn có nhiều hơn thế, chỉ tại chúng ta không chịu nghiên cứu đó thôi. Tệ hơn nữa, có những người viết lách mà lại chưa đọc Kiều, mà lại đi đọc Tây, Tàu, Ấn Độ, Hi Lạp để học! Trong khi cây nhà lá vườn có sẵn đó và quí báu biết bao! Các cậu phải đọc Kiều, nếu chưa đọc. Nếu đọc rồi, hãy đọc lại, nếu đã đọc nhiều lần rồi vẫn cần đọc thêm. Đó là một áng văn chương tuyệt tác, chứa đựng 1000 bài học cho lũ chúng ta.

Trong văn chương không có ai làm thầy ai mãi, không ai làm học trò ai hoài. Các cậu học ở tôi sự mô tả miền Bắc, tôi học lại các cậu ở những trang mô tả miền Nam! -Anh nói thật, không khách sáo.

Anh Nguyễn Huy Tưởng còn là một nhà soạn kịch. Kịch của anh từng diễn ở nhà hát lớn Hà Nội. Những vở Những Người ở Lại, Bắc Sơn v.v... đều là kịch năm màn, cỡ lớn. Anh luôn luôn mộng mơ đến tầm quốc tế. Tiểu thuyết cũng vậy, mà kịch cũng vậy.

Một hôm có phái đoàn ngoại quốc sang, người ta(!) giới thiệu anh với khách:

- Đây là Polévoi Việt Nam? (Polévoi là nhà văn Liên Xô viết theo lối người thật, việc thật).

Khi khách ra về xong, gặp bọn tôi, anh càu nhàu:

- Tôi mà là Polévoi à? Tôi phải là L.Tolstoi mới được chứ!

Tiếc thay, anh mất quá sớm, 48 tuổi - trong lúc anh đang viết bộ tiểu thuyết về Hà Nội những ngày đầu kháng chiến. Chỉ tả đục tường thông phố và "bom ba càng" đã mất 500 trang. Đọc những trang đầu quả thật anh có ý tưởng vĩ đại khi mô tả người dân thủ đô hùng dũng bước vào kháng chiến. Tiếng đục tường giữa đêm khuya nghe lạnh cả người. Cặp đùi cô Jeannette, cô gái cavalière của hộp đêm tham gia kháng chiến, treo cờ cách mạng ở khách sạn, bị Tây bắn té nhào, những anh khách trú nặn hình con con bằng đất sét ở ven Bờ Hồ, một tên thực dân cắt cổ một cô gái bảo: - Cho mày giỏi "phanh thây uống máu quân thù . . . ! "

Lần đó tôi đi Thanh Hóa, bỗng được điện gọi hỏa tốc phải về. Về đến nơi... Thì ra thế! Tôi chạy vọt đến bịnh viện mong gặp anh. Nhưng đến phòng bệnh không thấy anh: Trên giường phủ drap trắng. Những bó hoa. Ngoài cửa các anh các chị cũng đang mang hoa tới. Thôi đành gạt lệ đi ra.

Chính tôi và anh Kim Lân thay mặt nhà xuất bản đã đến tận nhà anh lục lấy bản thảo, đem về xếp lại thứ tự để đưa in. Còn một số không xếp thứ tự được. Tôi là độc giả đầu tiên của truyện này.

Cả Hà Nội buồn. Mất Nguyễn Huy Tưởng rồi, sẽ không còn người Hà Nội nào viết nổi những trang tiểu thuyết lịch sử này. Nguyễn Huy Tưởng mang Hà Nội trong lòng như Sholokhov bơi lội trong nước Sông Đông.

Nhà văn! Đó là sản phẩm kỳ dị của Hóa công.Nguyễn Huy Tưởng mất đi mang theo trong lòng những trang tiểu thuyết chưa viết ra, cũng như Thạch Lam mất đi không ai viết tiếp lịch sử Hà Nội cho chúng ta. (Nhất Linh đề tựa quyển lịch sử Hà Nội của Thạch Lam bằng câu cuối cùng bỏ lửng:... "Nếu còn sống, Thạch Lam sẽ viết xong quyển lịch sử này và sẽ làm cho chúng ta. . . ")

Chốc đây mà đã gần 40 năm, Nguyễn Huy Tưởng không có mặt ở Hà Nội. Nếu anh còn cầm bút từ đó đến nay, thì người đời đã được đọc bao nhiêu trang sách lý thú.

Tôi nhớ ngày ấy dãy hàng hoa Hà Nội trống hết, không còn một đóa nào. Chúng được kết thành vòng hoa tiễn biệt nhà văn Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng. Một nhà văn mất đi, thiệt đáng buồn. Anh rất giản dị, chân đi guốc, mặc đồ nâu, nếu mặc sơ mi thì chỉ sơ mi trắng, không bao giờ bỏ vô quần. Anh thường kêu chúng tôi là những "thằng cu Nam Kỳ". Coi chúng tôi như em. Nói năng không giữ kẽ, uống rượu say với chúng tôi, vào giường chúng tôi ngủ hoặc nằm ngay sô pha.

Bây giờ chúng tôi đều trở thành nhà văn cả. Có đứa làm tới Tổng thư ký Hội Nhà Văn. Và đều có sách xuất bản, có truyện làm phim.

Nhớ lại những bài học vỡ lòng về văn chương của anh giảng cho ở mâm rượu, quanh bình trà, tôi không cầm được nước mắt. Bây giờ mới thấu hiểu thêm, chớ hồi đó nào biết văn chương là gì! Nếu không có anh dạy bảo, chắc đâu chúng tôi đã viết được gì ra hồn

"Nam Kỳ là đất tiểu thuyết... Các cậu phải viết, chớ không ai viết thay các cậu được! Sholokhov viết về Sông Đông. Các cậu viết về Cửu Long. Chớ không ai khác, không ai khác! "

--------------------------------

1

Chính tên tướng Trần Độ đã có lập trường mạt sát quyển Bốn Năm Sau trên báo Văn nghệ Quân đội. Tên này cũng mò mẫm viết văn để trở thành một trự Cộng sản văn võ kiêm toàn, nhưng tới nay vẫn chỉ viết được chỉ thị.

CHƯƠNG XVI

NGUYỄN CÔNG HOAN:
"TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT"

Đó là câu nói cũng là bài học hay nhất của Nguyễn Công Hoan dạy tôi. Ông luôn luôn cười mím chi, cái cười trên gương mặt đôn hậu rất dễ mến, không nghiêm trang. Ông chỉ đến cơ quan khi họp, họp xong về ngay, nên ít có dịp tiếp xúc với đám trẻ. Từ ngày ông mua ngôi nhà trên Bưởi thì ông ở luôn trên đó, chỉ khi nào cơ quan cho người đánh xe lên rước, ông mới xuống. Do đó, ông là người ít nói kinh nghiệm cho ai nghe hơn hết.

Nhưng tôi có dịp may. Số là khoảng năm 59-60 chi đó tôi cố tìm được một nơi yên tĩnh để ngồi viết quyển Lửa Dưới Tro đã nói ở trên kia. Đó là ngôi chùa gần nhà ông.

Chiều chiều tôi thường đi ra trước cổng chùa để nhìn về phía Nghi-tàm mà nhớ Hà Nội, ở Hà Nội mà vẫn nhớ Hà Nội. Bỗng một hôm tôi gặp ông cũng đi dạo mát ở bờ Hồ Tây ngay trước cửa chùa. Đó là lần gặp riêng duy nhất của tôi đối với ông.

Sau vài câu chuyện mưa nắng, anh hội viên Xuân Vũ bèn phỏng vấn ông chủ tịch Nguyễn Công Hoan. Phỏng vấn hối hả và không có chương trình gì hết. Tôi hỏi:

- Xin cụ Hoan cho cháu biết cụ viết cái Bước Đường Cùng như thế nào?

Ông xua tay:

- Ấy chết! Đừng gọi tôi thế? Đừng gọi tôi thế!

Tôi chưng hửng, không biết mình hỏi thế có đường đột vô lễ gì không, thì cụ mỉm cười:

- Anh là người Nam nên không hiểu "Cụ Hoan" nghĩa là gì hả ? !

(Về sau tôi mới hiểu tiếng nói lái của miền Bắc khác miền Nam. Cụ Hoan có nghĩa là hoạn...)

Rồi cụ vui vẻ:

- Bước Đường Cùng tôi viết trong 15 ngày. Bỏ nhà đi chỗ khác vắng vẻ viết một mạch. Xong, ra về, đưa đi in.

- Cụ không có chữa à ?

- Chữa trong lúc viết thôi.

- Dạ . Còn Lá Ngọc Cành Vàng?

- Cũng gần như vậy. Tôi viết giấy rời, tờ nào không vừa ý thì rút ra, viết tờ khác thay vào.

- Cụ lấy cốt truyện ở đâu?

- Tôi không lấy ở đâu cả, toàn bịa. Chỉ có tí sự thực tôi nghe được.

Quả thật sau đó tôi đọc các truyện ngắn của cụ do nhà xuất bản Văn Học in thành 4, 5 tập cả trăm truyện, tôi mới thấy điều của cụ nói là sự thực, toàn bịa ra cả. Mỗi tuần một truyện thì thì giờ đâu mà đi lấy tài liệu, đi thực tế như bọn trê chúng tôi bây giờ? Vả lại, ông là thầy giáo, làm sao bỏ lớp học được?

Ông nói thêm:

- Truyện là bịa y như thật, anh nào bịa giỏi anh đó ăn!

Đó có vẻ là câu nói bình thường, nhưng đã được nhà văn Việt Nam Nguyễn Công Hoan đúc kết thành chân lý, nguyên lý của nghề viết truyện.

Nguyễn Công Hoan cho biết ông không đọc sách, ngoại trừ sách giáo khoa để dạy học trò. Còn tiểu thuyết, truyện nọ kia thì ông không đọc của ai hết vì: sợ khi viết rủi trùng với người ta mà không hay rồi mang tai tiếng. Ông ghét nhất là lý luận văn học. Ông gọi những nhà lý luận là "bọn ấy". Chúng nó không sáng tác được, nên quay sang làm nhà phê bình, nhà lý luận. Chính ra từ sáng tác anh mới lý luận được, chứ từ lý luận đặt ra, rồi bảo người ta sáng tác theo đó, thì còn gì vô lý bằng. Chính nhà văn mới là nhà lý luận văn học.

Tôi không biết nên nghe lời ông hay không nên nghe, nhưng tôi cũng không bao giờ viết một bài lý luận.

Về câu nói "Truyện là bịa", tôi càng viết càng thấy nó hay quá trời! Chính từ khi đặt bút viết truyện đầu tiên, mình đã dùng cái nguyên lý ấy rồi, nhưng không hay. Đến nay nghe ông "Tổ Bịa", nên mới dám mạnh dạn mà "bịa".

Trước kia, khi viết mình cứ sợ đi xa sự thật rồi nó không thật. Anh Nguyễn Huy Tưởng đã hết lời khen Vũ Trọng Phụng là sáng tạo phi thường cái Số Đỏ. Sự thật không có một anh chàng nào như Xuân Tóc Đỏ, như ông Minh, bà Văn, như ông Phán mọc sừng cả ! Nói cho văn học thì đó là sáng tạo, và nói theo kiểu bình dân như cụ Hoan thì đó là Bịa? Tức là tác giả nhặt một mớ đất sét ở đây đó khắp nơi, gom lại, chế tí nước, pha tí màu, rồi nặn ra các con rối, và đặt tên là Xuân, là Tuyết, là cụ Cố v.v... Các bạn đọc lại Số Đỏ xem, có cái đám ma nào vui vẻ kỳ lạ thế không? Có ông chồng nào như ông Phán mọc sừng không? Bịa hoàn toàn, nhưng thực, thực một cách tàn nhẫn! Sự thực trong sách hay hơn sự thực ngoài đời Có những lúc viết, tôi cứ ôm cứng cái sự thực, không dám đẩy nó lên một mức, vì sợ xa sự thực. Mà xa sự thực thì sẽ rơi vào tháp ngà mà ở trong tháp ngà thì là bố của tiểu tư sản và tư sản!

Bây giờ xem lại thấy Victor Hugo làm thơ toàn ở trong tháp ngà, và nhờ ở trong tháp ngà, ông mới làm được bằng ấy bài thơ có giá trị.

Vậy câu nói của Nguyễn Công Hoan bao trùm cả văn lẫn thơ. Riêng ở lãnh vực thơ càng phải bịa, bịa mạnh.

"Đêm nay rằm, yến tiệc ở trên trời"

"Chàng là Kim Đồng, thiếp là Ngọc Nữ!"

"Tôi ôm thiếu nữ vào lòng
Người yêu bỗng biến thành bông hoa rừng! "

Những hình tượng ấy không phải bịa thì là gì?

Từ khi tập tễnh cầm bút tới nay, tôi chưa thấy ai nói một câu đơn sơ mà có tính cách nguyên lý trong nghề viết truyện như Nguyễn Công Hoan. Đó là lý luận. Nhưng câu nói ấy không mấy ai chú ý, để bu vào theo những bài vở lý luận xa vời vô bổ làm cho người viết khó theo, run tay khi viết. Bịa phải chăng là tướng tượng? Này đây, tôi xin nhắc lại: những truyện Liêu Trai Chí Di của Bồ Tùng Linh có phải là bịa không? Có cậu học sinh nào yêu ma quái như vậy không?

Thời tôi đi học, đã nhắc lại ở những chương đầu, có quyển Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn, bọn tôi mê mẩn xem, bỏ cả học bài. Đó là một con cọp trắng hóa thành tinh ăn thịt người, nhưng có khi hiện hình là một tiên ông ca hát với đám tiên nữ. Đám tiên nữ cũng là một lũ ma trành, ma xó đi theo hầu hạ "tiên ông".

Truyện vô cùng hấp dẫn cho học trò lẫn người lớn. Ngày nay không có cây bút nào đi vào làng bịa như Tchya nữa. Rồi truyện Dế Mèn của Tô Hoài, phải chăng là một trời bịa? Các truyện Chuột của anh cũng chỉ là một sự bịa. Bịa y như thật. Hãy bịa mạnh vào, nhưng nhớ là bịa y như thật.

Và đây nữa, truyện Tây Du, Phong Thần, Tam Quốc làm say mê tuổi học trò lẫn tuổi già của tôi. Hàng trăm tiên ông tiên bà, ngàn trang sách, toàn bịa là bịa, nhưng đọc cứ tưởng y như là thật. Có Trần Huyền Tăng không? Có Đường Thể Dân không? Có, nhưng trong chính sử, cả hai đều không đẹp như sự bịa của Ngô Thừa Ân. Nào là 7 con Nhền Nhện, nào là con Ba Ba tu dưới đáy sông 500 năm chưa thành tiên, nào là cái kim cô của Quan Âm niềng đầu Hành Giả. Nào là cả ngoại càn khôn, nào là thế giới loài khỉ ở Thủy Liêm Động, nào là quạt Ba tiêu của Bà La Sát có phép quạt tắt cả núi lửa. Tám mươi tai nạn mà Phật tổ Thích Ca cho Tam Tạng còn chưa đủ, phải bịa thêm một tai nạn thứ 81 . Đó là những cuốn "Vô Tự Kinh".

Nhưng cái sự bịa ly kỳ nhất là Tây Lương Nữ Quốc, một nước chỉ có đàn bà, hoàn toàn không có một đấng mày râu khả dĩ cưới vợ được! Nguy hiểm nhất là triều đình nước Tây Lương này cũng toàn là quần vận yếm mang cả, vua thì gọi là Nữ vương, Thừa tướng, Thái sư, Nguyên soái để tóc dài và uốn quăn, đi mỹ viện xâm viền mắt và môi cả. Nhưng cũng chưa tuyệt, vì độc giả hỏi: Thế thì làm sao dân xứ này đẻ con? Thưa, có con sông gọi là "Mẫu Tử Hà", công dân xứ này đến tuổi mười tám, nếu muốn có con, cứ ra đấy múc nước sông lên uống, thì sẽ chuyển bụng và mang thai, rồi sẽ hạ sinh con sau chín tháng mười ngày, đúng qui luật của tạo hóa như những bà vợ ở các nước khác. Nhưng có điều là chỉ đẻ ra cái đĩ chớ không ra thằng cu nào cả !

Trong dịp bốn thầy trò Đường Tăng lại đến xin VISA để đi nước khác, vua tôi đều mê mệt những gã đàn ông này. Bát Giới bỗng trở thành niềm ước của cả triều đình. Sa Tăng, Hành Giả mặt mày như thế mà vẫn được coi là đẹp trai. Nữ vương thì nói thẳng với Tam Tạng: "Trẫm sẽ nhường ngôi cho chàng!" Bạn có thấy ai bịa như Ngô Thừa Ân không? Đó nếu không gọi là Bịa thì gọi là gì? Có cái nước nào trên thế giới này như Tây Lương Nữ Quốc không? Thế nhưng cái bộ óc "Siêu Bịa" của Ngô Thừa ân đã tạo ra nó Y NHƯ THẬT.

Cho nên câu nói của nhà văn Việt Nam Nguyễn Công Hoan, nếu dịch ra một trăm thứ tiếng trên thế giới, thì nó sẽ là cây đuốc soi đường cho những ngòi bút sáng tạo toàn cầu. BỊA Y NHƯ THẬT! Trước ông một ngàn năm, Ngô Thừa Ân đã làm công việc đó. Nhưng Ngô Thừa Ân chỉ làm mà không nêu thành nguyên lý, cho nên sau ông có biết bao nhiêu nhà văn cứ ôm lấy sự thực mà đặt lên giấy, không dám bớt mà cũng không dám thêm, thành ra văn chương lắm khi bị lẩn quẩn trong vòng sự thực, tẻ ngắt, khô khan, ngô nghê ! Nhất là văn chương xã nghĩa. Chỉ khi nào tung hê cái sự thực đó đi ĐỂ LÀM NÊN MỘT SỰ THỰC KHÁC MẠNH HƠN, ĐẸP HƠN SỰ THỰC NGOÀI ĐỜI, thì văn chương mới trở thành văn chương được.

Có lần nhà văn Tô Hoài bảo tôi: Người ta đang đi theo lối viết người thật việc thật. Đó là nói láo! Chẳng ai viết truyện mà đem nguyên sự thực lên giấy bao giờ. Nếu có ai theo lối đó, thì chẳng bao lâu họ cũng sẽ bỏ đi, vì lối đó không khoa học và phản nghệ thuật. Khi cầm bút viết câu thứ nhất, là cậu đã bắt đầu sáng tạo rồi, nghĩa là cậu bắt đầu cắt xén hoặc tô vẽ cho sự thực.

Sau này nếu có một độc giả hỏi cậu: "Những điều ông viết ra có đúng sự thực hay không?" thì cậu đừng bao giờ trả lời là: "Tôi có gặp ông A bà B, và tôi ghi lại sự thực hoàn toàn!" Ngoại trừ làm phóng sự cho báo thì có thể, chứ còn viết phóng sự tiểu thuyết như Vũ Trọng Phụng, Tam Lang là đã có khối bịa tạc rồi!

Tôi nghĩ là câu nói của Tô Hoài bổ túc cho câu của Nguyễn Công Hoan. Bịa là một ngón nghề quan trọng nhất, cơ bản nhất cho nghề viết truyện. Bịa từ cốt chuyện, bịa tới nhân vật, bịa luôn cả những biến chuyển và kết luận. Đó là trí tưởng tượng kết hợp với khoa học và nghệ thuật. Đối với tôi những chữ "TRUYỆN LÀ BỊA Y NHƯ THẬT" đã trở thành nguyên lý viết truyện mà tôi càng áp dụng, càng thấy nó đúng.

Lâu nay tôi cũng có bịa, nhưng không mạnh tay. BỊA MUÔN NĂM !

CHƯƠNG XVII

CHI TIẾT NHỎ
LÀM NÊN TIỂU THUYẾT LỚN
(Léon Tolstoi)

Câu này tôi đọc thấy trên báo Văn Nghệ Hà chừng ba mươi năm qua, và nó đối với tôi cũng lại là một nguyên lý khác. Tôi có thói quen là khi nghe ai kể chuyện, tôi không ghi chép, mà chỉ nghe và nhớ những chi tiết hay. Cái nào còn nhờ thì đó là cái hay, cái nào mình quên thì không hay hoặc mình có thể bịa được.

Đối với tôi, cốt chuyện bịa được, hành động nhân vật cũng bịa được, cho đến nhân vật cũng bịa được nốt, nhưng chi tiết rất khó bịa. Nhưng vài trò của nó lại rất quan trọng, nó làm cho truyện gồ ghề, nhám nhúa, dễ nhớ. Đối với tôi, không có chi tiết hay, tôi không viết truyện được. Mỗi chương tôi định viết, thì trong đó, tôi đã đặt sẵn một chi tiết hay. Càng có nhiều chi tiết hay, truyện càng sống và càng hấp dẫn. Đây tôi xin kể hầu các bạn những "chi tiết nhỏ".

Truyện phim Anh lái xe Ru Măng Xép rất xoàng nhưng có một đoạn hay: Hai người công nhân ở trọ chung một phòng, tình bạn rất thấm thía. Vì gây gổ, anh A đùng đùng ôm đồ đạc quần áo ra đi. Khi ra khỏi cửa, anh đóng cửa, một cái tay áo trong mớ đồ của anh ôm trên tay kẹt dính lại. Anh lôi nhũng nhẵng không dứt ra được trong lúc anh B gọi anh trở lại. Anh nghiến răng giật mạnh, đứt phéng tay áo dính kẹt ở cánh cửa. Nó hay ở chỗ là ta có câu: "Huynh đệ như thủ túc" . Nhưng phen này nhất định cắt đứt cách tay (áo) ra đi. Ngoại cảnh ăn khớp với nội tâm.

Trong kịch Đêm thứ 12 của Shakespeare viết phục vụ cho Hoàng gia, có nàng Quận chúa xinh đẹp Olivia, Thái tử rất yêu, bảo: "Ta đứng ở ngoài cổng chòo nàng. Nếu nàng không ra, ta sẽ hoá thành cổ thụ, mọc rễ ở đây luôn". Bên cạnh Thái tử còn có vị quản gia già của Quân chúa. Ông cũng mê đắm nàng, nhưng chờ mãi không thấy nàng đáp lại. Một hôm, một anh đầy tớ bảo: "Quận chúa sắp đến đấy!" Thế là ngài quản gia nhà ta chưng diện với tất cả quần áo sang trọng và xỏ đôi dép quai tréo vô chân. Một chập sau quả tình Quận chúa tới. Ngài quản gia run rẩy cả tay chân, không biết làm cách nào giữ được bình tĩnh, bèn ngồi phệch bên góc hồ nước, vốc nước lên tim vỗ vỗ. Cốt ý làm cho trái tim già đập lại nhịp bình thường. Cái chi tiết vốc nước rưới vào tim, vừa hiện thực lại vừa siêu thực. Thiệt đầy ý nghĩa!

Trong truyện Eugénie Grandet của Balzac, lão già hà tiện sắp chết, tay chân mình mẩy lạnh ngắt. Lão bảo người nhà khiêng thùng đựng những thỏi vàng ra để trước mặt, lão đưa tay đặt lên và nói:

-Ça me réchauffe (Cái này làm ta ấm lại)

Một người đàn bà có tới hai chồng. Bà ta sắm một chiếc gối ôm. Hễ đêm nào bà quăng chiếc gối vào buồng nào, thì đêm bà không tới buồng đó. Bà cho chiếc gối ôm đến thay bà. Chi tiết này Hứa Hoàng cho tôi, và nhờ đó mà tôi viết được truyện Mưu Trí Đàn Bà.

Nguyễn Văn Ba trong "Gác Cu" có viết về một người chuyên môn gác cu, con cu mồi gáy tiếng khàn khàn, vì nó uống nước phông-tên, không phải nước mưa.

Maupassant vẽ một nét vô cùng sinh động trong "Nuit de Noces" (Đêm Tân Hôn) trong quyển Contes de la Bécasse như sau: Từ từ chiếc váy rơi xuống (Lentement la jupe tomba) và nằm bẹp tròn (et s'aplatit en rond) quanh chân cô nàng (autour de ses pieds). Thật là rõ từng nét một như tranh treo trước mắt, không thể nào mô tả được hơn.

Bây giờ tôi xin trở lại cái tủ ruột của tôi là truyện Tàu: Tây Du. Nếu ai có đọc truyện này thì đều nhớ nhân vật Tôn Hành Giả với những nét đặc tả như sau đây:

Hành Giả là kẻ không cha không mẹ, do một hòn đá sinh ra. Nơi đó, bầy khỉ sau khi tắm suối, leo lên ngồi phơi lông cho khô. Lâu ngày chày tháng, hòn đá thọ khí âm dương, bỗng một hôm sét đánh vỡ làm đôi, từ trong đó nhảy ra một chú khí, gọi là Thạch Hầu.

Thạch Hầu bẻ nhánh cây ném xuống suối, rồi nhảy lên ngồi trên nhánh cây. Nhánh cây trôi ra biển tới ngoại càn khôn.

Gặp Bồ Đề tổ sư xin học đạo. Tổ sư không nói gì, cầm chiếc quạt gõ trên đầu khỉ ta ba cái, rồi chắp tay sau đít đi vô. Khỉ hiểu rằng thầy bảo đến cửa sau lúc canh ba. Quả đúng như vậy.

Khỉ gặp thầy, nhưng thầy không dạy dỗ gì cả, chỉ giao cho một cái ống nhổ, bảo đem đi đổ, mà không được đổ trên trời, không được đổ dưới đất, cũng không được đổ ở cõi dưới.

Thạch Hầu suy nghĩ một lát, không biết phải đổ ở đâu, bèn nâng ống nhổ lên, ngửa cổ dốc cả vào mồm. Uống xong thấy mình nhẹ như bông. Chẳng ngờ đó là 72 phép biến hoá của thầy truyền cho.

Từ đó Hành Giả hú một tiếng bay 36 ngàn dậm.

Khi gặp Tam Tạng, Hành Giả vẫn quen thói cũ cứng đầu, Quan Âm tới cho cái mão. Hành Giả đội lên bị bóp lòi mắt. Đau quá xin trả lại... Nhờ đó mà Tam Tạng mới điều khiển được đứa học trò cứng đầu. Cái niềng vàng ấy gọi là "Kim cô".

Bằng ấy chi tiết làm cho ta không thể nào quên được nhân vật Hành Giả, kẻ đã từng làm loạn Thiên Cung, đánh Ngọc Hoàng chạy sút ... dép, và binh tướng nhà trời phải bao phen kinh hoảng.

Còn biết bao "chi tiết nhỏ" khác, làm cho các nhân vật không thể nào quên được . Thí dụ: trong số tướng nhà trời có Nhị Lang Thần là Dương Tiển. Ông thần này có một con mắt giữa trán, nó giúp ông nhìn ra chân tưóng của ma quỉ. Ngoài ra ông còn có con chó gọi là Hạo Thiên Khuyển. Khi đánh với Hành Giả, thì ông rũ tay áo con chó vọt ra, Hành Giả chạy dài (có tích khỉ sợ chó).

Trong truyện Tam Quốc có nhiều "chi tiết nhỏ" loại này nhất:

Hạ Hầu Đôn bị tên bắn trúng mắt, nhổ tên ra tròng mắt dính theo, ông nuốt luôn con mắt.

Lữ Bố chờ cho hai lưỡi giáo chéo vào nhau, liền bắn một phát mũi tên xuyên qua làm hai lưỡi giáo dính lại, hai bên không đánh nhau được nữa.

Triệu Tử Long bắn một phát đứt dây buồm, làm chiếc thuyền quay ngang không thể đuổi theo Khổng Minh.

Một lần khác, Triệu Tử Long bắn cái ngù mão Châu Do để cảnh cáo (không bắn chết).

Quan Công đang ngồi uống rượu, bỗng có giặc tới khiêu chiến. Ông cắp đao nhảy lên ngựa. Một hồi trống thúc, ông chém đầu địch, cắt thủ cấp đem về. Ly rưọu hãy còn chưa nguội.

Khổng Minh ngồi giữ cửa thành bằng chiếc quạt lông và cây đờ mà quân Tào sợ chạy trối chết. (Trong nhạc cổ có một bản ngắn gọi là Khổng Minh toạ lầu)

Một trận đánh lớn nhất lịch sử: Trận Xích Bích. Lửa cháy làm cho vách núi hai bên sông Trường Giang bị nung đỏ lên, nên gọi là Xích Bích . (Xích là đỏ, Bích là tường).

Những chi tiết kể trên đã làm cho truyện sống lạ thường. Người đọc không bao giờ quên được.

Câu nói của bậc thầy tiểu thuyết Tolstoi là tổng kết của một trời kinh nghiệm viết.

CHƯƠNG XVIII

CÁ TÁNH CỦA NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN TÀU

Truyện phải có nhân vật. Nhân vật là động cơ đưa câu chuyện đi tới. Đây là vấn đề lớn nhất trong truyện. Nhân vật có ba phần: lai lịch, hình dáng và nội tâm. Tôi không lấy đâu xa, loanh quanh trong cái tủ của tôi... truyện Tàu. Xuyên qua các nhân vật đó, tôi thấy rõ ba vấn đề trên.

Từ truyện Tây Du: Tam Tạng, Hành Giả, Bát Giái, Sa Tăng. Từ truyện Tam Quốc: Lưu Bị, Trương Phi, Quan Công, Tào Tháo, và một số nhân vật của các truyện khác.

Tôi không phải là nhà bình luận, tôi chỉ lấy tư cách độc giả, và thấy hay hay, ngồ ngộ thì viết cho vui vậy thôi, chớ không dám chắc nó là đúng.

Nhân vật Tam Tạng: hình dáng phương phi, khôi ngô lạ thường, ít thấy ở người khác. Vì ông là cốt tu đã chín đời. Đời này nữa là đủ mười kiếp, sắp trở thành Phật, nên mới có dung mạo kỳ vĩ như vậy. Đặc biệt một miếng thịt của ông, ăn vô sống ngàn năm, còn hơn cả linh đơn của Thái Thượng Lão Quân, vì thế mà nữ yêu mê lắm. Con trai còn trinh mười kiếp mà! Nếu dụ dỗ làm chồng không được, thì sẽ hầm ăn, bổ khỏe biết bao nhiêu. Do đó mà tai nạn xảy đến liền liền. Hết yêu tinh đến nữ chúa, đàn bà góa mê mệt. Suýt làm đám cưới hai ba lần . Khi đến Tây Lương Nữ Quốc, thì nữ vương sẵn sàng nhường ngôi để làm hoàng hậu của Ngài.

Đó là về phần hình thể, còn về tâm lý thì: Tuyệt đối trung thành với Phật giáo, nhất quyết đi đến Tây phương thỉnh kinh về Đường bang. Dù bị hăm dọa, mua chuộc cũng không lay chuyển được.

Nhưng ông có tánh ngây thơ, không biết suy xét nhận định Chân và Giả, tưởng ai cũng tốt như mình, cho nên yêu tinh dễ gạt. Chúng hóa kẻ mắc nạn, bày ra cảnh Phật để lừa, là y như rằng ông ta dính bẫy. Đã ngây thơ lại không nghe lời Hành Giả, nên suýt bị hầm tương mấy lần. Nếu không nhờ Hành Giả thì có đâu đi tới nơi về tới chôn.

Tam Tạng tượng trưng cho chính nghĩa và đạo đức.

Nhân vật Hành Giả: cốt là khỉ, tánh tình thẳng thắn, khôn ngoan, trung thành với thầy và đạo, nhưng cũng rất bẳn tính, không chịu rầy rà. Nhiều lần bỏ Tam Tạng về Thủy Liêm động vui thú với bầy con cháu trong rừng. Có 72 phép thần thông. Từng khuấy động Diêm Đình lẫn Thiên Đình. Từng chui vô bụng bà La Sát để mượn quạt Ba Tiêu quạt tắt núi lửa. Lập công đầu trong cuộc thỉnh kinh. Cuối cùng thành Phật.

Hành Giả tượng trưng cho lòng can đảm và chính trực.

Nhân vật Trư Bát Gỉáỉ: Trước đây ở trên nhà trời làm chức Thiên Bồng nguyên soái. Một đêm có tiệc, họ Trư say sưa nên chọc ghẹo Hằng Nga, và bị đầy xuống trần gian, chờ Tam Tạng đi qua xin làm đệ tử để đái công chuộc tội. Dù theo thầy Tam Tạng thỉnh kinh, nhưng lòng trần chưa dứt, chỗ nào hưởng lạc được là họ Trư ló mòi ngay. Có lần thấy các tiên cô (giả) tắm dưới suối, họ Trư bèn nhẩy xuống nước, hóa ra con cá leo chui qua chui lại những cặp đùi ngọc của các nàng. Có lần ăn trộm nhân sâm của nhà chùa, trong khi Hành Giả và Sa Tăng còn đang nhấm nháp, thì họ Trư đã nuốt trộng, nên không biết mùi vị ra sao. Lần nào bị yêu tinh hóa ra gái đẹp nhử họ Trư cũng nhào vô, bị dính bẫy.

Khi lên đến Tây phương, Phật tổ phong chức Bồ Tát cho Tam Tạng và Hành Giả thì họ Trư kỳ kèo trả giá. Phật tổ bảo: Cái chức Kim Thiền La Hán của ngươi coi vậy mà ngon. Ai đem của cúng tới chùa, ngươi đều hưởng hết cả! Thế là họ Trư quạt tai, thích chí, không kèo nài nữa.

Trư Bát Giái cốt heo, tượng trưng cho sự ham mê vật chất và suy xét nông cạn.

- Nhân vật Sa Tăng: cốt là thủy quái, không rõ con gì. Cổ đeo chín cái sọ người, tượng trưng cho ba phải. Bát Giái nói cũng nghe, mà Hành Giả bảo cũng gật. Có công gánh hành lý mười ba năm trường. Và cũng được phong chức ngang họ Trư, nhưng y không kèo nài gì.

Cá tánh đẻ ra ngôn ngữ và hành động. Cùng trong một hoàn cảnh, nhưng mỗi nhân vật có phản ứng về hành động và ngôn ngữ khác nhau.

Thí dụ: Khi Phật tổ phong chức La Hán cho Bát Giái thì y kèo nài:

- Đệ tử có công lớn trong việc thỉnh kinh. Đệ tử đã thay thế con khỉ ốm ba lần, trong lúc nó bỏ thầy mà đi du hí. Đệ tử ủi 800 dặm đường Thất tuyệt. Nếu không có đệ tử, thì cả đoàn không qua ngọn núi đó được. (Đây là đoạn đường kỳ lạ: cả dãy núi bị lá cây và trái rừng rụng phủ kín, lội vào thì ngập đến đầu. Bát Giái phải hiện nguyên hình là họ Trư, cao lớn như núi, ăn một lúc 800 gánh cơm. Ăn xong, kê mõm ủi thành con đường dài cho Tam Tạng cưỡi ngựa đi qua. Do đó, Bát Giái kể công với Phật tổ, và đòi chức cao hơn).

Khi nghe Phật tổ nói đến sự hưởng thụ của cúng thì họ Trư im ngay. Đó là cá tánh của nhân vật. Tác giả thể hiện Tất tài tình qua suốt câu chuyện. Đặc biệt là việc kèo nài với Phật tổ. Sa Tăng cũng nhận được chức ấy, mà không so bì chi cả.

Cũng trong vấn đề cá tính nhân vật, để cho rõ hơn tôi xin thêm Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi: Đây là bộ ba Đào viên kết nghĩa. Ai đã từng xem Tam Quốc Chí cũng đều say mê ba nhân vật này. Thậm chí, có nhiều người không hề đọc trang nào mà cũng biết cá tánh của ba ông. Thí dụ: Để chỉ một người có tính nóng, bà con ta thường bảo:

- Cái thằng đó như Trương Phi! - Hoặc gọi hẳn anh A anh B bằng cái tên Trương Phi.

Còn con nít khóc hoài, dỗ không nín, bà mẹ đổ quạu nói:

- Cái thằng... sao mà khóc như Lưu Bị v.v...

Riêng về Quan Công thì đã trở thành thần tượng trong đời sống của dân Trung Hoa lẫn dân Việt Nam. Người dân tôn thờ Ngài như một vị thánh, gọi Ngài bằng "Ông" chớ không dám gọi tên. Những gánh hát có diễn tuồng về "Ông", đều thờ cúng trang nghiêm. Người kép nào đóng vai "Ông", trước khi ra tuồng phải đến vái trước tượng thờ "Ông".

La Quán Trung, tác giả bộ Tam Quốc Chí đã mô tả cá tính của hàng trăm nhân vật trong truyện một cách tài tình. Khi viết được ít lâu, tôi mới thấy vấn đề cá tính. Và bây giờ càng thây rõ hơn nữa.

Những câu nói và sự việc tôi vừa kể trên đây, chứng tỏ nhân vật của La Quán Trung không chỉ có tên, mà còn có cả con người, hoạt động và suy nghĩ mỗi người một cách, không nhân vật nào giống nhân vật nào về diện mạo cũng như về nội tâm.

Hãy xem lại từng nhân vật một: Trương Phi.

Ông Trương nóng nẩy lạ lùng, trong các truyện Tàu không có một ông tướng nào nóng đến như ông. Ra trận không cần mặc giáp bào chi cả, và cũng không đội mũ mão gì hết. Chức tước được phong, ông cũng không biết đó là chức tước gì, cứ xưng là "Trương mỗ"!

... Khi Lưu Bị cầu hiền, tam cố thảo lư, ba lần đến Ngọa Long Cang, lần nào cũng không gặp. Lần chót gặp được thì Khổng Minh đang ngủ, tiểu đồng ra bảo Lưu Bị đứng chờ. Lưu Bị kiên nhẫn chờ mãi, nhưng Khổng Minh cũng không chịu thức dậy cho. Trương Phi bèn gầm lên: "Cái thằng cha gàn đó tài cán gì mà làm cao vậy? Để đệ lấy sợi dây thừng buộc trâu trói quách nó xách về cho đại ca!"

... Khi đánh nhau với quân Tào Tháo, quân Lưu Bị lâm nguy, bị đuổi tới Đương Dương Trường Bản kiều, Trương Phi được giao cho giữ mặt trận này, thấy bị bao vây, bèn giở cẩm nang của Khồng Minh ra xem quân sư mách bảo kế gì. Mở tờ giấy ra thấy trắng toát, chẳng có mưu kế gì cả. Phi tức giận, hét lên một tiếng như trời gầm. Cây cầu bỗng nhiên rung rinh rồi sập tan đổ xuống sông. Đó là do sự chỗi dậy của con rồng dưới đáy sông. Nó tưởng sấm sét nhà trời rước nó, nên bay lên làm sập cầu. Quân Tào đang trên cầu rơi xuống sông chết hết, còn đám đang đi tới thì sợ hãi, hoặc không có đường qua sông, nên.ử. tháo lui. Từ đó, trận nào nghe Trương Phi hét, quân Tào đều chạy vỡ mật.

Tính nóng của Trương Phi thể hiện cả trong giấc ngủ và cái chết. Trương Phi ngủ ngồi chớ không nằm như người thường. Đặc biệt là đôi mắt mở trừng trừng rnà ngáy như sấm. Ai không biết, tưởng ông đang thức.

Lần nọ, Quan Công bị quân Ngô gài bẫy, sụp hầm và bắt giết, Trương Phi nóng lòng trả thù cho anh. Chư tướng khuyên can "dục tốc bất đạt", nhưng ông không nghe. Giữa mùa đông rét mướt ông vẫn ra lệnh tiến quân. Binh sĩ cần đồ ấm, ông ra lệnh cho thợ phải may xong trong bẩy ngày, nếu không xong, ông sẽ chém đầu. Làm thế nào may xong cả vạn bộ đồ trong mấy ngày? Hai anh thợ bèn bàn nhau: "May không xong thì phải chêt! vậy ta chỉ có cách là giết hắn, họa may sống được chăng?" Thế là hai anh thợ vác kéo dao, ban đêm chui vào dinh Trương Phi, giết chết ông tướng nhà ta.

Một vị tướng đã từng làm cho quân thù vỡ mật, lại chết về tay anh thợ may, lãng nhách! Không có ông tướng nào chết vì tính nóng như Trương Phi.

Lưu Bị thì hoàn toàn ngược lại, trầm tĩnh, nguội lạnh, lấy nhơn đức đãi người. Khóc và khóc. Nhưng cái khóc của Lưu là cái khóc nhân nghĩa, cái khóc được nhà lợi nước, cái khóc của một trang hào kiệt.

Cá tính của Quan Công thì khác hẳn.

Ông là người nghĩa khí, trung trực, một đấng trượng phu, không thấy có nhân vật nào sánh bằng.

Ông dùng cây Thanh Long đao, có miếng "đà đao" rất ác hiểm. Khi ra trận, muốn giết nhanh tướng giặc, ông đánh chơi vài hiệp, rồi quay Xích Thố bỏ chạy. Tướng giặc đuổi theo, ông kéo sệt cây đao dưới đất, rồi bất thần vung trái lại, đầu giặc rơi liền.

Ông có tánh rộng lượng, "Hạ mã bất sát", nghĩa là tướng giặc nào biết mình thua tài xuống ngựa là ông không giết.

Về việc tiền tài và nữ sắc, thì ông càng tỏ ra thanh khiết. Khi thất thủ thành Hạ-bì, quân ta tán loạn, ông phò hai người chị dâu chạy trốn sang đất Tào Tháo. Tháo biêt ông là nhân tài, nên đối xử rất trọng hậu, tâu lên vua phong cho tước hầu (Hán Thọ Đình Hầu). Bẩy ngày đại tiệc, ba ngày tiểu tiệc. Gió bấc sợ râu ông rụng, Tào may túi gấm cho ông bao râu. Vàng bạc chu cấp vô số kể. Nhưng ông vẫn khăng khăng một dạ thủa Đào-viên kết nghĩa: "Khi nào nghe tin anh tôi (Lưu Bị) ở đâu, tôi sẽ trở về" .

Tào Tháo ác ý, cho ông ở chung nhà với hai chị dâu, để gây tiếng xấu, làm tan vỡ cái nghĩa Đào Viên. Nhưng đêm đêm ông đứng ngoài thềm, tay cầm bó đuốc. Đứng cho đến sáng, mới vào vấn an hai chị.

Về việc cầm đuốc để tỏ lòng trang chính, tôi nhớ chỉ có hai người được sử sách ghi: Đó là Quan Vân Trường đời Hán và Liễu Hạ Huệ đời Châu.

Khi được tin Lưu Bị, ông lập tức vào thưa với Tào Tháo xin đi. Tào Tháo ngăn cản, năn nỉ thế nào cũng không được, nên đành phải để ông đi. Trước khi dời dinh, ông niêm phong tất cả vàng bạc, đem trả lại cho Tào.

Ngày còn thơ, tôi cũng có đọc Tam Quốc cho Ông Cụ tôi nghe, nhưng tôi không mê lắm, vì nó không có đánh phép. Nhưng sau này, nhất là bây giờ, tôi đọc lại Tam Quốc thì yêu các nhân vật trong truyện bao nhiêu, tôi càng phục tài La Quán Trung bấy nhiêu.

Tôi không có đọc nhiều sách dịch Tây, Mỹ. Tôi cũng không hiểu tại sao. Tôi cho rằng truyện Tàu là truyện hay nhất trong văn học thế giới.

Cái niềng kim cô của Hành Giả có kém chi gót chân thần thoại của Achille, Khổng Minh Tọa Lầu không thể sánh với con ngựa thành Troie hay sao?

Khi ra miền Bắc, được gặp gỡ các nhà văn tiền bối tôi thường nghe cách bàn luận về cá tính của nhân vật thường thường là lấy các nhân vật trong tiểu thuyết lớn hiện đại, như Sông Đông Êm Đềm, Bão Tố, Paris Thất Thủ v.v... Tôi rất lấy làm thích. Đó là những bài học rất sống, giúp ích cho nghề mình. Một hôm tôi đi ăn ở một tiệm người Tàu ở Hàng Buồm, bước vào tiệm, trong cái không khí âm u, tôi chợt thấy bức tranh treo trên ngưỡng cửa buồng. Qua làn khói hương nghi ngút, mờ hiện bức tượng Quan Ngài.

Ông ngồi giữa, bên phải của ông là Quan Bình, bên trái là Châu Xương tay cầm cây Thanh Long đao dựng đứng. Đó là hình ảnh quen thuộc của tôi thủa bé.

Từ hôm đó tôi nhớ lại những "hồi" trong truyện Tam Quốc, rồi nhớ đến cá tính của nhân vật trong truyện. Cá tánh tức là tánh tình của một con người... Những nhân vật kể trên không thể lẫn với ai khác.

Xây dựng một nhân vật có cá tánh như đã kể trên là một việc khó khăn. Tác giả phải có bản lãnh cao. Tôi vừa đọc lại bộ truyện Tam Quốc tám quyển, tôi càng thấy La Quán Trung quả là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất hoàn cầu. Theo sự hiểu biết của tôi, không có truyện nào sánh được với Tam Quốc Chí. Tôi có cảm giác đứng bên cạnh La Quán Trung, hầu như tất cả nhà văn đều trở thành những chàng lùn.

Nếu bạn chưa từng gọi ai là: Cái thằng nóng như Trương Phi, thì cũng như từng nghe: cái thằng đa nghi như Tào Tháo. Nhân vật Tào Tháo, nói về mặt nghệ thuật, cũng hay như bộ ba Lưu Quan Trương. Tào Tháo cũng bước từ trang sách ra ngoài đời như Lưu Quan Trương, nhờ cái cá tánh đa nghi.

Đây tôi xin chép ra cái tánh ấy của họ Tào:

Khi đánh nước Ngô không thành, ba quân hao hớt, lòng dân bất phục, họ Tào tiến thối lưỡng nan. Một buổi chiều, anh nấu bếp dâng lên bát bún thang, trong đó có cái gân gà. Vừa gặm, Tháo vừa ngẫm nghĩ: ‘Tại sao hắn lại cho ta ăn gân gà?"

Bụng sinh nghi, bèn cho đòi mưu sĩ là Âu Dương Tu lên hỏi ý. Tu thưa rằng: Đó là hắn ta có ý nói, đất Ngô như cái gân gà, ăn không dô mà bỏ thì uổng. Tháo thấy Tu nói đúng tim đen mình, nên giật mình. Còn Tu hơi tự cao, về đến trại đồn om lên là ngày mai sẽ rút quân. Tháo cho người kiểm soát quân lính, thấy ai cũng chuẩn bị cuốn gói. Sợ Âu Dương Tu mưu phản, nên hạ lệnh chém ngay, với tội làm rối loạn lòng quân.

Tháo mắc bịnh nhức đầu, cho mời danh y Hoa Đà tới để chữa trị. Hoa Đà là người đã từng chữa bịnh cho Chu Thái là tướng nhà Ngô, và Quan Công là tướng nhà Thục. Hoa Đà chẩn mạch xong, thưa rằng Tào Tháo có cái u trong óc, phải bổ sọ ra, mổ óc cắt cái u đi mới khỏi, còn uống thuốc, không hiệu quả gì!
Tháo nghe xong nghĩ rằng Ngô lẫn Thục thuê Hoa Đà tới giết mình, bèn hạ lệnh bỏ ngục Hoa Đà cho tới chết. Do đó sách thuốc của Hoa Đà cũng mất luôn. Mà rồi sau Tháo không có thầy chữa cho, cũng chết vì bịnh nhức đầu.
Tháo nghi tất cả, không trừ ai. Triết lý sống của Tháo là: Thà ta phụ người, chớ không để người phụ ta! Do cái triết lý đó, Tháo đã giết nhiều tướng tá vô tội của mình.
Nói về cá tính của nhân vật, tôi nghĩ rằng khó có ai sánh bằng La Quán Trung và Ngô Thừa Ân.
Anh Tô Hoài bảo: Thường thường chúng ta dựng nhân vật chỉ có một nửa, nói rõ hơn, chỉ có cái xác, chứ không có cái hồn, hoặc có hồn xác mà không có cá tánh. Một nhân vật có ba phần, lai lịch, hình dáng và tâm lý: "Anh A ở đợ từ bé, khi chăn trâu anh ngã, bị trâu đạp nên hỏng một chân, phải đi khập khiễng. Anh ta mồ côi từ bé, nên ít ai gần gũi, thành ra có tánh cô độc." Như thế là cậu đã cho một nhân vật ra đời. Nếu có nhân vật thứ hai, thứ ba thì các anh này phải khác đi, hoặc điếc hoặc nói ngọng chớ không nên đi khập khiễng nữa. Khi đưa lai lịch cá tính nhân vật thì cũng phải tùy hoàn cảnh cho nó xuất hiện, chớ không phải anh nào cũng đưa ra như chủ quán bày hàng, thứ tự cái này đến cái khác, và bày vào lúc sáng tinh mơ v.v. và v.v..
Về những điều dạy này, tôi đem soi ngay vào các nhân vật Tam Quốc, Tây Du kể trên, thì thấy rõ lắm. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một nhân vật có đời sống rất ngắn trong Tam Quốc, đó là Ngụy Diên. Đây là một dũng tướng của Tào Tháo về đầu nhà Thục. Khổng Minh nhận và phong cho làm Đại tướng ngay.
Nhưng dù trọng dụng, Người cũng để lại một cẩm nang về Ngụy Diên. Sau khi Khổng Minh qua đời, Ngụy Diên không phục ai hết và muốn đứng ra thống lãnh toàn quân nhà Thục. Các tướng không biết đối phó cách nào, bèn mở cẩm nang ra coi, thì Khổng Minh bảo Ngụy Diên có cái xương "phản cốt" sau gáy, sớm muộn gì hắn cũng phản Thục. Muốn giết hắn, phải làm thế này, thế này...
Nhân vật Ngụy Diên chỉ có một nét đó thôi, nhưng đã ưở thành một nhân vật khó quên cũng như Tôn Quyền: cậu bé râu tía. Chỉ một nét.
Hứa Chử hai tay cầm hai tên lính làm vũ khí, tả xông hữu đục. Cũng chỉ một nét.
Ngô Quận chúa trong phòng treo toàn binh khí, không có đồ trang sức. Nhân vật chính như Lưu Quan Trương, La Quán Trung tô vẽ rất công phu, nhân vật phụ chỉ cần chấm phá. 
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...