Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Những bậc thầy của tôi 2

Những bậc thầy của tôi 2

Phần II

CHƯƠNG VII
MẦM NON
ƯƠM TRONG KHÓI LỬA

"... Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra đất Việt
Bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng
Đòan người trai ra đi miệng hô lớn Quyết Tiến..."

(nhạc Tuổi Xanh - Phạm Duy)

Tôi rời trường trên một chiếc thuyền chèo vượt sông Cửu Long, ngang qua cù lao Rồng. Chưa tới ngày bãi trường, nhưng vì Nhật đã chiếm trường làm trại lính, chúng tôi không còn chỗ học, hơn nữa, tình hình có vẻ lộn xộn, chắc ở dưới tận thôn quê, Tía tôi cũng nghe nên cấp tốc lên rước tôi về.

Thuyền đi ngang qua mũi cù lao, tôi thấy chiếc chiến hạm Pháp lớn nhất nhì Đông Dươong nằm nghiêng trong sóng nước: chiếc Amiral Charner vừa bị quân Nhật bỏ bom chìm mới hôm qua. Chính mắt tôi trông thấy những quả bom rơi xuống.

Xa trường lòng buồn vô hạn, nhưng khi về đến nhà thì lại vui ngay, vì không khí đồng quê đang rộn rịp tưng bừng, không giống như những lần khác khi tôi từ trường về nhà nghỉ hè .

Tôi đã nghe tới tiếng: "Chuẩn bị cướp chánh quyền!" Rồi cướp chánh quyền thật. Dân dưới làng, những người hăng hái đã đáp xe, nằm đò lên tỉnh để "coi ớp chánh quyền" ra làm sao.

Chỉ sau một tuần lễ, bộ mặt nông thôn đã đổi khác. Những đanh từ Độc lập, Tự do, phân đoàn, nguyệt phí....bắt đầu chuyền trên môi người, và những bài hát cải cách - hồi đó gọi là "bài ca thanh niên" đã bắt đầu vang động thôn xóm. Trước nhất là bài "Thượng lộ tiểu khúc":

Thanh niên tiến lên nhìn xem trời mây khô héo
Kìa biên thùy xôn xao, binh tở mở reo . . .

Kế đó là bài "Lên Đàng": ~

Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng
Kiếm nguồn tươi sáng
Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông
Từ nay, gia sức anh tài...

Và đây khúc hát rung động tâm can:

Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi,
Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối.
Vì non sông nước xưa,
Truyền muôn năm chớ quên.
Nào anh em Bắc Nam, cùng nhau ta kết đoàn!
Hồn thanh xuân như gương trong sáng
Đừng tiếc máu nóng tài xin ráng
Thời khó thế khó khó làm yếu ta,
Dầu muôn chông gai vững lòng chi sá
Đường mới quyết phóng mắt
Nhìn xa bốn phương
Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường

Điệp khúc:

Thanh niên ơi! ta quyết đi đến cùng?
Thanh niên ơi! ta nguyền đem hết lòng
Tiến lên đồng tiến vẻ vang đời sống
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

Những bạn cùng lứa tuổi với tôi, dù là người Nam, Trung hay Bắc đều sống trong không khí bừng bừng do những bài hát này gây nên.

Tám mươi năm ông cha nô lệ cho thực dân, biết bao cuộc khởi nghĩa đầu rơi máu chảy, lót đường cho con cháu tiến lên, ngày nay mới hát được những câu thật là mát dạ nở lòng.

Đây Bạch Đằng Giang
Sông hùng dũng của nòi giống
Tiên Rồng, giống Lạc Hồng,
Giống anh hùng Nam, Bắc, Trung

Hoặc:

Chi Lăng ! Chi Lăng !
Tiếng ai hò reo vang trời!
Chi Lăng!
Bóng ai tranh hùng muôn đời . . . . 1

Tôi đóng kịch. Tôi vẽ khẩu hiệu. Tôi lục lạo tìm giấy trong tủ của Tía tôi để làm ca-lô cho thiếu nhi. Tôi còn bận rộn hơn các bác nông dân vào ngày mùa. Và, cuối cùng tôi làm thơ:

Em ăn rau và cải
Trồng trên đống tro tàn
Trên nền nhà rụi cháy
Hàng cột ngã thành than.

Cơm em ăn mỗi ngày
Đều có dính máu Tây
Vì mùa khô mùa nước
Tây phơi xác ruộng này

Nhà em Tây nó đốt
Em ra ngủ ngoài vườn
Khác gì anh chiến sĩ
Quen lạnh lẽo gió sương.

Bây giờ em còn bé
Em ôm đỡ súng cây
Ngày mai này em lớn
Cầm súng thiệt bắn Tây... (1947)

Tại sao tôi làm thơ và làm khá đúng vận, tôi cũng không biết. Tôi có biết thơ là gì, đó là cảnh tượng trước mắt tôi chép lại.

Những đống tro tàn, những ngôi nhà bị Tây đốt cháy chơ vơ những thân cột đứng không phải ở đâu xa lạ, mà đó là xóm tôi, và chính là nhà tôi. Còn "Em ra ngủ ngoài vườn", chú bé đó chính là tôi. Và "Ngày mai em lớn cầm súng bắn Tây" cũng chính là nguyện vọng của cậu. Mãi tới năm 1950, khi tỉnh nhà bị quân Pháp lấn chiếm, gia đình làng xóm tôi phải chạy xuống lánh nạn ở miền Tây, tôi mới chép bài thơ này gởi đăng báo. Ông Lưu Quí Kỳ, chủ bút bảo tôi gửi thêm, nhưng tôi có bài nào nữa đâu mà gửi. Đúng là bài thơ "chó dắt" mà.

Bài này lại được nhạc sỹ Phan Vân, cũng là người hùng của thành đô mới ra khu kháng chiến, phổ nhạc. Phan Vân lần đầu tiên lấy làm lạ: tác giả bài thơ do anh phổ nhạc chỉ là cậu bé 17 tuổi.

Phan Vân là nhạc sĩ rất hồn nhiên. ờ thành anh đã chơi nhạc ở các vũ trường và sáng tác bài "Những cánh hoa đời" bất hợp thời trong chiến khu.

Trong những cuộc họp cơ quan hoặc dân chúng, anh thường ôm ghi ta ra sô-lô bài hát này. Thiên hạ vỗ tay, tôi cũng vỗ tay theo, không nghĩ rằng mình đã bước vào văn nghệ.

--------------------------------

1

(Những bài ca của Lưu Hữu Phước làm trước 1945)

CHƯƠNG VIII

THI SĨ VÀNG: XUÂN TƯỚC
tức
THI SĨ TÂM ĐIỀN : THẦY TÔI

"ĐÂY BIỂN RỘNG, ĐÂY RỪNG SÂU"

Cách mạng bùng nổ ra, cậu Bảy tôi nghỉ học, lên làm việc trên tỉnh Bến Tre, lúc bấy giờ đã đổi tên ra là tỉnh Đồ Chiểu. Chú tôi đang dạy học ở Trà Vinh, lúc bấy giờ gọi là tỉnh Trần Hữu Độ, thì ở luôn bên đó. Cả hai vị đều lãnh trọng trách trong phong trào. Còn tôi cũng lót tót theo cậu tôi lên tỉnh, vai mang đờn mandoline, túi nhét cây Harmonica, làm ủy viên phụ trách thiếu nhi toàn tỉnh.

Lúc đó thi sĩ Tâm Điền mở lớp huấn luyện thanh niên ở bãi biển Cồn Chim. Đây là một thanh niên khôi ngô tuấn tú. Ông tên thật là Mạch Văn Tư dạy ở trường nhà nước. Tâm Điền là chiết tự từ chữ TƯ.

Chữ "Tâm" nằm trên chữ "Điền" thành ra chữ "Tư". Khi tôi học trường tư thục Trung Châu thì ông làm hiệu trưởng trường Thể Dục Đông Dưong Esipic toạ lạc ở góc giếng nước giáp ranh xã Phú Khương. (Trường Esipic trong phong trào Thanh Niên Ducoroy, trước 1945).

Mỗi sáng trước giờ học, tôi thường ra đứng bên gốc mãng cầu ta ở hiên nhà trường, mê say nhìn đoàn lực sĩ mặc áo thung ba lỗ, vừa hát vừa đi ăn rập về phía sân vận động tỉnh. Bây giờ phong trào thể dục, thể thao lan tràn khắp ngõ hẻm hang cùng, chớ hồi đó, thể dục thể thao chỉ ở trường học và những nơi công cộng. Đối với một số người, nó còn là một trò cười.

Cậu tôi vào nhà tôi, nói với tía má tôi một câu tôi còn nhớ mãi: "Tôi coi thằng T. có khiếu văn nghệ đó anh Hai, chị Hai! Để tôi dắt nó đi học". Má tôi không muốn cho tôi đi, còn tía tôi thì không nói gì cả, riêng tôi thì rất ham. Thời buổi đó, ai không đi bộ đội thì cũng là cán bộ . mang ba lô đi chỗ này chỗ nọ, chứ ở nhà thì bị coi như lạc hậu.

Cậu tôi dắt tôi xuống trại huấn luyện của thi sĩ Tâm Điền. Trại có hai phân trại, một dành cho thanh niên, một dành cho thiếu nhi. Tôi chưa đến tuổi thanh niên, nhưng cậu tôi lại đưa vào bên thanh niên. Thi sĩ Tâm Điền, trại trưởng và là bạn của cậu tôi, nên cũng nhận cho tôi vào. Cả hai phân trại tổng cộng chừng 80 trại sinh.

Chương trình gồm có: Thể dục, Đức dục, và Chính trị. . Ban huấn luyện thay phiên nhau giảng bài. Đặc biệt có giờ dạy hát do nhạc sĩ Lữ Sinh phụ trách. Anh có cây đờn violon. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy loại đờn này. Các gánh hát chỉ có kèn trống chớ không có violon. Hội trường là một ngôi nhà lá thấp lè tè, ngăn làm đôi, chừng 1/3 làm văn phòng, khoảng còn lại làm lớp học. Lớp học được trang trí với những tấm hình vẽ tay bằng mực Tàu nghè sáp cho lâu phai.

Trước mặt là ba tấm ảnh lớn với những dòng chữ:

Gorki : Kỹ sư linh hồn
Rolland : Bạn của kẻ yếu
Bathusse: Đại tướng chống Phát Xít.

Một tấm ảnh thanh niên ôm súng ra chiến trường: Thanh niên mới.

Ngước nhìn lên trên cây xà ngang có ba khẩu hiệu: DÂN TỘC, KHOA HỌC, ĐạI CHÚNG.

Ngoài ra chỉ có một chiếc bàn đặt trên bục dành cho giảng viên và những bàn ghế bện bằng cây trà không róc vỏ còn lùi xùi. Cọc bàn chôn dưới cát. Băng ngồi rất đau đít, nhưng vì thích thú nghe bài học nên không kêu ca.

Sáng dậy theo tiếng kẻng làm bằng vỏ bom. Đánh kẻng chỉ vừa đủ, nếu đánh mạnh, bót Cầu Ván sẽ nghe. Hồi đó coi giặc như trò chơi, cách nhau có sáu cây số. Trại sinh vừa tung nóp dậy vừa hát:

Anh nghe chăng cung kèn rạng đông
Đang uy linh lừng vang trên không ?
Đang thiết tha hùng hồn khêu cháy gan Lạc Hồng
Cháy lên nhuộm bao ánh hồng . . . (Hùng Lân)

Hát xong là cuốn nóp xong xếp trên vạt, vọt ra sân xếp hàng kéo ra bãi biển. Vừa chạy vừa hát "Thanh niên Hành khúc" với lồng ngực nở phồng trong gió biển.

Một hôm cũng vào buổi sáng, chúng tôi đang chạy dọc bãi biển, thì thấy những quyển sách lẫn trong bọt sóng và rác rến - Chúng tôi đổ xô đến nhặt lấy, đồng thời báo cáo với huấn luyện viên. Mọi người đều cho rằng đây là một chuyến thuyền đi từ Bắc vào Nam đã bị nạn trên thủy trình về phương Nam. Trại sinh đem vào sân phơi, rồi cẩn thận giở từng trang, không để rách.

Nhạc sĩ Lữ Sinh đem quyển bài ca vào văn phòng giở ra đờn ngay. Và tối hôm đó bọn tôi được học bài "Chiến sĩ Việt Nam" của Văn Cao.

Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường.
Quân xung phong,
Nước non đang chờ mong tay ngươi
Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời...

Điệp khúc:

Thề phục quốc, tiến tên Việt Nam . .
Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam
Đài hạnh phúc đắp xây Tự do
Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm!
BẮC SƠN (của Văn Cao)
(Kính tặng con Hùm xám Chu Văn Tấn)

Đoạn I

Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gio
Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó .
Ai về châu xưa nhớ hồi máu thấm cây rừng
Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng ...

Những lời ca hùng tráng, trữ tình và tràn ngập lòng yêu nước, đã mang đến cho chúng tôi sự hăng hái dánh đuổi giặc thù - Ngoài giờ học là miệng hát vang trại. Tiếng hát của những trái tim thanh niên đã phá tan khôn khí âm u của rừng sâu. Có lẽ bọn lính Pháp đóng đồn Cồn Chim cũng phải khiếp đảm vì tiếng hát này. Chúng tôi nào biết cách mạng là gì, chỉ hiểu cách mạng qua bài hát và thơ ca ngợi dân tộc.

Trong số sách nhặt được ở bãi biển còn có quyển Ngọn Quốc Kỳ - tráng khúc của Xuân Diệu.

"Chàng Xuân Diệu năm xưa hay sầu lắm" mà tôi thường gặp ở Mỹ Tho trong bộ đồ Tây trắng phau, với mái tóc quăn lòa xòa trước trán, là tác giả của quyển thơ này chăng? Một đêm trại trưởng thi sĩ Tâm Điền đem ra đọc cho cả lớp nghe:

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo,
Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng!
Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo
Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo
Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt
Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết
Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay.

Những lời thơ đẹp như thế, chúng tôi reo trên miệng, chúng tôi nuốt vào lòng. Bây giờ nhớ lại những ngày sống và học ở trại huấn luyện Cồn Chim, tôi hãy còn xúc động, và tưởng như mình là chiến sĩ ở chiến trường.

Sau khi tuyển lựa và dạy hết những bài hát trong tập sách cho chúng tôi, nhạc sĩ Lữ Sinh bèn dạy cho chúng tôi bài hát mới:

CHIẾN SĨ LÊN ĐƯỜNG
(Kính tặng các chiến sĩ Trung đoàn 99)

Với núi sông vừa khi tươi sáng
Lên đường ta quyết tiến
Đoàn quân ta cùng bước đều
Ca rền khắp ngàn nơi xa
Cứu nước non vượt khi nguy biến
Lên đường ta quyết chiến
Dù muôn khó, nguyền lướt qua
Núi sông muôn thu chờ ta
Chân lướt suối băng tràn rừng
Ta chiến đấu qua ngàn trùng
Tim chất chứa bao nguồn sống
Đem sắc máu pha non sông
Ta chiến thắng trên gai chông
Ta quyết đắp xây tương lai
Ngàn tươi sáng
Xông pha mau đi lên
Non sông đang mong ta
Lòng tràn hăng hái lòng đầy cương quyết
Lên đường!

Chiều chiều chúng tôi mượn cây đờn măng-đô bể ở văn phòng và đem những bài hát ra nổng cát để "mò" ..từng câu nhạc. Một hôm, thằng Vịnh (con của chú Hai quản lý trại) hỏi tôi:

- Mấy anh biết bản này ở đâu không?

- Thì ở trong tập nhạc vớt dưới biển chớ đâu!

- Của chú Tư và chú Sinh mới làm đó.

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Riêng tôi quan niệm rằng những người làm được thơ đăng báo cho mình chép, và làm bài hát cho mình đàn hát là những người phi thường, ở đâu đâu xa lắm chớ không có ở gần mình, thế mà bài hát này lại do thầy trại trưởng và thầy dạy nhạc làm nên mới lạ chứ!

Lâu nay tôi có nghe ai ở trong tỉnh mình làm thơ làm nhạc đâu, những bài C'est à Capri, Đêm Đông, Thu Trên Đảo Kinh Châu đều ở đâu tới.

Nhưng ngày một ngày hai, tôi tin cái việc khó tin đó là sự thật, bởi vì một hôm khác, chúng tôi lại được dạy một bản mới mà bên dưới tên bài có đề tên tác giả.

TỰ DO - CƠM ÁO - HOÀ BÌNH
Nhạc Lữ Sinh - Lời Tâm Điền

Làm sao khắp chúng dân đều Tự do
Làm sao khắp muôn dân đầy cơm áo.
Làm sao khắp thiên hạ hưởng hòa bình
Bao nhiêu năm đói rét và lầm than
Bao nhiêu lần bao nước mắt đẫm máu xương
Đứng lên đều tung gông cùm giam đời sống
Cùng nhau đem sức đấu tranh
Cùng nhau quyết tranh phần sống
Nào ngại tan nát thân mình
Nào ngại cực khổ gian lao
Muôn dân khóc than
Muôn dân nát lòng
Muôn dân căm hờn
Vì đời bất công
Vùng lên quyết tranh phần sống
Tự do hạnh phúc kia rồi
Hòa bình no ấm chào đón ta

(Bài này đài Hà Nội dùng làm nhạc hiệu buổi phát thanh vào Nam trong 10 năm mà không biết tác giả là ai !)

Rồi lại một bài hát mới nữa cũng của Lữ Sinh và Tâm Điền ra đời:

TIẾN LÊN ĐƯỜNG SÁNG

Cùng đi, nguyền đem thân hiến cho đời mới
Tim thấm nồng tiến lên, hét lên, ánh dương chan hòa
Đem thân mình dâng cho đời thêm tươi sáng
Quyết nắm tay tiến lên ngày mai.
Đi đi cùng đi, tiến tiến cùng tiến
Tiến lên!
Ta hiên ngang dù mưa gió không sờn
Nhanh chân bước xông pha nguy nan
Vui chân bước ta luôn hiên ngang

... (quên ba câu chót!)

Bỗng một đêm chúng tôi được nghe một bài thơ. Bạn hãy tường tượng bên ngọn đèn dầu cá gió thổi ù ù suýt tắt dưới mái lá thấp lè tè, những mái đầu xanh, những cặp mắt ngước lên chăm chú vào một thanh niên áo sơ-mi nâu bỏ trong quần cụt đen, say sưa đọc thơ. Giọng đọc cất lên chen lẫn trong gió biển thổi và tiếng sóng đánh triền miên.

Đây biển rộng, đây rừng sâu
Đây mênh mông cao cả
Đây thiên nhiên hòa hợp với lòng người
Đây muôn hồn tươi đẹp giữa hồng tươi . . .

Người đọc chính là thi sĩ Tâm Điền. Anh đọc thơ của anh. Anh làm thơ tặng các học trò của anh. Anh dạy chính trị bằng thơ. Anh tiêm vào đầu óc chúng tôi những vần điệu của thơ giữa cảnh biển rộng, rừng sâu mênh mông cao cả. Những đêm nghe thơ thật say sưa hào hứng.

Thời đó thơ còn rất xa lạ với mọi người, không mấy ai được nghe thơ, càng không có ai là thi sĩ. Thi sĩ phải ở đâu trên Sài gòn gì kia chứ, làm sao trong góc rừng ven biển mà có người làm được thơ? Thơ phải có từ đời xưa, in trong sách rồi ta chép, ta học, chớ làm gì có người làm được thơ ở ngay trước mặt ta, cầm trên tay mà đọc cho ta nghe?

Những bài ca lượm dưới biển, những bài ca của Tâm Điền - Lữ Sinh đã ảnh hướng vô cùng sâu sắc đến tâm hồn cậu bé 17, và đã tiêm vào lòng cậu ta một liều thuốc yêu nước, yêu dân tộc mà từ trước tới nay, những bài học lịch sử chỉ mới là một sự mơ màng.

"Thần dân nghe chăng, sơn hà nguy biến ? "

Câu hát này hay thật, nhưng nó như tiếng loa gọi từ lòng lịch sử xa thẳm mấy thế kỷ qua như trong một cơn mộng. Còn hôm nay, trước mắt là biển rộng, bên cạnh là rừng sâu, phía trên kia là bót giặc trong tầm súng, thì bài ca câu hát rất thực tế, không còn mơ màng xa xôi gì nữa.

Ngay cả tiếng súng của Vệ quốc đoàn cũng hàng ngày vang bên tai và khói đốt nhà của thực dân bốc lên trước mắt cay nồng, thì bài hát "Tự Do Cơm Áo Hòa Bình", bài "Tiến Lên Đường Sáng", bài "Chiến Sĩ Lên Đường" là tiếng thét xung phong, viết bằng thơ và âm nhạc của hai nhà nghệ sĩ vĩ đại: Tâm Điền và Lữ Sinh. Đó là tiếng lòng u ẩn, tiếng thét uất hận của dân tộc Việt Nam sau 80 năm nô lệ. Nhạc thơ ấy đã gây ảnh hướng sâu sắc không đời nào phai nhạt trong tôi.

Tôi mãi mãi nhớ ơn thi sĩ Tâm Điền, nhà thơ đầu tiên đã nói cho tôi hiểu rằng: thơ là tâm tình của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều làm thơ. Anh làm thơ từ thuở thanh xuân đến nay ngoài "cổ lai hi". Anh đã hai lần (1991-92) được tặng danh hiệu "Thi Sĩ Vàng" của World Poetry.

CHƯƠNG IX

TRẬN CẦU MỐNG 1946
HOẠ SĨ DIỆP-MINH-CHÂU
"SẢN PHẨM KỲ DỊ CỦA HOÁ CÔNG"

Cầu Mống là chợ làng Hương Mỹ quê vợ của Thống Tướng Lê Văn Tỵ.

Hồi năm 1946 Tây trở lại. Chúng dùng cái chành lúa của người Tàu gọi là Tiệm Mới, ở ngay đầu cầu trên trục giao thông tỉnh và dùng hằng vạn giạ lúa đã vô bao sẵn mà làm phòng tuyến. Tưởng rằng với những vách thành kiên cố như vậy, chúng sẽ sống muôn năm.

Bọn lính Tây và pạc-ty-dăng rất ác, chúng bắt người về đồn tra tấn tàn nhẫn. Một hôm chúng ra nhà tôi ở Cổ Cò tìm bắt tía tôi về làm hội tề cho chúng, nhưng ông bất hợp tác. Chúng định bắt má tôi, tôi bèn chịu bắt thanh, chúng đem tôi về đồn làm con tin, để tía tôi phải ra đầu hàng.

Sáng hôm sau có một chiếc xe jeep từ quận Mỏ Cày xuống đây. Vì trong đồn không có ai nói tiếng Pháp được, nên tên xếp đồn bắt tôi ra phiên dịch. Có lẽ tên quan ba thấy mặt mày tôi không đến đỗi tối tăm, nên hắn nói chuyện với tôi:

- Tao đến giữ an ninh cho dân chúng, tại sao chúng mày chống chúng tao?

Tôi bật lại ngay:

- Vì chúng tôi không muốn nước Pháp cai trị chúng tôi.

- Ồ, nước Pháp cũng đáng yêu lắm chứ, tại sao chúng mày không yêu mà lại thù?

- Tôi yêu Hugo, Balzac, Jeanne d'Arc, cả mụ đày tớ Nanon, nhưng không yêu các ông.

- Tại sao?

-Thì cũng như dân tộc các ông không thể yêu người Phổ trước kia đã cai trị nước ông rất khắc nghiệt. Và. dân Pháp đã giết người Phổ giành lại độc lập. Nếu ông đọc truyện "Những người tù binh" của Maupassant thì rõ.

Hắn ta có vẻ suy nghĩ hồi lâu, rồi ra lệnh cho tên xếp đồn thả tôi. Tôi chạy bay tóc trán về nhà, thì gặp bộ đội Hai Phải đang đóng ở nhà tôi. Các ông ấy đang ăn cơm, thì nghe tin lính đồn ra bắt gà. Họ bèn buông đũa, xách súng chạy ra đường phục kích tụi lính này, rồi xông vô đánh đồn luôn. Bộ đội hồi ấy chỉ có súng máy (FM) là cao, chớ đâu có súng phá tường, thì làm sao mà hạ cái đồn này nổi?

Dân làng ôm rơm, lá dừa đem đến ném quanh chân đồn, còn chủ tiệm người Tàu thì hiến dầu lửa để tẩm vải đốt đồn. Ngoài ra, người dân ở phố chợ rỡ nhà lấy lá, gỗ đem tới làm bổi. Một biển lửa bao quanh đồn. Cuối cùng ngôi đồn cũng bị sóng lửa tràn ngập. Chỉ vài tên pác ty-dăng liều mạng chạy băng qua biển lửa ra được bên ngoài, còn lại bao nhiêu thì bị cháy thành tro cùng với hằng chục ngàn giạ lúa.

Tất cả đã trở thành một quả núi tro bốc khói nghi ngút. Từ trong tro thấy lòi ra những đống xương trắng hớu. Một vài hòn tro quến cục lớn hơn nắm tay nằm lăn lóc bên những gốc cây. Người ta tới xem lấy cây khều, lật qua lật lại và bảo đó là trái tim. "Trái tim không cháy."

Cây bàng già bên mé sông bị lửa táp rụng hết một bên lá, còn bên kia de ra sông thì hãy còn xanh. Cái sân gạch, nơi những người chủ "tiệm Mới" ngồi hút ống điếu bình cũng đã bị tro than phủ lên. Mấy cây me trước cửa tiệm đã biến thành than đứng trơ ra đó, chỉ còn cái gốc không bắt lửa.

Trong khung cảnh đó, một người mặc sơ mi rằn, lưng đeo Colt 12 đứng bên hí hoáy vẽ. Anh vẽ cái núi tro chôn mấy chục tên lính pạc-ty-dăng. Đó là họa sĩ Diệp Minh Châu. Anh người làng Lương Quới, quận Châu Thành, cũng tỉnh Bến Tre. Anh là học trò của họa sĩ Hoàng Tuyển. Cụ Hoàng là người chuyên môn vẽ sơn thủy cho các gánh hát cải lương ở Sài Gòn. Một hôm cậu bé mê say xem cụ vẽ đến quên lớp học.

Cụ hỏi: "Cháu có thích không?" Thích lắm-em bé đáp. Rồi hai người trở thành thầy trò trong hội họa. Về sau, cậu bé học hết nghề của thầy, hết luôn trường Gia Định. Ra Hà Nội học Cao đẳng Mỹ thuật và trở thành họa sĩ nổi tiếng của Hà thành, được tặng danh hiệu "Họa sĩ của tóc và mắt" có nghĩa là : Họa sĩ vẽ tóc và mắt đẹp khó ai bì kịp.

Người họa sĩ đó đã đi kháng chiến đánh Tây, đã ra trận với bộ đội của các anh Nhàn, anh Quên, anh Tỷ (cà lăm) và anh Trung ... để vẽ tranh. Anh đã dự nhiều trận ở bên cù lao Bảo lẫn cù lao Minh của tỉnh Bến Tre, rồi lên Đồng Tháp Mười dự trận Gò Cát, trận Giồng Dứa, Giồng Dinh, VV... Bộ đội rất quí, mến anh và phục tài anh. Vi ra trận, anh cầm súng bắn và xung phong như lính. Nhiều trận chỉ huy không cho anh xung phong, giật súng lại, nhưng anh vẫn chạy tới. Khi về nhà, anh đưa ra những bức tranh vẽ bằng máu tại chiến trường. Anh lấy máu làm màu. Máu chiến sĩ anh dũng của ta còn nóng hổi - máu của giặc bị ta giết.

Trận Vàm Nước Trong, bộ đội của anh Măng (Romain) hạ đồn Tây, anh cũng có mặt. Bên ta chỉ có một chiến sĩ trẻ hi sinh, đó là anh Phạm Hồng Son - không nhớ quê quán ở đâu.

Họa sĩ Diệp Minh Châu đã chấm bút trong máu của anh Son mà vẽ chính anh trên lụa. Hãy tưởng tượng, ngồi vẽ dưới lằn đạn của chiến trận, thử hỏi ai có thể làm?

Bây giờ tôi gặp Diệp Minh Châu ở chợ làng tôi vẽ bức tranh Xác đồn Cầu Mống, tôi đứng xem thật mê man. Người họa sĩ như có phép thần, anh đang thu nhỏ cảnh vật và đưa lên tấm vải từng mảng. Dần dần nó choán hết tấm vải và toàn cảnh đã ở trên khuôn vải. Quả núi tro với cái linh hồn của nó: làn khói xám mong manh bay lên trong sương sớm.

Khoảng năm 1950, miền Tây tức là các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng hãy còn thênh thang độc lập, quân Pháp chỉ đóng ở thị xã, thị trấn, còn vùng nông thôn thì bỏ cho Việt Minh tung hoành. Bờ Kinh Sáng, Chắc Băng hãy còn những đoạn lộ đá nguyên vẹn, chỉ có những cây cầu, còn đường thủy thì "Buồm ngược xuôi rợp mát lòng sông".

Một hôm tôi lại gặp anh Châu. Vẫn hớt tóc bum bê, mép tóc vắt lỗ tai, lưng vẫn đeo colt xề xệ. Anh thấy tôi từ xa đã gọi: "ê, mày nhỏ đi đâu xuống đây?" Lần đó tôi được xem tất cả những bức tranh anh vẽ mấy năm đầu kháng chiến và cả trước kháng chiến. Anh chia phòng triển lãm ra làm hai. Một bên là "Nghệ thuật vị nghệ thuật" một bên là "Nghệ thuật vị nhân sanh". Tôi chẳng hiểu "vị" cái gì là cái gì, cứ thấy màu sắc là xem mê mải. Bất ngờ tôi gặp những bức tranh anh vẽ thời 40-43, khi tôi côn học ở tỉnh.- "Trăng Thu", "Suối Tóc" anh vẽ lụa chân dung những người đàn bà đẹp nổi tiếng tỉnh lỵ Bến Tre thời bấy giờ. Bức "Ngây Thơ " thì vẽ một cô bé chơi với mấy con mèo vá. Còn bên "Nghệ thuật vi nhân sanh" thì trình bày những bức vẽ Trung đoàn 99 đánh Tây đi xe ngựa ở Phú Lễ, Phục kích ở Tân Hào, Trận Cầu Mống, chân dung Trung đoàn phó Huỳnh Thế Phương, tranh Máu Phạm Hồng Sơn.

Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến cả nước, có một luộc triển lãm hội họa. Sau đó, anh đi lên miền Đông, rồi đi ra Bắc lúc nào tôi cũng không biết nữa. Nhưng có thể nói anh là người nghệ sĩ lăn lóc gió sương và trưởng thành trong khói lửa. Anh là người họa sĩ vẽ không ngừng tay, lúc nào cũng có tác phẩm còn dở dang hoặc dự định trong đầu, hiện thực lẫn trừu tượng, ấn tượng. Muốn nói hết về họa sĩ Diệp Minh Châu, phải viết vài cuốn sách. Tiếc thay hiện nay, ở Sài gòn anh sống trong thiếu thốn, chật vật và khủng hoảng tinh thần.

Năm 1958 tôi ở Hà Nội, có ý định viết một quyển tiểu thuyết lấy tên là Lửa Dưới Tro, mô tả việc kháng chiến chống Pháp vào những năm đầu 45-46 ở Nam-bộ. Nhưng muốn chắc ăn hơn, tôi đến tìm anh Diệp Minh Châu, lúc bấy giờ đang làm giáo sư trường Cao đẳng Mỹ Thuật ở phố Yết Kiêu, để mượn tấm tranh "Trận Cầu Mống" đem về treo trước mặt. Khi viết xong, nhà xuất bản giao cho ông Nguyễn Văn Trấn đọc.Ông khen hay. Nhà Xuất bản Quân Đội hứa in rồi không in. Lúc đó Hoàng Văn Bổn vừa ra quyển Trên Mảnh Đất Này, Phù Thăng cho ra Phá Vây. Mỗi người lãnh nhuận bút 4 ngàn, xây nhà gạch hoặc mua xe đạp tốt. Sau này tôi mới biết, sở dĩ nhà xuất bản không in sách của tôi là sợ tôi thành tư sản như hai đồng nghiệp kia ! Kế đến vài ba năm sau, tôi vượt Trường sơn với cái bản thảo trong ba lô, định đem về Nam xuất bản. Nhưng giữa đường sốt rét nặng, nằm lại một mình giữa một nơi không có củi, một cái lá khô cũng không. Tôi lục ba lô thấy những tờ pơ-luya đánh máy, bụng mừng vô hạn, bèn dùng nó mà nấu được một gà mèn cháo húp đỡ dạ để lết tới trên quãng đường vạn dậm.

Ôi thôi rồi, quyển tiểu thuyết! Dưới cái tên tiền định Lửa Dưới Tro, nên nó ra tro. Nếu không thì bây giờ tôi đã in ở hải ngoại.

Xin trở lại với họa sĩ Diệp Minh Châu.

Anh là một nghệ sĩ tuyệt vời, biết đờn vọng cổ, nhạc cải cách, viết chữ rất đẹp. Tôi được hân hạnh xem anh vẽ vài lần. Lúc anh vẽ, anh trợn trừng cặp mắt xoáy vào cảnh vật hoặc vào người như để thu hút cái tinh hoa hoặc nhìn thấu nội tâm để thể hiện nét bút.

Anh có mấy bức tượng lớn đặt ở các công viên Hà Nội, nhưng tội nghiệp anh nghèo quá, lại có tật hút thuốc liền miệng. Gặp ai cũng hỏi: "Ê, có thuốc cho điều!" .

Gặp tụi tôi quen cũ, anh bảo: "Thằng nào bao tao ăn tô phở bay !"

Hổng hiểu sao anh nghèo dữ vậy? Một bức tượng của anh giá bao nhiêu? Một hôm tôi đến xưởng của anh chơi. Nói là xưởng nhưng đó chỉ là một cái phòng con với đất sét gạch đá và vài món dụng cụ, dao, compas. . . v.v... Anh đang nặn tượng, không nhớ tượng gì. Tay ôm bụng, tay nhồi đất. Anh đang đau dạ dầy, không có phiếu mua nếp như Văn Cao. Anh có tật khi làm việc thì quên cả bịnh. Làm việc để quên đau, ngồi không sẽ đau hơn.

Anh gặp tôi lúc nào cũng hỏi: "Mày đang viết gì? Chừng nào xong, đưa tao coi với, may ra tao có thấy được một cái gì, để vẽ ra tranh, nặn ra tượng?"

Nhớ lại lúc còn trẻ, thấy anh vẽ Xác đồn Cầu Mống, tôi thật mê. Môn nghệ thuật nào tôi cũng thích. Thấy Linh Mục Phạm Bá Trực đờn violon trên tay (không kẹp trên cổ) và hát bài "Chiến sĩ Việt Nam" trong đình làng Vĩnh Đức (quê Ngoại tôi), tôi mê lắm, không biết chừng nào mình làm được như vậy? Thấy ban Tuyên truyền tỉnh diễn kịch, về nhà tôi bắt thiếu nhi trong xóm ra dạy đóng kịch bắt chước theo ban Tuyên truyền đốt lửa trại. Cũng làm Tây, cũng nổ súng. Tôi đóng vai Tây, nói tiếng Tây toàn tên thuốc Tây: Ô là là! Quinine, Strychnine, Prémarine, Quinobleu, Non, non, Teinture d'iode, Mercurochrome, Alcool de menthe ẹt Streptomycine... hả, hả! Đại khái như thế cũng hoàn thành vai Tây trên sân khấu.

Rồi đóng mọi Cà-răng-căng-tai. Cả đoàn Mọi từ trên núi kéo xuống để tham gia kháng chiến, mặt mày bôi lọ đen sì, không mặc áo, toàn thân quấn lá chuối, đi theo nhịp trống cà rùng, cà rùng, nói tiếng Mọi (Tây không ra Tây Tàu không ra Tàu) chẳng ai hiểu, nhưng ai cũng vỗ tay khen.

Gặp thơ thì chép, đọc, học thuộc lòng. Trong ba lô lúc nào cũng có tập thơ. Và lần này gặp họa sĩ Diệp Minh Châu lại muốn học vẽ. Anh có ba thanh niên đi theo mang vác những tác phẩm của anh cuộn tròn, đút trong những ống thiếc hàn kín, hễ gặp Tây ruồng thì đút vô bụi hoặc nhận xuống mương cho khỏi rách, ướt. Tôi muốn tình nguyện đi theo vác đồ nghề cho anh để học vẽ, không hiểu sao lại thôi. Thế là nhạc, kịch, họa đều xa tôi hay tôi không có duyên với nó?

Bây giờ anh Châu đã gần 80, chắc anh vẫn còn vẽ? Biết chừng nào tôi gặp lại anh, để nói với anh rằng có một thời anh và anh Tư Tâm Điền đã truyền chất diệu kỳ của tâm hồn nghệ sĩ sang tôi.

Cái định nghĩa về nghệ sĩ của Thạch Lam rất đúng trong trường hợp hai anh: "Nghệ sĩ là một sản phẩm kỳ dị của hóa công! "

CHƯƠNG X

SƠN NAM PHẠM ANH TÀI
KIÊN GIANG HÀ HUY HÀ

Sơn Nam tên thật là Phạm Anh Tài, quê ở làng Đông Thái tỉnh Rạch Giá. Không biết sanh năm nào, nhưng có lẽ anh hơn tôi chừng 9-10 tuổi.

Còn Huy Hà tên thật là Trương Khương Trinh, quê ở Long Xuyên (?), hơn tôi chừng 5-7 tuổi. Khoảng năm 1950 , khi tôi được đưa về tòa soạn Tiếng Súng Kháng Địch đóng ở miệt Ngan Dừa, Ngan Trâu (gần chợ Tà Beng) tỉnh Rạch Giá, thì tôi đã thấy hai anh đã có mặt ở đó.

Ngôi nhà ngói nền đúc đồ sộ, có lẫm lúa, có một dãy nhà ngang làm kho chứa vật liệu, bếp núc. Sau này hỏi ra thì hình như đó là nhà ông nội của nhà văn Hải Bằng.

Cậu bé Bằng lúc đó mới 5-7 tuổi. Nói là tòa soạn nhưng sự thực chỉ có ba ngoe: Văn thì Anh Tài, thơ thì Huy Hà bao sân, còn chủ bút thì có Rum Bảo Việt, tôi gọi là anh Sáu. Anh Sáu biên soạn chính trị, làm thơ và chịu trách nhiệm toàn bộ. Anh có tài viết là ra thơ và không sửa chữa. Tôi rất phục anh và được anh dạy làm thơ. Số báo nào cũng có thơ anh, loại thơ chiến đấu, hừng hực lửa căm thù.

Máu ai nhuộm nước U-minh ngầu đỏ
Xương ai phơi trên choại héo tràm khô
Dật dờ đi trong gió lạnh sương mờ
Hồn tử sĩ . . . .

Tiếc thay, anh lại rẽ sang con đường làm chính trị, lên đến chức Phó ban Tuyên huấn khu 9, rồi dừng lại đó cho đến ngày cuối đời, không làm thêm bài thơ nào.

Bây giờ xin trở lại Sơn Nam Phạm Anh Tài. Anh là người gần gũi và dạy tôi nhiều nhất. Lúc đó tôi chỉ làm mấy đoạn thơ không được đăng báo, phát khùng, tôi làm nguyên cả tập Xếp Bút Nghiên đưa cho anh Sáu xem.

Anh bảo: "Được, nhưng phải chữa nhiều". Rồi anh cất luôn ở đâu, không trả lại nữa. Giữa lúc đó thì báo ra đều đều, số nào cũng có bài của anh Tài và Huy Hà. Tôi nôn quá, làm sao có một bài để đăng báo và ký tên "Xuân Vũ"

Những chiếc xuồng liên lạc tới bến tòa soạn chở những quyển thơ Địch vận: Quạnh Hiu của Anh Tài, và Mình ơi, Con Nước Lớn Rồi của Huy Hà đi phân phát các nơi. Tôi đọc thấy khó làm thật, nhưng cũng có những đoạn mình có thể làm.

Anh Tài có tài ngâm thơ "Xa lông" rất hấp dẫn. Trong các ngăn kéo mối mọt của chủ nhà, chúng tôi bắt gặp tập Lửa Thiêng của Huy Cận. Anh Tài mừng rỡ vô cùng. Anh lén đem ra đọc và lén đưa cho tôi xem (vì sợ bị phê bình là mất lập trường.)

Chiều chiều anh thường lôi tôi ra mé sông có cội điệp già, ngồi trên những cái rễ ngoằn ngoèo sần sùi, nói hết chuyện mênh mông, lại sang thi phú. Anh thích ngâm thơ lục bát của Huy Cận. Giọng ngâm của anh nghe buồn não nùng và nét mặt của anh trông càng bi thảm. Hình như anh mang một mối sầu thiên cổ trong lòng, nên nó toát ra trong lúc ngâm thơ. Thơ đã buồn, anh ngâm càng buồn hơn, tôi không có nghe ai ngâm thơ như anh Tài. Nhưng anh chỉ ngâm cho vài người thôi, chứ không ngâm ở trước đám đông bao giờ. Tôi còn nhớ một vài đoạn trong "Lửa Thiêng" do anh ngâm:

Qua đêm thuyền đã xa rồi
Người ra giữa biển nghe hơi lạnh buồn
Canh khuya tạnh vắng bên cồn
Trăng phơi đầu bãi nước dồn mênh mang
Thuyền người đi một tuần trăng
Thuyền ta theo gió tràng giang lững lờ
Tiễn đưa vôi núi đợi chờ
Xa nhau buổi ấy bây giờ nhớ nhau

Tôi có bao giờ sống trong một cái cảnh biệt ly như vậy đâu Tôi có chờ có đợi ai đâu, thế mà nghe anh ngâm rồi cũng đợi chờ, thương nhớ bâng quơ man mác.

Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng mưa lò mái ngang
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
Dừng chân nghỉ ngựa non cao
Dậm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc, quán còn tịch liêu
Chơ vơ buồn lọt quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người.

(Đẹp Xưa - Đề tranh Tô Ngọc Vân)

... Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu
.....
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.

(Không nhớ tên bài.)

Cách đây 50 năm, nhớ lại mấy vần thơ, tôi vẫn như còn nghe dư âm giọng ngâm não nùng của anh. Chính anh là người dạy cho tôi "cú trung đối" trong thơ lục bát:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dậm trường.

Anh bảo:

- Mày thấy những chữ đôi, chiếc và hai vế câu tám có tài không? Rồi anh đọc tiếp:

Chăn đơn không ấm người nắm một (Huy Cận)

Chữ đơn và chữ một có thần tình không?

Rồi lại thêm:

Tuổi son má đỏ môi hồng

(Nàng Trinh Nữ của Nguyễn Bính)

Anh chắc lưỡi:

- Ba chữ son, đỏ, hồng thật là tuyệt.

Về văn xuôi, kỹ thuật viết truyện, anh dạy tôi cũng nhiều. Nguyên cái việc viết của anh cũng đã tức thì trở thành bài học cho tôi. Học thầy không tày học bạn, anh vừa là bạn vừa là thầy.

Trước nhất, anh bảo:

- Mày viết câu văn phải có bắp thịt. Nghĩa là nó không phẳng lỳ làng nhàng, đọc lên không gây xúc cảm. Anh đem Thanh niên Cận vệ (tức tiểu thuyết Molodaya Gvardiya, 1946) của Alexandr Fadeev đọc và giải thích cho tô i nghe . . .

Tôi không đời nào quên cái hình tượng của Fadeev dựng lên trong chữ nghĩa. "... Khi ta cần một chữ, thì có hàng trăm chữ hiện ra. Cũng như anh chỉ huy cần một tên lính, thì có đến cả trăm xin đầu quân". Vậy ta phải bắt lấy anh nào cho vừa ý nhất. Cũng như trong chữ, ta phải dùng chữ nào chính xác nhất... đắt giá nhất, ... độc đáo nhất để diễn đạt cái ý ta muốn diễn đạt. Nghĩa là khi ta dùng chữ đó rồi, không chữ nào thay vào mà hay hơn được

Anh Tài nói: "Mày hiểu không? Cũng như mày lựa vợ vậy, khi mày đã chấm cô A thì cô B dù có đẹp hơn giàu hơn cũng không làm mày hạnh phúc bằng cô A! Hì hì ..."

Tôi hiểu lắm! Tôi càng nhớ những bài thơ Đường của tía tôi bắt tôi chép lúc tôi còn ở nhà. Chỉ có 56 chữ mà diễn đạt được cả một... trời!

Nhớ lời anh Tài, sau này đọc sách thì tôi thường chú ý như anh bảo.

Khi ra Hà nội gặp được một ông thầy khác là nhà văn Nguyễn Huy Tường. Một hôm anh nói: - Cậu có đọc Kiều và thấy câu: "Lơ thơ tơ tiễu buông mành" không? Sáu chữ đó tuyệt tác. Nó diễn tả cái mong manh, mảnh mai của liễu. Ba chữ Lơ thơ tơ là những chữ rất thường, nhưng không thể tìm đâu ra được những chữ như vậy. Cụ Nguyễn đã đặt đúng chỗ, rồi ba chữ liễu, buông, mành đi theo ... Cho nên khi đọc 6 chữ, ta nghe lòng nhẹ nhõm và thấy những tơ liễu rủ mong manh ... Thơ phải đâu là điều gì khó khăn khúc mắc?

Khi tôi đọc Chí Phèo của Nam Cao, tôi thấy ông tả Chí Phèo sau một trận say, thức dậy nằm trong lều cô độc "Lòng thấy mơ hồ buồn". Đọc đến chữ "mơ hồ", tôi buông sách. Đúng quá ! Buồn, nhưng buồn mơ hồ, không duyên cớ. Không có chữ nào hay hơn chữ "mơ hồ ".

Cũng như khi đọc Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, gặp mấy chữ "thoáng một tí nghi ngờ " tôi cũng giật mình. Ông tả chị hàng bún chấm cây tăm vào chiếc lọ con rồi lại cho vào bát bún của khách hàng. Người khách nâng tô bún lên, nghe "thoáng một tí nghi ngờ" vì cái hương cà cuống!

Tôi đọc những chữ trên đây hằng nửa thế kỷ mà vẫn còn nhớ. Chữ nghĩa Việt Nam giàu quá như rừng vàng biển bạc, nhưng người viết phải biết dùng. Đó là công việc của nhà văn.

Xin trở lại với anh Tài. Một hôm anh chỉ cho tôi câu. .văn bắp thịt. Nói nôm na ra là như cái bắp thịt con chuột của anh nông dân. Văn là phải như thế đó, chớ không phải suông đuột như bắp tay con gái.

Anh bảo khi mày đọc lại truyện mày viết, thấy nó lềnh lềnh thì nên bỏ cả hoặc bỏ những đoạn đó mà viết lại. Đọc mà buồn ngủ thì ai đọc hết truyện của mày? Đây bắp thịt là thế này:

Anh A và anh B muốn đấu kiếm với nhau. Anh A hỏi:

- Mày có đem gươm theo đó không?

- Nó không bao giờ rời tao!

Cái câu trả lời rất bắp thịt. Nếu bình thường người ta chỉ đáp:

- Có chớ! ta đeo trong lưng đây!

hoặc:

- Ta có sẵn đây!

Mày thử tìm câu trả lời nào hay hơn câu thứ nhất xem! Không có câu nào! Mày phải viết những đoạn cuồn cuộn như bắp thịt của một lực sĩ. Như thế mới lôi cuốn người đọc.

Hồi đó khó tìm sách để đọc lắm. Đôi khi đóng cơ quan trong nhà giàu có tủ sách cũ, quơ bậy trong xó hộc tìm được một cuốn Tự Lực Văn Đoàn hoặc Tiểu thuyết thứ bẩy, mới đọc được Khái Hưng, Nhất Linh, truyện ngắn của Ngọc Giao, Hồ Dzếnh, tôi thấy sao văn ngọt ngào thế? Biết bao giờ mình mới viết được như người ta?

Những lúc ông chủ bút đi họp cả tuần lễ, anh Tài và tôi lấy xuồng chèo đi xuống tận Tân Bằng mượn một hai quyển sách của chi hội Văn nghệ. Đường chèo mất ba ngày đi, ba ngày về, chớ đâu phải gần. Nhưng hồi đó tôi còn trẻ lắm, sợ gì chèo chống mỏi mệt. Anh ngồi trước mũi kể chuyện cho tôi nghe. Anh có tài kể chuyện. Chuyện bắt cua bắt nhái ở quê anh, chuyện văn chương nghệ thuật, anh nhớ rất dai. Truyện Kiều đọc hồi xưa, những câu hay nhất, anh bảo nằm ở trang nào, ở đầu hay ở cuối trang.

Lúc anh viết truyện Tây Đầu Đỏ (chủ điền Tây) anh có cho tôi xem. Lúc đó khó tìm được giấy quyến để quấn thuốc, anh phải vô nhà in xin giấy báo (papier joumal) dẻo, về thay giấy quyến. Lúc hết giấy anh xé cả bản thảo hút thuốc. Anh viết đoạn sau, thì đoạn trước đã ra tro rồi. Tôi hỏi rồi anh làm sao viết lại? Anh bảo:

- Tao chép lại y nguyên!

Có lần tôi thử xem anh nói chơi hay nói thiệt. Tôi bảo anh chép lại một truyện đã in báo thử xem nào. Anh chép lại đúng y. Một lần khác tôi lấy bản thảo anh đang viết, và đọc to lên cho anh nghe, cố tình đọc sai một vài chữ, nhảy một vài cái chấm cái phết. Anh tốp tôi lại ngay và "cải chính". Anh Tài có một trí nhớ và cách làm việc phi thường.

Còn nói về truyện "miệt vườn" thì tôi tin chắc không một nhà văn nào hiểu vùng quê (Bạc Liêu - Rạch Giá) bằng anh. Anh có thể là nhà nghiên cứu sử địa, chứ không chỉ nhà văn.

Một lần anh mô tả một gia đình nọ, ông bố đi chợ về, lượm cái hộp lon sữa bò để làm ống đũa. Về sau khi tôi đọc Tô Hoài, thấy anh tả một ông nông dân ra đường cao su nạy một ít nhựa về gắn lại cái đĩa bể. Anh Tài và Tô Hoài đã dạy lôi như thế mà hai anh nào có biết! Và nhờ những chuyện nhỏ như vậy mà tôi hiểu văn học, viết văn.

Xin trở lại chuyện đi mượn sách ở chi hội Văn nghệ Nam bộ. Ở đây thỉnh thoảng có một quyển sách mới do một phái đoàn từ Bắc vào Nam. Sách mới đó là: Đêm Liên Hoan của Hoàng Cầm, Xung Kích của Nguyễn Đình Thi. Lúc đó ở Nam Bộ chỉ có mấy nhà thơ. Ở khu 8 có Truy Phong và Bảo Định Giang (báo Tổ Quốc), Ở khu 9 có Rum Bảo Việt và Huy Hà (báo Tiếng Súng Không Đích), còn khu 7 thì có Huỳnh Văn Nghệ và Nguyễn Ngọc Tấn (báo Tiền Đạo). Về văn thì ở khu 9 có Anh Tài, khu 8 có Đoàn Giỏi và Minh Lộc, khu 7 có Hoàng Văn Bổn. Nhân tài trong Nam Bộ đúng là như "lá mùa thu." Ở chi hội Văn Nghệ có tờ báo Lá Lúa, do thi sĩ Hà Mậu Nhai làm thư ký tòa soạn. Ngoài ra còn có "Tam Hoàng": Hoàng Tấn, Hoàng Phố và Hoàng Thanh Bình. Còn Nguyễn Bính thì ở khu 8 (Đồng Tháp Mười), nhưng bài của anh đăng khắp ba khu.

Xuống chi hội Văn nghệ, anh Tài là người có uy tín mà chỉ mượn được có một cuốn La Tempête của Ilya Ehrenbourg. Mà trước khi cho mượn, anh Nhai bắt phải hứa: 3 tháng đem trả. Anh Tài hứa ngay để được sách. Đem sách xuống xuồng rồi, anh đọc, tôi chèo. Đoạn nào hay anh giải thích cho tôi nghe, và phân tích về cách viết và bảo tôi phải nhớ những chi tiết ly kỳ .

Khi về tới cơ quan thì đã đọc hơn phân nửa quyển La Tempête dày 600 trang tiếng Pháp. Toàn Nam Bộ chi có một bản, mà chỉ anh Tài mới mượn được, và tôi có gan chèo sáu ngày để tới nơi mượn sách, thì đủ biết sự ham mê văn nghệ của chúng tôi cao đến mức nào.

Thuở đó, có lẽ không ai rõ chức nghiệp của nhà văn hơn anh Tài. Có lần anh rủ rỉ với tôi, không nhớ là vào dịp nào:

- Nghề đánh giặc thì tao nhường cho ông Giáp, nhưng viết văn thì ông ấy phải nhường cho tao chớ!

Con người ốm o, ăn mặc xập xệ ấy đã cho tôi hiểu về văn chương nghệ thuật thuở ban đầu và mãi mãi sau này. Những bài học ngắn ngủi, thân ái, nghe qua tướng dễ, nhưng áp dụng cả đời không xong, không được. Sau này tôi có đọc Hương Rừng Cà Mau, tôi thấy anh là một bậc thầy. Văn học Nghệ thuật không có được mấy người như vậy.

Người thứ hai tôi gần gũi là Huy Hà. Anh học trường Bassac và sớm mê thơ Nguyễn Bính. Con gái của anh hiện nay ở Hoa Kỳ, đã cho tôi biết là thuở còn đi học anh đã từng lén nhà xúc gạo đem cho nhà thơ giang hồ nghèo Nguyễn Bính, khi thi sĩ lưu lạc về bờ biển Rạch Giá khoảng năm 1942. Qua kinh nghiệm cuộc đời, tôi thấy hình như nghệ sĩ nào lớn lên trong nghề cũng đều có sự nâng đỡ, dạy dỗ của một người đi trước. Anh Tài: Quách Tấn, Huy Hà: Nguyễn Bính.

Huy Hà đối với tôi còn là một người thân tình. Lúc kháng chiến thoái trào, anh và anh Tài thường khuyên tôi cưới vợ. Anh còn bảo: "Nếu mày muốn, tao sẽ kêu em vợ tao ra gả cho mày!" Nhưng thời đó tôi mới 20 tuổi mộng tang bồng chưa thỏa, đâu chịu để sợi tơ buộc chân chim.

Anh là một người rất khiêm tốn, không thích sự ồn ào Lúc nào anh cũng viết một bài thơ dở dang. Nhiều lần anh gọi tôi bảo: "Ê Xuân Vũ, tao mới làm bài thơ đã lắm, ra đây tao đọc cho nghé!"

Anh rất thích câu hát đưa em. Trong chiếc sắc-cốt da rách nát, hình như lượm ở đâu, chớ không phải mua, lúc nào cũng có cả xấp giấy rọc nhỏ ghi câu hát đưa em mà anh nghe được ở đâu đó.

Ví dầu cầu vốn đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.

Chú thích: gập ghình chớ không phải gập ghềnh.

Ví dầu cậu giận mợ hờn
Em theo cùng mợ kéo đờn mợ nghe
Mợ nghe tôi kẻo đờn cò
Đứt dây ứ hự quên hò, xự xang.

Chú thích: Kéo đờn chớ không phải kéo đàn.

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán chẳng lời chèo chống mải mê
Ví dầu ví dẩu ví dâu
Ăn trộm hái bầu ăn cướp nhổ dưa.

Có lẽ ca dao đã thấm vào hồn thi sĩ từ thời trẻ, cho nên thơ của Huy Hà, nhiều bài mang hơi thở ca dao:

Mười chín tuổi chị lấy chồng
Hai mươi mới có con bồng trên tay
Mỗi lần ru giấc ngủ ngày
Chị ghiền tiếng hát, chị say câu hò
Nếu không vang tiếng ầu ơ
Không văng vẳng tiếng võng đưa thâm trầm
Chi buồn như buổi chợ tàn
Như ngày không nắng như rằm không trăng.

(Mẹ con Tiên nữ, 1958)

Tôi thấy nguồn hứng của Huy Hà triền miên, chớ không phải từng lúc, và đợi có hứng mới viết. Anh viết trong bụng, lúc chèo xuồng, đậu xuồng nằm nghỉ dưới bóng cây ở ven sông, và cả lúc hành quân giết giặc.

Năm 1950, khi chiến khu 9 mở chiến dịch Long Châu Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên), tôi và Huy Hà đi làm phóng viên chiến trường cho báo nhà. Dọc đường gặp nhạc sĩ Quốc Hương, hai người cùng làm bài hát cho chiến sĩ hát, đó là bài "Cười Vui Mà Đi Long Châu'. Nhạc của Quốc Hương, lời của Huy Hà. Huy Hà không biết nhạc, Quốc Hương phải hát bằng dấu "sắc", "hỏi", "huyền", "không" cho anh nghe ở một gò đìa. Sau khí vượt qua kinh Cái Sắn trên đường lên Mỹ Hiệp Sơn, Quốc Hương bảo Huy Hà:

- Mày ráng làm cho xong. Tối nay đốt lửa trại, tao sẽ hát cho chiến sĩ nghe.

Huy Hà vừa lội sình ngang tới cổ, vừa làm lời. Anh biết tôi có chơi măng-đô-lin, nên gọi lại hỏi chữ này chữ khác Lúc đó mệt đến điên người, còn nói sao ra cho được nữa, tôi đáp:

- Anh cứ cho một cục sình vô là xong.

Đêm đó, Quốc Hương cầm giấy nghiêng vào ánh lửa. vừa đọc vừa hát. 46 năm trước, những người đi kháng chiến chống Pháp nếu từng dự chiến dịch này, có còn nhớ dáng điệu hùng dũng của nhạc sĩ Quốc Hương đêm ấy bên bờ Kinh Xáng Mỹ Hiệp Sơn bên sườn núi Ba-thê?

Quốc Hương đã dùng tiếng hát tài hoa để lau chùi lòng súng của chiến sĩ Trung đoàn Tây Đô vào mùa xuân năm ấy. Nay thì tiếng hát đã nằm yên dưới mộ với nhạc sĩ, còn người làm lời ca thì nằm trên giường bệnh.... ở Sài gòn:

Cười vui mà đi Long Châu
Tình thương reo trong nòng súng
Ta về mang theo Vui Mừng
Cầm súng ta đi diệt Tây
Quân về Long Châu! Quân về Long Châu!

Có lẽ đó là bài hát độc nhất của Huy Hà?

Tôi là kẻ đi bên cạnh anh, khi anh nhẩm từng câu. Cũng là người nghe đầu tiên khi anh Quốc Hương hát thử trước khi trình diễn. Cái tâm hồn nghệ sĩ và lòng yêu nước của hai anh thật là hồn nhiên và lồng lộng. Riêng tôi thì thấy mình bước gần tới nghệ thuật thêm bước nữa.

Cũng trong chiến dịch này, Huy Hà đã làm hai câu thơ ca ngợi tình đồng chí nơi chiến trường:

Sặc rằn chia đứa nửa con
Mặn mà, mà nhớ, mà thương nhau hoài.

Chữ mà điệp vận mới hay làm sao!

Huy Hà làm nhiều thơ lắm, bài nào cũng hay, cũng có thi tứ độc đáo. Người dân Sài gòn, nhất là giới học sinh, còn có ai là không biết bài "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" của anh. Nhiều hãng Vi deo đã trình bày ở Hải ngoại và trong nước. Năm ngoái bất ngờ nghe một nữ ca sĩ hát, bỗng nhiên nước mắt tôi ràn rụa. Tôi vụt nhớ con khô sặc rằn của Huy Hà trong chiến dịch Long Châu, chính chúng tôi đã chia cho nhau.

Hỡi ôi, những kỷ niệm xưa hồ như chôn vùi trong dĩ vãng, bỗng nhiên sống lại nguyên hương nguyên tình. Đây tôi xin chép lại mấy đoạn "Hoa Trắng" của anh.

Chuyện không có gì là ghê gớm, nhưng nó bất hủ là nhờ tài hoa của Huy Hà tiên sinh.

Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng em dừng lại không đi

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ '.'
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan "
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang.

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng ..
Anh kết tình tang gửi xuống mồ.

"Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
"Nhưng tin có Chúa ngự trên trời .
"Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
"Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi! " .

Tôi không có ý định viết về thơ Huy Hà, chỉ ghi lại tình cảm xưa của tôi đối với anh qua vài đoạn thơ, nhưng thơ hay không ngừng bút được, xin chép thêm vài đoạn "Đẹp Hậu Giang " là bài thơ mộc mạc nhưng thâm thúy như ca dao:

Muối Bạc Liêu mặn tình biển cả
Tiêu Hà Tiên nồng ý quê hương
Thơm tho khói thuốc mùi Cao Lãnh .
Cá cháy bùi ngon và Sóc Trăng
Gạo móng chim thơm mùi rạ ngọt
Nấu nồi hòn Đất hòn Me
Chụm than đượm lửa cây đước
Ôi lửa Cà Mau đẹp bóng quê

....
Trở lại xóm dừa mùa lửa loạn
Ngồi trên bến cũ lắng thời gian
Vô tình tôi vớt trong dòng nước
Giọt máu miền Nam nước Việt Nam 1

Nước chảy một dòng ra biển cả
Vẫn mang tình nước Cửu Long Giang
Sóng ơi! dù nước ra khơi biển
Vẫn nhớ rễ bần đất Hậu Giang.

Bài thơ này Huy Hà làm trước 1950. Anh có đọc cho tôi nghe. Sau đó anh về Sài gòn mới in ra, và đề năm 1956 .

Và một bài thơ làm cùng thời: "Tiền và Lá" tặng thi sĩ Nguyễn Bính để nhớ ngày tá túc ở xóm biển Kiên Giang:

Ngày thơ hớt tóc "miểng vùa
"Ngày thơ, mẹ bắt đeo bùa "cầu ông"
Đôi ta cùng học vỡ lòng
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh
Đôi nhà cùng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh trái đào
Đêm vàng soi bóng trăng cao
Ngồi trên bờ giếng đêm sao trên trời
Anh moi đất nắn "tượng người"
Em thơ thẩn nhặt lá rơi. . . "làm tiền
Mỗi ngày chợ họp mười phiên
Anh đem "người đất "đổi "tiền lá rơi
Nào ngờ, mai mỉa cho tôi
Lớn lên em đã bị người ta mua
Kiếp tôi là kiếp làm thơ
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi
Tiền không là lá em ơi
Tiền là giấy bạc của người in ra
Người ta giấy bạc đầy nhà
Cho nên mới được gọi là chồng em
Bây giờ những buổi chiều êm
Tôi gom lá đốt, khói lên tận trời.

Thời ở tòa soạn báo với hai anh, tôi được đọc nhiều thơ của Nguyễn Bính, có thể nói tôi thuộc hết thơ của Nguyễn Bính. Đặc biệt là bài Lỡ Bước Sang Ngang, dài trên một trăm câu lục bát. Tôi đã mua mực Waterman để chép thơ. Nếu rủi có chôn xuống mương cũng không phai.Việc chép thơ và thơ đối với tôi thời đó không xa lạ. Nhưng bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy tôi đã dần dà đi vào văn chương mà không hay. Lúc còn ở nhà, tía tôi bắt chép thơ Đường, đọc Kiều để tìm ra "Mười lăm năm", tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm thơ.

Khi đi học với thi sĩ Tâm Điền, tôi cũng mới biết làm thơ Khi sống với anh Sáu Rum, tôi cũng chỉ dám nghĩ "sẽ làm thơ", nhưng mỗi lần thấy anh ngồi xuống, là xong bài thơ đăng báo, tôi sợ quá, nên tôi phải giữ phận "gối rơm". Nhưng khi đi chơi, trò chuyện với Anh Tài và Huy Hà, thì tôi thấy là "người ta làm được, mình cũng làm được,". Tuy Anh Tài có chỉ cho cách viết như trên, nhưng tôi không biết làm sao mà viết cho ra chuyện. Và chuyện gì mới được chứ?

Thời gian đó, trên báo chí đăng những bài phóng sự trận đánh, thơ và những bài chính trị, và lâu lâu mới có một vài mẩu chuyện nói về chiến sĩ. Chỉ có Đoàn Giỏi là người đầu tiên viết truyện, đó là truyện "Đường Về Gia Hương", độ chừng 50 trang, và "Khai Sát Giới", nói về một nhà sư dùng cảnh chùa làm bãi chiến trường giết giặc pháp, không nhớ tên tác giả. Ngoài ra, Nguyễn Bính viết một truyện bằng thơ là "ông Lão Mài Gươm". Mãi về sau mới có giải thưởng Cửu Long năm 1950 (?) mới thấy xuất hiện Minh Lộc với Con Đường Sống, và Hoàng Văn Bổn với Vỡ Đất. Rồi đến truyện Xung Kích ở ngoài Việt Bắc vào.

Tôi đọc Xung Kích mới thấy rõ những nét của anh bộ đội có đời sống, có tâm tình, chớ trước kia không dám đưa cuộc sống riêng tư của nhân vật vào truyện vì cho rằng nó không có tính chiến đấu.

Riêng về Anh Tài là người viết truyện tiên phong ở Nam Bộ, nhưng cũng không có nhân vật bộ đội hoặcngười kháng chiến. Anh viết nhiều về những tá điền với chủ điền Tây ngày xưa như: Tây Đầu Đỏ, Bên Rừng Cù Lao Dung. Trong đó anh mô tả nhân vật toàn diện, có tên tuổi có gia thế, hoàn cảnh chống áp bức và hành động rất hiện đại. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy truyện của anh viết cách đây 40 năm vẫn còn mới nguyên. Tôi vẫn thích nhân vật Bảy Cần trong Tây Đầu Đỏ ngồi dưới bếp quạt lửa nấu nước. Nước đã sôi mà không chịu lên nhà trên vì hổ thẹn đã đưa con gái mình qua nhà Tây Đầu Đỏ để phụ "rửa chén"...

Anh luôn luôn nhắc tôi phải tránh lối viết và đối thoại "tự nhiên chủ nghĩa" mà có một lúc người ta xúm nhau đi vào cái lối mòn và sai lầm đó. Anh bảo: Văn chương phải là gọt giũa nếu không, ai cần văn chương!

Muốn biết chợ búa ra sao, người Pháp chỉ cần đi chợ là đủ, chớ cần gì đọc chuyện Maupassant. Còn muốn biết lá rụng ra sao, chỉ cần nhìn lá rụng, chớ đâu phải đọc Lá Thu của Hugo cho tốn thì giờ!

--------------------------------

1

Hai câu này lúc chưa in là: "Khêu đèn tôi thấy trong lòng nước/ Có máu miền Tây, máu Hậu Giang."

CHƯƠNG XI

NHÀ PHÓNG VIÊN
BẮT ĐẦU BIẾT MÙI THUỐC SÚNG

Tôi làm phóng viên cho Tiếng Súng Kháng Địch đi xuống bộ đội đánh giặc, phục kích giao thông, công đồn. Ban đầu sợ lắm, nằm chờ giặc đến cứ mắc đái hoài, mà đâ có chỗ để đi, cứ tè tại chỗ. Cái chi tiết này, tôi viết lên báo, chiến sĩ thích lắm, nói đó là thực tế. Nhất là mấy anh tân binh thì cho rằng "đúng" vô cùng.

Có lẽ nhờ quen với bộ đội hồi ở Bến Tre, bây giờ gặp bộ độ, tôi "hít" lắm, tôi cho chiến sĩ đánh Tây là những người anh hùng. (Họ tưởng đánh Tây xong, nước mình độc lập thiệt tình. Nào dè sau khi Tây đi, người ta còn muốn Tây trở lại!). À quên, tôi cũng có hụ hợ trong trận Tầm Vu nữa chớ, đâu hồi 1949-50 gì thì phải. Lâu gì lâu dữ, làm sao mà nhớ chính xác ngày tháng, những hình tượng thì không phai mờ. Cái trận đó lấy được "Cà nông xăng xe" tức là cà nông 105, chiến sĩ ta kéo không nổi, phải bắt trâu bò kéo... đến đứt ruột chết. Trâu kéo thì tôi thấy, nhưng trâu đứt ruột thì không, vài mắc lo chạy trước, chớ đâu có ở sau. Về nhà tôi viết phóng sự, thì anh sáu mới thêm cái vụ "đứt ruột" vô. Tôi cãi lại, anh cú đầu tôi: "Mày chạy trước nên không biết". Về sau tôi mới hay là ảnh "sáng tác" cái vụ "đứt ruột" đó. Thế là tôi học được một bài học trong nghề viết...

Vụ đánh trận Sóc Xoài, cũng trước hay sau vụ Tầm Vu ít lâu thôi, nhưng chỉ lấy được cà-nông "xăng đít" (quatre vingt dix=90), anh em nhại theo "xăng xe" hồi trận trước nên nói là "xăng đít", chớ kỳ thật không có cà-nông nào 110 ly, chỉ có 90 hoặc 105 ly.

Hồi đó đánh Tây vui thiệt vui, coi cái chết như không. Vì yêu nước mà! Chiến sĩ ra trận ôm súng mút-cờ-tông trong tay mà chưa biết rành, chỉ huy phải bò tới bảo: bắn, lắp đạn, nhắm như vầy, như vầy... Thế mà đánh vẫn thắng như chẻ tre, không có trận nào mà không thắng cả. Liều mạng cũng có khi thắng địch chớ!

Có một trận vui thiệt vui, Tây chết bộn, đốt xe cháy mịt trời. Bỗng từ trong đám lác nhô lên một cái đầu tóc vàng hoe, quăn đớn, mặc áo không phải áo, quần không phải quần. Chiến sĩ không biết, đó là một con đầm. Nó tốc váy lên... ý nó bảo chiến sĩ ta.... rồi đừng giết nó. Bỗng anh chỉ huy tới hét, nó hoảng hồn buông váy xuống và lủi.

Khi về viết phóng sự, tôi cũng ghi ra y như vậy. Anh Sáu gạt bỏ hết cả đoạn này mà không giải thích cho tôi hiểu tại sao.

Sau đó, gặp Anh Tài, ảnh mới bảo:

- Tout n'est pas bon à dire! (Không phải cái gì cũng nói ra được!)

Thế là tôi học được một bài học khác, không chỉ trong văn chương mà cả ngoài đời.

Cuộc đời làm phóng viên của tôi, có ai dạy cho ngày nào mà vẫn cứ phóng ào. Tuy vậy cũng oai! Khi xuống bộ đội thì vị chỉ huy giới thiệu đây là phóng viên của khu. Tôi được đi chung với ban chỉ huy, ngồi chung hầm. Trên lưng mang ba-lô, vai đeo sắc-cốt, túi giắt bút máy, ghi ghi chép chép. Bên trong sắc-cốt toàn là giấy trắng, tưởng có thể viết bài cả trăm trang.

Bữa đó đánh đồn. Tôi định bụng sẽ tường thuật một bài thiệt ngon để lấy oai với chiến sĩ. Thường thường những trận đánh không có phóng viên đi theo, ở nhà cứ nghe tin chiến trường rồi sáng tác phóng sự, nên chiến sĩ đọc thấy không đúng sự thật, các vị chỉ huy cự nự rùm trời "nhà báo ở trong tháp ngà". Lần này thì không thể nữa. Tôi hỏi từng đội từng tên để tường thuật, không chê vào đâu được.

Ngờ đâ khi cây moọc-chê 81 của đại đội trợ chiến mở đợt phá khẩu cho xung kích lại không gầm. Cả nửa tiếng đồng hồ loay hoay ngoài vòng rào không vô được. Lính trong đồn hay, bắn ra như mưa bấtc. Đơn vị (của anh Thiên) phải rút lui. Nhưng khổ cho tôi. Trận đó tôi bò vô với một đội xung kích, ý định sẽ viết cho kỹ việc chiếm đồn. Cho nên khi nghe quân ta hô "xung phong" tôi cố bò tới. Một lúc lâu nhìn lại còn có một mình. Phía sau lưng tôi bộ đội đang rút lui, len lỏi dưới mé mương từng tốp, tôi mới giật mình. Thôi bỏ mẹ rồi! Khi xuất phát, ban chỉ huy có phổ biến:"Xung phong" là khẩu lệnh "rút lui!". Lâm trận, đầu óc rối bời, tôi quên khuấy đi, cứ tưởng xung phong là xung phong chớ đâu có nhớ đó chính là rút lui!

Ông phóng viên bèn vọt theo, chạy bò càng. May không bị thương nhưng về đến địa điểm thì ba-lô lẫn sắc-cốt còn bỏ bên rào bót. Trận này về đến toà soạn tôi chỉ tường thuật miệng.

Tuy vậy ông phóng nhà ta cũng không ngán. Lần này cũng đi đánh bót nhưng không công đồn mà "nội ứng".

Bạn biết sao tôi hăng đánh đồn vậy không? Vì tấm ảnh của Chateaubriand, tác giả quyển Mémoires d'outre Tombe - ("Ký ức dưới mộ"). Ông ấy đẹp trai lắm. Có người yêu tên Récamier hay gì đó quên mất. Thuở nhỏ đi học thấy tấm hình của ông ấy chụp đứng bên đống gạch điêu tàn (Ruines) "tóc lộng tơi bời gió bốn phương". Vẻ mặt sầu thảm, đôi mắt ngó xa xăm, tay phải thọc vào áo gi-lê, chân bắt tréo. Nói chung là rất nghệ sĩ. Cái tấm ảnh đó vẫn còn ăn sâu vào đầu tôi qua khói lửa kháng chiến cũng không mờ. Tôi bỗng có ý định chụp một tấm hình "nghệ sĩ" ' như vậy. Đánh đồn xong là đốt. Tôi sẽ đứng bên xác đồn đổ nát hoặc xác xe bốc cháy mà chụp một tấm hình kiểu đó. Cho nên bộ đội đánh xe, đánh đồn gì chàng cũng phóng theo. Lần đánh nội ứng (bót Phán Đặng - ở Cần Thơ) bị nội ứng phản thùng, nhưng quân ta cũng vô được bên trong.

Anh tiểu đội trưởng của tôi chĩa súng vô ngực tên lính đang ngủ trên giường bắn nửa loạt Tôm xông (tức súng máy Thompson). Một tên khác ở đâu không biết, nhào tới giật súng. Hai người giằng co. Tôi rọi đèn pin và kêu một chiến sĩ khác tới bắn. Còn viên đội có súng lục lủi dưới gầm giường. Tôi thấy rõ ràng hắn chĩa họng súng về phía chúng tôi: - Pằng! Tôi nghe đau điếng, tôi buông cây đèn và tìm lối thoát ra bót. Lúc bấy giờ đã im tiếng súng, đơn vị đã rút lui cả rồi (mà không hô xung phong tiếng nào cả).

Một anh bộ đội cõng tôi chạy ....

Trận đó, bài phóng sự cũng không viết được, vì quân ta bỏ lại trong đồn sáu xác chiến sĩ.

Còn nhiều trận lâm ly vui vẻ nữa, nhưng chỉ xin kể mấy trận để minh họa bước đầu viết phóng sự của tôi. Cái tên "Xuân Vui không biết ai đặt cho, được ký trên báo hồi thời đó.

Mới vừa rồi có anh chỉ huy cựu trào chống Pháp, nghĩa là cách đây 46 năm, một trong các vị chỉ huy nổi tiếng là "anh dũng xung phong, nỗi sợ hãi của giặc Pháp" đến thăm tôi. Lạ chưa, như một giấc mơ! Anh năm nay đã 81 tuổi. Hai anh em ngồi uống trà. Anh nhắc lại những trận đánh ly kỳ thời 45-50 mà chỉ những người yêu nước dám phơi gan trải mật dám xông vào. Chính tôi đã đi theo bộ đội của anh trên khắp miền Tây. Đánh không biết bao nhiêu trận. Nào đánh xe thiết giáp. Nào đánh chìm tầu Tây, nào đột nhập thị xã này, thị trấn nọ...

Những trận chiến thắng huy hoàng đem chiến lợi phẩm về triển lãm. Chiến sĩ được đồng bào coi như thần thánh. Tôi hỏi những vị chỉ huy cùng tuổi với anh hiện ở đâu?

- Chết hết rồi! Chi còn tao là đạn chê nên còn đây thôi !

Tôi nhớ lại những ngày lặn lội ở miền Tây 9 tỉnh Hậu giang. Không chỗ nào là chỗ không có dấu chân anh. Anh nhắc lại. Tôi cũng bổ túc thêm.

Bỗng anh hớp miếng trà và cười ha hả:

- Nhưng chắc mày quên một chỗ?

- Chỗ nào vậy anh Tư?

Anh lại hớp trà như để thấm giọng, sửa soạn kể một chuyện dài, và nói:

- Em nhớ hồi mình đánh lấy chiếc xe tăng ở Hà Tiên không?

- Dạ nhớ. Đó là sau trận đánh tầu lấy được vô số đạn dược và cà-nôngt Tôi nói luôn - Trận đó đánh chìm tầu là do ý kiến của anh. Lần trước nước lớn, tầu chạy ngang súng mình bắn không lủng vì hông tầu bọc sắt. Anh tức mình chửi ó trời. Mấy bữa sau anh lại cho phục kích. Chờ nước ròng, mình ở trên bờ bắn chĩa xuống, lòng tầu không có bọc sắt. Trời! Lấy đạn thùng nào thùng nấy đầy ắp, đạn vàng tươi, mê con mắt. Nhưng còn cà-nông thì nó bắt bù loong dưới đáy tầu, không gỡ được, phải đưa thợ lặn xuống cưa đem lên.

Anh tiếp:

- Phải rồi. Sau đó nhờ đạn mới, mình đánh lấy xe tăng. Đánh xong lấy đây xích đem về triển lãm, chớ xác xe tăng quá nặng không chở về nổi. Rồi mình kéo quân từ Hòn Me, Hòn Đất về nghỉ dưỡng quân ở Chưn Qui, Đá Bạc. Để anh Tư nhắc cho em nhớ. Đó là "Chưn Qui" chớ không phải là "Kim Qui". "Kim Qui" là sau này người ta chữa lại cho văn hoa, chớ gốc cũ nó là "Chưn Qui" vì vùng này có cái rạch rẽ ra 5 nhánh như cái chưn con qui (rùa) xòe ra vầy nè (anh xoè 5 ngón tay để trên bàn). Nhớ chưa ?

Anh tiếp:

- Trong năm nhánh đó, có một nhánh tên là..., anh Tư đố em nhớ là rạch gì?

- Rạch Nàng Chăn.

- Rạch Nàng Chăn ở Cái Tàu. Không phải ở Chưn Qui.

- Rạch Nàng Bèn.

- Nàng Bèn ở Vị Thanh chớ không phải ở đây.

Tôi nhớ ra rồi, nhưng làm bộ quên, để anh Tư nhắc lại thì chắc đầy đủ hơn tôi. Anh Tư lại hỏi:

- Em nhớ ra chưa? ... Đó là rạch "Độn Lò".

- Vùng Chưn Qui, Đá Bạc, đâu có rạch nào tên đó anh Tư.

- Như vậy trí nhớ của em thua anh Tư rồi! - Anh kề tai nói nhỏ - Đó là rạch "Đọ L..."

- Đâu anh Tư kể tiếp coi. Em quên rồi.

Anh cười ha hả rồi tiếp:

- Trong bản đồ, sử sách đều không có cái tên này đâu Cũng như đầm Dơi, đầm Cùn, đầm Bà Hính vậy. Đây là tên do người dân cố cư ở đấy đặt ra thôi. Số là vầy: thuở xưa ở vùng này còn là bãi sình lầy mênh mông, muốn đi qua phải dùng một miếng ván nhỏ và một cây gậy Người ta đứng một chân trên ván, còn chân kia thì chòi bùn, trong lúc hai tay cầm gậy chõi nhịp nhàng theo chân chòi để đẩy tấm ván lướt trên sình mà đi tới. Chớ nếu lội thì bùn sình lên ngập tới háng, thì làm sao mà đi được? Anh tiếp: - Em còn nhớ không, bà con mình nghèo lắm, bộ đội đến đó thấy bà con mặc bố tời, phải đem quần áo ra cho. Cuộc sống thật là chật vật buồn tẻ, bộ đội về là cả một niềm vui (tôi không nhớ đây có phải là làng Đông Thái, quê hương của Anh Tài không) Nghề sinh nhai chỉ là đi bắt vọp. Em nhớ con vọp chớ?

- Dạ nhớ chớ anh Tư. Em cũng đã từng đi bắt vọp mà!

Anh tiếp:

- Con vọp nằm ở dưới sình sâu chừng hai gang tay, người có kinh nghiệm, nhìn trên mặt bùn là biết có vọp nằm ở dưới, bèn xủi bàn tay xuống rồi nâng lên, tức thì trên tay có một hai con vọp, mỗi con to bằng nửa cái chén nhớ không nhỏ.

- Luộc nhậu đế đã lắm, anh Tư.

- Phải rồi, nhưng bắt vọp cũng có nguy hiểm, chớ không phải chơi. Muốn bắt vọp phải chuẩn bị; trước nhất là tấm ván như đã nói ở trên. Thay vì đứng, người bắt vọp lại ngồi, và ở đằng sau để một cái thùng con, chân chòi, tay bơi bùn, gặp chỗ nào có dấu thì dừng lại bắt. Nhiều khi bắt vọp nhưng lại quơ trúng cá mặt quỉ. Em nhớ cá mặt quỉ không?

- Dạ nhớ. Em chưa bắt lần nào, nhưng nghe người ta nói nó chém đau la trời ba ngày không hết.

Anh Tư tiếp:

- Nó làm ói mửa, nóng lạnh nữa, chớ phải nhức nhối mà thôi đâu. Không biết nọc gì mà độc vậy? Nhưng có một thứ thuốc thần hiệu, chữa hết ngay, chi sưng sơ sịa thôi.

- Thuốc gì mà em không biết?

Anh Tư cười hắc hắc, đưa tay che miệng:

- Như vậy nhà báo thua già này rồi. Đây này, để anh Tư nhắc cho: hễ đàn bà mà bị thì kêu đàn ông tới "rưới nước cam lồ" lên tay là đỡ nhức liền.

- Còn đàn ông bị, anh Tư?

- Đàn ông bị thì cũng kêu đàn ông tới rót chớ, "cái bình cam lồ" của đàn bà làm sao rót được!

Hai anh em cùng cười. Anh Tư tiếp:

- Để trừ cái nạn cá ma quỉ, bà con mới chế ra bao tay bằng lát. Đeo bao tay thì cá đâm không lủng, vọp bắt đầy thùng mà vẫn an toàn.

Tôi hỏi ngoéo lại:

- Còn rạch... ở đâu, anh Tư?

- Để anh Tư nói cho nghe: đàn bà con gái đi bắt vọp đông lắm. ờ vùng đó không có nghề gì khác làm ra tiền, nên sáng ngày cơm nước xong là người ta rủ nhau chõi bùn đi bắt vọp. Bắt đầy thùng là đúng trưa, lại rủ nhau đi về. Mình mẩy dính bùn sình phải tắm rửa sạch sẽ rồi mới về nhà bưng ra chợ bán được chớ! Chị em đến một cái lạch, hồi đó chưa có tên, cởi hết quần áo ra, lặn hụp một cách tự nhiên. Cô này thấy chị kia, chị kia thấy cô nọ.... Ngày nào cũng vậy, riết rồi quen, không mắc cỡ gì hết. Đôi khi lại còn trêu nhau: Sao của chị như vầy, của em như vậy? - Ừ thì trời sanh như vậy, ai biết đâu nào? - Đồ quỉ đừng có hỏi, biết đâu mà trả lời! Đang khi đọ... với nhau, thì bỗng một đám thanh niên chơi ván đi qua, nhìn vào. Họ la lên:

- Đó mấy bà đọ L. . . đó , thấy chưa ?

Ngày này tháng khác như vậy, thế là con rạch mang tên là rạch đọ... Nhưng có nhiều người muốn tránh tiếng tục nói lái, thành ra rạch "Độn Lò."

Một chốc anh hỏi:

- Sao, hồi đó em có viết lên báo không?

- Có viết mấy trận đánh xe tăng và đánh tàu, nhưng không có đem cái rạch đó vô.

- Bây giờ hồi ký đi. Anh thấy em viết hồi ký bộn mà!

- Dạ, để rồi em đem nó vô sách.

Cố sự tân biên. Chuyện xưa nhắc lại, tưởng chừng như mới hôm qua. Cũng chính nhờ những ngày lưu động thích thú với các đơn vị bộ đội, mà tôi làm bài hát Niềm Thương Mến mô tả đời lính, và được tặng giải thưởng Cửu Long Nam Bộ năm 1950 (nhạc của Phan Vân). Tôi làm xong năm đoạn lời trong lúc ngồi cắt tóc trong một quán ở Ô Môn (Cần Thơ). Nếu có điều kiện, tôi sẽ hồi ký về những năm tháng đi bộ đội đánh Tây

NIỀM THƯƠNG MẾN

I

Trải qua mấy mùa thu kháng chiến
Chúng ta là người ở bốn phương.
Cùng thoát ly gia đình ra đi.
Cùng gặp nhau trong đại gia đình:
Vệ Quốc Quân, Vệ Quốc Quân!

II

Tấm khăn rách còn nhường cho nhau,
Giữa đêm trường đầy sương gió reo.
Lòng súng ôm trong bàn tay run,
Cùng chia sớt khi cùng đói lòng
Từng miếng khô, từng vắt cơm.

III

Có những lúc nằm kề bên nhau
Nói tâm tình lòng không giấu nhau.
Càng hiểu nhau ta càng thương nhau,
Càng thương nhau trong đại gia đình:
Vệ Quốc Quân, Vệ Quốc Quân!

IV

Nhớ những phút nằm chung trộn tuyến
Xé khăn mình liền băng vết thương.
Choàng cánh tay ôm người bạn ta
Làn môi xanh chưa tàn nụ cười,
Dòng máu tươi tràn ướt tay.

V

Trải năm tháng đời vui chiến đấu,
Súng bên mình lòng hăng giết Tây.
Dù khó khăn nhưng lòng không nao,
Dù gian nan không một bước lùi,
Nghèo súng gươm, giàu chiến công!

Điệp Khúc

Khi gần bên nhau,
Ta vui sống trong niềm thương mến,
Thêm nặng tình đồng chí, tử sanh không rời.

Về thời gian này, hai anh Anh Tài và Huy Hà ít có mặt ở cơ quan, còn tôi thì "hoạt động" văn nghệ rất mạnh. Ngoài nghiệp vụ phóng viên, tôi còn đi theo đoàn văn nghệ khu. Lúc này có câu lạc bộ Quân nhân ở Ngan Dừa. Ông Nguyễn Văn Trấn, chánh ủy khu thường đến đây nói chuyện về văn học nghệ thuật. Ông nói cả về kịch. Sau buổi nói chuyện có văn nghệ "giúp vui". Hồi đó nói là giúp vui, chớ không có nói "biểu diễn", nói là đoànVăn nghệ, chớ không nói là "Văn công" như sau này.

Tôi là cây "chìa khóa" mở cửa nào cũng được. Thiếu vai gì, tôi "mần" vai nấy. Tây thì càng dễ. Chỉ hơi nhỏ con chút thôi, nhưng đóng Tây "Quinine" thì rành, đóng con gái, má chiến sĩ cũng được tuốt. Quay ra kéo màn cũng chẳng thua gì ai. Molière cũng kéo màn cho một gánh hát lưu động khắp nước Pháp, tới 42 tuổi mới viết kịch đó sao?

Nghe ông Nguyễn Văn Trấn nói chuyện, nhà phóng (vò) viên còn lăm le viết kịch nữa đó chớ. May cho khán giả là anh ta không viết vở nào. Cống Quỳnh ngày xưa có làm bốn câu thơ và bị đánh rớt vì bốn câu thơ đó:

Văn chương phú lục đã xong rồi,
Còn giấy làm chi chẳng vẽ voi ?
Nhưng có câu này xin nói trước:
Đứa nào cười tớ, nó ăn bòi!

Còn nhà họ Phóng này, thấy sân khấu có lúc im phắc vì chờ dọn màn, bèn nhẩy lên sô-lô. Ôm ghi ta đánh "móc"(arpège) chớ chơi sao! Và cũng được khán giả vỗ tay bể rạp. Bài tủ là "Về Miền Trung" của Phạm Duy, đôi khi do nhạc sĩ Văn Cử đàn tay trái "ắc-com-ba-nhê !"

Phải nhắc lại: cái anh Văn Cử này đàn kỳ cục lắm. Người ta bấm phím tay trái, đàn tay phải, còn ảnh thì ngược lại. Cho nên những ắc-co, thay vì từ trên đánh xuống, anh lại từ dưới quào lên, nhưng cũng ra rê-đồ-son-mí như ai .

Trên sân khấu này, ca sĩ Quốc Hương là ngôi sao sáng chói nhất. Anh đã 35 tuổi, mặt vuông, quai hàm banh ra, râu ria tua tủa. Nhưng khi anh lên sân khấu thì anh trở thành thần tượng của các thiếu nữ trong khu. Nghe nói có Quốc Hương hát ở đâu là xuồng ghe chật bến.

Riêng tôi cũng mê Quốc Hương như thế. Ngày nay có phương tiện hiện đại, đèn màu, micro tối tân, ca sĩ thượng thặng, nhưng tôi chưa thấy ai hát bài Trường Ca Sông Lô của Văn Cao bằng Quốc Hương.

Có một điều lạ lùng là, anh như một nghệ sĩ ngoại lệ. Anh uống rượu, hút thuốc liền miệng, thức khuya bạt mạng không kiêng cữ thứ gì cả, không cả luyện giọng, nhưng hát rất to, rất hay không bao giờ có micro. Và lúc nào có bộ đội là có Quốc Hương , hát đến mệt ăn thua.

Anh đã gieo vào tâm hồn tôi sự say mê nghệ thuật. Than ôi! Ca sĩ đã mất rồi, nhưng hình dáng của anh đứng trên sân khấu lưng đeo súng lục, đầu đội ca lô (như họa sĩ Diệp Minh Châu) với điệu bộ hùng dũng, anh đã làm say mê cả đồng bào và sông nước Hậu Giang trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Chính miền Tây sầm uất độc lập hoàn toàn đã cho tôi thở cái không khí văn nghệ, và tôi đã đi vào như một tia nắng hồn nhiên lúc mặt trời mới mọc.

Phần II



CHƯƠNG XII

NHỮNG BẬC THẦY TRONG VĂN XUÔI
TÔ HOÀI - HƯƠNG HOA NGỌC LAN NGÀY NÀO

Thời gian đi quá nhanh, mới hồi nào tôi là thiếu nhi cứu quốc, nay đã là thanh niên 24 tuổi: 1954, tôi xuống tàu đi tập kết ra Hà Nội với bao nhiêu ước vọng mơ màng trong nghề làm báo.

Hồi 9-10 tuổi tôi đã đọc Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh, Khái Hưng... Nay ra Hà Nội ắt gặp các vị ấy. Mà thật, khi ra Hà Nội tôi gặp hầu như tất cả những văn nhân mà tôi từng biết trên sách báo, hoặc nghe danh tiếng.

Xin kể cho đầy đủ: Văn Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Ngọc Giao, Hồ Dzếnh, Vũ Đình Liên, Trương Tửu, Bùi Huy Phồn, Chu Thiên, Mộng Sơn, Vân Đài, Anh Thơ, Xuân Diệu, Thế Lữ , Tú Mỡ, Chế Lan Viên, Huyền Kiêu, Trọng Hứa, Tố Hữu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Hùynh Văn Gấm, Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bính, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Văn Thương, Ái Liên , Phan Tại, Trúc Quỳnh, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Tử Phác, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Đào Mộng Long, Hoàng Ngọc Phách, Phan Khôi ....

Điều làm tôi vui sướng nhất là phần đông đã đi kháng chiến trên Việt Bắc, nay trở về Hà Nội, cũng như chúng tôi kháng chiến ở Nam Bộ, nay ra Hà Nội vậy.

Chỉ có một số ít nhà văn tôi đã được đọc mà không được gặp mặt. Đó là Khái Hưng, Nhất Linh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Phạm Duy. .

Nhưng thôi, gặp được bấy nhiêu cũng đã quá nhiều rồi, mình đâu cần bằng ấy ông thầy, chỉ vài vị là đủ. Trong văn học không phải như toán học hay hóa học, công thức biến hóa vô cùng, một cái dùng cả đời không hết. Hà Nội không rộng lớn lắm, nên muốn gặp ai cũng không khó. Chỉ cần một cuốc xe đạp chưa mỏi chân là đã có cuộc tao ngộ rồi.

Chúng tôi lúc đó được các anh chú ý tới nhiều. Vì bộ môn văn Nam Bộ đi tập kết có vài ngoe: Đoàn Giỏi, Xuân Vũ, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, Anh Tài thì không đi. Riêng tôi có bài đăng báo Văn nghệ sớm nhất.

Đã có sẵn chút ít ham mê , nay ra đất ngàn năm văn vật, tha hồ mà... học. Nói đúng ra là tôi có dăm bảy bài bút ký cỡ trung bình, chớ nào có biết viết truyện ra sao. Mối lo tâm phúc của tôi là ở chỗ đó. Lúc bấy giờ chưa có hội Nhà Văn, chỉ có hội Văn Nghệ . Tôi cũng không biết ai làm chủ tịch.

Tôi được nhìn thấy ông Nguyễn Công Hoan ở số 84 Nguyễn Du. ông mặc áo sơ mi, mang dép, đầu đã bạc, nhưng còn tráng kiện. Nói cười vui vẻ, không đạo mạo như tôi tưởng. Kế đó, tôi thấy mặt Văn Cao, người làm ra những bài hát Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam mà những trại sinh chúng tôi nhặt được ở bãi biển Cồn Chim năm 1946. Sau đó là Tô Hoài. Anh có cái trán cao tóc ít, tay nhỏ nhắn như tay con gái. Rồi Nguyễn Huy Tưởng mà tôi được đọc những vở kịch dài Những người ở lại và Bắc Sơn trên báo Văn Nghệ Việt Bắc khoảng 1948 gửi vô Nam. Giấy báo lùi xùi, nhúng nước là rã béng.

Tôi lại gặp anh Diệp Minh Châu ở đây. Chỉ vài lần, rồi sau đó nghe nói anh được cho đi sang Tiệp học nghề điêu khắc.

Giữa những người đàn anh, tôi hơi ngán không dám sáng tác hoặc không sáng tác được, không rõ lẽ nào. Các anh ấy, ai cũng có cả chồng tác phẩm, còn mình chưa viết dược một truyện nào. Có người (như Nguyễn Tuân) đã đi ra ngoại quốc giao thiệp với các ký giả Tây Tầu, còn mình nhà quê trất, lớ ngớ như dân vô nhà việc, đứng trước mặt hương chức, xớ rớ không biết phải dựa cây cột nào cho đúng chỗ . . .

Tôi sẽ ghi một cách chân thật và đầy đủ những điều 'ôi học được ở các cụ về phần "nghệ thuật vị nghệ thuật ' màthôi, còn nghệ thuật vị... cái gì khác xin gác qua cho độc giả khỏi nặng nề, nếu có đọc những trang sách này.

Một buổi chiều, trong lúc tôi nằm queo rầu rĩ trong cái ga-ra vừa mướn được với giá năm đồng một tháng, thì bỗng có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa thì đó là anh Tô Hoài Anh dựng xe đạp ngoài gốc cây bên hè, tay cầm quyển sách đi vào đưa cho tôi.

Tôi đỡ lấy quyển sách. Nhìn trên bìa, thấy hai chữ Mười Năm, tôi biết ngay là tiểu thuyết của anh vừa in, do Văn Cao trình bầy bìa. Giở vào bên trong tôi thấy dòng chữ "Tặng Xuân Vũ".

- Cậu ăn cơm chưa? Anh hỏi.

- Dạ chưa!... ủa rồi?

- Rảnh không? Đi lại đằng này chơi với tôi một chuyến đi.

Tôi vào thay quần áo và dắt chiếc xe đạp màu vàng hiệu Alpha nặng như sắt khối (của cơ quan), nhảy lên đạp theo anh.

Chạy phía sau, tôi mới thấy rõ tướng của anh: người nhỏ nhắn, xe guidon carré, nên lưng anh thẳng, đầu hơi nghiêng bên trái, mớ tóc lưa thưa, bay bay trong nắng chiều, và bộ đồ nâu của anh hơi bạc màu, làm cho tôi nhớ đến những ngày khói lửa vừa qua.

Anh đưa tôi đến một tiệm ăn ở Hàng Da, kéo ghế bảo tôi ngồi:

- Cậu ăn bíp-tếch nhé !

- Tôi ăn cơm rồi anh ạ ? - Mặc dầu chưa nhưng vẫn trả lời thế.

- Vậy cậu uống một cốc vang với tôi. Nam Kỳ là uống rượu được mà ! Đừng từ chối nữa.

Thế là tôi uống với anh hết một chai vang đỏ suốt buổi tiệc. Anh rất vui tính, nói chuyện huyên thiên, không khách sáo. Anh hỏi tôi đang viết gì, định viết gì v.v.. Tôi nói thật với anh là tôi không viết được, không có ý định gì hết. Chỉ muốn trở về Nam thôi.

Trong câu chuyện rất dài, anh nói liên miên, tôi hỏi anh cũng rất nhiều, tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in trong trí xin ghi lại không thiếu một điểm nào.

"Tôi (tức Tô Hoài) viết quyển Dế mèn phiêu lưu ký hồi tuổi đang chơi dế, không có gì ghê gớm cả . Tôi thấy con ếch hay hay, tôi bèn gọi nó là ếch đại vương. Khi trời mưa nghe nó kêu "uệch uệch", tôi càng tưởng tượng nó là đại vương, chúa tể cả đồng quê. Nó kêu lên là nhái, ễnh ương, cóc, chằng hiu đều khiếp vía, im tiếng.

(Năm 1972, khi qua bên Đan Mạch, tôi có đến thăm nhà lưu niệm của Anderson, nhà viết truyện nhi đồng nổi tiếng thế giới. Khi tôi đứng chụp tấm ảnh trước ngôi nhà này tôi hướng tâm trí tôi về anh Tô Hoài. Nước Việt Nam mình nhỏ bé nên không ai biết tới. Văn học ít được chú ý, chứ nếu Dế mèn phiêu lưu ký được dịch ra các thứ tiếng thì tên tuổi của anh sẽ lừng lẫy khắp thế giới!)

Anh tiếp:

- Để tôi nói chuyện về quyển Quê người của tôi cho cậu nghe: Đây là quyển sách tôi cũng viết lúc quá tuổi chơi dế một chút. Nó như thế này: Một hôm tôi ra Hà Nội, đến tòa soạn báo của anh Vũ Ngọc Phan. Bỗng anh bảo: "Tôi muốn nhờ cậu viết cho tôi một 'cái tiểu thuyết' Tôi không hiểu tiểu thuyết phải viết ra sao, nhưng tôi cũng hứa. Anh Phan đưa trước cho tôi 20 đồng. Tôi về nhà mua giấy bút một đồng, còn lại tôi đem về đưa cho mẹ tôi. Một số tiền quá lớn, chưa từng có đối với tôi.

Không nhớ bao lâu sau đó, tôi viết được một xấp, đem ra Hà Nội, đưa cho văn phòng rồi chuồn ngay. Tôi sợ quá, không dám để cho anh Phan gặp mặt.

Tôi (Xuân vũ) hỏi: Tại sao?

- Tôi cũng không hiểu tại sao, nhưng bụng cảm thấy mình đã làm một việc quá sức mình và hình như không phải thuộc quyền mình-còn ít tuổi thế mà dám viết tiểu thuyết.

Rồi từ hôm ấy, tôi cứ nơm nớp lo sợ, không dám ra Hà Nội nữa. Lại sợ! Một hôm tôi liều mạng đi, bụng định sẽ gặp anh Phan, nhưng rồi ra đến Hà Nội lại thay đổi ý định: không dám gặp anh Phan!

Tôi lại hối hả đến bến tàu điện - ở ngã tư Hàng Bông kia kìa - vừa mới thấy tàu ở bờ Hồ tới thì bỗng có người gọi, thì ra anh Đồ Phồn. Anh Phồn lớn hơn tôi 5,7 tuổi, có tiếng tăm từ lâu ở Hà Nội. Anh bảo tôi: "Anh Phan muốn gặp cậu". Nghe thấy thế tôi càng run trong bụng. Anh Phồn lại hỏi: "Lâu nay sao không thấy cậu ra chơi?" Tôi ấp úng không biết trả lời làm sao, thì may quá, anh lại bảo: "Anh Phan khen cái Quê người của cậu lắm!" Anh nói thế rồi đi. Tôi mừng như được hóa kiếp.

Không nhớ bao lâu sau tôi gặp anh Phan. Anh bảo:

"Viết tiếp nhiều nhiều đi. Tôi đã cho đăng số này rồi!"

Và anh lại đưa tôi tiền. Thế là tôi về viết tiếp. Tôi không có làm dàn bài dàn bị gì cả, cứ ngồi viết y như chép ấy mà. Thực vậy, những nhân vật đã có sẵn trong đầu Đó là những người cùng xóm, đi qua đi lại thấy nhau hàng ngày. Đời sống của họ tôi thuộc như của tôi; chuyện buôn bán, cưới hỏi, đụng thịt chó, nợ nần, đánh lộn, mắng chửi nhau, chứa đầy cả trong bụng. Còn cảnh vật thì ở ngay trước mặt, "cứ chép" ra thôi, có gì mà phải suy nghĩ? Tôi viết không biết bao lâu thì xong, đem ra đưa cả cho anh Phan. Rồi từ đó, anh Phan bảo tôi viết luôn, không ngừng. Anh còn bảo: - Cậu viết khá lắm, đều tay mà lại có duyên. Trang nào cũng đầy sức sống.

Tôi biết quái gì đâu, nghe thấy anh khen thì ham và lại cặm cụi viết. Xong cái Quê người tôi viết nhiều cái khác. Nhân vật là con gái ông Ký rượu, ông chiệc ở làng, những người dân nửa chợ nửa quê ăn trắng mặc trơn và chuyện chuột. Tôi viết đến 3,4 cái chuyện chuột: Chuột thành phố, Đám cưới chuột, O chuột. Không hiểu sao tôi lại "thích" chuột thế?

Đó là mấy nét con đường vào làng văn của Tô Hoài. Anh dạy tôi mấy điều sau đây:

- Cậu đừng có dùng hình dung từ nhiều. Thí dụ cậu muốn tả món ăn ngon, thì đừng dùng tiếng "ngon", hoặc "rất ngon", mà phải tả làm sao cho người đọc nghe mùi thơm, nếm được vị mặn ngọt và thèm ăn, thì đó là cậu đã đạt. Chứ nói "rất ngon", ai biết "ngon" thế nào? Muốn tả một cô gái đẹp thì đừng dùng tiếng "đẹp", mà hãy tả mái tóc làn môi, nước da, nếp áo v.v... làm cho người đọc thấy cô ta hiện lên đẹp như ý định của mình.

Đừng bao giờ viết: Ngon vô tả, đẹp vô cùng, sợ khó tả'. Khó tả thì phải tả nó ra cho người ta cùng sợ, cùng thấy ngon, thấy đẹp với mình, chứ nói vô tả thì ai biết nó thế nào. Khó tả mà mình tả ra được mới hay chứ!

- Phải có mắt quan sát. Tôi chú ý thấy những buổi chiều đều khác nhau; mặc dù cũng là mặt trời lặn, cũng trâu về, cũng màn đêm xuống làm cảnh vật mờ dần... Nhlưng buổi chiều mà mình tả phải có cái gì khác hơn một trăm buổi chiều bình thường. Cậu hãy ra đồng, đứng nhìn một lát thì thấy. Sở dĩ người ta viết chung chung chiều ở núi cũng như ở đồng bằng là vì thiếu quan sát.

- Cậu nên cho nhân vật sinh hoạt trong đầu, cho ông này nói chuyện với bà kia ... Hai cô cậu gặp nhau, trước khi viết ra giấy. Balzac đã cho nhân vật đối thoại nhau, ông la om sòm trong phòng như cãi lộn với ai.

- Mỗi chương là một mắt xích đưa độc giả dần tới kết luận. Mỗi chương phải làm nhiệm vụ đó, nếu không, bỏ nó đi.

- Nên có những đoạn dẫn chuyện, không phải chương nào, đoạn nào cậu cũng đặc tả cả. Phải có những đoạn kể phớt để đến một đoạn mà cậu dừng lại để đặc tả; ví dụ trên gương mặt cậu chỉ muốn làm bật cái miệng, hàm răng.

- Khi đặc tả thì như Tolstoi nói cụ thể tối đa. Nhưng cụ thể tối đa không có nghĩa là tả cô kia có mấy sợi lông mày, hoặc cô ta có mười ngón tay. Cậu chỉ tả một ngón có sẹo, và cái sẹo đó có dính dáng gì đến tình duyên hoặc cuộc sống của cô ta thôi ...

Tôi hỏi anh: Tại sao anh viết quê nhà, lại gọi là Quê người ?

Anh bảo: Tôi cho rằng những người này sẽ bỏ quê mình đi sống ở quê người cả vì nghèo đói.

Tôi lại hỏi: Anh viết nhiều vậy mà anh thích quyển nào nhất?

Anh đáp: - Quyển nào cũng thích. Không thích không viết được. Nhưng quyển thích nhất là quyển chưa viết ra. Anh không dùng hai tiếng "Thai nghén". Vì tiếng ấy có vẻ ghê gớm quá đối với một kẻ chưa viết gì như tôi.

Có lẽ anh Tô Hoài là người dạy tôi chớp nhoáng nhất Tất cả những điều anh nói gom lại, chỉ trong vòng 30 phút, khi thì đứng ở góc sân, lúc lại trong buổi ăn cơm chung. Anh không uống rượu như Nguyễn Tuân hay Nguyên Hồng, nên tôi không có dịp đi chơi để hỏi nhiều, hễ gặp mặt anh thì cứ hỏi, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Một lần vào quán Hàng Buồm, trông thấy anh đầu bếp to béo, anh bảo: "Thằng Đ.V. nhà mình!" Tụi tôi cười bò ra. Con mắt anh quan sát nhanh thật.

Lần uống rượu vang ở phố Hàng Da là lần đầu tiên khi tôi ra Hà Nội (1955). Còn lần ăn cơm ở phố Hàng Buồm là lần cuối cùng trước khi tôi rời Hà Nội (1964).
Tôi vẫn xem những lời dạy của anh là quí giá mãi mãi hướng dẫn tôi trong văn nghiệp. Có lẽ anh là tác giả tôi đọc nhiều nhất Chưa có quyển sách nào mà nước mắt tôi tưới ướt những trang giấy như Quê người. Nó ra đời khoảng 1942. Đến bây giờ đọc lại thấy văn chương vẫn mới, và bất hủ. Anh đã đến tuổi 80, vẫn còn viết. Viết từ tuôi 17, đến nay là 63 năm.
Tôi đọc anh hồi 24, nay 68. Truyện của anh sống trong tôi những đoạn, những cảnh, những người 44 năm, gần nửa thế kỷ... Tô Hoài... Tôi vẫn còn nhớ cái mùi hoa ngọc lan của Hời (anh thợ dệt) ném qua cửa sổ của Ngây (cô thợ dệt). Ngây đang dệt, biết là Hời đã tới bên ngoài bèn đứng dậy mở cửa đi ra - cái lối tỏ tình của Tô Hoài chưa thấy ở đâu, đóa hoa ngọc lan trong tay Tô Hoài đã trở thành phép lạ.
Một đoạn khác trong Quê người:
"Anh Từ (anh của Hời) đi Sài gòn. Vô trong đó, ít lâu trở về miệng cười luôn, để người ta thấy hai cái răng vàng. Rồi Từ đi, lần này lâu quá không thấy về. Vô trong cái 'nước Sài gòn', lấy cái giống dân đó, như lên miền Thượng lấy vợ Mường Mán, nó bỏ bùa mê thuốc lú, ăn vào quên bàn thờ ông vải mà không về nữa."
Lại một đoạn khác:
"Anh phu trạm có chiếc xe đạp, tay cầm bằng cây duối, thế mà các cô thợ dệt mê mết. Mỗi lần nghe tiếng chuông kính koong, các cô ngóng ra nhìn. Có cô mơ ước ốm lăn ốm lóc. "
Một cảnh dời nhà:
"Bốn người khiêng cái sườn nhà đi trên đường. Đang đi bỗng hai người cãi lộn, đánh nhau, nên bỏ ngang không khiêng nữa. Cái sườn ngã qua, gẫy vụn."
Tô Hoài viết câu rất ngắn. Đặc tả của anh cũng ngắn chớ không dềnh dang. Nét bút của anh nhẹ nhàng lướt nhanh. Tiểu thuyết của anh có thể đọc hết trong một ngày, nhưng nhớ cả đời. Trong Mười năm anh mô tả cuộc tình cuối cùng của nhân vật nữ (Nhàn) với người con trai: "Nhàn cắn vào vai chàng rồi lịm đi." "...mà đôi mắt tiếc đời còn trắng nhởn trên vai áo người yêu".
Anh Tô Hoài còn cho tôi cái kinh nghiệm này nữa. Anh bảo khi viết truyện bất cứ ở đâu, cứ lôi nhân vật của mình về làng xóm, phố chợ của mình. Như vậy mình thuộc hơn, dễ tả hơn. Thí dụ nhân vật là người Bắc Ninh, Thái Bình, tôi cũng cứ thả họ về làng về chợ Hà Đông hoặc Hà Nội, để họ đi đứng, hoạt động... Bất cứ chợ nào trong truyện tôi cũng là chợ Hà Nội, Hà Đông, bất cứ cánh đồng nào trong truyện tôi cũng là cánh đồng sau nhà tôi. Tôi chỉ đổi nó ra tùy mùa tùy lúc.
Có lần tôi hỏi: Trong nhiều truyện ngắn, anh ký là "Bến Ray 1942-43". Bến Ray là ở đâu?
- Nam Kỳ ! (Nhưng anh không có vào Nam Kỳ thì phải?)
Từ trẻ đến già, anh làm việc không ngừng, đã được độc giả tặng danh hiệu cao quí: Nhà Văn của đồng quê Việt Nam. Một cây bút mà ai cũng đều đọc một cách mê say. Tác phẩm của anh xếp từ chân cao đến đầu. Đó là bề cao của anh.
Ở trong Nam Kỳ, theo tôi, ba nhà văn có ngòi bút đậm màu đất nước và bát ngát tình quê hương có thể so sánh với Tô Hoài là Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và Hồ Trường An, những nhà văn mà tôi rất yêu mến và học được rất nhiều.
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...