Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Những bậc thầy của tôi 1

Những bậc thầy của tôi 1

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Xuân Vũ là một nhân vật dị thường! Sinh trưởng ở miền Nam, tập kết ra Bắc, được lệnh xâm nhập miền Nam để viết về "cuộc đồng khởi của Bến Tre" thì ông lại nhìn ra "đường đi không đến" để trở về với dân tộc. Rồi cùng với một bộ phận dân tộc ông đã chọn con đường "lưu vong" năm 1975, thay vì ở lại với một chế độ đã hơn một lần đánh lừa ông cũng như đồng bào ông.

Không phải là mọi sự đều êm thắm đối với ông. Không viết được trong 10 năm ở miền Bắc, vào miền Nam lại được giải thưởng với cuốn Đường Đi Không Đến - được tái bản 8 lần tại hải ngoại., tái bản một cách bí mật nhiều lần ở ngay "thành phố Hồ Chí Minh" và bán với giá chợ đen. Ra hải ngoại với một hành trang đầy ắp chữ nghĩa mà túi tiền thì rỗng không, ông không nề hà làm đủ mọi nghề - miễn là lương thiện để kiếm sống - mong một ngày có phương tiện cầm bút trở lại.

Sau vài năm vắng bóng trên văn đàn, khi có điều kiện ông đã trở lại cầm bút với một sức mạnh vũ bảo, ông viết nhu thác đổ: hồi ký, truyện ngắn, truyện dài, kịch, truyện phim, khảo luận, phải năm sáu nhà xuất bản mà in không kịp, quyển sau lại dài hơn quyển trước. Tính tới nay, ông đã cho ra đời hơn 50 cuốn sách. Đại tác phẩm 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi (viết chung với Dương Đình Lôi) giờ này đã ra đến quyển thứ sáu và vẫn còn tiếp tục, không biết khi xong thì thành mấy nghìn trang!

Có người cho rằng ông đã để chính trị chi phối ngòi bút nhiều quá. Song ta phải nghĩ rằng ngay dù nhận xét đó có đúng phần nào với Xuân Vũ chăng nữa thì cũng là điều tự nhiên, vì nếu giờ này ở cuối thế kỷ 20 còn có người, sau khi đã sống với phát xít, với Cộng sản, với độc tài với tham nhũng và phi nhân mà rồi vẫn bình chân như vại trước mối thù dân tộc hoặc cho là người nghệ sĩ cần và bắt buộc phải ở trên tất cả . . . thì có lẽ người đó cũng quá vô tâm như sống trong một thế giới nào khác, không phải thế giới ta đang sống, đang vật lộn với hàng ngày, một thế giới mà ở ngay trên quê hương ta vẫn còn chế độ đàn áp đối với những người cầm bút, những người tranh đấu ôn hòa cho lý tưởng tự do.

Nhưng trường hợp Xuân Vũ, nhận xét trên không hoàn toàn đúng, vì bên cạnh những loại sách phơi bầy bộ mặt thật "xã nghĩa", ông còn có những tác phẩm mô tả tình cảm con người, tâm lý xã hội, tình đồng ruộng, tình đất nước . . . Bây giờ, cuốn Những Bậc Thầy Của Tôi đang ở trên tay quí vị là một cuốn Ký sự Văn học, ghi chép những kinh nghiệm viết văn do các bậc tiền bối truyền lại một loại khá hiếm hoi trên văn đàn hải ngoại, trong đó tác giả, bằng giọng văn dí dỏm, truyền cảm, gợi hình . . . chia xẻ với chúng ta những mẩu chuyện thu nhặt được ở những buổi chuyện trò thân mật riêng-mà ông có mặt-của các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ. . . trao đổi với nhau một cách chân tình, cởi mở khi vắng bóng công an hay đại điện Đảng và Nhà nước. Nó không phải là thứ kinh nghiệm rập khuôn trong mấy "Trại viết" do Đảng và Nhà nước "chăn dắt" các "ngòi bút sáng tác". Trong cuốn này Xuân Vũ thổ lộ: "Tôi sẽ ghi một cách chân thật và đầy đủ những điều tôi học được ở các cụ về phần "nghệ thuật vị nghệ thuật" mà thôi, còn phần nghệ thuật vị . . . cái gì khác xin gác qua cho độc giả khỏi nặng nề, nếu có đọc những trang sách này."

Trong một lá thư riêng cho nhà xuất bản, nhà văn Xuân Vũ tâm sự: "Tất cả cuộc sống xưa bình thường bỗng nhiên trở thành kỷ niệm. Tôi còn nhớ nhiều người quá mà không viết nổi nữa. Không có nhà văn nào khi chết mà đã hoàn thành tất cả những ý đinh của mình. Cuốn sách này coi như là trạm nghỉ chân " cuối cùng, nghỉ xong rồi ngủ luôn không đi đâu nữa hết... "

Ở một đoạn khác nhà văn than thở: "Không có cái nước nào khổ ải trầm luân như nước mình. Chị Ngân Giang nghe nói có vào Sài Gòn bán quán cà phê rồi trở về Hà Nội rồi, có lẽ không khá. "Hôm nay ôn lại chuyện non sông.... "

Nguyên văn cả hai câu thơ như sau:

Hôm nay ôn lại chuyện non sông
Nghe sóng nghìn xưa vỗ bến lòng.

Nhà văn Xuân Vũ đã từng thổn thức về hai câu thơ trên của Ngân Giang nữ sĩ, do đó chúng tôi không tin cuốn sách này sẽ là "trạm nghỉ chân" cuối cùng, nghỉ xong rồi ngủ luôn không đi đâu nữa... " như ông nói, vì từ lâu cứ mỗi lần "chuyện non sông" len lén trở về tâm tư ông, thì "sóng nghìn xưa" lại dạt dào trong lòng... làm ông không thể ngồi yên được. Chúng tôi thiết tưởng tất cả chúng ta đều mong như vậy.

TỔ HỢP XUẤT BẢN MIỀN ĐÔNG HOA KỲ
1998



ĐÔI LỜI CÙNG ĐỘC GIẢ

Vài năm trước có một bạn đọc gửi thư cho tôi, gọi tôi là "nhà văn lão thành". Tôi giật mình. Mình già thật rồi sao? Mới ngày nao tóc xanh ngăn ngắt, mà mới có mấy chục năm qua, nay đã lão thành?

Nhưng đó là sự thực. Mình đang sống những năm cuối của cuộc đời. Hãy cố gắng viết những gì chưa viết, kẻo rồi như Balzac, khi nằm xuống, trong ngăn kéo hãy còn 45 quyển sách mới phác hoạ, trong đó có một quyển định viết về nước Tàu.

Gần đây có nhà xuất bản yêu cầu tôi viết về kinh nghiệm viết truyện. Tôi từ chối ngay vì tôi không có kinh nghiệm gì cả, hoặc thoảng như kinh nghiệm của mình chỉ làm hại cho việc viết lách, thì càng không nên đưa ra. Vì viết văn không có luật lệ, nguyên tắc như làm bánh hay xây nhà.

Trong văn học nghệ thuất, cái món văn là "kỳ quái" hơn cả. Âm nhạc thì có trường dạy, có người đỗ tới bằng tiến sĩ âm nhạc, hoặc viện sĩ nhạc viện. Môn hội hoạ cũng có trường Sơ đẳng tới Cao đẳng Mỹ thuật. Môn Kiến trúc, Nhiếp ảnh lại càng phải học.

Không có môn gì là không có trường từ Sơ cấp tới Cao cấp, chỉ có văn học là không có trường. Nếu có chỉ là trường lý luận, chứ không có trường nào dạy sáng tác cả Chỉ có những Viện Văn học, Hàn lâm Văn học để đánh giá các tác phẩm thôi. Trông thế thì biết Văn học là môn nghệ thuật lạ lùng nhất. Có thể nêu một vài dẫn chứng sau đây ở nước ta mà tôi biết khá rõ:

Hồ Biểu Chánh là một vị chủ quận, Nguyễn Công Hoan là thầy giáo, Nguyễn Tuân l công chức, Tô Hoài là một người dân thường của một làng thợ dệt, Nguyên Hồng là một người nghèo, Truy Phong là thầy giáo, Xuân Tước là một nhà huấn luyện thể thao, Sơn Nam là một học trò khó, Huy Hà là một thanh niên mê thơ Nguyễn Bính v.v... và v v Nhưng bỗng họ trở thành nhà văn trong một sớm một chiều, vì những trang sách mà họ viết lên bằng con tim thổn thức, không với khuôn mẫu nào cả, không có thầy nào dạy cả.

Tôi chưa thấy ai định nghĩa hai tiếng nhà văn một cách độc đáo và chính xác bằng Thạch Lam: "Nhà văn (hay nghệ sĩ) là một sản phẩm kỳ dị của Hóa công ... Không phải muốn là được, học mà nên ... " Tôi xin mượn thêm lời Nhà văn cổ điển Nga, mà tôi đọc cách đây gần 50 năm. Piotr Pavlenko đã nói: "Những kẻ có trái tim âm ấm (les coeurs tièdes) không làm nhà văn được. Hãy viết để trở thành nhà văn. Khác hơn, thì đó chính là buôn lậu". Hai danh nhân trên đã định nghĩa rõ ràng nhất hai tiếng nhà văn. Các bậc tiền bối ta đã viết, và đã trở thành nhà văn. Ngày nay hễ nói đến Hồ Biểu Chánh, là nói tới Ngọn Cỏ Gió Đùa, nói đến Nguyễn Công Hoan, không thể quên Bước Đường Cùng, Lá Ngọc Cành Vàng, nói đến Nguyễn Tuân, phải nhắc Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, nói đến Tô Hoài là thấy lại Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Quê Người, nói đến Nguyên Hồng là nhớ đến Bỉ Vỏ, nói đến Sơn Nam là muốn tìm đọc Văn Minh Miệt Vườn, Hương Rừng Cà Mau, nói đến Huy Hà là ngậm ngùi Hoa Trắng Thôi Cài Trên áo Tím, Sơn Nữ Phà Ca, nói đến Tâm Điền - Xuân Tước là nghe lại dư âm Tự Do Cơm áo Hòa Bình, và những bài thơ nâng ông lên hàng Thi sĩ Vàng của thơ ca thế giới hiện đại.

Đó là những bực thầy của tôi trong văn học nghệ thuật, những người đã trao cho tôi cây bút để cầm và viết. Đúng ra tôi muốn nêu lên những điều mà tôi học được ở các thầy rải rác khắp nơi chớ không ở một trường học nào. Có những điều tưởng chừng như rất nhỏ, thế mà lại rốt lớn, có những điều tưởng là bình thường, nhưng lại rất cao siêu. Trong nghề viết, học và hành suốt đời vẫn chưa hết. Ngoài nhữmg điều học được nơi các bậc ấy, tôi cũng xin được nêu lên những hoàn cảnh mà tôi nghĩ rằng có ảnh hưởng đến tôi, những ông thầy vô danh mà kẻ dạy lẫn người học đều không biết. Sách của ta còn có câu "Học thầy không tày học bạn ". Tôi học ở bạn cũng nhiều như học ở thầy.

Vậy xin cảm tạ các thầy và các bạn.

Xin cảm tạ độc giả.

Xuân Vũ



Phần I



CHƯƠNG I<

TRUYỆN TẦU: KHO TÀNG VĂN HÓA CỦA TÔI
TÂY DU: TRANG TRUYỆN ĐỌC ĐẦU TIÊN

Tía má tôi muốn cho con biết chữ sớm nên khi tôi vừa lên năm thì đã được đến trường xóm học vỡ lòng A,B,C với ông thầy Tám rất nghèo ở gần nhà. Ông lấy tiền công bằng gạo hoặc bằng những loại thực phẩm khác do cha mẹ học trò đóng. Một người chú tôi cõng tôi đến trường hàng ngày. Như vậy mất một năm. Khi tôi lên 6 thì ông cụ tôi lập nhà thờ Thiên Chúa mở đạo và rước hai Dì Phước về dạy chữ không lấy tiền cho con cháu trong họ tộc và hàng xóm.

Nhà thơ ở ngay bên cạnh nhà tôi, nên má tôi chỉ dắt tôi đến, chớ không bắt chú tôi cõng nữa. Học chữ ở nhà thờ và đọc kinh hàng ngày ở đây mất một năm. Bẩy tuổi, tôi vào trường làng học lớp đồng ấu (Enfantin), vào khoảng 1937. Tôi may mắn hơn những đứa bạn trường xóm, phần đông chúng không vô được trường làng mà phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ, hoặc đi ở mướn.

Một hôm tôi đến nhà thằng bạn chơi, bỗng thấy một quyển truyện rách nát, trang giấy vàng nẫu nằm trên bàn, tôi bèn cầm lên đọc. Mới biết đọc, nên ham, thấy chữ là muốn đọc. Thói thường, đọc chưa chạy thì phải lẩm nhẩm đánh vần, hoặc đọc to lên từng chữ một cách ngắc ngứ chứ không suông sẻ, còn đọc chạy thì chỉ lướt mắt qua hàng chữ chớ không phải lẩm nhẩm.

Tưởng chỉ đọc chơi vài hàng, nào ngờ đi hết dòng này đến dòng khác, hết đoạn này đến đoạn khác, rồi đọc luôn một hơi dài, luôn mấy trang liền mà không hay.

Đó là những trang truyện tôi đọc đầu tiên, khi vừa vào học trường làng, vừa đọc chạy chữ Quốc ngữ. Tôi đâm ra mê, nhưng không biết tìm đâu ra để xem tiếp. Mãi cả tháng sau tôi mới tìm ra người có bộ truyện này. Đấy là ông Sáu, em rể của ông Nội tôi. Ông Sáu làm ruộng nhà, ông không giao thiệp với ai, và nổi tiếng là khó tính. Dụng cụ nhà nông ông sắm đủ, ông không mượn của ai, và cũng không cho ai mượn bất cứ món gì. Nhà có một bầy trâu, sân trước mỗi khi mưa to chằng khác gì một miếng ruộng. ông có ba vật quí: Thứ nhất là cây vú sữa trắng, trái rất ít, nhưng trái nào trái nấy to bằng cái tô. Hàng năm ông đếm từng nụ và khi trái chín, ông hái một cặp trội nhất đem kiếng cho nhạc phụ, nhạc mẫu là hai cụ cố tôi. Những trái còn lại thì biếu những bực trên trước, người nhà cũng chỉ được nếm ư chút thôi. Nhất là không được thò tay mà hái trái nào, nếu không có lệnh của ông. Bảo vật thứ hai là hai chai rượu chát đỏ hiệu Con Dơi, ông giữ lại như kỷ niệm từ đám cưới của ông. Nay đã có cháu, nhưng ông vẫn chưa khui ra, vì "chưa đúng lúc".

Bảo vật thứ ba là bộ truyện Tây Du Diễn Nghĩa, đâu thời 1911, do Phạm Văn Thìn xuất bản. Khổ dài (không như sách ta xuất bản bây giờ). Bìa vẽ hình Tam Tạng cỡi ngựa, Bát Giái vác đinh ba đi trước, mỏ ngước lên, có vẻ hớn hở. Sa Tăng gánh đồ hành lý, còn Hành Giả thì bay là đà nửa ngọn cây sau lưng Tam Tạng. Màu rất tươi, xem rất thú vị, vì rất "giống trong truyện".

Tại sao tôi biết ông Sáu có bộ truyện quí giá này? Là vì một hôm trên đường từ trường về nhà, tôi cao hứng kể đoạn truyện mà tôi vừa đọc ở nhà bạn cho chú Vĩnh nghe. Chú là con trai út của ông Sáu. Tôi kêu bằng chú, nhưng chú học cùng lớp với tôi. Nghe tôi kể, Vĩnh nói liền:

- Tam Tạng vừa được Thái Bạch Kim Tinh cứu khôi lại bị yêu bắt nữa!

- Tại sao chú biết?

- Tao đọc truyện chớ sao? - Rồi chú khoe luôn - Tao đọc cả chục cuốn, chớ phải bấy nhiêu thôi sao?

Thế là tôi tóm được chủ nhân của bộ Tây Du. 1

Nhưng làm sao mượn được? Chú Vĩnh bảo:

- Ba tao khó lắm, ông để bộ truyện trong giường hộc, tao không có chìa khóa.

Tôi biết giường hộc là giường gì rồi. Nó là em của "rương xe". Nhà giàu xưa mới có hai loại "tủ sắt" này. Của quí đều để trong đó cho bảo đảm khỏi bị cướp. Ăn cướp mà chẻ được "giường hộc" và "rương xe" thì hương quản đã tới còng đầu. Chú Vĩnh không giống ông Sáu, chú dễ tính, lúc nào chú cũng có tiền dư, ít nhất là hai, ba xu để trong vỗ hộp quẹt "diêm Hai sao Bến Thủy" hoặc "Blue Bird". Mỗi lần cần tiền để mua đạn đá bắn cu-li, tôi không ngần ngại hỏi chú Vĩnh. Bao giờ chú cũng càu nhàu: "Mượn mượn? Mới trả à nghen!" Miệng nói vậy, nhưng tay vẫn mở hộp quẹt lấy tiền đưa ra ấn vào tay tôi hoặc một xu, hoặc nửa xu. Vì thế tôi mới mon men hỏi mượn truyện Tây Du. Ban đầu chú lắc lia:

- Không được, ba tao biết, bị đòn chết.

- Len lén, ông làm sao biết được!

Rồi ngày một ngày hai tôi cứ năn nỉ ồn ỷ" riết, chú phải xiêu lòng. Chú đồng ý lấy cho mượn, nhưng còn nghiến răng dặn:

- Mà mày đừng có cho ai mượn lưu truyền rồi mất, nghe hôn?

- Tôi leo vào bồ lúa đọc một mình, không có cho ai mượn đâu mà!

Tuy tôi hứa vậy, nhưng cả tuần sau chú mới bảo:

- Chiều đi học về mày ghé lấy. Nhưng mày phải đứng ngoài cây vú sữa, tao lòn ra cửa (lá sách) cho. Đừng để ai trông thấy. Ba tao biết là chết!

Nhà chú đóng cửa im ỉm như chùa quanh năm, chỉ mở ra khi có đám giỗ. Khi về ngang nhà chú, tôi ghé lại, bụng phập phồng. Rủi ông Sáu bắt gặp méc tía tôi, thì bị rầy to. Thời đó, mấy ai đọc chữ, trẻ con biết gì mà bày đặt!

Tôi đứng co ro bên gốc vú sữa chờ. Tối nay về nhà phải học bài Sử ký dài, và nhiều bài toán phải làm tới khuya mới xong, còn đọc sao nổi. Bỗng cánh cửa hé mở, tôi chỉ nhìn thấy cái chót mũi ló ra thì biết là chú Vĩnh. Tôi vọt lại, chú lòn cuốn truyện ra, rồi khép cửa liền. Tôi nhanh nhẹn đút nó vào trong áo, và ôm chiếc cặp áng trước bụng tự nhiên đi ra; mắt cứ ngó bên này bên kia như có ai thấy.

Kể từ hôm đó, tôi mê Tây Du.

--------------------------------

1

Năm 1992, nhân gửi thư về thăm bà con quê nhà, tôi hỏi thăm chú Vĩnh về bộ truyện Tây Du. Chú viết trả lời: "Mày quên rồi sao? Nhà tao với nhà mày bị Tây đốt năm 1946, khi nó đóng đồn chợ Cầu Mống. Một chiếc đũa con cũng không còn. Truyện nào còn được! "

CHƯƠNG II<

ÔNG THẦY HUẾ:
BẠN THƠ TỪ PHƯƠNG XA CỦA TÍA TÔI

Một hôm bỗng có người khách lạ đến nhà tôi, đầu cúp chải, mặc bộ đồ bà ba trắng, áo cổ bâu đứng, vai ngoéo cây dù, vai mang túi quả mướp.

Tía tôi cũng không biết là ai, nhưng vẫn chào niềm nở. Ông khách nói:

- Tôi nghe thầy làm thơ, nên tìm đến xướng họa chơi.

Tía tôi nói:

-Tôi cũng đang tập làm chút đỉnh. Chẳng hay tiên sinh nghe ai nói vậy?

- Tôi không nhớ là ai nói, nhưng có đúng không?

- Tôi rất hân hạnh được tiên sinh hạ cố. Xin mời vào tệ thất !

Sau này tôi mới biết đó là ông thầy đồ ở Quảng Nam thất chí, đi ghe bầu vào đây bán thuốc cao trà đắng. Tía tôi như phùng tri kỷ. Để có nhiều thì giờ ngâm vịnh với nhau, ưa tôi kêu bà con đến mua mỗi người một món, trong giây lát hết tay nải thuốc của ông thầy.

Rồi bảo má tôi làm gà đãi đằng như thượng khách. Tôi không biết hai người xướng họa với nhau những bài thơ nào, nhưng thấy có vẻ tương đắc lắm, lúc cười ngả nghiêng, lúc lặng thinh không nói.

Mãi tới chiều tối, tía tôi mới tiễn ông bạn thơ ra khỏi ngõ, hai bên quyến luyến nhau. ông thầy hẹn năm sau đến mùa gió nồm sẽ lại vào thăm vùng đất Nam kỳ. Nhưng năm sau không thấy ông tới. Vài bữa tía tôi lại ra ngõ ngóng một bữa, và hỏi những người đi chợ về xem có thấy ghe bầu (bằng nan) bán thúng bán rổ ở bến chợ không?

Người quen đáp: "Ghe bầu đậu hai ba chiếc!"

Ghe bầu ở Quảng có vô, nhưng bạn xưa không thấy đến. Thỉnh thoảng tía tôi lại nhắc ông "thầy Huế nói tiếng trọ trẹ". Và lấy làm tiếc lần ngâm vịnh tương đắc sao mà ngắn ngủi?

Từ đó tôi mới biết tía tôi có làm thơ, và cũng từ đó tôi bắt đầu để ý tới chiếc tủ sách của tía tôi. Đó là chiếc tủ đứng sơn vẹc-ni màu nâu nhạt, có khóa. Chiếc tủ đứng uy nghi ở gian nhà trước, chứa đầy sách. Mỗi lần mở nó ra lấy món gì cần thiết xong, tía tôi đều khóa lại. Xâu chìa khóa có nhiều chiếc, tủ trong buồng thì khóa bằng khóa chữ. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ, không hiểu sao tự nhiên nó hiện lên trong đầu tôi: R.-O.-M.-E.-K. Không hiểu đó là nghĩa gì, nhưng má tôi dùng năm chữ đó để khóa tủ. Không biết hai cái ống khóa chữ mất lúc nào? Muốn mở tủ trước khó lắm, nhưng qua nhiều lần "nghiên cứu,,, tôi biết được chiếc chìa dùng để mở nó. Phải chờ cơ hội.

Lúc này tôi đã lên lớp nhì (Préparatoire). Thầy của tôi là ông Trần Văn Lâu. Ông mất lúc tám mươi hai tuổi. Tôi vừa gửi thư về thăm, ông viết mấy chữ: "Thầy phải đi nhà thương ngay, nên không viết cho con nhiều được. Khí về nhà sẽ viết dài..." Nhưng ông đi rồi không về nữa. Đau đớn thay! Đây là vị thầy cuối cùng của tôi qua đời.

Ông cũng là bạn thơ của tía tôi, thỉnh thoảng ông ra nhà tôi để xướng họa với tía tôi. Hai ông ngồi cả ngày để nói chuyện thơ. Tôi luôn luôn túc trực bên trong cửa buồng để được gọi bưng trà châm nước. Do đó tôi nghe được những tiếng lạ tai vui vui, rồi nhớ thuộc lòng hồi nào không biết

(Bình - Bình - Trắc - Trắc - Bình - Bình -Trắc

(Trắc- Trắc - Bình - Bình - Trắc - Trắc - Bình v.v...

Sau nhiều lần thầy tôi đến chơi, tôi còn nghe lỏm và thuộc lòng được nhiều hơn nữa - những tử vận của thơ Đường như:

- ôi- thôi - rồi - nồi - xôi

- xô - cô - vô - ô - rô

- thằng - ăn - măng - nhăn - răng

- gà - bà - qua - nhà - ta

- voi mòi - còi - thoi - roi

- không - chồng - trông - bông - lông v.v...

Trong mấy chục năm trở lại đây, tôi rất ít đọc được thơ Đường trên báo chí, càng ít thấy những bài tử vận kể trên. Vì thơ mới lấn át, hay vì luật Đường thi quá gắt gao?

Tía tôi có làm nhiều bài và bắt tôi chép vào tập. Tiếc thay lúc đó tôi chưa hiểu gì, nên chỉ còn nhớ có mấy câu theo tử vận "ôi - thôi - rồi - nồi - xôi. "

Điếu Em Rể (của tía tôi)

Jean Lê Văn Báu ôi!
Phận soạn sao vắn dõi thôi?
Năm ngoái Sài gòn còn ngóng đợi
Ngày nay âm cảnh hết mong rồi.
Một năm hương lửa duyên còn bén ....

hoặc là:

Thế gian lắm chuyện não nề, ôi!
Cuốn lưỡi mùa đời nếm chút thôi!

Nhờ chép thơ và nghe thơ mà thời đó tôi đã thuộc mười bài Thập thủ liên huấn của vợ vua Thành Thái. Bây giờ cũng còn nhớ gần đủ. Xin chép một vài đoạn KHUÊ PHỤ THÁN. (Do nhà thơ Thượng Tân Thị ở Huế thác lời vợ vua Thành Thái làm.)

- I -

Chồng hỡi chồng ơi, con hỡi con,
Cùng nhau xa cách mấy năm tròn.
Chân trời góc biển nơi chim cá,
Dãi gió dầm sương tủi nước non.
Mộng điệp vì đâu cơn lẻ tẻ, (?)
Hồn quê khiến để thiếp chon von.
Ngày qua tháng tại trông đằng đẵng,
Muôn dặm xa xa mắt đã mòn.

- II -

Đã mòn con mắt một phương Âu,
Có thấy chồng đâu, con ở đâu!
Dẫu đặng non xanh cùng biển cả,
Khó ngăn gió thảm với mưa sầu.
Trách ai dắt mối không lừa lọc,
Để thiếp năm canh chịu dãi dầu.
Hỡi đấng cao xanh sao chẳng đoái,
Tấm lòng bứt rứt suốt canh thâu.

Loại tử vận thì tác giả phải dùng năm chữ ở vận bình, không được thay chữ khác. Còn loại tạp thủ liên huờn thì tác giả phải lặp lại mấy chữ cuối của bài trước để bắt đầu bài kế. Và bài thứ mười phải trở lại đúng năm chữ vận bình của bài đầu. Lại một luật lệ gắt gao khác, khó theo. Phải chăng vì thế mà thơ Đường luật thưa dần trên thi đàn?

Từ khi biết đọc truyện, tôi muốn tìm xem trong tủ đựng những sách gì. Một dịp may đến: Tía tôi đi đá gà.Thế là chàng va không bỏ lỡ cơ hội. Thừa lúc má tôi ở ngoài vườn, tôi đi vào buồng lén lấy chùm chìa khóa. Đã có ý định mở tủ từ lâu, nên mỗi lần thấy tía tôi mở tủ, tôi be be lại gần để xem. Nhờ thế tôi dùng đúng chiếc chìa khóa, không phải mò mẫm mất thì giờ lâu lắc. Tôi mở được chiếc tủ, vừa mừng vừa sợ, có lẽ sợ hơn mừng, vì đây là một việc cấm mà tôi cả gan làm. Nên tôi chỉ dám mở một cánh thôi. Chỉ một bên mà đã thấy được bao nhiêu sách. Những cuốn sách rất cũ, nhiều cuốn rách nát, gáy sách xười xể, nhiều tờ sách cuốn mép. Tôi thấy một quyển to và dầy ước bằng ba cuốn truyện, bèn cầm lên coi, thì thấy ngoài bìa nét chữ rất đẹp của tía tôi: Kim Vân Kiều viết theo lối "écriture anglaise" chữ nghiêng. Tôi giở đại vài trang bên trong. Ôi chao, những hình là hình !

Tôi thích quá, ngồi bẹp xuống đất mà coi, quên hắn mình đang là "kẻ trộm". Hình của Viên ngoại, của Thúy Kiều và Thúy Vân, ở bên dưới mỗi tấm hình đều có đề thơ:

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Hình Từ Hải đầu đội mão có lông công:

Râu hầm hàm én mày ngài,
Vai năm thước rộng thân mười thước cao.

Hình Thúy Kiều ngồi một mình:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biệt là về đâu.

À, thì ra tía thường vẫn ngâm những câu này, tôi nghe luôn (tuy không hiểu gì hết), nên nay đọc thấy là thuộc liền.

Tôi đang mê mải xem hình Từ Hải, Khuyển Ưng, Khuyến Phệ, thì bỗng có tiếng la:

- Chết nghe? Anh dám mở tủ của tía.

Tôi giật mình ngoảnh lại, thì ra con em gái tôi. Tuy bị dọa méc ưa nhưng tôi vẫn không ngán. Tôi để quyển Kiều vào chỗ cũ, rồi moi thêm một lúc nữa. Tuy ngoài mặt làm bộ không ngán nhưng bụng sợ lắm, nên đóng cửa tủ khóa lại rồi đem chìa khóa bỏ vào chỗ cũ, dưới mí chiếu trên giường ngủ trong buồng, thì lại gặp má tôi. Thấy tôi lính quýnh lấm lét bà hỏi:

- Con có để y như trước không? Kẻo mất dấu tía mày biết!

Thấy má tôi không rầy mà còn có ý che chở, thì tôi vững bụng. Từ đó, cứ có dịp là tôi lén mở tủ. Có nhiều lần không đọc gì hết, mà chỉ lấy cuốn này cuốn khác cầm lên để xuống. Ở ngăn ngoài tủ, tôi nhớ có nhiều sách báo lắm: Lục tỉnh Tân văn, Hà Nội báo, Đuốc Tuệ, Đuốc Nhà Nam (trong một tờ này có một cái hình hài hước vẽ một người nằm tréo ngoải hút thuốc phiện, bên dưới có câu chú thích: Rồng Nam phun khói, đánh đổ nghịch tặc!)

Đến bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi hãy còn tức cười.

Bên cạnh những sách quốc ngữ, có nhiều quyển chữ nho, trang sách vừa vàng vừa mỏng, tôi không dám giở ra, vì sợ chữ nghĩa bể hết. Thủa nhỏ tía tôi có học chữ nho . Lúc tôi học trường làng thì ông nội của tía tôi (cụ Cố) còn sanh tiền. Mãi đến lúc lục sách trong tủ này tôi mới biết cụ làm Phó tổng. Trước kia chỉ thấy lâu lâu cụ tới chở tôi bằng xe ngựa vô làng, chớ không biết cụ làm việc gì.

Tôi thấy giấy tờ của cụ do tía tôi giữ còn một số viết bằng chữ nho. Có lẽ vì thế cụ bắt tía tôi học chữ nho để giúp cụ chăng?

Tía tôi rất có hoa tay viết chữ quốc ngữ lẫn chữ nho đẹp nổi tiếng cả vùng. Ông rất coi trọng chữ viết của tôi, "xem chữ biết người" ông nói vậy. Cho nên mỗi tuần ông đều xem vở tôi, đặc biệt hễ bài "écriture" (tập viết) nào dưới tám điểm là ông rầy, hoặc phạt. Có lần tôi bị phạt phải chép 3, 4 trang Kiều, và một lần khác, tôi bị nặng hơn: tìm tất cả những câu "Mười lăm năm".

Trời ơi! làm sao đọc cho hết mấy trăm trang sách để tìm ra những câu "Mười lăm năm"? Thằng nhỏ cầm quyển Kiều leo lên võng một chốc thì mắt muốn híp lại, nên chi coi hình Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Bạc Hạnh... rồi ngủ khò. Ba tuần hèn không ớm ra một câu "Mười lăm năm" nào hết. Mỗi lần đi đá gà về, ông ngoéo cây dù lên cột là hỏi: "Mày tìm ra chưa? Chưa ra thì mười lăm roi! Muốn cái nào thì muốn?"

Tôi đành chịu nhận roi, nhưng ông không đánh, mà bảo:

- Lật ra trang ... có câu:

Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm ấy bây giờ là đây.

Tôi lật ra, đúng y. Ông lại bảo tiếp:

- Lật trang ... có câu:

Từ con lưu lạc quê người,
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm.

- Trang ... có câu:

Những là rầy ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!

Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ ba câu "Mười lăm năm" của tía tôi phạt.

Còn mấy bài tử vận tôi nhớ được cũng nhiều. Bây giờ, đôi lúc tôi có thử làm nhưng không làm nổi. Vận voi-mòi -còi-thoi- roi thì có bài Hát Bội (không nhớ rõ của Cử Trị hay của Huỳnh Mẫn Đạt) như vầy:

Đứa ghẻ ruồi, đứa lác Voi
Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ Mòi
Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc,
Đứa nịnh loe hoe mấy sợi Còi
Trên trình có nhà còn lợp lọng
Dưới chân không ngựa lại quơ Roi
Người ta nói hễ bội thi bạc
Bôi mặt đâm nhau cú lại Thoi.

Tôi nhớ lúc này thầy tôi cho bài học thuộc lòng là "Thơ Đầu Trọc" và "Cây Vông".

(Quên ba câu) . . . . . .
Củ khoai sao lại có hai tai
Khi tưởng sọ dừa ôm ấp giữ
Trẻ ngờ trái bưởi hỏi han hoài
Ai rằng không cán Quỳnh xin cuộc
Hút thuốc mà coi, gáo hẳn hòi.

CÂY VÔNG

Uổng công tạo hóa mấy thu đông
Cao lớn làm chi vông hỡi vông
Càng lớn càng già càng lộp xộp
Ruột gan chẳng có, có gai không.
....(quên)

Tôi chép về cứ lải nhải đọc vang nhà, không hiểu gì cả Nhưng vẫn nhớ! Bây giờ mới thấy hay mà đã thuộc tự bao ngày. Thời kỳ này tôi cũng thường nghe tía tôi nhắc tới các phương danh như: Thầy Bảy Chiêm, Cô Ba Sương Nguyệt Ánh.

CHƯƠNG III

TỪ TRẬN ĐÒN NÊN THƠ
ĐẾN KHO TÀNG TRONG NGÔI NHÀ XƯA

Cũng vì thơ Đường mà tôi bị đòn một phen. Số là một hôm tôi lại mở tủ sách. Lần này tôi mở cả hai cánh tủ ra, và mò vô ngăn trong. Tôi run lên như thám tử tìm được "Kho Vàng Sầm Sơn". Những sách là sách. Một quyển sách rõ to, có cả chữ Tây lẫn chữ Quốc ngữ và chữ Nho (Tự Điển). Một bộ tiểu thuyết Đôi Uyên Ương (Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà), một chồng báo Đuốc Tuệ, một chồng báo Văn Lang của Docteur Hồ Tá Khanh, và những cuốn sách khác không nhớ tên.

Tôi vừa mừng vừa sợ, lật giở lia lịa. Bỗng thấy một quyển in toàn những hàng ngắn giữa lòng trang giấy. Đúng là thơ. Không biết là thơ gì. Thơ gì thì thơ, tìm chỗ trốn, đọc thử xem. Tôi vừa nghĩ vừa kẹp nách quyển sách và khóa tủ lại, đem trả chìa khóa vào chỗ cũ, rồi nhanh nhẹn leo lên bồ lúa - nơi má tôi thường giú chuối xiêm hoặc chôn ổ cơm rượu, ít ai để ý, nay tôi dùng nó như thư lầu để đọc truyện Tây Du.

Không còn chỗ nào khác tốt hơn nên tôi cứ "đằng vân lên đó, nằm trên manh chiếu mà giở tập thơ ra đọc ngấu đọc nghiến, đọc xong đem trả lại chỗ cũ.

Đến chiều, ngồi vào bàn ăn cơm, tía tôi hỏi tôi ngày nay đi đâu mất biệt? Tôi ú ớ cho qua. Tía tôi lại nói vài ba chuyện, rồi hỏi:

- Ngày mai con trả bài gì?

- Dạ, Qua Đèo Ngang.

- Con thuộc chưa?

- Dạ thuộc rồi!

Tôi thuộc thật, nền nghe tía hỏi, tôi liền đọc luôn để khoe:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà..
Nhớ nước ...

Tía tôi khen:

- Con giỏi lắm!

Tôi được trớn, nói luôn:

- Con còn thuộc một bài Đèo Ngang nữa, tía à !

- Con giỏi vậy a? Để ăn cơm xong, con đọc cho tía nghe.

Má tôi thấy tôi giỏi nên cũng khuyến khích tôi bằng một cái trứng cá. Tôi không ăn mà bỏ vào chén đứa em tôi và kiêu hãnh đọc liền:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu . .

Đọc được mấy câu rồi quên. Tôi nhìn sắc mặt tía tôi, thấy ông không có vẻ gì khen tôi như lúc nãy, nên cố moi óc Nhưng vì gấp rút chỉ thuộc có mấy câu (cũng may mà thuộc có mấy câu). Tía tôi ăn cơm xong, buông đũa xuống, ra nhà trước, rồi trở vô hỏi:

- Bữa nay đứa nào mở tủ?

Ở nhà chỉ có đứa em chưa đi học và tôi, thì còn ai? Đích thị chàng va, chớ ai nữa? Má tôi lo âu, nói đỡ cho tôi:

- Nó đi theo trâu ra đồng tối ngày, đâu có ở nhà.

Tía tôi không nói gì, cứ lẳng lặng xách cây chổi lông gà vẫy một cái:

- Thằng đó lên cúi trên ván mau!

Má tôi lại nói đỡ:

- Thì để cho nó ăn cơm rồi đã !

Nhưng tôi còn nuốt sao vô nữa mà ăn. Tôi buông đũa, nước mắt dầm dề, ríu ríu đi lên nhà trên nằm dài trên bộ ván gõ.

Tía tôi gác cây chổi gác ngang đít tôi. Tôi run từng miếng thịt. Tía tôi bảo:

- Sao tía dặn con không được mở tủ, mà con cãi lời tía?

- Hu hu ...

- Từ rầy còn mở nữa hết?

Má tôi đứng trong cửa buồng, trả lời giùm tôi:

- Từ rầy con không dám nữa. Nói đi, rồi lạy xin lỗi tía. Mau đi để khỏi bị đòn!

Nhưng tôi cất tiếng không nổi. Tía tôi nhịp nhịp cán chổi trên đít. Tôi khóc ré lên. Tía tôi bảo:

- Cấm biệt, không có mở tủ nữa, nghe không?

Dạ. — Má tôi cũng đáp thay.

- Sách trong đó con không có đọc được, đừng có rớ tới nghe không?

- Dạ ! — Má tôi vừa đáp vừa bước tới lôi tuột tôi xuống ván. (Trận đòn độc nhất trên đời... vì thơ, rất nên thơ!)

Sau này khi lớn lên, tôi mới hiểu ra rằng tôi bị đòn không phải vì dám mở tủ, mà vì đọc những bài thơ ở tuổi tôi không nên đọc. Nhưng tôi không biết đó là "thơ cấm trẻ con".

Trong gia tộc tôi đến thời bấy giờ vẫn còn giữ cái lề luật: Trai không được đọc Thủy Hử, gái không được đọc Thúy Kiều. Cho nên trong vô số truyện Tàu của ông Cố tôi mua không có bộ Thủy Hử - Mãi đến năm 1986 tôi mới đọc bộ truyện này.

Bây giờ xin trở lại truyện cậu bé đang bị roi cắn đít. Nghe má tôi nói, tôi lồm cồm ngồi dậy xá một xá và chạy theo má tôi. Xuống tới bếp, ngẫm nghĩ sao không biết, tôi lại co giò phóng một hơi lại nhà ông Cố tôi. Ông Cố tôi lúc bấy giờ đã hưu trí, nhà có một chiếc xe ngựa để đi chợ, tàu ngựa ở bên hông nhà. Trên tàu ngựa luôn luôn có một chú khỉ ngồi, hễ trông thấy ai đi qua là nhóp nhép miệng như nói gì. Thỉnh thoảng trẻ con lối xóm kéo tới ném vỏ chuối cho nó bắt. Khi vớ được cái vật không ăn được thì nó trợn mắt và "chửi" trả thù những kẻ lừa nó.

Bị đòn xong, tôi ù té chạy băng qua tàu ngựa rồi vọt vào nhà, nhào vào lòng bà Cố tôi đang ngồi trên ván ăn trầu, òa lên khóc. Bà hỏi chuyện gì? Tôi không đáp mà càng khóc ngất lên. Bà Cố là người oai quyền nhất trong gia tộc. Tôi nghe nói lại rằng: các ông các bà tôi thủa 20-25 đã có vợ có con cũng bị bà bắt cúi đánh bằng roi như thường, nhưng bà lại đặc biệt cưng các cháu chắt. Đứa nào muốn trốn đòn cứ tới đây ăn vạ là được sự che chở của bà. Bất cứ tội nặng đến đâu cũng được "trắng án".

Tôi cũng khá khôn ngoan, nên đã tới đây tìm "cây dù'. Bà ẵm tôi ra chuồng ngựa để dỗ tôi. Các cô tôi nguýt háy:

- Cặp giò chấm đất rồi còn mắc ẵm!

Bà lấy chuối ném cho khỉ ăn cho tôi coi, tôi vẫn không nín. Bà hứa sẽ cho tôi đi xe ngựa, tôi càng khóc to làm như vừa bị một trận đòn to bằng trận Xích Bích. Bà để tôi đứng xuống đất, kéo quần xuống xem mông đít in mấy lằn roi.

- Nó đánh con ở đâu?

Tôi trỏ khắp người và còn tức tưới khóc tiếp. Kịp lúc đó, má tôi đến, đem quần áo cho tôi thay. Má tôi biết lạch trốn của tôi. Bà Cố bảo:

- Có một thằng con trai mà ngày nào bây cũng đánh. Đem nó về ăn thịt đi!

- Dạ thưa nội, tía nó đâu đã đánh roi nào, chỉ mới hăm thôi!

- Hăm mà đít thằng nhỏ lằn ngang lằn dọc thế này hả?

Thật ra, bà chỉ trông thấy những lằn roi tưởng tượng qua những giọt nước mắt lâm ly của tôi. Thấy được bênh vực tôi cảm thấy như "mối thù' được rửa xong. Má tôi thay quần áo cho tôi và năn nỉ tôi về.

Bà tôi gạt ngang:

- Để nó ở đây với tao !

Trời đất ơi! Tôi là dũng tướng đang bại trận khôi giáp tả tơi bỗng nhờ viện binh mà chiến thắng, thật là hả hê.

Bà Cố lại ẵm tôi vào nhà. Bà đem bánh và chuối xoài ra dỗ tiếp. Các cô tôi càng lườm nguýt. Nhưng thằng chắt này đâu có ngán ai? Cậu chàng lĩm một hơi hết mấy trái xoài thanh ca của bà nội tôi vừa đem lên cho ông Cố bà Cố tôi ăn cơm xong tráng miệng.

Như vậy là trận đòn thiệt ngọt hơn chè đường.

Tôi nằm trên ván ngủ một giấc tẩy trần.

Lúc mở mắt ra thì nghe tiếng đọc truyện văng vẳng bên tai. Ở đầu ván đằng kia, cách mép giường của Ông chừng một sải tay, chú Năm đang nằm sấp mà đọc truyện dưới ánh sáng thếp đèn dầu mù u.

Chú Năm là con ông Mười. Ông Mười là con trai út của ông Cố và là em ruột của ông nội tôi, chú ruột của tía tôi. Chú Năm học cùng trường nhưng trên tôi hai lớp.

Chú có nhiệm vụ thường trực là đọc truyện cho ông Cố tôi nghe để dỗ giấc ngủ. Dè đâu sau trận đòn lại gặp tri âm. Chú Năm chơi thân với tôi như một người bạn. Chú Vĩnh tuy cùng lớp mà không thân bằng.

Biết tôi vừa qua cơn giông tố, nên khi đọc xong mấy "hồi" truyện, ông Cố đã ngủ say, chú rút lui êm, không nói gì tới tôi.

Vừa bị đòn vỡ lở, tôi xấu hổ, nên làm như không quen với chú .

Tôi hí hí mắt, khi thấy chú ra khỏi cửa thì mở to ra bình thường, nhìn lên nóc nhà. Khoảng nhà chỗ ông Cố bà Cố tôi ngủ thì lợp ngói có vẽ hình chim cò, bông hoa, trông rất vui mắt. Tôi vốn quen từ lâu nhìn những hình đó nhưng nhìn mãi thì cũng chán, nên tôi đảo mắt khấp phòng. Bất ngờ tôi thấy trên chiếc kệ lớn ở ngay trước mắt có những chồng sách cũ. Tôi ngồi dậy định lấy, nhưng chiếc kệ cao, tôi không với tới.

Tôi hỏi Bà, Bà nói:

- Truyện! Con không đọc nổi đâu!

- Con đọc nổi.

- Thiệt hôn?

- Bà đưa con đọc cho coi?

- Con muốn đọc truyện gì?

Tôi chưa biết truyện nào khác ngoài truyện Tây Du, nhưng đáp bướng:

- Truyện nào con đọc cũng được.

Bà hết sức vui mừng. Bà lấy xuống một chồng để trước mặt tôi. Tôi thấy quyển nào cũng có hai chữ "Diễn Nghĩa". Tôi lắc đầu phụng phịu:

- Truyện "diễn nghĩa" này không hay đâu bà ạ !

- Truyện gì là truyện "diễn nghĩa"?

Tôi đưa tay chỉ, Bà bảo:

- Đâu phải truyện "Diễn Nghĩa" mà là "Phong thần diễn nghĩa, Thuyết Đường diễn nghĩa, Tây Hớn diễn nghĩa . con à ! Đâu con đọc thử bà nghe.

Tôi nào có biết "diễn nghĩa" là gì, và tại sao cuốn nào cũng có hai tiếng "diễn nghĩa" như vậy, nhưng tôi chắc chắn là đọc được. Tôi bèn tự đắc giở truyện ra, trong lúc Bà khêu đèn lên cho tỏ.

Tôi cất tiếng đọc re re luôn nửa trang, không ngó lên.

Bà đến lay ông thức dậy, bảo:

- Thằng Triết nó đọc truyện nè !

Ông nói:

- Tôi nghe nãy giờ rồi.

Chính cái kệ sách ấy là kho tàng văn hóa của tôi, đã mở ra cho bộ óc non nớt của tôi những điều mới lạ, đã cho tôi những nhân vật, những cốt truyện, những chi tiết kỳ diệu, những bố cục đơn sơ hoặc rắc rối, đã mang lại những say mê cho tuổi thơ, tuổi trẻ lẫn tuổi già.

Lúc về hưu, ông Cố tôi đã mua không biết bao nhiêu truyện Tàu, thơ phú, bài ca, mua sắm máy hát. Tôi không thể đọc hết, nghe hết và cũng không thể nào nhớ hết. Tôi xin cố gắng ghi lại đây những tập truyện và thơ:

Tiết Nhơn Quí chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Thuyết Đường, Tam hạ Nam Đường. Tàn Đường, Nam Tông Bắc Tông, Thập nhị Quả phụ chính Tây, Vạn Huê lầu, Ngũ hổ bình Nam, Ngũ hổ bình Tây, Long đồ Công án (Bao công xử án), Tam Quốc, Phong Thần, Phong kiếm Xuân Thu, Đông Châu liệt quốc, Tây Hớn, Nhạc Phi, Chung Vô Diệm, Xuân Thu anh liệt, Anh hùng náo tam môn giai, Tây Du... (Bộ Tây Du mà chú Vĩnh cho tôi mượn không biết có phải xuất xứ từ cái kệ sách này không?)

Chàng Nhái, Trần Minh khố chuối, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh chém chằng, Lâm Sanh Xuân Nương. Tôi ít đọc thơ, chỉ đọc truyện. Tôi đã đọc hết tất cả các truyện kể trên trước mười tuổi, không truyện nào tôi đọc một lần, nhất là truyện có đánh phép. Chỉ truyện Tây Hớn là tôi đùn cho chú Năm đọc, vì nó không có "hô giáng hô thâu'. Riêng truyện Tam Quốc thì chỉ gậm cầm chừng, chớ không thích lắm, vì nhiều mưu kế quá, tôi không hiểu.

Cái đầu ván bên cạnh giường ông Cố tôi là nơi biểu diễn tài nghệ đọc của học trò trong xóm.

Bất cứ trò nào, bất cứ lúc nào, muốn đọc truyện đều có thể đến đây để đọc. Cứ mười lăm, hai mươi trang, được ông Cố trả cho nửa xu. Cả người nhà cũng được lãnh lương chớ không riêng gì người ngoài.

Tiền công nhật cuốc đất, cấy gặt lúc bấy giờ là một cắc (lúa hai cắc một giạ) thế mà đọc 15-20 trang truyện được trả nửa xu, kể cũng hậu lắm.

Riêng tôi, chủ nhật ít khi vắng mặt trên bộ ván này.

Tôi nhận ra còn nhiều truyện cũng hấp dẫn lắm, như truyện Phong Thằn, Phong Kiếm Xuân Thu, đánh phép ác hệt. Tôi rất mê Tôn Tẩn trong Phong Kiếm Xuân Thu. Ông có ba bửu bối rất ghê gớm, đó là con thanh ngưu, tức là con trâu của ông cỡi. Ông bị Bàng Quyên phản bội chặt chân, nên còn có tên là thằng Cụt. Ở xứ tôi, hồi kháng chiến chống Pháp, có một chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn bị thương ở chân phải mang tật, đi đâu anh phải cỡi trâu, nên đồng bào gọi anh là Tôn Tẩn. Một nét rất độc đáo cho một nhân vật.

Bửu bối thứ hai là cây Hạnh huỳnh kỳ. Đây là cây cờ phép biến hóa vô cùng, có thể đỡ được mọi thứ binh khí của ké địch.

Bửu bối thứ ba là Đôi gậy trầm hương. Đây là món binh khí vô cùng lợi hại.

Còn trong Phong Thần thì có các trận do các giáo chủ bên Triệt giáo và Xiển giáo lập nên để giết hại nhau, đánh phép mịt mù thiên địa.

Xiển giáo gồm những vị tiên gốc người tu thành. Giáo chủ của phe này là Nguơn Thỉ Thiên Tôn và Lão tử. Còn Triệt giáo gồm những vị tiên cốt thú tu thành, như rùa, rắn, ba ba, cọp, beo v.v... Người cầm đầu phe này là Thông Thiên Giáo chủ. Xiển giao thì phò nhà Châu để diệt Trụ, còn Triệt giáo lại chống lại mệnh trời bênh Trụ chống Châu. Vì khác chánh kiến nên Triệt giáo lập trận Tru Tiên để giết Xiển giáo. Số lượng tiên bị giết trong cuộc chiến dài dằng dặc này là 365 vị. Bản danh sách này đã được định sẵn, gọi là

"Phong Thần bảng".

Tôi vẫn thường nghe người trong xóm nói:

- Thằng đó thuộc về Triệt giáo (Chơi không vô !)

Ý nói người nào đó không tốt. (Cốt thú)

Ngoài cái thích đọc truyện ra, như các đứa trẻ khác cùng lứa, tôi cũng còn có những trò vui khác, như tắm vũng, đánh trỏng, rập chim. Nằm đọc truyện bên trong, mà bên ngoài đám bạn hú nhau ra xẻo tắm, hoặc rủ đá banh, rập chim thì mắt đâu còn thấy chữ nữa, bụng cứ nhấp nhỏm, chỉ muốn ngồi dậy dông đi.

Do đó bụng ngầm tính kế.

Một bữa trưa, tôi đang đọc tới đoạn "Hỏa đầu quân Tiết Lễ bị Trương Sỹ Quí cướp công cho rể là Hà Tôn Hiến" - thì bên ngoài đám bạn thò tay vô ngoắc lia. Tôi vẫy tay đáp lại rồi ... nhìn qua giường tôi thấy ông tôi đã ngủ say với tiếng ngáy đều đều nho nhỏ. Theo lệ thường thì ai đọc bộ nào tới đâu cứ việc làm dấu bằng một lá trầu, hay một mẩu bao nhang để kỳ tới trở lại đọc tiếp, hoặc có ai muốn đọc thì giở ra ngay đó mà đọc. Ông tôi không kén nghe. Bất cứ đoạn nào của bộ nào cũng được, miễn có đọc thì thôi, không cần liên tục, nhưng ông thuộc hết, những tờ truyện như sắp lớp trong bụng ông. Tôi bèn nhẩy sang đoạn "Lý Thế Dân mộng ứng hiền thần" cách nhau chừng hơn hai mươi trang. Như vậy là tôi hoàn thành nhiệm vụ, có thể đi chơi. Nhưng... tôi vừa nhổm dậy là Ông "ư"' một tiếng khẽ.

Chú Năm tôi vẫn dặn tôi chớ có nhảy trang ông biết, nhưng tôi không nghĩ rằng đang ngủ say mà Ông lại nghe. Nào ngờ đâu Ông vẫn nghe trong lúc ngủ. Nghe Ông "ư" tôi bèn lật ngược lại đọc đoạn vừa nhảẩy Vài lần sau tôi lại nhảy, nhưng lần nào cũng bị "ư nên tôi không dám "nhảy" nữa.

Chủ nhật nào tôi cũng lãnh lương được ít nhất là một xu. Trời ơi! học trò trường làng thời đó mà ăn hàng một xu mỗi bữa sáng là oai lắm...

Má tôi chỉ cho tôi mỗi ngày hai xu hoặc một xu rưỡi chớ không hơn. (Vừa rồi anh Phạm Thăng có gửi tặng má tôi đúng một xu rưỡi, và viết: "Con tặng má số tiền này để má nhớ lại thời nhà văn... con của má đi học trường làng.")

Có tôi thế chân, chú Năm tôi được rảnh cả ngày chủ nhật Chú đi lượm dừa rụng để bán lấy xu, rồi tối lại đọc truyện để lãnh lương thêm.

Vào trường, chúng tôi hùn vốn lại mua đạn bắn cu-li, ăn thêm. Có khi vốn liếng đến năm xu, nhưng cũng có lúc xui xẻo thua phộc túi, phải mượn tiền của chú Vĩnh.

Chú Vĩnh hồi này đi coi hát bộn. Hễ có gánh hát tới thì chú đi xem, không những một đêm, mà xem luôn mãi đến lúc ghe hát nhổ sào mới thôi.

Chú học trung bình, nhưng không bao giờ vắng mặt, và có tật đi sớm. Cả trường ai cũng phải nhận rằng không ai đi sớm hơn Vĩnh.

Vào đến cổng là đã thấy Vĩnh ngồi chong ngóc ở hàng ba rồi.

Đêm nào coi hát, sáng lại chú phải tìm tôi để "tâm sự" về đêm hát hôm qua. Chú Năm cũng đọc truyện, nhưng vào đến sân trường là tìm bồ bắn cu-li trước khi vào lớp Bởi vậy, chú Vĩnh thường tìm tôi.

- Tối hôm qua Bạch Viên bay đứt dây.

- Bạch Viên nào?

- Bạch Viên đi rước Vương Thiền xuống cứu Tôn Tẩn.

- Rồi sao đứt dây?

- Ai biết đâu nè !

- Rồi có bay lại không?

- Té coi bộ nặng nên Bạch Viên không ra hát nữa!

- Rồi ai thay?

- Y chỉ có ra một màn đó thôi! - Vĩnh tiếp - Để chiều mình đi học về ghé lại bến xem dưới ghe hát có y ở dưới không? Báo hại còn một giò thì khốn!

Cứ mỗi lần Vĩnh xem hát là tôi lại được nghe một chuyện vui. Một lần Vĩnh bảo:

- Bữa nay Trương Phi rớt râu? Thằng chả đang nổi giận đùng đùng, quơ xà mâu lên hét ầm ầm và đưa tay vuốt râu, bỗng hàm râu rụng xuống sạp.

-Ủa, sao kỳ vậy?

- Râu giả đeo vô, chớ phải râu thiệt sao mậy! Bữa trưa nào rảnh, tao dẫn mày lén vô phía trong rạp coi râu mão thì mày biết.

Một buổi trưa, ăn cơm căng-tin xong, hai chú cháu lên nhà lồng chợ, lén chui vô phía sau sân khấu. Tôi lóa mắt, một sào treo những mão là mão, trên mão dưới râu. Nào mão vua, mão thừa tướng, mão Vưu Hồn Bí Trọng, mão Hoàng Phi Hổ, rồi đến mão của Lưu Bị. Tôi hỏi:

- Mão Quan Công đâu?

- Quan Công không đội mão, chỉ bịt khăn mày quên rồi à?

Còn râu? Râu ba chòm, 5 chòm, râu Trương Phi, râu Bàng Hồng, Tôn Tú... Râu ngắn, râu dài. Râu bạc như râu Tỷ Can. Râu chết nhát như râu Tần Cối.

Còn sào bên ha là áo bào. Trông mà mê. Áo thêu kim tuyến, áo long bào, áo võ tướng văn quan, áo của quân sư quạt mo. Rồi những gươm dáo giắt đầy giá, bỏ loạn xị dưới đất nào gươm Lục yểm, nào hồ lô của Tiên cô Xiển giáo.

- Mày đi coi ban đêm kia mới hay. Đây là con cóc Thiềm thừ của Dư Hồng Dư Triệu cỡi, đây là con hạc của Bích Vân Tiên cô v.v...-chú Vĩnh ỷ có đi coi hát nên nói ron rót cho tôi nghe, tỏ vẻ món nào cũng rành.

- Mày coi kìa, đấy là cái đầu của Thân Công Báo lúc y cất ra đưa cho con hạc gắp lấy bay đi.

Đó là vốn sống của tôi sau này. Tôi không có thu thập không cố sao chép gì cả, cũng không cả chú ý nhớ những gì, không cần nhớ những gì. Nhưng khi viết thì . những gì cần thiết tự nhiên sẽ đến. Có những nhân vật mình không định có trong truyện, nhưng bỗng nhiên vào tới một đoạn nào đó, nó lại "đầu quân" với mình. Tức thì mình nhận nó, đặt tên nó rồi cho nó vào đội ngũ. Về sau nó lại trở thành người quan trọng trong đám nhân vật của mình. Có khi mình lại thích hơn cả những nhân vật mình sửa soạn trước.

Chuyện tướng đã quên lại sống dậy, còn chuyện nóng hổi lại quên, lại nguội đi. Người viết nào mà không có những chuyện tưởng chừng vặt vãnh đó, những cái mà Leon Tolstoi gọi là "Chi tiết nhỏ làm nên tiểu thuyết lớn ". (Petit détail fait grand roman) .

CHƯƠNG IV

RỬA CHÂN CHO SẠCH NƯỚC PHÈN

Tôi rời trường làng để lên trường quận với bao nhiêu là luyến tiếc. Những buổi đọc truyện, những ngày hớt cá lia thia, những đêm tát đìa hay canh cá nhảy hầm... Tất cá đều lùi lại phía sau. Cậu bé mười tuổi bắt đầu biết sự phồn hoa đô hội và nhiều ánh sáng, đông người, nhiều xe cộ bụi bậm hơn.

Tôi ăn cơm trọ nhà một người bạn của tía tôi là ông Ba Đạt. Ông Ba chỉ nhận nuôi con cháu của những người quen lớn. Ông rất nghiêm khắc nhưng lại có lối nói hài hước. Thí dụ, ông đi ngang gánh hát Sơn Đông mãi võ bán thuốc rượu trị đau lưng, thì về nhà ông nói: "Tưởng thuốc gì, ai dè thuốc rượu con bìm bịp. Uống thuốc đó vô chưa hết đau lưng, nhưng đã mắc bịnh nói láo". Hoặc thấy họ mị thuật ra tiền, ông bảo: "Sao không thuật ra xài để đi hát mệt vậy?"

Một hôm có người thanh niên tên Vân đến nhà và kêu ông bằng bác. Không biết có phải đó là Ba Vân quái kiệt sau này hay không? Anh đi theo gánh hát xuống diễn tuồng ở đây và vào thăm ông. Ông hỏi:

- Tao nghe nói mày làm hề hay lắm, có không?

- Dạ, đâu có bác. Cháu chỉ biết chọc cười!

- Nếu mày chọc tao cười thì tao mới đi coi, còn không thì thôi.

Ba Vân bảo:

- Bác nhìn cháu nè!

Ba Vân tự nhiên vuốt tóc, làm lé, gương mặt bỗng nhiên đổi khác hoàn toàn. Nhưng chưa hết, anh làm luôn thằng cùi đi ăn mày, nói lảm nhảm và đưa tay xin tiền.

Cả nhà cười rần rần. Bà Ba nói:

- Bác trai sẽ đi và bác cũng đi coi cháu hát đêm nay.

Ông Ba lại hỏi:

- Đêm nào mày cũng làm có bấy nhiêu sao?

Ba Vân bỗng trả lời bằng tiếng Bắc tiếng Trung và tiếng Nam một hơi dài không nghỉ. Cả nhà lại ôm bụng cười một phen nghiêng ngả. Bà Ba nói:

- Cái thằng nói tiếng "trọ trẹ" giống mấy con mẹ bán vải ngoài chợ ghê !

Nhà lồng chợ quận Mỏ Cày đời ông quận Phước lợp bằng những tấm xi-măng đúc rất nặng chớ không lợp ngói như các nhà lồng khác. Người ta đồn nó sẽ sập, nhưng nó vẫn đứng hoài. Tới sau này tôi lên tỉnh học, đi về qua vẫn thấy nó còn nguyên đó, tuy có nứt và một ít rêu xanh phủ lên.

Ở quận lỵ có một nhóm anh chị bự đứng bến xe thường xuất hiện buổi sáng để giật khách cho chủ, không phe nào dám đương cự. Chủ hãng xe có tới bảy chiếc, thân thế rất lớn. Để được vững vàng làm ăn, ông chủ nắm ngay thời cơ, lúc ông quận vừa mới đáo nhậm, ông ta bèn bưng một mâm lễ vật tới ra mắt, và khúm núm bẩm:

- Xin quan lớn nhỏ "Phúc" cho con nhờ.

Ông quận bèn cười:

- "Phước" thì cứ nói "Phước" chớ "Phúc" gì - Và không nhận lễ vật.

Một buổi sáng tôi đi học ngang bến xe, thấy ông quận đang quát tháo mấy người lính hầu cận:

- Tụi bây lấy cái cưa mập ra đây, tao cưa mấy cái đầu xe này! Tao đã rắc vôi bảo đậu cho ngay hàng mà nó cứ đậu so le.

Ông quận Phước người mảnh khảnh, nhưng rất oai quyền. Thời ông ngồi tại đây, những anh chị bự như thòi lòi rút trong hang không dám ló ra. Nhà lồng chợ là nơi quen thuộc của chúng tôi cả đêm lẫn ngày. Ngày nào mà không đi qua đó vài ba lượt?

Uống nước đá trưa, ăn cháo sáng đều phải ghé đây. Những buổi không còn đồng xu dính túi, đi học bụng đói meo như Michelet tự truyện (nhà văn, tiến sĩ người Pháp, nhà nghèo lúc còn đi học), cũng cứ ngửng mặt hiên ngang "/e nez dans l'azur" (mũi hình lên trời) như thường. Buổi trưa đi học sớm 15-20 phút, tôi có hai chỗ dừng chân, đó là sạp Bazar của thầy Ba răng vàng. Thầy Ba bịt cả hai hàm răng không chừa một cái nào trắng. Sạp hàng của thầy thường có hát máy để thu hút khách hàng.

Thời học trường làng, thì tôi nghe cái máy ở nhà ông Cố tôi Đó là cái máy nặng, muốn dời chỗ, tôi và chú tôi phải khá vất vả. Nó có cái bàn cả cái ống tà-la, món nào cũng nặng 15-20 kí lô chớ không ít.

Hát riết không còn kim mới phải mài kim cũ vào khu tô Còn đĩa nhựa thì bể sứt, hát cà lăm cà lặp, nhưng cũng biết được giọng nào của cô Năm Cần Thơ, cô Ba Bến Tre, giọng nào của cô Tư Sạn, cô Bảy Phùng Há .

Những món đồ xưa như vậy, dần dần tôi quên đi, không nhớ nó bị vứt vào xó xỉnh nào, nói chi ghi ơn nó đã mở mang trí tuệ, bắc cầu cho mình đi lên.

Bây giờ học trường quận, tôi được thấy chiếc máy nhỏ xíu xách tay gọn gàng ở Bazar của thầy Ba, gọi là máy Columbia. Thầy quây dây thiều nhẹ nhàng, máy hát tiếng thanh thao suông chảy, chớ đâu có nghe lọc cọc như cái máy xưa ở nhà. Tôi mê mải nghe, nào là Hoa Rơi Cửa Phật, nào là Quan Công Phục Hoa Dung Đạo, Tào Tháo Kể Công.

Tuồng thì nghe lâm ly muốn khóc, tuồng lại ôm bụng cười nôn.

Thầy Ba chơi điệu, không sợ tốn kim mòn đĩa, trưa nào cũng hát suốt, mà hát đúng bộ chớ không nhảy cóc. Cho nên, hễ nghe máy hát là người ta bu đến. Chị bán tàu hủ, lão chệt già đẩy xe bán bánh mì, đám học trò chúng tôi và những chủ sạp bên cạnh là thính giả thường trực

San Hậu Thành ôi, sao mà bi đát? Hoàng hậu giết vua cho anh em nhà mình soán ngôi. Phụng Nghi Đình sao mà hài hước ! Cha cướp vợ của con, để con uất ức phải giết cha lấy lại vợ.

Thầy Ba vừa điều khiển máy vừa thuyết minh. Chúng tôi mê mẩn nghe cả máy lẫn người, đến lúc trống trường giục lần cuối, mới đâm đầu chạy, vở sách văng tung tóe trên đường. Đó là trung tâm văn hóa thứ nhất.

Còn một trung tâm văn hóa khác cũng hấp dẫn trí óc trẻ thơ không kém những đĩa hát của thầy Ba. Đó là tiệm thuốc Tây của dược sĩ Ngô Quang Thọ, còn gọi là tiệm thầy Thọ. Ông có ba con trai và một người con gái. Con trai lớn học cùng lớp với chú tôi ở Mỹ Tho. Con trai kế học trường quận trên tôi hai lớp, còn con trai út học cùng lớp với tôi. Sau này trở thành tướng lãnh rất có uy tín trong QLVNCH.

Tiệm thuốc Tây có hai tầng, tầng lầu làm tư thất, tầng trệt dùng làm hiệu thuốc. Ở mặt tiền có hai tủ kiếng lớn. Và đó là "trường đại học của tôi." Anatole France bảo hàng ngày đi học, ông thường dán mũi vào tủ kính của các hiệu sách cũ kỹ, kiếng bám đầy bụi bậm, hoặc đứng lại xem những bà cụ chiên những trái "charognes" trong chảo mà thèm. Ông nói: "Kiến thức tuổi thơ của tôi bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt này". (Anatole France khi về già mới viết truyện ngắn nổi tiếng "Buổi Tựu Trường. ")

Gorki kể lại những ngày trẻ thơ đi làm mướn đến mười bảy nghề. Sống với bà dì khắc nghiệt, hoặc phải vất vả đọc sách bằng ánh sáng trăng phản chiếu từ đáy chiếc xoong nhôm. Ông gọi tất cá những việc đó là "My universities" (Những trường đại học của tôi).

Tôi may mắn hơn Michelet, A. France và Gorki nhiều. Tôi không phải đi ở mướn, cũng không mấy khi nhịn đói đi học, không phải thèm quà bánh. Tôi chỉ trễ lớp đôi khi vì la cà ở chợ hoặc để nghe máy hát, hoặc dán mũi vào tủ kiếng của hiệu thuốc Tây. Ở trong đó biết bao nhiêu là sách. Ôi, những sách là sách bày ra bán. Cả một trời sách.

Bước Đường Cùng của Nguyễn Công Hoan, Rắn Báo Oán của Lan Khai, Tiếng Hát Giữa Rừng Khuya của Tchya, Bánh Xe Khứ Quốc của Phan Trần Chúc, Phan Đình Phùng của Đào Trinh Nhất (quyển này tôi thấy có trong tủ sách của tía tôi). Người Ngựa, Ngựa Người, Kẻ Đến Sau của Lê Văn Trương, Tôi Kéo Xe của Tam Lang, Nắng Đào của Nguyễn Xuân Huy... Hai Thử Khôn sách Hồng của Thế Lữ, sách của Thạch Lam, Đoạn Tuyệt và Bướm Trắng của Nhất Linh....

Đó là những dòng chữ in trên giấy và in cả vào đầu tôi.

Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy sách nhiều đến thế, chưa bao giờ tôi được đọc những tên sách kỳ ảo đến thế. Ngoài ra còn những sách phân loại classique (cổ điển) và loại truyện trẻ con như Contes de Perrault.

Thằng bạn tôi là chủ của những sách đó, thế mới kỳ lạ Và nó lại cũng cho tôi mượn đọc, thế mới càng kỳ lạ hơn. Nó không dặn tôi phải giữ kỹ như chú Vĩnh cho tôi mượn truyện Tây Du.

Khi tôi đọc xong một quyển thì đưa trả cho nó. Đi học về nó lên lầu, tôi đứng chờ bên dưới, nó ném quyển khác cho tôi chụp.

Ngược lại, khi đá banh thì nó giữ "gôn", tôi đá cho nó chụp. Có lần gặp phạt "penalty", tôi đá bay mắt kiếng của nó (nó mang kiếng cận rất sớm). Vậy mà nó không giận, vẫn cho tôi mượn sách như thường.

Trong ba năm học trường quận, tôi đọc hầu hết sách trong tủ kiếng của hiệu thuốc Tây nhờ thằng bạn hào hiệp của tôi. Xin cảm ơn nó.

Mặc dù trong cặp không mấy khi vắng sách, tôi vẫn không lơ đọc truyện Tàu. Thằng Vinh, bạn cùng làng, lên đây học, ở trọ cùng nhà là một con sâu truyện Tàu. Mỗi lần về nhà trở lên, nó đều mang theo vài quyển Phong Thần. Bộ này thì tôi gặm mòn hết cả rồi, nhưng hồi trước đọc mà không nhớ mấy, bây giờ đọc lại thấy như mới. Đêm nào học bài xong, nó cũng đem Phong Thần ra gạo. Mấy đứa không thích, nhờ đi coi hát và nhờ nó "tuyên truyền", riết rồi cũng mê theo hai đứa tôi.

Lại được một lợi thế là bà Ba, chủ nhà cũng ghiền truyện. Bà bao dầu dừa cho tụi tôi đọc. Ngày thường thì học bài sớm, đọc tới chín giờ thì tắt đèn ngủ, tối thứ bẩy đọc thả cửa, châm dầu hai ba lượt. Gặp đoạn hay, nhướng mắt không lên cũng ráng. Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu Thành, hoặc Đào Tam Xuân xử tội lăng trì Hàn Tố Mai, thì bỏ sao đành? Tru Tiên Trận thì càng không thể bỏ!

Đọc hết bộ Phong Thần, thì thằng Vinh lục lọi đi mượn, hoặc vác Phong Thần đi đổi lấy Mạnh Lệ Quân. (Hồi đó không có những nơi cho thuê truyện). Phong Thần đổi lấy truyện nào cũng được cả, vì nó có đánh phép rất hấp dẫn, ai cũng thích.

Lên trường quận tôi vẫn đọc truyện, nhưng hơn dưới nhà một bậc, là diễn tuồng luôn. Ông Ba có một ngôi nhà bỏ trống ở gần bờ sông, chúng tôi kéo ra đó chia vai. Đứa làm Tôn Tẩn, đứa đóng vai Hải Triều, chuốc kiếm tre leo lên ván đánh nhau ầm ầm. Cũng có Tru Tiên kiếm, hồ lô hô thâu hô giáng như gánh hát thiệt. Nhưng bửu bối làm bằng các-tông dán giấy bóng gói kẹo, đốt đèn cầy. Có khi đang đấu phép, đèn phát lên cháy rụi bửu bối hết trơn, tiên ông tiên bà sợ phỏng nhảy bò càn.

Những hôm gánh hát đến diễn ngoài nhà lồng, thế nào bọn tôi cũng có mặt ngoài chợ, không coi hát cũng đi. Trống đánh rập rình, kèn Tây rao bảng thổi phòm phòm, đít như mọc gai, ngồi học bài sao thuộc! Nhưng ông Ba gắt gao lắm, đứa nào muốn đi, phải học thuộc bài rồi ông mới cho đi. Chưa thuộc cũng thưa rằng thuộc, sáng hôm sau thức dậy, ôm cặp đến trường, vừa đi vừa nhẩm bài.

Tôi có coi những gánh hát sau đây: Gánh Đồng Thịnh, gánh Kim Thành, gánh Kim Thoa, Gánh Tố Như, gánh Đồng ấu Hòa Bình, gánh hát xiếc Hưng Long... Không hiểu sao không có các gánh Tân Thinh và Bầu Bòn tới đây?

Gánh Kim Thành diễn tuồng Quan Công hiển thánh. Lúc ông xuất hiện thì rạp hát lặng trang, khi ông vô hậu trường, khán giả rộ lên nói: "Giống quá, giống quá !" Nhưng cũng có nhiều người không thích hát bội, vì nó không có ca muồi, mà chỉ dùng điệu bộ nhiều hơn, nên bỏ ra về, lại còn cằn nhằn: "Không làm gì hết, cứ ư ử,ư ử và vuốt râu!"

Nhưng gánh này quần áo râu mão thật đẹp.

Gánh Đồng ấu Hòa Bình đào kép toàn thiếu niên. Có anh kép thiếu nhi làm hề, tên là hề Paul Sĩ. Gánh này lại diễn tuồng Tây chớ không diễn tuồng Tầu, mà lại tuồng cổ điển của Pháp là Le Cid của Comeille dịch ra tiếng Việt Nam. Tôi xem nhưng không nhớ gì hết. Mãi về sau lên trường trên mới học vở kịch này. Đặc biệt hơn nữa gánh hát có một màn nhạc Cải cách trình bầy bản "C'est à Capri."

C'est à Capri que je l'ai rencontrée
...Au milieu du jardin de Capri.

Người sô-lô bài này là một cô gái độ 15,16 tuổi mặc đồ ngắn phơi trần hai tay và cặp chân trắng muốt. Cô che dù đầm, vừa hát vừa múa. Đến nửa bài thì phực đèn màu hồng, nên cô nàng càng đẹp chằng khác gì tiên nữ, làm khán giả xuýt xoa chắc lưỡi hồi lâu.

Khí dứt bản hát, khán giả vỗ tay muốn sập rạp và kêu "bis, bis" rùm trời. Sáng hôm sau, bọn tôi có ý tìm xem mặt cô đào non này nhưng không gặp. Gánh Kim Thoa không nhớ diễn tuồng gì, gánh Tố Như cũng vậy, nhưng tôi vẫn nhớ hàm răng trắng như tuyết và cái miệng đẹp của đào Tố Như. Có lẽ đây là cô đào đẹp nhất tôi được xem ở chợ quận này.

Tôi quên kể tới gánh Nhạn Trắng của Lê Thành Các. Tôi cũng có thấy chiếc xe đua của ông ta nữa. Nó nhẹ lắm. Tay đua số 1 của quận thử đưa hai ngón tay nhấc nó bổng lên cho bà con coi. Tôi không nhớ Lê Thành Các đóng tuồng gì, chỉ nhớ là tuồng có đấu "boa nha" (poignard). Hồi này tôi đã trên mười tuổi và quen xem hát, rành các vụ rao bảng, xem vẽ quảng cáo. Bây giờ lại thích mò mẫm vào sau sân khấu để xem những gì khác cơ. Đó là tính tò mò của trẻ con, chớ không có ý gì.

Như trong tuồng Tiết Đinh San cầu Phàn Huê, cô đào đóng Phàn Lê Huê thật đẹp, lại thêm gò má bên trái có lúm đồng tiền, lúc xuất hiện ở Soái đường thật oai phong lẫm liệt. Khán giả phải ồ lên một tiếng, tỏ vẻ tán thưởng.

Một bữa tôi tìm gặp cô (Nhờ cái lúm đồng tiền nên không lầm người khác), thì mới té ngửa ra. "Cô" đang ngồi ăn cơm sau rạp hát với ba đứa con nhỏ và ông chồng. Chồng cô chẳng ai khác, đó chính là Tiết Đinh San!

Bụng tôi buồn tênh, rồi lại tự hỏi: Sao họ ra tuồng đẹp vậy? Cũng chính cặp vợ chồng này đêm sau đóng tuồng Thần nữ dâng ngũ linh kỳ chuộc tội Tiết Ứng Luông. Vợ đóng vai Thần nữ, chồng thủ vai Tiết Ứng Luông. Một cô đào khác thay vai Phàn Lê Huê, một anh kép khác thay vai Tiết Đinh San, vì hai vai này trở thành thứ yếu.

Thần nữ với cái lúm đồng tiền vẫn xinh đẹp vô cùng, tướng đâu là gái son. Ở tại nhà lồng chợ quận này, tôi còn được xem hát bóng tưồng Tam Tạng thỉnh kinh nhưng không giống trong truyện. Tuy vậy vẫn thích lắm, vì Tôn Hành Giả bay trên mây thật xem thích hơn là bay trên sân khấu cải lương. Thời đó chỉ có hát bóng câm (cinéma muet). Mãi về sau lên tỉnh tôi mới được coi hát bóng nói (cinéma parlant). Tôi cứ tự hỏi mãi không biết tại sao họ làm Tôn Hành Giả bay trên mây y như thật được?

Cũng như họ làm sao cho Tôn Hành Giả bay trên sân khấu? Cái mục "tiên bay" và "mị thuật" lôi cuốn khán giả nhất. (Bây giờ ta xem video thấy tiên hoá phép thiên hôn địa ám, hoặc đánh nhau trên mây thì rất là thường, nhưng hồi thời đó, "tiên bay" và "mị thuật" ít gánh hát làm được, nó nguy hiểm chết người, chớ không phải dễ dàng!)

Các tuồng tích tôi đều thuộc cả rồi, nên không xem nữa, mà tôi lại len vào sau sân khấu. Tôi mới tìm ra những bí mật nhà nghề của một vài gánh hát. Thí dụ như:

Thông Thiên Giáo chủ sắp xuất hiện hoặc Qui Linh Thánh mẫu đấu phép với Quảng Thành Tử thì phải có sấm chớp, trời gầm trợ oai. Sấm chớp thì làm cách nào tôi không rõ, nhưng còn trời gầm thì rất dễ; bên trong sân khấu có treo một tấm thiếc Cao Bằng (như tấm "tôn" lợp nhà, nhưng không có gợn sóng) dài chừng ba thước. Khi cần "trời gầm" thì một người nắm đuôi tấm thiếc mà rung, thì ra tiếng "rùng rùng" giống y như trời gầm. Muốn tiếng gầm lớn thì rung mạnh, muốn gầm nhỏ thì rung nhẹ .

Còn tiên bay rất nguy hiểm.

Lúc đánh trận xong, tiên sắp thăng thiên thì lùi lại gần bên cánh gà. Tiên bay phải đeo một sợi dây nịt da thật chắc (như dây an toàn) ở sau lưng có một khoen sắt. Khi tiên sắp bay thì đèn phải mờ mờ. Một người sau cánh gà móc sợi dây vào khoen sắt kia. Sợi dây được luồn qua chiếc rõ-rẽ gắn ở trên nóc nhà lồng. Đầu dây buộc vào một bao cát nặng bằng ba lần vị tiên. Bao cát này đặt trước trên kèo nhà lồng. Khi tiên sắp bay thì một người trèo lên kèo ngồi sẵn đó, khi tiên giậm chân và la:

"Hô, bay!" thì người này xô bao cát xuống. Bao cát rơi, rút vị tiên lên nóc nhà, đồng thời màn cũng hạ nhanh. Thường thường "tiên bay" được dùng làm "cú ri-đô" luôn. Một là nó hấp dẫn, hai là nếu có xảy ra việc gì không ăn khớp hoặc là đứt dây, tiên té nhào, hoặc là anh chàng có nhiệm vụ móc quên móc, nên tiên giậm chân hô bay, bao cát rơi xuống rồi mà tiên lại không bay, - tất cả những chuyện đó, đều được che kín sau tấm màn.

Ở bên ngoài khán giả ngồi nhóc mõ cá kèo xem, bay hay không bay cũng vui lòng vỗ tay, chớ đâu có biết bộ máy không ăn ý ở bên trong. Cũng có khi tiên bay bị đứt dây, lại cũng có khi anh chàng có trách nhiệm xô bao cát lại không leo lên nóc nhà lồng làm nhiệm vụ.

Một vụ tiên bay không phải là dễ. Khán giả đâu có thương giùm cho các vị tiên bay? Đó là mới nói về vụ tiên bay một thân một mình từ góc sân khấu này bay đánh rẹt qua góc sân khấu kia. Còn những vụ khác như Tôn Tẩn bay với con Thanh ngưu, Qui Linh Thánh mẫu bay với con hạc, thì phải rắc rối hơn, nhưng cũng không khó bằng tiên vừa bay vừa đánh nhau trên trời, hai vị bay chớ không phải một.

Trường hợp này, hai đường dây rút phải chéo nhau, hai bao cát toòng teng nửa chừng, chờ tiên đánh xong mới cho rớt luôn xuống đất, thì tiên mới bay tuất lên nóc lồng rồi trèo xuống sau.

Đấy là mấy nét đơn sơ về vụ bay, cậu bé học trò lén nhìn vào sau sân khấu mà biết được. Còn đây là "hô giáng, hô thâu':

Phàm đánh nhau thì tiên đều có sẵn bửu bối, hễ chỉ tay lên trời "hô giáng" là bửu bối xuất hiện. Địch thủ thường ném "hồ lô" hoặc bửu bối khác lên để hạ bửu bối kia, hoặc phá nó đi. Những lúc này thì sân khấu phải tắt đèn tối um, như vậy mới thấy bửu bối hiện ra trông có vẻ rùng rợn vô cùng. Sởn tóc gáy chớ chẳng phải chơi?

Có gánh thì giăng dây chì ngang sân khấu, còn bửu bối là một mặt cái hộp thiếc có cắt hình "Tru Tiên kiếm" hoặc "Khổn Tiên thằng", dán giấy màu lên, bên trong có đốt đèn cầy, treo lên sợi dây chì. Khi tiên "hô giáng", thì bên này kéo cho cây kiếm chạy qua, bên kia tiên "hô thâu" cũng kéo cho chiếc hồ lô chạy ra. Hai bửu bối đụng nhau ở giữa sân khấu, chạy qua chạy lại một chút. Hễ kiếm thắng thì đẩy hồ lô chạy tuốt, còn hồ lô thắng .. thì đuổi kiếm chạy thẳng vào buồng, rồi đèn sáng trở lại. Nhưng như vậy có lẽ không hay, vì hai bửu bối chỉ đụng nhau trên một đường thẳng của sợi dây chì. Cho nên có gánh lại không đấu phép như thế, mà cho hai người ôm hộp bửu bối ra quơ lượn lên lượn xuống, đuổi nhau, tiến thối, linh động hơn kiểu trên.

Nhưng cũng có khi không ăn khớp là như thế này:

Ở bên trong có một cái thùng thiếc lớn, kín các mặt, chừa một mặt hở che bằng những khung giấy màu. Người phụ trách thuộc tuồng biết lớp nào cần màu nào, hoặc sân khấu phải tối om, thì tùy nghi mà phục vụ. Lúc tiên hô giáng thì trời gầm, sấm chớp thì trời đất tối om, người ôm thùng bửu bối chạy ra quơ quơ. Tiên bên kia hô thâu, thì một người khác lại ôm một chiếc thùng khác ra quơ. Hai bên đối chọi nhau, bên nào thua thì chạy tuốt vô buồng, bên kia đuổi theo rồi biến luôn. Những lúc đó, ánh sáng phải được xử dụng ăn rập. Nhưng có khi không hiểu vì lẽ gì anh ta lại cho đèn sáng trở lại trong lúc hai cái bửu bối vẫn còn quơ quơ trên sân khấu.

Nhưng khán giả rộng lượng la lên:

- Lòi lưng rồi! Chạy vô, mau lên!

Rồi cả rạp cười ồ. Hòa cả làng. Chỉ tội nghiệp cho ông thầy tuồng.

Bằng cặp mắt tò mò, tôi đã tìm ra được nhiều bí mật nhà nghề sau sân khấu, nhưng tôi rất thương cảm cuộc sống của những gánh hát. Lâu lâu thấy nhà lồng vắng tiếng trống thì lòng lại thấy buồn.

Ở đây tôi biết tiếng kèn Tây và được nghe chị Oanh (nghe nói là em gái của nhạc sĩ Trần Văn Khê) từ trên tỉnh xuống đây hát bài "Đêm Đông". Ấn tượng một người đàn bà mặc áo dài trắng đứng trên sân khấu hát theo kèn và đàn đệm mãi mãi sống trong đầu tôi. Gương mặt của chị ra sao, tôi không còn nhớ, nhưng cái dáng thanh thanh của chiếc áo dài vẫn còn phảng phất trong đầu, mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm của đứa học trò trường quận.

Tôi cũng bắt đầu học hát theo tiếng kèn "saxophone". Thầy Vi ở Giồng Tre, Cái Bông cứ vài tuần lại đem kèn đến dạy chúng tôi hát. Thầy Viễn, một người Bắc mang kiếng cận, ngực rất nở nang, mang giày da, mặc áo thung trắng có thêu hình "người phóng lao" trên ngực, có giọng hát rất hay. Trước khi dạy, thầy đều hát cả bài cho chúng tôi nghe trước. Và tôi bắt đầu chép những bài hát vào một tập giấy Cái Chuông đóng tay khổ nhỏ. Madelon, Ce n'est qu' un aurevoir, Xuân về, Nắng tươi v.v... Tiếng kèn Saxo của thầy Vi đã gợi lên trong tôi một sự ham muốn nghe những âm thanh, gọi bằng tiếng "Solfège ".

Tôi cũng ham hát lắm. Trong đám bạn tôi có một thằng hát rất hay, tên là thằng Đa, em vợ của thầy Trần Bá Hậu. Thằng Đa bao giờ cũng thuộc bài hát trước tôi, và mỗi khi thầy dạy hát, nó đều được hát trước, để làm bài mẫu, hoặc mỗi khi chúng tôi hát sai, thì nó hát lại để chúng tôi nghe mà sửa theo cho đúng.

Tôi cũng bắt đầu nghe thầy hát bằng dấu nhạc "Do -ré - mi - fa - sol..." ở đây. Và tôi đi tìm người có bài "C'est à Capri" để xin chép. Không biết văn nhân nào đã dịch ra lời Việt rất tình tứ:

Vì đâu gặp gỡ em Tuyết Nga một ngày xuân kia
Tình yêu tăng lên hai quả tim nhịp. cùng nhau...

Tôi lảm nhảm hát nửa nạc nửa mỡ như vậy. Và đó có lẽ là bài hát tôi thích. Nào tôi hiểu tại sao? Rồi tôi tìm chép những bài khác như Tango Chinois, mà lời Việt được dịch như sau:

Anh trở về tìm nàng Phi Yến
Cơn gió chiều nhẹ lay khóm trúc...

Hoặc bài La Marseillaise, quốc ca của Pháp:

Allons, enfants de la Patrie
Le jour de gloire est arrivé ...

Học cùng lớp với tôi có những người bạn gái lớn tuổi và học giỏi hơn tôi, đó là chị Chuộng và Sương. Hai chị ngồi bàn trên tôi. Các môn học tôi kỵ nhất là toán. Đã lên cours Supérieur rồi mà phép tam xuất tôi rất sợ, phân số càng sợ hơn. Một hôm thầy cho bài toán, đại để như thế này:

"Một trái banh thảy xuống dồng lên được 0,80 m. Mỗi lần dồng thì bề cao sụt xuống 3/5, vậy bề cao của dồng thứ ba là bao nhiêu lần?"

Chỉ có thế mà tôi ngồi bứt tóc mãi tính không ra. Cũng may Sương xề vở qua một bên cho tôi ngó. Từ đó hai người cho tôi cọp toán luôn. Hễ môn toán qua rồi thì các môn khác, tôi coi như pha. Một bữa cũng làm toán, tôi ngó lên thì thấy đáp số lẫn chữ "L'Amour" (Yêu). Nhưng tôi cũng không hiểu ý định của Sương, rồi tôi cũng không để ý nữa. Còn một người con gái khác thường đi chung đường đến trường. Nhà cô có cây đàn dương cầm. Mỗi buổi trưa đi sớm, tôi thường tấp vô tiệm chụp hình Lệ Chơn coi hình. Lúc bấy giờ chưa có phim màu, nhưng có nhiều nữ khách hàng lại muốn hình mình môi son má phấn, nên tiệm phải bôi thêm vào, trông rất đẹp. Có nhiều tấm ảnh đàn bà con gái ngày nào tôi cũng xem mà không chán, (như cụ Vương Hồng Sển mê xem ảnh cô Ba Trà ở hiệu Hương Ký Photo năm 1930 vậy). Trong lúc mắt ngắm ảnh đẹp, thì tai lại được nghe tiếng dương cầm, thật là thích thú, những mạch nước li ti thấm vào đất, mai kia trở thành giọt nước mát chăng?

Ở trên tôi có kể về những quyển truyện trong tủ kiếng của tiệm thuốc Tây. Bên hông hiệu thuốc này có những Kiosques cất bằng gỗ sơn màu xanh nhạt rất đẹp, có thể dời đi được. Ở dọc bến xe và trước các cửa hiệu tiệm lớn có một khoảng trống tráng xi măng từ tiệm nước Hoa kiều tới tận Bazar Mỹ Ngọc. Đối diện với Bazar của thầy Ba đều đặt những chiếc Kiosques này. Người ta thuê làm quán giải khát, hoặc bán hàng lặt vặt. Trong số có chiếc do một họa sĩ thuê để làm tiệm vẽ truyền hình.

Bữa trưa đi học tôi thường đứng lại xem họa sĩ vẽ. Một bữa tôi thấy ông vẽ ảnh Napoléon 1er. Ảnh này tôi thường thấy trong Dictionnaire Larousse, khi học lịch sử nước Pháp tôi giở ra tìm thêm tài liệu. Nay họa sĩ vẽ lớn và rõ hơn, nên tôi thích, cứ đứng xem hoài. Bữa đó hình như tôi trễ học.

Còn một việc nữa, một sự kiện lịch sử của đời tôi mà tôi suýt quên. Tôi đã nói rằng tôi rất yếu toán, còn luận văn thì tôi rất ... không yếu. Đọc sách Lecture expliquée tôi cũng khá cả về giọng đọc lẫn giải đáp. Vào giờ toán thì tôi co đầu rút cổ, ngồi núp sau lưng hai cô bạn, sợ thầy thấy mặt kêu lên bảng thì nguy to. Cả những bài tôi tự làm được, hiểu rành, tôi cũng chỉ giở tay oam oam, chớ không dám giơ thẳng. Còn giờ luận văn và đọc sách, thì tôi chường mặt ra, giơ tay chồm lên phía trước, để được thầy kêu. Từ trường làng lên trường quận bước vào lớp nhì một năm (cours moyen 1ère année) tôi học lớp A của thầy Cang, tôi trả thuộc lòng bài "Jeanne d'Arc" rót một hơi, được thầy khen "Très bien" cho 8 điểm, là cái điểm mà suốt năm không trò nào nhận được.

Cũng năm đó, có quan Toàn Quyền Đông Dương Decoux xuống tại nhà việc Đa Phước Hội, tôi được thầy chỉ định tôi đọc một bài chào mừng ngắn bằng tiếng Pháp. Đọc xong, một nữ sinh ở lớp B sẽ tặng Ngài "một bó hoa vườn nhà".

Tuy có mấy câu mà cô giáo phải mất cả buổi luyện cho tôi đọc đúng giọng lên xuống, ở những chấm phết dừng lại bao lâu, và nhìn lên ông Toàn Quyền lúc nào. Tôi đọc xong, được ông khen giỏi và bắt tay tôi trước khi nhận hoa.

Trường Mỏ Cày đã mở ra cho cậu học trò nhà quê một chân trời mới vô cùng rộng rãi và xán lạn, đã rắc những hạt giống lạ, và đã ghi vào lòng cậu ta những vần điệu mà mãi... 60 năm sau mới được ghi ra:

MƠ LẠI TRƯỜNG XƯA QUẬN MỎ CÀY

Tôi đã yêu nàng trong giấc mơ,
Và trong ý tứ những lời thơ.
Trong khóe mắt ai Xuân ửng sắc
Trong lá tình thư chằng dám đưa.

Một sáng bất ngờ nàng lướt qua
Tôi sẵn cành hoa nhẹ ném ra
Dừng lại mỉm cười nàng nhặt lấy
Tôi đứng nhìn theo gót nở hoa.

Như mẻ bắp rang, tuổi học trò
Trắng thơm như giấy mới vừa mua
Đẹp như hoa phượng sân trường nở
Như mắt trong veo chẳng bụi mờ.

Tương cay muối ớt rủ trèo me
Miếng kẹo da trâu tan học về
Những con toán lén cho nhau chép
Roi mây cắn đít khóc lê mê.

Luận văn chính tả khá gay go
Sử ký, địa dư chẳng dễ mò
Vẫn được điểm cao — ai biết nổi
Bửu bối gì hơn những "phép bùa ".

Hiệu sách trưa nào cũng ghé ngang
Thạch Lam, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan
Cho tôi trí thức thời thơ dại
Bằng những truyện đầu tiếng Việt Nam.

Đang đọc bỗng nghe trống đổ hồi,
Sách Hồng ném trả chạy cong đuôi
Tiếu lâm, tiểu thuyết vùi trong cặp
Tây Du, Tam Quốc thuộc hơn bài

Vú sữa xanh lè cạp rách môi
Bưởi non cũng hái đá tung trời
Ra quân mù mịt sân trường cát
Vào lớp còn mơ quả bóng nhồi

Ngồi bên cửa sổ ngóng tầu qua
Sóng vỗ bờ sông vệt khói nhòa
Tiếng còi réo gọi niềm mơ ước
Làm khách viễn hành đến bến xa

Nóng ran đường nhựa phỏng chân em
Lá điệp im nghe tiếng guốc huyền
Vấn vương tà áo đôi chàng bướm
Nón nghiêng che má lúm đồng tiền

Hoa niên như lá trên cành hát
Trái tim hồng lý dạ sầu riêng
Tóc mượt dừa xanh con mắt phượng
Má đào, môi mật, búp tay sen.

Gót em in dấu con đường nhỏ
Quê ta - còn dính đất nồng nàn
Cho anh nắm chặt tay tiên nữ
Đã viết đời anh thắm những trang

Người qua phố cũ nhớ cô Hai 1
Nhan sắc quê mình dễ mấy ai
Tơ thắm se cùng trang tuấn kiệt
Ngờ đâu mẹ ghẻ tráo duyên hài

Cô đem cái chết giữ chung tình
Hồn gái đồng trinh vốn hiển linh
Dân đem bài vị thờ trong miếu
Quanh năm hương khói góc sân đình

Có nghĩa gì hai tiếng "Mỏ Cày "
Như đời thở nhẹ, lá me bay
Dẫu biết tuổi thơ lai bất vãng
Mà dạ bâng khuâng nhớ tiếc hoài

Hỡi ôi, tóc liễu muôn năm cũ
Sao còn quấn chặt mảnh hồn tôi
Trường xưa gạch ngói rêu phong Vũ
Giữa bụi thời gian vẫn chói ngời

Mỏ Cày yêu dấu của riêng tôi
Tuy gần mà lại hoá xa xôi
Xa xôi vẫn hẹn ngày tao ngộ
Anh, Mỏ Cày, Em - ở một nơi...

Có ai trở lại thời thơ vắng
Xin hốt giùm tôi nhúm cát nâu
Bên gốc điệp già mình trốn nắng
Má em anh đặt chiếc hôn đầu!

--------------------------------

1

Giai thoại cô Hai Vàng được truyền tụng qua nhiều thế hệt ỏo Mỏ Cày. Tôi hân hạnh được nghe em Nguyễn Thị Bửu, một nữ sinh trường Mỏ Cày kể lại.

CHƯƠNG V

RẠP HÁT NAM XUÂN
VÀ NÀNG TIÊN CỦA TUỔI THƠ

Rời trường quận, tôi lên trung học ở tỉnh thành, một chân trời mới mở rộng trước mắt với nhiều ánh sáng ngựa xe và phố xá.

Trường của tôi là "Institution Trung Châu " nằm bên ven đường đi Mỹ Tho và gần Ngã Ba Tháp; ở ngã ba này có dựng một cái tháp ghi công những người Pháp đã bỏ mình trong cuộc xâm chiếm xứ Nam kỳ.

Lúc này tôi không còn đọc truyện Tàu mà cũng không đọc truyện Tây. Chỉ khi nào thầy giảng bài thì mới học. Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết tiếng Việt. Những quyển ở dưới quận tôi đã từng đọc, nhưng không hiểu bao nhiêu, lên đây gặp lại và đọc tiếp với sự say mê và hiểu rõ hơn, như Bước Đường Cùng, Bánh Xe Khứ Quốc, rồi thêm vào đó là những quyển Cô Tư Thung, Lê Phong Phóng Viên, Lạnh Lùng, Làm Lẽ, hình như có Giông Tố nữa thì phải. Đây là một trường tư thục, nên sách đọc không bị kiểm soát.

Ngoài những trang sách ra, tôi còn có một trung tâm văn hóa khác. Đời học trò bao giờ cũng thế. Đó là rạp cải lương Nam Xuân. Ở dưới quận thì xem toàn cải lương, ít khi xem hát bội và kịch nói. Những tuồng tích do các gánh lớn diễn đều xuất sắc hơn.

Đặc biệt là những gánh Tân Thinh, Bầu Bòn chuyên môn hát tuồng truyện thì không thấy đến hát ở đây, mà họ len lỏi xuống các chợ làng chợ quận. Có lẽ dân thành thị không còn thích tuồng có các tiên đánh phép và các màn mị thuật nữa. Thay vào các tuồng truyện đã có các tuồng cải lương, nhưng với nội dung mới, với những nhân vật nửa truyện nửa kiếm hiệp có tính chất xã hội. Như chàng hiệp sĩ nọ yêu cô tiểu thư kia, nhưng gia đình không gả. Chàng hiệp sĩ đi lang thang, hai mươi năm sau, trở về quê cũ tìm gặp lại người tình xưa, nhưng nàng bị cưỡng ép lấy một viên tù trưởng quyền uy. Chàng hiệp sĩ bèn liều thân xông vào cứu người yêu và bị tử thương.

Tôi đã mê say xem những tuồng Thuyền về và Người mặt sắt thuộc loại kể trên - không nhớ của tác giả nào. Trong tuồng có những màn đấu "boa-nha" rất rùng rợn, hai hiệp sĩ đánh với nhau, cái chết thấy trước mắt, tiếng "boa-nha" đâm và đỡ rổn rảng y như thật. Hiệp sĩ A thất thế nhào lăn xuống đất, hiệp sĩ B lao theo đâm thẳng vào cổ, hiệp sĩ A giơ "boa-nha" ra đỡ. Hai lưỡi "boa-nha" xâu vào nhau, hiệp sĩ A cố chống đẩy nó ra, trong lúc hiệp sĩ B cố ấn xuống cổ địch thủ. Sự dằng dai kéo dài hơn một phút trong sự nín thở của khán giả . Nhạc Tây thổi giật gân nhổm tóc gáy. Cuối cùng lưỡi "boa-nha" của hiệp sĩ B đâm xuống đất sém bên cổ hiệp sĩ A. Bên trái rồi bên phải, cả hai lần đều hụt.

Hiệp sĩ A tống một đạp, hiệp sĩ B ngã ngửa ra. Hiệp sĩ B ngồi dậy chạy và "lông-rông" qua cửa sổ. Màn hạ nhanh, khán giả vỗ tay rầm trời. Các loại tuồng này, tuy đã được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng ông bầu vẫn không quên đưa sáu câu Vọng cổ vào. Dù sao nó vẫn hiện đại hơn các tuồng truyện.

Hiệp sĩ mang gươm, đầu chít khăn đứng trước cảnh núi rừng hoang vắng trỏ tay cất tiếng ca: "Em ôi, kìa vừng trăng đã xế ngang... Đầu!" Thì trên đỉnh núi, vầng trăng lờ mờ lại hiện lên, làm cho câu ca thêm linh động. Trách sao khán giả không mê mẩn sự đời! Thêm vào đó, giữa những màn hát lại có những lớp "hoạt kê hài hước" chọc khán giả cười bể bụng. Hoặc có những bài ca sô-lô Pháp lời Việt.

Ở quận, tôi đã từng xem cô đào tí hơn của gánh Đồng ấu Hòa Bình độc diễn bài "C'est à Capri" mà đêm về cứ mơ tưởng... Lên đây tôi lại được xem những màn tương tự nhiều hơn, các cô đào ăn mặc duyên dáng và mê ly hơn.

Bây giờ thi ca phong phú và tràn ngập cuộc sống, đọc lại những câu như trên chúng ta thấy bình thường, chứ thời đó mà nghe:

BÀI HÁT CHO NINA

Ô, vầng kim ô chói rạng ngời sáng soi
Trời trong xanh có khác chi đôi mắt em
Nên em thuận tình mà không thổ lộvới ai
Thì thuyền đây ta hãy ra khơi,
Tìm một nơi vắng vẻ để chúng mình...
Trốn lánh mọi người...

thì khán giả phải cho đó là việc lạ lùng, vừa hát vừa ra điệu bộ thì càng lạ lùng hơn nữa.

Tôi nhớ có lần một ca sĩ hát bài "Thu Trên Đảo Kinh Châu'. Tôi nghe xong, hôm sau đến gánh hát xin chép bản nhạc và học thuộc ngay tức khắc. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ toàn bài.

Đàn chim bay thướt tha trên núi cao miền xa
Mang theo những nỗi buồn mộng mơ
Ngày thảm sầu đã qua
(hờ hớ hờ hớ hơ hơ)
Khi ta đi liễu đang còn xanh lá
Bên khómhoa tiếng hát của hoàng oanh
Còn dịu dàng mấy câu
(hờ hớ hờ hớ hơ hơ)
Ngày nay cúc kém tươi, hoa héo khô vì đâu
Trên hoa dưới lá cành đào non
Giọt sương sầu muốn rơi
Sông Kinh Châu có con buồm trắng
Gió thu đưa người biệt ly vào canh sầu đó chăng ?
(hờ hớ hờ hớ hơ hơ. )

Mãi về sau tôi mới biết tác giả là Lê Thương.

Bản nhạc sao mà buồn thế? Và sông Kinh Châu là con sông nào, ở đâu, đã chứng kiến giọt lệ biệt ly của ai? Nào tôi có biết, nhưng người nữ ca sĩ vô danh kia đã gieo vào lòng cậu học sinh một nỗi buồn.

Rồi lại một nỗi buồn khác chợt theo: Buồn tàn thu.

Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đứng em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng qua em mơ ngay bước chân chàng
Từ xa đường vắng, nghe mùa thu chết
Đem mùa đông rét rơi theo lá vàng.

Đó là tiếng than của những giờ phút thu tàn rơi theo lá qua giọng hát của một thanh niên, mà bốn mươi lăm năm sau tôi mới có hân hạnh gặp mặt: nhạc sĩ Phạm Duy. Xưa kia cả hai cùng đầu xanh, bây giờ tóc đều đã bạc.

Có lẽ nhờ những bài hát này mà khi vào lớp nghe thầy giảng văn, tôi hiểu hơn những vần thơ của Verlaine và của Lamartine chăng?

II pleure dans moncoeur
Comme il pleut sur la vilte.

(Bài Ariettes oubliées của Verlaine.)

...Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure.
Et je m'en vais
Deçà, delà
Pareil à la
Feuille morte.

(Bài Chan son d'automne của Verlaine.)

Biết bao giờ tôi còn được nghe những bài hát và giọng ca tuyệt diệu như thế nữa?

Trên sân khấu Nam Xuân, tôi còn được xem Trần Văn Khê biểu diễn các thứ đàn cổ nhạc Việt Nam, và nghe ông nói ba giọng Nam Trung Bắc như một tiết mục nghệ thuật. Sân khấu Nam Xuân cũng như cái rạp hát Nam Xuân đã in vào đầu cậu bé những kỷ niệm thần kỳ không bao giờ phai.

Ở đây tôi còn được xem những vở kịch của gánh Nghề Mới của Tư Chơi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy những vai tuồng mặc đồ Tây, áo dài "mốt", y như ngoài đời. Một chàng thanh niên yêu một nàng thôn nữ. Gia đình cô thôn nữ phải gán con gái cho ông Hội đồng để trừ nợ. Chàng thanh niên đau khổ phải bỏ nhà ra đi. Đại khái như vậy. Cũng có ca Vọng cổ, Bình bán, Kim tiền.:.. Thì ra ở làng tôi cũng có chuyện tương tự xẩy ra. Tôi cũng thích xem, nhưng không mê lắm, chỉ ngạc nhiên như đứng trước một việc lạ.

Trên sân khấu này, tôi được gặp rất nhiều nghệ sĩ tài danh của nghệ thuật cải lương. Trước rạp hát bao giờ cũng có treo những tấm hình tài tử. Hình chụp rất đẹp. Tôi rất thích xem, nhưng không bao giờ mơ ước trở thành tài tử

Không nhớ gánh nào có kép Bảy Cao. Bảy Cao mặt xương, nước da trắng, chụp ảnh đội nón Fléchet. Nghe nói mặt rỗ hoa mè, nhưng tôi không thấy. Lên sân khấu rất đẹp trai. Đêm nào có Bày Cao ra tuồng thì khán giả chật rạp, đặc biệt nữ khán giả đông hơn các đêm khác. (Tôi chỉ nghe người lớn xầm xì như vậy chớ không tự có nhận xét này). Tôi chỉ ham coi hát nên bất cứ gánh nào tới, trung bình hát ba đêm, thì ít nhất tôi cũng có mặt một đêm, chớ không khi nào làm ngơ.

Nhưng phải công nhận là Bảy Cao có nét mặt rất đẹp. Trong bọn học trò chúng tôi, có một đứa tên là Phước, con ông chủ Sáng ở làng Lương Hòa. Phước rất giống Bảy Cao, nên chúng tôi gọi nó là "Bảy Cao", riết rồi thành danh. Vào lớp, thầy cũng kêu nó là Bảy Cao luôn. (Ông có tài vẽ vòng tròn, quay tay một vòng là y như vẽ bằng compas.)

Tôi vẫn ghét toán, và sợ thầy dạy toán. Bữa nào đứng ở hàng ba, tới giờ rồi mà chưa thấy ông tới thì mừng lắm. Bữa nào thấy ông lom khom đạp xe ở đầu đường bã đậu sau trường Phan Thanh Giản thì lo rầu lần. Ngược lại giờ luận văn thì trò này rất oai hùng lẫm liệt. Bài của cậu ta luôn luôn trên 12/20 (chưa có ai được 13), và được khen là bài mẫu. Thầy tôi, tú tài Nguyễn Nhơn Nghĩa ở huyện Sóc Sải đem ra đọc lên cho cả lớp nghe. Trong lớp lại có hai cô đầm cũng thua điểm tôi. Mà không thua sao được khi đầu đề thầy cho là: "Một ngày ở đồng quê " (Une joumée à la campngne) thì hai cô làm sao mà rặn cho ra? Còn tôi thì trúng tủ, tôi chỉ kể lại những gì tôi làm lúc trước như chăn trâu, thả diều, hớt cá lia thìa thì vô đề quá trời. Tôi nhớ cá lia thìa, tôi không biết kêu là gì, bèn phịa đại là "poisson de combat ' cũng được thầy khen đáo để.

Tối tối, đêm nào có gánh hát thì thầy giám thị nói chặn trước. Thầy cũng từng làm quỉ phá nhà chay thời trẻ nên bây giờ rất rành tâm lý của chúng tôi. Thầy bảo chung tất cả:

- Bây có đi thì đi (coi hát), mỗi đêm đi chừng 1/3 thôi. Đêm nay đứa này đi, đêm mai đứa kia đi, chớ đồng hè đi ráo, rủi ông Đốc đến, thấy lớp học trống rỗng, ông cất chén cơm tao!

Chúng tôi đâu có làm theo lời thầy yêu cầu. Bữa nào đằng rạp có quảng cáo đấu "boa-nha", và "lông-rông" qua cửa sổ, đít có gai làm sao ngồi học cho thuộc bài. Lén lén ném vở xuống phòng ngủ rồi đi vòng theo giếng nước mà lỉnh mất tới khuya vãn hát mới về. Thầy hay chỉ đằng hắng cho có chừng, trong lúc "nội ứng" mở cửa phòng ngủ cho vào. Sáng mai có ăn "cặp hột vịt" cũng không ân hận.

Khi tôi lên Mỹ Tho học ở nội trú, sự canh gác gắt gao vô cùng, nên không có cơ hội nhảy rào xem hát nữa. Còn luận văn thì chỉ nhận được cao nhất là 114 điểm. Giáo sư dạy Pháp văn là bà đầm Pottier, người Pháp chính cống, vợ của một kỹ sư Pháp. Bà thương học trò và dễ dãi với chúng tôi bao nhiêu, thì ông thầy Việt cũng dạy Pháp văn khó tính, bắt "phốt " (faute) học trò gắt gao bấy nhiêu - Tới giờ trả bài luận văn, học trò thiếu điều chui trong hộc tủ. Đứa nào cũng bị ông phê gắt gao là nhếch nhác, vô nghĩa, trật mẹo, đủ thứ. Mỗi đứa trở thành một tội phạm, may lắm là được cặp hột vịt không đóng khung. Nghĩa là bài của anh chẳng có đáng gì cả, không bị phạt là may. Phần đông bị cặp "hột vịt đóng khung" (Zéros encadrés)nhưng cũng chưa đáng bị phạt. Một số đứa bị "- 00, nghĩa là bài của anh dưới cả số không - và bị phạt 1/2 "consigne". Trong năm học, tôi nhớ chỉ có một mình tôi là được 114 điểm mà thôi. Đó là điểm cao nhất của ông bố thí cho tôi.

Tôi cũng không biết cách cho điểm này có ảnh hướng gì đến tôi sau này hay không, nhưng có lần tôi đọc thấy trên báo Văn nghệ Hà nội: Léon Tolstoi tác giả Chiến tranh và Hòa bình đã từng chữa một số truyện hoặc một số đoạn văn của ông đến 108 lần - Còn Gustave Flaubert thì có một "style extrêmement travaillé" (câu văn cực kỳ trau chuốt). Nghề văn cũng lắm công phu! Cảm ơn thầy cho tôi 114 điểm.

Bây giờ xin trở lại trường Trung Châu của tôi.

Thời kỳ đó đã có mở lớp dạy tiếng Anh. Lớp cao nhất tiếng Pháp là năm thứ hai (2è Année). Tôi học năm thứ nhất mới đâu 13,14 tuổi gì thôi. Ở năm thứ hai có một chị tên là Hiền, người nữ sinh độc nhất mặc đồ đầm đi học trường này.

Hiền nhỏ nhắn xinh xinh, mặc "jupe" có "dentelle" (ren), cổ áo cũng có viền và tay phùng. Hiền đi xe đạp đầm bánh sau có bao lưới. Mỗi sáng thứ 3 và thứ 6 có giờ toán, tôi thường ra đứng ở thềm ba ngóng ông thầy để "mừng" hay "rầu'. Bỗng một hôm có một bóng hồng cỡi xe đạp thả dốc vào sân trường. Trường không có cổng, không có gác dan, nên ai đi xe đạp cũng thả dốc, ít ai chịu xuống dết xe. Đó là chị Hiền chớ không ai khác.

Từ đó tôi cũng ra thềm đứng ngóng, nhưng không phải ngóng thầy mà cũng không biết chờ ai. Bỗng một bữa Hiền thả dốc vào sân, và dựng xe ở thềm. Chị vào văn phòng có lẽ để đóng tiền trường. Lúc chị trở ra, tôi vẫn còn đứng ở đó. Bỗng nhiên tôi buột miệng nói như hát, khi Hiền vừa đi qua. "O ma belle, te t'adore! " (Ô! Người đẹp, tôi yêu nàng ! )

Hiền quay lại nhìn tôi, rồi bước thẳng đến dắt xe đi. Hôm sau, không phải là thứ ba, cũng không phải là thứ sáu nhưng tôi vẫn ra ngóng. Hiền thả dốc và thắng xe trước mặt tôi, hôi bằng tiếng Pháp:

- Cậu nói với ai ngày hôm qua?

- Tôi có nói gì đâu!

- O ma belle ... còn chối hả?

- À đó là câu hát trong bài Tango Chinois.

- Ở đâu "toi, có bài đó?

- Tôi nghe thầy Phước hát. (Thầy Phước thi rớt "diplôme", dạy lớp "supérieur ' ở đây).

Quả thật thầy Phước lúc đó có vẻ mến cô Sầy, em vợ ông đốc Trần Văn Kế, cô đang dạy lớp nhì năm thứ hai, nên lúc nào thầy cũng hát luôn miệng câu đó, đến nỗi ai cũng biết tình cảm của thầy đối với cô, và chúng tôi thuộc luôn cả bài.

Hiền lại nói:

- "Toi" hát được không?

- Tôi chỉ bắt chước thôi.

Sự thực tôi đã thuộc bài này từ dưới quận, nhưng ít hay hát. Lên đây nghe thầy Phước hát thì nhại theo, và nghe giọng mình hình như run run khi hát sau lưng Hiền. Chẳng ngờ chủ nhật hôm đó, Hiền cho người đến chở tôi về nhà chị. Chị là con của một ông Phán, nhà ở trong xóm dừa Mỹ Hòa.

Nhà có đàn piano. Chị đánh đàn cho tôi hát để chữa những chỗ sai trong bài Tango Chinois và dạy tôi nhiều bài khác.

Tôi vừa hát vừa run, vừa sung sướng vừa sợ hãi. Ở đâu có chuyện bất ngờ như vậy? Lúc năm tuổi tôi "phá" đờn Harmnonium của thầy Năm trong nhà thờ ở quê ngoại, lên 10 tôi nghe tiếng đờn piano ở gần tiệm chụp hình, và bây giờ được hòa giọng vịt đực của mình vào tiếng đờn này. Thật là kỳ lạ !

Chị Hiền dạy cho tôi những bài hát sau đây: Chante, ma guitare và Guitare d'amour. Tôi chỉ được chị Hiền đón về nhà vài ba lần rồi hết năm học.

Khi tôi lên Mỹ Tho, có vài lần về ghé trường Trung Châu thăm thầy cũ, nhưng các thầy đã đi nơi khác, chỉ còn thầy giám thị ở lại. Bạn xưa cũng chẳng còn ai. Buồn tênh, buồn hơn nữa là thầy cho tôi biết chị Hiền đã lấy chồng. Bây giờ tôi mặc quần áo sạch sẽ, giầy dép tươm tất, nhưng không đến thăm được chị để nói hoặc hát bài hát năm nào:

O ma belle, je t'adore!

Những bài hát trên đã in sâu vào trái tim thời niên thiếu của tôi, những bài hát mà danh ca Tino Rossi với giọng hát tài hoa đã làm say đấm hàng vạn trái tim nam thanh nữ tú từ Nam chí Bắc của thời bấy giờ. Riêng tôi ngày nay thỉnh thoảng trong một niềm rung cảm bất ngờ, tôi hát khe khẽ đôi câu để nhớ chị Hiền, một người chị như chị của Nguyễn Bính hay của Chateaubriand. Không biết bây giờ chị ở đâu, chị Hiền? Chị có hiện ra hay không trong tác phẩm của tôi?

Nếu còn sống thì chị đã 70, và không biết chị có đọc dòng chữ này của tôi không? Hồi đó chị đánh đàn cho tôi hát, tay chị có run không? Chị có hiểu vì sao tôi hát câu ấy không? Chớ tôi thì tới bây giờ tôi vẫn không hiểu?

Ôi! Những âm thanh kỳ diệu như nhưng giọt nước hồng rót từ bàn tay tiên nữ vào lòng tuổi trẻ đến nay vẫn còn say kẻ bạc đầu.

CHƯƠNG VI

NẮNG GIÓ
VÀ TIẾNG CHUÔNG CHÙA QUÊ NGOẠI

Trong những năm đi học tôi thường dùng hầu hết những ngày bãi trường để rong chơi ở quê ngoại tôi. Một vùng đất nằm ven con rạch chảy suốt bề ngang cù lao Minh như một sợi đai ngọc nối liền hai nhánh sông Cửu Long, Hàm Luông và Cổ Chiên, và chảy qua hai phố chợ lớn là Tân Hương và Cầu Mống. Sau nhà ngoại tôi là một cánh đồng rộng chạy liền tới xóm Cái bần thuộc làng Đại Điền, một làng trù phú gồm những nhà giàu lớn nhất nhì tỉnh Bến Tre. Trên cánh đồng này toạ lạc một ngôi chùa có cái tên rất đẹp là Oai Linh Tự, do một nông dân thành tính Đức Phật lập nên, từ căn chòi lá lụp sụp. Đến khi tôi lớn lên, đã thấy mái ngói nguy nga ẩn núp trong vườn cây sum xuê hoa lá. Xa trông như một hòn đảo xanh giữa biển sóng vàng lúa chín. Những năm ở nhà hay lên trường quận học tôi cũng vui chơi thích thú, nhưng về quê ngoại thì mới thoả chí tang bồng.

Bên cạnh nhà ngoại tôi lại còn có ngôi nhà thờ cũng như ngôi nhà thờ bên nhà tôi, nó chỉ cách một mương ranh nho nhỏ. Thành thử lúc nào cậu bé cũng được nghe tiếng chuông nhà thờ đổ và chuông chùa ngân. Má tôi sanh tôi ra ở nhà ngoại tôi. Má tôi kể lại rằng bà cho tôi bú đều đặn là nhờ nghe tiếng chuông nhà thờ và chuông chùa, thay vì xem đồng hồ.

Quê ngoại đối với tôi là một bài thơ dài, một thiên hồi ký không viết ra nổi. Tới chết tôi vẫn còn mang những hình tượng đẹp đẽ về một miền quê, nơi tôi khóc tiếng chào đời trong một ngôi nhà xưa u tịch. Chính ngôi nhà xưa này là vườn ươm tâm hồn thơ dại của tôi. Đối với tôi không mảnh đất nào đẹp bằng Quê Ngoại. Nơi đây tôi có hầu tất cả những gì quí giá cho tuổi thơ : sách vở thi văn, trò chơi và tình thương. Tôi viết ra những dòng này để tri ân và tôn vinh Quê Ngoại, một mảnh trời riêng của tôi, không thể tìm đâu ra trên cõi đời này.

Ở trong nhà tôi đọc truyện cho ông Cố tôi nghe, ra đây tôi được nghe các dì (em của má tôi) đọc truyện cho tôi nghe. Dì Năm thì đọc Ngũ Hổ Bình Tây, đoạn Địch Thanh chạy trốn, bỏ Thoại Ba công chúa, công chúa đuổi theo kịp, gọi: "Bớ Địch Thanh! Hãy dừng ngựa!" Dì khóc òa, nghẹn ngào không đọc được nữa, cả nhà cũng khóc theo, trừ cậu Tám tôi. Cậu đang học trường quận, cậu bảo: "Khóc cái gì! Đó là truyện bên Tàu một ngàn năm trước người ta đặt ra, chớ phải thật hay sao?"

Dì Tư tôi thì đọc tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân, loại sách khổ lớn. Tôi tò mò cũng đọc cho biết tiểu thuyết là gì . Tuy không hiểu, nhưng cũng đọc hết quyển. Ngoại tôi chẳng những nói thơ Lục Vân Tiên, mà còn chép luôn cả quyển.

Có người ở huyện Đông Thành,
Tu nhân tích đức sớm sanh con hiền.
Đặt tên là Lục Vân Tiên,
Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành.
Theo thầy nấu sử xôi kinh,
Tháng ngày bao quản sân Trình nắng mưa.

Sau này khi lên trung học, giờ Annamite, giáo sư (Pháp văn) Huỳnh Đình Tràng giảng Lục Vân Tiên bằng tiếng Pháp - ông gọi Nguyệt Nga là fiancée của Vân Tiên - tới hai câu:

Văn đà khởi phụng đằng giao,
Võ thêm tam lược, lục thao ai bì.

Ông lắc đầu, không biết làm thế nào cho chúng tôi hiểu, cực chẳng đã, ông phải nói bằng tiếng Việt, là cái ngôn ngữ đã trở thành xa lạ đối với ông. Chim phụng không có trong tiếng Pháp, còn đằng giao thì dịch làm sao? "Tam lược, lục thao" lại càng khó nữa!

Cậu Tám tôi thì lúc nào cũng nói lối Chiêu Quân cống Hồ :

...Ơn quân vương đáp lại mảy may
Lộc nhà vua no ốm bấy lâu nay
Gặp nạn nước phải liều thân cho trăm họ...

Hoặc kêu Lô-tô:

Nước chảy bon bon
Con vượn bồng con
Lên non hái trái
Tôi cảm thương nàng
Phận gái mồ côi,
Con số một ôi!!

Cậu Bảy tôi đi học ngoài đế đô lâu lâu mới về. Cậu dạy tôi đờn măng-đô những bài hát Santa Lucia, Si tu reviens, Tant qu'il y aura des étoiles.

Nhà ngoại không có tủ sách, chỉ có "buồng gói" là phòng để cất giấu những đồ quí. Ban ngày vào đó cũng phải dùng đèn pin. Và một cái tủ gỗ trắc mun đen, trong đó đựng áo Tây, cà vạt của cậu và áo dài mốt, dầu thơm của các dì. Má tôi không thích những thứ này, nên không bao giờ ngó tới. Ngoài những thứ ấy ra, chiếc tủ còn chứa những cuốn sách rất quan hệ đối với tôi.

Cậu cho tôi nhiều sách lắm: Andromaque, Tartuffe, Le Cid, những sách cổ điển loại khó của Pháp, tôi nhận, nhưng không đọc nổi. Bên cạnh những cuốn ấy còn có: Pêcheurs d'Islande của Pierre Loti, Contes choisis, Contes de la bécasse của Guy de Maupassant, Lettres de mon moulin của Alphonse Daudet. Những quyển này tôi đọc được ngay. Có lẽ đó là những truyện Pháp đầu tiên tôi được đọc tại nhà .Tôi đã khóc khi đọc đến kết luận cuốn Pêcheurs d'Islande: "Người yêu của Yuan ra đi chuyên ấy và không bao giờ về nữa".

Khi lên trường, tôi trình số sách của cậu tôi cho với bà đầm dạy Pháp văn, bà chỉ cho phép đọc cuốn Pêcheurs d' Islande, còn truyện của Maupassant, bà bảo:

"Tuổi con chưa đọc được". Tôi không hiểu vì sao, nhưng tôi đã đọc cả rồi. Có lẽ trong sách mô tả nhiều màn yêu đương quá chăng? Về sau khi ra Hà nội (đã bắt đầu viết văn) tôi lại được chị Mộng Sơn tặng cho một quyển truyện ngắn chọn lọc của Maupassant, Nguyễn Khai cho mượn quyển Miss Harriet cũng của Maupassant. Và tôi lục lọi tìm đọc (có lẽ tất cả) truyện của Maupassant, kể cả tiểu thuyết Une vie của ông nữa. Có thể nói đây là nhà văn Pháp tôi đọc nhiều nhất. Tôi cũng có thử đọc tập Trois Contes của Gustave Flaubert, thầy của Maupassant, nhưng khó quá, đọc không nổi. Cái tủ của cậu tôi đã đóng một vai trò rất quan trọng trong đời học trò của tôi.

Lúc tôi 4, 5 tuổi, mỗi lần ra nhà ngoại thì ông thầy Năm bên nhà thờ sang ẵm tôi về nhà thầy chơi. Thầy để tôi ngồi trên bắp vế và cho tôi phá đờn. Cây đờn harmonium của nhà thờ. Thầy cầm tay tôi ấn vào các phiếm, miệng hát đồ-rê-mi. Có lẽ đây là lần đầu tôi được nghe tiếng đờn. Tôi lớn lên dần, và thầy vẫn còn ở đó giảng đạo, chớ không đổi đi đâu. Thầy dạy tôi đọc kinh và cắt nghĩa cho tôi những tấm ảnh Đức Mẹ và chúa Giê Su. Đến bây giờ tôi đã già, khi viết hồi ký, bỗng nhiên giật mình tự hỏi: Sao mình vẫn chưa giữ đạo? Một hôm tôi đi thỉnh ảnh Đức Mẹ về treo trong nhà . Vẫn gương mặt sầu não ngày xửa ngày xưa. Đôi mắt như nhuốm lệ nhìn xuống trần thế. Ngồi viết mà ngôi nhà thờ cũ Quê Ngoại chập chờn trong đầu. Cậu bé ngồi trong lòng ông thầy dọc phá những phím đờn.

Ngày rằm tháng bảy một năm nào, tôi theo Ngoại tôi đi xuống chùa Oai Linh. Ngôi chùa ở giữa ruộng khoáng đạt với gió với mây. Chiều chiều tiếng chuông ngân nga phủ ấm rặng vườn, ru hồn nhân thế. Thử nghĩ làng xóm không có tiếng chuông nhà thờ và tiếng chuông chùa sẽ lạnh lẽo biết bao? Người đời sẽ không còn biết nương tựa vào đâu mà sống, những cuộc xâu xé sẽ càng khốc liệt hơn, đẫm máu hơn.

Bước chân vào nhà chùa, tôi thấy một cuộc sống khác. Áo nâu, dép mo, những đĩa cà, những hũ dưa. Nét mặt sư cụ trông cũng không giống người ngoài xóm, tiếng nói chậm chạp, giọng nói ôn hòa. Bất giác tôi nhớ lại những trang truyện Tây Du. Tôi đứng trước bức tường vẽ hình Thập Điện U Minh, những hình phạt hãi hùng - nào tội nhân bị cưa hai nấu dầu, nào tội nhơn đầu đội chậu máu, đít ngồi bàn chông, nào tội nhơn bị quỉ sứ lóc thịt xẻ da v.v... Bên cạnh đó, chiếc cầu Nại Hà mịt mù giữa sương khói, dưới dạ cầu nào là rắn rết, hùm beo, tội nhơn đi trên cầu sẩy chân rơi xuống bị thú dữ xé xác. Những trang truyện Tây Du mô tả đúng y như cảnh này. Ôi, thật là khủng khiếp? Tôi sợ quá, chạy tới nắm tay Ngoại tôi, hỏi:
- Còn ông vua Đường đâu, hả Ngoại?
Ngoại tôi ngạc nhiên:
- Ông vua Đường nào?
- Ông vua bỏ nhúm cát trong ly rượu của Tam Tạng.
Ngoại tôi trỏ ngoài sân:
- Ngoài kia kìa.
Tôi chạy ra sân nhìn dọc hàng rào bằng gạch, những ô hình đầy màu sắc. Dần dần tôi nhận ra, đó là những bức hình mô tả những tai nạn của Tam Tạng trên bước đường thỉnh kinh. Đã đọc truyện nên tôi nhận ra một cách lý thú như tái ngộ những bạn đời trên bước đường lưu lạc bơ vơ của tôi hôm nay.
Đây là buổi tiễn đưa Tam Tạng. Vua Đường đang bỏ nhúm cát vào ly rượu. Đây là hình Thái Bạch Kim Tinh giải tỏa cho Tam Tạng ... Đây nữa Tôn Hành Giả mượn quạt Ba Tiêu. Còn đây là Tam Tạng đến Tây Lương Nữ quốc v v .
Tôi mê mải xem, nhìn lại dưới chân thấy mấy con qui bò bên chân tường, trên vách vẽ hình con ba ba tu lâu năm, chở thầy trò Đường tăng qua Đại Độ hà. Tôi tưởng đây là những chú ba ba con bò lên từ đáy sông ấy. Xem một hồi, tôi vào chùa. Nhìn lên phía phải, trên bàn thờ rất nhiều hình tượng. Tôi chợt nhớ Phật tổ phong cho Bát Giái chức La Hán. Tôi tự nhủ: Chắc ông ấy đứng chung trong hàng những vị này. Tôi cố tìm, nhưng không thấy khuôn mặt nào giống ông ấy cả.
Từ đó về sau, mỗi khi theo Ngoại đi chùa, tôi ở ngoài xem các ô hình trên vách tường. Có tất cả là 81 ô. Đúng ra khi tới Tây phương thì Đường tăng chỉ vượt qua có 80 nạn, nhưng Phật tổ bảo theo nhà Phật thì phải "Cửu cửu bát nhất" nên Ngài "tạo" thêm một tai nạn cho đủ số 81. Đó là tai nạn "Vô tự kinh" - Khi lãnh kinh, Tam Tạng không có hối lộ cho người giữ Tàng Kinh lầu, nên bị ông phát cho những quyển kinh không có chữ. Tam Tạng phải quay trở lại hối lộ cái bình bát bằng vàng, kỷ vật của vua Đường tặng, để lãnh kinh có chữ.
Tôi sợ không dám xem hình Thập Điện U Minh nữa. Nhưng cho tới bây giờ, những hình ảnh đó vẫn in đậm 'rong đầu tôi. Và mặc dầu được tiếp xúc với thế giới văn minh, tôi vẫn không sao xóa được những hình ảnh đó, cũng như câu kinh Thiên Chúa:
Kẻ lành được lên thiên đàng, kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt đời đời. Văn hóa quả là... ghê gớm vì sức ăn sâu và tác động lâu dài của nó.
Bây giờ tôi đã già, nhìn lại suốt từ khi đọc trang truyện Tây Du đầu tiên, tôi thấy tôi là đứa bé ham văn nghệ. Gặp truyện là đọc ngay. Rồi mê xem hát. Tờ truyện và tuồng hát đi vào tôi một cách dễ dàng như nước tưới vào gốc cây. Rồi thích ca hát, mê xem hình vẽ. Chưa bao giờ tôi mơ ước trở thành tài tử hay nhà văn. Chỉ biết ham các môn ấy. Và cái môn tôi sợ nhất là toán! Đến bây giờ tôi làm tính cộng vẫn còn ... trật!
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...